Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Nhân 210 năm sinh của Cao Bá Quát (1809-2019): Cao Bá Quát – thi sĩ nhân dân

Nguyễn Phú Yên

Cao Bá Quát (1809-1855), một con người tài hoa, một nhà thơ lỗi lạc trong suốt mười thế kỷ văn học Việt Nam – cái hình bóng sáng ngời trong tâm hồn những thế hệ đi sau với cái ý thức sáng suốt và mới mẻ của ông về sứ mệnh của văn chương. Tôi chợt nhớ đến con người ấy khi nghe Georgi Plekhanov (1856-1918) phân biệt rõ hai mẫu người thi sĩ. Thi sĩ phong kiến là người sống xa rời quần chúng, bỏ quên những thực tại to lớn của hoàn cảnh và xã hội để chỉ ca tụng phong hoa tuyết nguyệt, ngao du sơn thủy, đắm chìm vào những ảo vọng. Trái lại, thi sĩ nhân dân là người đặt mình thật sâu trong lòng quần chúng, rung cảm những khổ đau và mơ ước đích thực của họ.


Cao Bá Quát lớn lên trong khung cảnh của một chế độ phong kiến đang ở thời kỳ củng cố và phục hung. Bọn thống trị ra sức hành hạ dân đen trong những công việc nặng nề kéo dài đến trọn cả kiếp sống của họ. Từ những thành quách lâu đài đến những đê điều quan lộ, người dân cần lao luôn luôn cảm thấy mình không còn đủ quyền sống, chưa nói đến một đời sống hạnh phúc. Đó là nguyên nhân của một xã hội đói khổ, lầm than và bất công; đồng thời là mầm mống của những cuộc nổi loạn khởi lên từ phía dân chúng. Cao Bá Quát ngay từ thời niên thiếu đã phải sống trong một xã hội đói khổ và bất công đó. Cái nghèo đã giày vò con người thi sĩ và bọn quan lại đã chà đạp tài năng xã hội, để rồi cuối cùng nhà thơ của chúng ta đã phải đứng dậy bên cạnh những kẻ khốn cùng chống lại đám thống trị, mong xoay vần một cơ đồ mới.

Qua văn chương Cao Bá Quát, con người ông hiện lên một cách khá rõ rệt. Đây không phải là một người có bản tính ngạo ngược, khinh đời mà trái lại ông ý thức về tài năng của mình và rất tự phụ khi đánh giá tài năng của mình trong thiên hạ. Nhưng thật ra đó chỉ là bề ngoài, và cái bề ngoài tự phụ vẫn là thói thường của nhiều nghệ sĩ tài hoa nhưng ngang tàng và tự tín. Chỉ đi sâu vào bên trong con người họ Cao, ta mới thấy ông có một tâm hồn rất cởi mở, nồng thắm lạ lùng, một tâm hồn biết mến yêu cuộc sống bình dị nhưng thắm thiết tình cảm. Đọc mấy bài thơ làm lúc trở về nhà cũ sau bao năm cách biệt, ta sẽ không thể không cảm động trước cái chân tình của một người vốn bị coi là “cao ngạo”. Đây là một bài trong số đó:

Thình lình thấy nơi quê hương hẻo lánh (của mình)

Càng mừng rỡ càng đi mau/ Xóm chợ đều có người ở

Tre pheo tốt tươi quanh làng/ Ngõ sâu nối với đường cái

Cất tiếng gọi cổng tre/ Trẻ xóm nấp nhìn trộm

Bầy chó tranh cắn vang/ Ngồi đoạn cởi áo ra

Rửa chân lượn vườn sau/ Ao cạn đầy cây nghễ già

Rễ cây xuyên qua tường chỗ nứt.

Thân ta lìa làng mấy lâu/ Nghĩ lại như chiêm bao

Việc công danh to tát trong đời

Lấy thân mình phục dịch cho nó còn nói gì nữa.

Người quen biết thấy ta cười/ Cầm tay như anh em

Bà con đổ đến hỏi thăm/ Hàn huyên chuyện ân cần.

Cảm ta kẻ thân cố đến thăm/ Hãy còn nhớ đến không bỏ

Ly biệt vốn là thường tình con người

Bạn bè giúp nhau, nghĩa lý xưa vẫn chuộng thế.

(Về chỗ ở cũ)

Thật là những câu mộc mạc vừa tả được cảnh vừa nói được tình, và tình cảm của ông tưởng chừng tập trung cả vào đấy, cái vui cái buồn, cái giận, mừng rỡ, lo lắng lẫn lộn ngổn ngang trăm mối trong mấy vần thơ ngắn.

Do từ nhỏ đến lớn bị cảnh nghèo dày vò, lại được sống gần gũi nhân dân cần lao nên ông đặc biệt cảm thông với những nỗi đói rách, tủi nhục. Cảnh ngộ một ông thầy thuốc lang thang túng đói trong bài “Dọc đường gặp người đói” được ông vẽ lên xúc động biết bao! Tuy nhịn đói nhưng vẫn không quên giữ thể diện:

Gặp ai vẫn tươi tỉnh/ Muốn nói nhưng nghẹn lời.

Câu kết “Chợt no dễ khốn người triết lý về lẽ sống một cách rất đơn giản nhưng rất sâu sắc. Khi xem một cuộc thi ở huyện, ông không khỏi nhớ đến nông nỗi mà mình đã nhiều lần trải qua:

Chính thị văn chương tân khổ địa

Mỹ nhân đường thượng thái kiêu ca

(Chính là chỗ cay đắng của văn chương hoành hành

Tiếng ca của người đẹp ở nhà trên rất kiêu ngạo)

Dưới ngòi bút của ông, cảnh nhà ả đào tựa hồ không phải là nơi “hành lạc” mà là nơi “lạnh lẽo, trơ trọi”. Trong mấy bài Trông Khoái Châu có cảm xúc, ông nói đến cảnh hoang tàn của một vùng đất hình như bị bọn thống trị triệt hạ vì có cuộc khởi nghĩa. Mấy chữ chồn cáo suốt ngày hoành hành giận chưa lấp bằng tố cáo cảnh tượng bi thảm đến mức kích động mãnh liệt tâm hồn thi sĩ. Và còn những bài như Bài ca Hòn Ngư (Nghệ An), ông cảm thương cho kiếp sống của người dân miền biển mỗi lần gặp bão: cha mất con, vợ mất chồng… Bài Nghe cóc kêu, ông lại trách con cóc sao kêu chậm trong lúc nhân dân đang mong đợi hạt mưa…

Trong cái tình thương của họ Cao có cuộn lên một nỗi giận dữ, bực tức và lo lắng. Đáng để ý là trong bài Ngày mồng bảy tháng chín, vì việc trường thi Thừa Thiên, bị hạ ngục ở trấn, ông khóc cho mình chỉ một phần, còn phần khác ông dành cho kẻ vì mình mà mang lụy, dành cho cha mẹ già vô tội sống côi cút ở ngoài kia không biết có liên lụy gì không. Ở đây ta lại càng thấy tình yêu con người đậm đà ở nơi ông ngay trong những giờ phút cùng quẫn nhất.

Cảnh sống ngột ngạt của nhân dân cũng như của chính mình làm cho họ Cao phẫn uất. Ông bị bọn quan lại, nho sĩ ganh ghét vì cái tài hoa của ông đã làm bọn chúng phải điên đảo tinh thần. Hơn nữa bọn chúng là những kẻ xu phụ, nịnh hót và luồn cúi cho nên có điều kiện để dìm con người thi sĩ xuống chỗ đau thương. Nhà thơ của chúng ta đã âm thầm chịu đựng và cam nhận sự đau đớn làm chua xót cả tấm lòng:

Nỗi mình tưởng đến mà đau

Chút danh theo đuổi mái đầu hoa râm.

(Đề sau khúc Yên đài Anh ngữ của quan đô sát Bùi công)

Trong tiếng nói của ông có cái đau xót tưởng chừng không thể chịu đựng được nữa. Nhìn thấy sóng biển ở đèo Ngang, ông ngao ngán cho thân phận mình:

Bạn chả thấy mặt biển lô xô sóng bạc đầu

Con thuyền bạt gió lạc về đâu?/ Sóng dồn chớp giật bao thê thảm…

(Bài ca ở đèo Ngang trông biển)

Đi ở truông cát, ông cảm thấy mình như sa vào giữa một vòng vây trùng trùng điệp điệp không có lối ra. Bài ca sau đây cho ta cái cảm giác như ông đang đứng trước một con đường cùng, đến nỗi từng vần một đều vang lên ý nghĩa kêu cứu:

Bải cát dài tiếp đến bãi cát dài

Một bước (tiến lên) lại một (bước lún) lùi về sau.

Mặt trời đã lặn mà đi chưa hề/ Khách đi lệ chan hòa…

Đời này kẻ tỉnh thường ít, kẻ say nhiều.

Bãi cát dài! Bãi cát dài! Mày làm gì được nó.

Con đường bằng phẳng thì mênh mang, con đường sợ hãi thì nhiều.

Hãy nghe ta hát một bài ca cùng đồ

Phía bắc Bắc sơn: núi muôn lớp,

Phía nam Nam hải: sóng muôn đợt,

Sao (ta) lại còn đứng trên bãi cát này?

(Bài ca ngắn đi trong bãi cát)

Ta dễ dàng thấy được cái uất hận dâng cao ngập trời ở Cao Bá Quát. Và đây chính là ngày hôm trước của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, của việc dùng bạo lực quật lại bọn thống trị nhà Nguyễn mà thi ca đã không thay đổi được bọn chúng.

Tóm lại tâm hồn Cao Bá Quát là một tâm hồn thắm thiết của một người đứng về phía quần chúng, phản ảnh cái buồn rầu, đau khổ, phẫn uất của quần chúng – tức cũng là cái thế không chịu đựng được nữa của quần chúng. Mặt khác, qua đó ta cũng có thể hình dung ước mơ đạp cho bằng được những bất bình về xã hội của thi sĩ, cái ước mơ không những được thực hiện bằng cả tiếng nói vang vang của nghệ thuật, của thi ca mà bằng cả hành động dấn thân, cả giá trị cuộc đời của mình nữa. Cao Bá Quát là thi sĩ lớn lên trong lòng quần chúng vậy.

*

Từ hình ảnh đó, ta thấy Cao Bá Quát, khác với đa số nhà nho, có một nhân sinh quan phải kể là mới mẻ và lành mạnh. Cố nhiên ý thức, tư tưởng của ông không thể nào vượt qua ý thức, tư tưởng đương thời. Cái chủ đạo trong đầu óc thi sĩ của chúng ta vẫn không ngoài lý thuyết Khổng Mạnh. Mấy chữ Quân ân thần khả báo thay cho Thần khả báo quân ân với dụng ý tôn vua đứng trước, nếu đúng là của ông thì có thể là một ví dụ. Tuy nhiên trong người ông đã nẩy mầm một tư tưởng mới có xu hướng chống đối một trật tự đạo đức của chủ nghĩa phong kiến đương thời. Ông không nhìn đời qua lý trí mờ ám của xã hội phong kiến, của tầng lớp nho sĩ mà biết nhìn bằng con mắt sáng suốt của một đầu óc hồn nhiên, thẳng thắn, thông minh hơn đời của mình. Nghĩa là cái yêu, cái ghét của ông đều dựa trên cảm tính chân thành của một người đứng về phía những người bị áp bức, bóc lột. Cái nhân sinh quan ấy được hun đúc bằng tính chiến đấu khá mãnh liệt sẵn có trong Cao Bá Quát, nó sẽ tạo nên cuộc đời ngang tàng của ông. Bởi vì nhân sinh quan của họ Cao không thể khuôn được vào cái nhân sinh quan lạc hậu của xã hội đương thời, mà nếu có khuôn được chăng nữa thì trước sau thế nào cũng tan vỡ.

Trung thành với cảm tính, thấy việc phải là ông làm ngay, thấy điều trái là ông đả kích, không chút câu nệ, ngần ngại và cũng không nghĩ đến hậu quả của nó có hại đến thân mình. Việc ông dùng son hòa với muội đèn để chữa những quyển phạm vào tên húy của hoàng gia lúc chấm thi ở trường Thừa Thiên là một minh chứng về cái tính biết quý trọng tài năng người khác của Cao Bá Quát. Ông không coi phạm húy là một cái tội và cũng không thừa nhận đấy là tiêu chuẩn để phế bỏ nhân tài. Chỉ ở điểm này cũng đủ thấy cái nhìn của ông khác xa cái nhìn tầm thường, hẹp hòi của đương thời biết mấy.

Mấy câu thẳng thắn thú nhận cái lạc hậu của học thuật nước nhà sau khi được tai nghe mắt thấy sự tiến bộ của nước ngoài càng chứng tỏ không lúc nào ông muốn bao che sự thật:

Nhai văn nhá chữ buồn ta,

Con giun còn biết đâu là cao sâu.

Tân Gia từ vượt con tàu

Mới hay vũ trụ một màu bao la.

Giật mình khi ở xó nhà,

Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.

(Đề sau khúc Yên đài Anh ngữ của quan đô sát Bùi công)

Mặc dù chưa có một nhận thức chính xác về quyền lợi nhân dân – cố nhiên hạn giới của lịch sử lúc này làm sao có thể giúp ông tự đề ra mục đích chính trị chân xác, một nội dung lý tưởng có hệ thống rõ ràng được – những tư tưởng, tình cảm của họ Cao đã bao hàm một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Thi sĩ bày tỏ cho ta biết một xã hội suy đồi đang làm đau lòng thi sĩ:

Tọa thị đương đạo kiêu sài lang,

Bạch đầu trú cẩm ô cố hương.

(Ngồi nhìn lang sói nhông đầy đường

Đầu bạc áo gấm nhơ cố hương)

(Tống Nguyễn Trúc Khê xuất ly Thường Tín, Hải Thạch dịch)

Sự quan tâm đến dân, đến nước của ông vẫn thường được ông nhắc đến trong văn chương. Những câu thơ đều có nghĩa rằng cái ao ước của ông không phải vì cá nhân mình, mà thật ra là vì xã hội, vì mộng tưởng một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc hơn hiện tại:

Hàn lao nãi liên phát/ Tai lê huống vi tô.

Thái bình vô nhất lược/ Lục lục sỉ vi nho.

(Nước lụt, nạn luôn đến/ Dân cùng, tai chưa qua

Thái bình không một chước/ Luống thẹn thân nho gia.)

(Độc dạ, Hải Thạch dịch)

Vị vong nhất điểm thương sinh vọng,

Hảo hướng Nam dương khởi Ngọa long.

(Chưa quên một tí nào về sự trông mong của thương sinh

Phải đến Nam dương đánh thức Gia Cát dậy).

Hay là mấy chữ đề trên lá cờ khởi nghĩa:

Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn

Mục Dã, Minh Điều hữu Võ Thang.

(Ở Bình Dương, Đồ Bản nếu không có những bậc vua hiền như Nghiêu Thuấn,

Thì ở Mục Dã, Minh Điều đã có những tay cách mạng như Võ Thang)

Những câu sau đây nếu không phải là hoài bão làm những việc to lớn thì cũng nói lên được nhiệt tình của thi sĩ đối với xã hội:

Ngã dục đăng cao sầm

Hạo ca ký vân thủy.

(Ta muốn trèo lên đỉnh núi cao

Hát vang những bài gửi cho mây nước)

Phải công nhận là Cao Bá Quát đã hấp thụ được khí phách hiên ngang, tự do, tư tưởng thay đổi số mệnh, chung qui là truyền thống nổi loạn của các phong trào nông dân cuối thế kỷ XIX qua văn chương của Nguyễn Văn Hầu, Hầu Tạo… Mặt khác cũng phải thấy rằng ông đã thừa kế tiếng nói oán giận thống trị hoặc tiêu cực hoặc tích cực của các nhà thơ từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cho đến Hà Tôn Quyền…

Cuộc đời Cao Bá Quát như trên đã nói có khác với cuộc đời của các thi gia phong kiến. Cái nghèo đã dằn vặt ông từ thuở nhỏ, làm cho ông cảm thấy một cách sâu sắc những nỗi bất công trong xã hội. Cuộc đời đi thi, làm quan của ông đã không làm dịu cái bất bình của ông, mà trái lại còn làm cho ông va chạm nhiều lần vào cái lồng chật chội của bọn thống trị. Tuy có làm quan ông vẫn không chịu uốn mình theo thói tục để cầu hiển đạt, nghĩa là ông không quan tâm đến hạnh phúc bản thân nếu hạnh phúc ấy phải mua bằng sự luồn cúi, cầu cạnh. Cho nên trong thời gian sống ở Huế, ông đã từng phát biểu ý kiến một cách khá rõ rệt:

Bất vi vật lụy tâm do thiết

Khước bị sầu xâm minh dục hoa…

(Không bị lụy về ngoại vật, lòng còn như sắt

Bị sầu xâm chiếm, tóc muốn trắng như hoa…)

Hay là:

Độc hậu ư nhân đắc khí thô

Mưu thân bách kế chuyết ư cưu.

(Chỉ được hậu hơn người ta về tính khí thô sơ,

Bao nhiêu kẻ mưu cho mình thì vụng như chim cu)

Hoặc:

Chuyết tính bán tòng thiên phó dữ

Tâm kiên bất trục thế gian di…

(Tính vụng vốn trời cho như thế

Lòng cứng không theo người đời mà đổi thay…).

Về phía giai cấp thống trị, chúng thừa biết ông có tài nhưng không tín nhiệm, chỉ cho làm một chân hành tẩu, là một chức quan nhỏ như kiểu tạm phái không chuyên nhiệm, chỉ khi cần thiết hỏi han về nghĩa lý sách vở hay xướng họa mới gọi đến ông. Thái độ khinh rẻ tài năng của triều đình thật rõ rệt. Nếu là trường hợp của người khác, hẳn chỉ còn một nước rút lui về vườn, nhưng ông thỉ lại không thế. Tuy không chịu đầu hàng, ông vẫn ở bên cạnh chúng. Thái độ mà người ta cho là kiêu ngạo của ông lúc này có giá trị một thái độ đấu tranh. Cao Bá Quát kiêu ngạo, tự phụ là đối với bọn thống trị quyền quí, bọn hủ nho, nhưng đối với nhân dân cũng như đối với bạn hữu ông lại tỏ ra thắm thiết, nhiệt tình.

Cho nên tính chất đấu tranh trong văn chương Cao Bá Quát là tùy từng trường hợp, dùng ngòi bút sắc bén của mình để châm chọc bọn thống trị và bọn văn sĩ tay sai, hay không như thế thì cũng tung vào chúng những vần điệu để trút căm hờn. Về điểm này họ Cao quả có thành công vì ông đã dùng cái tế nhị của văn chương để ném vào mặt mũi đối phương những gì kệch cỡm, cay cú nhất. Đây là hai câu ông phê bình cái tao đàn của bọn ông hoàng bà chúa là Mặc Vân thi xã:

Ngán thay cái mũi vô duyên

Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An.

Kể cũng là lối ví von tàn nhẫn khi so sánh câu thơ thi xã với mùi nước mắm của lái Nghệ. Nhưng nó còn tàn nhẫn hơn khi ông đưa cho Nguyễn Nhạ, một tiến sĩ làm quan tại triều đương thời, hai câu thơ tặng đùa:

Nhĩ cẩu vô nha hà tốc ngã,

Ngô do hữu thiệt khởi thâu thùy.

(Ngươi nếu không nanh sao hầm hè được ta

Ta còn có lưỡi há có chịu thua ai).

Hai câu này thật là tận dụng lối chơi chữ. Nó sẽ trở thành một lời chửi độc khi biết rõ dụng ý của tác giả. Và còn khá nhiều nữa như câu chuyện tương truyền ông đọc thơ nửa nôm nửa chữ cho Tự Đức để ám chỉ vua dốt nát; như câu đối đùa Hà Tôn Quyền và Nguyễn Công Trứ để ám chỉ họ bất tài… Những câu chuyện đó ngày nay đã trở nên những thi thoại trào phúng lưu truyền khá phổ biến. Nếu Hồ Xuân Hương dùng giọng thơ nửa thanh nửa tục để cười ngay vào đối tượng thì Cao Bá Quát trút giận một cách thẳng thắn hơn, tuy không kém cay chua nhưng đôi khi cũng thô bạo.

Chu Thần thi tập một mặt biểu lộ sự giận dữ của tác giả nhưng mặt khác cũng phản ảnh nỗi chán chường từng có một thời kỳ đè nặng tâm hồn ông với những câu:

Thân như quyện mã khiếp lâm kỳ…

(Thân như con ngựa mệt mỏi sợ khiếp đi đến đường rẽ…)

(Ở ngụ sở cảm việc phóng bút ghi nỗi lòng)

Thân bằng hữu vấn tiền trình sự

Tiếu chỉ thương tại thương phù.

(Thân thích và bạn bè có hỏi về tiền trình của ta

Cười chỉ vào đám xanh xanh ở trên cao)

(Nhàn vịnh 5)

Điều đó chỉ ra ông đã chán nản và bực bội vô cùng trong khi làm quan ở Huế. Những bài ca trù chữ Nôm còn lại của ông đều bộc lộ khía cạnh tiêu cực này:

Thương cho mình mà lại tiếc cho mình

Còn chen chúc với đời chi mãi tá.

Hay:

Thôi công đâu chuốc lấy sự đời

Tiêu khiển một vài chung lếu láo.

Ở vào trường hợp này, tư tưởng cầu nhàn hưởng lạc cũng sẽ là một lối thoát. Không những họ Cao mà các nhà thơ trước đó và đương thời cũng từng dùng giấc mộng nhàn để xoa dịu phiền não, phẫn nộ của mình. Mặt khác đó cũng là một cách chống đối gián tiếp với giới thống trị. Hơn ai hết, Cao Bá Quát chính là hình ảnh nổi bật, huy hoàng trong lịch sử và thi ca với một nhân sinh quan mới mẻ và hùng tráng, đối lập với nhân sinh quan phong kiến vậy.

oOo

Từ các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, trong đó có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là cơ hội tốt để cho con người từng bị tư tưởng phong kiến nhồi sọ lâu đời suy nghĩ thêm rất nhiều về cuộc sống của mình, về thực tế xã hội. Nó đã dạy người ta nhân cách tự do, độc lập, chống áp bức đè nén. Nó đã vạch cho người ta thấy vua chúa không phải là sức mạnh tuyệt đối không thể đánh đổ được. Và tuy người ta chưa có ý thức thay thế chế độ này bằng chế độ khác, người ta vẫn mong muốn xóa bớt xiềng xích quá gò bó của chế độ. Lúc này xã hội phong kiến Việt Nam đang bước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, công thương nghiệp đình đốn. Thủ đoạn kiêm tinh ruộng đất của địa chủ cộng thêm sự tham ô của quan lại, cường hào làm cho nhân dân trăm bề điêu đứng. Dân tộc thiểu số bị chính sách mở rộng biên cương của triều đình càng bị áp bức, đè nén thậm tệ. Thế rồi phong trào khởi nghĩa tưởng bị dập tắt ở thời Minh Mạng thì đến đời Tự Đức lại bùng lên mỗi lúc một rộng rãi, một dữ dội hơn. Nông dân đói khổ đi theo các cuộc khởi nghĩa ngày một nhiều.

Trong khi đó bọn thực dân xâm lược lại sẵn sàng ở ngoài cửa. Để đối phó tập đoàn thống trị nhà Nguyễn thi hành chính sách đóng cửa đối với ngoài, hết sức chuyên chế đối với trong. Chúng thẳng tay đàn áp nhân dân, nghi ngờ chèn ép trí thức. Lúc này cái lồng của bọn thống trị trở nên ngột ngạt, khó thở vô cùng. Một số nho sĩ không còn tin tưởng vào giáo điều Nho giáo, do đó họ cũng chẳng cần công danh sự nghiệp với bọn thống trị nhà Nguyễn, không chịu uốn mình theo khuôn phép phong kiến và họ thổ lộ cái bất bình, cái chí hướng của mình một cách đặc biệt táo bạo, không những bằng lời nói mà còn bằng hành động.

Cao Bá Quát cũng như một số nhà văn khác như Hoàng Phan Thái (?-1865), Đoàn Hữu Trưng (1844-1866) lao đầu vào các cuộc nổi loạn ấy. Và họ đã dội lên trong văn học những tiếng vang tuy ngày nay còn lại rất ít nhưng cũng có giá trị bằng những tiếng gào thét, kêu gọi mọi người vùng lên thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời.

Mặc dù thi ca Cao Bá Quát còn lại không nhiều, nhưng số còn lại ấy cũng đã nêu lên được cái đẹp rất hiếm có trong văn học thời phong kiến. Đó là sự đối kháng bọn thống trị, sự phủ nhận bộ máy chuyên chế đương thời, cũng chính là sự phủ nhận hiện thực. Nói chung đó là cái hiên ngang của một tâm hồn chỉ biết thờ có tự do và chân lý. Cái tự do và chân lý nói đây là cảm tình tự phát, gần như là bản năng của con người, khó có thể tìm thấy trong sách vở nhà nho. Tất cả những đạo lý phong kiến từng thấm vào óc Cao Bá Quát cũng như cả cái xã hội đã vây quanh lấy thi sĩ tuyệt nhiên không thể nào làm sai lạc được cái cảm tình, không làm nhụt được chí khí của ông. Cho nên thơ văn Cao Bá Quát có giá trị những tiếng gọi tập hợp của Tây Sơn, Nguyễn Hữu Cầu, Hầu Tạo… gợi cho mọi người hoài bão một cuộc sống với truyền thống bất khuất, đầy tinh thần tôn trọng nhân phẩm, chống chế độ hà khắc, bất lương của triều đình nhà Nguyễn.

Thi ca Cao Bá Quát vì vậy mà còn lại mãi trong tâm hồn những thế hệ về sau, mãi mãi được truyền tụng và thấm dần trong dòng máu bất khuất, anh hùng của dân tộc.

N.P.Y.

(1969)