Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (610): Nguyễn Đình Toàn (kỳ 4)

Áo mơ phai

chương bốn


Buổi sáng Lan thức dậy, trời còn mờ sương. Trận mưa suốt buổi chiều hôm qua mãi đến khuya mới thực sự chấm dứt, chỉ thực sự chấm dứt trong giấc ngủ êm đềm của Lan.


Những buổi học ở trường nghe cũng dầy vẻ uể oải. Không khí của cuộc chiến tranh càng ngày càng đè nặng lên thành phố, dù đấy là những ngày tương đối Hà Nội ít nghe thấy tiếng súng hơn cả. Tất cả mọi người, và có lẽ mọi nỗ lực có thể có, người ta đều dồn cả về phía mặt trận Điện Biên Phủ và cuộc hội đàm ở Genève. Trên mặt những tờ báo xuất bản hàng ngày, những tin tức nghe thấy qua các đài phát thanh, người ta không ngớt nghe thấy, đọc thấy, những tiếng hòa bình, hy vọng, ngưng bắn, được nhắc đi nhắc lại, hòa bình chưa phải là thái bình, nhưng hãy mong đạt được tới hòa bình cái đã, những câu chuyện nghe được hàng ngày làm tăng thêm nỗi đe dọa, khát khao, hoang mang, giống như những buổi sáng thức dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống khu vườn nhỏ bé trước thềm nhà, nhìn ra khu phố phía xa, tất cả chìm trong một làm sương mỏng, bên dưới những tàn cây che phủ hai bên lề đường, thành phố thức dậy, sinh hoạt như thường lệ, xe cộ, các công nhân, công chức, người buôn bán, ngược xuôi đi đến nhiệm sở của mình, đi tới chợ, những hình ảnh nhìn thấy, thấp thoáng trong đám sương phẳng lặng, tất cả những điều người ta dự đoán nghe ngóng có phải cũng chẳng khác đã nghe thấy, trông thấy qua sự mờ ám tương tự, hòa bình, thanh bình, thái bình, mỗi chữ như một âm vang của một tiếng chuông chẳng ai khua được lên, âm vang chỉ là những âm vang tưởng tượng, người ta không thể biết nó một ngày một thêm khuất xa hay đang dần dần hiển hiện.

Lan sửa soạn xuống nhà ăn sáng, mở cặp soát lại sách vở, thời dụng biểu một lần nữa, ra đường, đến trường.

Nắng vẫn chưa chiếu qua hết những từng mây đục, nhưng trên các khu phố, hơi nóng đã làm cho nhiều đám sương tan loãng, những hè đường, mặt lộ phơi mở ra vẻ sạch sẽ tươi mát, những dấu chổi của các người phu quét đường còn in hằn.

Thành phố luôn luôn dù thức dậy ra đường vào bất cứ lúc nào, người ta vẫn có thể bắt gặp những khoảnh khắc giống như trong cảnh bận rộn, chen chúc, người ta vẫn nhìn thấy sự thong thả, nhàn hạ, lười biếng, cuối tháng sáu trời bỗng nhiên kéo dài những ngày âm thầm những buổi chiều đạp xe vòng một vòng ra đường bờ sông nhìn sang những cánh đồng bên kia sông, những bãi ngô non hay lúa bé đều giống hệt như nhau trong một màu xanh bát ngát, các màu xanh bỗng vàng ửng lên ở những quãng nắng chiều lọt, còn khắp bầu trời nghe nặng dưới những đám mây đen, những đám mây mang hình của các đám khói cháy nhà, những thây người thối rữa, những con chó chết từ đâu đó trôi giạt về bay lơ lửng giữa trời, thấm loang dần cái màu đen ra khắp mọi nơi, những trận gió thốc mạnh từ mặt sông lên, con sông nước đỏ phản ánh cái bóng nắng bị che khuất bởi những đám mây màu tro, biến thành màu gạch cua, cuốn reo rì rầm, trên bãi cát, những người đàn bà, công nhân của các hãng thầu, các nhà xây cất, mặc quần áo nâu, nhưng cả hai thứ đều đã bạc phếch và biến thành một màu tro, nhìn ngược với những ánh lóe của mặt trời hắt trên những cái bóng đen đội nón tùm hụp, cắm cúi xúc những xẻng cát, tiếng những xe vận tải rồ máy chạy trên lối đi đầy cát lún từ ngoài bãi chạy vào con đường nhựa phía bên trong nơi công nhân của nhà máy nước đá đang xếp các két bia và nước ngọt lên các xe sơn vàng của hãng để đi giao cho các đại lý trong thành phố, những két nước ngọt được vác lên đặt xuống, những chai nước va vào nhau gây thành tiếng lách cách làm rộn một khu phố, trên lề đường bờ sông là con đường vắng nhất thủ đô nhưng người ta vẫn có thể bắt gặp những cặp tình nhân đi dạo dưới những hàng cây trơ trụi, những cây bàng to lớn có những chiếc lá vàng lốm đốm đỏ, những chiếc lá khô đã biến thành màu nâu rơi rớt trên lề đường được quét sạch sẽ giống hệt như những chiếc khăn tay, các nữ sinh được nghỉ những giờ bất chợt ra về sớm không muốn về nhà ngay cũng rủ nhau tản bộ, đạp xe đi chơi, đi trên lề đường có những ô gạch vuông to hay đi hằn sang mé bên kia đường lên trên con đê, cười đùa với nhau, một tay cắp cặp, tay kia nắm giữ vạt áo cho gió đỡ bay tung, họ nhặt trong bãi cỏ những bông hoa nhỏ cái lên áo, khi trở lại con đường bên trong thành phố vứt lăn lóc trên dọc đường vì sợ về nhà sẽ bị hỏi tội đi chơi, cuối tháng sáu trời mưa là có những cơn bão rớt nhiều người mặc áo len những đám học sinh, mấy cụ già rủ nhau vào nhà bác cổ xem, Lan nhớ ở đây có trưng bầy một chiếc quan tài cổ, làm bằng nửa thân cây được khoét ở giữa đặt trong một chỗ đã được ngụy trang thành một cái hang và được soi sáng bằng ngọn đèn đỏ, muốn vào xem phải đi qua một tấm màn cửa cũng bằng vài đỏ, công trường trước cửa nhà hát lớn vắng hoe, nơi đây thỉnh thoảng học sinh toàn thành lại được huy động tới dự các cuộc biểu tình, cờ xí, biểu ngữ rợp trời, có nhiều khi ra khỏi đám người đông đúc đó, theo lối bờ sông ra về, Lan còn có cảm tưởng như những tiếng ồn ào ở đó vang vọng ra mãi tận mặt sông, và ngược lại trong những ngày vắng vẻ như thế này, đi qua đây Lan lại tưởng như nghe thấy những tiếng động của con sông lẩn khuất trên những bực thềm đá, và mấy bụi cây được chăm xóc kỹ lưỡng trên công viên trước của rạp.

Vào mùa nước lớn, ngoài tiếng nước chảy xiết, đứng ở công trường này, người ta còn có thể ngửi thấy mùi phù sa, mùi gỗ mục và các trái cây thối ủng bị cuốn trôi phảng phất trong gió.

Cái mùi vị tanh nhạt ấy còn nhiều khi còn bám mãi trong khứu giác, bởi vì vào mùa lụt, trời thường đổ mưa liên tiếp, đi tới đầu đường như người ta vẫn không ra khỏi đám hơi nước, và người ta vẫn có cảm tưởng như cái mùi vị ngửi thấy không hề phai nhạt, cái mùi của rêu phong, cây cỏ bị úng thủy, mùi ẩm mốc của một xó góc nào có trong nhà tình cờ người ta bước vào, một chiếc ngăn kéo, một hộc tủ lâu ngày mới được mở ra, cái hơi mốc nặng nề đó làm tưởng nhớ lại cả một thời quá khứ, những kỷ niệm hoang mang, không biết bắt đầu từ lúc nào, cũng có thể con sông mênh mông nước đó đã tỏa hơi lạnh bao trùm cả một phần thành phố và tin tức về các cuộc canh phòng đê điều, những khúc đê bị vỡ ở đâu đó hàng ngày người ta được nghe nói, những đoàn hướng đạo, học sinh các trường công tư trong thành phố, các cơ quan từ thiện, ngược xuôi trong các khu phố quyên tiền, xin quần áo, chăn màn cũ để cứu trợ, tất cả những công việc đó, cũng thêm vào, làm cho người ta luôn luôn tưởng tới con nước vây quanh, làm lầm lạc cả khứu giác, phần khác trong các vùng bị ngập lụt, những nơi này ngày này sang ngày khác bị vùi dưới các cơn mưa, luôn luôn có một mùi vị giống nhau, không khí ẩm thấp trong nhiều ngày đã ảnh hưởng đến sự hô hấp, những buổi sáng thức dậy bắt gặp một cơn nắng bất ngờ ùa vào trong phòng, Lan bàng hoàng như nhìn thấy thời tiết reo vui, nàng bỗng nghe lòng rục rã tự mình muốn thở gấp đôi nhịp thường, thở để lấy lại những hơi thở hao hụt trong suốt một tuần, một tháng bị dìm trong đám hơi nước, nàng có cảm tưởng như trong nhiều ngày ròng rã không khí nàng thở chỉ thấm nhập được vào nửa phổi, hoặc vì không khí ẩm thấp quá nặng đối với bộ phổi yếu ớt của mình, hoặc vì nàng đã không thể làm một sự cố gắng liên tục trong mỗi hơi thở được đầy phổi và do đó, dần dà nó đã thực sự làm cho nàng đôi lúc cảm thấy rõ ràng là sức khỏe bị suy giảm, những cơn nắng hiếm hoi bắt gặp trong mùa mưa, khi con sông chậm chạp hay mau lẹ, làm cho các mép nước lên cao thêm hay rút đi một cách đột ngột, có nghĩa là tại một vùng nào đó, đê đã bị vỡ, mọi người hốt hoảng chờ nghe những tin tức, chút nắng ấm không phải chỉ làm cho người ta thở được những hơi thở nhẹ nhàng, nó còn làm cho hai buồng phổi ấm lên trong ngực và nhất là nó còn có thể xua đuổi bớt những ý nghĩ u ám, những lo sợ lẩn khuất trong tâm trí, vì nó cũng có ý nghĩa những trận mưa thác lũ có thể sắp chấm dứt, và mùa lụt lội cũng sắp hết.

Trong những ngày nước lớn có dịp đi trên Cầu Long Biên, Lan thấy chóng mặt vì cường độ của dòng nước, con sông đỏ hồng phù sa, căng phềnh, đầy củi rều và những thân cây trôi từ rừng về giơ những cành khô lên khỏi mặt nước, giống như những ngón tay của người chết đuối, trôi phăng phăng dưới chân cầu, cả một dòng nước mênh mông băng tới khối chân đá khổng lồ đó bị ngăn lại, réo vang thành tiếng nghe hãi hùng, những xóm làng xanh biếc dưới thấp tưởng chừng như chẳng còn bao lâu nữa sẽ bị chìm ngập hết dưới cơn nước.

Mà thực ra tất cả những làng ở ven sông đều đã chìm trong cơn lụt, đi gần tới đầu cầu phía bên Gia Lâm, nhìn xuống các thôn xóm nằm ở phía bên này con đê ăn sát với mặt sông, các làng Ái Mộ, Bồ Đề, Lâm Do, nhà cửa bờ bãi đều một nửa chìm khuất dưới nước, nhiều căn nhà nước dâng lên tận ngang mái, những căn nhà lợp bằng lá gối ở ven sông, dù nhà nào cũng có một lũy tre bao bọc, nhưng mỗi năm chịu một trận lụt, chịu một vài trận bão, chịu sự tàn phá của những cơn gió mùa, những trận mưa và sương muối, hao mòn và bạc phếch, cái màu bạc của những lớp lá đã bị mưa gió soi mòn phẳng lì lẫn với mặt nước tràn ngập bên dưới, phản chiếu ánh nắng sáng choang sớm mai, cái nắng đang làm bốc hơi từng mảnh những mái nhà làm hiện dần lên cái màu khô bạc mà những trận mưa liên tiếp đã làm cho sũng nước, đã biến cái màu bạc phếch đó thành màu nâu nhạt, nhưng những cơn nắng giữa mùa mưa giông đó không được bao lâu, thoáng chốc cả bầu trời lại sụp xuống trong cơn mưa rồi mưa lại có thể đổ xuống mau chóng lê thê suốt một ngày, mưa thấu đêm sang ngày hôm sau, và cứ thế kéo dài có khi hàng tháng.

Lan đến lớp ngồi chăm chỉ làm việc. Nhưng trí óc nàng không được minh mẫn, luôn luôn nàng cảm thấy chẳng có lúc nào thực sự thanh thản, thày dạy, giảng bài như một công việc phải làm, học trò nghe và ghi chép cũng như một công việc phải làm, chẳng ai tìm thấy sự thích thú, say mê công việc nữa.

Rõ ràng là mọi người đã cảm thấy có một sự rung chuyển tận cội rễ của cái đời sống họ đã trải qua bao nhiêu năm, một sự đổ vỡ nào đó lại đang rình rập chụp xuống một lần nữa sau cuộc chiến tranh tàn phá, người ta đã cố gắng xây dựng lại, cái linh hồn buồn bã của thành phố tan nát dường như vừa kết hợp lại được, nhập lại được với truyền thống cũ, với quá vãng, đã hàn gắn được cái khoảng cách tan hoang đã làm đứt rời Hà Nội với lịch sử của nó, giờ đây cái linh hồn đó lại muốn sụm xuống, tệ hại hơn dường như nó đang muốn bỏ đi, muốn biến mất, những người Hà Nội đã nghe ra sự thúc đẩy của một chuyến đi, có lẽ người ta sẽ không thể ở lại đây được nữa, tại sao mọi người đã có chung cảm tưởng, thành phố này không còn thể là nơi dung dưỡng họ nữa.

Loài chim còn linh cảm trước ngày bão rừng, loài kiến biết trước cơn mưa lụt, người ta lại chẳng biết một chút gì về những biến cố trọng đại sắp xẩy đến với mình sao?

Tan buổi học trời đổ mưa sùi sụt Lan mặc áo mưa đi ra đường. Tuy nhiên vì trời mưa quá lớn nàng còn ngần ngại đứng núp dưới hiên.

Buổi sáng đi học, mẹ nàng bảo Lan hãy đi bộ, ngộ nhỡ tan học trời có mưa nàng có thể đi xích lô về, chứ đi xe đạp sợ ướt hết. Quả nhiên trời đang đổ mưa lớn.

Lan thích mưa nhưng trời mưa mãi cũng buồn. Vả lại trời mưa mãi đi đâu cũng thấy ngại. Nàng ao ước trời hãy có những ngày nắng ấm.

Thay vì đi xe như lời mẹ dặn, Lan lại men theo mái hiên các căn nhà, lần đi từng quãng, đứng lại ngó mưa, mưa ướt sũng trên mái ngói của các mái nhà nhìn thấy bên kia đường, những mái nhà vừa được xây cất lại mấy năm nhưng nay đã cũ, xem vào giữa những hàng ngói màu son nằm xếp đều trên mái đã có lần những viên ngói đen, những viên ngói đã bị tróc ra khỏi nóc trong trận bão năm ngoái, hay năm kia, đã được thay bằng những viên khác, nhưng những viên ngói được thay thế lại không được đem vất đi hoặc người ta còn để sót, nằm chổng trơ trên mái, đã vỡ vụn ra từng mảnh, chính những viên ngói vỡ này đã đổi màu một cách rõ rệt, hoặc chúng trở nên xám xịt hoặc chúng trở nên nhợt nhạt, xem vào giữa những viên ngói mà đứng từ chỗ nàng, Lan chỉ nhìn thấy cái cạnh đàng trước của nó, đã trở nên đen kịt, biến thành những vết lam nham, và trên những lớp ngói có những viên còn đỏ hồng, những viên vàng ứng rêu phong, những cạnh đen như bám đầy bồ hóng, Lan nhìn thấy những hạt mưa vỡ ra thành những hạt bụi nhỏ, trên những căn lầu cửa đóng kín, những căn lầu cửa sổ mở toang ra và ở trong tối om, những song sắt im lìm như những cửa nhà tù, Lan tưởng tượng ra những hồn ma vất vướng, một tiệm tạp hóa với tủ kính, chai lọ, thùng thiếc và những hũ bằng đất nung được bịt kín, những chiếc kim băng treo từng chùm trên sợi dây mắc ngang trong tủ kính, những cục băng phiến gói thành từng bao mười hai viên bằng giấy bóng kính trắng, vàng, những chiếc lược nhỏ để trong những cái hộp, dao, kéo, bàn chải giày, những hộp phấn viết bảng, những gói trà, những lọ kẹo bánh, những chiếc vợt và mấy hộp bóng bàn được xếp chồng lên nhau hộp trên cùng mở nắp đã khuyết mấy quả, một người đàn bà ngồi sau quầy hàng chăm chú đọc một cuốn truyện để trên hai đùi, bên ngoài hai đứa trẻ chơi đùa với nhau quanh một con ngựa gỗ, vài căn nhà được quầy lại phía trước bằng miếng cót và những mảnh gỗ cũ, bên trong đổ đầy những đống cát, đá vụn, người ta vẫn tiếp tục tái thiết, xây cất thêm nhà cửa, tiếng cười rộn rã vọng ra từ một căn nhà người ở chen chúc, một cửa tiệm may trong tủ kính có một hình đàn ông bán thân được khoác trên người những xúc vải, mở mắt ngó ra ngoài đường, một ngôi đền khuất sâu trong một ngõ hẻm đang được cúng lễ, tiếng tiu, cảnh, trống chuông khua rộn rã, những âm thanh bay ra ngoài đường, ngôi nhà thờ với những bực thềm đá ướt sũng, nặng nề, lạnh ngắt, cửa đóng kín, những người đàn bà tay xách làn đứng nép vào cửa một căn nhà núp mưa, những người khác chạy tất tả qua đường, những nữ sinh tóc bị gió thổi tung, vừa đi vừa tìm cách tránh những cặp mắt soi mói của những người ngoài phố, hoặc chẳng có một vẻ sợ sệt nào, họ đi một mình hay đôi ba người dắt díu, cười nói, đi phăng phăng dường chẳng buồn để ý gì đến mưa gió, những người còn nhìn các lối đi chìm ngập dưới cơn mưa bằng đôi mắt xa lạ, họ chắc chắn không phải là dân đã cư ngụ lâu ngày trong thành phố, những tờ kẻ ô vuông nhỏ, người ta ưa dùng để làm đơn, đơn xin việc, khiếu nại, tìm người nhà bị mất tích, những người khác không ngừng đi tìm việc cho đến phút chót vẫn không thể tìm được bất cứ một công việc gì, thành phố đầy những sự trái ngược ai oán, chiều chiều dưới những cơn mưa lạnh lẽo, dưới gầm cầu, trong các xó tối những căn nhà bỏ không, dưới gầm các xạp hàng phía ngoài các cửa chợ, luôn luôn người ta vẫn thấy những kẻ chui rúc, đói khát, họ như hồn ma vất vưởng của những năm đói kém, chết chóc cũ còn vất vưởng, còn sót lại.

Lan đang ngẩn ngơ suy nghĩ, dùng dằng chưa biết nên đi theo lộ trình nào để về nhà, nàng bỗng nghe tiếng gọi:

- Lan, Lan.

Lan quay lại thấy Quang đang dừng chiếc solex bên lề đường gọi nàng.

Lan chạy qua cạnh Quang.

Quang nói:

- Đi đâu thế ?

Lan bảo:

- Em vừa ở trường ra.

Quang hỏi:

- Sao chưa về ?

Lan nghe một trận gió thổi qua, những giọt nước trên cành cây rớt xuống hàng loạt cùng với màu nước mưa bị thổi tạt hắt đầy trên áo mưa, trên mặt mũi.

Nàng nói:

- Thì em đang đi về đây. Nhưng mưa thế này làm sao về.

Quang bảo:

- Cô ngồi sau xe tôi đèo về.

Lan lẳng lặng làm theo lời Quang. Chàng cho xe chạy, chiếc xe nhỏ lao vùn vụt trên mặt đường nhựa ướt, một vài quãng đường gập khúc gỗ ghế, trơn, hai bánh nhỏ của chiếc xe bị trượt, chiếc xe nẩy lên muốn hất hai người xuống. Nhưng cuối cùng Quang vẫn giữ cho xe không sao cả, và tiếp tục chạy.

Lan một tay ôm cặp, một tay nắm đằng sau chiếc yên xe.

Nàng nói:

- Coi chừng ngã anh.

Quang nói, tiếng nói của chàng bạt trong hơn mưa:

- Không sao.

Lan nghe cái lạnh thấm qua áo mưa vào người muốn làm rùng mình. Nàng run lập cập, trên mặt, dù nàng đã đội mũ tùm hụp che kín đầu, và chiếc mũ sụp xuống tới ngang trán, nhưng mưa vẫn hắt chẩy ròng ròng thành hạt trên mũi.

Lan bảo Quang:

- Em lạnh quá.

Quang bảo:

- Kiếm chỗ nào ngôi một tí không ?

Lan nói:

- Phải đấy.

Quang cho xe rẽ vào một quãng đường vắng. Ở đó, dưới một gốc cây lớn bên cạnh một bức tường dài quét vôi xám, màu xám của vôi, ướt nước sẫm lại, suốt dọc phố nhìn không thấy một bóng người, dường như hầu hết các căn nhà nằm dọc theo khu phố đều có cửa sau, cửa ngách mở ra quãng đường này. Lan có cảm tưởng rờn rợn như đây là con đường nhà xác, một người đàn ông già, căng miếng vải bạt làm nóc che, bầy một chiếc ghế gỗ dài đủ chỗ cho hai người ngồi, đen bóng, vài chiếc ghế đầu thấp, trước một gánh hàng gồm một bên là một chiếc tủ kính hình chữ nhật cao, một bên là một cái bếp được quây kín bằng một miếng tôn khói ám đen, đó là một hàng cà phê rong, trong tủ kính Lan nhìn thấy những chiếc bánh ngọt màu vàng, những miếng pho mát bọc giấy thiếc, vài chiếc bánh mì.

Quang nói:

- Đây là quán cà phê ngon nhất Hà Nội.

Lan đứng xuống rũ nước trên áo mưa bỏ mũ ra khỏi đầu dùng ngón tay tẻ tóc bảo:

- Chẳng biết có ngon thật không nhưng chắc là nhiều gió nhất Hà Nội rồi.

Quang dựa xe vào một gốc cây, hai người vào ngồi trên chiếc ghế dài nhỏ.

Chủ quán, người đàn ông tóc đã lốm đốm bạc, không tỏ vẻ gì mừng rỡ, dù quán của ông chẳng có một người khách nào, và lúc đó trời mưa tầm tã, Quang và Lan là hai người khách hiếm hoi bước vào trong quán.

Quang rút khăn tay đưa cho Lan thấm những giọt nước mưa bám trên mặt và trên hai tay. Sau đó chàng cũng dùng chiếc khăn Lan trả lại làm y như vậy.

Trong khi lau tay Quang nói với ông cụ:

- Cụ cho cháu hai ly thật nóng.

Lan vẫn không nghe ông già nói một tiếng. Ông dùng cái que gạt bớt than trong lòng chiếc bếp đỏ lửa ra chung quanh bếp, đẩy thêm mấy que củi vào cho bén lửa, bên trên bếp, ấm nước sôi tuôn khói ra khỏi vòi, và đám khói bị gió thổi tan ngay khi vừa rời khỏi vòi ấm.

Người đàn ông lấy ra hai chiếc tách, bỏ vào mỗi chiếc một thìa đường sau đó nhấc chiếc ấm xuống rót vào tách, lúc đó Lan mới biết đây là ấm cà phê không phải chỉ là nước.

Lan nghe hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra tận chỗ ngồi, nhưng chút lửa ấm không đủ làm tan hết hơi lạnh của cả một buổi chiều mưa vây phủ bên ngoài.

Lan yên lặng nhìn người đàn ông sửa soạn tách cà phê cho khách hàng. Ông ta làm công việc một cách chậm rãi, chăm chú, không cả ngước lên nhìn nàng và Quang.

Ông ta đặt hai tách trước mặt nàng và Quang.

Quang cầm chiếc thìa nhỏ khoắng nhẹ tách cà phê của Lan trước.

Chàng nói:

- Cô uống thử xem đã vừa đường chưa.

Lan bảo:

- Anh cứ để đấy cho em.

Người chủ quán để thêm ra trước mặt hai người một chiếc chén nhỏ trong đựng chừng hai thìa đường.

Quang cũng khoắng tách cà phê của mình sau đó chàng cầm lên uống liền.

Quang bảo Lan:

- Uống đi không có nguội.

Lan làm theo lời Quang. Nàng bưng tách nước nóng lên tay. Hơi nóng thấm vào bàn tay truyền đi khắp người cái hơi ấm mỏng manh không hơn chút khói bốc trên miệng tách.

Nhưng tách nước vẫn cho nàng cảm tưởng ấm áp thích thú.

Lan chỉ nhấm nháp một tí chứ không muốn uống hết tách nước.

Quang hỏi:

- Cô có đói không ?

Lan cười bảo:

- Không. Em không đói.

Quang nói:

- Tưởng cô đói có thể ăn một chiếc bánh mì...

Lan cười nói tiếp lời Quang.

- Ngon nhất Hà Nội.

Quang nói:

- Ngày xưa trốn học tôi thường ra đây ngồi.

Lan cười:

- Sao anh không rủ em đi với?

Từ lúc tới đây bây giờ Lan mới nghe ông cụ chủ quán nói:

Ông ta hỏi:

- Vừa đường chưa cậu?

Tiếng nói của người đàn ông trầm và ấm như được đốt lửa.

Quang đang cầm tách nước kề trên môi định uống vội vàng bỏ ra đáp:

- Được rồi cụ.

Lan nghe quanh mình gió cuốn, reo, tấm bạt căng làm mái của chiếc quán giữa trời bị giật phần phật. Nàng có cảm tưởng kỳ lạ như bị bão thổi tới một hải đảo xa xôi nào và cảm tưởng này làm Lan thích thú.

Khu phố hoàn toàn xa lạ với nàng. Lan không thể nhớ đã có lần nào đi qua con đường này chưa. Nhưng chắc chắn chưa có một lúc nào nàng đã ngồi nhìn từng gốc cây ngọn cỏ của khu phố như thế này, những bức tường dài che kín các căn nhà giống như những tu viện, những nhà xác, cái mái bằng bạt không đủ che cho người ngồi bên dưới khỏi ướt, những hạt bụi nước bay vào bám đầy trên mặt mấy chiếc ghế không người ngồi, trên mặt chiếc bàn nhỏ phía tay trái nàng và Quang trên mặt kính của chiếc tủ đựng bánh. Chỉ có chiếc bếp được che kín lửa vẫn cháy đều, ngọn lửa bị gió tạt reo ù ù, trên bếp ấm cà phê sôi phun khói như một ống khói tàu nhỏ.

Lan nói:

- Ngồi ở đây như lạc tới nơi nào vậy.

Quang bảo:

- Sinh viên trốn học gọi quán này là quán ''Trùng Nhị''.

Lan ngơ ngác hỏi:

- Tên gì oái oăm như thế?

Quang nói:

- Tên do cụ Nguyễn Đăng Cảo đặt đấy.

Lan càng ngơ ngác không hiểu. Quang nói thêm cho Lan hay hai chữ ''trùng nhị'' chỉ là hai chữ ''Phong Nguyệt Vô Biên'', tức là thiếu hai nét bên ngoài, đồng thời nó cũng có nghĩa là nơi gió trăng không có gì ngăn cản.

Trời vẫn mưa, nước rỏ xuống đều đặt trên mặt đường trống, những quãng không có cây che. Những hạt nước rơi vỡ giống như những miếng bông nhỏ, bị gió tạt thổi, chạy nhảy trên đường. Con đường gồ sống trâu, dồn nước chảy xuống hai bên lề, từ đó cuốn đẩy nhau trôi tuột về phía miệng cống.

Trên đầu hai người những hạt mưa nặng nhẹ khác nhau, khiến Lan có thể nghe và biết được giọt nào mưa thẳng từ trên trời xuống, giọt nào đọng trên lá cây rồi mới rớt xuống.

Trận mưa làm cho trời sa thấp xuống, Lan tưởng như chiều đã đến từ lâu, nhưng trời vẫn giữ cái vẻ âm u cũ, và ngày còn kéo dài mãi giây phút rút đi.

Tự nhiên Lan thấy muốn băng mình ra ngoài mưa, nàng muốn nhảy nhót như những hạt mưa trên mặt lộ.

Lan nói với Quang:

- Uống hết ly nước nếu trời chưa tạnh mình vẫn chạy về nghe anh.

Quang giật mình ngó Lan bảo:

- Ngồi đây thì chịu được, chứ chạy ra ngoài bị ướt rét lắm.

Lan nói:

- Không sao mà. Mình có áo mưa sợ gì.

Quang ừ hữ cho qua chuyện. Nhưng Lan có vẻ không chỉ nói câu đó như một câu đùa bỡn. Nàng muốn về thật. Nàng muốn dầm mưa chơi. Quang lại ngại việc này, rất ngại là đàng khác.

Chàng nói:

- Áo mưa thì áo chứ mưa thế này làm sao khỏi ướt.

Lan bảo:

- Ướt một tí ăn thua gì.

Quang kêu:

- Hai hàm răng đập một bây giờ chứ lại không ăn thua.

Lan không nói gì nữa. Nàng ngước mắt nhìn Quang, cái nhìn đầy vẻ năn nỉ.

Quang tảng lờ như không biết. Chàng hướng về phía bếp lửa, nhìn những ngọn lửa vàng ủ quanh cái ấm sắt reo sôi. Chàng thèm được hơ hai bàn tay bên ngọn lửa đỏ, dù mùa Đông chưa trở về. Bao giờ Quang cũng nhận ra mình luôn luôn chờ đợi trước những sự thay đổi của thời tiết, và sự chờ đợi này, đôi khi đã cho chàng cảm tưởng chàng được sống dài hơn cái mùa màng sắp tới.

Khu phố trong chốc lát như nổi lềnh bềnh trong nước, những ống cống không thoát đi kịp, nước dềnh lên gần kín mặt đường.

Người đàn ông già từ đâu vẫn chỉ hỏi Quang một câu xem ly nước của chàng đã vừa đường chưa, bây giờ lại yên lặng ngồi ngó mưa. Lan nhìn hai con mắt già nua của ông đã bắt đầu kéo một lớp màng mỏng, có những tia gân máu, ở trên lòng trắng của con mắt hình như cái lớp màng bọc ngoài có nhiều chỗ đã bị ngăn lại, đôi mắt mỏi mệt, có lẽ vì đã phải mở ra để nhìn mãi những chuyện không đáng, khoảng trời rỗng không bên ngoài phút này chẳng hạn, đã cúi gằm xuống để thổi bếp, đôi mắt đã bị ám khói, và có lẽ nó còn chứa đầy hơi nước. Khu phố yên tịnh, Lan không còn nghe một tiếng động nào khác ngoài tiếng mưa gió và thỉnh thoảng một vài cành cây khô mọt, không chịu nổi những cơn gió, gẫy bật thành tiếng nặng nề rơi xuống mặt đường, tiếng gió hút qua những sợi giây điện reo như tiếng sáo và, những tiếng những hạt nước rơi lõng bõng.

Tất cả những thứ tiếng động đó, chỉ làm tăng thêm cái yên lặng của buổi chiều.

Lan cảm thấy gai ốc rởm khắp người.

Nàng dục Quang:

- Về chứ anh?

Quang nói:

- Có điên mới nhào ra đường mà đội mưa lúc này.

Lan bảo:

- Thà chịu rét một ít về thay quần áo chứ ngồi đây nữa thì chết.

Quang nói:

- Cô lại gần bếp cho nó ấm.

Nói vậy nhưng Lan cũng cảm thấy thật sự lười biếng không còn muốn cử động nữa. Giá nàng có thể được ngồi yên ở đây không phải lo lắng đến giờ về thì thích biết mấy.

Nàng nói:

- Bữa qua đã về muộn, hôm nay lại về muộn nữa, ba em mắng chết.

Quang bảo:

- Mưa lụt trời làm sao về.

Lan không biết nói sao ngồi yên lặng ngó ra phía ngoài, những giọt nước đọng trên tấm vải bạt rỏ ròng xuống đất, sói thành những cái lỗ nhỏ, trơ những mảnh gạch đỏ tươi như son, mỗi lần một giọt nước rớt xuống, nước trong những cái hố nhỏ bị hắt hết ra ngoài, nhưng liền sau đó lại tụ lại che kín và cứ thế cái cảnh đó tiếp tục diễn ra mãi.

Nhìn một lát Lan thấy mỏi mắt và thấy mọi vật dường tối sẫm lại, mà có lẽ trời tối thật không chừng. Lan ngước nhìn một căn nhà ở tít phía cuối phố, qua khung cửa sổ, nàng nhìn thấy một ngọn đèn vừa được bật sáng. Cái ánh sáng chói, chiếu qua màn mưa đục, bầu trời lúc đó chẳng khác một tấm chăn ướt sũng, không có bóng dáng một đám mây nào, tất cả đã tan thành một màn hơi nước dày đặc trên những ngọn cây cao nhất, những đám lá đã biến thành màu xám tro, và đang dần dần đặc lại.

Người chủ quán cũng bắt đầu thu dọn những đồ dùng sửa soạn ra về.

Ông cụ mỉm cười báo với Quang và Lan:

- Cô cậu cứ việc ngồi. Tôi lo sắp sẵn vậy thôi chứ chưa về đâu.

Quang cũng ngồi yên ngó ra đường. Nghe tiếng người chủ quán nói, chàng quay lại bảo:

- Chúng tôi cũng đi bây giờ đây.

Lan nghe Quang bảo thế, tuy biết rằng chàng chưa đứng dậy đi ngay đâu, nhưng nàng cũng lo cái lại mấy chiếc khuy áo mưa, rũ lại chiếc mũ, vài giọt nước còn sót rớt trên nền đất.

Trận mưa đã nhẹ hạt, đèn hai bên đường vừa được thắp.

Ánh đèn sáng trong cái chạng vạng của buổi chiều làm Lan có cảm tưởng đêm đã xuống.

Hai người đứng dậy ra về sau khi trả tiền người chủ quán. Ông ta cũng đã sắp sẵn quang gánh chờ gỡ nốt tấm vải căng làm mái, rồi ra về.

Lúc ra đến vỉa hè đứng chờ Quang dắt xe ra, Lan quay lại đã thấy quán tối đen, nàng chỉ còn nhìn thấy hai con mắt như hai cái chấm trắng trên khuôn mặt đen đủi của người đàn ông ngước trông theo hai người.

Một cơn gió hất tung tấm vải bạt lên làm vũng nước đọng trên đó đổ ào xuống đất, tấm vải bị vặn vẹo một lúc rồi mới trở lại tình trạng bình thường.

Quang đẩy xe tới trước mặt Lan bảo:

- Ngồi lên.

Lan làm theo lời chàng.

Nàng nói:

- Coi chừng ngã đấy anh.

Quang quay đầu lại ngó xem Lan đã ngồi yên chưa rồi chàng mới bắt đầu dùng chân lết trên vỉa hè lấy đà đẩy cho xe chạy.

Chiếc xe bị ướt, Quang phải đạp một quãng máy mới nổ. Trận mưa vẫn chưa hoàn toàn dứt hẳn. Lan nghe quanh mình một tiếng ấm ầm nặng nề, hình như cùng một lúc có mấy chiếc xe lửa chạy ở đâu đó, trên những con đường sau lưng thành phố, nhưng cũng có thể đó chỉ là một đoàn xe nhà binh đang vận chuyển, và những tiếng động bị gió thổi tạt chỉ văng đến chỗ hai người cái tiếng vang nặng nề của nó, cũng có thể một cơn giông đã quật gẫy một cái cây gần đây, Lan còn nghe mặt đường rung chuyển.

Xe băng qua những vũng nước làm bắn tung tóe.

Quang giơ tay vuốt mặt bảo Lan:

- Cô bám cho chắc nghe.

Lan kêu:

- Anh chạy chầm chậm một tí.

Quang cười. Chàng vẫn cho chiếc xe bon theo tốc độ cũ. Xe chạy về lối Hàng Bông, đâm sang con đường Gambetta rộng thênh thang và đầy lá rụng.

Những chiếc lá vàng xanh lẫn lộn rụng đầy mặt đường bị nước mưa dán chặt, cành cây khô gẫy rơi ngổn ngang.

Giờ tan sở đã qua, người ta đã ra về hết hoặc còn nán lại đứng trú mưa ở đâu đó nên ngoài đường thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe hơi, đóng cửa kín, chạy vụt qua. Nước mưa làm con đường, từ vỉa hè cho đến các cây cối, đều trở nên bóng loáng trong ánh đèn.

Quang rụt đầu sâu trong cổ áo cắm cúi cho xe chạy.

Lan về tới nhà trời đã sụp tối. Quang thả Lan trên đường trước nhà.

Lan nói:

- Anh lại đi luôn sao?

Quang đáp:

- Đi. Tối nay tôi còn nhiều việc.

Lan cười hỏi:

- Đi chơi hả?

Quang nói:

- Chứ còn đi đâu đêm khuya nữa.

Lan hỏi:

- Mai em có gặp anh không?

Quang nói:

- Có chuyện gì cần không?

Lan nói:

- Không. Em muốn gặp anh thôi.

Quang ngó đồng hồ tay. Gần bẩy giờ. Khắp thành phố đèn đã thắp sáng.

Cùng với bóng tối bôi xóa không nhìn rõ trận mưa đã tạnh từ lúc nào cả hai người đều không hay. Gió lồng lộng thổi đầy hơi mát.

Quang bảo:

- Tôi phải đi làm. Cô gọi giây nói cho tôi lúc nào cô muốn.

Lan nói:

- Vâng.

Thật ra nàng cũng chẳng có việc gì cần thật. Nhưng Lan vẫn có cảm tưởng rờn rợn là thế nào rồi cũng có lúc phải rời xa cái thành phố thân yêu này. Nàng muốn được đi lại nhiều lần trên khắp mọi con đường, đi chẳng để làm gì cả, nhưng đối với riêng mình, Lan muốn ghi nhận lấy hình ảnh từng khu phố, từ bao nhiêu năm nay, nàng đi lại, lớn lên, trong bóng của nó, nhưng nàng lại chẳng bao giờ nhìn rõ một nơi nào cả, nàng đi lại giữa thành phố, như đi giữa một nửa có thật một nửa giả, những buổi sáng nắng chói, những buổi chiều u ám những tháng mưa giông, những ngày Đông lạnh lẽo, nhưng tất cả những sự đổi thay bên ngoài, Lan nhận ra lòng mình vẫn nguyên vẹn là tấm gương trong sáng.

Bỗng nhiên trong những ngày gần đây, Lan có cảm tưởng các bóng dáng của những hình ảnh nhìn thấy, cái lạnh lẽo ấm áp của thời tiết, cảm thấy bắt đầu báo hiệu sự đổi thay của nó, trên tấm gương lặng lẽ kia dường như chúng đang dần dần thoát ra khỏi tầm chiếu, tầm nhận ảnh của tấm gương, Lan lo sợ nghĩ rằng, một ngày nào đó, phải xa nơi này, nó sẽ chẳng còn sót lại một bóng hình nào của cái vùng trời bao la thân ái này nữa, tấm gương tự nó sẽ mờ tối, cái ánh sáng trong đáy sâu của tâm khảm nàng sẽ tắt, chẳng còn gì chiếu rọi cho nhìn thấy những hình ảnh của quá khứ, nhìn thấy bằng những lời thầm lặng ai oán.

Lan trở vào trong nhà. Quang gò lưng đẩy chiếc xe cho chạy trở lại.

Đêm rất nhẹ nhõm mà Lan nghe như hơi thở không đủ đầy trong lồng ngực.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ao%20mo%20phai&page=4