Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 189): Cổ Ngư qua Mai Ninh

clip_image002

Mai Ninh: Đọc Cổ Ngư qua Đêm Nghi Ngại,

tập truyện, nxb Hội Nhà Văn, VN, 2005

Ngoài Quê Hương

Tôi đã đọc truyện ngắn của Cổ Ngư trên đôi tạp chí hải ngoại, không thể nói là nhiều, cái thú bắt gặp một tâm cảm trùng hợp thì đã có - như cùng người bạn nhìn lên vòm trời hiu hắt mùa thu và bỗng thấy nhớ về một không gian nào đó còn đầy vun trong trí nhớ. Nhưng đến khi được cuốn Đêm Nghi Ngại, đọc suốt 19 “truyện” của Cổ Ngư, lại nhận rõ thêm: không gian ấy rộng và thân quen hơn nữa đồng thời cũng cô đơn đến độ nào, cho những người sống ngoài quê hương, nhạy cảm.

Để chữ truyện trong ngoặc kép vì trong Đêm Nghi Ngại một số sáng tác khá gần với tùy bút hay ký, hai thể loại dễ khiến cảm xúc của nhân vật thấm sâu vào người đọc. Trong một tập gồm nhiều truyện ngắn đến thế, thường đọc giả ít tìm ra đường chỉ nối giữa những câu chuyện có nội dung khác biệt, thế nhưng cuốn Đêm Nghi Ngại vẫn để lộ một mẫu số chung: mảng màu nổi bật trên nền truyện Cổ Ngư là từ những vệt cọ vẽ lên tâm tình di dân. Và điều đặc biệt hơn nữa là những tâm tình ấy không mấy liên quan đến hoàn cảnh, mưu cầu, điều kiện sinh sống như đã tràn trải dưới nhiều ngòi bút Việt Nam khi họ viết về những người lìa xứ đến nay. Nói chung, di dân trong Đêm Nghi Ngại ít gặp (hay cả là không) hoàn cảnh khó khăn, họ hội nhập vào đời sống sở tại: công việc, ngôn ngữ, sinh hoạt, giao tế... tất cả đều có thể xem là bình thường, có những thành công hơn cả mức bình thường. Rồi tình yêu, rồi hôn nhân với người “cùng quốc tịch không cùng giòng giống” ở quê hương thứ hai ấy phần đông cũng đến rất tự nhiên, đằm thắm, không vướng mắc, có cả hạnh phúc rạng ngời: “Hoa đèn lấp lánh. Rượu champagne với gà tây quay sau lễ Nửa đêm. Con Josiane và thằng Denis tranh nhau mở quà. Mắt ông, mắt Sylvie gặp nhau, say sóng sánh. (...) Ông Hạnh ao ước có Sylvie ngồi bên cạnh mình lúc này để thầm thì tình tự...1

- Vậy điều gì rút ra hay để lại từ các câu chuyện ngoài quê hương trong tác phẩm Cổ Ngư?

-  Tôi tìm thấy trên những dòng văn ấy nỗi hoài nhớ, sự chênh vênh cùng niềm cô đơn dài dặc. 

Truyện Cổ Ngư dù có dẫn ta lạc vào khu phố hỗn độn phía sau ngôi thành cổ một xứ Bắc Phi lạ hoắc, quẩn quanh thế nào cuối cùng cũng đẩy ta trở về với ước mơ một chuyến bay đáp xuống Sài-Gòn quen thuộc, một Sài-Gòn bốc mùi bùn sình đọng trong con lạch giữa thành phố (Tản Mạn Một Chuyến Đi). Truyện có mở ra trong một quán đêm rượu tràn nghiêng ngửa với “những cao bồi già vừa ngã ngựa và những đoá phù dung về chiều chờ rã cánh” thì sau đó lại trải dài trên con đường thời thơ thiếu của một quê nhà xa biệt, có lá me rơi trên áo dài và lót thảm chân guốc mộc (Truyện Của Hắn). Nhưng tưởng nhớ ấy không chỉ là một cái hoài mông lung bồi hồi lãng mạn, trong văn Cổ Ngư nó nghẹn thở, nín hơi, đâm nhói vào màng óc: “Tôi một mình vùng vẫy, chống chọi. Không có ai để chia để xẻ nỗi nhớ dùm tôi, không có ai để tôi xả đi, để tôi vứt bớt cho nhẹ gánh quá khứ. Michel ngồi kế bên, tỉnh queo. Làm sao nó hiểu nổi vẻ mặt đờ đẫn đần độn của tôi lúc này. Nó vẫn giữ nguyên cái háo hức của kẻ phiêu lưu tìm vùng đất lạ. Như tôi đã từng có, những giờ phút đầu, khi chưa bị nỗi nhớ hành hạ đến phát điên, phát sốt lên[2]. Cái cô đơn ấy được tác giả mô tả chi li, hình tượng cùng cảm giác xoáy sát không ngờ: “Và thống khoái hả dạ trong cái đau như thời bé tí cầm cây kim gút nhấp nhấp rồi đâm lút vào chiếc mụn bọc mưng mủ. Chất lỏng phọt ra. Nhói. Sợ. Nhưng cái tưng tưng của da bị căng, cái nhưng nhức của thịt bị nén cũng mất. Sướng. Thoả mãn. Nhẹ nhõm. Tôi chợt nhận ra nỗi nhớ cũng như chiếc mụn độc, cần được giữ cho chín, rồi phải đem khơi, đem cạy, nặn cho vỡ toé ra, để lũ chân rễ ngòng ngoèo của nó không còn kịp đâm sâu vào những giấc mơ...2.

Mà nào tác giả chỉ nói đến nỗi hoài nhớ se sắt trong lòng di dân Việt, còn có cái đau đáu “lâu lắm rồi” của một ông già Ả Rập nương thân trên đất Pháp:

“- Cậu đi chơi Maroc thật à?

- Vâng, cuối tháng này.

Ông Aziz ngập ngừng nhìn tôi đang lựa mấy trái cà chua trong cửa tiệm chạp phô nhỏ xíu của ông.

- Tôi... tôi muốn nhờ cậu một chuyện. À, mà cậu định đi thăm những đâu?

- Tôi cũng chưa biết nữa. Tính tôi thích lang thang...nhưng có lẽ tôi sẽ chọn miền nam Maroc.

- Vậy thì tuyệt quá ! Nếu có ghé thành phố Ouarzazate, cậu chụp hộ tôi một tấm ảnh nhé?

- Ouarzazate nằm ở đâu vậy ông Aziz?

- Cậu không biết Ouarzazate à, nó là cửa ngõ chính để vào sa mạc. Ngày xưa tôi ở đó. Lâu lắm rồi...2.

Vì đâu con người ngóng vọng về quá khứ, về một chốn kia đã không còn là cuộc đời thiết thực hiện tại? nếu chẳng do một phần từ nỗi cô đơn; và cũng vì cảm thấy một mình trên con đường dài xa lạ, xa lạ và gay gắt nắng nên người ta mới ngoái tìm một bóng cả thân cây quen thuộc thời nào. Hoài vọng với cô đơn thường là cặp bài trùng. Cái vọng tưởng khiến cho cuộc hành trình trên con lộ mới càng nặng nề khó bước, dù đã là chọn lựa dấn thân vẫn có gì vô định, hụt hẫng, đơn độc. Hẳn nhiên, đã bao năm xuôi cuộc đổi đời, trong văn chương Việt nỗi cô đơn ấy không chỉ xuất hiện dưới ngòi bút Cổ Ngư. Nhưng ở những trang viết này, nó không đi qua một cảnh đời, một câu chuyện rồi dứt. Cô đơn sôi sục dưới sóng biển, vật vờ giữa thành phố, toả loang trên đồi núi. Nó thư thả gậm nhấm linh hồn một thiếu phụ đương xuân ở truyện ngắn Xanh Mơ: “Tôi ngã vật xuống giường. Cứ để nguyên áo váy mũ giày. Cứ để nguyên tóc cuộn rối trong khăn quàng cổ, tóc đổ ra che khuất cả mặt mày, che tối tăm mờ mịt năm tháng (...) Mùa xuân vẫn về, bình thường hay bất thường, với người hay với tôi? Nhắm mắt lại, muốn quên hết, muốn xoá nhoà, muốn quét dọn, để làm lại từ đầu”, rồi đốt lụi tâm hồn một ông lão 70 đã thu ẩn đời sống về một triền núi quạnh hiu, hạnh phúc rực rỡ vụt bay đi mất hút nhường chỗ cho ánh đêm lấp loà ngày tháng trong Đồng Vọng: “Ông Hạnh cứ ngồi như thế, nhìn phần sáng từ từ lấn dần phần tối của từng vật thể cho đến khi bóng đêm chiến bại, trốn sâu trong những kẹt tủ gầm bàn, ông mới kéo chăn rời giường, và nhận ra tiếng chó tru rờn rợn trong đầu cũng vừa dứt.”  Trong truyện Bướm Đêm, Cổ Ngư đã tài tình biến cô đơn vừa thành kẻ đồng hành vừa là con mắt người ngoại cuộc ngó xuống bước chân rời mòn mỏi: “Paris nhìn Tuyên đi qua bằng những con mắt khép hờ. Một dáng còm cõi, xiêu xiêu. Lầm lũi trở về như con dơi mù bay theo đường siêu âm. Lầm lũi leo lên sáu tầng lầu. Lầm lũi vào nhà, không gây tiếng động để khỏi làm thức giấc con, chỉ đủ cho vợ hé mắt nhìn...”. Lời văn ở đây gợi vọng tiếng chân Bruce Springsteen trên con đường đêm Philadelphia3:

“Tôi bước trên đại lộ cho đến khi chân nặng như đá

tôi nghe giọng những người bạn tắt dần rồi mất đi

ban đêm tôi có thể nghe máu mình trong mạch

đen và thì thào như mưa…”

Và để hoàn tất tâm trạng di dân, tác giả không quên cái phần thứ ba là nỗi lao đao giữa hai miền đất. Trong tập truyện ấy, người đọc sẽ gặp một người đàn ông Pháp thế hệ “chân đen”4, sinh sống ở Algérie với cả thời thơ ấu hồn nhiên trong vườn ô liu xanh ngát tình bạn của mấy đứa trẻ hàng xóm Ả-Rập, với tuổi đôi mươi mê đắm hạnh phúc vợ con nơi thủ đô phồn hoa, vậy mà sao ông ta không thoát khỏi những trăn trở trong sự lựa chọn giữa hai quê hương, hai dân tộc? Để lúc lên tàu vượt biển Địa Trung Hải về giải phóng đất tổ Pháp quốc khỏi bàn tay quân Đức, vẫn xao lòng khi nhận ra “Đất nước bên kia biển đóng sầm cửa lại sau lưng. Đất nước bên này biển dằn lòng mở ra nẻo sống, dửng dưng lạnh nhạt5. Và có đó, một người đàn ông Việt nhìn xe cộ rào rạt vô tình bên bờ sông Seine nhưng hồn xoay trở, ray rứt về một tình bạn thuở đôi mươi mà bây giờ, mấy mươi năm sau, nó bị căng thẳng chỉ chực đứt lìa giữa hai đầu sợi dây ý thức, hai vị trí đối lập: bên đây tên tù binh sĩ quan biệt phái chế độ cũ, phiá kia kẻ chiến thắng giảng viên tuyên huấn. Nhân vật đã đặt câu hỏi: nếu bất ngờ nhìn thấy bạn trong đám du khách dạo chơi nơi bờ sông thơ mộng này, nơi mà tác giả gọi một cách bùi ngùi là  “chỗ-tôi-ngồi-mà-không-phải-của-tôi”, thì hai ông già mặt đã nhăn nheo sau bao năm tháng sẽ làm gì cho phải phép? Để rồi tự trả lời bằng ước mơ giản dị, đáng thương: “Chỉ một điều mà tôi hằng mong mỏi, là đừng thấy cảnh con cái tôi hằn thù chém giết con cái Tạo, dù đối với nhau, chúng là người dưng, không ràng buộc tình nghĩa6.    

Nội dung xúc tích khí hậu chuyển đổi, 19 truyện trong một tập là nhiều, dù đa số tương đối ngắn, có truyện chỉ hơn ba trang, nhưng không gian mời mở mà tôi cảm nhận thường xuyên hơn cả vẫn là khung trời cảnh vật Paris. Tác giả cư ngụ ở đó nên Paris phà không khí thở, rải ánh sáng ngày và đèn đêm trên nhiều màn kịch đời dựng lên trong tác phẩm. Con người sáng chiều hồng hộc đuổi bắt xe điện giờ đi làm giờ tan sở, métro ồn ả ngoằn ngoèo, đầy dẫy người ăn xin và thất nghiệp, métro dưới hầm che dấu những vết thương loang lở giùm cho cả thủ đô mệnh danh ánh sáng trên mặt đất. Nhưng đừng quên, với tác giả  “métro trác táng khi đêm về và văn hoá giữa ban ngày ban mặt”7. Hầm métro có những dàn nhạc di động: ghi-ta, phong cầm Tây Âu Đông Âu đua chen với những điệu kèn Nam Mỹ và giọng a capella của cô gái du mục xứ Ru-ma-ni. Người ta nhìn tháp Eiffel cao vút rực đèn huyền hoặc trong đêm và người ta cũng thấy cả những con đường chật chội lát đá trẹo gót giày, xỉn ám bụi thời gian. Paris trong truyện Cổ Ngư đầy hỗn tạp và mâu thuẫn, để thương yêu, chê trách và hoà đồng… cho dù thế nào đi nữa.

    Những cảm nhận về đời sống, về con người dồn nén rồi vỡ ra trên từng trang viết mà hầu hết xuyên qua những câu chuyện tình. Vâng, tình yêu tràn ngập trong Đêm Nghi Ngại. Mong manh hồn nhiên, thể xác dục tình, đằm thắm đam mê, lững lờ nghi kỵ… đầy đủ tất cả bản chất mạnh mẽ nhất trong tặng vật lạ lùng và quý giá này của tạo hoá dành cho con người. Cổ Ngư đã tận dụng con chữ, văn phong uyển chuyển, linh động. Không phải do viết về cô đơn hay hoài niệm mà văn ấy lúc nào cũng buồn hay man mác. Có vòng métro-boulot-dodo rất sôi nổi tếu vui ý nhị. Có cuộc hội ngộ trong quán cà phê khu phố Latin của đôi tình nhân cũ, dí dỏm lẫy hờn như vẫn thuở hai mươi. Có những câu chuyện thực như đời sống đang xảy ra trước mắt, nhưng có cả cái viết huyền ảo trong truyện cuối cùng mà tác giả đã dùng làm tựa sách. Truyện ngắn Đêm Nghi Ngại, một truyện viết chặt chẽ, mang khí hậu lạ, một cô gái Tây Ban Nha đứng đường chờ khách, một chàng thanh niên gốc Bắc Phi, cộng thêm đôi linh hồn vật vưỡng của thời thế chiến. Trong đêm đông Paris trăng chết, những con người này đã “gặp nhau” hay không gặp nhau (biết đâu là như thế)? Và có nên chăng đặt thêm câu hỏi: ta đang ở đâu, thời điểm nào, đấy có phải là thời của chúng ta? Hay chỉ cần biết ta đang rơi giữa đêm, cùng bóng tối phủ đầy nghi ngại.

Mai Ninh

(cuối tháng 11, 2005)              

1 truyện Đồng Vọng

2 truyện Tản Mạn Một Chuyến Đi

3 Streets of Philadelphia, lời và nhạc của Bruce Springsteen, giải Oscar 1993 về nhạc trong phim Philadelphia.

4 Tác giả Cổ Ngư chú thích: người Pháp gốc Âu, sinh sống tại các nước Bắc Phi (nhất là nước Algérie) từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến khi các nước này tuyên bố độc lập, trong thập niên 60 của thế kỷ 20.

5 truyện Chuyện Kể Của Một Người Pháp Bình Thường.

6 truyện Bên Sông Nước Cuốn.

7 truyện Luẩn Quẩn Métro-Boulot-Dodo.

Nguồn: http://phannguyenartist.blogspot.com/2012/08/co-ngu.html