Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Vụ Đồng Tâm có tiềm năng tai hại đến phát triển kinh tế Việt Nam thế nào?

Luật sư Trần Đình Hoành, Ts. Luật
Washington DC, USA

Ở bất kỳ nước nào trên thế giới, khi lính và cảnh sát đụng độ với dân gây chết người, thì đó luôn là điều nghiêm trọng làm cho cả nước lắng lo. Đó chính là lý do chúng ta cần quan tâm đúng mức về việc đụng độ chết người ở Đồng Tâm, Hà Nội, ngày 9/1/2020 vừa qua. Vụ này đặc biệt đáng chú ý với cộng đồng thế giới vì nó xảy ra ngay trong lòng Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam, ngay dưới mũi của các lãnh đạo cao cấp nhất nước, chẳng chỉ là nơi nào đó không ai biết đến như là Khai Phóng ở Năm Căn, Cà Mau.

Đối với thế giới, có lẽ thế giới chẳng cần biết đúng sai, vì họ chẳng biết ai đúng ai sai. Họ chỉ cần biết là khi chính quyền đụng độ dân gây ra chết người, thì đó là quản lý tồi tệ, cũng như một công ty mà chủ công ty và nhân công đụng độ nhau chết người, thì tự khắc chẳng ai muốn ký hợp đồng gì hay mua bán gì với công ty đó, vì chủ tớ giết nhau thì đó là công ty tồi, chẳng cần biết ai đúng ai sai.

Trước hết, điều đó có nghĩa là, những vấn đề đổ máu ngay trong lòng thủ đô trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Ảnh hưởng nhanh nhất là ảnh hưởng vào các nhà đầu tư nước ngoài. Đa số nhà đầu tư không muốn đầu tư vào một quốc gia có bạo động, vì họ chẳng muốn đầu tư của họ có thể bị mọi người đánh nhau và đốt nhầm lúc nào. Về phương diện tinh thần, cũng chẳng nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào một đất nước mà chính quyền và dân giết nhau. Tại sao tôi phải đầu tư vào đó? Thế giới thiếu gì nơi bình an và dễ thương để tôi đầu tư?

Thứ hai, nhà nước và dân giết nhau thì thường có nghĩa là tòa án nước đó bất lực, chẳng ai trong nước muốn dùng tòa án để giải quyết mọi tranh chấp, họ chẳng tin tòa án, họ tin vào sức mạnh của riêng họ để bảo vệ công lý của họ hơn. Có nghĩa là, các nhà đầu tư rất sợ đầu tư vào một quốc gia mà chính người dân và quan chức chính phủ chẳng ai tin tòa án. Nếu mình đầu tư mà có chuyện tranh cãi, mình không dám nhờ tòa án, thì mình chết đứng rồi. Làm ăn gì được nữa?

Thứ ba, chính vì lý do không dám tin tòa án, các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam thì hợp đồng đầu tư nhất định phải có điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế, và thường đòi chính phủ Việt Nam phải đồng ý chịu trách nhiệm pháp lý cho mọi cuộc tranh chấp. Đây chính là điều khoản ISDS – Investor-state dispute settlement mà các nước tiên tiến đòi hỏi phải có trong các Hiệp định thương mại với Việt Nam, để cho phép các nhà đầu tư là công dân của nước họ kiện chính phủ Việt Nam trực tiếp (mà chính phủ Việt Nam không có quyền kiện lại họ), như là Hiệp định thương mại Việt Mỹ và Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, và hàng chục các hiệp định quốc tế khác mà Việt Nam đã ký.

ISDS là “killer” đối với các quốc gia đang lên (chậm tiến) như Việt Nam, vì những trọng tài quốc tế trong các ISDS thường thiên vị về phía các quốc gia tiên tiến và có thành kiến đối với các quốc gia chậm tiến, và do đó họ xử những bản án phạt nước chậm tiến thường lên đến cả tỉ hay chục tỉ trăm tỉ đô la. Việt Nam cũng đã nếm mùi ISDS rồi, và Việt Nam sẽ tiếp tục nếm mùi nặng hơn trong những năm sắp tới.

Mọi vấn đề cho Việt Nam tới từ một thất bại rất căn bản, nặng nề và nghiêm trọng trong giao thương quốc tế: Hệ thống tòa án Việt Nam chẳng ai dám tin.

Vụ Đồng Tâm này cho cả thế giới thấy điều đó: Hệ thống tòa án Việt Nam không đáng tin. Cả Bộ Quốc Phòng, Công An và dân Đồng Tâm chẳng ai tin tòa, chẳng ai muốn nhờ tòa án can thiệp, và chỉ muốn dùng sức mạnh vũ lực của chính mình để bảo vệ công lý cho mình. Các nhà đầu tư nước ngoài chẳng ai muốn đầu tư ở Việt Nam để phải dùng vũ lực của mình bảo vệ đầu tư của mình. Họ muốn dùng tòa án công minh và đáng tin.

Hơn nữa, trong vụ này, rõ ràng là Bộ Quốc Phòng và Công An dùng vũ lực phi pháp, vi phạm nghiêm trọng hình luật Việt Nam, mà hệ thống thông tin báo chí truyền thanh truyền hình cả nước, rất rõ ràng là chỉ nói một chiều bênh vực Bộ Quốc Phòng và Công An. Dù là báo chi tự nguyện nói thế hay bị ra lệnh phải nói thế, thì vấn đề rất dễ thấy đối với thế giới: Không có phản biện ở Việt Nam. Bộ Quốc Phòng và Công An phạm luật Việt Nam rõ ràng và nghiêm trọng như thế (ở mọi nước trên thế giới, đó đều là vi phạm hình luật cực kì nghiêm trọng, cho nên thế giới thấy rất dễ), làm chết dân Việt Nam như thế, ngay trong thủ đô như thế, mà báo chỉ cả nước bênh vực những nhóm bạo động vi phạm luật Việt Nam trắng trợn như thế, và chính phủ họ cũng chẳng làm gì cả như thế, thì mình là người nước ngoài vào đầu tư chỉ là con cá nằm trên thớt đợi chết, chẳng nghĩa lý gì với họ cả, chẳng mong có công lý cho mình ở Việt Nam nếu mình có tranh chấp gì với họ.

Ngay cả Liên Minh Âu Châu (EU) đang thảo luận về việc Quốc hội EU có nên thông qua Hiệp Định Thương Mại EU – Việt Nam hay không, thì đụng vụ Đồng Tâm, họ lại càng quan tâm về hệ thống pháp lý Việt Nam và khả năng Việt Nam bảo vệ nhân quyền, nên đã yêu cầu gặp Bộ Công An để hỏi cho rõ về vụ Đồng Tâm. Nếu Bộ Công An không biết cách ứng xử với EU, thì có khả năng cao là Quốc hội EU sẽ không thông qua Hiệp định.

Mình (tác giả bài này) đã nhiều lần bị các nhà đầu tư nước ngoài định đầu tư ở Việt Nam rút lui khi Việt Nam có tranh chấp đất đai, vì họ sợ đầu tư xong rồi sẽ bị tranh chấp đất đai, thì công ty chỉ có sụp tiệm.

Tóm lại, vụ Đồng Tâm và những vụ tương tự là vấn đề lớn cho phát triển kinh tế đất nước.

Nhưng vấn đề cũng luôn là cơ hội để Chính phủ Việt Nam cho thế giới thấy Việt Nam là một quốc gia trọng luật, làm đúng luật pháp theo tiêu chuẩn quốc tế, và tòa án Việt Nam đáng tin, hay ít nhất là Chính phủ đang cố gắng hết sức để tòa án Việt Nam trở thành đáng tin, đối với người Việt Nam cũng như đối với thế giới.

Nếu Chính phủ thông minh thì vẫn có thể đổi vấn đề trở thành cơ hội.


Nguồn: https://cvdvn.net/2020/01/19/vu-dong-tam-co-tiem-nang-tai-hai-den-phat-trien-kinh-te-vn-the-nao/