Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Đời ngửi khói

Truyện Cung Tích Biền

I

Đầu tiên bà mẹ đẻ ra một anh con trai, ngoài tên khai sinh chính thức, tên gọi thân mật trong nhà là Tôm. Hai năm sau, cũng bà mẹ này đẻ ra một cô con gái, tên là Cua, chính tôi.

Đương nhiên cha tôi là người tôi thương yêu nhất. Cái lẽ thường tình, vì ông, mẹ đẻ ra chúng tôi. Cũng vì ông, chúng tôi có những gốc rễ cùng nhau, dính liền những nỗi đời hân hoan, cùng nhớ nhung đau khổ, cùng một nhóm máu, một họ chung. Qua cái nhìn trí huệ, chúng tôi có những nối kết hiển linh đáng rùng mình, thiêng liêng hơn là việc vì cùng/chung nhau trên một bàn ăn.


Có những khi, nỗi nghi hoặc đã âm ỉ lên khói trong hồn, của vài chục năm sau những tháng ngày chia biệt, Tôm ra biển, rồi biệt tích; tôi bơ vơ đi tìm anh; mới thấy chúng tôi có những “của cải chung” thuở ấu thơ.

Chúng tôi có chung một căn phòng để ngủ chung, một căn nhà cha mẹ nhìn ra bãi biển qua một đường phố ven biển nhiều cây xanh; lá cây có thay đổi theo mùa xanh/rụng; bóng cây theo nắng sớm rực rỡ, hoặc chiều hoang buồn ngủ; mùa hè gió mùa thổi lộng; những mưa đầu đông chúng tôi đã tê cóng ôm lấy nhau tìm ấm.

Chúng tôi có chung những vỏ sò hai anh em nhặt lên bỏ chung vào cái hộp thiếc rỗng; chung cùng ly kem, mút chung cây kẹo; những vì sao đêm chung nhìn, không ai giành nhau tia nắng; chung một con nhồng nhảy nhót trong lồng. Con nhồng láu cá biết nói một vài câu ngắn ngủi, vâng dạ, chào khách. Rồi con nhồng một ngày lạnh lẽo, chết toi. Nó gầy nhom, bày nhiều mớ thịt xam xám như có ai thù ghét nó vặt trụi lông đêm qua. Lại có chung một con nhồng khác, trẻ trung yêu đời hơn con nhồng già vừa ngỏm. Cha tôi nói, để cho Tôm Cua có cái vui chung trong nhà.

Thời gian không bào mòn, mà chừng có những màn sương rêu ngày càng bao bọc, khiến mớ hiện thực, mớ của cải chung của tuổi thơ chúng tôi, ngày qua ngày, biến ra hư huyễn. Đã xa thẳm những cỏ cây, núi biển, chim muông, những trăng những mặt người. Những tên gọi có ý nghĩa biểu đạt sự vật hiện hữu, sờ nắm được, thuở kia, nay đã ẩn tàng là những biểu niệm trừu tượng. Chúng tôi tìm nhau, biến ảo trong cái thế gian mơ hoặc ấy.

Khi lớn khôn, nhớ lại cái ôm nhau đêm lên năm lên bảy, mùi da thịt ấm nồng, máu truyền nhau cái âm vang lênh đênh trong giấc ngủ âm dương; tôi nghi ngờ, hành trình ngộp thở ấy, có khi không phải do đường dây huyết thống, mà là từ một tình yêu tật nguyền nào đó giữa chúng tôi.

Hôm nay mất Tôm, tôi, một cõi hồn sứt mẻ, một nửa đời bị tê cóng lưu niên. Máu bên ấy, máu của ai, một nửa.

***

Từ bé, tôi rất kinh ngạc một anh Tôm khôi ngô nhưng tính tình có hơi lãng đãng, đã có những điều khác lạ hơn những trẻ cùng tuổi. Rất thông minh, trí nhớ rất tốt. Bài học gì chỉ đọc qua một lần là coi như thuộc nằm lòng. Ai kể một chuyện tiếu lâm, đọc một bài thơ khá dài, nghe qua, là Tôm nhớ đời. Lúc mười tuổi, trong đầu não của Tôm như đã được cài đặt sẵn một bộ sách lịch sử nhiều nghìn trang. Trần Cảnh lên ngôi vua Nhà Trần năm nào, Công Chúa Huyền Trân về với vua Chiêm Thành năm nào, Tôm kể ra thành thạo như con cháu, như chính người nhà của ông... Trần Thủ Độ.

Cha tôi, đời nhà binh, khá lạ lùng, ông không hề khen con mình giỏi giang mà cho rằng những hiểu biết “đáng nể” của con trai mình là không cần thiết. Thời nội chiến, đầm đìa những trầm luân, từ núi đồi tới góc phố, cái cần phải thành thạo là cách ném lựu đạn, bóp cò súng. Với cha tôi, cái đầu não thông thái không thể thay thế cái nón sắt. Giữa cái trái tim nồng nàn và chiếc áo giáp chống đạn, ông chọn cái sau.

Càng ngày, chừng được thần linh phù hộ, “cài sẵn trong đầu óc Tôm” mọi thứ; anh như đã từng kinh qua, đã học, hoặc đã gặp gỡ đâu từ kiếp trước. “Hiện tượng Tôm”, mang lại rất đỗi kinh hoàng cho mọi người.

Kể đường dài, Tôm cũng có nhiều dấu hiệu mà người đời cho là anh sẽ thành một gã khờ. Thường ngơ ngác trước những chuyện đời thường, thế tình, Tôm không hề lưu ý bụng mình đói no, lơ đãng trước lời chào hỏi của bạn bè. Sau này khôn lớn, tôi biết những cái thiếu, thừa, đói no giữa bình thường tục lụy, không động tâm được anh Tôm, vì lúc nào đầu óc anh cũng lưu lạc gió bụi, hoang mị theo những hình ảnh, những ý niệm, viễn cảnh trong một thế giới riêng mình. Đó là miền hoang rỗng.

Cha tôi di chuyển khắp miền, theo quân lệnh. Một thời, toàn bộ gia đình chúng tôi phải chuyển vào Nam theo cha. Vì quá nhiều vật dụng gia đình phải mang theo, chúng tôi di chuyển đường bộ. Tới một thành phố biển, cả nhà ngủ lại một đêm. Di chuyển cực nhọc, đêm, chúng tôi ngủ vùi. Sáng thức dậy, ai nấy nhìn quanh, chẳng thấy Tôm đâu cả. Cả cha mẹ hốt hoảng chạy đây đó, nhờ người này kẻ nọ, cùng nhau tìm con.

Là thế này, khoảng một giờ khuya, tiết trời mùa hè thanh vắng, đêm đó đêm trăng sáng tỏ, Tôm nằm cạnh cửa sổ, nao nao trong lòng, anh thức dậy, lặng lẽ bước ra đường, xem trăng thanh, phố vắng. Rồi ra tới bờ biển; biển đêm thăm thẳm, rừng dương cồn bãi, anh đi mãi một hồi, đi mãi, ra người đi lạc! Khi chúng tôi tìm được anh, thật kinh ngạc, Tôm đang trong một nghĩa địa. Bấy giờ sương đêm xuống lạnh lắm. Anh ngồi co người trong một mộ bia to lớn. Rêu xám, cỏ hoang.

***

Ai cũng bảo Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ai cũng mê được cư trú trong những khu giàu có phồn vinh, ngay trung tâm đô thị.

Tôm không ưa thích những phố thị sầm uất. Rất khoái những vùng ngoại ô, nhà cửa thưa thớt lẫn lộn với những vườn tre trúc, những ngôi chùa u tịch. Buổi trưa vắng Tôm thích ngồi một mình, sân chùa. Mẹ tôi lo sợ đứa con thông minh của mình mang bịnh u trầm.

Cha tôi khác, ông nói, không lo xa chuyện lơ đãng của đám nhỏ. Ông chờ một ngày Tôm đủ tuổi ông sẽ cho vào lính. Với cha tôi, khi là một anh lính, khép mình trong kỷ luật, gian khổ chỗ quân trường, đẩy ra chỗ chiến trường hiểm ác, không thể có dù một cái tích-tắc để suy ngẫm vớ vẩn về cuộc đời buồn nôn phi lý, mà phải làm sao để chiến đấu, bảo tồn được cái mạng sống chính mình cùng đồng đội, thì mọi con người, lúc ấy, sẽ “Nên Người”.

Năm ấy, cũng sắp mãn năm học, mẹ dự định những ngày hè, sẽ cho chúng tôi đi du lịch.

Nhưng vào một buổi sáng, những người lính mang quân phục khác hẳn với người lính Cộng Hòa đã xuất hiện trên các đường phố của Thủ đô Miền Nam. Trong cánh cửa khép hờ nhìn ra, cha tôi bảo họ chính là kẻ thù truyền kiếp của ông. Da dẻ họ xanh xao gầy ốm. Lưng còng khom vì sức nặng của vũ khí cầm tay, chiếc ba lô trên vai. Quân phục bạc màu chàm, nhăn nhúm. Họ là kẻ hôm nay đã chiến thắng, đã bước đi trên các đại lộ của Sài Gòn, nơi mà từ lâu chỉ là một viễn mơ, khó bước tới. Lẽ ra ai nấy phải cái bước hiên ngang, nụ cười tươi mở, nhưng sao mỗi khuôn mặt là mỗi đăm đăm những âu lo bàng hoàng; như họ mới chính là những nạn nhân của số phận.

Bấy giờ, cha tôi, bà con tôi, mỗi người bỗng như trúng phải một cơn gió độc, hay mỗi người đang vướng chỗ cần cổ một cục xương. Trúng gió thì buồn nôn. Hóc xương thì khó thở. Buồn nôn thì đâu thể tĩnh tại. Khó thở thì đâu nói năng được gì.

Có một chú nghèo khó, hớt tóc dạo; mẹ tôi thương tình cho chú một quãng đất trước nhà, chỗ lề đường; chú dựng cái lều, tạm hành nghề. Chú ít nói, mắt đăm đăm, luôn nhìn ngó mọi thứ. Chiều hôm ấy, khi mọi sự đời đã rõ ràng, Sài Gòn tiêu tán đường, chú lộ mặt là một anh nằm vùng. Câu dè bỉu đầu tiên mà chúng tôi nghe được là từ một người đã mang ơn mẹ tôi, chú thợ tóc. “Đời chúng mày, con cái nhà quan, từ nay sắp tàn rồi”.

***

Có một thời trần gian rất lạ. Sáng trưa chiều tối, cả thành phố đầy khói. Không phải cháy nhà cháy kho, mà khói rất mơ màng. Rất nhẹ nhàng, thư thả bốc. Người ta hè nhau đốt sách. Tất cả sách đã in ấn tại Miền Nam suốt hai mươi mốt năm qua. Sách của một nền văn chương học thuật Cộng Hòa. Dòng nhân văn, văn hóa rộng lớn ấy là không cần thiết với chế độ mới.

Tổ tiên, đã trở ra một tập thể tội hình, đã nhất tề bị buộc phải bước lên giàn hỏa thiêu. Từ ông Thiệu ông Diệm, ông Bảo Đại chí ngược về ông Gia Long, Nguyễn Hoàng, sách ra tro, đốt ráo.

Một lần, ham chuyện lạ, Tôm chạy tơn tơn theo đội thiếu nhi khăn quàng, thu nhặt sách báo từ các nhà nhà mang ra cống nạp, chờ đốt. Chợt thấy Tôm, chú thợ hớt tóc chỗ lề đường da dẻ thiếu máu hôm nào, nay bỗng thành ông phó chủ tịch phường trong chế độ mới, ông mắng ngay Tôm, “Cút ngay, mày không xứng đáng làm cái vinh dự thiêu hủy những tàn dư xấu xa này”.

II

Tôm của tôi bắt đầu nhiễm một căn bệnh rất lạ lùng, kể từ ngày “Khói ơi khói bốc lên trời/ những hồn chữ nghĩa một thời sầu đau” là “Bệnh ngửi khói”.

Anh như cái bọn thằn lằn, cái lũ mối mọt nơi cột kèo trên sườn nhà, trong căn phòng một người hút thuốc phiện. Ngày ngày đêm đêm, anh chàng nghiện nằm bên bàn đèn rít thuốc. Ngọn đèn mờ mờ ma cỏ, thứ ánh sáng tiên nâu. Mùi thơm từ khói thuốc hấp dẫn đã thu hút bọn thằn lằn mối mọt. Chúng thò đầu ra ngửi. Lâu ngày nên ghiền. Những ngày người ấy đi xa, phòng thiếu mùi khói thơm. Bọn lơ mơ kia rối rắm, vội vã tìm mùi, nhớ khói. Trên trần nhà, bày ra những con mắt lơ láo của bọn thằn lằn chờ ngửi. Trong thân ruột cột kèo, bọn mối mọt im re, quá mệt mỏi vì lên cơn nghiện.

Với Tôm, đã cao chót vót chỗ tổng thể, và có thể, anh đã nhận ra cái mùi đáng yêu từ những trang chữ, những hồn sách kia. Như những ai thèm mùi khói hương, từ những lư nhang, lò trầm chỗ chùa chiền. Những ai ly hương nhớ khói và mùi hương chỗ bàn thờ cúng tổ tiên nơi cố quốc.

Khói sách ấy bay lên là tụ hồn của núi đồi tre trúc, cỏ và nước, tiếng ca dao mẹ ru, tiếng lặng lẽ đêm mùa hè im vắng, em mãi chờ đây, “Anh sẽ về”.

***

Từ những trang sách cổ tới những sách mới vừa xuất bản tươi màu còn thơm mùi giấy, dòng chữ ký tặng trân trọng ở trang đầu, những triện son tác giả, những lòng thành chung nhau, những trí tuệ thanh cao tinh túy, tất cả hóa thân ra những đám tro tàn. Đầy ngập đó đây những vết thương cháy nám trên đường phố, hiên nhà, công viên. Trong nắng, tro tàn bay lang thang hỏi nắng. Chiều mưa, những dòng nước buồn bã chảy trên ven đường róc rách một màu đen. Lợn cợn mặt nước những mẩu giấy nhỏ nhoi từ các trang sách cháy sót. Chúng bồng bềnh lang thang. Một chưa hóa kiếp. Những ngập ngừng vết thương thời thế.

***

Đã hơn tuần nay, mỗi chiều tối, Tôm đốt năm bảy trang sách tiểu thuyết, hoặc một mớ trang giấy của một tập san văn chương- phải là giấy có in chữ, không phải giấy trắng. Anh đốt. Rồi, rồi anh... ngửi khói. Chừng mê mẩn. Chừng ngỡ ngàng say đắm. Anh đốt, anh ngồi, anh ngửi. Anh mơ hồ, như một con thú nhỏ nhoi trong ánh trời hừng sót lúc núi rừng đã vào đêm. Ánh lửa soi hiu hắt phía bờ ngực. Ánh sáng cái bóng Tôm mờ soi trên vách tường phía sau. Tôi đứng xa nhìn, anh như trong một hang động hoang mờ. Tôi không dám bước tới, cái thế giới bí ẩn kia sẽ nuốt chửng tôi ư.

Tôi rùng mình, sao ứa nước mắt. Trong mớ trang sách tan tác tan tành lẫn tang thương được Tôm gom về đốt ngửi, có những sách tự điển; nhiều trang màu sắc đẹp đẽ hình Đức Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung; sách dạy nấu ăn, có hình đĩa gỏi gà, hình cái lẩu; có khi thấy hình thi sĩ Tản Đà khuôn mặt chữ điền, tóc hớt ngắn, rất chịu chơi.

Bấy giờ, những hồn sách điêu tàn, những bức tử số phận không một lời từ tạ ấy, đã hằng đêm ngày bao quanh Tôm. Anh như một nhà học giả, chung quanh là tài/tư liệu, nhưng đây không là những quyển sách sang trọng và nguyên vẹn trong những thư viện trang nghiêm, nơi vinh danh cái trí tuệ, văn hóa của loài người. Trên nền nhà một cậu bé, giữa dấu hiệu một thiên tài lẫn một gã khờ ngây, là những trang sách rời rã, bị bức thoát ra ngoài thân xác vốn nguyên lành, mới ngày hôm qua.

Cái đám “chữ nghĩa bại trận” chung quanh Tôm, trong khuya khoắt đáng lạnh người ấy, được Tôm tuần tự móc lên từng tờ, ngồi âm thầm đọc. Rồi lặng lẽ ngửi. Anh phải lưu giữ cái kho tàng chữ nghĩa ấy, qua mùi. Những khói ấy có là vĩnh cửu khi tiếp cận máu người?

Tôm âm thầm, Tôm tuần tự lượm nhặt, và đọc, rồi khói bay. Khói mệt mỏi, không muốn lên thinh không. Khói ốm o, rời rạc từ một mớ văn chương, vài trang triết học, mỹ thuật, một bản nhạc. Con khỉ ngửi. Con khỉ cô độc.

Thế giới cô quạnh đêm khuya của riêng Tôm, nhìn mà rùng mình. Trước mặt, chung quanh Tôm, bữa tiệc tàn, quỷ ma lộn xộn một mớ rau sống đồ thừa, đổ chung bừa bãi trên nền đất, không cần bát đĩa. Cho vào miệng một món gì ấy, một ít rau thơm, lại thêm một cọng hành. Tôm đọc từng tờ này sang tờ nọ, khuôn mặt, đương nhiên tai mắt mũi họng, dịch chuyển theo từng vui buồn gợi ra từ những nội dung ấy, qua chữ. Một lúc thẫn thờ. Một lúc hoang mang. Tôm chìm, đêm sâu. Đêm Sàigòn im vắng cái xác chưa nhắm mắt, đang u hiển mong chờ. Chờ một ai thân yêu sẽ trở về vuốt mặt, êm xuôi.

***

Tôm buồn bã nhìn ngọn đèn dầu khuya – điện thành phố đã bị cúp mấy đêm liền – lại ngơ ngác nhìn quanh, tai lắng nghe cái im vắng lạ thường ngoài phố đêm Sài Gòn. Giấc ngủ của ai vừa thở vừa như chết. Giấc mơ khuya gỡ gặp nhau giữa thân này hồn nọ, trên lưng mỗi con người khốn khó lại phải cõng một người, cùng đi tìm nơi cấp cứu. Sài Gòn bỗng lẻ loi và xiêu lệch. Tôm đốt thêm mấy trang sách. Rất thánh thiện, Tôm ngửi khói. Thuần thành như một Phật tử dâng hương. Nhắm mắt, nhắm mắt. Ngửi. Và ngửi. Tôm tắm rửa trong tro khói cái số phận chính mình.

Tôm bồng bềnh cái hiện thực xám ngắt tro bụi của hôm nay. Lửa khói kia bàng bạc mùi hương đọa lạc, nỗi oan từ chữ nghĩa nát tan hình hài.

Rồi những đêm rất dài, lây lất đêm âm dương tịch mịch của Tôm, đã dần dà hóa biến trong tôi. Tôi, con Cua bé nhỏ này đây, con Cua tê cóng của anh Tôm, nay đã lây bệnh Ngửi.

Nhưng trong tôi, khói hoạn nạn không còn bay, cái bay lãng đãng không lời. Mà khói nặng nề. Khói lê bước đó đây. Bước mỏi mê từ những con hẻm quanh co dẫn ra tới những đại lộ trung tâm thành phố, nơi có lần tôi nhìn thấy một chợ hoa bày biện rực màu mỗi cuối năm. Khói đau. Khói tiếc nhớ. Những âm vang khói chạm đất khi có khi không. Bàn chân khói, màu lửa than, thân hình khói luôn biến dạng. Máu trong tôi mê man những khói. Trái tim quê nhà bầm đời khói. Tôi có thể vuốt mặt, chặn dòng nước mắt khi khóc. Nhưng bất lực với những niềm đau âm u không rõ vết.

***

Tôm bị đuổi học. Anh nằm trong những danh sách rất dài, thành phần không được tới trường học. Ngoài cái tiêu chuẩn đương nhiên cách mạng dành cho con cái “Người bại trận”, Tôm còn mang một cái tội khác. “Tôm thông minh xuất chúng” luôn rất nhiều thắc mắc, luôn phê phán điều sai trái. Vậy là “Có vấn đề về tư tưởng”. Tôm cần phải vào trại cải huấn dài ngày.

Tội nghiệp Tôm, sau khi bị đuổi học, anh bắt đầu lẫn lộn giữa thực và mơ. Nhầm lẫn giữa cơn mưa có thật về sáng với trận hỏa hoạn người ta đốt cái nhà của cha mẹ mình trong ác mộng. Anh la thét trong bóng tối, lúc trời đang cơn mưa dữ bên ngoài, “Tôi cháy, cháy”.

Quả là lúc năm giờ sáng trời có đổ cơn mưa lớn. Cơn mưa hiện thực đã trở thành ngọn lửa thiêu trong giấc ngủ về sáng của Tôm. Một lúc ngưng mưa, nơi đường phố dẫn tới công viên đã râm ran tiếng hát của một bọn thiếu niên. Chúng đi từng đoàn, có nhịp trống, họa cùng tiếng hát. Tôi và Tôm không là thành phần “Tương lai của tổ quốc” trong đó. Từ nay chúng tôi đi ngoài dòng đời. Hừng đông tỏa sáng ngoài kia, không phải để sưởi ấm chúng tôi.

III

Cha ăn tiệc cúng ngày Tết Đoan Ngọ mồng Năm tháng Năm buổi trưa, cùng mẹ và hai chúng tôi. Mẹ buồn lắm. Một giờ chiều cha mang một cái xắc, trong đó mẹ bỏ vài bộ áo quần, một ít thuốc men, để cha vào trại tập trung. Trước khi rời nhà, dù buổi cúng trưa đã xong, cha vẫn thắp thêm ba cây nhang, đứng trước bàn thờ, ông bái lạy ông bà. Cha bảo, ba nén nhang này là tỏ lòng mang ơn, và để tạ từ tổ tiên.

Cha tôi đi. Rồi, các chú các bác tôi, những bại binh bất đắc dĩ, lần lượt vào các trại tù, tận sâu trong núi rừng. Trong rất nhiều năm dài, cũng như mẹ tôi, các dì các cô của tôi, ai nấy sống lẻ loi, không có người chồng, không người cha thân yêu trong nhà. Ai nấy sợ hãi và đợi chờ. Ai nấy tự xoay xở cơm gạo để mẹ con sống cùng nhau qua ngày. Một cái gì đó chẳng rõ bóng hình trong đợi chờ. Một cái gì chập chờn lơ lửng, có thể chết thật hoặc chết hụt. Không rõ cái hoang mang. Chưa thể đặt tên nỗi chết. Đợi và Chờ.

Khi cha tôi mang cái xắc tần ngần bước ra khỏi cửa nhà, thuở ấy, tôi vẫn nghĩ, “Rồi cha sẽ về”. Tôi yêu lắm, khi cha tôi bỏ cái xắc một bên, ông bế tôi lên, cười, và hôn vào má của tôi. Chẳng ai nghĩ đó là cái hôn để mãi mãi chia biệt.

***

Từ trong nhà tù cha tôi nhắn tin cho mẹ, bảo là hãy tìm mọi cách bỏ nước ra đi. Ông nguyện chết một mình, mẹ con muốn tạ ơn ông là phải bằng cách Ra Đi.

Mẹ tôi đóng tiền vàng, để người ta tổ chức cuộc “ra biển”, nhưng bốn lần đều bị bắt lại. Sau cùng, mẹ tính kế mỗi mình anh Tôm ra đi. “Nếu lọt, tính sau”.

Mẹ đưa anh, còn tuổi vị thành niên, đến một xóm đạo tại Bà Rịa, ở nhà một người bạn rất thân thíết của mẹ. Xóm đạo gần biển, đã rất nhiều cuộc ra đi thành công, gọn nhẹ. Hầu hết bà con Công giáo nơi này là từ miền Bắc di cư vào Nam, từ hai mươi năm trước.

Mẹ may cho Tôm một cái quần xà lỏn (quần đùi) bằng loại vải dày, bền chắc. Ngay chỗ lai quần mẹ thêu chỉ màu đen tên tuổi anh Tôm, thêm tên cha mẹ. Mẹ dặn dò Tôm nhiều lần, “Con phải mặc cái quần này suốt hành trình. Nó nhắc nhở nếu lúc con quên những chi tiết cần thiết khi cung khai lý lịch, hoặc liên lạc về sau với gia đình”.

Tiền vàng mẹ đã trút hầu bao cho những chuyến đi bất thành, bây giờ cạn láng, không đủ tiền đóng góp để đi cả nhà ra đi. Đành cam tâm, đau xé ruột gan để thằng bé Tôm đi một mình.

***

Tôi có ngồi cùng mẹ buổi chiều tiễn đưa anh Tôm. Chỗ bực thềm giáo đường, tôi và anh không nói được gì. Tôm đã sợ hãi cái thế gian mình được sinh ra. Anh không có mong ước như mọi người, những hy vọng tươi sáng về một cuộc sống hạnh phúc, bên kia biển.

Nắng vàng rừng thông xa phía kia. Tôi đã nghe tiếng sóng biển. Chúng tôi nhớ con nhồng, những vỏ sò.

Cuộc hải hành ấy sau đó, một tháng, rồi một năm, không một ai gởi một tin lành về quê nhà. Mấy năm sau, có một người trở lại. Chị ấy nói rõ, chị nhớ lúc nổi trôi trên biển, lúc đầu chị rất gần cậu bé đáng yêu ấy, cậu bé ra đi chỉ bận mỗi cái quần đùi. Chị ngậm ngùi nói “Trôi dạt mỗi phần một nơi, một ít được tàu biển cứu, một mớ có thể được vào bờ. Ông trời không tàn nhẫn, tiêu diệt hết đâu”.

Nhất định anh Tôm của tôi đã đến được một bãi bờ nào đó. Có ngày anh em sẽ gặp lại nhau. Tôi vẫn đợi chờ. Mỗi buổi chiều, khi còn chút nắng hiu hắt trước hiên nhà, tôi vẫn mơ hoặc Tôm còn bơi trên biển. Chiều vàng tênh phương này chắc là đã nhiều khói phía biển sóng bên kia.

Tôm đã mang khói đi. Đêm nay, tôi còn một món của-cải-chung với anh. Đó là tấm chăn cũ, anh em đắp chung, ngủ chung giường thuở tôi lên năm.

Tôi hôn tấm chăn, như Tôm ngửi khói sách.

Little Saigon 2-2018.