Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Giải Nghiên cứu Phê Bình Văn Việt 2020: Tiếng Việt thời LM de Rhodes – công trình nghiêm túc, khả tín và hữu ích của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông

Hoàng Dũng (Thành viên Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê Bình Văn Việt lần thứ năm)

Tiếng Việt thời LM de Rhodes là nhan đề chung cho một loạt 17 bài đăng trên Văn Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông, tổng cộng gần 350 trang A4.

Phạm vi nghiên cứu tuy xoay quanh những tư liệu của A. de Rhodes, nghĩa là khoảng giữa thế kỷ 17, nhưng để làm sáng rõ ngôn ngữ thời kỳ này, tác giả đã kỳ công tham khảo rất rộng, từ những tài liệu tiếng Việt trước đó như Ức Trai thi tập, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Kinh Lạy Cha, đồng thời như Các thánh truyện, Thiên Chúa thánh giáo hối tội kinh, Thiên Chúa thánh giáo khải mông, Thiên Nam ngữ lục, hay sau đó như Thọ mai gia lễ, Sách sổ sang chép các việc, Đại Nam quấc âm tự vị, Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức, … đến các tài liệu cổ của Trung Quốc như Thuyết văn giải tự (khoảng 100 sau Công nguyên), Ngọc thiên (543), Đường vận (751), Ngũ kinh văn tự (776), Long kham thủ giám (997), Quảng vận (1008), Tập vận (1037), Trung Nguyên âm vận (1324), Chính vận (1375), Chính tự thông (1670), Từ điển Khang Hi (1716), … Thậm chí không tự bằng lòng với tài liệu sách vở, tác giả còn cất công sang tận Tân Thế Giới (Nouvelle Calédonie) để điều tra thực địa.

Tác giả không nhằm cống hiến cho người đọc một cái nhìn hệ thống về tiếng Việt Trung đại; mỗi bài chỉ bàn về một vấn đề nhỏ liên quan đến ngữ âm hay từ vựng hoặc ngữ pháp. Nhưng cách làm như thế lại có cái hay riêng: người đọc được dẫn dắt vào một chi tiết cụ thể của tiếng Việt thời kỳ này, đối chiếu nhiều tư liệu, và sau 17 bài, tiếng Việt Trung đại dần hiện lên như một khối ngọc đa diện và lấp lánh.

Công trình của Nguyễn Cung Thông cũng không dừng lại ở biên giới ngôn ngữ học. Chẳng hạn, từ góc độ ngôn ngữ học, anh vận dụng kiến thức sinh lý học để giải thích điển tích ‘mắt xanh’ (Tiếng Việt thời LM de Rhodes: các từ chỉ màu sắc như ‘mùi xanh, sắc xanh, sắc biếc’), tâm lý học thần kinh để biện giải tại sao mùi có thể chỉ thị giác, vị giác và cả khứu giác (Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc – hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia).

Cách làm này có khi cho thấy những liên hệ bất ngờ và thú vị. Chẳng hạn, anh nhận thấy Kinh Lạy Cha chữ Nôm năm 1855 chỉ có 49 chữ – ít nhất trong tất cả các bản Kinh Lạy Cha từ trước đến nay bằng tiếng Việt – và không có câu nguyện quan trọng và nhạy cảm “Quốc [nước] Cha trị đến”. Tại sao? Nguyễn Cung Thông vận dụng sử liệu để giải thích: lúc đó mối nguy Pháp xâm lược Đại Nam đã lộ rõ và các giáo sĩ phải kiểm duyệt để tránh nghi kỵ. Anh dẫn trường hợp bên Trung Quốc, có một giáo sĩ tên là Joseph Yuên đã bị tù đày, và bị các quan lại tra khảo về chính câu này trong Kinh Lạy Cha vì “Nhà cầm quyền Trung Quốc thời đó thường nghĩ rằng ‘Quốc Cha trị đến’ hàm ý nước ngoài (Tây phương) đến xâm chiếm nước mình và cướp lấy dân” (Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5B)).

Nguyễn Cung Thông là một nhà nghiên cứu tỉ mỉ. Anh không chịu được sự hời hợt, đại khái. Chẳng hạn, anh đếm Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes để chỉ động vật có 24 trường hợp dùng ‘con’, 31 trường hợp dùng ‘cái’ trong khi Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có 61 lần dùng ‘cái’ so với 9 lần dùng ‘con’. Bất cứ ai, ngay cả những người chưa thỏa mãn với lý giải của Nguyễn Cung Thông, cũng phải thừa nhận tính nghiêm túc, khả tín và hữu ích trong các cứ liệu của anh.

Loạt bài Tiếng Việt thời LM de Rhodes của anh trên Văn Việt hứa hẹn vẫn còn tiếp tục. Nhưng với những bài đã công bố, đủ cho thấy đóng góp đáng kể của Nguyễn Cung Thông cho hiểu biết của chúng ta về tiếng Việt giai đoạn này. Có thể khẳng định cho đến nay, tuy đã có rất nhiều công trình viết về tiếng Việt trung đại, vẫn chưa có ai viết nhiều và kỹ như Nguyễn Cung Thông.

Xin chúc mừng anh Nguyễn Cung Thông về giải thưởng Văn Việt lần thứ năm, hạng mục Nghiên cứu Phê bình.