Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Suy nghĩ về một bài phỏng vấn ông Nguyễn Đắc Xuân

Lê Học Lãnh Vân

Một Nhóm Sinh viên Sử 4, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế, đã trình bày báo cáo về cuộc phỏng vấn nhà Nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, được tiến hành trong mối quan tâm về việc hai giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes cũng có tên trong đề án đặt đổi tên đường tại Đà Nẵng (1). Tôi xin trình bày những suy nghĩ sau khi đọc bài báo cáo này.

1)

Ông Nguyễn Đắc Xuân trả lời: “Trong vốn ngôn ngữ vốn có của ta mang đậm hồn dân tộc Việt: “Thị tại môn huyền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn”

“Thị tại môn HUYỀN náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn

Cái sai của câu này nhiều người đã nêu lên, chính là cái sai của chữ HUYỀN trong khi phải là chữ TIỀN.

Chỉ nghĩ rằng không hiểu sao một người mang tiếng học giả, nhà Nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, lại có thể sai cái sai khá sơ đẳng đó. Những học sinh dưới mái trường trung học Việt Nam Cộng Hòa, trong giờ học cổ văn đều được giảng giải rất rõ hai câu này, chính là hai câu đầu trong bài hát nói CHỮ NHÀN của nhà thơ tướng quân Nguyễn Công Trứ.

Thị tại môn TIỀN náo

Nguyệt lai môn hạ nhàn

Khi viết trật chữ TIỀN thành chữ HUYỀN ông Xuân cho thấy hai cái sai:

Sai thứ nhất là về ý nghĩa chơi chữ của câu. Chữ THỊ (chợ) đứng trước (TIỀN) chữ MÔN (cửa) thành ra chữ NÁO. Chữ HUYỀN của ông Xuân chép là vô nghĩa!

Sai thứ hai là về phép đối. Đây là hai câu bình đối, chữ trong vế đối là HẠ (dưới) thì chữ trong vế ra cũng phải chỉ vị trí. Chữ HUYỀN của ông Xuân hoàn toàn không đáp ứng! Phải là chữ TIỀN (trước) mới đủ tư cách đối!

Đây chính là hai câu chơi chữ, các chữ Thị, Náo, Nguyệt, Nhàn, đều là những chữ Hán. Ông Nguyễn Đắc Xuân thấy bốn chữ thuần Hán kia mang “đậm đặc tâm hồn Việt”? Phần tôi, tôi thích hai câu đó vì chúng mang một triết lý nhân sinh. Về Ý thì đẹp, cái đẹp từ tâm hồn cụ Nguyễn Công Trứ, chớ không phải đẹp vì là chữ Hán. Về chữ viết, chúng rõ ràng mang dáng dấp, hình hài Đường Tống, chính là hồn HÁN tộc chứ phải đâu “hồn dân tộc Việt”!

2)

Ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “việc dịch truyện Kiều ra chữ quốc ngữ đã làm mất đi một phần, nếu không nói mất đi rất nhiều giá trị của tác tác phẩm này

Ở đây, nhà “Huế học” lại phạm một lỗi đơn giản nữa! Cần biết rằng không có việc DỊCH nào ở đây hết! Truyện Kiều là truyện Kiều, Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm. Sau này, khi đã có chữ Quốc Ngữ, người đời sau viết bằng chữ Quốc Ngữ.

Trăm năm truyện vẫn Truyện Kiều

Dù thay chữ viết, chẳng điều tiếng chi!

Do đó, tôi thực tình không hiểu nổi vì sao khi viết Truyện Kiều bằng chữ Quốc Ngữ thì “đã làm mất đi một phần, nếu không nói mất đi rất nhiều giá trị của tác tác phẩm này” như cách thẩm định của ông Nguyễn Đắc Xuân!

3)

Khi nêu lên hai điểm trên, tôi thực lòng phân vân, không dám nghĩ rằng ông Nguyễn Đắc Xuân thiếu kiến thức. Có thể vì ông đã lớn tuổi, cũng có thể vì bài phỏng vấn viết không đúng lời của ông chăng?

Thông thường, bài phòng vấn trước khi công bố phải được đưa cho người trả lời phòng vấn duyệt xem bài có viết đúng, trung thực các câu trả lời hay không. Vậy nên cái sai đó cho thấy sự cẩu thả khi phát ngôn trước công chúng, hoặc của người trả lời phỏng vấn, hoặc của người thực hiện cuộc phòng vấn nếu không đưa cho người trả lời phỏng vấn xem lại.

Sự cẩu thả cho thấy sự coi thường công chúng, phải chăng nghĩ rằng công chúng không đủ trình độ thẩm định, phân biệt đúng sai? Người trí thức thật sự không bao giờ dám coi thường như vậy. Không chỉ có ông Nguyễn Đắc Xuân, nhưng từ thí dụ này gợi nhớ bao thí dụ khác, bao phát ngôn khác cũng mang nhiều sai lầm học thuật. Nền học thuật Việt Nam cho thấy đang có sự suy thoái không nhẹ, các môn học như văn, lịch sử, triết học không còn thu hút được học sinh, hay nói như một số người, bị học sinh ngoảnh mặt quay lưng, có mối liên hệ gì không tới những vị có số má như thế này trong giới học thuật chính thống? Thực là một vực một trời, “nhẹ như bấc, nặng như chì” nếu ta nhớ lại những Linh Mục Thanh Lãng, Cao Văn Luận, Nghiêm Toản, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi… thời trước.

Trong học thuật, sự nghiêm cẩn là một giá trị. Tính trung thực là một giá trị khác. Tính độc lập trong suy nghĩ và tính hoài nghi là những giá trị khác nữa!

Thiếu nghiêm túc trong kiến thức, thiếu nghiêm túc trong cách trình bày, làm sao có nghiêm túc trong tư duy, trong tác phong, và cả trong quan điểm? Và nếu không có những điều này thì làm sao có đủ tầm kiến thức và tác phong tri thức để suy nghĩ độc lập trong khi vẫn tôn trọng tinh thần hoài nghi khoa học? Làm sao để đứng được như một nhà trí thức độc lập chứ không phải trí thức công cụ, cho dù công cụ tự giác hay công cụ phát do tiềm thức?

4)

Khi nói tới tính nghiêm túc trong học thuật, tôi nhớ tới các vị tiên phong trong thời tạo ra chữ Quốc Ngữ. Đó là các ông Francisco de Pina, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes cùng rất nhiều người Việt cùng thời. Những vị này đã làm việc rất nghiêm túc, ghi chép cẩn thận. Các ông đã học hỏi tiếng Việt qua từ vựng, cú pháp, và xác định chính xác ngữ âm của từ vựng để ký âm. Những công việc này cần tinh thần làm việc cần mẫn, nghiêm túc, khoa học. Các ông đã tìm những người Việt trẻ mà các ông nghĩ rằng dễ chấp nhận đổi mới, để cùng với các ông sáng tạo ra chữ viết cho tiếng Việt mà các ông yêu mến. Lý do sâu xa là “để cho phép nền văn hóa Việt Nam tiến bộ một cách độc lập, tách khỏi nền văn hóa Trung Hoa, và để có năng lực sáng tạo, cần có những người trẻ, dám cởi mở để chấp nhận sự mới lạ này. Các bạn trẻ này sẽ hoàn toàn thoải mái với cả hai hệ thống chữ viết; như Pina viết: “với chữ của họ lẫn chữ của chúng ta”” (ref. 2). Tấm lòng của những vị này đã vượt ra ngoài phận sự của một nhà truyền giáo, đã là sự thấu hiểu, trân trọng và yêu mến nền văn hóa Việt. Người nay, mấy ai có tấm lòng như các vị?

Công việc rất có ích cho người Việt này được tiến hành từ thời đó, cách nay gần bốn trăm năm, và tiếp nối về sau bởi các học giả miệt mài và cẩn trọng, xin kể vài cái tên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… cùng các cộng sự. Từ hơn trăm năm nay bao thế hệ người Việt đã dùng chữ Quốc Ngữ ghi lại tâm tình, suy nghĩ, ước mơ, truyền bá kiến thức, thảo luận các đề tài khoa học, xã hội, tạo nên nền văn chương Việt bùng phát rạng rỡ…

Chữ Quốc Ngữ là món quà vô giá những học giả tiền bối chân chính của thế hệ trước gởi lại cho người Việt hôm nay, là phương tiện đưa người Việt tới nền văn minh nhân loại, giữ gìn các giá trị tinh thần của cha ông, độc lập với chữ Hán, thoát khỏi sự kiềm tỏa của nền văn hóa Hán.

5)

Chữ Quốc Ngữ được hình thành với những bước sáng tạo đầu tiên thuộc về các nhà truyền giáo đạo Ki-tô. Sau đó giai đoạn đầu được dùng nhiều và phát triển trong thời Pháp thuộc. Đây là điều tự nhiên, bởi ký tự La-tinh thuộc về phương Tây. Tuy nhiên, khi được người Việt dùng rộng rãi, nó đã trở thành lợi khí, thành công cụ được dùng rộng rãi nhất, thiết thân nhất, được yêu mến nhất của cả dân tộc. Cho nên, đừng gắn liền chữ Quốc Ngữ với một nhóm người nào, một tôn giáo nào, một chế độ nào mà kỳ thị, kỳ thị những người có công với nó, và kỳ thị cả với nó.

Trong hai câu nói của ông Nguyễn Đắc Xuân:

Chữ quốc ngữ không chỉ là công cụ để truyền giáo mà hơn thế nữa, thực dân Pháp đã sử dụng nó để cai trị dân ta. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của chữ quốc ngữ, nhưng không được nghĩ rằng chữ quốc ngữ làm cho đất nước ta giàu mạnh, văn minh hơn.”, “[…] chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta”, tôi cảm nhận “hơi nóng đời đời” từ địa ngục của lòng ông hậm hực thổi lên.

Cho dù “không thể phủ nhận vai trò của chữ quốc ngữ”, mà làm sao phủ nhận được, tôi không thấy chút tình cảm nào đối với chữ viết đã gắn kết người Việt và được người Việt mến yêu tôn quí.

Pháp đã rời nước Việt từ hơn nửa thế kỷ rồi mà lòng căm thù của ông còn mạnh vậy sao? Pháp, cho dù chiếm nước Việt, nhưng trong 80 năm trên đất Việt, họ cũng xây dựng nhiều công trình dân sinh như thành phố, đường sắt, đường bộ, bến cảng… cho dãy non sông này. Họ đã đem tới dân Việt nền văn minh Tây Phương nhân bản, khai phóng. Sao cứ mãi giữ ngọn lửa hậm hực với quá khứ đã từ lâu trở thành cái bóng mà nhắm mắt với những nguy cơ mất biển đảo bời Trung Cộng đang như lửa cháy trước mắt?

Có phải hơi nóng đời đời từ lòng hậm hực đó đã khiến người ta chọn dùng vũ khí, bạo lực thay vì thuyết phục, ôn hòa? Có phải hơi nóng đó khiến người ta nhìn nhau như thế lực thù địch thay vì anh em cùng chung gia sản, chung nguồn cội tổ tiên?

Thiên đàng, địa ngục hai bên”, nên chọn lối Thiên Đàng hay nên đâm đầu vào Địa Ngục?

Ngày 30 tháng 11 năm 2019

==================================

THAM KHẢO:

1) https://www.sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes.php

2) GS.TS. Roland Jacques, Vài suy niệm về Francisco de Pina và những bước đầu tiên trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ. FB. Tran Duc Anh Son, November 3 at 3:57 PM.