Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 222): Hồ Trường An (2)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG
Chương 2
Đêm hôm đó, trong căn buồng gói dành cho Ba Kiểm và Tư Diễm, ngọn đèn dầu thắp bằng mỡ chuột đặt ở đầu giường tỏa ánh sáng vàng vọt. Ba Kiểm chải đầu bằng chiếc lược sừng trâu. Tư Diễm nói:
- Chị nầy kỳ quá, sắp đi ngủ mà chải đầu làm gì?


Ba Kiểm cười:
- Sáng hôm nay mắc lo buôn bán, tao quên gội đầu, nên da đầu ngứa quá.
Tư Diễm nhìn chiếc lược sừng trâu:
- Chớ không phải chị thử chiếc lược mới mua?
Ba Kiểm không trả lời. Trưa hôm nay sau khi buôn bán xong, nàng bơi xuồng ra chợ Vàm Xáng mua đôi guốc sơn, một chai dầu bông lài để xức tóc, một cái lược sừng trâu và đôi bông tai rẻ tiền nhận hột thủy tinh. Tối nay, nàng chỉ đem chiếc lược ra khoe, còn ba thứ kia nàng đã cất kỹ trong rương.
Từ lâu, Ba Kim mơ sắm được đôi bông tai chạm hình hoa mai năm cánh tròn, nhưng bà Bếp Luông rầy:
- Con gái thì phải đeo bông búp, còn đờn bà thì đeo bông nở. Mầy ráng buôn bán, để dành tiền rồi sắm đôi bông mù u bằng vàng. Bông mù u là loại bông búp đó đa.
Ba Kiểm bất bình lắm. Hễ thấy bông đẹp thì cứ đeo, bày đặt búp với nở làm gì cho thiệt thòi những cô gái có khuôn mặt sáng rỡ như nàng? Tuy nghĩ vậy, nhưng khi ra chợ Vàm Xáng, nàng rất phân vân khi đứng đối diện với chiếc rương cây đựng nữ trang của Chệt Lớn. Sau cùng, nàng chọn đôi bông nhận năm hột thủy tinh kết chùm thành mặt tròn, không búp, không nở gì ráo trọi, đó chỉ là loại bông hột kết dành cho đàn bà lẫn con gái, nàng nghĩ như vậy.
Sáng hôm nay, đáng lẽ nàng được thay bà Bếp Luông đi dự đám giỗ, nhưng cái áo bà ba lụa tím của nàng đã cũ, nên nàng đành phải để Tư Diễm đi thay mặt cho mẹ. Được đi dự chỗ đình đám, tiệc tùng, đó là cái sở thích của Ba Kiểm. Hai Cường có tặng cho nàng một xấp vải màu xanh đọt chuối nổi hoa tím mà nàng chưa có rảnh để may áo. Trong khi đó, Tư Diễm với xấp vải màu hồng tươi in hoa trắng, đã may áo bà ba từ kỳ rằm tháng trước. Sáng hôm nay, Tư Diễm mặc chiếc áo đó cùng cái quần vải xiêm đen còn giữ lớp hồ bóng loáng. Trông Tư Diễm như sáng hẳn lên, mái tóc cô ta xức dầu dừa chải bảy ba rồi búi lại thành cái bí bo tròn như trái cam sành, bọc trong cái lưới đen. Ba Kiểm nhận thấy cô em kế của mình đẹp không kém gì mình, nhưng má của Tư Diễm chỉ mịn chứ không hồng như má của nàng, mắt của Tư Diễm đen láy chứ không sáng ướt như mắt của nàng. Hai chị em có hai vẻ đẹp khác nhau vượt hẳn vẻ đoan trang, thùy mỵ của Năm Nhan.
Ba Kiểm lấy chiếc gương tròn ra soi. Má của nàng thật hồng, kèm với đôi môi đỏ au nổi bật lên với màu áo trắng. Vậy mà, thím Bảy Cá Trê dám quở nàng:
“Má hồng hồng, muốn chồng thành dịch”.
Trước kia, quả thật Ba Kiểm nao núng với câu quở đó. Nàng đã mài củ nghệ với nước mưa, rồi xức lên má để cho màu hồng lợt bớt đi. Nhưng ác nghiệt thay, màu hồng đó cứ lì lợm nhuộm lên đôi má căng tròn nhựa thanh xuân của Ba Kiểm. Ít lâu, nàng có dịp ra chợ Vàm Xáng, ngang qua trường tiểu học. Đôi má hồng cùng màu môi đỏ au của nàng đã làm mê hoặc các thầy giáo. Từ đó, nàng trối kệ câu quở của thím Bảy Cá Trê. Ít ra, nàng đã có một lợi khí của mình. Còn hai cô con gái của thím, mặt lúc nào cũng xanh chành như mặt đàn bà phá thai. Hai cô con gái đã vậy, còn bà mẹ thì có cái miệng rộng bẻ cúp xuống giống cái miệng con cá trê nên chòm xóm tặng cho thím ta cái hỗn danh đó.
Từ lâu, thím Bảy Cá Trê thường tỏ ra ganh ghét với ba đứa con gái của bà Bếp Luông. Hai đứa con gái của thím khi đứng gần Năm Nhan chẳng khác nào hai con cá bã trầu mờ nhạt với sắc lộng lẫy của con cá lia thia, đừng nói chi sánh với Ba Kiểm và Tư Diễm. Miệng thím lúc nào cũng độc địa như những mũi tên phóng tới đời tư của ba chị em. Biết ba chị em thích ăn trái chua như me, chùm ruột, khế ổi, biết Ba Kiểm và Tư Diễm se sua quần áo đẹp, thím hát ba câu vè:
Nhứt thích ăn trái chua
Hai ưa mua áo tốt
Ba tìm lột quần trai
Bà Bếp Luông tức lắm đi khắp xóm giềng mở cuộc phản công lại:
- Phải mà, bởi tìm lột quần trai nên hồi mười tám tuổi đã có chửa hoang, lén mua xạ chồn hương với ô kim đơn uống trụt cái thai ra thiếu điều chết hụt. Phải mà, ai lại không biết cái thứ độc miệng đẻ thứ con mét chằng, mét ưởng như bị bịnh ban cua, trai xóm trai làng chẳng thèm ngó ngàng đến?
Ba Kiểm và Tư Diễm cho rằng con gái thím Bảy Cá Trê chưa phải là thứ đối thủ của mình, nên chẳng lưu tâm, duy có Năm Nhan can gián mẹ:
- Ai nói quấy có trời chứng giám. Má hơi sức đâu đi bươi móc chuyện xấu của họ?
Út Biên khổ tâm lắm. Từ lúc Út để ý đến cô Đào con thứ của thím Bảy trạc tuổi với Út, hai nhà cứ ganh ghét, kình địch; Út không có cơ hội nào đến nhà thím Bảy Cá Trê nữa.
Trong lúc Ba Kiểm chải đầu, soi kiếng thì Tư Diễm nằm trong mùng, mơ mộng xa xôi. Nàng chỉ muốn chị tắt đèn rồi chống tấm phên tre lên để cho gió mát và ánh trăng xuyên qua mặt cáo, lọt vào buồng. Thường những đêm trăng oi bức, Tư Diễm thích chống tấm phên, để ngoài gió mát và ánh trăng ra, nàng có thể ngắm tàng dừa bên hè. Tàng dừa lùn, lá loáng ánh trăng, gợi cho nàng tiếng hát của chàng trai thương hồ thuờng chèo ghe trà vải qua vùng nầy:
Bến em có gốc dừa tơ
Đêm trăng em đứng em chờ đợi ai?
Chàng trai thương hồ có hăm hai tuổi, tên Tám Kiệt, da ngăm đen, nụ cười thật lẳng, thật tình. Mỗi khi chèo ghe qua đây,ngoài hai câu hát kia chàng còn hò:
Ghe anh rẽ vô ngọn, em chẳng đón chẳng chờ
Ghe anh tách bến bờ, buồn cho trăng mờ sao lặn
Mình lấy nhau chẳng đặng bởi bà mai lưỡi vắn ít lời
Hò…ơ…ớ…
Mặt đường dù chẳng đi đôi
Chút hương rớt lại, một đời chưa quên.
Đêm nay, ôn lại tiếng hát điệu hò của Tám Kiệt, nàng để tâm hồn mình ngấm dần vào dư âm giọng khàn đục mà mơn trớn của chàng. Nàng đã đón ghe trà vải của chàng, mua sấp vải bông màu hồng tươi nổi hoa trắng và gói trà Xiểu Chủng. Chiếc áo bằng vải đó rất hợp với màu da mơn mơn của nàng. Hương trà Xiểu Chủng đã ngát mãi trong tâm hồn của nàng. Ôi! « Chút hương rớt lại, một đời chưa quên! ». Hương trà cũng thấm đậm lắm chớ. Mà kỳ quá, chàng hò chi những câu buồn thảm? Chàng muốn ve vãn nàng, chưa chi đã hò những câu trù ẻo xuôi xẻo rồi. Hễ nghe chàng hò ở ngoài Vàm là Tư Diễm đã ra gốc dừa tươi đợi chàng, không cần đêm trăng, hoặc trời nắng hay trơì mưa gì ráo trọi. Bộ chàng đui, chàng lãng trí hay sao mà không thấy? Cây dừa lùn nầy là dừa Tam Quan sai trái. Nước dừa ngọt mát bao nhiêu thì lòng nàng hướng về chàng cũng y chang như vậy. Cùi dừa trắng bao nhiêu thì tình nàng đối chàng cũng một màu với nó. Trong đêm nay, phải chi giọng nàng trong, hơi nàng dài, nàng sẽ ca sáu câu Vọng Cổ cho đỡ nhớ chàng.
Tư Diễm cằn nhằn:
- Chị cứ soi kiếng, chải đầu hoài, không chịu tắt đèn đi ngủ.
- Tao còn nặn mụn nữa. Mầy sao khó tánh vậy Tư?
- Đèn chói mắt làm em khó ngủ quá.
Ba Kiểm cười:
- Mầy nhớ thương thằng nào đó nên khó ngủ chớ gì. Khéo đổ thừa thì thôi.
Tư Diễm chột dạ, nín khe. Ba Kiểm lại nói:
- Mai, mầy đi bán khoai mỡ thế tao.
- Chị ở nhà làm gì?
- Tao may áo, xấp vải màu xanh đọt chuối bông tím cũ để đó hoài làm chi?
Tư Diễm nói:
- À, còn xấp vải ú đen của em, chị may cho em cái quần lá nem.
Ba Kiểm trề môi:
- Hễ có dịp là mầy sai tao như con ở không bằng. Được rồi, mầy nhớ lại đằng chị Sáu Quyên mượn cho tao cây kéo. Kéo ở nhà lụt quá rồi. Mầy đem nó ra chợ Vàm Xáng cho người ta mài lại.
Tư Diễm hứ một cái:
- Đó, chị cũng tìm dịp sai em lại đó.
Ba Kiểm cười xoà rồi nói:
- Sắp Tết rồi, tao phải may áo cho con Năm, thằng Út nữa. Thế nào cuối tháng tới, ghe trà vải cũng qua đây.
Tư Diễm cười chúm chím ở chỗ khuất ánh đèn. Tám Kiệt sẽ chèo ghe qua đây! Trái tim nàng rung lên nỗi hân hoan dịu dàng, nhưng vô cùng thấm đậm.
Ba Kiểm bỗng nói:
- Ê, Tư, mầy có mèo chưa?
- Vô duyên! Hết chuyện hỏi rồi sao mà lại hỏi chuyện nghiệt đó?
- Ối, chuyện mèo chuột ai cũng phải qua Tư à.
Tư Diễm hỏi gằn:
- Mà chị đã trải qua chưa?
- Chưa dám. Nhưng có người để ý đến tao, nhưng họ nhát không chịu tiến tới.
Giọng Tư Diễm phơi phới:
- Ai vậy. Cha chả, chuyện nầy ly kỳ đa!
Ba Kiểm tinh quái:
- Ối, có ly kỳ gì đâu. Mà mầy biết Tám KIệt không? Một khi nó chèo ghe trà vải qua đây cứ ngó lên bờ tìm tao rồi hát: “Má em hường như hải đường thược dược. Miệng em cười mê được lòng anh.”
- Có có chuyện vậy sao?
Tư Diễm nghẹn lời. Ai mà không biết má của Ba Kiểm ửng hồng? Thôi, chết rồi! Mình mê bậy rồi! Người ta trông lên bờ nầy là để tìm cách ve vãn chị của mình. Đang mơ màng sắp ngủ, Tư Diễm tỉnh hẳn. Nàng cảm thấy tim mình nhói buốt.
Ba Kiểm lại hỏi:
- Ê nè Tư, mầy nhắm coi Tám Kiệt có bảnh trai không vậy Tư?
Tư Diễm trổ giọng chua lè chua lét:
- Ối! Cái thứ trôi sông lạc chợ, ai mà thèm để ý đến?
Ba Kiểm ngon lành:
- Ai mà thèm để ý tới nó. Nó để ý tới tao thì có.
- Chị không để ý tới người ta, tại sao chị biết người ta để ý tới mình,
- Mình phải đoán, phải suy ra chớ; óc thông minh của mầy bộ bỏ cho chó ăn rồi sao?
Tư Diễm xí một tiếng dài:
- Chị nghi bậy, tới chừng ngã ngửa ra không có gì hết thì thiên hạ cười thúi đầu.
Ba Kiểm lồm cồm ngồi dậy. Hai chị em nhìn nhau, mắt người nầy như muốn đâm thủng vào trán người kia để lục lạo, dò xét ý nghĩ. Tư Diễm rùn vai, quay mặt chỗ khác.
Ba Kiểm làm tàng:
- Mầy quên con chị mầy đẹp đẽ, mát mẻ, sạch sẽ như áo quần mới giặt ủi đó sao Tư? Tao mà chài nó, chắc chắn tao nắm nó trong tay. Tao muốn bóp chặt, bóp lỏng lúc nào thì bóp. Nó không dám rên chớ đừng nói là dám la. Mầy chưa biết tay ấn của tao cao tới bực nào mà.
Tư Diễm tức mình:
- Trời ơi, tại sao trời sanh chi ra thứ người ỷ tài ỷ sắc như vầy?
Ba Kiểm mắng:
- Bộ mầy ghen với tao hả Tư? Tám Kiệt là giống gì của mầy, mà tao vừa động tới là mầy xon xỏn muốn gây với tao vậy Tư?
Thêm một lần nữa, Tư Diễm nín khe. Ở buồng bên bà Bếp Luông chỉa họng qua mắng:
- Hai con đĩ Hà Bá nầy tới bây giờ sao chưa chịu ngủ để sáng mai đi buôn đi bán vậy hả?
Buồng dành cho bà Bếp Luông rộng hơn buồng dành cho Ba Kiểm và Tư Diễm. Còn Hai Cường và Út Biên ngủ ở bộ ván gõ ngoài phòng chánh.
Bà Bếp Luông vốn khó ngủ, phải tới canh ba mới có thể ngủ được. Nãy giờ, bà lóng nghe câu chuyện ngồi lê đôi mách của hai chị em. Bà chỉ cười thầm cho tụi trẻ, chớ không hề lo sợ cho hai cô con gaí mình lỡ dại đi quá xa mà bị trai dụ dỗ. Bên cạnh bà, Năm Nhan đã say ngủ, ngáy nho nhỏ. Con nầy tốt nết, lúc ngủ, chẳng những không ngáy như thợ rèn thụt ống bễ mà còn không lăn trở đùng đùng. Bây giờ chắc đã giữa canh hai rồi. Bên ngoài trăng vẫn chưa khỏi bụi chuối. Trời ít sa mù nên trăng càng tỏ rạng. Đầm nước bên nhà vang tiếng dế rỉ rả lẫn tiếng nhóc nhen.
Bà Bếp Luông bỗng giật mình. Ủa, tại sao Hai Cường và Út Biên chừng nầy chưa về? Bà vốn có nhiều tưởng tượng chuyện dữ. Không biết hai cậu con trai mình có gặp tai nạn gì không?
Nghĩ tới đây, bà Bếp Luông chổi dậy, mở cửa ngó ra sân. Ánh trăng trải một lớp the mỏng, sáng bàng bạc khắp nơi. Phía trước, đồng ruộng từng ô vuông lớn, nét đậm, bóng nhạt, như thiêm thiếp say trăng. Cây rơm cuối sân ngả bóng đen dài tới dãy bồn ảng đựng nước mưa.
Không biết làm gì cho qua thời khắc lo sợ, bà Bếp Luông xuống bếp nhúm lửa nấu nước châm trà, rồi thắp nhang ở bàn Phật. Đang lúc bà khấn vái thì có tiếng xôn xao cười nói ở ngoài sân. Bà hớn hở bước ra ngoài. Hai Cường xách cái giỏ tre và Út Biên đi theo sau cầm một vài cần câu.
Bà Bếp Luông chửi:
- Tổ mẹ tụi bây, đi đâu cho tới giờ nầy mới về?
Út Biên nói:
- Thì con đã nói với má con đi cắm câu.
Hai Cường cười hề hề:
- Con đi tắm, rồi xuống cuối xóm. Hôm nay anh Chín Đắc vừa cất vó được một mớ tôm bự, con mua hết ráo. Sau đó, con xuống chị Năm Cái Răng mua bún về cho má.
Bà Bếp Luông tiếp tục chửi:
- Cao tằng cố tổ tụi bây! Từ đầu đêm tới giờ, tao ở nhà lo sợ phập phồng. Đồ con bất hiếu. Tao đã nói rồi, tao đẻ quỉ, đẻ hỗn thế ma vương mà. Thôi vô nhà mau lên. Sương khuya độc lắm. Vào uống nước trà trộn vỏ quít cho ấm bụng. Trong lúc Hai Cường còn nói chuyện với mẹ về mớ tôm tươi và bún thì Út Biên lấy nước rửa chân rồi giăng mùng. Vào những đêm nóng nực, hai anh em không trải chiếu. Bộ ván gõ bóng loáng tiết ra hơi mát như thấm vào da thịt họ.
Nội nhà ai cũng cho Út Biên còn nhỏ, chưa biết gì. Nhưng mà Út đã bắt đầu “thương” cô Ba Đào, con gái thứ của Thím Bảy Cá Trê. Tuy thím ưa nói bóng gió xỏ xiên gia đình Út, nhưng thím vẫn tử tế với Út từ hồi nào tới bây giờ. Ba Đào tuy xanh xao, nhưng tóc mềm mại, buông xỏa và cài lược đồi mồi. Môi cô ta đầy đặn, răng trắng đẹp. Út là trai mới lớn, thấy gì cũng đẹp, ăn gì cũng ngon, đâu thèm phân tích tỉ mỉ thế thái nhân tình làm gì cho mệt óc.
Vào trong mùng, Út bắt đầu mơ tưởng tới Ba Đào. Út sực nhớ một câu hát:
Trách ai tính chuyện đa đoan
Đã hái được mận lại toan bẻ đào
Hoặc hai câu hát:
Xin ai chớ tính thiệt hơn
Mận nhà dù lạt, còn hơn đào người.
Ôi, những câu hát sao mà đằm thắm, dễ thương đã bao phen làm Út bùi ngùi cảm xúc.
Xứ nầy là xứ đất phèn. Từ nhỏ tới lớn, Út Biên chỉ ăn mận được một vài lần. Theo Út, mận là thứ trái quí, nhưng đã ăn được mận mà tưởng chuyện ăn đào thì quả là tham vô cùng. Út mà lấy được Ba Đào rồi thì Út chẳng thèm liếc một cô nào nữa hết. Lòng Út đâu có rộng như cái nia mà chứa một lúc ba bốn hình ảnh đàn bà, thiếu nữ. Út không đồng ý với anh Hai Cường. Ảnh đổ hô là hễ thấy cô nào đẹp là ảnh yêu liền. Ở đời có hạng người như vậy nên có câu hát:
Trách ai đào mận luông tuồng
Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.
Út nhận thấy anh Hai Cường, chị Ba Kiểm thích thay đổi. Hai Cường vốn mau say dễ chán. Năm ngoái anh ta say mê cô Chín Điều ngoài Vàm, cứ tìm cách lui tới nhà ông Quản Đăng là cha của cô. Vậy mà khi qua Sóc Thổ, vừa gặp cô Cấm Dục, con gái của Chệt Sìn là anh ta hết mơ tưởng Chín Điều nữa.
Còn chị Ba Kiểm của Út hễ thấy áo quần hay món nữ trang nào đẹp (dĩ nhiên là loại rẻ tiền) là chị ta tìm mua cho bằng được, vậy mà chị dùng qua vài lần là chị dâm ra chán, tìm cách tống đi, kẻo gai con mắt. Do đó mà quần áo của Năm Nhan phần nhiều là thứ bỏ đi của Kiểm. Vậy mà Năm Nhan ra công sửa chửa lại cho tươm tất để dùng cho tới rách nát mới thôi.
Út cho rằng mình giống chị Năm và cảm thấy gần gủi chị hơn. Nhưng mà Út tự nghĩ rằng Trời sanh mỗi người một tánh, Út thương yêu hết cả nhà vì cả nhà đều cưng Út sợ làm mất lòng từng người.
Với suy nghĩ nầy, lòng Út Biên ấm áp hẳn lên, và Út ngủ từ lúc nào không hay.
Ba Kiểm và Tư Diễm từ trong buồng bước ra. Cô lớn tươi cười:
- Út Ngủ rồi hả má?
Bà Bếp Luông nói:
- Ừ, nó mới thiếp rồi đó.
Bà lại khuyên lũ con:
- Thôi thì tụi bây cũng nên đi ngủ, thức khuya sanh bệnh.
Ba Kiểm nói:
- Trống chưa điểm canh ba mà. Nói chuyện chơi một chút cũng không sao.
Tư Diễm đổ thừa:
- Trời nực nên khó ngủ thấy mồ.
Hai Cường cũng bước lại bộ ngựa gõ, nói:
- Riêng tui, tui vừa đi hóng mát về nên buồng ngủ quá.
Hai Cường chui vào mùng. Bên ngoài, tiếng vạc ăn đêm lướt qua. Bà Bếp Luông bước lại khay, têm cho mình một miếng trầu, nhai nhóc nhách.
Ba Kiểm ngước lên bàn Phật:
- Chết rồi, ngày rằm tháng nầy cả nhà quên ăn chay?
Bà Bếp Luông nói:
- Tao đâu có quên kỳ rằm, ngặt có van vái gì đâu mà ăn chay?
Ba Kiểm cười chúm chím:
- Riêng con, con có vái.
- Vái chuyện gì?
Ba Kiểm nói:
- Ối thôi, thiếu gì chuyện để cầu xin ơn Trời Phật...
Bà Bếp Luông không hỏi tới nữa. Tư Diễm vẫn thấy lòng mình lơ lơ lửng lửng. Mối tỵ hiềm mà nàng cố dấu tận đáy lòng, như bắt đầu gợn sóng tâm hồn nàng. Trời ơi,Tám Kiệt chưa có gì gắn bó với mình. Mà chị mình với hắn ta cũng chỉ cười qua liếc lại mà thôi. Vậy mà mình như muốn phát ghen. Ý nghĩ đó đâu có trấn áp phần nào sự dao động của Tư Diễm, nhưng vẫn làm cho nàng khó chịu.
Tư Diễm nói:
- Thôi đi ngủ cho xong.
Ừ, phải rồi chỉ có giấc ngủ mới làm cho nàng lướt qua thời khắc khó chịu nầy; Bà Bếp Luông biểu đồng tình:
- Ừ, cũng nên đi ngủ sớm. Mai tao sửa soạn mâm cơm cho tươm tất đặng cúng đất đai viên trạch nữa.
Ba Kiểm cằn nhằn:
- Cái con Tư tối nay sao mà kỳ quá không biết. Thì mầy rủ tao ra ngoài nầy chơi, rồi chưa ngồi nóng đít lại đòi đi ngủ. Tao coi bộ lóng rày mầy đổi tánh rồi đa.
Tư Diễm nói:
- Thì lúc nãy em chưa buồn ngủ. Bây giờ mắt em muốn sụp rồi, nhướn lên không nổi.
Hai Cường nằm trong mùng, tán thành:
- Ừ, hai đứa bây nên đi ngủ là hơn. Tụi bây cứ chót chét hoài làm tao khó vỗ giấc nổi.
Ba Kiểm trề môi:
- Anh đang tương tư cô nào nên không buồn ngủ chớ gì?
Nàng ngoe nguẩy bỏ vào buồng. Tư Diễm cũng nối gót theo sau. Bà Bếp Luông cầm đèn xuống bếp đảo mắt một vòng coi củi lửa tắt chưa rồi mới về buồng mình. Bà đi êm ái, sợ động giấc ngủ Năm Nhan. Dưới ánh đèn vàng ẻo xuyên qua mùng khuôn mặt cô gái thùy mỵ kia trông thật dịu dàng, thoải mái.
Riêng Hai Cường chợt nhớ tới Sáu Quyên. Ừ, chị ta cũng đẹp nữa, nước da mơn mởn, tóc chải láng mướt, mình dây, ngực nở. Dĩ nhiên chị ta thua Cấm Dục ở nét tươi trẻ, nõn nà, nhưng bù lại chị ta hơn Cấm Dục nhiều thứ mà Hai Cường chỉ trực nhận nhưng không đoán ra để thấm nhuần một ý tình man mác, khó diễn tả. Cái miệng của chị ta hay rủa sả, nhưng mà môi chị xinh, răng chị đẹp, mà lời rủa sả chẳng có gì là độc địa mà cắc cớ thay, Hai Cường lại thấy có vẻ gì âu yếm mơn trớn trong tiếng chửi mới là kỳ.
Hai Cường ngáp dài. Chàng ao ước được ôm Sáu Quyên một lần để nựng cái cầm xinh xinh của chị, để cắn lên đôi môi mỗi khi hé ra là có tiếng chửi bới và rủa sả đó.
Lúc mười chín tuổi, đã một thời Hai Cường yêu cô Chín Điều ở ngoài Vàm. Nhưng thuở đó, chàng cảm thấy mình cần phải yêu. Yêu là nhu cầu tình cảm của người con trai mới lớn. Nhưng khi gặp Cấm Dục rồi chàng mới biết trước đó mình lầm và mình chưa thật sự bước vào vòng yêu đương. Chín Điều không phải là kẻ mà chàng yêu với tất cả tâm hồn.
Đêm nay, không biết tại sao chàng lại ít nghĩ về Cấm Dục mà lại nghĩ nhiều về Sáu Quyên? Mình có yêu chị ta không? Hay chỉ vì ánh trăng ở đây ve vuốt quá, mông lung quá, làm chàng nghĩ tới cảnh vai kề má tựa với bất cứ cô gái, đàn bà nào xấp xỉ tuổi chàng.
Hai Cường đôi lúc nghĩ tới cuộc sống của Sáu Quyên. Từ Vịnh Trà Bay, chị ta trôi nổi qua đây lập quán, như trốn tránh một kỷ niệm nào đó. Chị ta chăm chỉ làm ăn, chăm sóc nhà cửa, chăm sóc quần áo, tóc tai. Chị ta tuy đẹp thua Ba Kiểm và Tư Diễm, nhưng chị biết cách chưng diện, lúc nào cũng đi guốc, biết xức dầu bông lài, biết cười duyên, biết liếc truyền ý, biết nhấn vuốt giọng nói để giọng đôi lúc mơn trớn, đôi lúc như than vãn. Lại nữa, chị có dáng đi uyển chuyển, khêu gợi. Đã bao lần nhìn trộm chị, chàng cảm thấy thân thể mình bứt rứt, lòng dạ mình bâng khuâng, khó diễn tả.