Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 9)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Tiểu sử B. J. Habibie, Tổng thống Indonesia giai đoạn 1998– 1999
Khi còn trẻ, B. J. Habibie có mối quan hệ cá nhân gần gũi với Soeharto, người từng làm tổng thống độc tài trong suốt 32 năm. Habibie tới Đức hồi đầu những năm 1950 và đã sống ở đó trong 20 năm – làm kĩ sư trong lĩnh vực hàng không và điều hành doanh nghiệp. Năm 1974, Soeharto đưa ông về nước để điều hành công ty hàng không vũ trụ quốc doanh và làm tư vấn cho Chính phủ về lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Từ năm 1978 đến năm 1998, Habibie là bộ trưởng về nghiên cứu và công nghệ. Càng ngày Soeharto càng giao cho Habibie nhiều trách nhiệm hơn, trong những lĩnh vực rộng hơn và nhạy cảm hơn; năm 1998 ông còn tạo điều kiện cho Habibie được bầu làm phó tổng thống. Habibie là đảng viên đảng cầm quyền Golkar và chủ tịch Hội trí thức Hồi giáo. Ông hiểu cách thức hoạt động của quyền lực trong nước Indonesia của Soeharto, nhưng ông không có cơ sở quyền lực ngoài bộ máy quản lí hành chính quan liêu liên kết với Hội trí thức và nói chung, không được lòng giới quân nhân và phe đối lập.



Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98 giáng vào nền kinh tế có thời từng thịnh vượng của Indonesia, phe đối lập với Soeharto nhanh chóng nổi lên, với những cuộc biểu tình quần chúng trên đường phố, buộc ta ông phải từ chức vào tháng 5 năm 1998. Habibie nắm chức tổng thống thông qua quá trình kế nhiệm được hiến pháp quy định, được nghị viện xác nhận, quá trình này đã ngăn chặn được cuộc tranh giành quyền lực đầy nguy hiểm giữa các sĩ quan quân sự cấp cao. Ông giành ngay được quyền kiểm soát cá nhân đối với lực lượng vũ trang, phóng thích hầu hết chính trị phạm, công nhận các tổ chức công đoàn và loại bỏ kiểm duyệt và hạn chế báo chí. Habibie cho phép thành lập các đảng chính trị mới, tổ chức bầu cử nghị viện mới trước thời hạn ba năm, và đưa những người ủng hộ gia đình Soeharto và một số sĩ quan quân đội ra khỏi nghị viện. Ông thực hiện chương trình phân cấp chính trị và hành chính, bổ nhiệm một quan chức dân sự làm bộ trưởng quốc phòng – lần đầu tiên trong vòng 50 năm, và đồng ý tiến hành trưng cầu dân ý, dẫn đến nền độc lập của Đông Timor. Habibie hành động chủ yếu dựa vào niềm tin, được củng cố bởi đức tin tôn giáo và lời khuyên của một nhóm các nhà khoa học và quan chức dân sự. Ông tin rằng Indonesia cần tiến hành một cuộc cải cách cơ bản và nhận thức được rằng các trung tâm quyền lực đang tranh chấp với nhau sẽ chấp nhận những cuộc cải cách đó để đổi lấy cơ hội cạnh tranh trong những cuộc bầu cử được tổ chức sớm. Habibie kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông vào năm 1999, sau khi báo cáo giải trình trách nhiệm của ông bị bác bỏ bằng cuộc bỏ phiếu kín trong Hội đồng Tư vấn Nhân dân. Những thay đổi mà ông đưa ra, nói chung, vẫn được giữ nguyên trong quá trình kiến tạo nền quản trị dân chủ diễn ra sau đó ở Indonesia.
Phỏng vấn tổng thống B. J. Habibie
Chấm dứt chế độ độc tài
Sau 32 năm cầm quyền, chính phủ của tổng thống Soeharto đã cáo chung vào năm 1998. Đâu là tác nhân quan trọng nhất dẫn chế độ của ông ta đến chỗ cáo chung? Làm sao ông hiểu được những thách thức với chính mình khi đang là phó tổng thống vào thời điểm đó?
Chính phủ của Soeharto suy đồi vì tổng thống ngày càng hành động vì lợi ích của những cá nhân và gia đình, những người gần gũi với ông ta, và ông ta đã không còn gắn bó với lợi ích của đại đa số người dân.
Cuối năm 1988, sau khi bãi bỏ việc quản lí hệ thống ngân hàng, các ngân hàng do các công ty lập ra đưa ra những khoản vay ngắn hạn, không có khả năng thanh toán, gây ra bất ổn kinh tế. Tháng 7 năm 1997, khi đồng baht của Thái Lan bắt đầu mất giá, nhu cầu đối với đồng USD ở Indonesia gia tăng, đấy là để trả lãi và trả dần tiền gốc những khoản vay của Indonesia trên các thị trường tài chính quốc tế, còn giá trị của đồng rupiah Indonesia so với USD bắt đầu giảm. Cùng với sự gia tăng của tình trạng không chắc chắn, tốc độ rơi tự do của đồng rupiah cũng gia tăng. Lạm phát và lãi suất tăng, nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm. Học sinh trung học và sinh viên đại học cùng với các tổ chức thanh niên bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố và trước Hội đồng Tư vấn Nhân dân. Tài chính càng lâm vào tình trạng không chắc chắn và tạo ra thêm những khó khăn về kinh tế, thúc đẩy các lực lượng xã hội, chính trị và quân sự ở Indonesia buộc Soeharto phải từ chức.
Tôi không bao giờ nghĩ đến việc trở thành tổng thống Indonesia. Tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc trở thành bộ trưởng. Tôi chỉ quan tâm đến việc đưa công nghệ về Indonesia để chế tạo máy bay thôi. Tôi đã thỏa thuận với Soeharto. Năm 1974, tôi đồng ý là sẽ rời khỏi Đức để trở về nước nhằm chế tạo máy bay của Indonesia, thông qua một công ty quốc doanh, nhưng hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân. Tôi đã làm được và bàn giao đúng tiến độ.
Khi tổng thống Soeharto đề nghị tôi tham gia liên danh của ông, làm ứng cử viên chức phó tổng thống trong những tháng đầu năm 1998, tôi đã nói với ông rằng tôi không thể vì vợ tôi bị bệnh rất nặng. Nhưng, ông đề nghị tôi ứng cử vì Golkar, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tôi đồng ý. Tôi được các thành viên Hội đồng Tư vấn Nhân dân bầu làm phó tổng thống. Hội đồng này có năm phe phái: Đảng Dân chủ Indonesia của bà Megawati; Đảng Hồi giáo (Đảng Phát triển Thống nhất); Đảng Golkar, cũng là đảng của tôi; những người đại diện cho các tỉnh, Nhóm đại diện khu vực (Utusan Daerah); và quân đội.
Soeharto áp đặt quy định, cho phép mỗi phe phái đề cử một ứng cử viên phó tổng thống, vì vậy có năm ứng cử viên tiềm năng. Trước hết là bầu tổng thống rồi sau đó bầu phó tổng thống. Tên tuổi các ứng cử viên phó tổng thống được nộp cùng một lúc cho tổng thống mới được bầu; phó tổng thống phải được tổng thống mới được bầu chấp nhận. Để không phải thảo luận lâu, trước khi đề nghị ứng cử viên phó tổng thống, các nhóm khác nhau nói chuyện với tổng thống và hỏi ai là người mà ông nghĩ là có thể cộng tác. Tôi tin rằng tổng thống xem xét một cách nghiêm túc yêu cầu của tôi là không muốn tham gia nội các, nghĩa là tôi không nghĩ tới khả năng trở thành phó tổng thống. Tôi nói với tổng thống rằng tôi không muốn tham gia nội các. Ông nói rằng hãy để Trời tính. Vì vậy, trong khi các ứng cử viên tiềm năng khác tiến hành vận động hành lang, thì tôi không vận động gì hết. Tôi chỉ quan tâm đến công tác kỹ thuật của tôi mà thôi. Nhưng mọi thứ đã xảy ra theo cách khác. Đúng là, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Trước cuộc bầu cử hai tuần, người đứng đầu các lực lượng vũ trang, tướng bốn sao, Feisal Tanjung, đến gặp tổng thống. Theo hiến pháp, ông có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tổng thống và phó tổng thống mới. Để chuẩn bị và thực hiện nhiệm vụ này, ông muốn biết ai sẽ là phó tổng thống và đưa danh sách cho Soeharto.
Sau cuộc thảo luận với Soeharto, Tanjung kết luận rằng tôi sẽ là phó tổng thống. Điều này làm ông ngạc nhiên, vì tôi đã tuyên bố rằng tôi không quan tâm đến việc trở thành thành viên nội các. Nhưng Soeharto khăng khăng như vậy và chỉ vào hồ sơ thành tích của tôi.
Tanjung gọi cho ban bảo vệ tôi. Lúc đó, tôi đã là điều phối viên và chủ tịch được bầu của liên minh ba phe - lực lượng vũ trang, Golkar và đại diện của các tỉnh. Tôi đã giữ chức vụ đó vào năm 1993.
Thiết lập các ưu tiên về chính sách
Phe đối lập với Soeharto phát triển đến mức ông ta không còn cơ hội tiếp tục cầm quyền. Lúc đó ông đã kế vị chức vụ tổng thống mà không cần sự ủng hộ của chế độ Soeharto, không cần sự ủng hộ của phe đối lập, với sự nghi ngờ của lực lượng vũ trang và không có nền tảng quyền lực độc lập. Ông đã nổi tiếng như một nhà tư tưởng nhìn xa trông rộng – một người hiểu rõ công nghệ và công nghiệp và một người có quan hệ chặt chẽ với Hội trí thức Hồi giáo Indonesia, nhưng không phải là một nhà lãnh đạo chính trị được nhiều người ủng hộ. Nhưng ông đã có thể khởi động nhiều cải cách. Làm sao lại có chuyện như thế? Chúng tôi có thể học được gì từ kinh nghiệm của ông, những bài học có thể có ích cho những nơi khác?
Đúng thế. Tôi chưa bao giờ có mạng lưới chính trị như Soeharto. Soeharto đã kiểm soát và xây dựng mạng lưới chính trị trong suốt 32 năm. Tôi không bao giờ chỉ huy quân đội như Soeharto từng làm. Tất cả các các vị tham mưu trưởng quân đội và cảnh sát là cựu phụ tá của ông ta vì ông đã cầm quyền trong một thời gian dài, từ năm 1966 đến năm 1998. Vì vậy, ông kiểm soát được mạng lưới đó và tôi nhận thức được rằng tôi không có nguồn lực ủng hộ tương tự như thế. Điều duy nhất tôi có là trí tuệ của tôi và nguyện vọng không trở thành tổng thống hay phó tổng thống. Nguyện vọng của tôi đã được thực hiện sau khi tôi hoàn thành công tác kỹ thuật của mình.
Nhưng tôi bất ngờ bị đẩy vào vai trò lãnh đạo này. Lần đầu tiên tôi nhận thức một cách sống động chức vụ tổng thống có quyền lực đến mức nào, đấy là khi tôi bắt đầu nhận được một loạt báo cáo tình báo: từ quân đội, hải quân, không quân, cảnh sát, cơ quan tình báo quốc gia, bộ ngoại giao, bộ nội vụ và từ Đảng Golkar. Tôi đọc tất cả những báo cáo chi tiết này, những bản báo cáo này không trùng khớp với nhau. Làm sao tôi tìm được cái nào là đúng?
Tôi quan sát sức mạnh của những người dân đang biều tình, “quyền lực nhân dân”. Tôi quyết định cho họ quyền tự do thể hiện, tự do biểu tình và cho phép tự do báo chí. Khi tôi đưa ra những quyết định này, vị bộ trưởng điều phối chính trị và an ninh và là tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, tướng Feisal Tanjung, phản đối. Ông nói rằng tôi sẽ bị giết. Tôi nói tôi không quan tâm, bởi vì chỉ có làm như thế - cùng với sự giúp đỡ của chính nhân dân - tôi mới có thể cân bằng được tất cả các đầu vào có thể làm người ta bối rối. Đó là lí do vì sao trong vòng 24 giờ sau khi trở thành tổng thống, tôi quyết định cho phép tự do báo chí.
Đột nhiên có rất nhiều thông tin và những lời khuyên trái ngược nhau đổ lên đầu tôi. Nếu lúc đó tôi làm theo một số lời khuyên này thì sẽ có một cuộc cách mạng đầy bạo lực. Nhân dân là những người sẽ gánh chịu những hậu quả xấu nhất từ cuộc cách mạng đó, họ là những người vô tội chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, và tôi không thể để xảy ra điều đó.
Vì những điều lo lắng như thế, tôi quyết định xóa bỏ luật hạn chế quyền tự do báo chí. Bằng cách cho phép tự do thể hiện, tôi có thể nhận được thông tin chính xác về thái độ của người dân đối với chính quyền của tôi. Tôi đã làm như thế vì tôi trả lại quyền lực cho người sở hữu quyền lực nhà nước: nhân dân Indonesia. Không phải trả lại cho một gia đình hay một người, không phải trả lại cho tôi hay cho con tôi, mà cho nhân dân.
Tôi còn quyết định phóng thích tất cả chính trị phạm và để dành chỗ cho tội phạm hình sự, chứ không phải cho những người chỉ đơn giản là phản đối vị tổng thống đang nắm quyền. Tướng Wiranto và ông Bộ trưởng tư pháp nói rằng việc này sẽ là nguy hiểm và rằng sẽ có các cuộc biểu tình và có lẽ có cả kế hoạch giết tôi nữa. Nhưng tôi tin rằng tôi sẽ chỉ chết nếu Chúa muốn như thế.
Vào lúc 10 giờ ngày thứ năm, 21 tháng 5 năm 1998, Soeharto từ chức. Tôi nhậm chức. Tôi bắt đầu thành lập nội các của mình vào tối thứ năm đó. Suốt đêm tôi không chợp mắt. Sáng thứ sáu, tôi công bố nội các mới của mình. Trước khi làm việc đó, tôi gọi điện cho quân đội và nói với họ rằng tôi là tổng thống và họ phải làm theo lệnh của tôi.
Đối phó với khủng hoảng kinh tế
Ông dùng chiến lược nào để giành được tính hợp pháp và ủng hộ của dân chúng, và kiểm soát
các lực lượng vũ trang, cũng như những lực lượng khác, tức là những lực lượng có thể tìm cách quay trở lại với chế độ độc tài?
Tôi đặt ưu tiên cao nhất cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị bằng những quyết định nhanh chóng và bằng cách cải thiện tính minh bạch thông qua nền quản trị tốt. Ưu tiên của tôi là cho người dân tự do và những giá trị của quyền con người, những trách nhiệm mang tính nhân bản và những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường xã hội bằng cách đưa vào và thúc đẩy phát triển và cải cách, chứ không phải là cách mạng.
Vấn đề chính mà chúng tôi phải đối mặt là không thể dự đoán được hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và tài chính, trong đó có lạm phát cao, giá trị của đồng tiền Indonesia rơi tự do, tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài ra đi, nhu yếu phẩm có hạn. Chúng tôi đã tiến hành phân tích những đề xuất và kiến ​​nghị của các thiết chế trong nước và quốc tế, như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới, các tổ chức ngân hàng khác, luật chống độc quyền và các thiết chế ủng hộ phát triển dân chủ, đặc biệt là những đề xuất từ các thiết chế của Mỹ và Đức. Chúng tôi cố gắng để luôn luôn là những người thực dụng một cách nhất quán. Chúng tôi tin rằng luật pháp phù hợp phải dựa trên hiến pháp và sự chấp thuận của nghị viện và Hội đồng Tư vấn Nhân dân. Lợi thế tôi có là trước cuộc bầu cử tháng 5 năm 1999 tôi được hơn 80% nghị sĩ ủng hộ.
Thiết lập các ưu tiên về chính sách
Tôi đã làm mt s vic quan trng nhm gii quyết nhng thách thc ngay trước mt. Tôi tuyên b t do báo chí, t do th hin và t do biu tình. Vic đầu tiên nhân dân làm là đi ra và biu tình chng li tôi và thế là tt. Vì tôi gần gũi với Soeharto, một số người phản đối, không muốn tôi là tổng thống và chất vấn về tính chính danh của tôi. Ở trong nước người ta đưa ra rất nhiều câu hỏi về việc sau khi Soeharto từ chức thì sẽ xảy ra chuyện gì và có cả những lời kêu gọi, đòi tôi từ chức. Nhưng tôi muốn tránh những cuộc tranh luận công cộng[1]. Để củng cố vị trí của mình, tôi biết rằng hành động của tôi phải phù hợp với hiến pháp và luật pháp của Indonesia, và tôi phải hành động một cách nhanh chóng[2].
Về lĩnh vực an ninh, tôi chỉ thị cho tư lệnh các lực lượng vũ trang phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và an ninh của cựu tổng thống và gia đình ông. Tôi không còn tiếp bất kỳ vị chỉ huy hay tham mưu trưởng nào nếu chưa nhận được đề nghị của tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang. Tôi đọc tất cả các báo cáo tình báo mà người ta đưa tới (Từ Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao, Bộ nội vụ và Cơ quan điều phối tình báo quốc gia) và so sánh một cách cẩn thận với thông tin của báo chí tự do.
Tôi cũng làm cho có nhiều nhu yếu phẩm hơn, với giá thị trường vừa túi tiền người tiêu dùng, thông qua các khoản trợ cấp và kiểm soát giá cả.
Tôi cũng làm nhiều việc có giá trị trong trung và dài hạn nhằm thúc đẩy nền quản trị tốt. Tôi đã chiến đấu chống lại tệ tham nhũng và ủng hộ chế độ pháp quyền. Áp dụng luật pháp một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người, trong đó có tổng thống. Tôi đã thông qua luật phòng chống tham nhũng, chống độc quyền và thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng, gọi là Ủy ban nhằm xóa bỏ tội tham nhũng. [Hiện nay, Ủy phòng chống tham nhũng có nhiều quyền lực hơn, được thành lập năm 2002]
Tôi còn gia tăng tính tự chủ của Ngân hàng Trung ương Indonesia, để nó không còn nằm dưới quyền kiểm soát của tổng thống nữa. Tôi còn giải quyết những vấn đề kinh tế khác, trong đó có tái cơ cấu các khoản nợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, cạnh tranh trong kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước[3]. Tôi đã có sáng kiến khởi động quá trình phê chuẩn tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tôi có thể làm như thế vì tôi kiểm soát được nghị viện. [Lúc đó Golkar là đảng lớn nhất trong nghị viện].
Cải cách hệ thống bầu cử
Rồi đến vấn đề bầu cử tự do. Tôi không can thiệp vào chuyện bầu cử. Tôi mở rộng cửa cho các NGO (tổ chức phi chính phủ) nước ngoài và tôi đề nghị cựu tổng thống Carter giúp đỡ và quan sát các cuộc bầu cử. Người châu Âu, người Mỹ và người Nhật đã tới. Người tiền nhiệm của tôi bao giờ cũng đưa người của mình vào Ủy ban bầu cử. Tôi chỉ thị cho bộ trưởng nội vụ là ủy ban bầu cử không được có quan chức chính phủ hay đảng viên các đảng, mà chỉ bao gồm những người ngoài xã hội, họ là những người đáng tin cậy. Họ phản đối, nói rằng tôi sẽ thua, nhưng tôi nói với họ rằng tôi không quan tâm. Bộ trưởng tình báo nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy tôi sẽ đánh mất đảng của mình. Một lần nữa, tôi nói rằng tôi không quan tâm; tôi muốn nhân dân là người chiến thắng, được đại diện bởi bất kì người nào mà họ chọn. Tôi đã tạo ra hệ thống. Hãy để hệ thống làm việc đó.
Quyền tự chủ của khu vực
Tôi muốn các tỉnh có quyền tự chủ để họ tự quản. Trước đây, chính quyền trung ương kiểm soát chính quyền địa phương, cả cấp tỉnh lẫn cấp huyện. Những người bị mất vốn liếng, tiền bạc và quyền lực do việc phân cấp tạo ra, đứng lên chống lại nó. Một số tỉnh có nguồn lực tự nhiên lớn và có đóng góp vào GDP, nhưng số người ở đó sống trong cảnh nghèo đói vẫn chiếm tỉ lệ cao. Một số tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên hơn nhưng số người sống trong cảnh nghèo nghèo đói cũng ít hơn, đấy là do người ta tập trung vào phát triển nguồn lực con người và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế. Bằng cách cho họ nhiều quyền tự chủ hơn, các tỉnh có thể cải thiện việc phân phối một cách công bằng các khoản đầu tư cho giáo dục, cơ hội có công ăn việc làm và của cải. Năm 1999, mấy bộ luật được thông qua, giao cho các địa phương một loạt quyền hạn cùng với cơ cấu cấp vốn. Áp dụng bầu cử trực tiếp thành viên các hội đồng lập pháp địa phương. Sau khi thi hành luật phân cấp, nhiều công chức được chuyển từ trung ương về các chính quyền địa phương.
Tôi ủng hộ cho Aceh được hưởng hình thức tự chủ đặc biệt, một trong những nội dung đó là công nhận và chấp nhận các giá trị của nó, vì những giá trị này đã ăn sâu bén rễ vào nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống của họ. Luật trao quyền tự chủ cho Aceh được thông qua năm 2001 và có mục đích là tăng cường và thúc đẩy quá trình phân phối một cách công bằng các cơ hội, thu nhập và tiếp cận công lí.
Cải cách các dịch vụ của nhà nước
Tôi nhấn mạnh rằng cơ quan quản lí hành chính phải không có nạn tham nhũng, thông đồng và gia đình trị (cụm từ thường được sử dụng ở Indonesia là KKN, viết tắt của korupsi, kolusi, nepotisme - tham nhũng, thông đồng, gia đình trị). Bộ máy quản lí hành chính và dịch vụ của nhà nước phải khách quan, chuyên nghiệp, minh bạch và chủ động trong việc tăng năng suất của người dân bằng cách nâng cao tính chuyên nghiệp, sức bật của nền văn hóa và thực hiện các giá trị nhân quyền và trách nhiệm mang tính nhân bản trong năm nguyên tắc cơ bản của Pancasila [nguyên tắc triết học của nhà nước Indonesia]. Tôi cũng cấm các công chức tham gia các đảng chính trị để họ sẽ không thiên vị trong khi thi hành nhiệm vụ. [Golkar phản đối nghị định này, các công chức dưới thời tổng thống Soeharto bị bắt buộc phải bỏ phiếu cho Golkar].
Cải cách lực lượng an ninh
Tôi hiểu rằng lực lượng quân sự đã bị chính trị hóa và không thống nhất, và trong lực lượng này có một số nhóm có tham vọng tranh giành quyền lãnh đạo quốc gia. Tôi đã buộc tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và cảnh sát phải chịu trách nhiệm về an ninh trong nước và an ninh của cựu tổng thống.
Trong trường hợp cần thiết, chỉ có tổng tư lệnh mới được tôi tiếp, bất cứ giờ nào và bất cứ ngày nào.
Trong hệ thống của Trật tự Mới, quân đội và cảnh sát có phe phái của mình trong nghị viện cũng như trong Hội đồng Tư vấn Nhân dân. Các nhà lãnh đạo quân sự có thể theo đuổi tầm nhìn của họ thông qua phe của mình, thông qua các đảng chính trị khác và thông qua báo chí tự do.
Ông có tin là đã có nguy cơ đảo chính không?
Có chứ! Khi tôi vào Istana Merdeka [nơi ở chính thức của tổng thống] vào sáng thứ sáu sau khi Soeharto từ chức, tôi đã có nội các mới mà tôi muốn thông báo cho công chúng. Tướng Wiranto đang đợi tôi và ông vội vã muốn nói chuyện riêng với tôi. Ông nói với tôi rằng người chỉ huy của bộ tư lệnh lực lượng dự trữ chiến lược, trung tướng Prabowo và đội quân dưới quyền ông ta đang tiến về Jakarta. Lực lượng không quân, từ các tỉnh, cũng đang bay về hướng Jakarta. Wiranto nói với tôi rằng gia đình tôi và tôi đang gặp nguy hiểm, binh lính của Prabowo đã bao vây nhà tôi ở Kuningan. Vì vậy, ông đã tập trung gia đình tôi ở Istana Merdeka. Vợ và các con trai tôi cũng ở đó, đấy cũng là nơi mà tôi được cho là sẽ tiếp Prabowo, vì vậy tình hình là rất căng thẳng. Tướng Wiranto xin mệnh lệnh, cho nên tôi biết rằng trung tướng Prabowo đã hành động mà không được tướng Wiranto chấp thuận. Tôi chỉ thị cho ông thay chỉ huy Prabowo trước khi mặt trời lặn, và nói rằng viên chỉ huy mới phải đưa tất cả các binh sĩ trở về doanh trại. Ông phản đối, nhưng tôi khăng khăng, bắt phải thực hiện. Ông hỏi tôi ai là người giữ chức vụ đó, nhưng tôi để ông tự quyết định.
Trung tướng Prabowo là con rể Soeharto và tất cả các đơn vị xung quanh tôi cũng đều là người của Soeharto. Nhưng tôi đã có một đồng minh, một người còn trẻ, cũng là trung tướng. Đấy là Sintong Panjaitan, theo Công giáo. Sintong gặp rắc rối với Soeharto vì cuộc xung đột ở Đông Timor. Cách đây mấy năm, gia đình ông đã đến gặp tôi và yêu cầu giúp đỡ, vì thế, tôi cho ông làm trợ lí của tôi. Tôi là người sáng lập Hội Trí thức Hồi giáo Indonesia, nhưng gia đình tôi không phải là những người là cứng rắn mà là những người Hồi giáo tận tâm và tôi có sáng kiến đưa một vài người không theo đạo Hồi thành những người thân cận với mình. Lúc đó tôi không biết chuyện này, nhưng Sintong đã ở bên cạnh tôi trong suốt thời gian đó. Ông ấy ngủ lại ở đây. Ông ấy không bao giờ để tôi một mình. Ông ấy canh phòng cho cả gia đình tôi.
Một số người cố gắng trì hoãn quyết định của tôi - vì là con rể của Soeharto, Prabowo có nhiều mối quan hệ và ảnh huổng - nhưng tôi nói không. Prabowo đến gặp tôi. Sintong tước vũ khí của ông ta trước khi ông bước vào văn phòng của tôi. Tướng Prabowo xin được giữ lại địa vị, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình.
Hôm thứ sáu, tức là chưa tới 24 giờ sau khi tôi nhậm chức tổng thống, tôi nói chuyện với bộ trưởng tư pháp và bảo ông ta phóng thích ngay lập tức tất cả các chính trị phạm. Tôi gặp nhiều vấn đề cùng một lúc, tất cả đều rất khó hiểu. Tôi đã gặp những người biểu tình, không phải là thu phục lòng dân để được người ta bầu. Không, tôi không quan tâm đến việc trở thành tổng thống. Tôi chỉ quan tâm đến việc tránh một cuộc cách mạng có thể giết chết rất nhiều người vô tội. Tôi chỉ quan tâm đến một điều: trao trả quyền lực về cho nhân dân.
Trong khi xảy ra những chuyện như thế, tôi còn lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Tôi đã bị quân của Prabowo bao vây và tôi rất ý thức về những chuyện có thể xảy ra.
Tình hình lúc đó là như thế. Bạn hỏi liệu tôi có biết là có âm mưu đảo chính, tất nhiên là tôi biết. Nhưng tôi có một lợi thế. Tôi đã sa thải con rể của cựu tổng thống - người nắm được mạng lưới - trong vòng 24 giờ. Tôi đã hành động dứt khoát khi biết rằng cần phải làm như thế. Cho nên, bước đi đó đã giúp rất nhiều. Tôi chuẩn bị để đưa quan chức dân sự lên làm bộ trưởng quốc phòng, không phải là một viên tướng hay một viên tướng đã hồi hưu và tôi không bao giờ đưa cảnh sát và lực lượng vũ trang nằm chung dưới quyền chỉ huy của một tổng tham mưa trưởng hay bộ trưởng.
Đối phó với khủng hoảng chính trị
Các sự kiện diễn ra rất nhanh. Soeharto đã từ chức vào hôm thứ năm. Ngày thứ sáu, tôi công bố nội các mới và quyết định của tôi về việc phóng thích tất cả các chính trị phạm. Tôi đương đầu với và thắng Prabowo vào hôm thứ sáu. Thứ bảy tôi tuyên thệ trước các thành viên nội các mới được thành lập.
8 giờ tối thứ bảy tôi tiếp bảy người dân ở đây: Amien Rais, Emil Salim, Buyung Nasution, và mấy người đàn ông nữa, đều là những người lãnh đạo xã hội dân sự, thuộc phe đối lập. Họ muốn tôi tổ chức cuộc bầu cử nghị viện trong vòng ba tháng, không muộn hơn tháng 8. Tôi nói với họ không phải ba tháng mà tôi dự định tổ chức bầu cử sau một năm, chứ không chờ đúng lịch là ​​trong vòng bốn năm nữa, tức năm 2003. Họ nhấn mạnh rằng chờ đợi một năm sẽ là sai lầm. Tuy nhiên, tôi đã có lợi thế bởi vì họ thường sợ tổng thống và tôi được thừa hưởng điều đó. Tôi đã là tổng thống ba ngày. Nếu tôi suy nghĩ cho bản thân mình và đảng của mình thì tôi đã chấp nhận đề nghị của họ. Các cử tri đã biết tôi trong suốt 30 năm qua, nhưng các đảng mới sẽ không có thời gian để tự củng cố. Nhân dân sẽ là người thua. Nếu tôi làm theo lời khuyên là tổ chức bầu cử trong vòng ba tháng, thì sẽ gây ra bất ổn về chính trị và kinh tế và sẽ có ảnh hưởng xấu đối với quá trình chuyển hóa.
Sau khi nội các tuyên thệ nhậm chức, tôi chỉ thị cho bộ trưởng nội vụ công bố rằng tất cả mọi người đều có quyền tự do thành lập các đảng chính trị; tôi đã đưa vào hệ thống đa đảng. Ông ta nói rằng như vậy là trái với hiến pháp, nhưng tôi nói với ông ta rằng chúng ta sẽ thay đổi hiến pháp, và Hội đồng Tư vấn Nhân dân đã thông qua nghị định cho phép các đảng hoạt động. Tôi đặt ra giới hạn cầm quyền của tổng thống là hai nhiệm kỳ. Đó là tín hiệu gửi cho nhân dân rằng tôi không chỉ nói suông, tôi thực thi nền quản trị tốt và minh bạch.
Ngày nào tôi cũng họp nội các. Tôi thường nghe, sau đó nhanh chóng đưa ra quyết định. Trung bình một ngày chúng tôi thông qua 1,3 điều luật và quy định mới.
Vai trò của lập pháp
Nghị viện có ủng hộ những sáng kiến của ông?
Có, tôi sử dụng quyền lực của mình trong nghị viện để làm nhiều việc, nhưng tôi không lạm dụng. Đáng lẽ tôi đã đọc diễn văn về trách nhiệm giải trình của Tổng thống trong kì họp tiếp theo của nghị viện.
Nhưng nghị viện đã bác bỏ bài diễn văn về trách nhiệm giải trình của ông. Tại sao họ lại làm như thế?
Trước khi tôi đọc bài diễn văn về trách nhiệm giải trình, một số thành viên nghị viện cho biết rằng họ sẽ không chấp nhận. Tuy nhiên, tôi nói với mọi người rằng tôi sẽ đọc diễn văn về trách nhiệm giải trình của tôi theo đúng luật và nếu nghị viện chấp nhận thì tôi đã sẵn sàng để được bầu lại. Nếu không, thì tôi sẽ không ứng cử. Tôi đã làm được nhiều thay đổi nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề, tôi tin rằng mình đã cố gắng hết sức. Tôi đã gặp trước một số người có ảnh hưởng trong nghị viện, trong các lực lượng vũ trang, và các ngành nghề khác nhau, họ nói rằng ngay cả khi diễn văn về trách nhiệm giải trình của tôi bị bác bỏ thì tôi vẫn có thể được đề cử tranh chức tổng thống. Nhưng vì đối thủ của tôi biết rằng tôi sẽ không ứng cử nếu diễn văn về trách nhiệm giải trình của tôi không được chấp nhận, họ nói rằng họ sẽ không chấp nhận bài diễn văn này. Các đảng mới nói rằng thậm chí không cần đọc; 48% chấp nhận diễn văn về trách nhiệm giải trình của tôi, 52% bác bỏ. Vợ tôi hỏi: “Ông có thực sự nghiêm túc về việc từ bỏ chức vụ tổng thống?” Tôi trả lời: “Có. Người tốt nhất là tốt vừa đủ. Dường như tôi không phải là người tốt nhất”. Không quan trọng, dù họ có khách quan hay không.
Cải cách lực lượng an ninh
Quan hệ dân sự-quân sự là thành phần quan trọng trong quá trình chuyển hóa ở nhiều quốc gia. Ông đã nói ở đâu đó rằng lực lượng vũ trang và cảnh sát phải tập trung vào những vấn đề tự vệ và an ninh, trong thời chiến cũng như thời bình, chứ không phải là hoạt động trong lĩnh vực chính trị và xã hội. Nói và viết trên giấy thì dễ, nhưng nếu quân đội không muốn hành xử như vậy, thì viết trên giấy không tạo được nhiều khác biệt. Ông đã học được gì về biện pháp quản lí quan hệ dân sự-quân sự có thể có giá trị đối với các nước khác trong tương lai?
Sau khi Indonesia tuyên bố độc lập năm 1945, nhân dân đã phải chiến đấu chống lại các ông chủ thực dân để được công nhận là nhà nước và xã hội độc lập. Lúc đó chưa có lực lượng vũ trang chuyên nghiệp; họ đều là thành viên của xã hội dân sự Indonesia và được gọi là “thế hệ 1945”. Một số người sau đó tham gia quân đội và cảnh sát. Soeharto đã lợi dụng chức năng kép đó của quân đội để duy trì quyền lực.
Tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng quân đội phải được coi là những người kĩ trị; nghề của họ là phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm ngăn ngừa chiến tranh và, nếu không thể tránh được chiến tranh thì phải thắng trong cuộc chiến chống lại tất cả các loại kẻ thù, tức là những kẻ làm rối loạn tiến trình phát triển xã hội và kinh tế của Indonesia. Những người thuộc thế hệ 1945 biến mất dần, do đó, chức năng kép của quân đội, cũng là một phần truyền thống của họ cũng phai lạt dần. Một số người trong quân đội muốn giữ chức năng kép, nhưng đối xử với quân đội như với những nhà kĩ trị, chỉ cho họ thấy lịch sử quân đội và lí do tồn tại của nó có thể giúp ngăn chặn việc này.
Tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ phải chứng tỏ - không bằng lời nói hay viết lách mà bằng hành động - tầm quan trọng của việc quan chức dân sự kiểm soát quân đội, như tôi đã làm với Prabowo. Và tôi đã được một số người không phải là thành viên Hội Trí thức Hồi giáo và không phải là người theo đạo Hồi giúp đỡ.
Chúng tôi đã tiến hành những cuộc cải cách để cấm các quân nhân làm quan chức dân sự và giảm số đại biểu là quân nhân trong nghị viện, do đó giảm được ảnh hướng về chính trị của giới quân sự.
Trong những thời khắc quyết định, người ta thường dao động. Nhà lãnh đạo phải chứng minh rằng ông ta sẵn sàng hành động. Ví dụ, tướng Wiranto hỏi tôi rằng ông ta phải làm gì với nghị định của Soeharto cho ông ta quyền làm bất cứ hành động nào ông cảm thấy cần vì lợi ích quốc gia, nghị định này gần như cho phép lật đổ tổng thống. Tôi mới làm tổng thống trong có vài tiếng đồng hồ. Tôi bảo ông ta cứ giữ nghị định. Vì sao? Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi. Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, ông ấy sẽ phải hành động.
Hiện nay ở Indonesia, quân đội có còn bất cứ vai trò chính trị và ảnh hưởng nào nữa hay không? Và họ có quản lí một phần ngân sách một cách tự chủ hay không?
Họ không có phe trong nghị viện và họ không quản lí một phần ngân sách một cách tự chủ. Khi tôi trở thành tổng thống thì họ có, nhưng hiến pháp đã được tu chính. Bây giờ rất khó sửa đổi hiến pháp, bởi vì không có phe nào nắm được 80% phiếu.
Tiền trong chính trị
Từ giai đoạn ông làm tổng thống, Indonesia đã trở nên khác hẳn so với những năm cuối cùng dưới thời Soeharto. Nhưng, mặc dù nền quản trị dân chủ đang hoạt động và tự do báo chí như lực lượng phản biện, mặc dù có tất cả cơ chế kiểm soát và đối trọng khác nhau, Indonesia được tiếng là đang chiến đấu với nạn tham nhũng lan tràn. Tại sao hệ thống chính trị của nước này không thành công trong việc thiết lập quy trình về trách nhiệm giải trình, có thể làm cho tham nhũng khó tiếp tục hoành hành hơn?
Tham nhũng là vấn đề trong bất kì hệ thống nào, dù là độc tài hay dân chủ, trong đó mọi người đều khao khát trở thành lãnh đạo và kiểm soát, bởi vì họ cần tiền để giành (và giữ) quyền lực chính trị.
Soeharto và Soekarno, cả hai đều là nhà độc tài, đều cần tiền. Nhà lãnh đạo chính trị nhận tiền vào lúc nào? Dù nhận được tiền từ nước ngoài hay từ nhà tài phiệt địa phương và mạng lưới của mình, thì anh ta cũng trở thành một con rối mà thôi.
Ông đã từng sống nhiều năm ở Đức. Các nhà lãnh đạo chính trị của Đức cũng cần tiền. Nhưng, ông có nghĩ rằng ở đó cũng tham nhũng như vậy hay không?
Theo cách nào đó thì có, ở Mỹ cũng có, không có ngoại lệ. Đây là hệ thống. Bạn tổ chức một cuộc họp và một người nào đó phải tài trợ cho nó.
Tôi là người may mắn. Tôi đã không bao giờ được tài trợ như thế và tất cả mọi thứ tôi kiếm được, tôi kiếm được một cách rất minh bạch. Tôi trả những khoản thuế của tôi. Đó là lí do vì sao tôi có thể ngồi ở đấy. Rồi trở thành tổng thống. Tôi không quan tâm đến chức vụ tổng thống, vì tôi biết tôi không bao giờ có thể thu thập được đủ tiền để trở thành tổng thống. Để làm gì?
Có rất nhiều người muốn trở thành tổng thống, hay bộ trưởng hoặc thống đốc. Họ thu thập tiền, và người ta tài trợ cho họ. Nhưng những người tài trợ cho họ cần thu lại những khoản họ đã đầu tư, họ muốn nhận lại những đồng tiền của mình. Đấy là cơ chế của tất cả các hình thức dân chủ.
Bây giờ hiện tượng đã và đang xảy ra trên thế giới là chúng ta có hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác. Đấy không chỉ là do tham nhũng, bởi vì nhân dân có thể truy cập các mạng xã hội trên Internet, ví dụ như Facebook, Twitter… Ở Trung Đông, người ta còn sử dụng các mạng xã hội trong các cuộc cách mạng. Nhưng đấy không phải là những cuộc cách mạng đầu tiên. Cuộc cách đầu tiên diễn ra ở Indonesia, năm 1998, sử dụng máy điện thoại di động. Đó là lí do vì sao tôi đã quyết định cho phép tự do thể hiện.
Vì vậy, đó là vấn đề, vấn đề của nhân loại. Làm sao chống lại được việc đó? Tăng cường công lí, gia tăng tính minh bạch, tăng năng suất lao động. Quan tâm nhiều hơn đến những người hay những tổ chức thực sự tạo ra giá trị trong xã hội. Nếu tôi làm ra một cái máy bay, tôi có thể tạo ra thêm giá trị. Nhưng nếu tôi tạo ra các khoản nợ xấu, là tôi bòn rút giá trị của xã hội. Tôi có thể là người siêu giàu; lúc đó tôi có thể trở thành siêu nghèo và mất rất nhiều tiền chỉ trong phút chốc. Đấy chỉ là đánh bạc. Và chuyện này đang xảy ra ở châu Âu cũng như ở Mỹ và ở Indonesia chúng tôi phải thận trọng để không bao giờ xảy ra một lần nữa.
Năm 1974, tôi bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ chiến lược với 20 người. Năm 1998, tôi chuyển nó cho người khác bởi đấy là doanh nghiệp nhà nước và phó tổng thống không được phép làm thêm việc khác. Tôi chuyển cho ông ta hơn 48.000 người với doanh thu 10 tỉ USD. Tôi đã ký những hợp đồng sản xuất dây chuyền lắp ráp xuất khẩu cho nước ngoài.
Nhưng chúng tôi đã có vấn đề nợ xấu - không phải do tôi, mà do rất nhiều vụ lèo lái. Chúng tôi có những khoản nợ xấu, do ai? Do các doanh nghiệp tư nhân với các dự án giả mạo, do những người bẻ cong pháp luật và những người sống nhờ chuyện đó, do những người môi giới.
Chúng tôi đã có một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tôi có thể làm gì? Tôi là tổng thống, nhưng tôi không thể vi phạm thỏa thuận này bởi vì nó được cựu tổng thống kí. Tôi không biết thỏa thuận này khi nó được kí kết; người ta không thông báo cho tôi. Nhưng nếu tôi thay đổi thỏa thuận, tôi sẽ gặp những vấn đề ở tầm quốc tế và quốc gia. Nó có thể kích hoạt một cuộc cách mạng. Nhiều người hi vọng tôi sẽ làm như vậy, nhưng tôi không vi phạm thỏa thuận. Tôi nói rằng nếu đây là cái giá mà chúng ta phải trả thì chúng ta sẽ trả. Tôi không thể kích hoạt một cuộc cách mạng; phần lớn dân chúng là những người nghèo và vô tội và họ sẽ là những người sẽ bị đau khổ, và tôi không thể để xảy ra chuyện đó.
Quản lí kinh tế để phát triển
Ông đã khởi động chính sách kinh tế mới và cùng lúc đó ông tung ra mạng lưới an sinh xã hội. Những biện pháp này có tầm quan trọng như thế nào đối với cuộc vận động hướng tới dân chủ?
Vấn đề là tạo vốn. Bắt đầu từ đâu? Một lựa chọn là tiếp cận từ trên xuống. Ban hành luật pháp và quy định sao cho những người thật sự tốt kiểm soát được vốn liếng và tạo ra việc làm. Cơ chế duy nhất để đảm bảo rằng trong chủ nghĩa tư bản, thu nhập và cơ hội được phân phối một cách bình đẳng là giáo dục. Lực chọn khác là phương pháp từ dưới lên. Liên Xô đã thử biện pháp này; cách tiếp cận này đã phá sản. Nhưng cách tiếp cận từ trên xuống hiện cũng gần như phá sản rồi, và chúng ta biết rằng có rất nhiều sự lèo lái. Ví dụ như tỉ giá liên ngân hàng được lèo lái, bắt đầu với LIBOR (Libor còn gọi là lãi suất liên ngân hàng Anh, là lãi suất mà tại đó các ngân hàng có thể vay mượn tiền, ở mức có thể tính toán được, từ các ngân hàng khác trên thị trường liên ngân hàng London. Libor được cố định hàng ngày bởi Hiệp hội Ngân hàng Anh và thông báo qua Thomson Reuters – ND).
Những người làm việc với cái gọi là qũy đầu tư (private equity) và những thứ tương tự như thế, theo tôi, chỉ là những người môi giới. Họ chuyển động rất nhanh và họ được nhận một khoản hoa hồng. Và họ không phải nộp thuế, nhưng họ không tạo ra của cải. Họ lợi dụng của cải do những người khác tạo ra để trở thành giàu có hơn. Và nếu những công ty này gặp khó khăn thì phải lấy tiền của người đóng thuế ra giúp họ. Đa số phải bơm tiền để cứu những người siêu giàu. Chỉ có họ là người thắng mà thôi.
Tôi không chống chủ nghĩa tư bản. Tôi có phương pháp tiếp cận, đó là bắt đầu ở giữa. Phải chăm lo cho tầng lớp trung lưu và tầng lớp này phải kéo những người sống dưới mức nghèo đói lên và đẩy những người tốt lên đỉnh – đấy là cái mà tôi gọi là xã hội “vừa đẩyvừa kéo”. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có cơ hội để làm việc này. Tôi sử dụng biện pháp của người Đức để mô tả nó, đấy là nền kinh tế thị trường xã hội.
Các đảng chính trị
Một sự ngẫu nhiên của lịch sử, ông làm tổng thống và ông đã chuẩn bị để hành động. Nhưng ông cần các đảng chính trị mạnh để chế độ dân chủ hoạt động, còn các đảng chính trị ở đây lại rất manh mún. Ông suy nghĩ như thế nào về vai trò của các đảng trong chính trị?
Soeharto thiết kế hệ thống theo cách này là có mục đích. Ông ta chỉ cho phép hai đảng ở Indonesia [mặc dù Golkar tranh cử cùng với hai đảng chính trị được phép hoạt động] và ông có quyền lực. Ông đã giành được quyền lực từ tay tiến sĩ, kĩ sư Soekarno và kiểm soát tất cả mọi thứ. Ông là tổng thống đồng thời là chủ tịch của liên minh trong nghị viện, và ông nói: “Tôi sẽ chỉ có hai lực lượng [đảng chính trị]. Một đảng chăm sóc cuộc đời hiện nay còn đảng kia chăm sóc cuộc đời sau khi chết”. Ông gọi một đảng là Đảng Dân chủ Indonesia (Partai Demokrasi Indonesia). Còn những người chăm sóc cuộc đời sau khi chết thì được ông gọi Đảng Phát triển Thống nhất (Partai Persatuan Pembangunan) thực hiện việc xây dựng dân tộc, theo nghĩa rộng hơn. Rồi ông dựng lên nhóm thứ ba. Ông không gọi họ là đảng chính trị; đó là một nhóm các chuyên gia. Ông gọi là Golkar (Golongan Karya). Golongan là “nhóm”; Karya là “những người thực hiện”. Ông nói đấy là tất cả những người tin vào đạo Hồi, hãy để họ cầu xin những thứ họ muốn và họ làm; thế là tốt. Nhưng những người còn lại là hỗn hợp của Hồi giáo, Thiên chúa giáo, cực tả, cực hữu, xã hội, tất cả những thứ khác. Đôi khi họ cãi nhau, vì vậy họ không bao giờ thắng được. Khôn khéo. Chỉ những người nằm trong nhóm những người làm, những người thực hiện mới là người chiến thắng. Vì vậy, sau các cuộc bầu cử, ông ta phải đưa những người làm, những chuyên gia và hai nhóm thiểu số nói trên vào. Ông cũng thành lập cái gọi là phe quân đội. Chủ tịch của phe quân đội trong nghị viện và Hội đồng Tư vấn Nhân dân báo cáo với người đứng đầu lực lượng vũ trang theo công thức nhất định. Phe của các tỉnh chỉ có đại diện trong Hội đồng Tư vấn Nhân dân, chứ không có đại diện trong nghị viện. Cho nên, dựa trên các quy tắc đại diện, ông có thể kiểm soát đa số trong hơn 31 năm.
Và hệ thống đảng phái này đã góp phần vào sự ổn định dưới thời Soeharto, nhưng nó phải được tài trợ. Làm sao tài trợ? Tôi được Soeharto thông báo cho biết rằng ông có hệ thống gây quỹ minh bạch để tài trợ cho đảng, trong đó phụ phí của hệ thống là 10%. Nếu bạn minh bạch, bạn có thể khiến người ta hợp tác với bạn, và bạn có thể giữ 10% số tiền để tài trợ cho chính mình; phần còn lại để cho đảng. Soeharto có thể làm như thế cho đến khi các con ông trưởng thành. Nhưng sau khi họ lấy vợ lấy chồng và phát triển công việc kinh doanh của chính họ và tập hợp được đội ngũ thì Soeharto không thể kiểm soát nổi quá trình này. Thái độ của ông đối với việc hạn chế tham nhũng là tích cực; tôi tin chắc như thế. Nhưng ông đã chiến đấu chống lại bản chất của con người.
Đó là một trong những lí do chính vì sao quyết định đầu tiên của tôi khi lên chức tổng thống là đặt ra giới hạn thời hạn nắm quyền của tổng thống là hai nhiệm kỳ. Tôi học được từ Mỹ. Một số người ở đây tiến hành công trình nghiên cứu về tính khả thi, nhưng không cần. Mỹ là tấm gương vì nó hiệu quả. Và tôi có thể làm việc này vì tôi có đa số 80% trong nghị viện. Tôi có thể chỉ đạo họ và họ đã phải làm.
Ông có nghĩ rằng sự chia rẽ của các đảng chính trị làm cho quá trình chuyển hóa và củng cố dân chủ trở thành khó khăn hơn? Ông có nghĩ rằng luật về đảng chính trị là hiệu quả?
Luật về đảng chính trị là một trong những bộ luật tốt. Tất nhiên, bao giờ cũng có thể cải thiện. Tôi đã nói rõ rằng tất cả mọi người đều được phép thành lập đảng chính trị miễn là đảng đó chấp nhận hiến pháp và tuân thủ pháp luật hiện hành. Có biện pháp dân chủ để cải thiện hiến pháp, thông qua các bộ luật và chính sách hiện hành, nhưng đường phố không phải là nghị viện. Các cuộc biểu tình là phương tiện thể hiện theo lối dân chủ trong xã hội dân sự, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị phải theo luật chơi và phải đưa ra những đề nghị phù hợp cho sự thay đổi thông qua báo chí tự do hay thông qua nghị viện.
Hiện nay chỉ có các đảng chính trị mới có thể đề cử các ứng cử viên tổng thống. Một thay đổi mà nếu có điều kiện thì tôi sẽ làm là tạo ra cơ chế để các tổ chức xã hội dân sự cũng có thể đề cử các ứng cử viên tổng thống; chúng ta phải tạo ra hệ thống làm cho việc này trở thành khả thi. Như thế thì sẽ cải thiện được sự tham gia của cử tri. Ví dụ, trong vòng đầu của cuộc bầu cử thống đốc Jakarta mới đây, 40% cử tri đủ điều kiện không tham gia. Chúng tôi phải thuyết phục người dân rằng họ phải đi bỏ phiếu. Tôi nghĩ họ không bỏ phiếu vì tin rằng các đảng không đại diện cho họ và tôi nghĩ rằng tỉ lệ cử tri đi bầu thấp là có hại cho họ và cho cả Indonesia nữa.
Huy động xã hội
Sinh viên có vai trò quan trọng trong việc kết liễu chính phủ của Soeharto rồi sau đó dường như biến mất hẳn. Đã xảy ra chuyện gì với các sinh viên và phong trào của họ? Những người lãnh đạo các tổ chức sinh viên đó hiện đang làm gì?
Về mặt lịch sử, ngay từ khởi thủy, sinh viên đã là những người tiên phong trong những thay đổi ở Indonesia. Và họ vẫn đóng vai trò đó.
Thế thì, khi ông lên cầm quyền, họ đã gặp những chuyện gì? Họ có chấm dứt vận động không?
Sinh viên đã đến gặp tôi và chúng tôi đã trao đổi quan điểm, nhưng họ không chấm dứt việc vận động. Một số có thái độ gây hấn đối với tôi. Tôi đã nghe họ nói. Một số lại ủng hộ. Tôi cũng lắng nghe.
Tôi chưa bao giờ nghĩ về bản thân mình như một chính trị gia, nhưng tôi sống trong chính trị. Điều đó không có nghĩa là tôi không hiểu chính trị, tôi hiểu rất rõ. Nhưng nó không phải là phương tiện để tôi để trở thành cái mà tôi muốn. Phương tiện của tôi là kỹ thuật, là làm ra máy bay và tàu bè.
Thúc đẩy bình đẳng giới
Chuyển hóa là giai đoạn có thể góp phần tái xác định vai trò và cách đối xử với phụ nữ. Ông giải quyết các quyền của phụ nữ như thế nào?
Chúng tôi có các tổ chức nhân quyền, cũng như ở tất cả các quốc gia khác. Các tổ chức về quyền con người ở Indonesia đang vận động cho nhân quyền của tất cả mọi người, cả nữ giới lẫn nam giới. Nhưng trong nhiều lĩnh vực, phụ nữ còn ở thế bất lợi. Không ai quan tâm tới những người phụ nữ bị hãm hiếp và trong thời gian chuyển hóa, nhiều phụ nữ đã bị hãm hiếp. Vì vậy, tôi đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (Komnas Perempuan).
Tôi cũng đã làm việc với chủ tịch nghị viện và nói với ông ta rằng phải quan tâm tới nhóm này bởi vì ít nhất 50% người dân Indonesia là phụ nữ, vì vậy ông không được bỏ qua.
Ủng hộ quốc tế
Các nước khác có giúp ông phát triển và thực hiện chương trình của ông hay không?
Các nước khác đã thực sự giúp đỡ tôi, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, đấy là Mỹ - ví dụ, thông qua cựu tổng thống Jimmy Carter, người lãnh đạo các NGO trong việc theo dõi bầu cử - và Đức, trong việc hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Indonesia, bằng cách đưa sang đây cựu chủ tịch Deutsche Bundesbank, Tiến sĩ Schlesinger.
Ông nghĩ, đâu là vai trò thích hợp của các tác nhân bên ngoài trong quá trình chuyển hóa sang dân chủ?
Các cơ quan, chính phủ và các tổ chức xuyên quốc gia phải chủ động trong việc giúp người dân nhằm cải thiện sự quan tâm tới xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng kinh tế, nhưng họ không được dính líu vào nền chính trị ở trong nước. Tất cả các tác nhân quốc tế đều theo đuổi lợi ích riêng của mình. Các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế-xã hội của Indonesia phải do người dân Indonesia giải quyết. Các tác nhân quốc tế cần hành động khi có yêu cầu và dựa vào vào hợp tác hai bên cùng có lợi (win-win).
Tôn giáo và dân chủ
Nhiệm kỳ của ông kéo dài chưa tới 2 năm - 517 ngày – đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử Indonesia. Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất từng tiến hành quá trình chuyển hóa sang dân chủ. Đã có nhiều cuộc thảo luận bàn về Hồi giáo và dân chủ và về sự kiện là Indonesia khác với những nước khác vì có tư tưởng Pancasila và vì có truyền thống là tất cả các các tôn giáo cùng chung sống và sự thống nhất dân tộc. Có thể rút ra những bài học gì từ Indonesia, liên quan đến vai trò của tôn giáo và có thể làm gì nhằm tăng cường tiến trình dân chủ ở các nước, nơi mà đạo Hồi mạnh?
Dân chủ là câu trả lời. Tôi mở cửa Indonesia. Tôi đã nói chuyện này với đồng nghiệp của tôi ở Thổ Nhĩ Kì - Necmettin Erbakan và Abdullah Gul. Gul và tôi lập ra Diễn đàn Hồi giáo quốc tế về Khoa học, Công nghệ và Phát triển nguồn lực con người. Lúc đó Gul đang gặp rắc rối với quân đội. Tôi nói với ông rằng ông cần làm sâu sắc thêm chế độ dân chủ. Trong chế độ dân chủ, nhân dân sẽ là người quyết định.
Hiện nay, người dân trên thế giới có nhiều thông tin hơn về những sự kiện đang xảy ra và có nhiều khả năng phân tích trên cơ sở sự thật và tiếp cận tự do với thông tin. Trước đây, quyết định thường dựa trên giả định. Đó là lí do vì sao những thách thức mà chúng ta gặp phải ở Trung Đông, tức là cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập, không phải là vấn đề Hồi giáo. Đó là vấn đề về công lí và phân phối công bằng. Một số người sử dụng những người Hồi giáo cứng rắn như là phương tiện gây được nhiều chú ý, tiền bạc và quyền kiểm soát.
Ở Indonesia, chúng tôi đã mở cửa, tạo điều kiện cho những người theo đường lối cứng rắn cạnh tranh. Nhưng không người nào trong số những người theo đường lối cứng rắn, Hồi giáo hay không Hồi giáo, có đủ người ủng hộ để vào nghị viện.
Nhân dân – chứ không phải tôn giáo - là cội nguồn của các vấn đề, do đó nhân dân phải giải quyết những vấn đề đó. Văn hóa ảnh hưởng tới biện pháp mà nhân dân sử dụng để giải quyết những vấn đề của họ, văn hóa lâu đời hơn hẳn các tôn giáo. Hiện nay chúng ta đang bị ám ảnh bởi góc nhìn của tôn giáo, và thường sử dụng những cách tiếp cận đó để khẳng định những giá trị phổ quát và đôi khi coi thường nền tảng văn hóa. Các giá trị của Hồi giáo không phải lúc nào cũng tương đồng với nền văn hóa và các giá trị của thế giới Ả Rập.
Ở Indonesia, các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các tôn giáo khác phải chấp nhận rằng Indonesia không phải là nhà nước Hồi giáo, nhưng là xã hội rất mộ đạo, dựa trên những nguyên tắc là kim chỉ nam của thuyết Pancasila, triết lí nhấn mạnh năm nguyên tắc.
1. Độc thần và mộ đạo
2. Nhân bản công bằng và văn minh
3. Sự thống nhất của Indonesia
4. Công lí xã hội cho tất cả nhân dân Indonesia
5. Phúc lợi xã hội
Có lẽ những người khác trong thế giới Hồi giáo có thể học hỏi từ kinh nghiệm mà chúng tôi đã trải qua ở Hội Trí thức Hồi giáo Indonesia. Chúng tôi thảo luận những quan điểm và niềm tin và không bao giờ bắt đầu bằng việc thảo luận những sự khác biệt. Bằng cách tiếp cận như vậy, chúng tôi tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hơn nữa lòng khoan dung để tiếp tục thảo luận. Indonesia là đất nước có nhiều tôn giáo. Nói chung, người Indonesia với những tôn giáo khác nhau sống với nhau một cách hòa bình và góp phần (và tham gia vào) bản sắc của Indonesia.
Những cuộc chuyển hóa hiện nay
Khi nghĩ về kinh nghiệm của Indonesia, ông cho rằng đâu là những bài học quan trọng và nguyên tắc quan trọng nhất đối với các nhà lãnh đạo ở những nước đang trải qua quá trình chuyển hóa dân chủ phức tạp hiện nay?
Trước hết, họ phải tu chính hiến pháp, nếu cần, để họ có thể thực hiện chương trình cải cách của mình một cách hợp pháp và tuân theo hiến pháp. Sau đó, các nhà lãnh đạo phải chấp nhận những cuộc biểu tình như là công cụ của chế độ dân chủ. Đương nhiên là, giết người và phá hoại tài sản công cộng phải được coi là tội hình sự và nghị viện không được trở thành “nghị viện của đường phố”, nhưng các cuộc biểu tình là biểu hiện quan trọng.
• Tổng thống phải được bầu một cách trực tiếp và phải hành xử một cách kiên quyết và dứt khoát. Ông ta phải hành động vì toàn dân (và không loại trừ ai) và phải thành lập ngay lập tức nội các để giúp giải quyết các vấn đề bức xúc nhất mà xã hội đang gặp. Thành viên nội các cần phải được lấy từ tất cả các đảng phái chính trị có chân trong nghị viện, với tỉ lệ tương ứng, cũng như quan chức của cảnh sát và quân đội.
• Phải thả ngay các chính trị phạm và bảo đảm tự do ngôn luận và tự do báo chí.
• Tăng cường ổn định và khả năng dự đoán về chính trị và kinh tế là quan trọng nhất. Việc này có thể đòi hỏi một số quyết định không được lòng dân.
• Có thể tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi tình hình chính trị đã ổn định. Tất cả mọi người đều có quyền tự do thành lập đảng chính trị và tham gia tranh cử miễn là họ tuân theo các tiêu chí của cuộc bầu cử và hành xử theo hiến pháp.
• Tổng thống phải coi quân đội và cảnh sát như những nhà kĩ trị nhằm hạn chế vai trò của họ trong chính trị.
• Trên hết, tổng thống phải nhận thức rằng nhiệm vụ chính của ông ta là tập trung vào việc giải quyết những vần đề cấp bách nhất của xã hội – chứ không phải nhằm duy trì quyền lực và quyền kiểm soát! Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân chứ không chỉ trước đảng của ông ta. Minh bạch và quản trị tốt là chìa khóa.
Ông có nghĩ rằng kinh nghiệm của Indonesia thích hợp với Myanmar?
Tất nhiên. Myanmar và Indonesia chia sẻ một số điểm tương đồng trong văn hóa. Nền văn hóa của Indonesia, của người Java, dựa trên các sử thi Ramayana, Mahabharata, v.v. Hồi giáo và Công giáo xuất hiện về sau. Cách thức nhiều nền văn hóa và tôn giáo sống cùng nhau ở Indonesia là cái mà Myanmar có thể học hỏi. Họ cũng có thể quan sát cách chúng tôi thoát khỏi hệ thống mà quân đội giữ thế thượng phong một cách hòa bình.
Ở Myanmar, cần một người hiểu được quyền lực, có nền tảng tốt, được giáo dục trong nền văn minh phương Tây, v.v. Nhiều lực lượng tìm cách gây ảnh hưởng tới giới chính trị; các gia đình đầy quyền lực, quân đội, các đảng phái chính trị, và những người giàu có, tất cả đều tìm cách gây ảnh hưởng tới chính quyền. Tôi đã quan sát tình trạng này trong suốt 25 năm qua. Tôi đã học được. Và bất thình lình, ông Trời đưa tôi vào trung tâm; tôi bị bao vây, nhưng tôi không phải người mù. Tôi biết người ta đến vì cái gì.
Những mốc chính
Tháng 8 năm 1945: Indonesia tuyên bố độc lập khỏi tay thực dân Hà Lan, bắt đầu cuộc chiến tranh kéo dài bốn năm. Nghị viện lâm thời bầu nhà lãnh đạo theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa Soekarno và Mohammed Hatta làm tổng thống và phó tổng thống, và thông qua hiến pháp dựa trên học thuyết Pancasila, ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa.
Tháng 12 năm 1949: Hà Lan công nhận nền độc lập của Indonesia; nước này trở thành nhà nước dân chủ nhất thể, với chính thể đại nghị.
Tháng 9 năm 1955: Indonesia tổ chức cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên, sau đó là bầu cử Hội đồng Lập hiến vào tháng 12.
Tháng 3 năm 1957: Đáp trả những cuộc nổi dậy ở các khu vực, Soekarno tuyên bố thiết quân luật, khởi đầu “chế độ dân chủ có lãnh đạo”.
Tháng 7 năm 1959: Soekarno giải tán Hội đồng Lập hiến và khôi phục hiến pháp 1945, trong đó, quyền của nhánh hành pháp bao trùm lên tất cả, nhưng vẫn giữ Pancasila làm hệ tư tưởng của nhà nước.
Tháng 10 năm 1965: Cuộc đảo chính do Phong trào 30 Tháng 9 dự định đã bị tướng Soeharto - lúc đó là chỉ huy của Bộ chỉ huy lực lượng dự trữ chiến lược - dẹp tan. Cùng với Đảng chống cộng của Indonesia, trong đó có người Hồi giáo, quân đội triển khai cuộc thanh trừng đầy bạo lực, giết chết hàng trăm ngàn đảng viên cộng sản và những người bị nghi là có cảm tình với cộng sản.
Tháng 3 năm 1966: Do trật tự công cộng đang mục ruỗng, Soekarno giao cho Soeharto quyền lực rộng rãi nhằm ổn định tình hình đất nước. Soeharto tiến hành thanh trừng các đồng minh của Soekarno thâu tóm quyền lực một cách từ từ trong vòng hai năm tiếp theo, cuối cùng, giam lỏng Soekarno và bắt đầu chế độ Trật tự Mới. Chính phủ, được quân đội và các nhà kĩ trị ủng hộ, áp dụng chính sách hướng theo xuất khẩu và nền kinh tế nước này tăng trưởng trong suốt những thập kỉ sau đó.
Tháng 7 năm 1971: Tổ chức bầu cử Hội đồng Đại diện Nhân dân. Những người ủng hộ Đảng Golkar của Soeharto giành chiến thắng áp đảo, giữa lúc có những cuộc đàn áp và gian lận.
Tháng 1 năm 1973: Soeharto buộc các đảng đối lập sáp nhập thành Đảng Dân chủ Indonesia có tinh thần dân tộc chủ nghĩa (PDI) và Đảng Phát triển Thống nhất (PPP) có liên kết với Hồi giáo. Chỉ có hai đảng này và Golkar được quyền tham gia tranh cử.
Tháng 3 năm 1978: Soeharto bổ nhiệm B. J. Habibie, giám đốc ngành công nghiệp máy bay quốc doanh và là cựu giám đốc kĩ thuật ở Đức, làm bộ trưởng khoa học và công nghệ.
Tháng 12 năm 1984: Nahdlatul Ulama (NU), nhóm Hồi giáo lớn nhất nước, ra khỏi Đảng PPP. Người đứng đầu NU, Abdurrahman Wahid, nói NU phải tập trung vào công tác tôn giáo và xã hội và tránh hoạt động chính trị.
Tháng 11 năm 1990: Soeharto cho phép thành lập Hiệp hội Trí thức Hồi giáo Indonesia (ICMI), do Habibie làm chủ tịch, nhằm tăng cường sự ủng hộ của những người Hồi giáo ngoan đạo. Nhiều nhà cải cách Hồi giáo “hiện đại”, liên kết với Muhammadiyah (tổ chức Hồi giáo phi chính phủ ở Indonesia) và lãnh đạo tương lai là Amien Rais, tham gia Hiệp hội này; các nhà cải cách “truyền thống” liên kết với Wahid và NU từ chối tham gia.
Tháng 12 năm 1993: Megawati Sukarnoputri, con gái của Soekarno, được bầu làm người lãnh đạo Đảng PDI, dựa vào cương lĩnh cải cách thế tục, được một số người trong quân đội ủng hộ.
Tháng 6 năm 1996: Phái ủng hộ chính phủ trong PDI tổ chức hội nghị ban lãnh đạo, đẩy Megawati ra rìa, và xông vào trụ sở PDI, khiến nổ ra những cuộc biểu tình lớn do Megawati lãnh đạo.
Tháng 7 năm 1997: Khủng hoảng tài chính ở châu Á bắt đầu. Giá trị của đồng tiền Indonesia (Rupiah) giảm sút nhanh chóng, làm cho giá hàng hóa tiêu dùng, nợ nước ngoài, và phí suất tín dụng gia tăng.
Tháng 10 năm 1997: Soeharto đồng ý tiến hành cải cách hệ thống ngân hàng để đổi lấy khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Việc các ngân hàng đóng cửa làm giảm sút niềm tin vào đồng Rupiah và nền kinh tế của đất nước.
Tháng 1 năm 1998: Tỷ giá hối đoái còn lao dốc thêm nữa. Soeharto được IMF cung cấp những khoản vay mới; đến lượt mình, ông đồng ý phá vỡ các công ty độc quyền và kiềm chế nạn ô dù, nhưng ngưng các cuộc cải cách. Phe đối lập kêu gọi Soeharto từ chức hay tiến hành thương lượng.
Tháng 3 năm 1998: Hội đống Tư vấn Nhân dân (MPR) bầu lại Soeharto làm tổng thống và xác nhận việc lựa chọn Habibie làm phó tổng thống. Soeharto thành lập nội cách mới, trong đó có những thành viên gia đình và bạn bè của ông ta. Giữa lúc MPR đang họp thì nổ ra những cuộc biểu tình lớn của sinh viên, đòi Soeharto từ chức.
Tháng 4 năm 1998: Các cuộc biểu tình của sinh viên gia tăng, người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Lãnh đạo của Muhammadiyah, Amien Rais, tham gia biểu tình. Quân đội, do tướng Wiranto lãnh đạo, kêu gọi đối thoại.
Tháng 5 năm 1998: Biểu tình gia tăng, lan ra bên ngoài khuôn viên đại học và trở nên bạo lực hơn, đấy là do có những vụ giết hại những người biểu tình và phản đối việc tăng giá nhiên liệu theo yêu cầu của IMF. NU và ICMI đòi Soeharto từ chức. Quân đội để cho người biểu tình xông vào toà nhà nghị viện và nói rằng họ sẽ không nổ súng. Các thành viên nội các đe dọa từ chức, cơ quan lập pháp đe dọa luận tội tổng thống, và Soeharto không thành lập được chính phủ liên minh.
Soeharto từ chức và chuyển giao quyền lực cho Habibie, có sự ủng hộ của Wiranto. Habibie thành lập liên minh bao gồm Golkar, PPP, PDI, và những người cải cách cùng với các nhà lãnh đạo quân sự. Ông cách chức tướng Prabowo Subianto, con rể Soeharto nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính có thể xảy ra.
Tháng 6 năm 1998: Chính phủ Habibie phóng thích phần lớn chính trị phạm, xóa bỏ kiểm duyệt, hợp pháp hóa các nghiệp đoàn và các đảng phái chính trị, và thúc đẩy các cuộc bầu cử đã lên kế hoạch. Tình trạng bất ổn và bạo lực phe phái tiếp tục.
Tháng 12 năm 1998: Cơ quan lập pháp thông qua luật bầu cử đại diện theo tỉ lệ, vẫn giữ nguyên những ghế không do dân cử. Habibie tuyên bố trưng cầu về nền độc lập của Đông Timor, làm gia tăng những cuộc tấn công của lực lượng bán quân sự được quân đội hậu thuẫn nhắm vào những người ủng hộ nền độc lập.
Tháng 5 năm 1999: Chính phủ thông qua đạo luật củng cố quyền lực của chính quyền khu vực.
Tháng 6 năm 1999: Tổ chức bầu cử nghị viện, các quan sát viên quốc tế được tự do theo dõi. Đảng Dân chủ của Đấu tranh của Indonesia do Megawati lãnh đạo (PDI-P) giành được 33% số ghế, Golkar được 22%, và Đảng Thức tỉnh Dân tộc (PKB hay Partai Kebangkitan Bangsa) của Wahid được 12%.
Tháng 8 năm 1999: Nhiều người Đông Timor bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Bạo lực do lực lượng bán quân sự gây ra làm chết hơn 1.000 người và làm gần một phần ba người dân Đông Timor phải chạy khỏi quê hương bản quán. Liên hiệp quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng quân đội ngăn chặn, không cho họ tới trong khi bạo lực vẫn tiếp tục.
Tháng 10 năm 1999: MPR bác bỏ bài “diễn văn về trách nhiệm giải trình” của Habibie trong một cuộc bỏ phiếu sát nút, thực chất là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, một số đại biểu của Golkar trong nghị viện phản đối Habibie. MPR bầu Wahid làm tổng thống, được Golkar và Hồi giáo ôn hòa hậu thuẫn và bắt đầu tu chính bản hiến pháp năm 1945 kéo dài tới bốn năm.
Tháng 1 năm 2000: Ủy ban nhân quyền quốc gia cáo buộc Wiranto phạm tội ở Đông Timor. Wahid đưa Wiranto và một số sĩ quan đang tại nhiệm khác ra khỏi nội các.
Tháng 8 năm 2000: MPR tu chính hiến pháp nhằm kiềm chế vai trò của quân đội trong cơ quan an ninh quốc nội và trong MPR, và tăng cường các quyền con người và quyền tự trị của các khu vực.
Tháng 10 năm 2000: Một tòa án kết án Tommy, con trai của Soeharto, tội tham nhũng, lật ngược lại tuyên bố trắng án trước đó. Tommy bỏ trốn với sự đồng lõa của cảnh sát.
Tháng 2 năm 2001: MPR phê phán Wahid vì bị nghi nhận hối lộ từ một cơ quan hậu cần của nhà nước, bước đầu tiên trong quá trình bãi nhiệm ông này. Tòa án dỡ bỏ những biện pháp quản thúc tại gia đối với Soeharto, với lý do sức khỏe kém, nhưng bỏ tù Bob Hasan, đồng minh của Soeharto vì tội tham nhũng.
Tháng 7 năm 2001: MPR luận tội Wahid, đưa phó tổng thống Megawati lên thay. Wahid tìm cách tuyên bố thiết quân luật và giải tán nghị viện, nhưng quân đội không tuân lệnh.
Tháng 11 năm 2001: MPR thành lập Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Tư pháp độc lập và Hội đồng Đại diện khu vực. Tommy Soeharto bị bắt và cuối cùng đã bị kết án.
Tháng 7 năm 2002: MPR quyết định chức vụ tổng thống được bầu trực tiếp và xóa bỏ tất cả ghế nghị sĩ được bổ nhiệm, hoàn thành những cải cách lớn gắn với hiến pháp năm 1945.
Tháng 12 năm 2002: Ủy ban phòng chống tham nhũng được thành lập, ủy ban này đã chứng tỏ có hiệu quả trong việc truy tố tham nhũng.
Tháng 9 năm 2004: Tướng đã hồi hưu Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) thắng Megawati trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp. Chính phủ của SBY tiến hành cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng và cải cách một phần lực lượng vũ trang trong suốt hai nhiệm kì của ông.
Tháng 8 năm 2005: Chính phủ kí thỏa thuận hòa bình và tự chủ với những người li khai ở tỉnh Aceh.
Tháng 9 năm 2009: SBY tái đắc cử với cách biệt lớn. Đảng của ông gia tăng gấp ba lần số ghế trong nghị viện.
Tháng 5 năm 2012: Cuộc cải cách bầu cử khiêm tốn diễn ra trước cuộc bầu cử năm 2014 gia tăng ngưỡng bầu cử và muốn đủ tư cách phải có từ 2,5% đến 3,5% và yêu cầu có đại diện phụ nữ trong ban lãnh đạo các đảng.
Đọc thêm
Aspinall, Edward. Opposing Suharto: Compromise, Resistance, and Regime Change in Indonesia. Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2005.
Aspinall, Edward, and Marcus Mietzner. “Economic Crisis, Foreign Pressure, and Regime Change.” In Transitions to Democracy: A Comparative Perspective, edited by Kathryn Stoner and Michael McFaul. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2013.
Bilveer, Singh. Habibie and the Democratisation of Indonesia. Sydney: Book House, 2001.
Chandra, Siddharth, and Douglas Kammen. “Generating Reforms and Reforming Generations:
Military Politics in Indonesia’s Democratic Transition and Consolidation.” World Politics 55, no. 1 (2002): 96–136.
Effendy, Bahtiar. Islam and the State in Indonesia. Athens: Ohio University Press, 2004.
Habibie, Bacharuddin Jusuf. Decisive Moments: Indonesia’s Long Road to Democracy. Jakarta: Ilthabi Rekatma, 2006.
Hadiz, Vedi R. “Decentralization and Democracy in Indonesia: A Critique of Neo- Institutionalist Perspectives.” Development and Change 35, no. 4 (2004): 697–718.
Hefner, Robert W. Civil Islam: Muslims and Democratization in Indonesia. Princeton, N.J.:
Princeton University Press, 2000.
Hill, David T., and Krishna Sen. Media, Culture, and Politics in Indonesia. Oxford: Oxford
University Press, 2000.
Horowitz, Donald. Constitutional Change and Democracy in Indonesia. New York: Cambridge University Press, 2013.
Kunkler, Mirjam, and Alfred Stepan, eds. Indonesia, Islam, and Democracy: Comparative
Perspectives. New York: Columbia University Press, 2013.
Mietzner, Marcus. “The Ambivalence of Weak Legitimacy: Habibie’s Interregnum Revisited.”
Review of Indonesian and Malaysian Aff airs 42, no. 2 (2008): 1–33.
———. Military Politics, Islam, and the State in Indonesia: From Turbulent Transition to
Democratic Consolidation. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009.
Mietzner, Marcus, and Edward Aspinall, eds. Problems of Democratisation in Indonesia: Elections, Institutions and Society. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2010.
O’Rourke, Kevin. Reformasi: The Struggle for Power in Post-Suharto Indonesia. Crow’s
Nest, Australia: Allen & Unwin, 2002.
Robison, Richard, and Vedi R. Hadiz. Reorganizing Power in Indonesia: The Politics of Oligarchy in an Age of Markets. London: Routledge Curzon, 2004.
Sulistiyanto, Priyambudi. “Politics of Justice and Reconciliation in Post-Suharto Indonesia.” Journal of Contemporary Asia 37, no. 1 (2007): 73–94.
Uhlin, Anders. Indonesia and the “Third Wave of Democratization”: The Indonesian Pro-
Democracy Movement in a Changing World. New York: St. Martin’s Press, 1997.
Van Klinken, Gerry. Communal Violence and Democratization in Indonesia: Small Town Wars. Abingdon: Routledge, 2007.

[1] Habibie, Detik-detik yang Menentukan, 127.
[2] Thượng dẫn.
[3] Thượng dẫn, 345–53.