Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Mỗi năm hoa đào nở…

Tạp bút Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Một bình rượu, một khay trà
Một đôi bạch lạp, giấy hoa bút vàng
Nghe hơi gió chuyển mùa sang
Tuổi già cám cảnh đôi hàng rụng rơi
Chuyện em muốn thưa với bác năm cùng tháng tận buồn tình khề khà thơ lão bạn thâm căn cố cựu. Chưa kịp nghe hơi gió chuyển mùa sang, chợt nhớ trong nhà có một khay trà đâu đó. Chả là dăm thu trước sắm nắm được bộ ấm cổ giả Giang Tô gan gà. Mới quá mất vui, em bèn chôn dưới gốc cây mai, và nhủ thầm: Mai này bộ ấm trà lạc tinh cũ rích, thua gì bộ ấm Mạnh Thần của cụ Nguyễn trong Vang bóng một thời.
Tạm hiểu em vừa thêu dệt xong cái khuôn của bài khảo chữ này, thưa bác.
Chẳng giấu gì bác, bấy lâu nay em sáng dăm ba chén, chiều làm một vài chung. Tỉnh giấc mơ trần, em lại trở về trần ai một cõi cùng ba khóm tùng, bụi trúc, rồi thẫn thờ với ai ra bến nước trông về Bắc/ Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng. Mặc dù chẳng biết quê nhà mịt mùng ở nơi đâu, chỉ bàng bạc đến cành đào đất Bắc năm xưa đeo đẳng với em không thôi. Bởi dòm cành đào nghiêng ngả trên báo Tết, bụng dạ lại chộn rộn tợn, mặc dù chả biết hoa đào năm ấy nó… cười nhăn nhở gió đông ở khổ nào (Đề tích sở kiến xứ - Thôi Hộ).
Cuối năm ôn cố tri tân, dều người ra với ông thầy tu để tóc dài, mặc áo nâu sòng. Một ngày ông ngồi bó gối ngoài vườn đằng sau chợ Tân Định ngắm cái gò mối nổi u, từ khoẻn vườn ông bật ra câu thơ (trong bài Động hoa vàng) Lên non cuốc sỏi trồng hoa/ Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương. Từ gò mối, ông đùn ra câu thơ (trong bài Ðưa em tìm động hoa vàng) Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say. Đến câu Động nam hoa có thiền sư/ Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn.
Vậy chứ thông thiên địa nhân viết nho như bác, nhờ bác kiến ngã giùm phải chăng Nam Hoa đây là Nam Hoa kinh của người Trang Tử. Nếu vậy Trang Tử đâu phải thiền sư mà là… đạo sĩ. Em lại nghĩ quẩn khi không ông thầy tu mang con chim gì gì ấy vào thơ Con chim chết dưới… cội hoa/ Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao. Dám là… con hạc lắm ạ! Bác cười ruồi mà rằng em ngồi không nên rồ chữ, sao không gọi con hạc là… con vạc. Bởi ông thầy tu “Lên non cuốc sỏi trồng hoa” rồi bước xuống bờ kinh lấy nước tưới hoa hỏi con vạc Hỏi con vạc đậu bờ kinh/ Cớ sao lận đận cái hình không hư. Con vạc bèn đáp Vạc rằng thưa bác Thiên Thư/ Khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ.
Nom dòm bác cũng hóm gớm, tuy nhiên trộm thấy bác mặt ngầy ngật như say thuốc lào ấy! Ấy bu nó là dân “ri cư” Cái Sắn, để em bảo bu nó dọn thuốc lào mời bác xơi. Nhắc đến hai chữ “ri cư”, em nhớ năm 1975 qua đây, năm hết tết đến ngồi ngoài vườn nhìn cây cảnh qua ngày tháng thiếu vắng, em bất giác bồi hồi Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa. Nhưng vạn sự giai không ấy là thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà người sau thuổng đỡ làm nhạc tân thời. Đó là hai câu Thấy nguyệt tròn thì kể tháng/ Nhìn hoa nở mới hay xuân trong bài Thú tiêu dao của cụ Trạng. Bất tri tam bách dư niên hậu, hậu sự cụ Trạng mang dây ba-trạc, đầu đội mũ sắt, đeo ba lô vào rừng, gác súng M16 bên vai, chằm bằm ngắm hoa mai nở mà chính mình cũng chả hay. Nhẽ này Sấm Trạng Trình chả luận bàn tới. Bậy thật, thưa bác.
Tiết xuân năm nay điểm tí nắng hanh, em ghé vựa cây thửa cây mai về trồng. Chung quy tại em tối ngày vất vưởng với cái đĩa Mai Hạc của cụ Nguyễn Du có câu thơ Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ hạc là người quen. Nói cho ngay hai câu thơ đây trong bài Thú Yên Hà và... cũng của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi cụ cáo lão về hưu. Bác khẽ đánh mắt một cái gật gù ra ý cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ dịch lý qua dịch học để có Mai Hoa dịch số, tới cụ Nguyễn Du với người tình ba năm tên Hồ Phi Mai ngẫm ngợi thế mà hay: Vì có trùng một tên… mai.
Ấy mà hay thật cũng nên, vì đang em đậm đà với cả hai cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du đều có cái thú ăn thịt… cầy như em. Như cụ Trạng với Thịt chó ăn hoài gặp… chó dại. Còn cụ Nguyễn Du viết… nguyên con trong Hành lạc từ: Tội gì ngàn năm lo/ Có chó cứ làm thịt/ Có rượu cứ nghiêng bầu/ Được thua trên đời chưa dễ biết. Ấy thế mà sống trên đời gần chót đời, để rồi bây giờ bỗng dưng em ôm rơm rặm bụng với… con hạc chết tiệt của ông thiền sư ăn mặn vừa rồi.
Từ con hạc, em mạn phép bác nhai văn nhá chữ với mai thê, hạc tử, và hạc nhi. Để rồi nỗi buồn chạm mặt đó là điển tích điển cố và hình tượng chim hạc đã lững thững đi vào văn học Trung Hoa từ 3.000 năm qua Mai hạc kinh: Vì hạc có thể sống hơn sáu mươi năm, thọ nhất trong các loài điểu thú, dài hơn tuổi ngũ thập tri thiên mệnh của người Tàu thời xưa. Bởi thế hạc biểu tượng cho chữ thọ, để có tuổi hạc, tuổi vàng. Nếu Nam Tào Bắc Đẩu có sổ tọet thì thôi cũng đành… “hạc nội mây ngàn” để… cưỡi hạc về quê. Bằng vào nhiễu sự ấy, các danh hoạ Trung Hoa thường kết hợp hạc đậu trên cây tùng, với nỗi niềm có thêm cây tùng thì sống… dai dẳng hơn. Nhưng khổ nỗi đó là bố cục tréo cẳng ngỗng, vì giống hạc lẩn thẩn ở đầm lầy, không sống ở trong rừng và không đậu được trên cây vì móng chân của hạc quá ngắn.
Bác ngúc ngắc đầu ra điều chuyện chẳng ra chuyện với con hạc ở bên Tàu, nhưng bác nào có mục sở thị con hạc Tàu bay lạc qua nước ta thì khác. Số là thời Xuân Thu, có tượng Liên hạc khắc con hạc đứng ngay đơ giữa đài sen. Ngẫu sự con hạc Tàu bay qua ải Nam Quan sang nước ta, hạc rời bỏ toà sen nhảy tót lên lưng con rùa, chỉ vì “hai chữ thọ” gặp nhau nên ca dao ta có câu “Thương thay thân phận con rùa/ Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia”. Vì vậy vô phép vô tắc, em xin thưa với bác trước, nếu bác có hạc nội mây ngàn, em sẽ vào chùa dâng hương cúng bác. Ở chùa, hạc là quan văn nên nhảy tót lên bàn thờ lo việc nhang đèn. Trong khi ấy với trường thi và quan trường, cử nhân là “cử” người ra làm quan, tú tài là người có “tài” ra giúp nước. Thời nhà Nguyễn, thi hương không đỗ để làm hương cống hay cử nhân, mà chỉ đội sổ là tú tài làm lại viên ở huyện, ở phủ. Tên được yết ở bảng vẽ cành mai là… Mai bảng.
Chuyện chẳng ra chuyện như chó nhai giẻ rách thế đấy, thưa bác.
Nói về hạc mà em không phang ngang bửa củi đến Hoàng Hạc lâu trong thi ca của văn học Trung Hoa là có tội với thi nhân đời Đường: Kiến trúc này nằm trên đỉnh núi Hoàng Hạc ở nam Trường Giang. Chủ nhân họ Tân giao du rộng, nên các văn nhân mặc khách thường lui tới đây uống rượu ngắm cảnh hạc nội mây ngàn.
Cứ theo gia phả của cụ Ngộ Không thì cụ cao tằng tổ tổ họ Phí theo sách Thái Bình vũ ký ghi: Có người nước Thục tên Phí Văn Vỹ, theo sách Đồ kinh tu thành tiên, thường cưỡi hạc và nghỉ ngơi ở lầu này nên đặt tên là Hoàng Hạc lâu. Từ tích theo sách Đồ kinh, một hoạ sĩ nào đó để lại trên tường bức tranh Vũ hạc, vẽ hạc múa sống động như thật. Người Thôi Hiệu nghe tiếng, bèn tìm đến đề thơ Hoàng Hạc lâu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du”.
Thơ thẩn như vậy là nhất với chiếu hoa một cõi, nhưng nghe óc ách sao ấy. Phải đợi đến cụ Tản Đà chỉ cần vẩy mực nhẹ hai câu Cái hạc bay lên vút tận trời/ Trời đất từ nay xa cách mãi. Thế là hạc bay cái vù, lại bay đẹp nữa mới tuyệt bút. Nhưng chả phải đợi cụ Tản Đà, trước đó người Lý Bạch mon men tới uống rượu ngắm hoa và cũng bon chen thơ thẩn “Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch/ Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa”. Xin thưa với bác thi hào, thi bá Trung Hoa có gật gịa hạc vàng, hạc trắng gì gì chăng nữa thì câu: Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa, em hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ngắm mai rụng vào tháng năm. Với em quanh quẩn nơi xó vườn, nên đoán chừng người Lý Bạch ực rượu, ngất ngư làm thơ ngắm mai hoang, mai dại đấy thôi, thưa bác.
Bác lễnh đễnh cây mai này bác đã nhòm thất tận mắt ở bên Nhật, tên nó là Toyo Ashitaba Nishiky. Cây mai Nhật đây có hai màu hồng hồng và đỏ như xác pháo. Bác thở ra Đường thi, đường mòn khó nhai lắm. Vì có tích Lý Bạch thấy Thôi Hiệu viết thơ lên vách bèn khóc thét lên rằng “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc - Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu” nên… tịt, do đó ấy chỉ là giai thoại. Như giai ngẫu Trương Kế đậu thuyền giữa đêm khuya, bỗng nghe tiếng đại hồng chung bật ra hai câu thơ cuối trong Phong kiều dạ bạc. Để cụ Tản Đà lại vất vả diễn thơ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. Nhưng cụ núi Tản sông Đà nào có hay sư ông, chú tiểu bộ mất ngủ sao, giữa khuya khua chuông ầm ỹ thì ông cố nội ai mà ngủ được hả bác.
Đang luận về thơ Đường, em chợt nhớ bức tranh Đạp tuyết tầm mai của Ngô Tuấn Khanh vẽ lão ông đội nón mê, tay nắm gậy lom khom đi tìm  hoa mai. Em lại vất vưởng tới bức Thạch đào của Vương Du vẽ đào với chim. Được thể em ba điều bốn chuyện vùng Lào Cai có loài chim ngói ăn đào từ bên Tàu, chúng tha hột về và đánh rơi trên triền núi biên thùy. Hạt đâm chồi, mọc cây, có cây cổ thụ sống cả trăm năm, thân cây ba, bốn người ôm không xuể. Các cụ ta chặt cành đào đặt góc bếp trong đêm ba mươi để trừ ma quỷ. Sau thấy hoa đào đỏ như xác pháo, tượng trưng cho ngày Tết. Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét Nàng Bân, mùa đông càng rét mướt, hoa đào càng càng rộ hoa đỏ tươi. Mỗi năm thời tiết mỗi đổi thay, đang đông lại chứa thu, trong đông lại ẩn xuân. Chính sự nghịch lý của đất trời đã làm hỏng sự tuần hoàn của những cánh đào, hoa không thắm mà lại hồng hồng. Nên được gọi là đào mơ.
Ừ thì mộng với mơ cho lắm, cũng đến lúc bác và em nên dãi nắng dầm mưa với cây mai của miền Nam mưa nắng hai mùa với tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Số là họ hàng hang hốc nhà mai nhiễu sự gì đâu với tên cũ xưa là Lạp Mai, xuất xứ từ Chân Lạp. Nặng nợ với sử thi, chúa Nguyễn Hoàng dong ruổi theo chân người Chàm xuôi nam. Nhà chúa mang cây mai vàng từ núi Cổ Mông tức núi Hoàng Mai (cụ Đào Tấn) thuộc đất Bình Định, theo cuộc Nam tiến lưu lạc vào Hà Tiên. Vùng này có giống mai trắng bốn cánh là một loại mai hiếm và quý, vỏ cây hơi đỏ được tìm thấy ở núi Bình San, khu lăng tẩm họ Mạc. Mai năm cánh mọc trong rừng sâu là giả mai, thân cao, cành sần sùi. Mai ở trên núi được gọi là lãnh mai, cây thấp, cành mảnh mai. Thời tiết càng nóng, mai càng nở vàng đậm.
Ở Biên Hoà, xưa kia là Cù Lao Phố, ở vùng núi Châu Thới (suối Lồ Ồ), Bửu Long cũng có lãnh mai hoa và lá nhỏ do cụ Đào Tấn mang từ Bình Định vào. Riêng bạch mai rất hiếm, theo cụ Vương Hồng Sển chỉ có một cây duy nhất lại ở trong trại tù Cây Mai. Em xin phép bác vẽ rắn thêm chân, bởi cụ Vương ngồi nhà vẽ vời ấy thôi. Vì sau 1975, sử gia Phạm Văn Sơn bị tù trong trại tù Cây Mai, ông nom dòm ấy là… cây mù u.
Bác thủng thỉnh rằng “rết” chứ chả là... rắn từ Tàu có câu hoạ xà thiêm túc. Vì Ta học Tàu chữ nghĩa cường điệu như Việt điểu sào Nam chi nên cụ Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam. Như giai thoại Trương Kế, bác đưa em xuống thuyền ở “Ông già Bến Ngự” chỗ cụ Phan ngồi câu cá, em chả thấy tổ chim nào ở phía nam gì sất. Bác dẫn em lên chùa gần đấy ắt nghe sư đánh chuông… giữa trưa. Chùa núp bóng cây sung già cỗi, có nhà sư ẩn tu gõ mõ sớm chiều đem lại sự lắng dịu trong lòng người “ẩn sĩ”. Cây sung tượng trưng cho ẩn sĩ, vì hoa… “ẩn núp” trong trái gọi là ẩn hoa.
Theo em chữ nghĩa dùi đục chấm mắm cáy em chả dòm thấy ẩn tu, ẩn sĩ với thân cây sung sù sì, quả xanh non dày như rận bám dái trâu. Thế nên, mạn phép bác, em… cóc cáy về mấy cái tên ngữ danh đi với địa danh như… “Giang mai” và… “Xiêm-la”, ấy bác đừng bốc nhằng là… “tiêm la” nha, tội chết. Bác nắng nỏ là “bồ dục” chứ chả phải là… dùi đục. Dạ thì bồ dục chấm mắm cáy với tên gọi cỏ cây, em cứ đồng bái quê mùa cây trái giống cái vú bò, gọi là cây vú bò. Quả giống dái dê, kêu cà giựt là cà dái dê. Mai, đào, mận, mơ cùng một giuộc, nên mới có câu cành mai, gốc đào, chồi mận, lá mơ. Mai là tên dân dã, chữ Hán gọi là lý. Mơ là chữ Nôm, chữ Nho là đào. Các cụ đặt tên con gái bằng tên các loài hoa Đào, Mai, Lan, Lý, rồi gật gù… mặn mà cả tư, thế đấy thưa bác.
Qua tên họ, em gà gật trở lại cụ cao tằng tổ tổ họ Phí của cụ Ngộ Không với họ Tàu tàu, Lưu Bị chả ra Lưu Bị, Tào Tháo chả ra Tào Tháo, tào lao thì có. Vì ăn khoai môn ngứa miệng, em buồn răng ngứa miệng với cụ cửu huyền thất tổ của họ Phí là cụ danh hoạ Phí Mễ chỉ vẽ… đá. Vẽ rồi cụ cúi đầu lạy hòn đá là… nhạc gia. Thế là em với một ngón tay mổ chữ như cò mổ ruồi trên bàn gõ, mõ sớm chuông chiều bài tạp chữ này. Thề đứa nào nói láo ông táo đội nồi cơm, em ớ ra mình đang ngồi trong vườn hậu duệ, hậu thân của cụ Phí Mễ chỉ toàn đá là đá có tên... Thạch trúc gia trang. 
Bác dạy...  “phí” thật, vì cũng là cái danh sao không rách chuyện với giai thoại lưu danh thiên cổ Nhất chi mai của sư Tuệ Kỷ đời Đường “Tiền thôn thâm tuyết lý - Tạc dạ sổ chi khai”, là ngoài đầu thôn, trong tuyết dày, đêm qua có mấy cành mai nở. Sau Trịnh Cốc thay chữ “sổ” bằng chữ “nhất”, từ nhất tự thiên kim Tuệ Kỷ cúi đầu nhận Trịnh Cốc là nhất tự sư. Cũng là sư, thiền sư Mẫn Giác, tôn sư của vua Lý Nhân Tông, có bài Cáo tật thị chúng thâm viễn hơn “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, diễn nôm là Đừng ngỡ xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước một cành mai. Ở đây “xuân tàn” là trầm luân, “hoa lạc tận” là hư vô, giữa mê và ngộ, phân ra hữu và vô, có và không. “Nhất chi mai” chính là giác ngộ với trong sinh có diệt, trong diệt có sinh. Các cụ nhà Nho ta xưa … thiền sư mà thế đấy. Khác hẳn thiền sư thời nay rằng thưa bác Thiên Thư -  Khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ.
Thêm chuyện đời Trần “Nhất chi mai”… lạc đường vào lịch sử: Chuyện là trên thuyền Hồ Quý Ly đọc truyện Quảng hàn cung lý nhất chi mai giống chuyện cổ tích của ta trên cung trăng có chú cuội và cây đa. Ngày nọ vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử, nhân đó vua ra câu đối Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế, với nghĩa Trước điện Thanh Thử có cả ngàn cây quế. Hồ Quý Ly nhớ lại chuyện chú cuội và cây đa liền đối ngay: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai. Vua giật mình hỏi sao biết chuyện vua đang sửa soạn dựng cung… Quảng Hàn cho công chúa tên… Nhất Chi Mai. Họ Hồ tình thực trả lời, vua Trần cho là số trời nên gả công chúa cho, sau Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần.
Vô hình chung sử nhà lật sang chương khác: Vì… một cành mai.
Năm mới nói chuyện cũ, em muốn eo sèo với người trăm năm nặng nợ với mai.
Thời Tự Đức, nhân quy kỳ hà nhật thị, lão tận cố hương mai, trên đường hồi cố quận, cụ Cao Bá Quát ghé thăm bạn đồng liêu là cụ Đào Tấn ở Đào mai viên, thuộc Bình Định. Cụ Đào Tấn làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công, là người chuộng mai, cụ để lại bộ Mộng mai từ lục, bút hiệu Mai Tăng. Trong đó, cụ đề cao cái thanh nhã của mai với Tứ đức: “Cao, tú, nhã và đạm”. Mai cũng biểu tượng tình bằng hữu qua câu Tuế hàn tam hữu: “Mai, tùng và trúc”. Cụ Cao Bá Quát, về lại chốn cũ cố viên hồi thủ bất tăng bi, bạn xưa chẳng còn nữa, ngoài nỗi buồn hiu quạnh cùng những gửi gấm niên nào của cụ Đào Tấn với Mai mốt non mai ta gửi xác, Để cho mai dỗ giấc mai tăng. Cụ Cao tìm đến chân núi Hoàng Mai viếng mộ chí của cụ bạn già đã quá vãng để lại câu di cảo Mai sơn tha nhật tàng mai cốt, Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn.
***
Từ nấm mộ cụ Mai Tăng u lên dưới chân núi Hoàng Mai, tiếp đến em sa đà tới gò mối của thiền sư mặc áo nâu sòng, đầu để tóc dài đã đẩy đưa em đến với bác qua câu: Chân chim nào đậu bên cồn, Ngược xuôi có kẻ lại buồn dấu chim (Ðưa em tìm động hoa vàng – Phạm Thiên Thư). Khúc cuối bài tạp chữ này, em thêm chữ, bớt câu lặn lội theo những bước chim di của một người di tản buồn qua truyện ngắn dưới đây, thưa bác…
(…) Truyện viết về một cụ ông Bắc Kỳ 54 đành chọn nơi này làm quê hương thứ hai, cuối đời nhờ con cái để lại cho căn nhà cũ che mưa che nắng. Một ngày, cụ bắt gặp một đàn kiến lũ lượt từ ngoài vườn bò vào nhà. Cụ tẩn mẩn ngắm chúng hàng giờ và bâng khuâng vì thấy chúng giống như cụ chạy loạn trên đất Bắc năm nảo năm nào. Lát sau, chúng lếch thếch vác cơm nguội rơi rớt của cụ ra ngoài. Nhìn đàn kiến, cụ hình dung đến cuộc di cư vào Nam tay gánh tay gồng như mới đâu đây.
Buồn tình cụ lẩn thẩn theo chúng ra ngoài vườn. Nhìn tổ kiến u lên một đống, cụ chẳng hoang tưởng như lên non tìm động hoa vàng… ngủ quên. Cụ ngồi bệt xuống mấy cọng cỏ, tỉ tê với chúng những chuyện gần xa của quê cha đất tổ. Cụ lan man với chúng qua khóm tre bụi chuối, nhà ngang, nhà chái bàng bạc ao vườn này kia, kia nọ.
Cụ rì rầm với đàn kiến về bốn mươi năm bèo dạt mây trôi của cụ: Cụ vào đến Cái Sắn, chưa rít hết điếu thuốc lào ba số 8 thì đụng đầu cái chát năm Ất Mão 1975, lại tay xách nách mang xuống thuyền khăn gói gió đưa lếch thếch qua mảnh đất này và cụ cày như… vạc. Cụ thở ra, bây giờ sắp bước qua năm Ất Mùi 2015. (…).
Vội năm vội tháng ai lại vội ngày, trời chưa tối đất, còn sớm chán mà, hượm hãy về thưa bác. Chết chửa Đã bấy lâu nay bác tới nhà… Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà, để em bảo bu nó bắt… con vịt làm tiết canh. Trong khi chờ đợi, em thông ống điếu mời bác xơi thuốc cái đã… Thuốc lào ba số 8 Cái Sắn của bu nhà em đấy, thưa bác.              
Với năm Ất Mùi tới đây, vậy là đã bốn mươi năm chẵn, bất chợt em chợt dạ quan hoài đến một vũng tang thương nước lộn trời vào cái năm 75. Thế nên em vay mượn hình bóng cụ ông trong những ngày chập choạng nắng quái chiều hôm, suốt ngày quanh quẩn trong vườn nhà. Thêm đất trời buồn rười rượi như cơm nguội chiều đông, với chuyện của cụ ông, em lại hiu hắt đến Nguyễn Bính qua Hành phương Nam với Quê ta xa mãi bên kia biển, Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.
Vương vấn với chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi về phương Nam: Cây mai đi đến đâu, dân tộc Chàm mất đất đến đó. Chơ vơ còn lại là những tháp Chàm qua những lớp sóng phế hưng. Cũng qua một vũng tang thương nước lộn trời, bác và em như những người viễn xứ u hoài vọng cố hương trong những ngày cuối năm hình ảnh ngày nào còn đang lẩn khuất. Năm 54 xuôi Nam theo những bước chim di của chúa Tiên, bác và em chỉ mang theo Hoa đào năm ấy còn cười gió đông qua tâm tưởng. Năm 75 vượt biên, vượt biển qua đây, với lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, cả hai bỗng khi không hoá thân vong quốc như người Chàm lúc nào không hay, thưa bác.
Bác và em, khác gì “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân - Tương phùng hà tất tằng tương thức”, là Cùng một lứa bên trời lận đận, Gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau. Nay nhân giải cầu vong niên cửu trùng tri ngộ, cùng hoài cố quận qua cành mai, nhánh đào.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại nhớ cánh mai vàng
Bác làm như trầm luân trong bể phù sinh và thở hắt ra sẵn cái mạch quê hương bản quái vạn kiếp tha phương nghìn đời thêm thảm ấy, thì…
Ừ, thôi thì một ngày nào đó không có mây sao có mưa, bác và em hãy hồi bản trạch để giối già một lần cho nhẹ mình nhẹ mẩy Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn. Hay Ta về tắm lại dòng sông cũ, Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên (Tô Thuỳ Yên).
Chẳng giấu gì bác, em hơn một lần đã Ta về tắm lại dòng sông cũ
Thì về với bến sông xưa
Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò
Nhìn theo ngọn khói vu vơ
Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không
Thạch trúc gia trang,  Ất Mùi 2015
(cắt tỉa cho Tết năm 2020)                        
--------------------------
Nguồn: Cung Vĩnh Viễn, Hồ Tấn Nguyên Minh, Tô Hoài, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Thái Văn Kiểm, Xuân Sách