Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

“… Trọng vẫn trọng mà thương thì thương”

Lã Nguyên
Tôi đã viết năm bài về nhà khoa học Trần Đình Sử, tất cả đều được công bố trang trọng trên các tạp chí: 1. Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử – Một hướng nghiên cứu có triển vọng, 2. “… Trọng thì trọng, mà thương thì thương”, 3. Thi pháp “Truyện Kiều” của Trần Đình Sử và ranh giới của những cách đọc, 4. Trần Đình Sử và hướng nghiên cứu thi pháp học, 5. Trần Đình Sử trên những đường biên khoa học.
Bài “… Trọng vẫn trọng, mà thương thì thương” được viết vào năm 2010, nhân dịp Trần Đình Sử bước vào thế giới những người “xưa nay hiếm”. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 10 năm. Tháng 8 tới, Ông tròn 80 rồi. Tôi muốn đăng lại bài này như là sự chuẩn bị không khí mừng Ông thượng thọ, mà cũng là để nhớ về mình, để thương cả một lớp trí thức như mình.

1. Nghèo nghèo một chút lại hoá hay. Trần Đình Sử về Tổ Lí luận văn học Sư phạm Hà Nội năm 1981. Tôi về Tổ năm 1983, sau anh hai năm. Anh có nhà riêng ở 22 Nguyễn Huy Tự, ngay giữa trung tâm Thủ đô. Gia đình tôi lúc ấy còn ở Thanh Hoá, tôi là kẻ “độc thân có vợ”, sống trong kí túc xá. Căn phòng ở dãy “H” nhà trường cho tôi mượn là gian nhà cấp bốn, mái lá, vách đất, chân vách đã sụt lở hết, hở toác toàng toang, mỗi khi bạn hữu đến chơi, tôi đùa, “tớ ở thì được, đem con lợn thả vào, thể nào nó cũng chạy mất”. Cho nên, nhiều lần đến đàm đạo văn chương với Trần Đình Sử, ngồi trên gác hai nhà anh, tôi có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Những lúc như thế, bỗng lại nhớ, hồi còn ở Trường Vinh, sống giữa rừng Thạch Thành Thanh Hoá, đông về rét buốt, cánh trẻ chúng tôi gồm những Hoàng Việt Anh, Hồ Hồng Quang, Nguyễn Văn Lợi, La Khắc Hoà…, mỗi đứa diện một áo bông Tôn Trung Sơn to xù, nhìn Trần Đình Sử khoác chiếc blouson vinilon màu cánh dán may rất khéo, trông thật bảnh bao sang trọng. Nhưng chỉ mấy năm sau, tôi đã kịp nhận ra, Trần Đình Sử cũng chẳng phong lưu giàu có gì.
Có một chuyện tôi nhớ mãi, giờ kể lại, nghe buồn cười, nhưng dư vị thì cứ thấy đắng cay thế nào! Nhiều người hẳn chưa quên những khó khăn mà chúng ta được trải nghiệm vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước. Đó quả là lúc “gạo châu củi quế”, ai cũng túng thiếu, suốt tháng độc món bo bo, mì mạch, mùa hè, máy nước không mấy khi chảy, điện thường bị cúp, ban đêm nóng quá, trẻ con hàng xóm không ngủ được, khóc ré, nhức tai, khổ sở hơn cả thời bom đạn giặc dã. Nhìn lại những tấm ảnh chụp hồi ấy, thấy ai cũng còm nhom, chẳng có mấy gương mặt trông rõ thần sắc. Có lẽ vì thương đám giáo viên ngù ngờ chẳng biết xoay xoả, nên Trời ban cho Công đoàn Khoa Văn mấy vị cán bộ vừa hảo tâm, vừa năng nổ. Nhiệt tình nhất là chị Phương Thi và cô Bích Hà. Gần Tết, các chị vào Bình Đà liên hệ với mấy chỗ thân quen mua pháo về bán, kiếm chút lời, gọi là cải thiện cho anh em (hồi đó, “nhà nhà đi buôn”, “người người đi buôn” để “tự cứu mình”, chẳng có gì phải xấu hổ; buôn pháo, đốt pháo cứ gọi là thoải mái, chứ không bị cấm ngặt như bây giờ). Tết ra, các chị lại xoay xoả, sang tận Gia Lâm móc nối với một trại gia cầm (nghe đâu con gái bà Giám đốc học ở Khoa mình) để mua gà giống cho mọi người tăng gia. Muốn mua bao nhiêu phải đăng kí trước với Công đoàn, nhưng mỗi suất không được quá mười chú gà nhép. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu, vì sao người ta lại giao gà vào ban đêm. Điểm giao gà là mảnh sân trước cửa hàng bách hoá phường Phương Mai. Quãng 8 giờ, hầu hết giáo viên trong Khoa (có rất nhiều tên tuổi khả kính, lẫy lừng khắp nước) đã tề tựu đông đủ. Mọi người tựa vào xe đạp (hồi ấy chưa ai có xe máy), túm tụm thành nhiều tốp trò chuyện râm ran. Vừa trò chuyện, vừa chờ đợi, đã mười giờ mà chẳng thấy gà qué gì. Mười một giờ, mười hai giờ, rồi một giờ sáng, xe chở gà vẫn chưa “về”. Sốt ruột quá. Trời rét căm căm. Nhếch nhác quá. Nhưng không ai bỏ cuộc. Giờ thì các thầy hình như chẳng còn thiết trò chuyện gì nữa. Mọi cặp mắt đều thấp thỏm dõi về phía đầu phố. Ai cũng có vẻ nhấp nhổm, nhớn nhác thế nào ấy. Bỗng ánh đèn pha quét mạnh, một chiếc xe tải xịch đến, cả Khoa reo ầm lên rất đều, y như có người bắt nhịp: “Gà về…”.  Gần hai chục năm nay, không còn được nghe tiếng reo tập thể đầy hân hoan trước những niềm vui nhếch nhác, thường bất ngờ vỡ oà ra như thế giữa các khu phố hoặc các dãy nhà cao tầng: “Có điện rồi…”. “Gạo về…”. “Cá về…”. “Nước về…”.
“Gà về…”. Sướng thật! Cuối cùng, tôi cũng đem được mười chú gà lông lống bằng nắm tay về thả vào cái chuồng tự đóng rất vụng treo lửng lơ trên vách gian nhà vệ sinh vốn đã quá chật hẹp. Nghe nói, nuôi khéo, mỗi con có thể nặng tới sáu, bảy cân. Đầu tôi mê man với những toan tính “bắt cua trong lỗ”: “bỏ rẻ, mỗi con năm cân, mười con, chao ôi…, những nửa tạ thịt, sẽ mang về quê đãi vợ con một chầu thật đã, còn đâu, đem bán”. Lúc đi nằm, nhìn đồng hồ, thấy đã hơn bốn giờ. Bụng đói, sôi ùng ục. Thế hệ tôi, quá nửa đời người, có mấy khi đi nằm, đặt lưng xuống chiếu mà bụng được no đâu! Trằn trọc mãi, không sao ngủ được, chẳng hiểu vì đói, hay vì viễn cảnh nửa tạ thịt gà đang đung đưa trong miên man tưởng tượng của tôi…
Sáng sau ngủ dậy, tôi uống cốc nước lọc thật to thay cho ăn sáng. Hồi ấy có phong trào uống nước lọc chữa bách bệnh, nghe đâu, đó là bài thuốc của người Nhật. Vào nhà vệ sinh, nhìn đám gà rúc rích mổ rau trộn cám, bỗng thấy phấn chấn, tôi quần áo chỉnh tề, đạp xe ra phố, rồi dong thẳng một mạch đến chơi Trần Đình Sử. Anh đón tôi vào nhà. Ngoài đường lạnh cóng, được ngồi trong phòng ấm, rất thú. Ngồi một lát, tôi linh cảm thấy hình như có chuyện gì đó không bình thường. Trần Đình Sử rất khoái uống trà. Mỗi lần tôi đến, bao giờ anh cũng đãi một ấm thật ngon. Anh thường bảo tôi là bạn tri âm. Chắc nói thế là thật lòng, vì hình như anh thấy tôi không chỉ tâm đắc, mà còn hiểu thấu đáo lý lẽ bên trong của những điều anh viết ra. Mỗi khi tôi đến chơi, anh em say sưa đàm đạo, hết chuyện nọ tới chuyện kia, không dứt ra được. Vậy mà lần này, lạ thật… Anh em ngồi suông, chẳng thấy chè cháo gì… Chuyện trò thì đuểnh đoảng. Tôi ngạc nhiên thấy có đến mấy lần, vừa ngồi xuống nói với tôi vài câu chẳng ăn nhập vào đâu, anh lại lật đật đứng lên, bước ra ngoài bếp. Tò mò, tôi cũng bật dậy, theo chân anh…
Trời ơi, đại hoạ thật rồi… Chỗ anh đang đứng là cái chuồng làm tạm, nhốt đám gà vừa mua tối qua. Cạnh chân anh, một chú đã toi, chắc vừa mới phát hiện và kéo ra khỏi chuồng. Trông vào chuồng, tôi thấy cạnh mấy chú nhanh nhẹn, có hai con đứng co ro, chẳng ăn uống gì, bộ như bị rù. Hai con này mà toi luôn, thì nuôi bảy chú kia hoá ra công cốc, còn lờ lãi gì nữa… Chẳng biết tối qua anh có hứng lên mà “đếm cua trong lỗ” như tôi hay không? Giờ, nhìn bộ dạng lo lắng, bất an của anh, tôi thấy rưng rưng một tình cảm thân thiết đến kì lạ. Giáo San của Nam cao chẳng đã tái mặt khi chiếc đồng hồ của y giở chứng đó sao? Chao ôi, làm một ông Tiến sĩ, đã dạy đến tận đại học, bụng đầy bồ chữ cả Tầu lẫn Tây, vậy mà vẫn thua anh giáo khổ ngày xưa. Đám giáo khổ của Nam Cao có phải nuôi gà đâu!
Cho nên, xin đừng nghĩ, Việt Nam chưa có đại học đẳng cấp quốc tế vì thầy giáo nước mình kém cỏi! Họ không kém đâu, chẳng qua là ông giời bắt tội, thời thế buộc họ phải kém đấy thôi! “Dân coi miếng ăn bằng trời”. “Trời” là miếng ăn ấy mà! Vào những năm 80 của thế kỉ trước, trời và thời thế đã vào hùa với nhau, buộc chúng tôi phải nuôi gà. Mà có phải dễ lúc nào cũng có gà để nuôi đâu! Không biết đi buôn, không có gà lợn để nuôi, chúng tôi xoay ra dạy luyện thi, viết sách ôn thi, mà thực ra là học thay cho sĩ tử. Lò luyện thi đại học mọc lên như nấm. Còn nhớ, một dạo, tôi dạy ở các “lò” mỗi ngày những năm ca, suốt mấy tháng, hôm nào cũng nói liền liền một mạch 20 tiếng đồng hồ như thế. Lại nhớ, nhờ tiền nhuận bút của một cuốn sách luyện thi, tôi đã mua một lúc được cả chiếc Samsung đen trắng lẫn chiếc xe đạp vẫn còn giữ cho đến nay để vợ thỉnh thoảng đi chợ. Xe đạp hay tivi hồi ấy đã là tài sản cực kì có giá trị. Các Giáo sư, Nhà Giáo Nhân dân, Nhà Giáo Ưu tú Nguyễn Đình Chú, Nguyến Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hoành Khung là những vị viết sách luyện thi đầu tiên của Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài viết sách ôn thi, Giáo sư Hà Minh Đức, cố Giáo sư Phan Cự Đệ cũng tham gia luyện thi nhiều năm. Trần Đình Sử kể với tôi, anh cũng được mời luyện thi và đã nhận dạy hai lớp, nhưng rồi lại bỏ.
Đã lâu, tôi không luyện thi nữa. Mấy năm gần đây, thấy Trần Đình Sử cũng không còn phải vất vả mưu sinh như trước. Nhưng tôi biết, các cháu Khải, Kiên đều đã có gia đình, có cuộc sống riêng của chúng, lương hưu hai vợ chồng ông Sử cộng lại may ra gần bảy triệu, không kể những món chi đột xuất, mỗi tháng, chỉ riêng tiền thuốc đã ngốn vài ba triệu, cho nên, chẳng cần hỏi cũng có thể đoán, ông bà nhà này phải tiêu pha tằn tiện, chắt bóp thế nào.
Có lẽ Trần Đình Sử là ngoại lệ hiếm hoi chăng: nghèo nhưng không chịu “sống mòn”. Cho nên, bây giờ Trần Đình Sử mới trở thành nhà nghiên cứu có uy tín. Những gì anh viết ra có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới cách hiểu nhiều hiện tượng lí thuyết và lịch sử văn học. Tư tưởng học thuật của anh để lại dấu ấn mạnh mẽ và đặc biệt sâu đậm trong công chúng học đường. Lắm lúc tôi nghĩ lẩn thẩn, giá Trần Đình Sử giàu hơn một chút để không bận bịu với việc mưu sinh, chắc anh còn nghĩ được khối chuyện lí thú hơn nữa. Nhưng đã giàu thì còn nghiên cứu khoa học làm gì? Những người giàu, có mấy ai nghiên cứu khoa học nữa đâu! Vả lại, ở nước mình, trí thức muốn giàu, chỉ có mỗi con đường duy nhất, ấy là tìm cách làm quan. Mà cửa nhà quan thường rất cao, đám hàn sĩ như tôi khó vào được. Cho nên, Trần Đình Sử cứ nghèo nghèo một chút như thế lại hoá hay. Anh cứ nghèo nghèo một chút như thế, thì mình mới thấy thân thiết, gần gũi để thỉnh thoảng đến chơi lại được đàm đạo, thưởng trà. Và điều này mới thực sự quan trọng, anh cứ nghèo nghèo một chút như thế thì hàng vạn môn đệ, đồng nghiệp mới yên tâm thấy mình vẫn có một bậc sư biểu, sư huynh khả kính, một nhà khoa học đáng trọng để mà tìm đọc, học hỏi…
2. Gánh chữ như gánh gạo. Lục tìm trong kí ức, thấy hoá ra có nhiều kỉ niệm lí thú về Trần Đình Sử được trí nhớ lưu giữ rất kĩ từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước. Ấy là lúc Trần Đình Sử về làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, còn tôi là sinh viên mới nhập học. Giữa chúng tôi có cả một khoảng cách thế hệ. Tôi không biết đích xác, và cũng không có ý định tìm hiểu xem từ bao giờ, vào lúc nào, thầy giáo dạy đại học được gọi nhất loạt là “cán bộ”, giống như cán bộ xã, cán bộ huyện… Hình như quản giáo trong các nhà tù cũng được phạm nhân gọi là “cán bộ” như thế. Cho nên, mấy tiếng “cán bộ giảng dạy” (gọi tắt là “xê bê giê dê”) xem ra không được sang trọng giống như chữ “giáo sư”. Sau này tôi mới hiểu, gọi như thế là một cách giải thiêng, “phá giá”, nhằm bình dân hoá vị thế của giới trí thức cao cấp. Nhưng vào thời ấy, dẫu bị hoá giá thế nào, thì thầy giáo, nhất là thầy dạy đại học, vẫn cứ là bậc sư biểu thiêng liêng trong ý thức cộng đồng ở một dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa.
Trần Đình Sử không giảng dạy sinh viên khoá tôi. Chúng tôi học môn Lí luận văn học với các thầy Đậu Văn Ngọ, Nguyễn Xuân Nam và cố Giáo sư Lê Bá Hán. Cho nên, thời sinh viên, tôi chỉ được nhìn thấy Trần Đình Sử trong những hoàn cảnh tình cờ, nhiều khi chẳng có không khí sư phạm chút nào.
Cuối năm 1965, Trường Vinh sơ tán ra Thanh Hoá, đóng tại Hà Trung, đất tổ của nhà Nguyễn. Phải sang năm 1966, việc học hành của chúng tôi mới ổn định trở lại. Chiến tranh, sơ tán, người ta hình như chỉ còn có hai cảm giác “ốm” và “đói”, đói suốt ngày, ai không thấy đói, biết ngay là mình ốm; học thì ít, lao động lại nhiều, cả tháng đào hầm, làm lán, kiếm củi, gánh gạo, những lúc lao động như thế, thầy cũng như trò, chẳng phân biệt thấp cao trên dưới gì. Mấy năm trước, thằng con út của tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, vừa ra đi làm, mỗi tháng đã lĩnh hơn chục triệu. Một hôm ngồi ăn cơm, nó hỏi: “Lương bố bao nhiêu?”. Tôi bảo, “Bố tham gia cách mạng 42 năm, ơn Đảng, Chính phủ, giờ lương kịch trần, hơn năm triệu” (Thế hệ chúng tôi khai lí lịch, dẫu làm gì thì phần nói nói về quá trình công tác đều phải viết là “Quá trình tham gia cách mạng”). Thằng con ngồi im một lúc rồi tủm tỉm: “Bố làm ông giáo mà cũng lấy được vợ! Lạ thật! Chắc ngày xưa, mẹ bị bố lừa!”. Chao ôi, nó biết mẹ là học trò của bố, mà không hiểu bố mẹ đến được với nhau là nhờ có chiến tranh. Có chiến tranh, thầy trò mới sơ tán cùng một nơi, mới trở nên gần gũi thân mật vào những lúc kiếm củi, gánh gạo, mà trong mắt trò, thầy vẫn là hình ảnh lí tưởng. Thế thì những ông giáo trẻ như tôi lấy được một cô vợ có gì lạ đâu, cần gì phải lừa! Nhiều thầy giáo của tôi đã lấy vợ trong hoàn cảnh ấy. Tôi nghĩ, có lẽ là nhờ hoàn cảnh ấy mà Trần Đình Sử có được chị Hoà, người vợ hiền thảo của anh bây giờ. Còn nhớ, lớp tôi có một bạn gái “mỏng mày hay hạt”, đã xinh xẻo, lại sắc sảo, quê ở Đô Lương. Vào năm thứ nhất, chỉ sau mấy tháng, bạn tôi đã quen thân với gần hết cán bộ trong khoa, biết tường tận “lí lịch trích ngang” của các thầy, một thầy dạy ngôn ngữ mê cô như điếu đổ. Một lần đi gánh gạo từ kho lương thực huyện về cho nhà bếp, lúc nghỉ, bạn tôi trỏ tay, chỉ về phía các thầy, kể ra vanh vách một loạt tên tuổi Nguyễn Thiện Chí, Trần Văn Hối, Đỗ Đức Huyến, Nguyễn Gia Phương, Trần Đình Sử…, toàn những vị chưa có vợ. Cô bạn còn rỉ tai, bảo tôi: Ông Sử trẻ nhất đám ấy, lại mới ở Tàu về.
Thoắt cái, vậy mà đã ngoài bốn mươi năm, Trần Đình Sử và các thầy tôi đã nghỉ hưu, tôi cũng đã có hai cháu ngoại đều đi học cả rồi. Nhưng mãi đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ mồn một hình ảnh Trần Đình Sử ngày ấy, một Trần Đình Sử trẻ trung, thư sinh, trắng trẻo, rõ là người ở ngoại quốc mới về. Nhớ nhất là cái cách gánh gạo của Trần Đình Sử: trên vai, hai phần đòn gánh lệch hẳn về phía sau, thành ra “tiền khinh”, “hậu trọng”, muốn giữ thăng bằng, anh vừa đi, lại vừa phải níu phần đòn gánh phía trước xuống, nom rất chật vật, khổ sở. Tôi kịp phát hiện một chi tiết thú vị: trong đoàn các thầy, xem ra Trần Đình Sử có vóc người nhỏ con hơn cả. Nhưng gánh gạo của anh thì thật đầy, hình như không một ai gánh nặng như thế. Tôi nhớ mãi hình ảnh ấy có lẽ vì sau này được cùng làm việc với nhau trong một tổ chuyên môn, tôi thấy, cho đến tận bây giờ, lúc nào Trần Đình Sử cũng như đang mang vác cả một núi chữ nghĩa, hệt cái cách anh gánh gạo ngày xưa.
Chỉ cần nhìn vào danh mục công trình khoa học của Trần Đình Sử cũng đủ thấy sức làm việc ghê gớm của anh đáng ngạc nhiên biết chừng nào. Anh là tác giả của 10 đầu sách in riêng, trong đó có những chuyên luận và những tập tiểu luận quan trọng, như Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Thi pháp “Truyện Kiều” (2001), Những thế giới nghệ thuật thơ(1995), Lí luận và phê bình văn học (1996), Mấy vấn đề về thi pháp văn học trung đại (1999). Không thể kể hết những bộ giáo khoa, giáo trình của Trần Đình Sử viết cho đại học, sách anh viết chung và sách anh chủ biên. Có sách anh tham gia chủ biên đã trở thành tài liệu tra cứu không thể thiếu, dành cho một đối tượng rộng lớn, gồm nghiên cứu sinh, sinh viên, giáo viên, học sinh các cấp và tất cả những ai quan tâm đến văn học: Từ điển thuật ngữ văn học (1992). Anh là tác giả của gần 200 bài báo. Anh biên soạn trên 80 đầu sách giáo khoa các cấp, sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. Đặc biệt, anh có 8 đầu sách dịch hết sức có giá trị, nhất là các cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski của M.Bakhtin, Dẫn luận nghiên cứu văn học của G.N. Pospelov (1985), Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường (2000)[*]. Tôi nghĩ, xét về khối lượng công trình, Trần Đình Sử không thua kém bất kì một giáo sư tầm cỡ quốc tế nào. Ấy là mới chỉ tính đến năm 2005. Năm năm qua, Trần Đình Sử tiếp tục có nhiều bài báo. Anh chủ trì Hội thảo khoa học về “Tự sự học” lần thứ II để về sau, các tham luận được xuất bản dưới dạng một tập kỉ yếu do anh chủ biên. Anh tham gia đề tài khoa học – công nghệ cấp nhà nước, trực tiếp viết về tình hình lí luận văn học Trung Quốc thế kỉ XX. Tôi tin chắc, phần nghiên cứu này nếu xuất bản sẽ là một chuyên luận khoa học có giá trị.
Công trình nghiên cứu dĩ nhiên là bộ phận quan trọng nhất làm nên danh tiếng khoa học và nói lên khả năng lao động đáng ngạc nhiên của Trần Đình Sử. Nhưng cũng không thể quên những việc hết sức nặng nhọc mà Trần Đình Sử đã ghé vai gánh vác. Trước hết phải kể tới việc quản lí mà Trần Đình Sử từng làm từ hai mươi năm trước. Từ năm 1990 đến 1995, Trần Đình Sử là Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Với nhiều người, ngồi lên ghế Chủ nhiệm Khoa ở Đại học cũng là bước đầu đặt chân lên con đường hoạn lộ, nhưng xem ra, Trần Đình Sử không mấy có duyên với con đường ấy. Thứ đến, cần nhắc tới việc tư vấn văn nghệ. Đã ba mươi năm nay, lúc nào Trần Đình Sử cũng là cây lí luận phê bình được các cấp quản lí văn nghệ tin cậy. Ngay từ trước và sau Đại hội VI của Đảng, khi văn nghệ bắt đầu đổi mới sôi nổi, Trần Đình Sử được mời làm tư vấn cho phần Lí luận phê bình do chị Thiếu Mai trực tiếp chủ trì, dưới quyền Tổng biên tập của nhà văn Nguyên Ngọc. Về sau, nhiều năm, Trần Đình Sử là uỷ viên Hội đồng lí luận phê bình Hội Nhà văn việt Nam. Hiện nay, anh là uỷ viên Hội đồng Lí luận Văn nghệ Trung ương. Cuối cùng là việc Tổng Chủ biên bộ sách Ngữ Văn phổ thông trung học. Theo dõi báo chí, tôi thấy, hình như ra “làm dâu trăm họ”, không phải bao giờ Trần Đình Sử cũng mát mái xuôi chèo. Những việc làm như thế chắc chắn đã ngốn nhiều thời gian, sức lực và cả không ít tâm huyết của Trần Đình Sử.
Nhìn lại mấy chục năm biết người, biết tiếng, tôi chắc mình không nhầm, khi đinh ninh, Trần Đình Sử là nhà khoa học thứ thiệt, là người lao động chân chính đúng với ý nghĩa cao quý của từ ấy.
3. Người của sự kiện. Đã lâu, tôi nhận ra mình có thói quen lúc ngẫm ngợi chuyện gì, kí ức thường xâu chuỗi một cách tự nhiên hiện tại với quá khứ. Tôi thấy trí nhớ của mình thường lưu giữ rất kĩ những hình ảnh hay sự kiện nào đó giúp tôi hiểu rõ những nét tương đối ổn định làm nên chân dung tinh thần của một nhân vật mà tôi quan tâm. Tôi nhớ, một lần, Bùi Văn Ba (tức Phương Lựu) gọi tôi đến nhà bàn công chuyện gì đó. Nhà anh khi ấy đã chuyển về Quan Hoa, gác văn “ngự” trên tầng thượng. Trong khi ngồi dưới tầng một chờ anh xuống, tôi và chị Phương Thi chuyện trò linh tinh đủ thứ, có cả chuyện trong khoa, trong tổ. Chị nói, chị hơn Trần Đình Sử một tuổi, học sau Trần Đình Sử hai lớp. Chị bảo, “Cậu ấy học giỏi nhất khối, sinh viên cách mấy khoá đều biết tiếng”. Tôi nghĩ, thì ra, lúc nào Trần Đình Sử cũng là nhân vật nổi trội, và thế là tôi nhớ mãi câu chuyện của chị Phương Thi.
   Một người viết nhiều, sắc sảo, xông xáo trên trường văn trận bút như Trần Đình Sử chắc chắn sẽ trở thành đối tượng của phê bình. Bản thân tôi đã viết tới hai bài bình luận các công trình khoa học của Trần Đình Sử vào các dịp anh cho in Thi pháp thơ Tố Hữu và Thi pháp “Truyện Kiều” . Cả hai bài viết của tôi đều in trang trọng trên tạp chí Nghiên cứu văn học. Nhưng trong phê bình, khi đã có kẻ nói xuôi, thường sẽ có người nói ngược. Tôi nhớ, người đầu tiên có ý kiến “nghịch nhĩ” về Trần Đình Sử là Đào Thái Tôn. Thú thật, cho đến nay, tôi vẫn chưa biết bài viết của Đào Thái Tôn dài hay ngắn, ý tứ thế nào. Nhưng tôi nhớ rõ trường hợp này là nhờ đọc bài trả lời của Trần Đình Sử. Về sau, theo dõi hoạt động của Trần Đình trên trường văn trận bút, liên hệ với trường hợp ấy, tôi nhận ra nguyên tắc học thuật gần như bất di bất dịch của anh. Tôi thấy, hễ có ai lấy “hòn bấc ném đi”, nhắm vào Trần Đình Sử, thể nào cũng nhận được “hòn chì quăng lại”. Trần Đình Sử không ngán tranh luận. Trong tranh luận, Trần Đình Sử tìm mọi cách dồn đối thủ vào thế bí. Anh bảo vệ một cách quyết liệt, nhiều khi gay gắt các luận điểm khoa học của mình. Hơn hai mươi năm trước, Trần Đình Sử đã phản bác Đào Thái Tôn như thế. Mới đây, anh cũng phản bác như thế với những người phê phán bộ sách giáo khoa do anh làm Tổng Chủ biên. Có điều, dù gay gắt, quyết liệt thế nào, những bài phản bác của Trần Đình Sử vẫn thể hiện sự đàng hoàng của một cây bút tôn trọng văn hoá tranh luận. Tôi nói điều này vì ở ta, hơn một thế kỉ qua, mọi cuộc tranh luận văn học và học thuật cuối cùng đều bị biến thành những cuộc đấu tranh tư tưởng. Mục đích cuối cùng của đấu tranh tư tưởng thường là thắng-thua, chứ không phải chân lí và sự đồng thuận. Điểm tựa quan trọng trong đấu tranh tư tưởng là sự lựa chọn chỗ đứng, chứ không phải là lí lẽ. Sau nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng, chẳng phải mấy vị chủ soái như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm “cơ bản là thế giới quan và lập trường tư tưởng” đó sao? Cho nên, có thể nói, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có tư duy phê bình và một nền phê bình văn học hiện đại theo ý nghĩa đích thực của từ ấy. Không phải ngẫu nhiên mà ở ta, văn hoá tranh luận lúc nào cũng ở vào tình trạng đáng báo động. Trần Đình Sử không tranh luận học thuật theo kiểu như thế. Anh chưa bao giờ chuyển tranh luận học thuật thành đấu tranh tư tưởng, dùng “xảo thuật” hay quy chụp, đặt đối thủ tranh luận vào tình thế nguy hiểm. Chỗ dựa tranh luận của Trần Đình Sử bao giờ cũng là lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng xác đáng. Tôi thấy, về phương diện này, bài viết của Trần Đình Sử đăng trên Văn nghệ Quân đội tranh luận với Lê Ngọc Trà là ví dụ tiêu biểu. Lê Ngọc Trà có hai bài viết quan trọng đăng trên báo Văn nghệ. Bài thứ nhất bàn về quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực. Bài thứ hai bàn về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Cả hai bài viết đều toát lên nhiệt tình đổi mới văn nghệ, đổi mới lí luận. Văn lí luận của Lê Ngọc Trà giản dị, giàu nhạc điệu và hình ảnh, rất hấp dẫn. Cố nhà văn Nguyễn Khải nói, đọc văn lí luận của Lê Ngọc Trà thấy “vào thun thút”. Theo lí lẽ quen thuộc được hình thành qua những cuộc đấu tranh tư tưởng từ đầu thế kỉ XX, với những người chủ trương đổi mới, Lê Ngọc Trà thuộc “phe ta”, mà đã là “phe ta” thì dứt khoát phải đúng, cần được ủng hộ, nếu thấy có chỗ nào chưa đúng, chưa phải thì cũng nên im đi, kẻo phái “bảo thủ”, “cơ hội”, “chúng nó” lợi dụng. Trần Đình Sử đã không hành xử như thế. Anh phản bác Lê Ngọc Trà ở cả hai bình diện: lí thuyết và thực tiễn; bắt mạch và kê đơn cho văn học. Giờ không phải lúc bàn chuyện đúng sai, nhắc lại chuyện cũ, ý tôi chỉ muốn nói: Vào những năm tám mươi của thế kỉ trước, khi công cuộc đổi mới văn nghệ diễn ra sôi nổi, bài viết của Lê Ngọc Trà là một sự kiện. Bài phản bác của Trần Đình Sử cũng là một sự kiện. Sự khác biệt giữa hai bài viết có lẽ là ở chỗ, một đằng là sự kiện thời sự - tư tưởng, là tiếng nói ủng hộ đổi mới; một đằng là sự kiện thời sự - học thuật, là tiếng nói đòi hỏi đổi mới văn nghệ cần tiến hành trên nền tảng của lí luận khoa học.
Trần Đình Sử là tác giả của nhiều sự kiện học thuật. Có thể gọi anh là con người của sự kiện. Ngoài bốn mươi tuổi, Trần Đình Sử mới chính thức xuất hiện trên văn đàn. Nhưng tôi biết, ngay từ hồi còn ở Sư phạm Vinh, Trần Đình Sử đã tham gia biên soạn Từ điển Thuật ngữ văn học và viết tập giáo trình dài trăm trang về “hình tượng nghệ thuật”. Trong phạm vi nho nhỏ của một khoa, một trường đại học, tập giáo trình ấy đã trở thành “sự kiện” ở cả quy mô, lẫn nội dung học thuật của nó. Nó đã khơi dậy những cuộc thảo luận sôi nổi, buộc lớp giảng viên được xem là trụ cột chuyên môn của Khoa phải lên tiếng. Tôi không được dự vào những cuộc thảo luận ấy. Chỉ nhớ, cuối 1968, đầu 1969, Khoa Văn tổ chức dạy chuyên đề “Mĩ học Mác - Lênin” cho đám giảng viên trẻ mới được giữ lại trường. Hồi ấy tôi dạy ở Khoa Đào tạo giáo viên cấp II đóng dưới miền xuôi, thuộc huyện Vĩnh Lộc. Vì muốn “học ké”, tôi thường từ thành Tây Giai, đi đường Cẩm Thuỷ, rồi vượt rừng, qua Thạch Thành. Mỗi lần đến Cẩm Thủy thể nào tôi cũng dừng lại “đánh chén” ở cửa hàng ăn phố huyện, có món bún thịt chó rất ngon, mà lại rẻ. Thời ấy, các cửa hàng nhà nước đều “mua như cướp, bán như cho”, tôi là giáo viên, chẳng có gì bán, chỉ mua thôi, thích lắm. Người phụ trách chuyên đề “Mĩ học Mác - Lênin” là cố Giáo sư Lê Bá Hán. Có mấy buổi học, cứ hễ tới lúc giải lao, thầy tôi lại nói về cái chuyên đề đang trở thành tâm điểm thời sự trong đời sống học thuật của Khoa. Qua cách nói, tôi thấy ông vừa như không “chịu” , lại vừa có vẻ như không “chấp” Trần Đình Sử. Cũng dễ hiểu thôi, về tuổi nghề và tuổi đời, so với Trần Đình Sử, thầy Hán của chúng tôi thuộc thế hệ đàn anh. Vả lại, tôi biết, thời ấy, ngoài mĩ học Mác - Lênin và đường lối văn nghệ của Đảng, các thầy tôi chỉ “chịu” mỗi lí luận văn học của Timofeev, thế mà Trần Đình Sử lại viết chẳng giống Timofeev tí nào. Riêng thầy Hoàng Ngọc Hiến tuyên bố, một trăm trang viết của Trần Đình Sử “không có câu nào dở”. Tôi còn thấy, một giảng viên dạy văn học phương Tây tên là Lê Văn Chín khen nức nở, phục Trần Đình Sử sát đất.
Các tiểu luận của Trần Đình Sử về không gian, thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều thì đúng là những sự kiện học thuật có tiếng vang, được gần như cả giới nghiên cứu ghi nhận. Khái niệm “sự kiện” mà tôi đang nói ở đây được hiểu từ giác độ kí hiệu học. Nó là sự “vi phạm chuẩn chung”, là sự “vượt thoát của nhân vật ra ngoài giới hạn một trường nghĩa”. Từ giác độ ấy, các phần viết của Trần Đình Sử về đặc trưng nghệ thuật ngôn từ, về ngôn từ văn học, kết cấu tác phẩm, nhân vật văn học, về tác phẩm tự sự… trong bộ giáo trình Lí luận văn học in ở Nhà Xuất bản Giáo dục năm 1986, 1987 có thể xem là sự kiện học thuật. Thậm chí, hàng loạt bài giảng văn của Trần Đình Sử viết cho học sinh phổ thông cũng là những sự kiện nho nhỏ trong lịch sử phân tích văn bản. Cứ giở lại những bài giảng văn ấy mà xem, khi phân tích văn học, Trần Đình Sử không chỉ đối diện với văn bản, mà còn đối thoại với các cách đọc trong lịch sử nghiên cứu văn bản, để qua đó đề xuất một cách đọc mới.
Trong vô số sự kiện học thuật mà Trần Đình Sử đã tạo ra, tôi thấy có hai sự kiện lớn, quan trọng nhất, bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động của anh, từ nghiên cứu, phê bình văn học, đến công việc đào tạo, giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa. Trong hai sự kiện ấy, một sự kiện có thể coi là đã hoàn tất, còn sự kiện kia vẫn đang trong quá trình triển khai.
Sự kiện thứ nhất liên quan trực tiếp tới hai chuyên luận lớn nhất trong sự nghiệp khoa học của Trần Đình Sử: Thi pháp thơ Tố Hữu và Thi pháp “Truyện Kiều”. Xoay quanh hai chuyên luận này là một loạt công trình có ý nghĩa bổ trợ, mở rộng quan điểm học thuật của nhà nghiên cứu, ví như, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, hay Dẫn luận thi pháp học… Tôi nói những chuyên luận trên của Trần Đình Sử đã tạo ra một sự kiện học thuật hoàn chỉnh là dựa vào ba bình diện cơ bản sau đây. Thứ nhất: từ bình diện lịch sử văn học, những chuyên luận ấy đã đề xuất một cách hiểu, một cách đọc mới mang tính đột phá, tạo thành bước ngoặt trong lịch sử tiếp nhận thơ Tố Hữu và Truyện Kiều của Nguyễn Du, giúp độc giả hình dung đời sống văn học dân tộc theo một kiểu khác, phong phú hơn, đa dạng hơn. Thứ hai: từ bình diện lí luận nghệ thuật, ở những chuyên luận này, Trần Đình Sử đưa ra một quan niệm mới về văn học, giúp chuyển đổi hệ hình lí thuyết và trọng tâm nghiên cứu của khoa học về văn học. Cho đến những năm cuối cùng của thế kỉ trước, tất cả các tài liệu giáo khoa, giáo trình của chúng ta vẫn tiếp tục trình bày các vấn lí luận nghệ thuật theo phản ánh luận Mác xít, xem nghệ thuật là hình thái ý thức phản ánh hiện thực xã hội. Điểm tựa kiến tạo lí thuyết của hệ hình này là hiện thực, một yếu tố ngoài nghệ thuật. Nó mở đường cho việc biến nghiên cứu văn học thành xã hội học nghệ thuật thuần tuý. Trong những công trình của mình, Trần Đình Sử đề xuất quan niệm xem văn học là một kiểu tạo nghĩa, một hình thức biểu hiện nội dung mang tính đặc thù. Điểm tựa kiến tạo lí thuyết của hệ hình này là văn bản, bao gồm văn bản hình tượng và văn bản ngôn từ như một phương thức tồn tại của tác phẩm. Nó mở đường cho việc chuyển đổi trọng tâm nghiên cứu văn học từ xã hội học nghệ thuật sang thi pháp học nghệ thuật, từ khảo sát hiện thực, một yếu tố ngoài văn bản, sang phân tích “cái lí của hình thức” nằm ngay trong văn bản. Thứ ba, điểm quan trọng nhất: từ bình diện phương pháp luận, Trần Đình Sử đã thành công trong việc thao tác hoá quan niệm văn học của mình qua một hệ thống khái niệm, phạm trù chặt chẽ. Mô hình đọc văn theo hướng thi pháp học văn của Trần Đình Sử có sáu khái niệm quan trọng, có thể gọi là những phạm trù “cái”: 1. hình thức mang tính quan niệm, 2. thế giới nghệ thuật, 3. quan niệm nghệ thuật về con người, 4. hình tượng tác giả, 5. không gian nghệ thuật, 6. thời gian nghệ thuật. “Hình thức quan niệm” là phạm trù gốc, thể hiện quan niệm văn học của Trần Đình Sử. “Thế giới nghệ thuật” là phạm trù chỉ cấu trúc đặc thù của sáng tác văn học. “Quan niệm nghệ thuật về con người” là nhân tố quy định “cái lí của hình thức”, là hạt nhân cấu trúc của “thế giới nghệ thuật”, là trung tâm tạo nghĩa của thế giới ấy. “Hình tượng tác giả”, “Không gian nghệ thuật”, “Thời gian nghệ thuật” là những yếu tố, cũng có thể gọi là những bình diện cấu trúc của “thế giới nghệ thuật”. Được xây dựng trên một hệ thống phạm trù mang ý nghĩa thao tác hoá như thế, thi pháp học của Trần Đình Sử trở nên giàu tính thuyết phục, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, được giới nghiên cứu trẻ, nhất là giới nghiên cứu học đường vận dụng rộng rãi. Nhờ thế, những công trình nghiên cứu thi pháp học của Trần Đình Sử thực sự trở thành một sự kiện học thuật. Tôi nghĩ, ở Việt Nam hiện nay không hiếm người thừa nhiệt tình giới thiệu các loại lí thuyết nghệ thuật Âu-Mĩ, nhưng không phải ai cũng có khả năng tạo ra được những sự kiện học thuật như Trần Đình Sử.
Sự kiện thứ hai gắn với hoạt động sư phạm, với công việc Tổng Chủ biên bộ sách Ngữ Văn trung học của Trần Đình Sử. Theo dõi tư tưởng cốt lõi của Trần Đình Sử trong việc chỉ đạo biên soạn bộ sách Ngữ Văn trung học, tôi nhận ra, quan niệm văn học của anh đã có những thay đổi cơ bản. Trước kia, trong những công trình nghiên cứu thi pháp, đối tượng khảo sát của Trần Đình Sử chủ yếu là các văn bản nghệ thuật hiểu theo ý nghĩa hiện đại của nó. Sách giáo khoa do anh chủ biên hiện nay lại xem toàn bộ trứ tác tạo thành nền văn hiến dân tộc là đối tượng khảo sát của môn Ngữ Văn. Trước kia, Trần Đình Sử dựa vào phạm trù văn bản để xây dựng lí luận thi pháp học nghệ thuật. Nay, có vẻ như anh lại dựa vào phạm trù “đọc”, “người đọc” để xây dựng lí luận tiếp nhận văn học. Có thể dựa vào cấu trúc luận và nghệ thuật học hiện đại để xây dựng lí luận thi pháp học hiện đại. Lí luận tiếp nhận văn học lại đòi hỏi phải xây dựng trên nền tảng của kí hiệu học, của từ chương học hiện đại, của hậu cấu trúc, giải cấu trúc.
Đưa những tư tưởng mới mẻ như thế vào việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa, Trần Đình Sử muốn tạo ra sự thay đổi triệt để trong việc dạy-học văn trên phạm vi cả nước theo hướng hoà nhập với tư duy khoa học và hoạt động sư phạm tiên tiến của nhân loại. Nhưng thực tiễn lịch sử chứng tỏ, một tư tưởng khoa học, dù đúng đắn, mới mẻ thế nào, tác giả của nó có hoài bão to lớn đến đâu, muốn tạo ra một sự kiện học thuật, tất cả còn tuỳ thuộc vào “tầm đón nhận” của xã hội. Không phải dẫn dụ đâu xa, cứ nói ngay cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu, mãi tới năm 1987 nó mới in ra, thế mà tôi biết, có người còn định hạch Trần Đình Sử cái tội đề cao phương pháp hình thức đấy! Chẳng qua là thời thế đã thay đổi, người ta không thể làm gì được, nên đành chịu, vậy thôi! Vào những năm 60, thậm chí đến tận những năm 70 của thế kỉ trước, giá Trần Đình Sử đã kịp viết ra một chuyên luận như thế, tôi dám chắc, cuốn sách khó mà in ra được, còn như, nếu được in ra, thì chưa biết số phận của tác giả sẽ thế nào.
Chào đời vào thời điểm hiện nay, đứa con tinh thần mới của Trần Đình Sử có vẻ như không gặp thời giống như các chuyên luận nghiên cứu thi pháp học trước kia của anh. Cứ nhìn vào hệ thống giáo dục, từ trên xuống dưới, sẽ không ai nghi ngờ gì nữa, người ta hô hào đổi mới, nhưng liệu đã mấy ai chuẩn bị tâm thế để đón nhận tư tưởng khoa học cốt lõi của bộ sách giáo khoa Ngữ Văn? Bộ Giáo dục & Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện dự án biên soạn sách giáo khoa. Thế mà mấy hôm nay thấy báo chí nói ầm ầm về chuyện tham nhũng trong Giáo dục - Đào tạo. Bận tham nhũng như thế thì còn hơi sức đâu mà quan tâm tới các tư tưởng khoa học. Cho nên, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy đề môn Văn trong kì thi tốt nghiệp phổ thông năm nay vẫn ra y sì như mấy chục năm qua. Thi xong, đứa cháu tôi về khoe, “phen này dứt khoát cháu được điểm cao, không khéo, bài của cháu được chọn đăng báo ấy chứ lỵ!” Tôi hỏi, mày dựa vào đâu mà vội mừng thế?. Nó bảo, đề có hai câu lấy điểm quan trọng, một câu phân tích nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, một câu bình giảng hai khổ thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh. Cả hai câu này đều có sẵn bài mẫu trong các sách luyện thi, cháu đã học thuộc lòng “như cháo chan”, “còn trật vào đâu được nữa”! Hài hước thật! Tư tưởng cốt lõi của việc “đọc văn” do Trần Đình Sử khởi xướng là chống lại việc học văn bằng các “thế bản”. Vậy mà học sinh chỉ cần học bài mẫu trong sách luyện thi cũng đủ tin chắc sẽ đạt điểm cao! Thế là đã rõ, “Bộ” đang chỉ đạo viết sách giáo khoa và ra đề thi theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, cho thằng này thả sức ném đầy đất đá vào nhà thằng kia! Nhưng không sao, xưa nay, cách mạng bao giờ cũng là “sự nghiệp của nhân dân”! “Nhân dân” trước hết là hàng vạn giáo viên đứng lớp. Gần trăm năm nay, giáo viên của ta chỉ quen “giảng văn”. Bây giờ sách giáo khoa lại yêu cầu “đọc văn”. “Giảng văn” là thầy nói, trò nghe, thầy dạy, trò học, lớp học là “vương quốc toàn trị”, thầy giáo là “đấng quân vương”. “Đọc văn” là thầy dẫn dắt để học trò tự nói, tự phát biểu ý kiến về văn bản, lớp học là “nền dân chủ cộng hoà”, thầy trò cùng nhau đối thoại. Theo dõi mấy cuộc tranh luận trên Văn nghệ trẻ và Văn nghệ “già”, tôi thấy bộ phận “nhân dân” này, có cả đồng nghiệp cùng biên soạn sách giáo khoa với Trần Đình Sử, chưa thật đồng tâm hiệp lực để cùng nhau xây dựng một nền “cộng hoà dân chủ” như thế trọng việc dạy-học Ngữ Văn. Cuối cùng, bộ phận quảng đại quần chúng “nhân dân” của sách giáo khoa là mấy vạn học sinh phổ thông. Các số liệu thống kê cho thấy, môn Ngữ Văn đang bị tuyệt đại đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Năm 2009, chỉ có 1,82% học sinh trung học theo học Ban Xã hội - Nhân văn. Mà họ theo học ban này, chẳng qua vì không đủ lực theo học các ban khác, chứ chẳng phải vì say mê văn học đâu! Vậy là gần 100% học sinh trung học chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp mà thôi. Thảo nào các loại sách luyện thi, sách văn mẫu gà sẵn cho học trò vẫn bán chạy thế. Tôi đọc báo thấy nói, có một ông Vụ phó còn đứng ra làm làm “đầu nậu” viết sách ôn thi nữa kia!
Tôi nghĩ, giữa bối cảnh như thế, sự ra đời của bộ sách giáo khoa Ngữ Văn hiện nay và tư tưởng học thuật do Trần Đình Sử đề xuất mới chỉ là một sự kiện đang được mở ra, chưa có hồi kết.
4. “Sống tức là cắt nghĩa”. Giá có kiếp sau, tôi vẫn ước ao được làm nghề dạy học, ở ngay trong Bộ môn Lí luận văn học giống như Bộ môn của tôi hiện nay. Chủ nhiệm Bộ môn bây giờ là Lê Lưu Oanh, trước Lê Lưu Oanh là tôi, trước tôi là Trần Đình Sử, trước Trần Đình Sử, có một thời gian dài mênh mông, chức ấy do Bùi Văn Ba nắm giữ. Bùi Văn Ba có vẻ thất vọng sâu sắc về tôi, nhưng với Trần Đình Sử, bao giờ anh cũng tỏ ra trọng vọng. Anh bảo tôi, phải mấy chục năm mới có được một nhân vật như Trần Đình Sử. Tôi tin anh đánh giá như thế là chân tình, khách quan. Bởi vì, ở cái xứ “cơm áo không đùa với khách thơ”, muốn trụ lại với khoa học, ngoài nỗ lực vượt bậc, người ta phải có những phẩm chất đặc biệt. Phẩm chất đặc biệt của nhà khoa học, cũng như năng khiếu của người sáng tác, thường là chuyện không thể đào tạo. Nó là của trời cho, trời phú, mà thậm chí, cũng có thể gọi là trời đày.
Những ai có dịp gần gũi với ở Trần Đình Sử đều thấy anh có một tình yêu hết sức đặc biệt với tri thức, chữ nghĩa, với công việc khoa học của mình. Anh say chữ nghĩa, tri thức và công việc nghiên cứu khoa học đến độ si mê, hình như toàn bộ hồn vía của mình đều gửi cả vào đấy. Chắc chắn là Trần Đình Sử chẳng giàu có, không lắm bạc, nhiều tiền. Vậy mà, tôi chưa bao giờ thấy anh tỏ ra tiếc tiền, hay có chút băn khuăn khi cần phải bỏ tiền để mua sách. Nghe ở đâu có sách hay, anh lập tức tìm đến, chẳng chút chần chừ. Có lần ngồi ở nhà anh, tôi bảo cửa hàng ngoài Bà Triệu có mấy cuốn sách mới, anh đứng lên, rủ tôi đi liền. Anh mua sách, tìm sách để đọc giống như người trữ lương thực để ăn dài hạn. Lần đi với anh qua Trung Quốc, cứ rẽ vào cửa hàng sách là tôi thấy anh như lạc vào kho báu, mắt sáng lên, không dứt ra được. Anh mua hàng trăm cuốn, chỉ cần thấy cuốn nào có liên quan chút ít tới chuyên môn riêng là mua ngay. Nghe ai có sách hay, anh tìm cách photo. Anh lưu giữ được nhiều cuốn sách cực kì quý hiếm. Kho sách của anh là cả một gia tài, đủ mọi thứ đông tây, kim cổ. Mấy năm gần đây, tôi và anh kéo từ mạng Internet được nhiều chuyên luận, tiểu luận, nhiều tài liệu giáo khoa, giáo trình có giá trị bằng tiếng Nga. Những tài liệu này tôi thường in đĩa, hoặc lưu trong máy, nhưng anh thì nhất quyết phải in ra giấy. Có tài liệu dày mấy trăm trang, tôi xung phong đi in mỗi người một bản, nhưng anh không đồng ý. Anh muốn tự đem in ở một cửa hàng quen, đảm bảo chất lượng. Anh bảo, “sách hay phải in trên giấy tốt, sao cho thật đẹp, đọc mới thú”.
Ở trong Tổ, Trần Đình Sử và Bùi Văn Ba thường gọi tôi là “chú em”, xem tôi như “tiểu đệ”. Chắc kiếp trước tôi tu gần thành chính quả nên mới có cái may mắn ấy. Nhưng có lẽ được “gần chùa”, nên bạo gan “gọi Bụt bằng anh”, thỉnh thoảng tôi vẫn ngầm so sánh mình với họ. Tôi thấy hoá ra hai vị sư huynh của tôi cũng có nhiều sở đoản. Tôi vô cùng khoái trá khi nhận ra điều này: cứ hễ chỗ nào là sở đoản của họ, thì y như rằng chỗ ấy lại là sở trường của tôi. Ví như bàn về văn học bác học, tôi thường thua họ, nhưng đọc thi các sáng tác dân gian, thể nào họ cũng thua tôi. Hôm rồi sinh hoạt chuyên môn ở Tổ, Trần Đình Sử nói, anh vừa đọc một mạch 35 cuốn tiểu thuyết dự thi của các nhà văn Việt Nam. Tôi nghe, phục sát đất, bụng nghĩ: thần kinh người này chắc bằng thép. Đến khi tôi đọc “Khi xưa như sắt như đồng. Như đinh đóng cột, như rồng phun mưa. Bây giờ như cải muối dưa. Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngẩng đầu”, cả Tổ cười lăn, thi nhau chép. Đúng là Trời Xanh có mắt, Thượng Đế công bằng, hình như Ngài cố ý chia đều niềm vui cho cả và thiên hạ để chẳng ai phải tủi thân. Đi mua sách, thể nào tôi cũng phải nhờ Trần Đình Sử dẫn dắt. Đọc sách, gặp điển tích, điển cố; dịch sách, gặp chữ khó, chữ lạ, thể nào tôi cũng hỏi Trần Đình Sử. Tổ thảo luận chuyên môn, phải mời được Trần Đình Sử chủ trì, tôi mới yên tâm. Nhưng hồi xưa cần mua xe máy, bây giờ cần đóng giày, may complet, hay mua áo cộc tay vải lụa tơ tằm, Trần Đình Sử thường phải hỏi tôi. Ngay cả cái việc khoái nhất là rủ nhau đi ăn, nếu không có tôi dẫn đường, chắc Trần Đình Sử chẳng biết lối mô tê đâu mà lần. Tôi nhớ, Trần Đình Sử kể với tôi rất thật thà, một lần có bạn từ Huế ra chơi, muốn đãi bạn một bữa ngon, dẫn nhau ra phố, loanh quanh mãi chẳng tìm thấy cửa hàng, đến lúc đói quá, đành kéo bạn sà xuống một quán bún chả vỉa hè xoàng xĩnh.
Triết học hiện đại thừa nhận phạm trù ngẫu nhiên. Nhưng tôi vẫn tin vào giáo lí nhà Phật: mọi chuyện trên đời đều có nhân có quả. Sở trường, sở đoản của con người hoá ra có căn nguyên, nguồn cội của nó. Tôi trọng khoa học, nhưng ham chơi, tự biến khoa học thành một cuộc chơi để không nhàm chán, mệt mỏi. Tôi thực lòng nghĩ thế này: cuộc sống là một cuộc chơi; khi chơi, ta mới thực sự được sống. Là kẻ vô thần, tôi không nghe các tôn giáo xui dại để rồi mải mê tìm kiếm ý nghĩa của sự sống, đến nỗi quên cả điều cốt yếu: sống mới là chuyện quan trọng ở cõi nhân sinh. Thành thử, lúc làm việc, hễ thấy bạn gọi, dẫu đang ham đến đâu, tôi cũng đứng dậy, đi liền. Cho nên, ở những chỗ ăn chơi, nếu tôi có đôi chút sành sỏi, tưởng cũng không lạ gì.
Tôi nhớ, một lần, sau hội thảo khoa học do Bùi Văn Ba chủ trì, Tổ đi “Spa”, có mời cả giáo sư Nguyễn Văn Hạnh nhập cuộc cho biết mùi; lúc ra, thấy cụ Hạnh và ông Sử có vẻ thích lắm. Tôi biết, Trần Đình Sử thổi harmonica rất hay. Trong những cuộc liên hoan Tổ, sau khi nhậu, mấy cô rủ đi karaoke, tôi thấy Trần Đình Sử hát rất to. Cách đây mấy hôm, trong lễ mừng nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh thượng thọ Tám Mươi, Trần Đình Sử cầm micro hát “Nguyễn Viết Xuân, trận địa khắp nơi nơi” vẫn còn hứng lắm. Nhưng tôi biết, tất cả những trò ấy, với Trần Đình Sử, hình như vẫn không phải là sự sống. Tôi nhớ, Trần Đình Sử đã viết ở đâu đó một câu thế này: “sống tức là cắt nghĩa”. Dừng cắt nghĩa là cuộc sống ngưng lại. Muốn cắt nghĩa phải ngồi vào bàn với cả đống sách vở để mà đọc, mà viết, mà suy nghĩ, ngẫm ngợi. Nó là hoạt động diễn ra trong tâm trí một người, một mình, không phù hợp với đám đông và sự huyên náo. Vì thế, nhiều lúc họp hành, trò chuyện, hay giữa các cuộc vui, tôi thấy Trần Đình Sử cứ nhấp nha nhấp nhổm, có vẻ “tâm bất tại”, ngồi đấy, mà vẫn như đang nghĩ ngợi ở tận đẩu đầu đâu. Tôi có cảm giác, anh sẵn sàng rời bàn chơi để về với bàn sách, hệt như thấy bạn gọi, tôi sẵn sàng rời bàn sách để đến với bàn chơi. Cho nên, việc Trần Đình Sử trở thành học giả uyên thâm, ngẫm ra, có gì đáng ngạc nhiên đâu!
5. “… Trọng vẫn trọng, mà thương thì thương” (Thay lời kết). Nghĩ về Trần Đình Sử, lắm lúc tôi bật cười một mình. Ai đời, đã bảy mươi tuổi, ở vào hàng “cổ lai hi”, biết đủ thứ đông tây, kim cổ, thế mà có thầy hay giảng bài, vẫn cắp sách đến nghe, ngồi ngay ở bàn đầu, ghi ghi chép chép rất cẩn thận. Chả là mới đây có hai chuyên gia, bà Grossman người Pháp và ông Chiupa người Nga đến Khoa giảng chuyên đề cho các lớp cao học, tôi để ý thấy Trần Đình Sử gần như không bỏ sót buổi nào, nhìn bộ dạng, có vẻ hứng thú, tâm đắc lắm. Tôi lại nhớ, Tô Hoài nói chuyện ở đâu cũng kể, hàng ngày, ông buộc mình ngồi vào bàn viết văn giống như trẻ nhỏ buộc phải học bài. Ông không viết văn theo “hứng”. Ông bảo, ông chỉ có “hứng uống bia”, “hứng đi chơi”. Thì ra, nghệ sĩ lấy chơi làm thú. Học giả xem học là vui. Nghệ sĩ sành ăn chơi. Lúc ăn chơi, xem ra học giả lại lóng ngóng. Nghệ sĩ và học giả, khác nhau ở chỗ này chăng? Tôi không có tư chất nghệ sĩ, nhưng vẫn được trời phú cho cái thú ăn chơi. Cho nên, tôi lúc nào cũng bái phục, ngưỡng mộ các vị học giả sâu sắc uyên thâm, chuyện gì cũng tỏ. Nhưng không hiểu sao nhiều lúc giữa cuộc vui, có đàn ngọt hát hay, rượu ngon thịt béo, nhìn bộ dáng lóng ngóng của Trần Đình Sử, tôi cứ thấy áy náy thế nào ấy.
Những lúc như thế, tôi bỗng nghe vang vọng từ sâu thẳm lòng mình điệu hát ví dặm quen thuộc của người khu Bốn quê tôi. Tôi cố ý chữa đi mấy chữ cho hợp cảnh, hợp với cái tình của mình với Trần Đình Sử: “… trọng vẫn trọng, mà thương thì thương…”.
Đồng Bát, thứ Tư, mồng Hai, tháng Sáu/2010
[*] Xem: Danh mục công trình khoa học của Trần Đình Sử // Sách:Trần Đình Sử –  Tuyển tập, t.2, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 905-918.