Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Vua Na Uy

Amos Oz

Vũ Thành Sơn dịch

Amos Oz sinh năm 1939 tại Jerusalem, là tác giả được thế giới biết đến qua nhiều tiểu thuyết và tiểu luận. Tác phẩm của ông được dịch ra 40 thứ tiếng, kể cả cuốn tự truyện xuất sắc A Tale of Love and Darkness. Ông nhận nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm các giải Femina, Israel, Goethe, Hòa bình Frankfurt, và giải Kafka năm 2013. Nhiều năm liền ông là ứng viên của giải thưởng Nobel về văn chương. Amos Oz từ trần năm 2018.


Image result for amos oz

Ở nông trang Yekhar của chúng tôi, có một người đàn ông, Zvi Provizor, một người độc thân năm mươi lăm tuổi thấp lùn có tật hấp háy mắt. Ông ta thích đưa những tin gở: động đất, máy bay rơi, tòa nhà sập đè lên người, hỏa hoạn và lũ lụt. Ông đọc báo và nghe hết những tin tức phát thanh từ sáng sớm, để có thể chộp lấy chúng tôi ở cửa vào nhà ăn và khiến chúng tôi ngạc nhiên với chuyện hai trăm năm mươi thợ mỏ bị mắc kẹt một cách tuyệt vọng đâu đó ở Trung Hoa, hoặc sáu trăm hành khách bị nhấn chìm khi chiếc phà bị lật trong một cơn bão ở vịnh Caribbean. Ông cũng có thói quen thuộc lòng những bản tin cáo phó. Bao giờ ông cũng là người đầu tiên biết tin người nổi tiếng nào mới chết để đi thông báo cho toàn nông trang. Một buổi sáng ông ta chặn tôi trên đường trước cửa trạm xá.

“Có bao giờ nghe nói đến nhà văn có tên là Wislavsky không?”

“Có. Làm sao?”

“Ổng chết rồi.”

“Xin chia buồn.”

“Các nhà văn cũng chết.”

Và lần khác ông ta bắt dính lấy tôi khi tôi làm theo ca ở nhà ăn: “Tôi đọc tin cáo phó biết ông nội anh chết.”

“Vâng.”

“Và ba năm trước, ông ngoại anh chết.”

“”Vâng.”

“Vậy là đây là người ông cuối cùng.”

Zvi Provizor làm vườn cho nông trang. Ông thường rời khỏi nhà lúc năm giờ sáng, đặt lại cái xịt nước, xới đất trong bồn hoa, trồng cây và tỉa cành, tưới nước, xén cỏ với cái máy cắt cỏ kêu ầm ĩ, xịt thuốc chống`bọ chét, xịt phân hữu cơ và phân hóa học. Đeo ở dây thắt lưng một cái máy phát thanh loại nhỏ để liên tục nghe những cái tin gở được phát đi: “Anh nghe thấy không? Một vụ thảm sát lớn ở Angola.”

Hoặc là: “Ông Bộ trưởng Bộ Tôn giáo chết. Họ vừa mới loan tin cách đây mười phút.”

Những người khác trong nông trang né tránh ông. Trong nhà ăn, hiếm khi họ ngồi chung bàn với ông. Những buổi chiều mùa hè ông thường ngồi một mình trên cái băng ghế màu xanh lá cây cuối sân cỏ rộng đối diện với nhà ăn, ngó những đứa nhỏ chơi giỡn trên đó. Gió thổi làm áo ông phồng lên, và mồ hôi khô ráo. Một vầng trăng mùa hè sáng đỏ khi nó vượt qua những cây trắc bá to lớn. Một buổi chiều Zvi Provizor chào một phụ nữ ngồi ở cái băng ghế bên cạnh, bà tên là Luna Blank.

“Bà có nghe gì không?” ông nói với bà một cách buồn bã, “Bên Tây Ban Nha một trại mồ côi bị thiêu rụi và tám mươi đứa bé đã bị chết ngạt.”

Bà Luna, một giáo viên năm mươi lăm tuổi chồng chết, quệt mồ hôi lông mày bằng chiếc khăn tay rồi nói, “Thật khủng khiếp.”

“Chỉ có ba đứa sống sót được giải cứu à,” Zvi nói, “và chúng đang ở trong tình trạng nguy kịch.”

Chúng tôi đều kính trọng sự tận tuỵ của ông dành cho công việc: không bao giờ, trong vòng hai mươi hai năm sống ở nông trang, có một ngày nghỉ ốm nào được ghi nhận trong lịch làm việc của ông. Nhờ có ông mà nông trang có hoa nở. Cứ hễ có chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo nào là ông trồng hoa theo mùa. Ông đặt những hòn đá tảng trong vườn chỗ này chỗ nọ để trồng những loại cây xương rồng. Ông dựng giàn gỗ trồng nho. Ông xây một cái bồn phun nước đầy cá vàng và thủy mộc trước nhà ăn. Ông có xúc cảm về cái đẹp và ai cũng trân trọng điều đó.

Nhưng sau lưng ông chúng tôi gọi ông là Thần Chết và tán chuyện về ông: ông không và chẳng bao giờ quan tâm đến phụ nữ, chúng tôi hay nói vậy. Hay với đàn ông, cũng thế. Một anh bạn trẻ, Roni Shindlin, giả bộ y chang như Zvi một cách thiệt tài tình làm chúng tôi cười vỡ bụng. Chiều đến, khi những nông trang viên ngồi ở hàng hiên, uống cà phê hay chơi với trẻ con trên những vuông cỏ trước nhà, Zvi Provizor thường đến câu lạc bộ đọc báo cùng với năm hay sáu ông độc thân như ông, những độc giả và những tranh luận viên hăng hái, những người độc thân già nua, quả phụ hay ly hôn.

Từ góc ngồi của mình, Reuvkeh Roth, một người đàn ông hói đầu tai dơi, thường lầm bầm những cuộc bố ráp trả đũa chỉ làm cho bạo lực gia tăng bởi vì hận thù kêu gọi hận thù và trả đũa kêu gọi trả đũa.

Những người khác ngay lập tức đáp trả; “Ông nói gì thế, hử? Chúng ta không thể để cho bọn chúng dễ ăn như vậy được!” “Kiềm chế và đấu dịu chỉ tổ làm cho bọn Ả Rập càng thêm táo tợn thôi.”

Zvi Provizor hấp ha hấp háy mắt và nói, “Cuối cùng, vụ đó sẽ biến thành chiến tranh. Nó chỉ có thể gây ra một cuộc chiến tranh khủng khiếp.”

Và Emanuel Glozman, một ông có tật nói lắp, phát biểu một cách hùng hồn, “Ch-ch-chiến tranh. Rất t-t-tốt. Ta sẽ ch-ch-chiến thắng và l-l-lấy đ-đ-đất của họ h-h-hết đến J-J-Jordan luôn.”

Reuvkeh Roth nói vô liền, “Ben Gurion là tay chơi cờ thượng thặng. Ông ta luôn thấy trước năm bước đi. Chí có điều là với ông này mọi thứ đều dùng đến bạo lực.”

Về chuyện đó, Zvi Provizor tiên đoán một tương lai u ám, “Nếu chúng ta mà thua, bọn Ả Rập sẽ đến và quét sạch tụi mình. Còn nếu chúng ta chiến thắng hả, bọn Nga sẽ vô và cho nổ hết ráo.”

Emanuel Glozman yêu cầu, “Đ-đ-đủ rồi, mấy ông, i-i-im lặng coi. Để y-y-yên t-t-tôi đọc b-b-báo chứ.”

Và Zvi, sau một hồi im lặng, nói, “Mấy ông đã nghe gì chưa? Ở đây người ta nói là ông vua Na Uy mắc bệnh ung thư gan. Và người đứng đầu hội đồng địa phương của mình cũng bị ung thư luôn.”

Hễ mỗi lần ngó thấy Zvi ở tiệm đóng giày hay đi ngang qua kho quần áo, tay Roni Shindlin, một diễn viên hài kịch, thế nào cũng hỏi chế diễu, “Thế rồi, ông Thần Chết ơi, có chiếc máy bay nào rớt hôm nay không hả?”

Nói chuyện với nhau mỗi chiều đã thành một cái nếp quen thuộc của Zvi Provizor và Luna Blank. Ông ta thường ngồi mép phải của cái băng ghế trái cuối bãi cỏ và bà vẫn ngồi gần bên, ở mép trái của chiếc băng ghế phải. Ông vẫn hấp háy mắt mỗi lần nói chuyện với bà, còn bà mặc chiếc váy đẹp không tay mùa hè, vân vê cái khăn trong tay. Bà khen vườn hoa của nông trang, thành quả lao động của ông, nói nhờ có ông mà họ được sống ở một cánh đồng xanh, trong bóng mát của những khu vườn cây ăn trái đơm hoa và giữa những bồn hoa khoe sắc thắm. Bà sính dùng những chữ điệu đà. Bà là giáo viên cấp ba, bà vẽ những những bức họa xuất sắc, tinh tế bằng chì treo trên tường những căn hộ nhỏ bé của chúng tôi. Bà được cái gương mặt tròn, hay cười với hàng lông mi dài, mặc dù cổ đã gợn những nếp nhăn, đôi chân khẳng khiu và hầu như không có ngực. Chồng bà chết nhiều năm trước khi làm nghĩa vụ trừ bị ở biên giới giải Gaza và họ không có con cái. Người trong nông trang coi bà là một nhân vật đáng ngưỡng mộ, một phụ nữ đã vượt qua bi kịch và dành trọn tấm lòng cho việc dạy học. Zvi nói với bà về các chủng loại khác nhau của hoa hồng, bà gật lấy gật để như thể nuốt lấy từng chữ. Đoạn ông mô tả chi tiết về những cảnh khủng khiếp của dịch châu chấu đang tàn phá Sudan.

Bà Luna nói, “Ông là một người thật nhạy cảm.”

Zvi chớp mắt nhanh, nói, “Sudan như vậy thì đâu có được nhiều cánh đồng xanh.”

Bà Luna nói, “Sao mà ông gánh hết mọi thứ khốn khổ trên đời này lên vai ông vậy?”

Và Zvi trả lời, “Tôi lại cho là nhắm mắt trước những cảnh nhẫn tâm của cuộc đời là vừa ngu vừa có tội. Mình chẳng làm được gì mấy cho nó thì ít nhất cũng nên biết chớ.”

Một buổi chiều mùa hè bà mời Zvi đến nhà uống cà phê. Ông đến với bộ quần áo mặc mỗi khi xong công việc, quần ka ki và áo sơ mi ngắn tay màu xanh nhạt. Tám giờ ông mới rời khỏi chỗ làm, cái máy phát thanh giắt ở dây lưng, ông nghe tin thời sự. Trên tường nhà Luna treo nhiều bức họa bằng chì lộng trong những cái khung đơn sơ, phác họa những thiếu nữ mơ màng, phong cảnh, đồi đá và những cây ô liu. Bên dưới cửa sổ là cái giường đôi với cặp gối thêu phương đông. Một dãy sách được xếp theo chiều cao trên một cái kệ màu trắng, từ những cuốn to về nghệ thuật tranh của Van Gogh, Cézanne và Gauguin đến những cuốn kinh thánh chú giải của Cassuto bé hơn và cuối cùng là một sê ri truyện dạng thu nhỏ của Hasifria Le’Am. Một cái bàn cà phê tròn kê giữa phòng, hai ghế có tay ở hai bên. Khăn trải bàn bằng vải thêu, trên đó đã bày sẵn hai bộ tách cà phê với hai đĩa bánh ngọt.

Zvi Provizor nói, “Phòng của bà dễ thương quá,” rồi chen thêm, “Sạch sẽ. Ngăn nắp.”

Bà Luna Blank bối rối, nói, “Cám ơn. Tôi vui.”

Nhưng trong giọng nói của bà chẳng có chút vui vẻ gì, mà chỉ thấy rõ ràng một sự căng thẳng.

Đoạn họ uống cà phê, ăn bánh ngọt và nói chuyện về cây cảnh và cây ăn trái, về vấn đề kỷ luật ở nhà trường hiện thời cái gì cũng cho phép và về loài chim di trú.

Zvi nói, “Tôi đọc thấy trên báo nói ở Hiroshima, mười năm sau vụ ném bom, không còn lấy một con chim nào.’

Bà Luna nói với ông ta lần nữa, “Ông gánh hết mọi khốn khổ trên đời lên vai ông,”

Bà còn nói, “Bữa hôm trước tôi nhìn thấy một con chim rẻ quạt đậu trên nhánh cây thấp trước cửa sổ đấy.”

Và cứ như thế họ bắt đầu gặp gỡ nhau đều đặn vào những đầu giờ chiều, ở cái băng ghế trong vườn, dưới bóng râm của bụi bông giấy rậm rạp, hoặc bên tách cà phê trong phòng bà Luna. Zvi thường rời chỗ làm về nhà lúc bốn giờ, tắm táp, đứng trước gương chải đầu, thay bộ đồ ka ki ủi phẳng lì và cái áo sơ mi màu xanh nhạt đến chỗ hẹn. Thỉnh thoảng ông ta mang theo những giống cây con ngắn ngày cho bà trồng trong cái vườn nhỏ. Một lần ông mang đến cho bà tập thơ của Yaakov Fichman. Bà cho ông ta bánh ngọt có hạt anh túc đựng trong một cái túi và một bức vẽ bằng chì hai cây trắc bá và một cái băng ghế. Nhưng cứ tới tám giờ hoặc tám rưỡi là họ chào nhau về và Zvi trở lại căn phòng tu viện của mình, nơi mà cái mùi độc thân thấm đẫm bầu không khí.

Trong nhà ăn tay Roni Shindlin nói là Thần Chết đã vươn đôi cánh đến Bà Quả Phụ Đen rồi. Sau đó, ở câu lạc bộ, Reuvkeh Roth thân mật trêu Zvi, “Thế là bàn tay đã tìm được chiếc găng rồi ha?”

Nhưng Zvi và Luna không hề bị nao núng bởi mấy lời xầm xì và chế diễu ấy. Quan hệ giữa họ có vẻ như mỗi ngày thêm gắn bó. Ông ta bảo với bà là giờ rảnh ông ta sẽ dịch một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan Iwaszkiewicz ra tiếng Do Thái. Cuốn tiểu thuyết đầy những điều cao quý và đau thương. Iwaszkiewicz tin rằng thân phận con người phi lý nhưng cảm động. Bà Luna lắng nghe, đầu nghiêng nghiêng, miệng hé mở, rót cà phê nóng vào cái tách ông ta, như thể cà phê là một thứ bù đắp cho những bi thương của Iwaszkiewicz cũng như là một niềm an ủi cho chính ông ta vậy. Bà cảm thấy quan hệ của họ đáng quý và bà trân trọng cái cách mà nó lấp đầy những tháng ngày của bà vốn dĩ trước đó thật là đơn điệu và tẻ nhạt. Một đêm bà nằm mơ thấy họ cùng ngồi trên lưng một con ngựa, ngực bà tì vào lưng và hai cánh tay bà choàng lấy hông ông ta, cưỡi dọc theo một thung lũng nằm giữa những ngọn đồi cao nơi mà một con sông sủi ngầu bọt uốn lượn và đổi dòng. Bà quyết định không kể cho Zvi nghe giấc mơ đó, mặc dù bà đã từng kể về những giấc mơ khác một cách chi tiết. Zvi, về phần mình, ngồi chơm chớp mắt và kể cho bà nghe hồi còn là một thằng bé ở thành phố Yanov của Ba Lan, ông ta đã từng mơ là một sinh viên. Nhưng thay vì trở thành sinh viên, ông ta lại bị lôi cuốn vào trong một tổ chức thanh niên chalutz[1] mới thành lập và từ bỏ kế hoạch học hành. Nhưng ngay cả vậy, ông ta không bao giờ ngừng học tập. Bà Luna vừa cẩn thận gom hết mấy cái vụn bánh rơi vãi trên khăn trải bàn, vừa nói, “”Ông hẳn phải là một chàng trai trẻ nhút nhát. Bây giờ ông vẫn còn nhút nhát chút đỉnh.”

Zvi nói, “Thế là bà thật không biết về tôi rồi.”

Bà Luna nói, “Nói đi. Tôi đang nghe đây.”

Và Zvi nói, “Tối nay tôi nghe trên đài phát thanh nói một ngọn núi lửa ở Chi Lê phun trào. Bốn ngôi làng bị tàn phá hoàn toàn bởi dòng nham thạch. Phần lớn người dân không có được một cơ may.”

Một buổi chiều, sau khi được chiêu đãi bằng một màn miêu tả gây cấn nạn đói ở Somalia, một niềm thương cảm dành cho ông ta dâng trào lên trong lòng bà đến nỗi bất thình lình bà chộp lấy tay ông ấy và đặt lên ngực mình. Zvi rùng mình và giật phắt bàn tay lại, bằng một động tác gần như là thô bạo. Đôi mắt ông ta chớp chớp bấn loạn. Chưa bao giờ trong cuộc đời trưởng thành của mình ông ta cố ý đụng chạm đến người nào, và người ông ta cứng đơ ra mỗi khi có ai sờ đến mình. Ông ta yêu cái cảm giác trôi tuột của đất và sự mềm mại của cái cuống non, nhưng sự đụng chạm với người khác, đàn ông hay đàn bà, đều làm cho toàn thân ông tê cứng và co rúm như thế bị bỏng. Ông ta luôn tránh những cái bắt tay, vuốt lưng hoặc va chạm khuỷu tay tình cờ ở trong bàn nhà ăn. Một lúc sau, ông ta đứng lên và bỏ về.

Ngày hôm sau ông ta không đến chơi nhà bà Luna. Ông ta bắt đầu cảm thấy quan hệ của họ đã tiến đến chỗ nguy hại mà ông không muốn đi, một chỗ mà ông bị đẩy ra xa. Bà Luna, bằng sự nhạy cảm vốn có, đoán là mình có lẽ đã xúc phạm đến ông ấy. Bà quyết định xin lỗi, cho dù bà cũng chẳng biết để làm gì. Có phải bà đã hỏi một câu hỏi mà bà không nên hỏi chăng? Hoặc có thể bà đã không nắm bắt được ý nghĩa quan trọng nào đó ẩn dấu trong lời nói của ông?

Hai ngày sau khi ông không có ở trong phòng bà nhét dưới cánh cửa tờ giấy: Xin li ông nếu tôi đã làm ông phin lòng. Chúng mình có thnói chuyn ch?

Zvi trả lời bằng mẩu giấy của mình: Tt hơn hết là chúng ta không nên. Nó schkết thúc thi mà thôi.

Tuy vậy, bà vẫn đợi ông ta sau bữa ăn tối dưới gốc cây sầu đâu gần cửa nhà ăn và rụt rè nói, “Nói tôi biết tôi đã làm gì.”

“Chả có gì.”

“Vậy sao ông cứ tránh mặt tôi?”

“Ráng mà hiểu. Nói…chẳng ích gì.”

Họ chẳng còn chủ tâm gặp nhau nữa, và nếu tình cờ có chạm mặt nhau trên lối đi hay ở nhà kho nhỏ bé, họ sẽ trao cho nhau những cái gật đầu, do dự một lúc, rồi đường ai nấy đi.

Giờ ăn trưa, tay Roni Shindlin nói với mấy người ngồi cùng bàn là Thần Chết đã rút ngắn thời kỳ trăng mật và, từ nay trở đi, tất cả bọn họ trở lại tình trạng nguy hiểm. Thực ra, đúng vào buổi trưa đó, Zvi đã báo tin cho những người độc thân trong câu lạc bộ biết là một chiếc cầu lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã sập, mà lại đúng ngay vào giờ cao điểm.

Hai hay ba tháng sau đó chúng tôi thấy Luna Blank đã thôi không còn đến nhóm nhạc cổ điển, thậm chí vắng mặt trong mấy cuộc họp giáo viên. Bà nhuộm tóc màu đồng đỏ và tô son bóng lưỡng. Thi thoảng bà bỏ suất ăn tối. Lễ Sukkoth[2] bà ở trong phố mấy ngày và khi trở về bà mặc cái váy, mà chúng tôi nghĩ là khá táo bạo, với một đường xẻ dài bên hông. Đầu mùa thu chúng tôi thấy bà một vài lần, ngồi trên băng ghế một bãi cỏ rộng với một huấn luyện viên bóng rổ, một người đàn ông trẻ hơn bà mười tuổi đến nông trường tuần hai lần. Tay Roni Shindlin nói có thể bà đang học nhồi bóng vào ban đêm. Hai hay ba tuần lễ sau, bà bỏ gã huấn luyện viên bóng rổ và bị bắt gặp đang đi cùng với người chỉ huy đội Thanh Niên Tiền Phong Chiến Đấu của nông trang, một người hai mươi hai tuổi. Việc đó không thể nào có thể bỏ qua và Hội Đồng Giáo Dục đã họp kín để bàn bạc về những hệ lụy đến vấn đề chuyên môn.

Chiều chiều, Zvi Provizor thường ngồi một mình, hoàn toàn bất động, trên cái băng ghế cạnh bể phun nước ông ta tự lắp đặt, nhìn bọn trẻ con chơi đùa trên bãi cỏ. Thảng hoặc bạn có đi ngang qua, chào ông ta, ông ta sẽ đáp lại và sẽ kể cho bạn nghe về trận lũ lụt ở miền Nam Trung Hoa.

Cuối mùa thu, bà Luna Blank đi Mỹ thăm chị bằng một cái vé máy bay chị mua cho, mà không báo trước cũng không xin phép ban thư ký nông trang. Người ta bắt gặp bà ấy một buổi sáng ở bến xe buýt với cái váy táo bạo và chiếc khăn choàng rực rỡ, loạng choạng trong đôi giày cao gót, kéo lê một cái va li to. “Sắm bộ sẵn đi Hollywood đó,” tay Roni Shindlin nói. “Quả Phụ Đen đang chạy trốn Thần Chết.” Ban thư ký quyết định treo giò quy chế thành viên nông trang của bà, tạm dừng cuộc điều tra.

Trong thời gian đó, căn phòng của bà Luna Blank vẫn bị khóa, tối om, ngay cả khi đang khan hiếm chỗ ở và một vài thành viên của Hội Đồng Nhà Ở đã để mắt đến nó. Năm hay sáu cây kiểng thông thường - lan hồ điệp, phong lữ thảo, xương rồng - bỏ lăn lóc ngoài hiên và Zvi Provizor thỉnh thoảng ghé qua tưới nước, chăm chút.

Rồi mùa đông đến. Những đám mây thấp treo trên những cây kiểng. Bùn đắp dày dọc theo cánh đồng và vườn cây, những người đi hái quả và làm đồng đến xưởng làm việc. Mưa xám rơi không nghỉ. Về đêm những cái máng xối chảy rào rào và hơi lạnh mùa đông luồn qua những khe hở cánh cửa chớp. Zvi Provizor thức giấc mỗi đêm nghe hết bản tin, và lúc bản tin tạm ngưng ông ta lại gập người bên bàn dịch ra tiếng Do Thái một vài đoạn cuốn tiểu thuyết đầy u uất của Iwaszkiewicz dưới ánh sáng của ngọn đèn cổ vịt. Bức họa bằng chì mà bà Luna tặng ông - hai cây trắc bá và cái băng ghế - treo trên đầu giường. Cây trắc bá trông buồn bã, còn băng ghế trống không. Đến mười giờ rưỡi ông ta cuộn lên người cái gì đó, bước ra ngoài hàng hiên ngó những chòm mây thấp và lối đi tráng bê tông vắng lạnh ánh lên trên bề mặt ẩm ướt ánh đèn vàng võ ngoài phố. Nếu cơn mưa tạm ngớt, ông ta sẽ có chuyến đi dạo đêm ngắn ngủi để coi mấy cái cây ngoài hiên nhà bà Luna ra thế nào. Lá rụng đã ngập bậc tam cấp, và Zvi tưởng như mình có thể bắt gặp thoang thoảng mùi xà phòng hay dầu gội đầu đưa ra từ bên trong căn phòng đã khóa trái. Ông ta sẽ thơ thẩn dài theo lối đi vắng lặng một lúc, mưa từ những nhánh cây nhỏ giọt xuống cái đầu trần, rồi trở về phòng mình, lắng nghe trong bóng tối với đôi mắt mở hấp háy, bản tin cuối cùng trong ngày. Một buổi sáng sớm, lúc mọi vật đã bị bao phủ dưới lớp màn tối tăm, ẩm ướt và lạnh giá, ông ta chặn một người thợ vắt sữa bò trên đường đi làm và buồn bã báo tin:

“Ông có nghe gì không? Ông vua Na Uy từ trần đêm qua rồi. Ung thư. Gan.”

(Dịch từ tập truyện ngắn Between Friends, London, Vintage Books 2014)


[1] Chalutz: những người tình nguyện đi khai phá và mở mang đất hoang để xây dựng nông trang.

[2] Sukkoth: lễ mừng vụ thu hoạch đầu mùa thu, đồng thời tưởng nhớ đến đức Chúa Trời đã che chở cho tổ tiên người Do Thái khi rời Ai Cập. Lễ thường kéo dài năm ngày.