Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Đi. Trong một buổi sáng

Truyện Trần Doãn Nho

Một truyện ngắn chưa tới 3.000 từ, có vẻ rất nhẹ nhàng, còn thoáng chút lãng mạn lơ mơ về một cặp tình nhân thuở đầu xanh lỗi hẹn nay bỗng dưng gặp lại… Nhận diện nhau, lôi nhau vào những kỷ niệm được nhắc nhở… Những kỷ niệm hiện ra với âm thanh/màu sắc/cảm xúc tù mù, lẫn lộn giữa quá khứ - hiện tại - tương lai… Phải, nếu họ còn có một tương lai…

Không gian của họ cũng chẳng cần phân định khoảng cách xa - gần/hư - thực/người - ta…  vì nó trú ngụ ngay trong thẳm sâu những tế bào thần kinh mỏi mệt đầy thương tổn trong đầu…

Nhưng tất cả những thứ đó trong họ nhất quyết không chịu chết, không chịu xa khuất đi mãi mãi, mà chỉ chờ cơ hội để sống lại, lay lắt thêm một lần, một khoảnh khắc hư ảo đầy nước mắt…

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

VĂN VIỆT

Gửi “Vườn măng cụt”[*]

Thì cũng là một buổi sáng lặng lẽ và nhạt nhẽo như tất cả những buổi sáng khác. Thức dậy, nắng đã tràn trề trên cỏ cây, ghế đá, đổ xuống những khóm hoa trồng dọc theo lối đi, len lỏi vào trong cả những  ngóc ngách tối tăm và ẩm thấp ở góc viện, nơi những ông bà già không thân nhân nằm, ngồi, lặng lẽ và yên tĩnh như những pho tượng cổ sinh động. Nhìn qua cửa sổ, chàng mừng rỡ thấy mặt trời, vẫn là cái mặt trời thuở ấy, như một huyễn hoặc, chói chang từ từ nhú lên khỏi hoàng thành, nấp sau cột kỳ đài cao ngóng lên trời xanh, không vướng víu gì hết, ngoài mấy cụm mây vớ vẩn trôi ngang. Mặt trời, thương nó thiệt! Trong lúc mọi thứ thay hình biến dạng thì nó có lẽ là cái cũ xưa nhất và nhiều kỷ niệm nhất mà chàng cất giữ được trên bầu trời xa kia. Nó thả xuống những buổi sáng vô cùng phơi phới, và đầy thúc giục.

Đi. Thèm đi, quá đỗi là thèm. Nhìn sang giường bên cạnh, ông già da đen dường vẫn còn mê man ngủ, đầu lệch sang một bên, một cánh tay còn dính vào ống chuyền nước biển, còn cánh tay kia buông thõng xuống nền nhà, lửng lơ như thuộc về một ai khác. Chàng bước rất lẹ, thoắt cái là ra khỏi phòng. Nhìn lui, chàng thấy , cái chỗ nằm ấy, dây nhợ cột, quấn lòng thòng, đe dọa. Phải chi chúng biến đi! Nhìn trước nhìn sau dọc theo hành lang, không thấy bọn họ, chàng vội vàng bước về cổng chính. May mắn sao cổng chỉ hờ hững khép.

Thoát! Bên kia đường, tỏa cao ốc AT&T nắng lấp lóa, phản chiếu ngược lên bầu trời xanh bát ngát. Bước vội qua đường. Một chiếc xe màu trắng bạc vút ngay sau lưng chàng, như một làn gió mạnh thổi thốc qua,suýt đụng phải. Hà hà, đâu có dễ đụng tao! Mà có đụng cũng tốt thôi. Chàng vẫy tay chào phía sau chiếc xe, thấy vui. Chàng đi dọc theo đường Chandler, đến góc có tiệm xăng Cumberland, thì ngoặt qua Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành sao hoang vu vậy cà? Quán cà phê Út đâu? Nhà thờ Tin Lành đâu? Cũng không thấy mấy bụi chuối ngất ngưởng từ trong góc vườn đua nhau ngóng ra đường lộ ở căn nhà có dãy tường gạch. Chỉ toàn là những căn nhà ba tầng hoang phế.

Sau một thoáng phân vân mất phương hướng, chàng tiếp tục bước, cố tìm một dãy cao ốc quen, nhưng nhìn quanh nhìn quất, chỉ nhìn thấy những bụi hoa cúc vàng rực mọc quanh dãy hàng rào của một căn nhà lớn xây trên con đồi nhỏ. Xuống chút nữa, bên kia là Willard, con đường âm thầm ngủ yên dưới những tàng cây sồi cổ thụ già bướng bỉnh lặng lẽ phủ bóng xuống những ngôi nhà tối, gạch nâu bám đầy rêu. Đi một đoạn, chàng băng qua khỏi hẻm Lê Huân, là đường Coolidge uốn quanh như con rắn quanh cái sân banh, nhắc chàng nhớ đến cái sân vận động Tự Do với những giấc mơ ngớ ngẩn và hùng vĩ thời mới lớn. Bên kia đường, chàng nhìn thấy quán bún bò, hình như “quán mụ Rớt”, với tấm bảng tiếng Anh to tướng nhưng buồn thiu, lủng lẳng dưới hiên nhà, lay động ngu ngơ trông như sắp rơi xuống. “Phải nói cho người ta biết chứ nếu không, có lúc nó rơi trúng ngay người đi đường”, chàng tự nhủ. Nghĩ thế, chàng băng qua đường ngay. Một chiếc xe thắng đột ngột ngay trước mặt. Chàng có hơi giật mình, nhìn thấy người ngồi sau tay lái là một phụ nữ da trắng, tóc vàng, mở cửa rủa sả bằng một tràng tiếng Mỹ. Chàng không hiểu và cũng chẳng thèm hiểu, tiếp tục đi.

Thì ra là tiệm bán bánh mì Subway. Không sao. Đúng lúc chàng định bước vào thì nàng quay lại. Ai kìa? Trong trí tưởng chàng bỗng hiện lên hình bóng Hà. Trời ơi, Hà. Bước tới, giang hai tay ra, chàng ôm chầm lấy nàng, cảm động:

-Hà, Hà, em đi đâu mà lạc tới đây?

Nàng có vẻ hơi bất ngờ:

-Em đâu có lạc… Em đi tìm buổi sáng… Ô kìa, anh…

Nàng xô mạnh chàng ra, đầu lắc qua lắc về nhìn ngắm rồi mừng rỡ, reo lên:

-Trời ơi, Đồng, Đồng của em. Đúng rồi, em là Ngoan đây, Hồng Ngoan.

Hồng Ngoan, Hà, Hồng Ngoan, Hà, Hồng Ngoan, Hà,… Không sao, chàng cũng reo lên:

-Phương đây, anh vẫn Phương thuở nào. Hà khỏe không?

Nàng đẩy chàng ra, đứng thẳng người:

-Anh xem đây. Em vẫn khỏe mạnh, hồng hào, đẹp đẽ như thuở nào, đúng không. Anh chẳng đã từng nói em lúc nào cũng là tên vận vào người, em là ngoan ngoan, rất ngoan. Anh à, em lúc nào cũng ngoan, ngoan như trái bắp vậy đó, cắn một cái là ngoặm được nguyên một bầy hột.

-Ừ, thuở nào… phải thuở nào… Làm sao mà anh không nhớ cái thuở nào… Dễ chừng cũng năm mươi năm rồi em nhỉ.

-Năm mươi năm, đúng rồi. Mà… mới có năm mươi năm thôi sao! Em tưởng như… như… lâu lắm rồi!

Nàng không hồng hào như nàng nói. Nàng trông giống mẹ chàng, gầy, dày dạn, nhiều vết nám gần chân tóc đen chen bạc rối rắm, có nét nghệ sĩ. Mấy đường rãnh sâu hai bên má nàng kéo xuống cằm, làm chìm hẳn những nếp nhăn nhỏ chung quanh, khiến khuôn mặt nàng gọn nhẹ lại và sáng hẳn lên với niềm vui long lanh trong đôi mắt. Bên trong mặc gì không rõ, nhưng bên ngoài là chiếc áo khoác màu tím thẫm dài quá gối với nhiều sợi vải đủ màu buống xuống khá bâng khuâng. Chàng nói, giọng thành thật:

-Đẹp! Em đẹp lắm, đẹp hơn lúc mới quen em, Hà!

Nàng cảm động, dịch sát vào chàng, hồn nhiên nhìn lên, mắt chớp chớp. Chàng nói:

-Đi! Hãy đi cho đã, Hà.

-Đúng rồi, Đồng. Đi, đi… Không đi thì uổng buổi sáng.

Chàng khoác tay nàng, cả hai hớn hở bước nhanh qua đường. Con đường nhỏ, hẹp và sâu có cái tên rất phụ nữ, Avalanka, trông như con hẻm ngoằn ngoèo cạnh rạp chiếu phim trên đường Chi Lăng, tồi tàn và kỷ niệm. Chàng chỉ con đường song song bên kia, gần ngân hàng:

-Em còn nhớ đường Nguyễn Công Trứ đó không?

-Không. Em nhớ đường Phát Diệm.

-Ừ, thì Phát Diệm…

-Em vẫn đi bộ dọc đường Phát Diệm hàng ngày để đi đến Nguyễn Bá Tòng. Ngày nào em cũng gặp Hương Lan, anh còn nhớ Hương Lan không, Hương Lan con Hữu Phước ấy? Ờ, mà đường này bây giờ sao im ắng quá. Ngày xưa rộn rịp người, xe và áo bay. Em còn nhớ trường Nguyễn Bá Tòng với dãy tường cao, có hoa giấy bao quanh….

Chàng không nhớ gì về cái tên Nguyễn Bá Tòng này, nhưng vẫn gật gù:

-Nhớ chứ, nhớ chứ. Anh nhớ cả những trường Bán Công, Nguyễn Du, Bình Linh, Thiên Hựu nữa kìa.

Chàng chỉ bảng tên đường nói là con đường đã thay tên thành Crystal. Nàng nhìn theo, chẳng thấy gì hết, vẫn tiếp tục ý nghĩ của mình:

-… Và đường bên kia nhất định vẫn là Nguyễn Cư Trinh, đúng không? À, mà phải rồi, cái ngã ba đó, nơi cái hẻm gần rạp Quốc Thanh, anh nhớ không? Chao ơi…

Chàng cũng chẳng nhớ rạp Quốc Thanh ở đâu, nhưng nhớ đến một chuyện khác vừa hiện lên trong đầu:

-Đúng là buổi sáng, hôm đó, buổi sáng sương mù, đúng là rất sương mù, dày đến nỗi khi em đi ngang qua, anh không nhận ra em, cứ nghĩ đó là một cô nào khác.

Nàng chợt reo lên, giọng nghe dòn tan:

-Em chứ ai. Anh nói sương mù… Mà Sài Gòn hồi đó có sương mù hả. Em chóng quên thật. Không sao. Nhưng nhất định là anh có chạm nhẹ vào vai em, trời ơi, bàn tay, bàn tay, không phải bàn tay mà là hơi, hơi nóng. Anh đã làm em nóng lên, mồ hôi em tươm ra, uớt cả chiếc áo lót. Em run…

Thế thì ẩu tả thật. Anh mà dám đụng đến vai nàng à? Hà cao đạo, xa cách, ra đường thì đi như bức tượng, không liếc phải liếc trái, nàng kiêu hãnh đi như thể cả thế giới chỉ có mình nàng. Nhưng nàng nói thế tức là có. Đúng là mình quên. Thời gian chạy ào ào như chạy giặc, làm sao mà nhớ cho kịp những thấp thoáng kỳ lạcủa đời người. Chàng thú nhận:

-Đúng rồi. Anh sờ vào vai em và gọi, Hà, Hà.

Nàng bâng khuâng:

-Anh có gọi tên em sao? Không, anh không nói gì hết. Anh chỉ chạm vào em một lần thôi và rồi anh biến mất, Đồng à. Nhưng nó theo em cả đời, lấy chồng rồi vẫn không quên.

Chàng lại ngơ ngẩn. Không, chàng không hề biến mất, chàng vẫn tiếp tục sống và vẫn theo đuổi nàng. Chính nàng biến mất, vì hôm đó, khi chàng đến chỗ hẹn thì không gặp Hà. Chàng nói:

-Thế hôm đó vì lý do gì mà em không đến, bắt anh chờ đợi suốt… May mà trời không mưa.

Nàng bơ lơ bửng lửng:

-Chính em đợi, trời mưa dầm dề mà em vẫn đợi. Rồi anh xin lỗi, rồi em giận, rồi em lại xin lỗi, rồi anh giận… Giận nhau mãi đến nỗi quên cả chuyện lấy nhau, đúng không Đồng?

Chàng cố lục tìm trong trí nhở:

-Ờ…ờ, lạ nhỉ! Em nói anh biến mất và rồi sau đó, gặp lại em. Anh xin lỗi, em xin lỗi… Mà em đâu có muốn lấy anh, em lửng lơ con cá vàng…

Nàng liếc xéo chàng:

-Láo! Chính anh lửng lơ thì có…

Haingười tiếp tục nói. Nhớ gì chàng nói đó. Nhớ gì nàng nói đó. Và họ hiểu nhau y như thể họ đã hiểu nhau từ thuở nào. Họ có không gian, nhưng không có thời gian. Quá khứ trượt dài vào hiện tại và hiện tại hòa lẫn với tương lai. Thế rồi họ cùng đi. Bao nhiêu năm tháng rồi, họ không được đi. Không thấy phố, không thấy đường, không thấy người đi, không thấy xe chạy. Chàng bảo:

-Nhớ tránh bọn họ.

Nàng ngơ ngác, nhưng rồi có vẻ như hiểu ra:

-Đúng, tránh.

Nhưng biết tránh chỗ nào. Cứ phải đi thôi. Đi cùng với buổi sáng. Đường đong đưa. Ngõ đong đưa. Những bước chân mạnh dạn, hớn hở và xiêu vẹo. Bóng cây chao động. Gió bâng quơ. Nắng tràn trề trên những mái nhà vui. Hết đường Stoneland, rồi đến đường Terriel, hết Terriellà thấy đường Mai Thúc Loan vắng hoe, hai ông bà già thơ thẩn dắt chó đi dạo. Qua khỏi Lê Huân đến Brookline, nàng bảo:

-Em mệt!

Chàng cũng cảm thấy mệt, chùng bước. Chàng đề nghị dừng. Dừng ở đâu? May quá, ngay trước khuôn viên trường đại học Clark có chiếc ghế đá có mái che. Thế là chàng kéo nàng ngồi xuống. Chàng chỉ con đường nhỏ hẹp phía trước:

-Đây là một con hẻm đầy quá khứ… Em còn nhớ không? Nhưng sao lạ, nhìn vào, anh chỉ thấy trống không? Vậy quá khứ đi đâu rồi nhỉ.

Nàng nhìn theo tay chàng, nheo mắt:

-Nó trốn rồi anh ơi. Có lẽ vì vậy mà em đành phải lấy Khanh.

Chàng cầm tay, hỏi nhỏ:

-Khanh? Khanh là ai vậy Hà?

-Chồng em chứ ai.

Chàng lẩm bẩm tên Khanh, cảm thất bứt rứt. À ra thế. Nàng có chồng. Chàng nhìn nàng. Trong nhiều cái rất khác, chàng vẫn cảm thấy có cái gì rất quen, thân thuộc. Khuôn mặt dịu dàng của một đàn bà. Đàn bà thì đẹp. Chỉ có đàn bà mới đẹp. Chàng nắm chặt hai bàn tay nàng, cảm động, tưởng nhớ đến những giấc mơ bất toàn ngày nào xa ngút. Hai bàn tay nàng mềm mại, da xếp lại thành nếp như những đường gợn của các thớ gỗ. Cầm tay, chàng nghe những ngón tay đầy xương nàng cọ xát vào những ngón tay chàng cũng đầy xương, cồm cộm, kích thích. Hai bàn tay nương nhau, gọn, ấm. Nàng bóp tay chàng, mơ màng. Đột ngột, nàng la lên, cầm tay chàng kéo đi:

-Chết, em phải về. Giờ này Khanh có thể đã về.

-Khanh đi đâu mà về?

-Khanh, thằng chồng chết tiệt của em, hắn nói là hắn đi vào đơn vị trình diện rồi về đưa em đi Biên Hòa thăm mẹ. Thằng chồng em ghen tợn. Biết em đang đi với anh thì…

-Hồng cũng vậy, có thua gì!

-Hồng?

-Con vợ anh. Cô ta,cô ta mà biết anh lang thang với em thì anh có nước trốn lên trời… À, mà cô ta giờ này ở đâu nhỉ, đâu nhỉ…

Trong trí chàng chợt hiện lên cảnh sóng nước mênh mông biển cả. Biển và sóng và Hồng và những con chim hải âu bay vòng vòng kêu thét trong bầu trời tan tác.

Nàng không nói, cứ kéo chàng đi. Mặt trời đã khá cao phía trước, lấp lửng lưng chừng phía sau tòa cao ốc ngất ngưởng, bắt đầu trút cái xuống cái nóng nồng một ngày tháng bảy. Chàng dắt nàng. Nàng dắt chàng. Họ dắt nhau. Xiêu vẹo, lảo đảo. Quành qua Hai Bà Trưng, quẹo xuống Stafford, đi thẳng đến Triệu Đà, đụng Trần Thúc Nhẫn, băng qua khỏi Russel là đến đường Main. Thành phố loanh quanh. Buổi sáng loanh quanh, lẽo đẽo, mệt nhoài. Nàng la lên:

-Kia rồi. Anh thấy không?

Nàng chỉ tấm biển lớn dựng ngay ngoài cổng một khu nhà rộng, choán hết cả một khoảng đường. Chàng nhìn nàng, giọng nghe ra tiếc nuối:

-Nhà của em đây à?

Nàng gật đầu. Chàng nhìn cánh cổng, thấy quen quen, nhưng không nhớ nổi cái gì quen. Đẩy Hà vào cánh cổng, chàng bảo:

-Thôi, về nhà nhé! Anh đi.

Đi đâu? Chàng nhìn trở ra, cố hình dung phải theo con đường nào. Nhưng đầu óc mịt mù. Chàng định băng qua đường thì chợt nhìn thấy tòa cao ốc AT&T quen thuộc, sực tỉnh,  quay trở lại, đang phân vân cố đọc mấy chữ trên tấm bảng nền trắng chữ xanh treo ngang thật cao trên cổng, thì bỗng cảm thấy toàn thân nằm gọn trong bốn cánh tay mạnh mẽ của hai người đàn ông, đẩy chàng vào cổng. Chợt thấy đàng xa, phía gần khu đi dạo, bóng chiếc áo khoác tím, chàng mừng rỡ gọi lớn Hà, Hà, Hà...

Chàng vùng vẫy cố thoát khỏi hai người dàn ông, nhưng đành chịu. Tới cửa phòng, hai người y tá từ hành làng chạy đến, ôm chàng lại, thở hổn hển.

-Trời ơi, đi đâu từ sáng đến giờ ông bà già ơi… Cả thành phố đi tìm hai người.

Cả bốn người xốc chàng, xô cửa đẩy vào phòng, chốt lại.

Chàng thấy lại và người đàn ông da đen, vẫn còn nằm đó. Chàng quay nhìn lui ra ngoài, phía cửa cổng, bực tức.

Buổi sáng đã bị nhốt ở bên kia hàng rào, có lẽ vẫn còn tiếp tục đi.

          (7/2019)

(*) https://nghiathuc.wordpress.com/2012/08/09/vuon-mang-cut-truyen-ngan-tran-mong-tu/