Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 6)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Chương 3
Ghana: Con đường tới dân chủ thật quanh co
Kwame A. Ninsin
Ghana là nước đầu tiên ở phía Nam sa mạc Sahara, châu Phi giành được độc lập từ chính quyền thực dân Anh vào năm 1957. Tổng thống Kwame Nkrumah và Đảng Nhân dân Hội nghị lãnh đạo quá trình chuyển đổi từ chế độ thực dân sang nền độc lập và cuộc chuyển đổi của Ghana sang chế độ cộng hòa. Chính phủ Nkrumah đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể về xã hội, chính trị và kinh tế, nhưng ngày càng trở nên độc đoán hơn. Tháng 2 năm 1966, quân đội đảo chính, lật đổ chế độ của ông này. Từ chính phủ quân sự đầu tiên (1966-1969) trở đi, Ghana chỉ có chính phủ dân sự trong một số giai đoạn ngắn, còn các chính phủ quân sự cai trị từ 1972 đến năm 1979, một thời gian ngắn trong năm 1979 (khoảng ba tháng), và trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1992.

Đại uý Không quân Jerry Rawlings J. lãnh đạo hai chính phủ quân sự cuối cùng. Hội đồng Quân nhân Cách mạng, do Rawlings lãnh đạo, lật đổ chính phủ quân sự giai đoạn 1972-1979, đã bị thoái hóa và đầy tai tiếng vì quản lí kinh tế kém cỏi và vi phạm các quyền tự do chính trị và dân sự. Sau hai năm rưỡi cai trị theo hiến pháp, ngày 31 tháng 12 năm 1981, Hội đồng Quốc phòng Lâm thời Quốc gia (PNDC) của Rawling đã lật đổ chính phủ dân cử của Đảng Dân tộc nhân dân, do tiến sĩ Hilla Limann đứng đầu.
Trong thời chính quyền quân sự, ở Ghana, các nhóm xã hội dân sự với những khuynh hướng chính trị khác nhau đã xuất hiện, đòi trở lại với chính quyền hiến định, thánh thức bầu không khí đàn áp đang bao trùm khắp nơi. Các tổ chức nghề nghiệp, trong đó có tổ chức của các giảng viên đại học, mạng lưới các nhà thờ Công giáo, tổ chức của công nhân và sinh viên - thường dẫn đầu các nhóm trong xã hội dân sự. Giới tinh hoa kế tiếp nhau của các đảng chính trị bị cấm đoán cũng có vai trò tích cực trong việc kêu gọi trở lại với chế độ hiến định và nguyên tắc pháp quyền. Trong những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, cộng đồng các nhà tài trợ phương Tây cũng áp lực Ghana quay lại nền chính trị đa đảng, và các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày càng coi trọng điều kiện cải thiện chế độ quản trị gắn liền với khả năng cung cấp các khoản vay và viện trợ.
Những lời kêu gọi trở lại chế độ dân chủ hiến định sau năm 1982
Khi Rawlings cướp được quyền lực từ tay chính phủ dân cử của Limann, ông ta đặt Hội đồng Quốc phòng Lâm thời Quốc gia (PNDC) “cách mạng” của mình vào vị trí đối lập với điều mà ông ta coi là giới ăn trên ngồi trốc bóc lột và tham nhũng trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Trong khi bác bỏ chế độ dân chủ đa đảng, coi đấy là sự áp đặt của phương Tây, đã làm cho Ghana thất bại, ông đã tìm cách tạo ra cái mà ông ta nghĩ là hình thức dân chủ đích thực của Ghana, xuất phát từ các mô hình quản trị truyền thống, dựa trên sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng. Nhân dân được trao quyền lực thông qua cơ cấu chính quyền tự quản phi đảng phái ở địa phương, những cơ cấu này giải quyết những thách thức của cộng đồng và những cấu trúc này sẽ tạo ra nền tảng cho trật tự chính trị quốc gia.
Tương tự như các chế độ quân sự trước đây, chính quyền của Rawlings coi thường những áp lực đòi quay lại với chế độ hiến định do các Hiệp hội Luật sư Ghana (GBA), Hiệp hội các Tổ chức nghề nghiệp được công nhận, Liên hiệp sinh viên Ghana (NUGS) và Nhà thờ Công giáo dòng chính đưa ra. Chính quyền củng cố chế độ bằng cách kiểm soát ngành dân chính và những cơ quan nhà nước và thành lập các tổ chức nhà nước mới như là Ủy Ban Kiểm soát Công dân, Ủy ban điều tra quốc gia, và tòa án công cộng. Chế độ sử dụng các ủy ban điều tra và các phương tiện truyền thông để truy tố giới tinh hoa đối lập Ghana vì những tội phạm về kinh tế được cho là nhằm chống lại nhà nước: làm nhục và hăm dọa phe đối lập cũng như làm mất tính hợp pháp của họ.
Chế độ còn tổ chức các ủy ban quốc phòng của người lao động và ủy ban quốc phòng của nhân dân tại nơi làm việc và khu vực dân cư (năm 1984, các tổ chức này hợp nhất thành Ủy ban Bảo vệ Cách mạng). Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức chính trị cấp tiến ủng hộ chính phủ PNDC, các ủy ban quốc phòng can thiệp vào quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ và giải quyết những vụ tranh chấp ở địa phương liên quan đến quyền sử dụng đất, tiền thuê nhà và giá cả hàng hóa tiêu dùng. Cuối năm 1983, đã xảy ra những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan và những người hoạt động chính trị và các tổ chức của họ bị đàn áp và bị đẩy ra bên lề của nền kinh tế và chính trị của đất nước.
Để đối phó với sự suy giảm liên tục của nền kinh tế và với một bước rẽ đột ngột ra khỏi chính sách kinh tế mang tính dân túy của mình, năm 1983, Rawlings lao vào chương trình điều chỉnh cơ cấu, gọi là Chương trình Phục hồi Kinh tế, do các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) đưa ra. Chương trình này tạo điều kiện cho Ghana nhận những khoản vay và viện trợ tài chính quốc tế. Làn sóng tiếp theo của những đòi hỏi về cải cách chính trị xảy ra trong nửa sau của nững năm 1980, theo sau giai đoạn thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ của IFI. Ảnh hưởng về mặt xã hội của những chính sách đó đã tạo ra được mặt trận rộng lớn của các lực lượng chống lại chế độ. Hội nghị Công đoàn Ghana (GTUC), NUGS, GBA, Nhà thờ Công giáo và những tổ chức khác đòi phục hồi chế độ hiến định, tôn trọng nhân quyền, bãi bỏ những đạo luật hà khắc và khôi phục chế độ pháp quyền. Nhưng chính phủ Rawlings vẫn lờ đi những áp lực ở trong nước và tiếp tục củng cố nền chính trị “không đảng phái” bằng cách thiết lập hội đồng khu vực (cơ quan quản lí địa phương), trên cơ sở các cuộc bầu cử địa phương phi đảng phái, được tiến hành trong những năm 1988-1989. Chính phủ nói rằng các hội đồng địa phương là những viên gạch tạo ra cơ quan lập pháp quốc gia.
Việc thành lập Phong trào vì Tự do và Công lý (MFJ) vào tháng 8 năm 1990 đã làm thay đổi động lực của những lời gọi đòi trở lại với chế độ hiến định. MFJ là “phong trào toàn quốc và cởi mở, nhằm vận động cho sự phục hồi chế độ dân chủ ở nước ta”[1]. ​​Phong trào này được thành lập bởi “một nhóm những người Ghana quan tâm tới quyền lợi chung, đại diện cho toàn bộ phổ chính trị, tư tưởng và niềm tin tôn giáo từ các tầng lớp xã hội, giai cấp, nghề nghiệp và dân tộc khác nhau”[2], các nhà lãnh đạo của phong trào này xuất thân từ hai truyền thống chính trị quan trọng nhất của đất nước - Nkrumah và Danquah-Busia - và từ những nhóm chính trị mới. Mạng lưới các lực lượng ủng hộ dân chủ, một số trong đó đã từng lên tiếng đòi chế độ hiến định, trong đó có GTUC, NUGS, GBA, Vệ binh Cách mạng Kwame Nkrumah, Phong trào Dân chủ Mới, Đội quân Thanh niên châu Phi, Hội đồng Giáo hội Công giáo và Hội nghị Giám mục Công giáo. Hoạt động của liên minh rộng hơn của các nhóm xã hội dân sự này đã làm bùng lên phong trào xã hội đòi chế độ dân chủ. Vì vậy, những năm 1980 đã kết thúc với áp lực chính trị gia tăng lên Hội đồng Quốc phòng Lâm thời Quốc gia (PNDC), buộc phải khởi động những cuộc cải cách hiến pháp. Công đồng các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là chính phủ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) - cũng gây áp lực đòi cải cách chính trị và hiến pháp, coi đó là điều kiện cấp viện trợ.
Rawlings và quá trình chuyển hóa
Mặc cho thái độ bảo thủ của Rawlings đối với chế độ dân chủ đa đảng, từ năm 1991, chính phủ của PNDC đã có những tín hiệu cho thấy họ đang đáp ứng trước những áp lực về cải cách chính trị từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong thông điệp đầu năm, ngày 01 tháng 1 năm 1991, Rawlings đã phác thảo một số cải cách theo hướng đó. Ông ta tuyên bố rằng Ủy ban Quốc gia vì Dân chủ (NCD), được uỷ quyền để tổ chức những cuộc tham vấn trên toàn quốc về hình thức của chế độ dân chủ và quản trị, sẽ đệ trình bày báo cáo vào cuối tháng 3. Sau khi NCD nộp báo cáo, một ủy ban gồm các chuyên gia về hiến pháp sẽ được bổ nhiệm để xuất bản phác thảo hiến pháp trên cơ sở bản báo cáo này và các bản hiến pháp năm 1957, 1960, 1969 và 1979. Cuối cùng, hội đồng tư vấn đủ thành phần sẽ được triệu tập để thảo luận kĩ và biểu quyết thông qua bản hiến pháp mới cho đất nước, bản hiến pháp này cũng phải dựa trên báo cáo của NCD và những bản hiến pháp trước đây – đây là yếu tố quan trọng, vì ba bản hiến pháp trước đây đều dựa trên các nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do.
Nhưng cũng rõ ràng là, theo thông điệp đầu năm, Rawlings đã không hoàn toàn từ bỏ chương trình ban đầu của ông ta là thay thế các thiết chế chính trị tự do của đất nước bằng những thiết chế dân chủ dân túy, dựa trên quan niệm về chế độ dân chủ trực tiếp phi đảng phái. Ông ta tuyên bố rằng chính phủ của ông ta bây giờ sẽ tiếp tục tập trung vào “con đường tiến tới thiết lập cho Ghana trật tự hiến định mới” phù hợp với “các tiến trình dân chủ được khởi động ngày 04 tháng 6 Năm 1979 và ngày 31 tháng 12 năm 1981”. Điều đó ám chỉ mục đích ban đầu của PNDC là thiết lập hệ thống dân chủ, trong đó những giai cấp thấp trong xã hội Ghana sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định thông qua những thiết chế chính trị của chính họ - trước đây là các ủy ban quốc phòng, còn sau này là hội đồng địa phương. Tuy nhiên, chính phủ Rawlings vẫn nắm chặt quyền kiểm soát quá trình cải cách chính trị và cải cách hiến pháp và không tham khảo rộng rãi ý kiến của các nhóm xã hội dân sự đã và đang đòi cải cách. Hơn nữa, sau khi Ủy ban Chuyên viên và Hội đồng Tư vấn soạn thảo xong dự thảo hiến pháp, nhưng trước khi đưa ra trưng cầu dân ý, PNDC đã đưa vào những điều khoản miễn tố cho những hành động liên quan đến tới những thay đổi trong chính phủ (nghĩa là đảo chính) hay bất kì hành động hay thiếu sót nào của PNDC hay những người mà họ bổ nhiệm trong giai đoạn cầm quyền của mình, và bằng cách đó bảo vệ họ, để không bị các chính phủ tiếp theo truy cứu trách nhiệm.
Cuối năm 1991, PNDC đã chứng tỏ là rất khéo léo trong việc duy trì quyền kiểm soát trước sự phản đối đang ngày càng gia tăng của các lực lượng ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, cộng đồng các nhà tài trợ cũng gia tăng thông điệp ủng hộ cải cách. Ở trong nước, mạng lưới các hiệp hội công dân được mở rộng và lập ra liên minh lớn hơn - Ủy ban Điều phối các Lực lượng Dân chủ, bao gồm khoảng 11 nhóm – nhằm thúc đẩy hơn nữa các cuộc cải cách chính trị và cải cách hiến pháp. Bản hiến pháp tự do mới được đa số thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý, tổ chức vào ngày 28 tháng 4 năm 1992. Sau đó là Luật mới về các chính đảng, hủy bỏ việc cấm các đảng phái hoạt động (tháng 5 năm 1992), bãi bỏ Luật cấp môn bài cho báo chí (ban hành năm 1985) vào tháng 5 năm 1992, thành lập Ủy ban Bầu cử Quốc gia Lâm thời (INEC), có quyền đăng kí tất cả các đảng chính trị.
Trước việc mở cửa dân chủ ồ ạt này, những tổ chức xã hội dân sự ủng hộ dân chủ đồng loạt tự chuyển hóa thành các đảng chính trị. Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1992, đã có 11 đảng chính trị được đăng kí tham gia cuộc bầu cử đa đảng, mà theo kế hoạch thì sẽ được ​​tổ chức vào tháng 11 năm 1992 (bầu cử tổng thống) và tháng 12 năm 1992 (bầu cử nghị viện).
Lúc đó, Rawlings đã củng cố được thanh danh là “nhà dân chủ bất đắc dĩ”. Vì thế, các nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị đã tỏ ra thận trọng. Họ thành lập Liên minh các Lực lượng Dân chủ (ADF) để đấu tranh trong suốt giai đoạn tiến hành những cuộc cải cách chính trị và hiến pháp. ADF* đã kiện chính phủ ra tòa vì những điều khoản trong Luật mới về các chính đảng, trong đó có những hạn chế về việc sử dụng tên đảng, biểu tượng và khẩu hiệu nếu những thứ đó đã từng là của những đảng phái chính trị bị chính quyền quân sự trước đó cấm hoạt động. Liên minh cũng sử dụng các tòa án để bảo đảm rằng những cuộc cải cách về nhân quyền được thực hiện. Cùng thời gian đó, báo chí tư nhân mọc lên như nấm và báo chí tư nhân nổi lên như những cơ quan ngôn luận không chính thức của phong trào ủng hộ dân chủ, báo chí giúp đẩy nhanh quá trình cải cách.
Trong năm 1992, dường như hướng đi của những cuộc cải cách chính trị là không thể đảo ngược. Đón đầu quá trình chuyển đổi cuối cùng tới chế độ dân chủ tự do, Rawlings thành lập đảng Đại hội Dân chủ Quốc gia (NDC), mà ông ta vừa là lãnh đạo, vừa là ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm đó. Ông ta còn khăng khăng – trái ngược với lời khuyên của Quỹ Quốc tế ủng hộ các Hệ thống bầu cử và lờ đi những lời phản đối của các đảng đối lập - sử dụng cơ quan đăng kí cử tri đã lỗi thời. Mặc dù đã có những lắt léo về chính trị như thế, nhưng cuộc bầu cử tổng thống vẫn được tổ chức vào tháng 11, còn bầu cử nghị viện thì được tiến hành vào tháng 12 năm 1992.
INEC tuyên bố Rawlings là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, với 58,3% phiếu bầu. Giáo sư A. Adu-Boahen, ứng cử viên tổng thống Đảng Ái quốc Mới, đứng thứ hai với 30,4% phiếu bầu. Các đảng đối lập kịch liệt phản đối kết quả bầu cử, cáo buộc rằng gian lận lan tràn khắp nơi. Vụ tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện do NPP và các đảng đối lập khác thực hiện đã đảm bảo cho đảng NDC và các đồng minh của nó chiến thắng vang dội. Rawlings và đảng NDC của ông ta giành được chức tổng thống và thành lập chính phủ đầu tiên của Nền Cộng hòa Đệ tứ và kiểm soát được nghị viện mới với 189 trong tổng số 200 ghế.
*Các nhà lãnh đạo, trong đó có Giáo sư A. Adu-Boahen, B. J. Da Rocha, Tiến sĩ Hilla Limann (Tổng thống Đệ Tam Cộng Hòa và bị lật đổ trong cuộc đảo chính do Rawlings cầm đầu ngày 31 tháng 12 năm 1981), Kojo Botsio, Tiến sĩ Kwame Safo-Adu, Alhaji Mohmmed Farl và Bawa Dy-Yaka, thuộc các truyền thống chính trị Busia-Danquah và Kwame Nkrumah.
Thiết chế hóa nền chính trị dân chủ
Việc tẩy chay cuộc bầu cử nghị viên do phe đối lập thực hiện đã cho thấy rõ sự bất đồng và nghi ngờ về quá trình chuyển hóa. Hội đồng các nhà lãnh đạo quốc gia (National House of Chiefs – gồm 5 nhà lãnh đạo từ 10 khu vực trong cả nước, do Hội đồng các khu vực bầu lên - ND) và lãnh đạo các tôn giáo chính - cả Công giáo lẫn Hồi giáo - can thiệp để giải quyết bế tắc. Mục đích của họ là chấm dứt xung đột chính trị và khôi phục lại nền chính trị theo kỉ cương. Khi những cố gắng như thế gặp thất bại, NPP, đảng đối lập lớn nhất, đã có bước đột phá nhằm chủ động chấm dứt tình trạng các đảng chính trị đối lập tự tách mình ra khỏi nền chính trị dân chủ còn đang trong giai đoạn trứng nước. Đảng này ra tuyên bố thể hiện ý định muốn “làm việc” với chính phủ của NDC, và kết hợp với những đảng đối lập khác thành lập nội các “trong bóng tối” của phe đối lập nằm bên ngoài Nghị viện và kiện chính phủ ra tòa về một loạt chính sách. Người ta nhanh chóng nhận ra sự thiếu hiệu quả của chiến lược tẩy chay bầu cử nghị viện, vì chính phủ của Rawlings và Nghị viện bị NDC khống chế đã quản lí đất nước mà không có đảng đối lập nào. Rõ ràng là, lúc đó chỉ có một cách duy nhất để tham gia tích cực vào quá trình quản trị đất nước là được dân bầu.
Tháng 3 năm 1994, các đảng đối lập sẵn sàng chấp nhận lời mời tham gia Uỷ ban Tư vấn Liên đảng (IPAC), do Hội đồng Bầu cử khởi xướng, coi đấy là diễn đàn cho những cuộc đối thoại, tham vấn và xây dựng đồng thuận giữa các đảng. Dưới sự chủ trì của Ủy ban Bầu cử, IPAC đã trở thành diễn đàn cho các đảng chính trị lớn, giúp xây dựng sự đồng thuận về những cuộc cải cách, đang rất cần thiết, nhằm tăng cường lòng tin trong quá trình bầu cử và củng cố tính trung thực của nó. Kết quả của các cuộc đối thoại và quá trình xây dựng đồng thuận được thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử năm 1996. NDC giành được chức tổng thống cũng như đa số ghế trong Nghị viện. Lần này giới tinh hoa chính trị đã thể hiện được rằng nền văn hóa dân chủ đang trên đà phát triển. John Kufuor, ứng viên tổng thống của NPP, thừa nhận ngay thất bại và chúc mừng Tổng thống Rawlings vì đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Tổng thống Rawlings cũng đã dành những lời nhã nhặn để nói về Kufuor vì ông đã giúp đảm bảo giữ cho cuộc bầu cử được tiến hành trong hòa bình, tự do và công bằng và “thủ tục dân chủ có kỉ cương”.
Trong suốt nhiệm kì tổng thống của mình, Rawlings đã “không sử dụng hết công suất của bộ máy cưỡng bức và tiến hành đầu tư cho những thiết chế dân chủ”[3]. Thúc đẩy hơn nữa những công việc, mà cả trong nước lẫn quốc tế đều đòi hỏi, góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa dân chủ. Năm 2000, Rawlings thể hiện cam kết của mình với các tiêu chuẩn và thủ tục dân chủ bằng cách tôn trọng giới hạn hai nhiệm kì tổng thống đã được ghi trong Hiến pháp. John Attah-Mills thay Rawlings làm ứng cử viên viên tổng thống của NDC trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000. Một lần nữa, Kufuor lại làm ứng cử viên tổng thống của NPP và giành được chức tổng thống sau vòng bỏ phiếu thứ hai với 56,9% phiếu bầu (Attah-Mills được 43,1%). Đảng NPP cũng giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp, với 100 ghế trong nghị viện, trong khi NDC chỉ giành được 92 ghế. Attah-Mills và đảng NDC của ông ta thừa nhận thất bại, trở thành đảng đương quyền đầu tiên thời hậu thuộc địa của Ghana đánh mất quyền lực qua những phương tiện dân chủ.
Kufuor và tiến trình củng cố dân chủ
Mặc dù đây là quá trình chuyển hóa hòa bình, xã hội Ghana bị phân thành hai cực Rawlings/NDC và Kufuor/NPP (sự chia rẽ, vẫn tiếp tục tới tận ngày nay) và cạnh tranh chính trị mang tính thù địch dữ dội. Chế độ độc tài và thành tích nhân quyền tổi tệ của chính quyền Rawlings/đảng NDC càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ về chính trị. Còn có cả vấn đề tự do báo chí nữa. Mặc dù chính phủ của đảng NDC của Rawlings đã bãi bỏ Luật cấp môn bài cho báo chí vào tháng 5 năm 1992, các phương tiện truyền thông tiếp tục bị khởi tố vì tàn dư của những điều luật độc đoán có từ thời chính phủ của đảng NDC, có ảnh hưởng tiêu cực đối với tự do báo chí.
Tổng thống Kufuor đã có những bước đi nhằm hàn gắn những thương tổn về chính trị và đoàn kết dân tộc. Thứ nhất, ông bổ nhiệm một số thành viên của liên minh các đảng chính trị đối lập với NDC vào những chức vụ bộ trưởng khác nhau trong chính phủ. Tuy nhiên, chính sách dung hợp của chính phủ không mở rộng đến hàng ngũ đảng viên của NDC vừa bị đánh bại, và do đó đã không trở thành tiền lệ tạo áp lực lên các chính phủ trong tương lai. Không những thế, việc loại trừ những người thuộc đảng NDC đã hợp thức hóa nguyên tắc được-ăn-cả-ngã-về-không, dành độc chiếm quyền lực và đặc quyền đặc lợi cho những người nắm quyền.
Thứ hai, chính phủ của Tổng thống Kufuor thành lập Hội đồng Hòa giải Dân tộc (NRC) với nhiệm vụ “tìm kiếm và thúc đẩy hòa giải dân tộc trong nhân dân bằng cách đề nghị những khoản bồi thường thích hợp cho những người từng bị đối xứ bất công, bị tổn thương, bị thiệt hại, bị đau khổ hoặc hoặc bị lạm dụng và các quyền bị vi phạm dưới bất cứ hình thức nào, do những hành động hay không hành động của các thiết chế và những người nắm quyền trong thời chính phủ vi hiến”. Cùng với tiến trình hoạt động của Hội đồng, thái độ thù địch ban đầu do các nhóm thân Rawlings thể hiện, đã lắng dịu dần, nhất là khi người ta thấy rõ rằng đấy không phải là hoạt động điều tra mà là quá trình cân bằng nhằm tìm kiếm “hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội và chế độ pháp quyền cùng với tư pháp hình sự vì lợi ích chung của dân tộc đang rất cần cố kết và ổn định”[4]. Rawlings đã phải ra điều trần trước NRC theo một trát đòi của tòa án. Tuy khó xác định xem NRC có đạt được hòa giải trên thực tế hay không, nhưng ý chí chính trị mà Tổng thống Kufuor thể hiện đã giúp củng cố chế độ pháp quyền và tăng cường niềm tin vào ngành tư pháp.
Chính phủ NPP của Kufuor còn thúc đẩy tự do báo chí bằng cách bãi bỏ Luật về tội phỉ báng nhằm đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông được hưởng các quyền tự do, phù hợp với hiến pháp. Nhiều người Ghana được khuyến khích thành lập cả các cơ sở in ấn lẫn phương tiện thông tin điện tử, với các chức năng quan trọng của chế độ dân chủ là giám sát giai cấp cầm quyền, vạch trần những hành động quá lạm của họ và buộc họ phải có trách nhiệm giải trình. Nhưng luồng gió mạnh đột ngột của tự do cũng khuyến khích các phương tiện truyền thông sử dụng một cách vô trách nhiệm các quyền tự do ngôn luận.
Cơ quan tư pháp tiếp tục được hưởng sự độc lập mang tính truyền thống, được hiến pháp bảo đảm và đã bảo vệ các quyền công dân bằng những bản án đầy tinh thần trách nhiệm trước xã hội. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp, trong đó Tổng thống Kufuor đã can thiệp vào quá trình tư pháp. Ví dụ, sau khi trở thành Tổng thống, ông đã bổ nhiệm thêm các thẩm phán của Tòa án Tối cao, rồi sau đó còn bổ nhiệm một thẩm phán khác của Tòa án Tối cao để xét sử vụ gọi là Attorney General (No. 2) v. Tsatsu Tsikata (ông này là cựu chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ghana). Mặc dù hành động này không phải là bất hợp pháp, nhưng nó được coi là nỗ lực nhằm lôi kéo toà án ủng hộ chính quyền của ông. Mặc dù vậy, cách hành xử nói chung của ngành tư pháp đã dẫn đến kết quả là giai cấp chính trị của Ghana ngày càng sẵn sàng đưa ra toà để giải quyết những tranh chấp, ví dụ, như những tranh chấp liên quan đến các quyền của cá nhân, các tranh cãi về kết quả bầu cử và thành lập các khu vực bầu cử mới.
Tương tự như cơ quan tư pháp, các cơ quan an ninh cũng hoạt động như các công cụ đáng tin cậy trong việc bảo vệ và che chắn cho chế độ dân chủ. Các cơ quan này đã hợp tác với Ủy ban Bầu cử để đảm bảo tính trung thực của các cuộc bầu cử và bảo vệ các quyền công dân và nói chung là bảo đảm hòa bình, trật tự và chế độ pháp quyền. Cụ thể là, quân đội đã nằm dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự, theo đúng hiến pháp và là kết quả của một quá trình “tái chuyên nghiệp hóa” do chính phủ thuộc đảng NDC của Rawlings khởi động. Nhằm củng cố cán cân dân sự-quân sự, cả các quan chức dân sự lẫn quân sự đều được học “Quản lý theo lối dân chủ lĩnh vực an ninh” để trang bị cho họ năng lực thích hợp để có thể thực hiện một cách hiệu quả vai trò của họ[5]. Bài kiểm tra sự phục tùng chính quyền dân sự của quân đội diễn ra vào năm 2008, theo sau cuộc bầu cử mà kết quả không được mọi người tâm phục khẩu phục và vào năm 2012 trong các sự kiện sau khi Tổng thống Attah-Mills đột ngột từ trần ngay trong văn phòng. Trong những vụ này, quân đội đã tuân thủ hiến pháp và chính quyền dân sự nhằm đảm bảo việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Cuộc bầu cử năm 2012 cũng khẳng định sự thăng tiến của nền văn hóa dân chủ ở Ghana. Mặc dù nhiều người lo lắng về nền hòa bình và sự ổn định của đất nước, cuộc bầu cử đã được tiến hành một cách hòa bình. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tuyên bố rằng cựu phó Tổng thống và ứng cử viên của Đảng NDC, John Mahama, trúng cử với 50,7% số phiếu bầu hợp lệ. Nana Addo Dankwa Akufo-Addo của Đảng NPP được 47,7% số phiếu hợp lệ. Mặc dù Đảng NPP không chấp nhận kết quả bầu cử, Mahama đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ năm của Ghana vào ngày 07 tháng một năm 2013, theo quy định của hiến pháp. Việc các quan sát viên trong và ngoài nước, cũng như các chính phủ nước ngoài công nhận kết quả bầu cử đã giúp làm dịu tình hình chính trị. Dàn đồng ca cầu nguyện cho hòa bình và đoàn kết quốc gia của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có cả các tổ chức tôn giáo và những người cầm quyền truyền thống, đã củng cố yêu cầu đòi phải để cho văn hóa công dân giữ thế thượng phong. Quyết định của đảng NPP về việc giải quyết kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Tòa án Tối cao là tín hiệu về sự thăng tiến của nền văn hóa dân chủ ở Ghana[6].
Đây không phải là lần đầu tiên đảng chính trị thua trong cuộc bầu cử tổng thống thách thức kết quả bầu cử. Năm 2004, các thành viên hàng đầu của Đảng NDC đã thách thức kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Tòa án tối cao và bị thua. Sau đó, năm 2008, ứng cử viên tổng thống của Đảng NPP, Nana Addo Dankwa Akufo-Addo, không thừa nhận thất bại cho đến khi một nhóm các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và tôn giáo can thiệp, họ thuyết phục ông xem lại lập trường của mình. Trong tất cả những trường hợp này, các thiết chế quản trị quan trọng nhất đối với việc quản lí một cách hiệu quả các cuộc bầu cử và tranh chấp đã vượt qua được thử thách.
Kết luận
Sự bền vững của quá trình chuyển hóa của Ghana sang chế độ dân chủ bám chặt vào những thiết chế dân chủ độc lập của nước này và thái độ tôn trọng các đảng chính trị và các nhà lãnh đạo chấp thuận các thiết chế đó. Điều cực kì quan trọng là, kể từ năm 1992, Ủy ban Bầu cử đã lãnh đạo những cuộc bầu cử kế tiếp nhau một cách khéo léo và thận trọng. Sự trung thực của quá trình bầu cử đã góp phần củng cố niềm tin của công chúng vào các thiết chế quản trị, nói chung. Quân đội đã thực hiện vai trò của mình phù hợp với hiến pháp, quân đội nắm dưới quyền quản lí của chính quyền dân sự và đứng ngoài chính trị. Những người hoạt động chính trị đã thể hiện sự cam kết đối với các quy tắc và chuẩn mực của chế độ dân chủ, và đã giải quyết các cuộc xung đột thông qua đối thoại và thủ tục giải quyết xung đột được pháp luật quy định.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn song hành với tiến trình dân chủ của Ghana. Mặc dù các đảng phái chính trị đã chấp nhận cơ chế giải quyết các vấn đề bầu cử, nhưng giữa các đảng vẫn còn tồn tại rất nhiều ngờ vực, họ chưa xây dựng được sự đồng thuận về chương trình nghị sự phát triển quốc gia được mọi người cùng chia sẻ. Sự thù hận như thế dẫn đến kết quả là các chính trị gia không được dân chúng tin tưởng bằng các thiết chế dân chủ nói chung. Cơ quan tư pháp được nhiều người coi là trọng tài trung lập, nhưng hệ thống tư pháp cũng bị coi là quá tốn kém, nằm ngoài tầm với của những người Ghana bình thường. Mặc dù có những thách thức như thế, người dân Ghana chấp nhận rằng, xây dựng thành công chế độ dân chủ là trách nhiệm chung và là biện pháp duy nhất có thể đảm bảo được hòa bình và phát triển xã hội.
Tiểu sử John Agyekum Kufuor, Tổng thống Ghana giai đoạn 2001–2009
John Agyekum Kufuor, luật sư dòng dõi hoàng gia thuộc nhóm sắc tộc Ashanti, chiếm đa số ở Ghana, kết hợp được kinh nghiệm về kinh doanh và tài chính cả trong nước lẫn quốc tế, cũng như vai trò quan trọng trong lĩnh vực kĩ trị với nhiều năm đóng vai lãnh tụ phe đối lập. Ông từng là bộ trưởng trong chính phủ Kofi Busia (1969–1972) của nền Đệ nghị Cộng hòa và là nghị sĩ đối lập của nền Đệ tam Cộng hoà dưới thời Hilla Limann (1979-1981) và thư kí của chính quyền địa phương dưới thời chính phủ quân sự thuộc Đảng NDC của Jerry Rawlings. Kufuor là một thành viên sáng lập Đảng NPP, Đảng này đã tổ chức tranh cử trong những cuộc bầu cử dân chủ hồi giữa những năm 1990. Ông dẫn dắt Đảng NPP, trong vai trò ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1996 và giành được chiến thắng. Việc Kufuor giành được chức tổng thống đánh dấu vụ chuyển giao quyền lực thành công đầu tiên từ một chính phủ được bầu theo lối dân chủ sang một chính phủ dân chủ khác, kể từ khi Ghana giành được độc lập năm 1957. Ông tái đắc cử tổng thống vào năm 2004, hoàn thành hai nhiệm kì được hiến pháp quy định, rồi sau đó giao quyền cho vị Tổng thống mới được bầu, John Atta Mills, thuộc Đảng NDC, và bằng cách đó, làm sâu sắc thêm chế độ dân chủ tự do của Ghana. Kufuor cũng củng cố các thiết chế dân chủ của Ghana bằng cách giảm bớt đáng kể những hạn chế về tự do báo chí và thành lập ủy ban điều tra những vụ vi phạm nhân quyền, xảy ra dưới những chế độ trước năm 1992. Là người đứng đầu đảng chính trị với tư tưởng tự do dân chủ và thị trường tự do đã có truyền thống từ lâu đời, Kufuor theo đuổi các chính sách kinh tế thị trường tự do kiên định, giúp Ghana hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Phỏng vấn Tổng thống John Agyekum Kufuor
Các chu kì can thiệp của quân đội vào chính phủ
Hình ảnh trên trường quốc tế của Ghana: Đây là trường hợp chuyển đổi thành công sang hệ thống dân chủ, trong đó đã và đang có những cuộc bầu cử tự do và công bằng, luân phiên cầm quyền, các thiết chế bầu cử hoạt động, tự do báo chí, phân chia quyền lực và nền quản trị dân chủ. Danh tiếng quốc tế như thế của chế độ dân chủ của Ghana có chính xác không? Nếu chính xác, làm sao làm được như thế?
Danh tiếng quốc tế của chế độ dân chủ Ghana là khá chính xác, nhưng chẳng có danh tiếng ở đâu là hoàn hảo cả. Dân chủ không xảy ra một cách tự nhiên. Nhiều cái phụ thuộc vào con người, phụ thuộc vào tính khí của họ và thậm chí là phụ thuộc cả vào văn hóa của họ nữa. Tôi có thể nói tính khí của người Ghana, các bộ lạc, sinh sống từ bờ biển đến cực bắc, từ đông sang tây, có xu hướng thỏa hiệp. Các du khách tới Ghana nhận xét rằng người Ghana rất thân thiện, hòa bình, tuân thủ pháp luật và sùng đạo. Vì vậy, với tính khí như thế và lịch sử của đất nước chúng tôi, từ xa xưa họ đã sống rất tốt với nhau; họ là thông gia với nhau và những mối quan hệ tương tự như thế.
Với nền tảng như thế và những bản hiến pháp tốt, quy định những thủ tục của chế độ dân chủ, người ta sẽ nghĩ rằng thiết lập nền quản trị dân chủ là việc dễ. Nhưng Ghana không phải là trường hợp dễ. Ghana, nước đầu tiên ở phía nam sa mạc Sahara, châu Phi, giành được độc lập, năm 1957. Nhưng sau đó, nước này bị lực lượng quân sự và các cuộc đảo chính làm cho rối loạn trong một thời gian dài. Trong trường hợp Ghana, tôi xin nói rằng trong suốt 50 năm độc lập, nhân dân đã gặp nhiều hình thức quản trị khác nhau. Hiến pháp đầu tiên là dân chủ, nhưng sau đó, cùng với thời gian, chính phủ Kwame Nkrumah đã lạc vào hệ thống độc đảng, những người bất đồng với chế độ bị bắt và giam giữ vì lý do chính trị mà không được đưa ra xét xử. Vì vậy, năm 1966, khi cuộc đảo chính quân sự nổ ra, nhiều người đã bị giam giữ mà không được xét xử, không có công lí. Nhân dân không thích như thế, vì vậy, binh lính đã tham gia vào, nhưng họ lại đưa tới chế độ độc tài quân sự, nhân dân cũng vẫn không thích. Quân đội nắm quyền trong khoảng ba năm, rồi sau đó, năm 1969, bàn giao cho chính phủ của Giáo sư Busia, tôi bắt đầu tham gia chính trị từ đấy. Họ cho các quan chức dân sự tham gia, để cai trị theo bản hiến pháp dân chủ.
Chế độ dân chủ kế tiếp chỉ kéo dài được hai năm ba tháng, và binh lính quay trở lại, họ nói rằng chính quyền đã tước của họ một vài đặc quyền đặc lợi. Họ cư xử như thể họ từng đã nếm mùi quyền lực mà họ tin rằng nó phải là của họ. Quân đội cai trị trong tám năm tiếp theo. Họ phá hủy nền kinh tế của Ghana và tham nhũng đến mức nhân dân nói rằng, một lần nữa, họ muốn có chế độ dân sự và chế độ dân chủ hiến định.
Cuối nhiệm kỳ đó lại có một cuộc đảo chính quân sự, họ giải tán chính phủ của chính mình, rồi một sĩ quan trẻ [Jerry J. Rawlings], tổ chức cuộc đảo chính thứ hai. Họ đã giết các tướng lĩnh, trong đó có ba cựu nguyên thủ quốc gia, trước khi chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Đó là năm 1979. Nền Đệ Tam Cộng Hòa hình thành như thế đấy. Chế độ dân sự [đứng đầu là Tổng thống Hilla Limann] xuất hiện cùng với sự ra đi của quân đội cũng chỉ kéo dài được hai năm ba tháng. Sau đó là cuộc đảo chính nữa, ngay đêm giao thừa [31 tháng 12 năm 1981], khi cả nước đang hừng hực tâm lí vui mừng nhân lễ Giáng sinh. Hiến pháp dân chủ bị bãi bỏ để binh lính có thể một lần nữa nắm quyền, lần này họ tự tuyên bố là nắm quyền để dọn dẹp nạn tham nhũng..v.v... Các binh sĩ giành và sau đó giữ quyền lực trong khoảng 10 năm nữa. Đấy hoàn toàn là chế độ độc tài quân sự. Đất nước không biết hòa bình là gì. Đất nước bị giới nghiêm suốt ba năm trời. Đời sống xã hội bị đảo lộn, còn kinh tế thì không hoạt động được. Khu vực tư nhân không được phép phát triển, nghèo đói làm cho đất nước và nhân dân chết dần chết mòn.
Chuyển hóa hệ thống độc tài ngay từ bên trong
Lúc đó, tới cuối những năm 1980 đã diễn ra những thay đổi trên khắp thế giới. Bức tường Berlin sụp đổ, vì vậy hội chứng Đông-Tây từng siết chặt châu Phi bỗng mở toang và lúc đó yêu cầu tự do hóa lan tràn khắp nơi. Trong khi đó, nền kinh tế Ghana rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Nhân dân bất mãn và dưới áp lực quốc tế, bản hiến pháp của Nền Cộng hòa Đệ tứ - bản hiến pháp rất dân chủ, hiện đang có hiệu lực - ra đời. Năm 1992, khi nhân dân có được cơ hội, họ liền nắm lấy và từ đó trở đi người dân đã thể hiện sự kiên nhẫn. Chính phủ từng bước xây dựng bản hiến pháp hiện hành, với tinh thần phân quyền; tôn trọng các quyền cơ bản của con người; dung hợp tất cả mọi người, không phụ thuộc vào bộ tộc, tôn giáo hay giới tính; và công nhận các tổ chức của xã hội dân sự. Hiến pháp thiết lập chế độ pháp quyền và tái thẩm tư pháp, tự do thông tin, hệ thống đa đảng..v.v... Đó là chế độ hiến định mà chúng tôi đang tiếp tục xây dựng.
Từ năm 1992, khi hệ thống mới này ra đời, Ghana đã thành công trong việc thay đổi chính phủ. Chúng tôi đã có năm cuộc bầu cử [kể cả cuộc bầu cử tháng 9 năm 2012]. Trong năm 2000, phe đối lập thắng và quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình; đó là lúc tôi nhậm chức. Rồi năm 2008, chúng tôi tổ chức một cuộc bầu cử nữa. Đảng của tôi thua không đáng kể. Với gần 9 triệu cử tri, bên chúng tôi chỉ mất có 40.000 phiếu. Việc này có thể gây ra biến động trong nhiều khu vực khác, nhưng chúng tôi chấp nhận kết quả bầu cử.
Hệ thống này không phải là hoàn hảo, Ủy ban Bầu cử thì cũng thế. Nếu bạn đọc báo ngày hôm nay [tháng 9 năm 2012], bạn sẽ thấy nhiều khu vực đang dùng Ủy ban Bầu cử để giải quyết công việc cho những người muốn tạo ra khu vực bầu cử mới, trước cuộc bầu cử có hai tháng và sau khi việc đăng kí cử tri đã chấm dứt. Nhưng hiến pháp có một khiếm khuyết là Ủy ban Bầu cử được lập ra mà không có biện pháp đảm bảo trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Cho nên, đây là thách thức mà hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt, vì các phương tiện truyền thông được tự do cho nên nhân dân phê phán. Các thẩm phán phê phán, các đảng đối lập phê phán, Đại hội Công đoàn phê phán, nhưng chính phủ dường như ủng hộ Ủy ban Bầu cử.
Vì vậy, có thể nói, chúng tôi đang cải thiện trong việc theo đuổi dân chủ. Nhưng nhiều thành tích trong đó thuộc về nhân dân, vì tính khí của họ và lịch sử của họ khuyến khích việc cho và nhận, “sống và để cho người khác sống” và đấy là những điều cực kì quan trọng đối với chế độ dân chủ. Tuy nhiên, tôi đã học được từ kinh nghiệm của mình rằng tự do khác với dân chủ. Tôi chưa thấy người nào không yêu tự do. Tôi tin rằng tự do đến với con người một cách tự nhiên, ai cũng muốn có không gian để tự thể hiện. Nhưng, bạn có thể có tự do, nhưng nếu bạn không có nền văn hóa dân chủ - là cái phải vun trồng và chăm sóc – hỗn loạn có thể thắng thế hay một nhóm người thông minh nào đó có thể xoay sở nhằm chiếm đoạt quyền lực và sau đó không cho nhân dân chế độ dân chủ nữa.
Ông nói với chúng tôi rằng nhân dân Ghana, do lịch sử và bản chất là những người dễ thỏa hiệp, cởi mở và không thích đụng độ mà muốn giải quyết các vấn đề. Nhưng nhân dân, tự họ, rất khó hoạt động như một đơn vị để tạo ra thay đổi. Cần phải có quy trình, thiết chế và các nhà lãnh đạo.
Quần chúng, không thể xây dựng được các thiết chế; đó là lý do vì sao lãnh đạo lại quan trọng.
Ảnh hưởng quốc tế
Ông nhắc đến một sĩ quan trẻ, Jerry Rawlings, người đã lật đổ chính quyền quân sự của mình và sau đó đi qua những giai đoạn khác nhau mà ông mô tả. Làm thế nào mà ông ta lại trở thành một nhà lãnh đạo của quá trình dẫn tới kết quả mang tính dân chủ như ông nói?
Vụ sụp đổ Bức tường Berlin năm 1989 đã tháo cũi sổ lồng cho tự do tung bay khắp thế giới, vì cho đến lúc đó hệ thống lưỡng cực, sự phân chia tư tưởng giữa Đông và Tây, đã thâm nhập vào mọi hang cùng ngõ hẻm. Năm 1989, các lực lượng của chủ nghĩa tự do đã giành được uy thế, và sau đó các thiết chế của Bretton Woods (ý nói Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - ND) và các tổ chức quốc tế khác bắt đầu gây áp lực khắp nơi, kể cả ở đây. Và đấy là điều mà tôi tin rằng chế độ quân sự dưới quyền người sĩ quan trẻ này – đã cầm quyền khoảng 10 năm - buộc phải đáp ứng những áp lực của các nhà tài trợ. Các phương tiện truyền thông tự do, tức là những phương tiện tự thể hiện ở khắp mọi nơi cũng gây áp lực lên các nhà độc tài của châu lục này. Vì vậy, ở đây, nhân dân bắt đầu lên tiếng, và những thành phần bên trong chế độ nhận ra rằng họ cũng bị ảnh hưởng, sau đó, họ bắt đầu nói đến việc đưa vào một bản hiến pháp mới. Đấy không phải là lòng tốt của bất cứ người nào nằm trong chế độ quân sự. Nó là kết quả của áp lực quốc tế. Nền kinh tế hoạt động không tốt, các nhà tài trợ của Ghana và các chủ nợ bắt đầu áp đặt điều kiện.
Hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều nước châu Phi. Tới những năm 1990, thậm chí chế độ phân biệt chủng tộc cũng bắt đầu phải đáp ứng các áp lực của quốc tế, còn ở những nơi khác, những nhà cầm quyền cứng rắn bắt đầu rời khỏi vũ đài. Một lần nữa, trên lục địa châu Phi, Ghana luôn luôn là người bắt nhịp cho cả châu lục, có lẽ là nước đầu tiên chia tay với chế độ quân sự độc tài vì quá trình chuyển hóa diễn ra vào năm 1992. Nhưng, điều thú vị là người sĩ quan trẻ không những không từ bỏ chức vụ cùng với chế độ độc tài quân sự, mà đã tìm cách chuyển bộ quân phục sang bộ cánh dân sự và lập ra một đảng [Đại hội Dân chủ Quốc gia - NDC] và trở thành ứng viên tranh chức tổng thống. Trước khi có sự thay đổi như thế, hiến pháp mới đã được thông qua và một số người được bổ nhiệm vào các thiết chế do hiến pháp quy định, Ủy ban Bầu cử, vì nó được chế độ sắp ra đi lập ra và bị để cho thất bại.
Huy động xã hội
Những sự kiện dẫn tới việc hình thành bản hiến pháp năm 1992 cho thấy cách thức mà quá trình đàm phán bí mật hay công khai có thể dẫn sự chuyển hóa từ bất bạo động sang dân chủ. Các phong trào xã hội đã có đóng góp như thế nào vào việc tạo áp lực lên chính phủ Rawlings, buộc họ phải chấp nhận sự thay đổi to lớn, nếu ông ta không sẵn sàng?
Năm 1988, Adu Boahen, giáo sư sử học, đã giảng bài tưởng niệm người được cho là vào năm 1947 đã đưa nền chính trị đảng phái vào Ghana, đấy là J. B. Danquah. Năm 1947, Danquah đã mời Kwame Nkrumah [tổng thống đầu tiên của Ghana, giai đọan 1960-1966] từ nước ngoài về Ghana. Khi về nước, Nkrumah đã từ bỏ công việc đang làm trong tổ chức gọi là United Gold Coast Convention (một tổ chức đấu tranh giành độc lập cho Ghana từ tay thực dân Anh – ND) để thành lập đảng chính trị đầu tiên ở nước này. Nkrumah lãnh đạo nhóm ban đầu này, và sau đó theo đuổi nền chính trị dẫn tới độc lập, Nkrumah lãnh đạo đảng chiếm đa số, những người khác, tức là những người đã mời ông trở về thành phe đối lập. Năm 1960, khi Ghana quyết định trở thành nước cộng hòa, J. B. Danquah, được gọi là đại trưởng lão của nền chính trị Ghana, tranh chức tổng thống với Nkrumah. Năm 1964, Nkrumah bỏ tù ông này. Không may là, Danquah chết trong trại giam vào năm 1965. Đúng một năm sau, Nkrumah bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Những bài giảng tưởng niệm Danquah ở Ghana hình thành từ đấy. Năm 1988, bài giảng do Giáo sư Adu Boahen đọc, có tựa đề “Con Sphinx của Ghana – Nền văn hóa im lặng”. Ông nói rằng Ghana bị nền văn hóa im lặng làm cho đau khổ. Và đúng là cả nước dường như đang nằm dưới bức màn che do chế độ phủ xuống. Mọi người sợ, không dám nói. Nền kinh tế không hoạt động, nhưng nhân dân không thể tự thể hiện một cách công khai. Khu vực tư nhân bị tàn phá. Bí mật của các giao dịch ngân hàng không còn. Chính phủ có thể tịch thu tài sản. Cho nên, lúc đó, trên thực tế, đất nước này không phải quốc gia hạnh phúc. Vì vậy, năm 1988, khi Adu Boahen đọc bài giảng này, nhiều sự kiện bắt đầu xuất hiện. Mọi người bắt đầu nói, và Adu Boahen trở thành anh hùng ngay lập tức. Mặc dù ông không phải là chính trị gia dòng chính, chỉ riêng bài giảng đó của ông đã đưa ông thẳng tiến vào đảng của tôi, ông tham gia tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1992, đối đầu với Rawlings. Các ủy viên ủy ban bầu cử đã tìm cách ngăn chặn ông.
Cải cách hiến pháp
Cố vấn trưởng của Rawlings, Justice Daniel F. Annan, là người tham gia thành lập các thiết chế được quy định trong hiến pháp - Ủy ban Bầu cử, Ủy ban nhân quyền và Tòa án Hành chính, Ủy ban giáo dục công dân – là những thiết chế đã ăn sâu bén rễ trong hiến pháp. Vì nhân dân rất muốn thoát ra khỏi nanh vuốt của giới quân nhân, cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp đã được thông qua. Trên thực tế, hiến pháp còn có những điều khoản chuyển tiếp, miễn tố những người tiến hành đảo chính [Phần 34]. Nó được coi là những điều khoản chuyển tiếp, nhưng vẫn là một phần của bản hiến pháp. Vì sao? Vì nhân dân sẵn sàng trả bất cứ giá nào miễn là thoát khỏi được nanh vuốt của giới quân nhân. Nhưng, chúng tôi vẫn coi đó như chỉ là phần phụ, bên cạnh nội dung chính của bản hiến pháp, nói về pháp quyền và phân chia quyền lực..v.v..
Những cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên
Cho nên, Rawlings tự chuyển thành thường dân để đại diện cho đảng của ông ta tranh chức tổng thống. Dường như kết quả đã được quyết định từ trước. Mặc dù vậy, đảng tôi cũng tham gia tranh cử. Kết quả diễn ra là đảng tôi không thể chấp nhận, chúng tôi viết cuốn Phán quyết bị đánh cắp (The Stolen Verdict – bản báo cáo về cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 do Đảng Ái quốc Mới phát hành, đảng này thành lập vào năm 1992 và là tổ chức sưu tầm những bằng chứng về gian lận bầu cử). Chúng tôi cảm thấy rằng kết quả không phù hợp với tâm trạng của nhân dân, cho nên đảng tôi quyết định tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện, vì bầu cử tổng thống và bầu nghị viện không được tổ chức trong cùng một ngày. Vì vậy, đảng tôi đứng ngoài Nghị viện suốt nhiệm kì đó.
Ông đánh giá như thế nào về việc phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện năm 1992?
Ngay cả trong đảng tôi cũng có những người không hài lòng với vụ tẩy chay, mặc dù trong ban lãnh đạo, tất cả chúng tôi đều cảm thấy cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 bị gian dối một cách rất nghiêm trọng.
Năm 1996, khi tôi lại tranh cử tổng thống với Rawlings, tất nhiên là ông ta được hưởng lợi thế của người đang nắm quyền. Tôi hoàn toàn không có nhà tài trợ nào. Tôi đã phải bán một số tài sản để chi cho chiến dịch của mình. Ngay cả với nguồn lực ít hơn, kết quả do các ủy viên ủy ban bầu cử công bố là phe đối lập, mặc dù không có phương tiện, không có tiền, không được các phương tiện truyền thông đại chúng ủng hộ, vẫn giành được 39% phiếu bầu. Tôi vẫn giành được 39% phiếu bầu. Và sau đó, khoảng năm ngày sau kết quả vẫn không được công bố, dân chúng hỏi vì sao lại chậm như thế. Các ủy viên hội đồng đề nghị được bảo vệ. Câu hỏi là: “Bảo vệ khỏi ai?” Cuối cùng, khi họ tuyên bố kết quả, có một số người tìm cách thuyết phục tôi tẩy chay một lần nữa. Tôi nói không, chúng ta cần có mặt trong Nghị viện vì hiến pháp do Tổng thống kí chỉ cho Tổng thống nắm quyền hai nhiệm kì mà thôi. Lúc đó Rawlings đã hoàn thành một nhiệm kì kéo dài bốn năm rồi. Câu hỏi đặt ra là liệu ông ta có vi phạm bản hiến pháp mà ông ta đã ban hành hay không.
Trong cuộc bầu cử nghị viện năm 1996, đảng tôi giành được 61 ghế, còn đảng của chính phủ giành được 133 ghế. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, John Atta Mills, từng là Phó Tổng thống dưới thời Rawlings, trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Đại hội Dân chủ Quốc gia [thành lập tháng 7 năm 1992, là người kế thừa của PNDC]. Tôi đại diện Đảng NPP đứng ra tranh cử. Tôi thắng trong vòng bỏ phiếu thứ hai và sau đó, trước mắt toàn thế giới, Rawlings thừa nhận đảng của ông ta đã thất bại.
Điều tôi muốn nói là dân chủ đã tới, nhưng chúng ta cần loại bỏ một số góc cạnh thô nhám của các thiết chế. Cốt lõi của hiến pháp là dân chủ. Một số người khẳng định rằng những điều khoản chuyển tiếp đã tồn tại quá lâu, nhưng những người khác lại khẳng định rằng những người được hưởng lợi từ những điều khoản chuyển tiếp vẫn còn quyền lực, cho nên chúng tôi không muốn gây ra bất kỳ biến động xã hội nào, đấy là nói nếu xóa sổ những điều khoản này. Chúng tôi không muốn che dấu các thách thức. Ở đây chúng tôi có các phương tiện truyền thông đại chúng mở màn cuộc tranh luận. Những người hưởng được hưởng lợi từ các điều khoản đang già đi và họ đang điều chỉnh theo tinh thần tự do của đất nước, ngay cả Rawlings cũng làm như thế. Dân chủ đang phát triển, và tôi không nghĩ nhân dân muốn quay trở lại quá khứ.
Công lí và hòa giải
Chính phủ của ông đã thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Ông đánh giá kinh nghiệm của Ghana về vấn đề hòa giải và công lí như thế nào?
Phát triển quốc gia là một quá trình lâu dài. Có rất ít nước trên thế giới, nơi bạn không tìm được trong lịch sử của họ những giai đoạn với những nhà độc tài cứng rắn. Vấn đề chính là phác họa ra con đường và làm cho mọi người nhìn về phía trước, và sau đó bạn xây dựng từ kinh nghiệm lịch sử. Không bao giờ quên, nhưng không để lại những dấu vết có thể làm phát sinh trở lại lòng thù hận. Ví dụ, khi tôi được bầu, tôi đã cho khai quật thi hài mấy viên tướng bị Rawlings xử tử và giao lại cho gia đình để họ chôn cất. Những viên tướng này bị bắn và chôn ở những nơi bí mật, như vậy, đây là một phần của sự hòa giải, các gia đình của những viên tướng này kháng cáo và đòi hỏi rằng họ phải được chôn cất một cách đàng hoàng. Đã làm đúng như thế. Tôi được mọi người chấp nhận.
Chúng tôi thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải, gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo và nhiều người không thuộc đảng của tôi; chúng tôi tìm cách cho tất cả mọi người cơ hội để đi và nói về những việc sai lầm trong những giai đoạn đó và chúng tôi không giới hạn công việc của ủy ban vào thời gian cầm quyền của Rawlings. Những người bị đau khổ vì những điều mà họ cho là sai lầm trong giai đoạn cầm quyền của Kwame Nkrumah cũng được tạo điều kiện để đưa ra bằng chứng, và trên cơ sở báo cáo của Ủy ban, những tài sản bị tịch thu và những thứ tương tự như thế đã được đem trả lại cho các gia đình. Điều này do hành pháp thực hiện, nhưng theo kiến nghị của Ủy ban, với quyền lực tương đương Tòa án Tối cao. Ủy ban kiến nghị trả lại tài sản và bồi thường. Có những khoản bồi thường. Cho nên, chính phủ đã làm những việc có thể làm.
Ông cảm nhận công việc của Ủy ban Sự thật và Hòa giải hiện nay như thế nào? Ông đã có thể đi xa hơn một chút nếu phải làm việc này một lần nữa?
Tôi ngủ rất ngon. Hiện nay, tôi tin rằng vấn đề đó đã được giải quyết rồi. Tôi nghĩ rằng không còn bất kỳ vấn đề nào để cho bất kỳ chính phủ nào phải quay trở lại nữa. Ủy ban đã họp công khai trong một thời gian dài và đã mời người dân tới để họ thể hiện tình cảm của mình. Ngay cả Rawlings cũng được mời, và một số người nghi ngờ là có sai lầm cũng được mời. Họ có thể tới và phát biểu. Một số người không sử dụng cơ hội để kể câu chuyện của mình, nhưng một số khác đã làm như thế, và cuối cùng, chính phủ chỉ hành động theo báo cáo của Ủy ban.
Những cuộc chuyển hóa hiện nay
Ông đã nhắc tới hoàn cảnh quốc tế và áp lực quốc tế từ các chính phủ, các tổ chức quốc tế ..v.v.. có đóng góp vào quá trình chuyển hóa ở Ghana. Có thể học những bài học nào từ kinh nghiệm của Ghana, tức là những bài học có thể trở thành kim chỉ nam cho các tác nhân quốc tế, muốn hỗ trợ các tiến trình dân chủ?
Tôi nghĩ rằng lịch sử của sự can dự của quốc tế có xu hướng làm cho người ta thêm nghi ngờ, ngay cả với những mục đích tốt nhất. Ví dụ, ở Trung Đông, Mỹ và các cường quốc thực dân cũ như Anh và Pháp, sẽ bị người Syria và người dân những các nước khác nghi ngờ nhất. Đó là lịch sử của họ. Nhưng để dân chủ hóa tiến triển, thì dân chủ phải được chăm chút và nuôi dưỡng. Trong trường hợp của Ghana, khi áp lực xuất hiện, chúng tôi đã có giải pháp thay thế cho chế độ quân sự, chế độ này đã tự chuyển đổi thành đảng dân sự. Các đảng phái phát triển, vì luân phiên nắm quyền là điều kiện quyết định cho việc giữ gìn chính phủ dân chủ. Trong hiến pháp của Ghana có điều khoản nói rằng các đảng phái chính trị là thiết chế thiết yếu đối với chế độ dân chủ. Ở Bắc Phi, các đảng phái đã không được chăm sóc đúng cách. Vì thế, khi Mubarak ra đi, ngoài Huynh đệ Hồi giáo, các đảng phái khác ở đâu? Các nhà lãnh đạo Ai Cập đã không tự mình thành lập các đảng phái và đã không cung cấp cho nhân dân tầm nhìn hay cung cấp cho họ khát vọng tiến lên phía trước: Tầm nhìn thay thế cho Mubarak và thậm chí là tầm nhìn cho Huynh đệ Hồi giáo.
Các tác nhân quốc tế cần hiểu và nhấn mạnh rằng các đảng chính trị là quan trọng: Tổ chức quần chúng, giáo dục họ về các quyền mà họ nên theo đuổi và cung cấp cho họ lập trường để họ có thể tìm giải pháp thay thế cho hệ thống độc tài, khi hội đủ điều kiện để tống khứ những hệ thống đó đi. Nếu không có các đảng phái thì khi nhà độc tài ra đi ta sẽ có tự do, nhưng tự do để làm gì? Để cho hỗn loạn hay để cho các nhóm khéo léo nhanh chóng giành được quyền lực ngay trong cuộc bầu cử đầu tiên và sau đó tìm cách phá hoại chế độ dân chủ? Ở Ghana, chúng tôi đã gặp may vì đảng của chúng tôi luôn luôn sẵn sàng. Đảng này được thành lập năm 1947 và ở Ghana, truyền thống của nó bao giờ cũng mạnh, mặc dù chế độ quân sự kéo dài tới 19 năm.
Các quan chức dân sự kiểm soát lực lượng vũ trang
Những biện pháp mà ông và chính phủ trước đó đã áp dụng để đảm bảo rằng quân đội sẽ không làm gián đoạn tiến trình dân chủ?
Làm sao xác định được vai trò thích hợp của quân đội? Chúng tôi không tạo ra kẻ thù của quân đội. Trên thực tế, mỗi khi có cơ hội, chúng tôi đều tìm cách truyền niềm tự hào về công việc của họ, để họ có thể tự hào là người lính. Họ đã tuyên thệ ở trong quân đội để bảo vệ đất nước, nếu chúng tôi bị tấn công từ bên ngoài hoặc khi tổng thống, cũng là tổng tư lệnh, giao cho họ làm một việc gì đó, nhưng không can thiệp và sử dụng vũ lực để chiếm quyền. Vậy, chúng tôi đã làm gì? Tôi đưa anh trai của tôi, Tiến sĩ Kwame Addo-Kufuor, làm bộ trưởng quốc phòng.
Trước đây, người lính chuyên nghiệp đã bị các chính trị gia lợi dụng. Ví dụ, Rawlings, đã cướp chính quyền, và cách ông điều khiển quân đội, vào giai đoạn cuối, sĩ quan thường trực không chỉ là thành phần của chính phủ mà còn là một thiết chế đã bị chính trị hóa quá mức. Vì vậy, binh sĩ thường trực cảm thấy nghề nghiệp của họ bị hoen ố.
Vì vậy, điều chúng tôi làm để buộc họ ở trong doanh trại là đối xử tốt với họ. Ví dụ, Ghana đã tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở tất cả các khu vực trên thế giới trong một thời gian dài. Phụ cấp cho việc tham gia vào sứ mệnh hòa bình khá thấp: 32 USD/ngày. Khi chính phủ của tôi bắt đầu nắm quyền, binh lính chỉ được nửa số đó, khoảng 15 hay 16 USD/ngày. Chính phủ của tôi đã nâng phụ cấp lên thành 27 USD/ngày vì các binh sĩ đã mạo hiểm cuộc sống của mình khi đi làm nhiệm vụ đó. Họ đánh giá cao việc này. Chúng tôi đảm bảo đời sống cho họ. Chúng tôi xây dựng một phòng, có lẽ là lớn nhất, ở Accra. Phòng này ở trong một doanh trại, gọi là Phòng Miến Điện. Chúng tôi cải tạo nó thành một phòng rất hiện đại, tuyệt vời. Chúng tôi xây dựng trung tâm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) trong các doanh trại để huấn luyện binh sĩ. Chúng tôi bồi dưỡng niềm tự hào là người lính, làm cho họ nhận thức được rằng có mặt ở đây không làm cho họ thành các chính trị gia. Chúng tôi làm cho binh sĩ hiểu rằng họ thuộc về thế giới của riêng mình và rằng họ đã thề phục vụ tổng thống, cũng là tổng tư lệnh, một quan chức dân sự và họ phải trung thành với lời thề đó.
Dường như cách làm đó vẫn còn tác dụng. Chính phủ không ve vãn một cách quá đáng để binh sĩ đổ xô tới và làm những việc họ không nên làm dưới chính quyền dân sự.
Những nguyên tắc nền tảng
Những bài học rút ra từ kinh nghiệm của chính mình mà ông muốn truyền đạt là gì?
Tôi mới thăm Nigeria về, và người ta muốn biết làm sao chúng tôi chấp nhận kết quả mơ hồ của cuộc bầu cử năm 2008, với 9 triệu cử tri và 3 vòng bỏ phiếu, và cuối cùng của Ủy ban Bầu cử tuyên bố người chiến thắng với cách biệt chỉ là 40.000 phiếu. Nhưng tôi đã nhìn thấy trước kết quả đó. Sau vòng thứ hai, có một khu vực bỏ phiếu không tham gia bầu cử vì lí do kĩ thuật, hóa ra đấy là khu vực quyết định kết quả cuộc bầu cử. Trên thực tế, tôi đã đến đó để ủng hộ ứng cử viên của tôi, lúc đó mới biết rằng ứng cử viên của tôi đã đến tòa án để đề nghị tòa án ra lệnh cấm, không cho các ủy viên ủy ban bầu cử tổ chức bầu cử trong khu vực đó. Và chúng tôi chỉ có 10 ngày hoặc khoảng 10 ngày, tính từ ngày bầu cử và đến ngày vị tổng thống đắc cử nhậm chức. Tất nhiên, ngày bàn giao quyền lực đã được hiến pháp quy định, đấy là ngày 7 tháng 1. Vì vậy, nếu tôi đứng về phía ứng cử viên của tôi, thì có nghĩa là tôi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp; đó là cách duy nhất để kéo dài thời hạn một cách hợp hiến trước khi bàn giao chức vụ tổng thống. Tôi xem xét được mất của của vấn đề, và tôi không thể đồng ý với ứng cử viên của tôi. Vì vậy, tôi nói với ông ta: “Ông đã đến tòa án nhưng ông không tham khảo ý kiến của tôi, bởi vì nếu ông tham khảo tôi thì tôi đã khuyên ông không làm như thế, vì tôi cảm thấy trên thực tế chúng ta đã có cơ hội. Nếu tòa bác bỏ tuyên bố của ông và cuộc bầu cử được tiến hành, chúng ta chắc chắn sẽ thua”. Vì vậy, tôi không thể tiến hành bất cứ cuộc vận động nào. Không những thế, tôi nói với họ mà không cần màu mè rằng tôi chuẩn bị tuyên bố với quốc dân rằng tôi sẵn sàng bàn giao quyền lực cho người được Ủy ban Bầu cử tuyên bố là người chiến thắng. Tòa án đã không ủng hộ yêu cầu của ứng cử viên của tôi, và Ủy ban tiếp tục tiến hành cuộc bầu cử ở những khu vực bầu cử còn lại và tuyên bố NDC là người chiến thắng với số chênh lệch chỉ có 40.000 phiếu bầu.
Tôi làm việc đó với lương tâm trong sáng. Hiến pháp nói phải bàn giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử và tôi đã tuân thủ hiến pháp. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy tuân theo hiến pháp. Đất nước cần một bản hiến pháp tốt, với những quy định như tôn trọng nhân quyền, tôn trọng lá phiếu, tôn trọng Ủy ban Bầu cử độc lập, tôn trọng nền tư pháp độc lập. Làm tất cả những việc này là xây dựng hòa bình vì mọi người thực sự cảm thấy rằng họ được tham gia vào chính phủ của mình. Phủ nhận tình cảm đó thì cuối cùng sẽ xuất hiện Mùa xuân Ả Rập; nghĩa là, trước sau gì người dân cũng sẽ vùng lên nhằm thúc đẩy các quyền của mình. Vì vậy, đến đâu tôi cũng nói: “Hãy thảo ra một hiến pháp tốt”. Chính phủ phải thề tuân theo hiến pháp, tôn trọng hiến pháp và tạo điều kiện cho người dân lên tiếng, cho các phương tiện truyền thông quyền tự do. Người dân phải thấy chính phủ có trách nhiệm giải trình. Làm được điều đó thì những người muốn chiếm đoạt quyền lực sẽ không còn đất dụng võ nữa.

[1] Phong trào vì Tự do và Công lý (MFJ), “Tuyên bố thành lập Phong trào có cơ sở trên toàn quốc: Phong trào vì Tự do và Công lý”, họp báo, ngày 1 tháng 8 năm 1990.
[2] Nguồn thượng dẫn.
[3] Steven Levitsky and Lucan A. Way, Competitive Authoritarianism: Hybrid Regimes after the Cold War (New York: Cambridge University Press, 2010).
[4] Kwame Boafo-Arthur, “The Quest for National Reconciliation in Ghana: Challenges and Prospects,” in Voting for Democracy in Ghana: The 2004 Elections in Perspectives, Thematic Studies 1, ed. Kwame Boafo-Arthur (Accra: Freedom Publications, 2006), 136.
[5] Eboe Hutchful, Democratic Governance of Security: Facing Up to Ghana’s Fragility (Accra: IDEG, 2007), 23.
[6] Điều 64 (1) của hiến pháp cho phép thách thức như thế trong vòng 21 ngày sau khi kết quả cuộc bầu cử được tuyên bố. Ngày 29 Tháng 9 năm 2013, Tòa án Tối cao, sau khoảng 8 tháng xét xử quanh co, quyết định “theo đa số” rằng John Mahama là Tổng thống được bầu hợp lệ của Ghana. Ứng cử viên tổng thống của Đảng NPP, Nana Addo Dankwa Akufo-Addo và người nằm trong liên danh với ông này chấp nhận phán quyết – phù hợp với cam kết của họ với các nguyên tắc dân chủ và chế độ pháp quyền.