Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 20)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Vai trò của các lực lượng xã hội
Giáo hội Công giáo có vai trò gì?
Trong giai đoạn chuyển hóa ban đầu, Giáo hội không phải là vấn đề nghiêm trọng, mặc dù đã có căng thẳng nghiêm trọng trong nhà nước được coi là Công giáo. Hiến pháp công nhận Giáo hội Công giáo là tôn giáo của đa số. Trong thời khắc chuyển hóa dân chủ, Giáo hội Công giáo đã tiến hóa từ cơ cấu ủng hộ chế độ Fanco về tư tưởng và tôn giáo thành tầng lớp tinh hoa ủng hộ động cơ của thay đổi và dân chủ hóa. Vấn đề của Giáo hội đã được giải quyết một cách hợp lí nhưng không dứt khoát. Ban đầu nó có vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho quá trình chuyển hóa. Tiếng kêu gào của phái cực hữu thỉnh thoảng lại vang lên, đó là câu Tarancón al paredón [“cho Tarancon dựa cột”, Hồng y Tarancon là Tổng giám mục Madrid, giai đoạn 1971-1983 và đã có vai trò trung gian trong quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ]. Đó là tiếng kêu gào chiến tranh.
Sự xuất hiện của Đức Giáo hoàng John Paul II đánh dấu bước khởi đầu của một quá trình đi thụt lùi trong phần thuật ngữ của giáo lí của Giáo Hội. Đã có những bước thụt lùi, vì Giáo hội đã rất hung hăng trong việc thúc đẩy luật chống phá thai và li hôn, đã được trình lên trong thời Adolfo Suarez, với sự ủng hộ của chúng tôi, vì một mình ông thì không thể nào làm cho luật này được thông qua. Về bản chất, Giáo hội rất ngoan cố trước những vấn đề này. Trong những năm gần đây, chính quyền của Zapatero, với sự mở rộng các quyền tự do, đã chứng kiến những cuộc biểu tình của các giám mục và linh mục trên đường phố, hiện tượng chưa từng có trước đây, nhằm phản đối dự luật được đa số trong cơ quan lập pháp ủng hộ.
Tại sao lại khó xử lí quan hệ với Giáo hội Công giáo?
Về mặt lịch sử, Giáo hội ở Tây Ban Nha cảm thấy mình có nhiều quyền lực hơn so với bất kì nước nào khác. Cuộc nội chiến được mô tả như cuộc thập tự chinh, như một cuộc chiến chống lại
những kẻ nghịch đạo, đậm nét tôn giáo hơn hẳn so với Italy. Mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước, thậm chí trong chính phủ của tôi, từ quan điểm kinh tế, Giáo hội ở Tây Ban Nha được lợi hơn là ở Italy, Bỉ hay bất kì nước theo Công giáo nào khác. Bây giờ, vì khủng hoảng kinh tế mà có cuộc tranh luận nhỏ, vì Giáo Hội không nộp thuế tài sản, dù đấy là một căn hộ, một trường học trung học, một doanh nghiệp, hay bất kì tòa nhà nào khác mà họ cho thuê, ngay cả khi những cơ sở nói trên hoạt động như các doanh nghiệp.
Khi còn làm việc trong chính phủ, tôi đã được Agostino Casaroli, thuộc Công đồng Vatican II, tới thăm; lúc đó ngài vẫn là Bộ trưởng ngoại giao, sau khi Đức Giáo hoàng John Paul II đã đươc bầu - từ năm 1979 đến năm 1990. Ngài là một người rất tinh tế và rất thông minh. Một hôm, ngài tới để nói về mối bận tâm về tài chính mà vị đại sứ của Giáo hoàng ở Tây Ban Nha, Mario Tagliaferri, đã đưa vào một văn kiện. Tôi đã nói với ngài: “Tôi biết ngài quan tâm tới vấn đề tài chính của Giáo hội. Tôi sẽ giải quyết dứt điểm, để ngài thấy rằng những người cung cấp thông tin cho ngài đang lừa dối ngài”, vì tôi biết rằng họ chính là những người đang ngồi bên cạnh ngài. “Thứ nhất, xin hãy yêu cầu họ cung cấp cho ngài thông tin khoản tiền mà nhà nước tài trợ cho Giáo hội đã tăng lên mấy lần sau khi các đảng viên Đảng Xã hội, những người không theo tôn giáo như tôi, nằm trong chính phủ”. Ngoài ra, tôi còn hỏi ngài, Vatican có quan hệ ngoại giao chính thức với bao nhiêu quốc gia. “Với 104”, ngài nói. “Vì vậy, xin cho tôi biết mô hình nào là tốt nhất đối với các ngài, và từ đây tôi sẽ tiến hành thay đổi các thỏa thuận của Tây Ban Nha với Tòa thánh Vatican cho phù hợp với mô hình mà các ngài chọn”. Ngài không bao giờ còn đưa vấn đề đó ra với tôi nữa. Đấy là vào năm 1986, tôi đã giải quyết trong một lần nói chuyện duy nhất, một cách dứt khoát.
Huy động xã hội
Huy động xã hội trong quá trình chuyển hóa quan trọng tới mức nào? Vai trò của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ là gì?
Quá trình chuyển hóa ở Tây Ban Nha thành công một phần là do đa số rất lớn, rất rộng trong xã hội đã sẵn sàng. Công tác vận động được triển khai rất mạnh mẽ, các công đoàn, sinh viên, học sinh, hội đồng hương và các hiệp hội của cộng đồng tham gia rất tích cực. Ví dụ, trong suốt nhiều năm, đã có những thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nằm ngoài vòng kiểm soát mà chế độ độc tài tròng lên đầu lên cổ một số công đoàn chính thức. Thật vậy, tôi là luật sư bảo vệ người lao động, tôi hoạt động nghề nghiệp trong văn phòng về luật lao động nằm rải rác trong một số vùng trong nước, bên ngoài cơ cấu tổ chức công đoàn của chế độ, tôi làm việc với các Ủy ban Công nhân (Comisiones Obreras) và Tổng Liên đoàn Lao động (Union General de Trabajadores), lúc đó, đây là hai công đoàn lớn nhất nằm ngoài vòng pháp luật. Các đại diện của doanh nghiệp biết - khi họ ngồi đàm phán - rằng họ không đàm phán với công đoàn chính thức theo chiều dọc, mà đàm phán với những người đại diện thực sự của người lao động.
Quá trình chuyển hóa khá yên tĩnh trừ một vài vụ khủng bố do phái cực hữu thực hiện. Đa số người dân trong xã hội đã được chuẩn bị và sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối thoại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống dân chủ. Người dân sẽ xuống đường, vì các khu phố được tổ chức rất tốt, các hiệp hội trong dân cư, trong đó có các hiệp hội phụ nữ, lãnh đạo nhiều phong trào trong khu dân cư. Phụ nữ cũng tham gia sâu vào các nghiệp đoàn, bên cạnh phong trào nữ quyền đấu tranh nhằm thúc đẩy những đòi hỏi của họ. Phụ nữ tham gia khá tích cực, đến mức là trong tiến trình dân chủ, Tây Ban Nha là nước đạt được một cách nhanh nhất sự ngang bằng giữa đại diện của phái nữ và phái nam trong cơ quan lập pháp, tương đương với các nước Bắc Âu, như Thụy Điển và Na Uy. Những thay đổi dân chủ đó đã mang lại quyền lợi trực tiếp cho phụ nữ, vì họ đã thoát khỏi tình trạng bị coi là “tàn phế” và được hưởng những quyền mới giành được. Dưới thời Franco, phụ nữ không thể mua nhà hay ô tô, cũng không thể vay ngân hàng, phải được cha hay chồng bảo lãnh thì mới được làm những việc đó. Việc này đã được giải quyết cùng với quá trình chuyển hóa dân chủ ở Tây Ban Nha.
Phản ứng trước khủng hoảng kinh tế
Tình hình kinh tế ảnh hưởng như thế nào tới quá trình chuyển hóa và Hiệp ước Moncloa có ý nghĩa như thế nào?
Cuộc họp ở Moncloa mở đường cho một hiệp ước rất lớn về hiến pháp lớn. Đấy là hiệp ước mang tầm quốc gia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng với những yếu tố chính trị đang tạo ra nguy cơ ngóc đầu dậy của các lực lượng phản tiến bộ (về chính trị). Ý nghĩa của hiệp ước này là vấn đề kinh tế. Hiệp ước đã được một số lực lượng cánh tả và một số công đoàn chấp nhận nhằm đặt dấu chấm hết cho vụ lạm phát phi mã đang phá hủy nền kinh tế Tây Ban Nha, sao cho những cuộc đàm phán về lương sẽ dựa trên tốc độ lạm phát được dự đoán cho tương lai chứ không dựa trên tốc độ lạm phát của quá khứ nữa. Đấy là điều cực kì quan trong, vì đây là lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo chính phủ, xuất thân từ chế độ độc tài Franco đã ngồi với các nhà lãnh đạo xuất thân từ bên ngoài hệ thống đó. Ngay sau cuộc bầu cử lần thứ nhất, được tổ chức tháng 6 năm 1977, thì tháng 10 họ đã tham gia đối thoại nhằm tiến tới thoả thuận để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, vì chính phủ không đủ mạnh và không có tính chính danh cần thiết để áp đặt chính sách kinh tế mà không có sự thỏa thuận với phe đối lập.
Sự suy thoái của nền kinh tế có thể tạo ra rủi ro khá lớn, nhưng các cuộc tấn công khủng bố còn làm gia tăng hơn nữa; kết hợp lại, chúng tạo ra nguy cơ thụt lùi. Đối với thủ tướng Adolfo Suarez, ưu tiên chủ yếu là chính trị; là phải vượt qua những cạm bẫy chính trị để củng cố quá trình chuyển hóa: Soạn thảo và thực thi hiến pháp. Ưu tiên kinh tế thuộc hàng thứ hai. Ngoài các vấn đề chính trị, ông không muốn có các vấn đề xã hội, trong đó có những cuộc đình công và xung đột lớn, giữa lúc tình hình kinh tế đang rất khó giải quyết. Vì ông không thể giải quyết một mình, ông tìm một số thỏa thuận.
Thành tựu lớn nhất của Hiệp ước Moncloa là nó thông báo cho cả nước biết rằng phe đối lập, từ Đảng Cộng sản tới Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ Cơ đốc (Christian Democrats), đã thỏa thuận với những nhà cải cách của chế độ nhằm xác định những khu vực mà đất nước cần đồng thuận để tiến lên. Đây là cái phanh khác thường, đủ sức ngăn chặn những cuộc xung đột xã hội trong khi lạm phát đã ở mức 26% hoặc 27% và đang tăng, với sự mất cân đối rất lớn trong ngân sách nhà nước. Phải nhớ rằng Franco đã chết ngay sau cú sốc giá dầu lần thứ nhất. Tây Ban Nha đã không áp dụng những cuộc cải cách mà Hà Lan hay Đức đã làm trước khi diễn ra cú sốc dầu khí. Vì vậy, đã có những khoản chi phí lớn trong lĩnh vực năng lượng, một sự thất bại về kinh tế, kèm theo những khó khăn về chính trị mà chúng ta đã phân tích.
Hiệp ước Moncloa đòi hỏi, trước hết, việc thể hiện rõ ràng ý chí trước các công dân rằng các lực lượng chính trị, dù họ đến từ đâu, đã xác định được không gian hành động. Nội dung nào của đồng thuận giúp củng cố đất nước? Nó đòi hỏi phải biết cách xác định, tương tự như một ông bố tốt, ông ta quyết định ăn gì, và quyết định không được mang thức ăn ra làm trò chơi. Có thể nhận xét rằng tất cả các các nước trên thế giới đã làm như thế, mặc dù đây không nằm trong thỏa thuận chính thức, đều là những chế độ dân chủ đã được củng cố. Ở Mỹ, việc này được làm theo một cách, ở Anh làm theo cách khác. Có một số vấn đề vượt cao hơn lợi ích của đảng, trở thành một phần của lợi ích dân tộc, cho nên không cần xem xét lại. Đấy là cái mà tôi gọi là thức ăn của bạn, phải giữ gìn. Những vấn đề này liên quan đến chính sách đối ngoại, với tình trạng bất cân đối kinh tế khủng khiếp, hay cần có thỏa thuận, ví dụ, về việc phân cấp quyền lực nhà nước. Đó là lí do vì sao Hiệp ước Moncloa làm cho chúng tôi sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán về hiến pháp.
Quản lí kinh tế để phát triển
Ông có nghĩ rằng hiệp ước như vậy là cần thiết và khả thi vào lúc này, với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Tây Ban Nha?
Không nhất thiết, nhưng nó cần hơn trước, vì nó ảnh hưởng tới một số khía cạnh. Ở Tây Ban Nha người ta thường xuyên thảo luận giai đoạn chuyển hóa sẽ kéo dài bao lâu. Tôi nghĩ rằng nó kéo dài cho đến khi chúng tôi có bản hiến pháp và luân chuyển quyền lực theo lối dân chủ. Khi chúng tôi nắm được chính phủ, quá trình chuyển hóa, các luật chơi, đã được thiết lập xong. Việc chúng tôi làm trong giai đoạn của mình không phải là tiếp tục quá trình chuyển hóa – việc này chúng tôi đã làm với Adolfo Suarez rồi. Các nhân vật chính là Adolfo Suarez và chúng tôi [PSOE, hay Partido Socialista Obrero Espanol] đã giúp đỡ theo sức của mình: Bằng Hiệp ước Moncloa, hiến pháp đã được thỏa thuận..v.v…
Bên cạnh việc mở cửa ra thế giới, chúng tôi còn củng cố chế độ dân chủ và hiện đại hóa đất nước. Nếu có một cách mô tả giai đoạn của chính phủ mà tôi là người đứng đầu, thì đó là giai đoạn củng cố chế độ dân chủ, cải cách lĩnh vực quân sự và làm sâu sắc thêm chế độ dân chủ - mở cửa ra với thế giới bên ngoài, tham gia EU, và mở cửa ra với Mỹ Latin và khu vực Địa Trung Hải, đấy là các lĩnh vực hoạt động chính của chúng tôi, và hiện đại hóa bộ máy sản xuất của Tây Ban Nha, bao gồm tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp nhằm đưa bộ máy sản xuất của Tây Ban Nha bắt kịp thời đại. Tôi được thừa hưởng bộ máy quản lí của Leopoldo Carlos Sotelo [Thủ tướng giai đoạn 1981-1982], ông này từng nói với tôi: “Đừng tự lừa dối mình. Tây Ban Nha, vì lí do cơ cấu, sẽ không bao giờ có mức lạm phát dưới hai con số”. Leopoldo nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có mức lạm thấp như ở Đức hay Pháp, vì ở Tây Ban Nha có vấn đề cơ cấu và vấn đề văn hoá, không cho phép chúng tôi giảm lạm phát xuống dưới hai con số. Cho nên ông nói với tôi rằng chúng ta phải làm việc về cơ cấu và văn hóa. Khi tôi được bầu, chúng tôi có mức lạm phát là 14%, nhờ có Hiệp ước Moncloa mà chúng tôi đã giảm lạm phát từ 26% xuống được mức đó. Khi tôi ra khỏi chính phủ, lạm phát tương tự như mức khi Aznar [thủ tướng 1996-2004] kết thúc nhiệm kì của ông và khi Zapatero [Thủ tướng 2004-2011] kết thúc nhiệm kì của ông (3,7%), và đối với tôi dường như vẫn quá cao.
Thách thức các nhóm lợi ích thâm căn cố đế
Những nhóm lợi ích trong lĩnh vực kinh doanh gần gũi với chế độ Franco có đe dọa quá trình chuyển hóa hay không?
Trong chiến dịch tranh cử họ rất hung hăng; thực vậy, cuộc đảo chính quân sự năm 1981, có dân thường tham gia là do người ta tìm cách ngăn không cho phái tả tiếp cận được với chính phủ, họ nghĩ rằng dường như rất có khả năng xảy ra chuyện đó. Năm 1979, họ đã vận động, nhưng thời điểm khó khăn nhất là khi đảng UCD của Adolfo Suarez bị nhấn chìm và cộng đồng doanh nghiệp chứng kiến ​​thành công của chúng tôi như là việc không thể nào tránh được. Một trong những điều họ thường nói trong chiến dịch năm 1982 là “người ta thậm chí sẽ quốc hữu hoá đất trong chậu hoa”. Vì vậy, đó là chiến dịch rất hung hăng và rất tiêu cực, với những bản thông báo trên báo chí thể hiện quả táo thối đang bị sâu ăn. Đó là việc làm vô ích, tôi không bao giờ để ý nhiều đến việc đó.
Khi tham gia chính phủ, tôi đã làm một số việc mà mọi người chưa quen. Từ thế kỷ XIX, các chính phủ kế tiếp nhau không có bộ trưởng kinh tế và tài chính nào mà không do các ngân hàng đề cử; cũng không có Bộ trưởng Công nghiệp nào được chỉ định, nếu người đó không được các công ty điện lực chống lưng. Chúng tôi đã phá vỡ truyền thống đó. Tôi đã có đủ quyền tự chủ trong việc ban hành những quyết định này.
Thiết lập quyền tự chủ của chính phủ đối với các nghiệp đoàn là công việc khó khăn hơn vì có xung đột với nghiệp đoàn do Nicolas Redondo [Tổng thư ký UGT giai đoạn 1971-1994] lãnh đạo. Các nghiệp đoàn muốn giữ truyền thống quyết định ai sẽ là Bộ trưởng Bộ lao động và xã hội. Tôi nói với họ rằng không có chỉ tiêu dành cho bất cứ người nào. Tôi quyết định ai tham gia chính phủ, hiến pháp yêu cầu tôi làm việc đó. Tất nhiên là có căng thẳng, nhưng các nhóm lợi ích trong lĩnh vực kinh doanh chỉ bắt đầu chán chính phủ khi cơ quan lập pháp thứ hai chấm dứt nhiệm kì.
Ricardo Lagos vẫn còn nhớ khi họ so sánh ông ta với tôi về quan hệ với giới kinh doanh. Ông nói trong một cuộc họp: “Nếu Felipe Gonzalez là một mô hình tham khảo tốt, như các giám đốc điều hành trong lĩnh vực kinh doanh nói, thì ‘cũng xin đừng quên rằng cứ mỗi năm ông ta còn trong chính phủ là gánh nặng thuế lại tăng lên 1% tổng sản phẩm quốc nội’”. Hoàn toàn đúng như thế, tôi có chân trong chính phủ suốt 14 năm, và khi tôi ra đi, gánh nặng thuế khóa đã tăng 14% so với khi tôi bước chân vào nhiệm sở. Nếu chúng tôi không làm việc đó, thì làm sao chúng tôi tạo lập được hệ thống giáo dục công lập cho toàn dân hay hệ thống y tế công cộng? Năm 1988, khối kinh doanh đã muốn thay đổi chính phủ, muốn nhiều đến mức, trước khi cuộc bầu cử được tổ chức, các nghiệp đoàn đã kêu gọi tổng đình công, cuộc đình công đã rất thành công và đã thỏa thuận được với người sử dụng lao động, thậm chí họ trả lương cho những giờ đình công. Những người sử dụng lao động đã tạo điều kiện cho cuộc đình công, và đất nước rơi vào bế tắc. Ngay cả hãng Television Espanola cũng đóng cửa. Năm 1989, tổ chức bầu cử và một lần nữa tôi giành được đa số trong cơ quan lập pháp.
Những khác biệt trong phe đối lập
Về các chính đảng, tại sao UCD (liên minh do Adolfo Suarez lãnh đạo đã tồn tại trong giai đoạn 1977-1983] bị nhấn chìm và một đảng cánh hữu, Đảng nhân dân (Partido Popular) kế thừa Liên minh nhân dân của Fraga (Fraga’s Alianza Popular), nổi lên,? Ông xử lí quan hệ với Cộng sản như thế nào?
Tôi không tin Cộng Sản, nhưng tôi không phải là người chống Cộng. Tôi thiết lập quan hệ với họ. Tôi là người đầu tiên, sau 30 năm, tiếp xúc với Santiago Carrillo, Tổng thư ký của Đảng Cộng sản, đang sống ở Pháp, kết quả là tôi nhận được mấy trăm bức thư của đảng viên Xã hội đang sống lưu vong, một số sống ở Tây Ban Nha, không chấp nhận giao tiếp với Cộng sản.
Lúc đó tôi không chấp nhận lí thuyết của Mitterrand về sự thống nhất của cánh tả. Lí thuyết này được Mario Soares ở Bồ Đào Nha [Thủ tướng thuộc Đảng Xã hội Bồ Đào Nha, giai đoạn 1976-1978 và 1983-1985, và tổng thống giai đoạn 1986-1996) chấp nhận vì ông bị buộc phải làm như thế, ông muốn cương lĩnh chính trị ở Bồ Đào Nha và tất cả nước Nam Âu là sự thống nhất của phái tả, chính cương lĩnh này đã đưa ông lên chức vụ tổng thống. Mitterrand không thể tin được rằng Cộng Sản giành được 9% và chúng tôi, PSOE, giành được 30% phiếu bầu ngay trong cuộc bầu cử đầu tiên. Ông nghĩ rằng chúng tôi sẽ chỉ được 12% hay 14%, và Cộng sản sẽ giành được 24% hay 25% phiếu bầu. Nhưng, tôi đã giải thích cho Mitterrand nghe rằng Pháp không phải là Tây Ban Nha, mà thực tế là cứ mỗi cử tri bỏ phiếu cho Cộng sản thì lại có ba người bầu cho chúng tôi, cho đến cuộc bầu cử ngày 15 tháng 7 năm 1977 ông vẫn không thể tin điều đó, lúc đó ông mới nhìn thấy mọi sự dưới ánh sáng khác hoàn toàn khác và bốn ngày sau đó, ông đã mời tôi tham dự Đại hội đảng của mình.
Mitterrand là người rất thông minh và cũng rất thủ đoạn. Ông đã đoàn kết với Cộng sản để đánh lừa họ; họ đưa ông lên nắm quyền và sau đó thì ông đưa Đảng Cộng sản xuống. Rồi ông quốc hữu hóa những thứ còn chưa được quốc hữu hóa trong hệ thống ngân hàng, các công ty công nghệ cao và các công ty công nghệ lớn ở Pháp. Trước hết, ông quốc hữu hoá những cơ sở đã không giúp ông trong chiến dịch tranh cử, trừ một vài ngoại lệ.
Tháng 7 năm 1982, tôi tiếp Kissinger ở Madrid, chuyến thăm được ghi lại trong cuốn hồi kí của ông này. Trong một cuộc trò chuyện kéo dài, ông nói với tôi: “Ông sẽ làm những việc mà Mitterrand đã làm, ông sẽ quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng”. Mỹ sợ mô hình của Mitterrand; họ sợ chiến thắng của ông ở Pháp và vì Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Nam Âu nói chung, cuối cùng có thể rơi vào tay Cộng sản, cùng với chiến lược thống nhất của cánh tả, đấy cũng là cách họ đang làm ở Italy. Kissinger được Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tới để xem ở Tây Ban Nha đang xảy ra những chuyện gì, họ biết ít về tôi và họ muốn tìm xem chính phủ sẽ đi theo hướng nào, sẽ làm gì trong tương lai. Ông kết thúc câu chuyện với lời bình luận khôi hài, ông nói với tôi: “Nếu ông không quốc hữu hoá hệ thống ngân hàng và những thứ khác, thì ông không phải là đảng viên Xã hội”. Tôi nói với ông rằng, rắc rối là ở chỗ ông đã đồng nhất đảng viên Đảng Xã hội với những người ngu, nhưng không phải điều đó lúc nào cũng đúng. Điều tôi sẽ làm là cho ngân hàng trung ương quyền tự chủ, để các ngân hàng cạnh tranh với nhau, có luật lệ và giám sát, nhưng tôi sẽ không quốc hữu hoá các ngân hàng; tôi sẽ không làm cho tín dụng trở thành đắt đỏ thêm hay quan liêu hóa nó, và tôi còn có kế hoạch để phi quốc doanh hóa các ngành công nghiệp mà chế độ Franco đã quốc hữu hóa. Đối với tôi, dường như việc nhà nước sản xuất ô tô ở công ty SEAT, một doanh nghiệp nhà nước, cỏn các công ty tư nhân thì xây dựng đường cao tốc là sự kiện không thể nào chấp nhận được; tôi thích làm ngược lại. Câu chuyện về những sự kiện xảy ra ở Nam Âu tác động rất mạnh đối với ông.
Có một hiện tượng rất thú vị, có tính thế hệ nhiều hơn bản năng chính trị. Từ cuộc bầu cử đầu tiên, năm 1977, sau bao nhiêu năm sống dưới chế độ độc tài, số phiếu phân bổ từ trung tả sang trung hữu cũng tương tự như các nước châu Âu đã từng tổ chức bầu cử trong một thời gian dài. Hành vi mang tính xã hội cũng vậy. Trong cuộc bầu cử đầu tiên [năm 1977], Adolfo Suarez được 34% phiếu bầu, tôi được 29%. Lúc đó vẫn còn Đảng Xã hội của Tierno Galvan, đảng này được 4,4%; đó là Đảng Xã hội và ôn hòa. Vì vậy, Đảng Dân chủ-Xã hội hơn Adolfo Suarez của UCD 1% phiều bầu. Cộng sản được nhiều phiếu bầu hơn là Fraga của Alianza Popular, liên minh này sau đó trở thành Đảng Nhân dân (Partido Popular – People’s Party). Tuy nhiên, Cộng sản cùng với những người dân tộc chủ nghĩa Catalunya vẫn tiếp tục là đảng thiểu số. Như vậy là, cuộc bầu cử lần đầu tiên đã dành cho các lực lượng của chế độ 43% hay 44% số phiếu bầu và các lực lượng chống đối chế độ khoảng 50%. Do đó, luật bầu cử đã cho Adolfo Suarez quyền lực, chứ không phải lá phiếu.
sự đồng cảm về ý thức hệ, thường là quen thuộc, nhưng đồng thời, bạn lại bỏ phiếu cho một khuôn mặt có thể hay không thể truyền được niềm tin. Thành tựu tuyệt vời của nhà vua là, mặc dù Suarez là tổng thư kí của phong trào, đại đa số người dân đã không coi ông là người chịu trách nhiệm về chế độ Franco, chịu trách nhiệm về chiến tranh, hay hậu quả của chúng. Đấy là lựa chọn mang tính thế hệ. Adolfo Suarez và tôi, rõ ràng là những người thuộc thế hệ hậu chiến, nhận được số phiếu làm cho chúng tôi nắm được hai phần ba số ghế trong cơ quan lập pháp. Carrillo, đại diện cho Đảng Cộng sản cứng rắn, được 9% phiếu, và Fraga được 8%. Nói cách khác, những khuôn mặt mà người dân đồng nhất với quá khứ không được nhiều phiếu, còn những khuôn mặt được người dân đồng nhất với tương lai của Tây Ban Nha – chế độ dân chủ - đã giành được đa số phiếu. Đó là thay đổi mang tính thế hệ: Người dân không bỏ phiếu cho quá khứ, họ bỏ phiếu cho tương lai, Carrillo và Fraga là quá khứ.
Chất lượng lãnh đạo
Ông cho rằng phẩm chất chính trị và trí tuệ của lãnh đạo là bẩm sinh hay học được? Và nếu học được thì ông học như thế nào?
Không có trường nào dạy cái đó. Khi người ta thực hiện quyền lực chính trị, dù là quyền lực của thiết chế hay không phải thiết chế, người ta cũng không tự đề ra lí thuyết về lãnh đạo cho chính mình. John Kennedy [Tổng thống Mỹ giai đoạn 1961-1963], là một trong số ít [Tổng thống] được đào tạo về chính trị học, đã có cuộc trò chuyện đáng nhớ với Bộ trưởng Quốc phòng. Khi McNamara từ chối chức Bộ trường Quốc phòng và đề nghị Kennedy đưa ông ta sang lĩnh vực thương mại, vì ông ta không có khái niệm gì về quốc phòng, Kennedy đã nói với ông ta như sau: “Ông nói rằng ông không được chuẩn bị để làm Bộ trưởng Quốc phòng, và tôi cũng không được chuẩn bị để là Tổng thống Mỹ”. Không có ai được chuẩn bị làm điều đó, trừ một hoặc hai ngoại lệ, chưa có nhà lãnh đạo đất nước nào xuất thân từ chính trị học, họ đã và đang là những nhà phân tích chính trị tuyệt vời hay họ là nhân vật số hai, đặt ra hướng đi cho đất nước. Vì vậy, không có trường dạy lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo chính trị phải có cam kết mạnh mẽ với chính sách mà ông/bà ta đưa ra và tin tưởng nó, và cam kết phải là ít vụ lợi nhất. Nhà lãnh đạo không chỉ là người lãnh đạo chính trị mà còn là người lãnh đạo xã hội tương tự như Mẹ Teresa ở Calcutta, người đã cho đi cả cuộc đời mình mà không nhận bất cứ thứ gì, không có chút vụ lợi nào. Vì vậy, sự tín nhiệm của nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo xã hội hay lãnh đạo doanh nghiệp về cơ bản dựa được xây dựng trên cam kết nghiêm túc đối với những đề xuất của người đó, tin tưởng vào nó mà không có bất cứ động cơ tư lợi nào.
Đặc điểm thứ hai của một nhà lãnh đạo chính trị là ông ta phải đánh giá được tâm trạng của những người khác. Ví dụ, sai lầm của Zapatero (Đã giành được chức Thú tướng Tây Ban Nha trong hai cuộc tổng tuyển cử 2004 và 2008 – ND) là gì? Khi cả nước đã biết rằng chúng tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng đáng sợ, thì ông ta thường xuyên xuất hiện và nói rằng tất cả những việc đó không nghiêm trọng và không có khủng hoảng gì hết. Ông ta không chịu xem xét tâm trạng của nhân dân. Một khi đã lãnh chức vụ, thì nghĩa vụ của người lãnh đạo chính trị là thay đổi tâm trạng của quần chúng. Nếu nó có tính tiêu cực, thì phải làm cho nó trở thành tích cực, không bao giờ làm được như thế nếu không đánh giá được tâm trạng của nhân dân. Những sai lầm chính trị lớn bao giờ cũng giống nhau. Vì vậy, nếu nhà lãnh đạo để ý đến tâm trạng của nhân dân và cam kết mạnh mẽ là sẽ đưa ra được giải pháp huy động mọi nguồn lực mà không mảy may vụ lợi, thì người đó sẽ có khả năng thay đổi tâm trạng tiêu cực thành tích cực. Đấy là sự kì diệu của chính trị, bởi vì xét cho cùng quyền lực chính là quản lí các kì vọng.
Điều kiện thứ ba là lựa chọn đội ngũ nhân viên và điều phối họ bằng thẩm quyền đạo đức và thuyết phục, chứ không phải sự đe doạ, bởi vì có quyền lực quyết định ai sẽ giữ chức trong nội các hay thôi giữ chức là quyền lực rất mạnh. Tuy nhiên, điều phối những người có nhiều tài năng đòi hỏi không chỉ quyền lực chính trị trong việc bổ nhiệm, mà còn đòi hỏi thẩm quyền đạo đức để họ tôn trọng bạn. Đó là cái mà Adolfo đã đánh mất và Liên đoàn của Trung tâm dân chủ (Union of the Democratic Center - UDC), tan rã. Ông đã đánh mất thẩm quyền đạo đức đối với nhóm người của mình, họ không đánh giá cao ông và họ đã không tôn trọng ông như là một thẩm quyền đạo đức. Tôi có thẩm quyền đối với nhóm người của tôi, tất cả các thành viên của nhóm đều lỗi lạc hơn tôi trong lĩnh vực của mình, những người như Miguel Boyer [Bộ trưởng kinh tế, tài chính và thương mại giai đoạn 1982-1985], Alfonso Guerra [phó thủ tướng giai đoạn 1982-1991] và Jose Maria Maravall [bộ trưởng giáo dục và khoa học giai đoạn 1982-1988], đều là những nhân vật thượng thặng cả. Có người nói với tôi: “Người ta phải chọn những người giỏi nhất, trong đó có cả những người lỗi lạc, để giúp bạn quản lí, nhưng bạn phải biết rằng tất cả các thiên tài đều có cá tính và chịu đựng họ là rất khó, phải rất kiên nhẫn”. Thật là lời khuyên kì quặc. Nếu bạn có một người có đầu óc thượng thặng như Boyer, làm sao đè nén được tính kiêu ngạo của một con người đặc biệt nếu bạn không có đủ thẩm quyền đạo đức để quyết định không dùng lời khuyên của họ, mà thực hiện một kế hoạch khác hay chương trình hành động khác
Sai lầm của một số nhà lãnh đạo chính trị là họ không muốn có một cộng tác viên nào có thể làm lu mờ họ, thông minh hơn họ, vì họ không cảm thấy mình có thẩm quyền đạo đức để quản lí những người kia. Và đúng là phải ngược lại. Ví dụ ngược lại là Tổng thống Reagan, một người không có kiến thức chung. Nhưng có một lĩnh vực mà ông tỏ ra thông minh hơn người. Những chính sách ưu tiên của ông là rất rõ ràng và ông chọn những người giỏi nhất để thực hiện, bắt đầu bằng người giúp tung ra hình ảnh của ông, tôi chưa từng thấy người nào giỏi hơn. Ông còn chọn những người đầu bảng làm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Ông có thể không biết Paraguay có quan hệ thế nào với Argentina, nhưng ông có một đội ngũ được chuẩn bị rất tốt. Ông là một người rất ngu dốt, nhưng ông biết điều đó, và đó là nguyên tắc của hiểu biết, xuất phát từ: “Tôi biết rằng tôi không biết gì hết”.
Trong xã hội hiện đại, đang được quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng thông tin định hình lại, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử quyền lực chính trị, điều mà chúng ta đã luôn luôn nghĩ về “thông tin là sức mạnh” đã thay đổi. Hiện nay, thông tin cũng như không khí vậy – ai cũng có thể kiếm được. Tất cả những chuyện xảy ra, trong đó có những điều bí mật nhất, cũng được người ta biết. WikiLeaks trở thành vụ bê bối không phải vì những thông tin mà nó tiết lộ, mà vì nó tiết lộ tất cả mọi thứ trong một gói. Vâng, nếu chia nó ra, tất cả những tin tức mà nó tiết lộ đều đã được người ta biết trong phạm vi tương ứng. Thông tin tương tự như nước, một vật đáng mong muốn mà không có chủ sở hữu, tất cả mọi người có thể tiếp cận cùng một lúc. Vấn đề là, bạn xử lý thông tin như thế nào để có kết quả mà bạn mong muốn? Cơ quan tình báo của lãnh đạo có nghĩa là điều phối lượng thông tin quá lớn và làm cho nó có giá trị trong quá trình hoạt động để phục vụ cho mục đích của bạn.
Ví dụ, có rất nhiều thông tin cho thấy ngày 11 tháng 9 sẽ có cuộc tấn công vào nước Mỹ. Đó là phát hiện vô cùng lớn của ủy ban điều tra của quốc hội, ở Mỹ, người ta làm tốt công việc thu thập thông tin. Họ có rất nhiều dữ liệu, nhưng đội của họ không thể phân biệt được dữ liệu nào có liên quan để có thể dự đoán và ngăn chặn vụ tấn công. Vì vậy, vấn đề là thông tin không phải là quyền lực. Quyền lực là phối hợp những thông tin có liên quan cho mục đích của bạn trong quá trình lãnh đạo chính phủ. Một cuộc cách mạng vĩ đại đã và đang diễn ra, và đó là một trong những lí do chính, vì sao quyền lãnh đạo đang bị xói mòn.
Đây là một phần của cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo có cùng quyền lực như họ từng có cách đây 30, nhưng họ không có thẩm quyền đối với xã hội như cách đây 30 năm. Potestas (quyền lực thông qua ép buộc) như cũ vẫn còn và còn có cả cuộc khủng hoảng về auctoritas (thẩm quyền, uy tín). Lãnh đạo không có auctoritas, chỉ có mỗi potestas, là lãnh đạo rất dễ đổ vỡ. Có những nhà lãnh đạo chính trị sử dụng potestas cùng với auctoritas, và một thời gian sau, khi họ không còn là lãnh đạo có quyền lực, họ là “cựu”, nhưng họ vẫn giữ được auctoritas mặc dù không có potestas. Nhưng, có những nhà lãnh đạo chính trị có tất cả potestas và sau đó, khi rời khỏi chức vụ, họ không có cả potestas cũng như auctoritas. Và thế giới đầy những nhà lãnh đạo chính trị có cả protestat lẫn auctoritas.
Người ta học làm lãnh đạo, rõ ràng là thế. Có thể có những người tốt hơn hay xấu hơn, theo nghĩa là họ xuất thân từ đâu, đó cũng là sự thật, nhưng người ta không học từ sách vở, người ta học thông qua công việc lãnh đạo. Bạn có thể làm một công việc tuyệt vời là giải thích cho trẻ em, trong những cuốn sách, làm sao chạy được 100 mét trong 10 giây, nhưng nếu bạn không bắt chúng chạy, thì chẳng đứa nào chạy được 100 mét trong khoảng thời gian đó.
Ảnh hưởng quốc tế
Trong quá trình chuyển hóa, ông có tiếp xúc quốc tế rất rộng rãi, trong đó có tiếp xúc với Willy Brandt [Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ-Xã hội Đức giai đoạn 1969-1974, phó thủ tướng giai đoạn 1966-1969], Mário Soares, Olaf Palme [Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ-Xã hội Thụy Điển giai đoạn 1969-1976, 1982-1986], và François Mitterrand [Tổng thống thuộc Đảng Xã hội Pháp giai đoạn 1981-1998], và với những nhân vật trong NATO và EU. Xin cho biết ảnh hưởng của những tác nhân bên ngoài đối với Tây Ban Nha? Và có thể rút ra những kết luận nào cho những cuộc chuyển hóa hiện nay?
Người Tây Ban Nha muốn được như phần còn lại của châu Âu, và không chỉ là vấn đề kinh tế. 1,5 triệu người Tây Ban Nha bị buộc phải bỏ nước ra đi trong những năm 1960 [vì những cuộc cải cách kinh tế và mất việc làm] đã trải qua kinh nghiệm ở Châu Âu về tự do công đoàn, tự do ngôn luận, tự do lập đảng chính trị. Họ đã đánh thức 10 triệu người Tây Ban Nha là thành viên các gia đình của họ. Do đó, hiệp ước tham gia EU có một số gánh nặng và điều kiện nghiêm trọng vì, nói cho cùng, nó là hiệp ước tham gia, đã được cơ quan lập pháp nhất trí thông qua. Những người không tin châu Âu đã rơi vào vòng ảnh hưởng của Ortega y Gasset [triết gia Tây Ban Nha], ông này nói: “Tây Ban Nha là vấn đề, châu Âu là giải pháp”. Và thật là đẹp.
Đối với Tây Ban Nha, Châu Âu là ảnh hưởng quốc tế, nhưng làm sao chuyển cái đó vào bối cảnh hiện nay? Châu Âu đột ngột giảm mức độ ảnh hưởng, cũng như Mỹ, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Xin nhớ những điều Lula [tổng thống Brazil giai đoạn 2003-1011] nói vào tháng 10 năm 2011: “Các vị đã xây dựng được mô hình dân chủ và xã hội châu Âu mà chúng tôi coi là di sản của nhân loại, các vị không có quyền làm hỏng nó” - và chúng tôi đang làm hỏng nó. Nói cách khác, châu Âu đang thất bại và đang trở thành một góc nhỏ ở phía Tây Nam của khu vực “Á-Âu”, nghĩa là ngày càng ít ảnh hưởng hơn. Điều này đúng cho cả phe dân chủ xã hội lẫn dân chủ Cơ đốc giáo. Nó đúng cho các lực lượng chính trị đã tạo ra xã hội và phúc lợi và sự thành công của châu Âu sau Thế chiến II.
Châu Âu đang thất bại và lúc này nó tiếp tục thất bại vì những mâu thuẫn trong việc xây dựng không gian công cộng mà mọi người cùng chia sẻ, mâu thuẫn càng thể hiện rõ ràng hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ. Điều đó, đến lượt nó, cho thấy rằng phương Tây – nghĩa là Mỹ và châu Âu, mà chúng ta gọi là phương Tây đã phát triển, vì Mỹ Latin là phương Tây đang phát triển, với tiềm năng phát triển - đã chi những khoản mà họ sẽ phải trả trong 25 năm tới, trong khi các nước phương Đông và phương Tây đang nổi lên đã tiết kiệm những thứ mà họ sẽ có thể mua trong 25 năm sau. Đây là sự thay đổi lớn trên trường quốc tế.
Sự thay đổi này dẫn đến kết quả là châu Âu không còn quan trọng như trước nữa. Vì vậy, người Tunisia muốn được - với bản sắc riêng của họ - giống như châu Âu mà họ mơ ước khi di cư. Giờ đây họ thấy châu Âu đã yếu đi và hầu như không liên quan, cũng như đối với người Ai Cập, ngay cả với người Marrocco, những người đang tìm cách gia nhập EU. Đây là nước duy nhất trong thế giới Ả rập muốn là một phần của châu Âu. Người Thổ Nhĩ Kì không phải là người Ả Rập và là một phần của châu Âu lục địa, nhưng Thổ Nhĩ Kì, do những sai lầm của châu Âu, ngày càng ít quan tâm tới việc hội nhập với EU, vì Thổ Nhĩ Kì đang phát triển trong khi EU đang suy thoái. Do đó, hội nhập với châu Âu, từng là ao ước của Thổ Nhĩ Kì, bây giờ không còn là khát vọng như cũ nữa.
Đặc biệt đáng tiếc là châu Âu, như một khái niệm, đã đánh mất khả năng tạo ảnh hưởng thực sự đối với quá trình chuyển hóa sang dân chủ mà hiện nay chúng ta đang chứng kiến. Mỹ cũng đã mất quá nhiều. Khi báo chí hỏi Hillary Clinton [Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2009-2013], khi người ta đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Obama tới Trung Quốc, rằng ông có đặt ra vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc hay không, bà trả lời: “Người ta không bao giờ muốn chọc vào mắt ông chủ ngân hàng của người ta”.
Tây Ban Nha là đối tượng để tham khảo không chỉ vì quá trình chuyển hóa của nó, mà vì sự thành công của nó trong suốt 30 năm qua. Khi tôi bước vào chính phủ, chúng tôi có thu nhập bình quân đầu người là 4.500 USD, và khi tôi ra khỏi chính phủ, thu nhập bình quân đầu người là 15.000 USD, và giữa lúc cuộc khủng hoảng diễn ra mạnh nhất thì thu nhập bình quân đầu người là 30.000 USD. Ngay cả nếu vì khủng hoảng mà chúng tôi giảm còn 25.000 USD, thì việc tăng từ 4.500 USD lên 25.000 USD là thay đổi rất lớn. Thành công được thể hiện bằng vốn vật chất, sự phát triển của con người, những thành tố này đã trở thành điểm tham chiếu ở Mỹ Latin và Bắc Phi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Tây Ban Nha, như một mô hình đã lâm vào khủng hoảng toàn diện.
Tương như Tây Ban Nha, châu Âu không còn là điểm nhìn tham chiếu nữa. Trong hơn 15 năm qua, khu vực này có tốc độ gia tăng GDP chưa tới 1%, Tây Ban Nha đã vượt qua Italy về GDP tính trên đầu người. Anh là nước đã bị phá sản trong lĩnh vực công nghiệp. Do đó, di sản của nhân loại - mô hình kinh tế của châu Âu và mô hình kinh tế-xã hội dân chủ của khu vực này – theo lời Lula, đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, và các nhà lãnh đạo châu Âu không biết cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Tôi đã từng đứng mũi chịu sào về các vấn đề của châu Âu, cùng với Mitterrand, cùng với Helmut Kohl [Thủ tướng Tây Đức giai đoạn 1982-1990, Thủ tướng Đức giai đoạn 1990-1998] và Jacques Delors [chủ tịch Ủy ban châu Âu giai đoạn 1985-1995] trong ủy ban này trong suốt 10 năm, và chúng tôi biết quy trình đưa ra quyết định: nghiêm khắc và hiệu quả. Những tình huống như thế đã hoàn toàn biến mất.
Ở Ai Cập, cũng như ở Tunisia, người ta không nghe thấy tiếng nói của các nước châu Âu. Chúng ta đang ở trong một tình huống rất phức tạp, đấy là khi cần giúp đỡ các tiến trình dân chủ, cũng như Mỹ. Người Saudi Arabia đã rút ra kết luận, khi họ chứng kiến việc Mubarak phục vụ Mỹ vô điều kiện suốt 30 năm, lại bị Mỹ quẳng đi như quẳng chiếc giày cũ, và người Ả Rập phải tự tìm hướng đi cho mình. Họ đang hành động phù hợp với kết luận đó, bằng cách thoả thuận với Trung Quốc và nhiều thứ khác nữa. Họ đã kí thỏa thuận về an ninh, trong đó có trao đổi dầu khí và vũ khí. Đây là thay đổi rất nghiêm trọng trên thế giới. Các cuộc cách mạng với động lực dân chủ hóa, phần lớn đều diễn ra một cách hòa bình, trừ Libya và Syria, vì nhân dân đã chán chính quyền độc đoán, tham nhũng tràn lan, với 80% người dưới 35 tuổi không còn hi vọng, không được hỗ trợ thật sự, họ không có phương hướng hay thiếu điểm nhìn tham chiếu.
Vì tất cả những lí do này, ảnh hưởng quốc tế - chí ít là từ châu Âu và Mỹ - trong tương lai có thể giảm đi, nhưng ngay cả trong quá khứ, ảnh hưởng bên ngoài có thể chỉ chiếm 15%, trong khi các yếu tố trong nước chiếm tới 85%.
Những mốc chính
Tháng 4 năm 1939: Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha kết thúc bằng chiến thắng của Đảng Dân tộc của Francisco Franco.
Tháng 6 năm 1968: Nhóm ly khai xứ Basque và Tự do (ETA) bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ Franco bằng cách giết một cảnh sát.
Tháng 7 năm 1969: Franco, 76 tuổi, chỉ định hoàng tử Juan Carlos kế nhiệm ông làm người đứng đầu nhà nước, ông lập kế hoạch chuyển những quyền lực khác cho Thủ tướng.
Tháng 12 năm 1970: Phiên tòa xử 16 người ủng hộ ETA, trong đó có hai linh mục, bị buộc tội giết người ba cảnh sát, được tổ chức ở Burgos. Dưới sức ép của Giáo hội và các chính phủ nước ngoài, những bản án tử hình cuối cũng đã giảm xuống còn chung thân.
Tháng 12 năm 1973: ETA giết Thủ tướng Luis Carrero Blanco, nhân vật thân cận nhất của Franco, Bộ trưởng Nội vụ Carlos Arias Navarro lên thay.
Tháng 2 năm 1974: Sức khoẻ của Franco suy giảm nhanh chóng và nền kinh tế gặp khó khăn, Arias Navarro tìm cách tự do hóa chế độ một cách khiêm tốn (và cuối cùng đã không thành công).
Tháng 4 năm 1974: Chế độ cánh hữu của Bồ Đào Nha bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự do cánh tả tiến hành, bắt đầu quá trình dân chủ hoá Bồ Đào Nha.
Tháng 7 năm 1974: Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE) trở thành nền tảng của phe đối lập mới, gọi là Junta Democratica.
Tháng 9 năm 1974: Một quả bom của ETA nổ gần sở chỉ huy cảnh sát, làm chết 11 người. Vụ tấn công gây ra rạn nứt trong phong trào ETA, thúc đẩy sự tan rã cuối cùng thành ETA-M (quân đội) và nhóm ETA-PM (chính trị-quân sự) ôn hòa hơn.
Tháng 10 năm 1974: Đảng Lao động Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) bầu luật sư về lĩnh vực lao động, đồng thời là chính trị gia trẻ tuổi, Felipe Gonzalez, làm người lãnh đạo mới.
Tháng 9 năm 1975: Năm chiến binh chống Franco (hai người thuộc ETA) bị kết án tử hình và bị hành quyết, tạo ra làn sóng phản đối quốc tế.
Tháng 11 năm 1975: Franco chết, và Juan Carlos lên làm vua. Arias Navarro hứa giữ gìn di sản của Franco trong khi thúc đẩy cải cách
Tháng 7 năm 1976: Juan Carlos, sau khi buộc Arias Navarro, không được lòng dân, từ chức; đã đưa Adolfo Suarez lên làm thủ tướng. Suarez, một cựu viên chức của chế độ, hứa sẽ tiến hành những cuộc cải cách, ân xá chính trị phạm và bầu cử tự do.
Tháng 11 năm 1976: Cortes (Quốc hội) có từ thời Franco đã thông qua Luật quan trọng về cải cách chính trị, mở đường cho các cuộc bầu cử dân chủ.
Tháng 12 năm 1976: Luật về Cải cách Chính trị được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý. Đảng PSOE, mặc dù về mặt pháp lí vẫn là bất hợp pháp, lần đầu tiên kể từ sau Nội chiến đã tổ chức đại hội ở Tây Ban Nha.
Tháng 1 năm 1977: Du kích quân phát xít giết năm luật sư về lao động của đảng PCE ngay trong văn phòng của họ.
Tháng 2 năm 1977: Chính phủ hợp pháp hoá PSOE và các đảng chính trị khác.
Tháng 3 năm 1977: Chính phủ hợp pháp hoá các cuộc đình công, ban hành luật bầu cử mới và ân xá một phần, nhằm khuyến khích các đảng của xứ Basque tham gia tranh cử.
Tháng 4 năm 1977: Suarez hợp pháp hóa PCE, đổi lại, PCE chấp nhận các cuộc bầu cử và chế độ quân chủ. Quân đội chỉ trích quyết định này một cách ôn hòa.
Tháng 6 năm 1977: Cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên kể từ năm 1936 được tổ chức. Suarez và những người cải cách dưới thời Franco trong Union of the Democratic Center (UCD) giành được đa số; PSOE trở thành phe đối lập chính. PCE và Liên minh Nhân dân cánh hữu (People’s Allianza - AP), mỗi đảng chỉ nhận được chưa tới 10% phiếu bầu.
Tháng 7 năm 1977: Bộ Quốc phòng mới được thành lập, nằm dưới quyền Phó Thủ tướng Manuel Gutierrez Mellado. Tây Ban Nha xin trở thành thành viên ở Cộng đồng châu Âu.
Tháng 9 năm 1977: Suarez đồng ý kế hoạch tự trị cho Catalonia để đổi lấy việc các nhà lãnh đạo Catalonia công nhận nhà nước và chế độ quân chủ Tây Ban Nha.
Tháng 10 năm 1977: Để phục hồi nền kinh tế trì trệ, chính phủ và phe đối lập thương lượng Hiệp ước Moncloa nhằm hạn chế tăng lương, cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để đổi lấy những khoản trợ cấp xã hội mới. Nghị viện được bầu theo lối dân chủ thông qua Luật Ân xá.
Tháng 11 năm 1978: Chính phủ phát hiện âm mưu quân sự, gọi là Chiến dịch Galaxia. Để tránh sự giận dữ của quân đội, chính phủ tuyên cho các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính những bản án nhẹ nhàng và không truy tố những người đồng lõa.
Tháng 12 năm 1978: Hiến pháp dân chủ mới, do Nghị viện soạn thảo, được thông qua bằng cuộc trưng cầu dân ý.
Tháng 3 năm 1979: UCD giành được đa số trong cuộc bầu cử và PSOE củng cố địa vị là đảng đối lập chính. PCE và AP có kết quả kém.
Tháng 4 năm 1979: Các cuộc bầu cử hội đồng thành phố đầu tiên được tổ chức. UCD thắng trên toàn quốc, nhưng Hiệp ước giữa PSOE-PCE đã tạo điều kiện cho các đảng viên Đảng Xã hội lãnh đạo các thành phố lớn.
Tháng 5 năm 1979: Felipe Gonzalez từ chức lãnh đạo sau khi thua trong cuộc bỏ phiếu, được tổ chức tại đại hội đảng, do ông xóa bỏ đường lối Marxist của đảng. Ông tái đắc cử vào tháng 9 theo những điều kiện của chính mình.
Tháng 10 năm 1979: Các cử tri Basque và Catalonia đồng ý quy chế về quyền tự trị cho xứ Basque và Catalonia, thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, với sự ủng hộ của các các đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa dòng chính.
Tháng 3 năm 1980: Các cuộc bầu cử cấp khu vực đầu tiên được tổ chức ở xứ Basque và Catalonia. Các đảng theo chủ nghĩa dân tộc dòng chính thành lập chính phủ ở cả hai khu vực này.
Tháng 5 năm 1980: Khi sự sự ủng hộ của dân chúng đối với UCD giảm, Suarez cải tổ nội các, ưu tiên phe bảo thủ, không còn quan tâm tới các đảng viên xã hội nữa. PSOE đại diện cho phong trào bất tín nhiệm trong Nghị viện, Suarez trụ lại được trong đường tơ kẽ tóc.
Tháng 1 năm 1981: Suarez từ chức giữa lúc các phe phái trong UCD chiến đấu với nhau và đào ngũ.
Tháng 2 năm 1981: Các sĩ quan quân sự ở Valencia và các vệ sĩ bán quân sự do Tejero cầm đầu tìm cách tiến hành đảo chính vào ngày 23 tháng 2, gọi là “23-F”, dường như tin rằng sẽ được hoàng gia ủng hộ, để chiếm Nghị viện Tây Ban Nha trong lúc đang họp. Vua Juan Carlos đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc đảo chính, thuyết phục các sĩ quan không tham gia, và bảo vệ hiến pháp. Cựu Bộ trưởng Leopoldo Calvo Sotelo thuộc UDC lên làm thủ tướng thế chỗ cho Suarez.
Tháng 10 năm 1981: Nghị viện biểu quyết tham gia NATO mặc cho PSOE và PCE phản đối, mở rộng sự hợp tác về quân sự Tây Ban Nha với quân đội các nước phương Tây.
Tháng 2 năm 1982: Phiên tòa xử những người lập kế hoạch đảo chính 23-F bắt đầu. Những người lãnh đạo cuộc đảo chính cuối cùng bị kết án 30 năm tù, nhưng các bị cáo khác được nhận những bản án nhẹ nhàng hơn.
Tháng 10 năm 1982: PSOE giành chiến thắng cách biệt một trời một vực trong cuộc bầu cử, Gonzalez trở thành thủ tướng. PCE và UCD sụp đổ, Đảng AP, sau khi trở thành đảng ôn hòa hơn, đứng thứ hai. Khi làm thủ tướng, Gonzalez thúc đẩy tự do hóa kinh tế và phúc lợi xã hội, làm cho kinh tế tăng trưởng bền vững.
Tháng 1 năm 1986: Tây Ban Nha, cùng với Bồ Đào Nha, gia nhập Cộng đồng Châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định cam kết đối với chế độ dân chủ.
Tháng 3 năm 1986: Trong cuộc trưng cầu dân cử, các cử tri ủng hộ ở lại NATO. Đảng PSOE, thay đổi hoàn toàn quan điểm trước đó, vận động tiếp tục ở lại làm thành viên NATO.
Tháng 6 năm 1986: Lần thứ hai, PSOE giành được đa số tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử.
Tháng 12 năm 1988: Một cuộc tổng đình công kéo dài một ngày nhằm chống lại chính sách kinh tế của chính phủ PSOE đẩy Tây Ban Nha vào tình trạng bế tắc.
Tháng 10 năm 1989: PSOE thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba nhưng súyt nữa thì mất đa số tuyệt đối trong Quốc hội.
Tháng 6 năm 1993: Mặc dù có bất hòa, PSOE thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ tư, nhưng đa số đã suy giảm đáng kể.
Tháng 3 năm 1996: PSOE thua Đảng Nhân dân (Popular Party) – hậu sinh của AP - của Jose Maria Aznar trong cuộc bầu cử. Sau đó một năm, Felipe Gonzalez từ chức lãnh đạo đảng.
Đọc thêm
Aguilar, Paloma. Memory and Amnesia: The Role of the Civil War in the Transition to Democracy. New York: Berghahn Books, 2002.
Bermeo, Nancy. “Sacrifice, Sequence, and Strength in Successful Dual Transitions: Lessons from Spain.” Journal of Politics 56, no. 3 (1994): 601–27.
Encarnacion, Omar G. “Social Concertation in Democratic and Market Transitions: Comparative Lessons from Spain.” Comparative Political Studies 30, no. 4 (1997): 387–419.
Fishman, Robert. Working-Class Organization and the Return to Democracy in Spain. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1990.
Gunther, Richard, Jose Ramon Montero, and Joan Botella. Democracy in Modern Spain. New Haven, Conn.: Yale University Press, 2004.
Gunther, Richard, Jose Ramon Montero, and Jose Ignacio Wert. “The Media and Politics in Spain: From Dictatorship to Democracy.” In Democracy and the Media: A Comparative Perspective, edited by Richard Gunther and Anthony Mughan. Cambridge: Cambridge University Press, 2000.
Harrison, Joseph. “Economic Crisis and Democratic Consolidation in Spain, 1973–1982.” Working Papers in Economic History. Madrid: Universidad Carlos III de Madrid, 2006.
Linz, Juan J. “Innovative Leadership In the Transition to Democracy and a New Democracy: The Case of Spain.” In Innovative Leaders in International Politics, edited by Gabriel Scheff er. Albany: State University of New York Press, 1993.
Linz, Juan J., and Alfred Stepan. “The Paradigmatic Case of Reforma Pactada-Ruptura Pactada: Spain.” In Problems of Democratic Transition and Consolidation: Southern Europe, South America, and Post-Communist Europe, edited by Juan Linz and Alfred Stepan. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1996.
McDonough, Peter, Samuel H. Barnes, and Antonio Lopez Pina. The Cultural Dynamics of Democratization in Spain. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1998.
Muro, Diego, and Gregorio Alonso, eds. The Politics and Memory of Democratic Transition: The Spanish Model. New York: Routledge, 2010.
Perez-Diaz, Victor. The Return of Civil Society: The Emergence of Democratic Spain. Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1993.
Powell, Charles. Juan Carlos of Spain: Self-Made Monarch. New York: Palgrave, 1996.
———. “International Aspects of Democratization: The Case of Spain.” In The International Dimensions of Democratization: Europe and the Americas, edited by Laurence Whitehead. Oxford: Oxford University Press, 2001.
Preston, Paul. The Triumph of Democracy in Spain. London: Methuen, 1986.
Serra, Narcis. The Military Transition: Democratic Reform of the Armed Forces. Cambridge: Cambridge University Press, 2010. By a former defense minister.
Tezanos, Jose Felix, Ramon Cotarelo, and Andres de Blas, eds. La Transición Democrática Española [The Spanish democratic transition]. Madrid: Sistema, 1989.