Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (611): Nguyễn Đình Toàn (kỳ 5)

Áo mơ phai

chương năm

Nàng trở về phòng riêng thay quần áo rửa mặt trong bồn rửa mặt, lòng bỗng nhiên trống trải, tâm trạng có lẽ do sự mỏi mệt tạo ra nhiều hơn là những phản ứng tâm lý.

Lan cũng không trông thấy bố mẹ ở dưới phòng khách. Có lẽ cả hai người đều cùng chưa về.

Lan muốn bỏ bữa cơm chiều. Nhưng dĩ nhiên không dám, vì ông cụ sẽ hỏi tại sao, nàng không thể nói vì ốm được. Khai bệnh láo với một ông bác sĩ già, là một chuyện khôi hài.

Loay hoay mãi Lan vẫn chưa tìm ra cách nào để khỏi phải xuống nhà ăn bữa cơm tối. Kêu mệt thì ắt sẽ bị mắng vì mấy bữa nay đã đi về thất thường.

Cuối cùng nàng nằm vật xuống giường nghĩ thầm, hãy cứ nằm nghỉ một tí đã, bao giờ người ta gọi xuống ăn cơm hãy hay.

Lan nhắm mắt yên lặng, cô không nghĩ một điều gì nữa.

Đêm bên ngoài cửa sổ nghe mát êm trong những cơn gió dịu dàng thổi lướt, cơn mưa đã rứt, những tiếng động nghe thấy rõ ràng là những tiếng cành lá va chạm chứ không phải những giọt nước rơi rớt nữa.

Lan mở mắt ngó ra ngoài cửa sổ. Phải một lúc lâu nàng mới phân biệt được giới hạn của quầng ánh sáng của ngọn đèn từ trong phòng chiếu ra tiếp giáp với bóng đêm, và từ đó, nhìn sâu lên bầu trời phía xa.

Đằng sau những đám mây đen mỏng giống như những đám khói, bị gió cuốn bay vùn vụt, một vài ngôi sao mọc lên le lói.

Ánh vàng của những vì sao không đủ làm rạng bầu trời còn đục hơi nước, nhưng cũng đủ chiếu cho nhìn rõ những khoảng đang dần dần quang đãng.

Phải như thế chứ, Lan nghĩ mới có tháng sáu, sao trời lúc nào cũng đã như sũng nước thế. Mùa Hè chưa chấm dứt thời tiết đã là thời tiết mùa khác, đó là điểm không hay.

Lan với tay bật chiếc máy thu thanh để trên mặt bàn ngủ, ngọn đèn xanh sáng sau tấm kính dầy những con số của các băng tầng, một giây sau, một tiếng hát cất lên. Bài hát kêu gọi Hà Nội nghe thấy lúc đang nằm trong Hà Nội, bỗng có vẻ bứt rứt khó chịu.

Cái ánh sáng xanh biếc của ngọn đèn khuất sau tấm kính mỗi phút thêm chói ngộp trong ý tưởng của Lan. Trong cơn chập chờn mệt thiếp, Lan thấy mình đang đi trên các khu phố quen thuộc nào, nhưng ngửa mặt nhìn bầu trời, bầu trời hoàn toàn xa lạ, nàng trông thấy những bức tường qua ánh sáng của vần trăng Lan không thể phân biệt được màu sắc đích thực của những mảnh tường đó, tất cả đều hình như có chung một màu xám và cái màu xám đó được tráng một lớp men xanh xao của ánh trăng, cái màu xanh huyền hoặc chảy tuôn trên các ngọn cây, các mái ngói, tràn lẫn trên các hè phố, các mặt đường. Lan có cảm tưởng cái chất lân tinh đó thấm nhập vào tất cả mọi cảm giác của mình và Lan rùng mình sợ hãi.

Tưởng tượng phút chốc làm Lan cảm thấy sợ hãi thực sự. Nàng không thể nghĩ tới cảnh một sáng nào thức dập, mở mắt nhìn không thấy Hà Nội, thức dậy tại một thành phố nào khác, sẽ ra sao?

Lan ngồi dậy, xếp lại những đồ dùng lặt vặt để trên bàn, làm những cử chỉ cho đỡ bứt rứt. Nàng có cảm tưởng khủng khiếp như cái điều làm cho mình sợ hãi đó không chỉ là điều tưởng tượng nữa, mà nó đã tới rất gần sự thật, cái sự thật đang ẩn núp ở đâu đó sau lưng bóng tối, chờ một lúc nào đó sẽ hiển hiện, nàng thấy rõ là nàng đang bị cái sự thật đó rình rập. Lan mở mắt to nhìn những vật chung quanh nhà, mở to mắt nhìn cái ánh đèn chiếu rọi quanh chỗ ngồi, dường như chỗ nào có ánh sáng của ngọn đèn rọi tới, nó đẩy lui cái sự đe dọa kia lùi xa đi.

Cuối cùng Lan sửng sốt ngay chính sự lo sợ của mình.

Nàng ngồi yên trở lại trên giường, hai tay khoanh tròn bó hai cái chân chồng cao trên nệm, đầu nghẹo tựa trên đầu gối.

Nàng ngồi yên như vậy và lại lắng nghe cái bài hát đang được phát trong máy, thâu thanh.

Những hình ảnh thật đang được gợi lên bằng những hình ảnh ảo của giọng hát, giống như một tấm gương trả lại cái bóng, qua những lời kể lể đó, Lan đã nhìn thấy rõ Hà Nội thật, những khu phố hàng ngày mình đã đi qua, những tiếng động hàng ngày mình đã nghe thấy, những bóng hình biết bao lần đã ngóng trông, tất cả những điều đó đều có thật, nghĩa là những gì có thể mất, tại sao bao nhiêu năm tháng sống ở nơi này, sống và lớn lên, nàng chẳng có một lần nào để ý đến sự đổi thay của chính mình, không để ý gì đến những cảnh sắc chung quanh cả.

Trong trí tưởng của Lan trong khoảng khắc nổi lên hình ảnh trong xanh của mặt hồ Gươm, có phải đúng cái màu xanh đó đã tiết ra từ chất rỉ đồng của kho tàng dưới chân Hà Nội, những tia sáng lấp lánh như muôn ngàn chiếc mặt nhẫn kim cương trên đầu những ngọn sóng, buổi chiều vui trong những tiếng quốc khua vang, mùa Hè ngất cao trên những đỉnh trời vàng hoe, trên những cánh phượng đỏ tươi như máu, những bông gạo ''nhàu nát như người lính tử thương'', không có một cây gạo nào trong Thành Phố Hà Nội cả, nhưng xen vào giữa những chùm phượng vĩ, sáng rực trong những hình ảnh của mùa Hè Hà Nội, Lan luôn luôn trông thấy những cái cánh đỏ dầy của những bông hoa gạo, bởi vì chỉ cần bước chân ra khỏi Hà Nội, ngay trên chỗ tiếp giáp Hà Nội với các cửa ô, trên một cánh đồng nào đó là người ta sẽ trông thấy những cây gạo đỏ tươi sắc hoa, nơi chim chóc suốt ngày bay tới, bay đi, kêu ran trời, mùa Hè Hà Nội ngộp trong hơi nóng, ngân ngất trong tiếng trẻ con khóc đêm vì không ngủ được yên giấc, rộn rã vì ao ước được về quê nghỉ hè, ngày hè ngay quê hương xanh bóng lá, lồng lộng gió của những cánh đồng, thơm hương sen trong đầm, bơi trong hồ, ngồi trên cầu ao múc từ gáo nước dừa nước dội trên mình đêm sáng trăng, từ cầu ao trở về nhà giấc ngủ vẫn chưa đến, ngồi trên chiếc chõng kê dưới gốc cau hóng gió, những trận gió phảng phất đủ các mùi thơm của cây lá trong vườn, mùi lá bưởi, lá chanh, mùi lá trúc non, mùi hăng nồng của những con bọ xít dưới giàn mướp cạnh bể nước, những bông hoa trứng gà vừa hé nở thơm đến nỗi Lan có thể lần theo mùi thơm đó mà đi tới tận nơi, vạch lá, tìm xem, có hôm Lan ngắt một bông vào treo trên đỉnh màn, bông hoa vẫn nở hết trong đêm khuya và mùi thơm của nó làm Lan bị nhức đầu khi thức dậy sáng hôm sau.

Nhưng điều thích thú nhất của Lan vẫn là đi bơi thuyền trên Hồ Tây. Hồ nước rộng, xanh giống như mặt biển, chiều chiều thả thuyền, giương buồm cho chạy mãi ra xa tít, nhào xuống nước bơi rồi lại leo lên thuyền ngồi cứ thế vùng vẫy trong tiếng vui đùa của những người khác cũng bơi thuyền đâu đó trên mặt hồ, vẳng từ phía xa lại, có những lúc cả khu hồ rộng lớn vàng chói trang ánh nắng, cái nắng tẩm đầy hơi nước trở nên quyến rũ khiến mọi người đều muốn trần mình ra hứng nắng, bơi lội và phơi nắng như thể hết mùa Hè Lan cảm thấy da dẻ hồng hào, thực sự khỏe mạnh hơn một chút, có hôm mãi vui chơi đêm xuống lúc nào không hay, nhìn quanh thấy bóng tối đã chạng vạng trên mặt hồ, ngó về phía bờ, lùm cây xanh chỉ còn là một khối đen lờ mờ và đã dường như khuất sau đám sương mỏng, Lan giật mình sợ hãi, giục Quang quay trở lại bờ, hai người ra công chèo lái, nương hướng gió cho thuyền chạy mau hơn, Lan cuống quýt làm Quang bực mình gắt nhặng xị, nhưng Lan mặc kệ nàng vẫn luôn mồm giục anh mau tìm cách trở lại bờ.

Lan thường nghĩ sống ở Hà Nội là sống trong những kỷ niệm đổi thay về thời tiết. Người ta thở chung cái hơi thở của mùa màng, ấm lạnh theo từng nhịp biến chuyển của khí trời, một đời sống đầy vẻ mơ hồ đôi khi Lan có cảm tưởng huyễn hoặc chừng như nàng vươn vai cao lớn ngang với bầu trời sương muối, đôi lúc nàng thấy mình tan biến trong quãng không của khu vườn mùa Đông lạnh ngắt, có những buổi chiều Lan không biết rõ mình thức hay ngủ, bỗng nghe tiếng chuông nhà thờ rền vang từ phía xa, nàng run lật bật tưởng chừng như khắp người đang bị dư âm của những hồi chuông dội vang làm rung lên, có đêm giao thừa theo bố mẹ đi lễ trong Đền Ngọc Sơn, khói hương của những người đi lễ chen chúc trong Đền và ngay ngoài sân đến thắp lên dày đặc làm thành một màn sương bay thẳng lên các tàn cây mọc quanh sân đền, tiếng chuông trống ép trong ngực, và đám khói làm cho ngây ngất có lúc Lan tưởng không thở được, nàng chới với níu lấy tay mẹ, hai chân bước líu ríu gần như không chạm tới mặt đất nữa, Lan thấy hệt như mình đã biến thành một đám khói.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ao%20mo%20phai&page=5