Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Người Việt – một câu hỏi lớn (11)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?
Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.
Dưới đây là trả lời của nhà thơ - nhà báo Lý Đợi.
Ly Doi

*Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?
-Trước năm 1997, tôi sống ở xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng), làng tôi chưa thuộc diện nghèo khó nhất huyện, nhưng là một làng nghèo, thiếu thốn đến cả nước uống vào mùa hè. Thật sự mãi sau này tôi mới nghĩ đến câu hỏi này, rồi tự liệt kê và tự lý giải rất nhiều chuyện, cho mọi thứ  tạm nguôi ngoai. Trong vô số ký ức khó phai, có lẽ hai điều làm tôi nhớ nhiều nhất, đầu tiên là vấn đề kế hoạch hóa gia đình, thứ hai là việc tôi quyết định trở thành nhà thơ.
Nhà tôi có bốn anh em, đứa út sinh năm 1987, nghĩa là nằm trong thời gian có “chiến dịch hạn chế dân số”, nên má tôi phải chịu tủi nhục vì sinh nhiều con. Lúc em gái tôi mới bốn, năm tháng trong bụng mẹ, ông công an thôn đã đánh báng súng AK- 47 vào bụng và bắp đùi của má đến bầm tím, nhằm mục đích “phá thai”, nhưng em gái tôi vẫn cố bám trụ cho đến ngày chào đời.
Lúc em trai út tôi ra đời năm 1987 do “vỡ kế hoạch”, nghe mấy cô hộ sinh nói, nó còn “cầm” luôn cái vòng ra trả lại cho y tế xã. Không có cái vòng này thì chắc nhà tôi mất hết điểm hợp tác xã, do má tôi là nông dân trong đó.
Sau chiến tranh thì ở đâu lại chẳng có tâm lý sinh nhiều để bù trừ, (hiện nay dù có thuê, người ta cũng chẳng muốn sinh), nhưng do cơ chế quản lý/tuyên truyền hồi đó yếu kém, người ta làm gì biết chuyện này. Một đứa trẻ cỡ mười tuổi như tôi, bị nhồi sọ đến mức đã suy nghĩ rằng, nếu ba má tôi mà sinh thêm đứa em thứ năm, tôi “Sẽ tự tử hoặc bỏ nhà đi”!
Câu này tôi đã ghi vào một cuốn vở, năm học đại học, tình cờ xem lại vài quyển vở cũ còn sót trên gác, đọc thấy mà hết hồn. Tôi ít khi nghĩ đến việc tự tử, vậy mà suy nghĩ về tự tử lúc đầu đời lại là từ chuyện nhà có đông anh em. Trong làng xã cũng có mấy trường hợp uống thuốc độc chết vì lý do tương tự. Tuổi mới lớn cứ bị gièm pha sao nhà lại đẻ nhiều con này kia, khiến buồn bực xấu hổ nên làm quẫn. Chấn động này có lẽ là một trong số ít động lực khiến tôi cầm bút. Họ nhà tôi mười mấy đời là nông dân, mù chữ, ít học, chẳng có ai theo nghiệp cầm bút, còn tôi thì mẹ đẻ ngang hông.
Năm 1996, sau vài năm chơi với Trần Văn (tức là nhà thơ Liêu Thái hiện nay), tôi được bạn ấy rủ rê làm thơ. Những thằng con trai tuổi dậy thì ở quê, suốt ngày mơ tưởng về gái gú và đi phá làng phá xóm, tự nhiên biết làm thơ – dù thơ dở ẹc – thấy cũng vui vui. Học xong lớp 12, tôi đi phụ đổ bê-tông cho ông cậu ngoài chân đèo Hải Vân nhiều tháng liền, với suy nghĩ rằng nhà mình nghèo quá, đi làm thợ cho đỡ đần cha mẹ phần nào. Suy nghĩ này đã đến với tôi lúc mới học xong lớp 9, nhưng bị cậu ruột chửi cho một trận, nói “Có muốn chi cũng phải xong lớp 12”.
Tôi học hết lớp 12, là một học sinh trung bình, nhưng chính nhờ làm thơ mà dư điểm đậu đại học. Chính nhờ thơ mà khi vào đại học tôi ham đọc sách hơn và thường giữ được học bổng để có thể học tốt. Nói quàng xiêng như vậy để thấy rằng sau này tôi chọn thơ thế sựthơ chính trị là không phải ngẫu nhiên, mà vì muốn lần giở lại chính mình, cắt nghĩa những thứ quái đản, phi lý mà mình đã và đang trải qua.
Tôi có thể sẽ trở thành một cây bút thất bại, nhưng kiểu gì tôi cũng sẽ ghi chép lại một phần lịch sử quái đản, ẩn chứa nhiều ký ức kì dị, bệnh hoạn của thời tôi sống.
*Ngày nhỏ anh/chị từng mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?
-Năm học lớp bảy tôi có mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ba, vì ba tôi bệnh kinh niên, cho đến nay vẫn còn. Tôi tập trung học toán hóa sinh. Một lần, gặp anh sinh viên y khoa về chơi tết, tôi hỏi anh ấy học phí bao nhiêu/năm, ảnh nói ra một con số, từ đó tôi đâm ra “thù”… toán hóa sinh.
Tôi có may mắn (hoặc bất hạnh cũng được), là muốn trở thành nhà thơ thì thành nhà thơ, cho dù kỹ năng và tài năng chưa đủ để làm một nhà thơ ngon lành. Tôi đã được gặp và được học nhiều thầy cô tử tế, trong đó phải kể đến thầy Phạm Khánh dạy Văn cấp ba (đã mất), thầy Võ Đăng Bình dạy Địa Lý cấp ba, thầy Nhật Chiêu dạy Đại học và thầy Nguyễn Tiến Văn trong giang hồ.
Các thầy đều tạo cảm hứng cho tôi tự học, chăm đọc sách, rèn ngôn ngữ; nhưng do quá ham chơi, tôi vẫn là một học trò tồi, chỉ học kiểu ba chớp ba nháng. Chính vì vậy, điều tôi ưu tiên lúc này là cố gắng bớt tào lao, tập trung hơn để có thể cầm bút vững vàng hơn. Tuy nhiên, nói được chưa chắc đã làm được.
*Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?
- Tôi cho rằng đạo đức giả là vấn nạn chi phối quá lớn đến nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt. Cứ mỗi lần phải bàn luận về văn hóa, về bản sắc, chính trị, xã hội, nghệ thuật…, là y như rằng đạo đức giả lập tức chiếm ưu thế, với vô số các nhân danh này kia. Dù tinh thần thực nghiệm, xã hội dân sự và mạng xã hội đã giúp chuyển biến khá nhiều đời sống tinh thần của người Việt, nhưng thói đạo đức giả cộng với cơ chế tập thể giả cầy, thiếu vắng người chịu trách nhiệm, bệnh thành tích, bệnh tuyên truyền… sẽ còn là thứ kỳ đà cản mũi sự phát triển của người Việt và nước Việt, cả về trước mắt cũng như dài lâu.
*Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?
- Đây là câu hỏi quá lớn. Điều đáng ghi nhớ về mặt lịch sử nước Việt – tôi không thích từ  tự hào – có lẽ là dù đập dập kéo lết, Việt Nam vẫn tồn tại được bên cạnh Trung Quốc. Vì sao tồn tại được? Có lẽ cũng bắt nguồn từ các ứng biến kiểu “đạo đức giả”, nói dzậy mà không phải dzậy, nói một đàng làm một nẻo… Rõ ràng lịch sử Việt Nam là một thứ không rõ ràng. Nó có đó, mà chưa thật là nó, có đáng nhớ mà chưa đáng tin. Nhiều khi vì ứng biến với Trung Quốc mà phải tự bóp méo, xuyên tạc chính mình, cứ làm riết rồi thành ra thật giả lẫn lộn, lộng giả thành chân, và ngược lại.
*Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?
- Cái hay nhất và dở nhất của người Việt là thường tự nói tốt về mình. Các chuyện ngụ ngôn dân gian, trí tuệ dân gian và thành ngữ, tục ngữ, ca dao càng cho thấy điều này. Thành ngữ có hàng ngàn câu diễn tả các tính cách thường gặp của người Việt như: Cưỡi ngựa xem hoa, Quất ngựa truy phong, Qua cầu rút ván, Ðè đầu cưỡi cổ, Ném đá giấu tay, Ăn cháo đá bát, Thượng đội hạ đạp, Thọc gậy bánh xe, Gắp lửa bỏ tay người, Ngậm máu phun người, Thừa gió bẻ măng, Thừa nước đục thả câu, Tát nước theo mưa, Theo gió trở cờ, Theo đóm ăn tàn, Bắt cá hai tay, Được chim bẻ ná/Được cá quăng nơm, Ăn ngược nói ngạo, Luồn trôn bẻ bắp
Như đã nói ở trên, trí tuệ dân gian kiểu này dùng để đánh giặc hoặc ứng xử với Trung Quốc thì rất hợp, những cứ dùng riết trong thường ngày nó bỗng trở thành tính cách, định mệnh. Nói như mô tả một hiện tượng chứ không có ý kì thị, thì không phải ngẫu nhiên mà những câu dạng này phổ biến ở Bắc bộ nhiều hơn Trung bộ và Nam bộ, có lẽ do ở gần Trung Quốc quá lâu.
Đạo đức thật dùng mãi còn hư hao, huống chi đạo đức giả. Vì vậy, cái cần nhứt cho người Việt hiện nay là hãy cố gắng dùng đạo đức thật, bớt tự nói tốt về mình. Đạo đức thật cũng là cơ sở cho các hạt mầm dân chủ được đâm chồi, thay thế dần dần sự toàn trị, loại bỏ dần bệnh thành tích, sự chụp mũ, tuyên truyền.
*Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?
- Người Việt/nước Việt xứng đáng có được một đời sống bền vững hơn, dân chủ hơn. Đây là công việc không của riêng ai, nên tự mỗi người hãy bắt đầu bằng cách tập dùng đạo đức thật, tập nhìn văn hóa, lịch sử và chính trị như nó vốn thế.
Từ đó, mới hy vọng về một trang mới, ở một tương lai không xa.