Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Đêm mơ

Truyện Đoàn Việt Hùng (Ng Lu)

Những thanh nứa khua rột rẹt. Lớp rơm dày cạ vào lưng. Tiếng ú ớ lơ lửng trong tiếng chép miệng. Khí núi lạnh buốt. Những tấm lưng còm nhom chèn khít trên tấm vạt không đủ chuyền hơi ấm cho nhau.

Tôi lăn qua trở lại cùng bóng tối. Đêm mịt mù giữa lòng chảo. Núi thì cao. Khí lạnh thì dày. Xa gần là rừng nứa như vệt lọ nồi bôi kín vách lá, đen thui.

Mảng sữa đục ôm gọn lớp khí trời, cuồn cuộn dập dềnh lên xuống dọc ngang, bó cứng vạt nứa tựa chiếc bè trôi trên sông băng.

Tôi nằm còng queo trên chiếc mảng, nghe nước lạnh ngắt dưới lưng và đầu óc gần như đông cứng.

Một lúc sau, có tiếng khóa rột rẹt. Cửa xịch mở. Trong cơn mơ màng tỉnh thức, hai quản giáo xuất hiện, chắn ngang khung cửa hẹp. Hai bóng đen lù lù, có cái đầu rất nhỏ cắm trên thân mình to bằng với bồ cót, hai tay lêu khêu. Hai người cùng rút thanh kiếm sắc chọc về phía trước. Tôi thấy mình ngóc đầu dậy, mắt còn kín ghèn. Cựa quậy một lúc mới gỡ ra được, vừa lúc hai quản giáo đã khiêng tôi trên bảng kiếm bằng xương trâu rừng. Tôi vắt chéo chân, nhún nhảy theo nhịp chân người khiêng kiệu.

Chúng khiêng quanh co ngõ tắt đường quan đến nỗi tôi không còn nhận ra những con đường thường ngày vẫn qua lại: Từ hố sâu nhảy vọt lên sườn dốc, băng ra đại dương… vút tận trời cao.

Cuối cùng thì chúng đặt tôi xuống giữa bãi cỏ xanh mượt. Cả hai gập người theo cung cách thời phục hưng, nói lời tử tế “xin mời”.

Cả hai biến mất sau câu nói. Ngoái lại chỉ còn mình ên.

Ban đầu tôi thấy màn sương mỏng, rồi một đốm trắng lớn dần, xòe ra như vạt áo xoay tròn bên sườn núi, sà thấp xuống vạt cỏ…

Hình ảnh đó lặp đi lặp lại, khi tỏ khi mờ, không hình dạng rõ ràng, giống như lọn mây bị cơn gió vô tình khuấy động.

Gió ngừng. Mây tan. Khối trắng đục xoay tròn một vòng rồi dài ra, bóng người hối hả lao về phía tôi. Khoảng cách khá ngắn, nhưng bước chạy như đang chuyển động trên băng chuyền dài vô tận.

Bóng trắng ấy tiến về phía tôi, chầm chậm.

Và, tôi không thể tin vào mắt mình. Đó là Hà. Hà sáng rực. Nàng hối hả lao tới trong bộ áo dài trường nữ quen thuộc. Tôi đứng sững trân.Nàng phóng nhanh như một con báo đói. Con báo vồ được mồi và nhai ngấu nghiến. Tôi ngộp thở trong niềm hạnh phúc tột cùng…

Trời gần đứng bóng nàng mới chịu thả con mồi ra, nằm gối đầu lên cánh tay tôi:

“Hay tin anh được thả, em ra ngay với anh – nói và nàng nhổm dậy sờ vào mắt, tai, mặt mũi nắn chân tay tôi như thể tìm xem chúng còn hay mất – Những năm anh đi tù ở vùng sơn lam chướng khí em sợ anh không chịu nổi. Giờ thì ổn rồi. Em ra đón anh về”.

“Em nói sao?”

“Anh mãn hạn tù cải tạo. Giờ anh là của em, không còn ai hành hạ anh nữa”.

“Anh mãn hạn? Anh ra tù?”.

“Phải” – Nói và nàng khóa miệng tôi.

Lồng ngực tôi như sắp nổ tung. Tôi sẽ mãi mãi bên nàng. Tôi sẽ đón nàng về bên căn nhà xưa phủ kín các loại dây leo quanh tường. Cha má tôi sẽ có cháu nội, chúng sẽ không phải ngửi mùi thuốc súng như đã từng. Tôi ôm chặt Hà, hỏi nhỏ:

“ Ba mẹ em lúc này ra sao? Và Chi và Tấn?”.

“Ơn Chúa, tốt cả. Có điều trung đoàn của ba hành quân liên miên, hiếm khi về nhà. Mẹ mỏi mòn và lo sợ sự an toàn của ba. Em đâu biết hòn tên mũi đạn…”.

Nói rồi Hà ngồi bật dậy, kéo tôi theo, chạy về phía trường nữ, ôm cặp nón rồi lộn ngược ra hối thúc tôi mau mau lên chỗ đóng quân. Bước chân không hề chạm đất. Nàng lướt thật nhanh. Tôi tháo đôi boot de chaud quàng lên cổ đuổi theo. Khi đến nơi chỉ còn thấy những vòng kẽm gai vón thành đống nhùng nhằng, lửa cháy ngùn ngụt.

Nàng chạy ra bờ suối soi khuôn mặt với những giọt nước mắt đầm đìa.

Tôi quỳ xuống, vuốt ve đôi vai nàng, an ủi mà không thành lời.

Hà lẩm nhẩm gì đó rất lâu nhưng tôi không nghe được nàng nói những gì. Đầu óc mù đặc.

Ráng chiều xẻ dọc rặng núi phía tây. Nàng đưa tay chỉ về hướng đó:

“Mình đi thôi anh, trễ lắm rồi”.

“Ở lại, em. Cũng sắp tối rồi. Anh nghĩ là không kịp về đến nhà…”.

“Về nhà? Anh nghĩ coi... Chúng ta còn nhà đâu mà về?”.

“Em nói sao?”.

“Xin lỗi anh, không có gì. Tất cả, hình như là mọi vật đang xáo trộn. Em nghĩ chúng ta nên đi ra hướng biển, anh nhỉ? Bởi vì, tự dưng trong em thích mùi gió mặn, bãi cát mịn, lớp sóng lô nhô đập nhẹ vào bờ đá. Nói chính xác là chúng thôi thúc em bước tới. Còn nữa, kể cả những cơn bão cuồng nộ lật tung những con thuyền mỏng manh, bẻ gập những cây cổ thụ…”.

Hà quay sang, ôm tôi và gục đầu lên vai. Tôi nghe thân thể nàng rung lên, một bên vai đẫm nước. Cả hai đều im lặng, cho tới lúc Hà đẩy nhích tôi ra, nhỏm dậy lôi từ chiếc giỏ đệm căng phồng:

“ Chút nữa em quên: Áo quần trong gói này, thực phẩm đi đường em để đây, nước uống sữa cà phê em để trong hộp giấy. Còn đây là tiền để anh tiêu pha dọc đường và mấy chỉ vàng phòng thân. Ngày kia anh được thả. Anh về với em. Anh phải đến em ngay. Em không còn thì giờ nữa. Em đi trước đây”.

Nói và nàng đẩy hai gói giấy căng phồng về phía tôi.

Hà hôn thật sâu rồi đẩy nhẹ tôi ra. Tôi thấy Hà bước giật lùi trên thảm cỏ có những chùm hoa trắng li ti. Tà áo dài sũng nước, lộ ra những đường cong ánh lên sắc xanh gợn màu lân tinh.

Tôi hoảng hốt đưa tay níu Hà, nhưng nàng đã tung người lên không như con chim nhạn bay về phía xa, mất hút.

Tôi cắm đầu chạy theo, miệng kêu ú ớ, nhưng hoàn toàn im bặt. Hà đã chìm khuất sau rặng núi cao trước mặt.

Tôi giãy dụa một lúc khá lâu sau đó, mở được mắt chỉ thấy bóng đen trùm kín lán trại, bao tải làm mền cuộn rối trong tay, tay kia là một lọn rơm đệm lưng dưới vạt tre.

Mồ hôi chảy mướt người. Trong đầu như có hòn đá nhọn gõ từng cú chắc gọn coong coong.

Tôi tụt xuống vạt, cầm nguyên chiếc bao tải sờn rách và lọn rơm ngồi bệt dưới nền đất ẩm lạnh, nước mắt ràn rụa, ngó qua kẽ phên liếp, toàn một màu đen kín bưng và tiếng gà rừng bắt đầu cất lên, te rét từ xa.

***

Mười phút trước, tôi là một người tù. Bây giờ, trên chiếc đẩu gỗ xù xì, trước mặt là người quản trại có khuôn mặt xương xẩu, tôi là người sắp được tự do.

Quản trại nhìn tôi hồi lâu. Hình như ông ta phân vân, do dự điều gì đó trước khi mở lời. Ông chăm chú nhìn tôi khoanh hai tay trên bàn gỗ, bên cạnh là lọn rơm và chiếc bao tải sờn rách.

“Anh cầm chi những thứ đó?” – ông hỏi.

“Bạn thân của tôi”.

“Bạn thân!” – ông tròn mắt.

“Chúng chở che tôi suốt những ngày ở trại này”.

“Vâng, tôi hiểu. Anh có thể giữ lấy, không sao”.

Nói rồi ông chìa mảnh giấy về phía tôi:

“Anh tự do kể từ hôm nay. Tôi hy vọng những gì tiếp thu, cải tạo tư tưởng sẽ giúp anh hội nhập với xã hội mới”.

“Tôi hy vọng thế”.

“Chắc chắn chứ không phải hy vọng”.

“Vâng”

.

Tôi cầm mảnh giấy ra trại. Ông đứng lên nắm lấy tay tôi theo cung cách ban phát.

“Chúc anh đi đường bình an, đoàn tụ với gia đình…”.

“Cảm ơn” – tôi nói nhỏ trong miệng. Dù sao cũng nên có một chút lịch sự và tôi bắt tay ông, đứng lên bước ra khỏi văn phòng, không ngoảnh lại.

Lần đầu tiên tôi đi ra khỏi cổng trại mà không có người áp tải, không có những họng súng  kèm bên. Tôi ngoái lại, giơ tay vẫy vẫy, không phải chào trại tù cải tạo, mà dành cho những người bạn cùng số phận, đang còn bị giam giữ trong kia.

Từ trại ra tới đường lớn khá xa. Hai bên là rừng cây thưa, chạy thoai thoải xuống dốc. Nắng xiên qua tàng lá. Tôi bước như kẻ mộng du cùng với giấc mơ mấy đêm trước. Tôi một mình. Tôi bước chậm theo Hà, bên tà áo sũng nước bay lật phật trong quãng gió ngập ngừng.

Tôi áp tôi vào quá khứ rêu mốc. Và bước đi.

Vòng rào kẽm gia cuộn lửa cùng tiếng la hét của bầy người.

Tà áo sũng nước của Hà phủ chụp và lửa vẫn ngùn ngụt, sáng góc trời.

(…)

Ra tới đường, trời đứng bóng, vắng hoe. Đi một đoạn dài nữa mới thấy một quán tranh. Bước vào và ngồi xuống mảnh gỗ xẻ làm băng ghế. Quán vắng. Bà cụ già nằm trên chiếc võng gai, nón lá úp ngang bụng. Tôi loay hoay đặt chiếc túi vải căng phồng lên mặt bàn. Lọn rơm và bao bố phồng xẹp lên xuống như thể muốn nói rằng, chúng muốn chui ra thở khí trời. Tôi ấn ấn lên chỗ phồng, ve vuốt. Chúng nằm im. Tôi nhìn những con ruồi bu vào miệng ly vàng cáu. Dưới nền đất, những con kiến đen bò lăng quăng.

Chủ quán chép miệng mấy cái. Đưa tay lấy chiếc nón lá quạt qua lại, đuổi ruồi. Có tiếng chép chép mấy cái nữa rồi chủ quán mở mắt, ngạc nhiên ngó tôi:

“Xin lỗi, ông dùng chi?”.

Mặc dù bụng rất đói, nhưng nhìn quanh chỉ thấy chiếc lồng ấp bện bằng mây nằm ngửa trên nền đất, mấy chén đất cáu vàng quanh miệng, hũ đậu rang đậy bằng chiếc tô nhựa trên kệ be gỗ.

“Dạ, đoạn này có xe về thị xã không bác nhỉ?”.

Nghe giọng nói, bà chủ quán hỏi lại:

“Cậu mới được phóng thích?”.

“Sáng nay”.

“Không có xe gì đâu, toàn xe thồ gỗ. Nhưng thỉnh thoảng cũng có xe biên phòng hay xe trại A chạy ra thị xã”.

Nhìn vẻ mặt, dường như đoán được ý tôi, bà cụ tiếp:

“Tôi bán quán nước này cốt cho những người làm rẫy trong kia, những người thồ gỗ và đám trẻ con chăn bò. Làm cho vui tuổi già, cậu ơi. Nếu muốn về thị xã, cậu phải ra chợ Hôm rồi đón xe đi tiếp. Từ đây ra đó cỡ mươi cây”.

Tôi thọc tay vào túi quần chạm phải tờ giấy bạc. 16 đồng lộ phí của trại giam quá ít để nghĩ tới ăn uống cái gì đó. Ngó quanh cái quán tồi tàn này cũng chẳng có gì để ăn. Tôi phân vân hồi lâu rồi rút tay ra, dứt khoát.

“Cảm ơn cụ cho ngồi nhờ và chỉ dẫn. Cháu xin phép”.

Tôi đứng lên, khoát chiếc túi vải lên vai. Bà cụ nhổm dậy:

“ Cũng đã trưa, cậu cầm tạm cái này” – Nói và bà cụ rời võng, vói tay lên mái tranh lôi ra bọc lá chuối – “Cậu cầm lấy. Không nhiều nhặn gì. Ăn dọc đường chứ không còn hàng quán gì đâu. Nhà tôi cách một dặm hú thôi, đừng ngại”.

Tôi ngần ngừ một lúc rồi cầm lấy, nói cảm ơn, đội chiếc mũ nan, bước ra đường.

***

Hai nấm mộ đất nằm song song sát bìa núi, cách khu kinh tế K. một con suối nhỏ. Trước mỗi ngôi mộ là hai hòn đá xương xẩu, có lẽ được khiêng từ lòng suối lên để làm dấu. Cây cỏ mọc bao quanh um tùm. Tôi đốt nhang cắm lên mộ và quỳ xuống như trước đây tôi đã từng với các chiến binh của tôi. Tôi quỳ rất lâu và nói rất lâu với cha má tôi đang nằm đây. Tôi thầm thì tạ tội với những xương cốt nằm sâu bên dưới mà lòng trống rỗng, không than oán. Giông bão dồn dập đổ về, không riêng tôi, cha má tôi.

Đó là tai họa từ những toan tính, những ngầm ước mà những con người nhỏ bé không lường hết và càng không thể chống đỡ. Mọi thứ đều tan hoang và cả một trời đổ nát! Nếu còn sống ngày nào, tôi sẽ phải tập làm quen với những hoang tàn này thôi.

Tôi nhoài người, dùng tay nhổ những bụi cỏ xước trên mộ và tiếp tục thầm thì.

Nhang lụi dần. Khói bay loãng chung quanh không đủ làm trắng bầu trời, nhưng lòng tôi thì lạnh trắng như bọt tuyết. Tôi nhìn làn khói, nhìn hai nấm mộ, nhìn thấy Hà lơ lửng trước mặt như cánh đập của con bướm…

“Trưa rồi, đi về thôi, chú” – người đàn ông nói sau lưng.

“Tôi muốn phát quang hai ngôi mộ, thưa chú”.

“Tháng Chạp nào tôi cũng dẫy mả. Chú để tôi, đừng lo. Cũng trưa rồi, về nhà rồi hẵng tính”.

Tôi đứng lên, bước theo ông lội qua suối mà không ngoảnh lại, như một nỗi sợ dồn ứ.

Lúc sắp bước vào nhà, người đàn ông quay lại:

“Chú ra khạp nước rửa mặt cho mát rồi ăn trưa”.

Tôi nói cảm ơn và ngồi xuống vạt chõng tre trước hàng hiên. Người vợ từ bếp xách lên chiếc ấm nhôm ám khói và khay nhựa và chén, nói chú uống nước. Tôi nhìn quanh quất. Quần áo nhàu cũ móc lên vách đất, thông xuống bếp là sóng chén dĩa đan bằng tre, ba hòn đá kê làm ông táo. Bếp đầy tro và củi xếp thành đống cao… Một cái khạp nhỏ kế bên, xoong nồi bám lõng chõng vào vách lá. Tất cả đều hoang hoác. Thỉnh thoảng khói từ trong bếp ro co ro vươn ra, không cao hơn ba hòn đá nhỏ kê làm ông táo.

Tôi chưa hề biết vợ chồng chủ nhà. Nhưng cả hai cùng cảnh ngộ với cha má tôi. Ông biết rất rõ về gia đình tôi. Lúc xuống xe, lang thang ngoài đường tìm hỏi thăm, ông tình cờ nhìn thấy, hỏi chú tìm ai. Tôi nói tìm cha má đi kinh tế mới. Người ta nói cha má tôi bị đưa lên khu này. Ông hỏi tên rồi dẫn tôi ra thẳng bên kia suối.

Tôi nhấc chiếc ấm nhôm rót ra chén.

Chủ nhà từ ngoài chái sau bước tới vừa lau mặt vừa hỏi:

“Bây giờ chú tính sao?”.

“Cháu không biết nữa. Nhà dưới phố thì bị tịch thu rồi. Đứa em gái duy nhất chưa tìm ra tung tích. Người có thể biết rõ là cha má tôi, nhưng cả hai…”.

“Cơ sự đã như thế này, cháu liệu mà tính sao cho hợp. Cha mẹ cháu thì yên phần, không thay đổi được nữa. Có điều hai ông bà phần tiếc của mồ hôi nước mắt, phần sức yếu không chống lại với những cơn sốt rét rừng ác tính… Cháu đứng buồn”.

Tôi im lặng. Chủ nhà im lặng. Không khí đột nhiên chùng xuống, lạnh ngắt.

Chủ nhà đứng lên bỏ đi đâu đó. Một lúc sau, ông trở vô cùng vợ. Cả hai ngồi xuống mép chõng tre phía bên kia khay nước. Cả hai già tóp, da vàng bủng.

Người chồng cầm bọc nhỏ, gói kín bằng giấy nylon, đặt trước mặt tôi.

“Có vong linh anh chị Năm chứng giám, trước khi biết không thể qua khỏi, anh chị đã gửi vợ chồng tôi cái gói này, nói trong đó có mười cây vàng. Nếu cháu còn sống sót trở về, thế nào cũng tìm lên đây và đưa lại cho cháu. Vợ chồng tôi đã hứa. Và giờ thì tôi giao lại, coi như đã làm tròn trách nhiệm với người quá cố. Còn đây là tấm ảnh gia đình chú”.

Tấm ảnh đã hoen ố, nhưng còn nhìn rất rõ mặt mọi người, chụp trong phòng khách. Má mặc áo dài nhung, quần vải trang đầm trắng, cổ đeo kiềng. Cha diện bộ vest, thắt cà vạt màu. Em gái tôi nép bên má; còn tôi tựa lên vai ghế cạnh cha.

Nước mắt chảy dài, nối với tấm ảnh, nối dài với quá khứ êm đềm, với tuổi thơ...

“Còn căn nhà của cha má tôi chỗ nào, chú?”.

“Phía sau, cách nhà tôi năm công đất. Lúc mới lên, che chấp tạo phạo, sập rồi. Tôi sẽ dẫn cháu ra chỗ đó, rồi mua cây, tranh dựng lại ngôi nhà khác, gần anh chị Năm…”.

Nước mắt tôi lại chảy ra, lăn tự do trên má.

“Cảm ơn tấm lòng chú thím. Cháu nhận phân nửa. Số còn lại gửi chú thím, nhờ chú thím lúc nào thuận tiện, xây bao mộ phần cha má giúp cháu, dựng tấm bia kẻo sau này lạc không tìm thấy. Còn dư chú thím giữ lấy và xây lại căn nhà hoặc làm gì tùy ý. Coi như phần này thuộc quyền sử dụng của chú thím. Cha má và cháu đội ơn chú thím rất nhiều”.

“Chúng tôi đâu được phép làm thế. Nghĩa tử là nghĩa tận, chú mang tiền bạc nói lúc này không đúng chỗ rồi”.

“Cháu đã quyết, không thể làm khác được. Cháu sẽ ra đi dù chưa biết đi đâu. Nhưng cháu sẽ quay lại nơi này”.

“Cầu Trời Phật phù hộ cháu!”.

Tôi cúi đầu chào hai vợ chồng, bước ra cùng lọn rơm và mảnh bao tải nằm trong túi trên vai, lủng lẳng trên vai.

Trời đỏ nắng mà tôi ngỡ như vần vũ mây. Tôi bước theo bóng Hà lơ lửng trước mặt. Anh đang bước theo em đây. Chúng mình cùng ra hướng biển…

Tôi nghe mơ hồ tiếng thì thầm to nhỏ, không chắc giọng của Hà, nhưng đó là giọng con  gái, mơ hồ.

Mùi gió biển quấn theo bước chân. Trên mặt sóng xanh, tà áo trắng phất phơ.

Tôi cặp lọn rơm và chiếc bao tải cắm cổ đuổi theo, như sợ rằng Hà sẽ chìm xuống biển sâu nếu tôi không theo kịp.

Tháng 12/2019