Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 162): Vũ Quỳnh Nh. – Đảo rùa

Người con gái có mái tóc dài đen quăn lọn đổi lại thế nằm. Kỳ này nàng nằm xấp để hở cái lưng trần bóng nhẫy mồ hôi và dầu nắng, hai chân đong đưa lên xuống làm bộ mông tròn chỉ bị che gần phân nửa bởi mảnh quần ôm kiểu Thong Bikini căng dãn theo động tác, như đang nhả, nuốt sợi giây bé tí ti chạy vòng quanh chỗ hở.

Elusu đưa cùi chỏ qua thúc vào Duy:

– Mày xem, người con này chắc nịch trông thật đã mắt.

Duy đảo theo cái nhìn đuôi mắt của Elusu. Cái chắc nịch của U.S. fitness, YMCA và aerobics theo điệu nhạc như đóng dấu lên từng bắp thịt của tấm lưng trần không có đến một lằn nhạt. Duy chói mắt. Hai chân con nhỏ dài không thua gì bãi cát bảy dặm ở đảo Rùa này.

“Đảo Rùa” không phải là tên thật. Từ trên phi cơ nhìn xuống đảo cũng không có hình thù của một con rùa. Chẳng qua là cái tên được dân địa phương đặt ra có lẽ bắt nguồn từ những chuyện cổ tích người xưa để lại. Một cái tên cho có vẻ huyền thoại, hấp dẫn như Động Tiên hoặc Hang Dơi. Elusu dùng tên “đảo Rùa” để gọi đảo Cayman, chỉ là một thói quen của gã. Sáng nay rảnh rỗi, trời còn sớm, gã rủ Duy ra bãi cát bảy dặm để ngắm mấy cô du khách nằm phơi nắng, cũng là một thói quen.

Những căn chòi nhỏ nằm một dãy dọc theo bãi biển thật yên tĩnh. Không có xe bán kem quấy rầy leng keng điệu nhạc. Chỉ có tiếng sóng vỗ ì ầm ngoài khơi dội vào. Lâu lâu vài anh bồi rượu từ những khách sạn lớn chung quanh, lấy cớ lượn vòng quanh hỏi xem thiên hạ muốn uống gì cũng đủ làm dân du khách thấy mình được ưu đãi đặc biệt. Ở đây cát trắng mịn, nước trong veo. Những cô du khách từ xa đến nghỉ mát, mặc áo tân thời bằng da thú Anne Klein, óng ánh metallic Goltex, nếu có lỡ bơi rớt cũng chẳng sợ tìm không thấy. Mấy cô tha hồ phơi nắng để ngực trần không sợ bị cảnh sát biên phạt. Elusu ngắm và phê bình con gái nằm rải rác chung quanh như phê bình xe hơi. Cayman nhỏ, chạy vòng quanh đảo chưa tốn đến một ngày. Gã thèm thuồng được có một chiếc xe như thèm gái đẹp. Cả đời, sự nghiệp của gã chỉ mua được chiếc xe gắn máy, đủ để làm phương tiện di chuyển và tìm chỗ đậu xe ở Georgetown khỏi phải tốn tiền.

Thoáng nhìn Elusu, người ta có thể đoán gã không phải là dân đảo chính gốc. Màu da đen của gã pha lẫn giữa hai giòng máu Jamaican và Bồ Đào Nha, nhất là mái tóc gã không quăn và xoắn lại như người bản xứ. Elusu không có tham vọng và cũng không có ước vọng to lớn gì. Lối sống buông thả nay đây mai đấy của gã đôi khi gợi lại cho Duy hình ảnh của chính mình. Duy nhìn cái bụng hơi phệ của Elusu – kết quả của những buổi ngồi đấu láo uống bia – rồi lại nhìn qua người con gái đang nằm sấp, mong nàng đổi lật lại vị trí. Nhưng Elusu đã kéo hắn đi. Vài ba tiếng nữa đây tàu thả neo, sẽ có thêm nhiều đàn bà, con gái để tha hồ nhìn ngắm và bàn tán.

Hôm nay Elusu diện hơn thường lệ. Bộ quần áo may cùng loại vải sặc sỡ hoa hoè có điểm hình vài con két, đầu bôi Jell vuốt mượt ra sau, đuôi tóc cuốn giây thung giữ lại. Gã có vẻ hãnh diện về nguồn gốc, tổ tiên, mặc dù thường ngày gã hay ngồi chồm hổm chửi đồng thiên hạ, than ngắn thở dài cuộc sống nghèo khổ của đời ông cha chả để lại cho gã được gì nhiều. Thế hệ ông cha gã xả thân cứu thủy thủ của hoàng gia Anh quốc, nhờ vậy giờ con cháu được miễn đóng thuế hàng năm.

Chiều nay cỡ khoảng ba giờ, dân du khách sẽ “đổ bộ” lên đảo từ những tàu Princess, Carnival với giàn đèn đủ màu chói sáng cả khung trời ngoài khơi. Elusu sẽ có mặt, chờ những chiếc tàu nhỏ chở đầy người vào bến. Gã làm nghề hướng dẫn đã lâu. Từ khi còn mặc quần thủng đít, gã hay được cha cho theo ra bến tàu đón du khách đi thăm động dơi, trại nuôi rùa, hang hải tặc. Hồi xưa các cô, các bà thấy Elusu thường hay bẹo má, vuốt đầu khen thằng nhỏ dễ thương. Dần dà lớn lên gã không quên nghề cũ. Georgetown, khu phố chính, gã rành rừng ngõ hẻm; đường vòng quanh uốn khúc, gã nhớ từng viên gạch ổ gà.

Elusu quay sang Duy thầm thì:

– Tí nữa tao sẽ tìm cho mày một con nhỏ thật thơm, thật đẹp.

Cái “thơm” Elusu ám chỉ là cái thơm mùi nước hoa thành thị mang từ xa đến, 6 oz1 Giorgio Beverly Hills, bốn mươi lăm dollars, ở đây chẳng ai dám đụng vào. Elusu chê con gái đảo quê mùa, lam lũ. Gã hít một hơi vào lồng ngực, hỏi lại:

– Sao? Thích không?

– Cám ơn, nhưng tí nữa tao có hẹn với Kaya. Duy trả lời.

– Kaya? Elusu hỏi lại. Vẻ mặt hơi ngạc nhiên pha lẫn chút khó chịu.

– Ừ, Kaya! Duy nhấn mạnh.

Quay sang, Duy gặp cái nhún vai Elusu thường làm mỗi khi gã không biết nên nói gì cho phải.

Kaya, người con gái màu da bánh mật của ngày đầu Elusu lôi Duy đến xem trại nuôi rùa. Kaya lúc đó không có hoa bụt đeo ngang tai, cuốn quanh bụng để ngực trần Tahiti, không hoa Lei, mặc muumuus õng ẹo điệu nhạc Hula Hawaii. Kaya chỉ có cái áo đầm trắng loại Made in India, 100% cotton, chổng mông ở bãi cát bới trứng rùa để ấp trong lồng kính. Kaya với mái tóc dài quăn khô lõa xõa trên vai, thiếu chất condition cần cho những buổi trưa hè nắng gắt.

Nếu không phải vì Kaya chổng mông một mình ở bãi cát vắng này thì chưa chắc gì hắn đã ra làm quen... Hắn cười lịch sự:

– Chào cô.

Kaya cũng quay sang nhìn hắn. Môi nàng dầy, mắt nàng nâu đen. Kaya có vẻ quen với dân du khách hay la cà tới hỏi.

– Anh ở xa mới đến?

– Tôi từ Miami, Florida.

Elusu vẫn cái điệu bộ của những tên làm nghề hướng dẫn viên, hình như đã ăn sâu vào tuỷ, gột bỏ chẳng được – cao giọng cắt ngang cuộc đối thoại giữa hắn và Kaya:

– Đây là một nguồn tài nguyên quý giá còn hơn châu báu ở đảo này, mày có biết không? Món thịt chính của đảo là thịt rùa. Hàng năm trại rùa sản xuất không biết là bao nhiêu tấn thịt, chưa kể đồ nữ trang được làm từ mai rùa mà dân du khách thích mua về làm kỷ niệm.

Duy quay qua tìm Kaya. Hình như nàng không để ý thái độ thiếu lịch sự của Elusu. Nàng cũng có vẻ không thích đứng gần, nghe Elusu kể lể. Lúc này chiếc rổ trên tay nàng đã nặng trĩu trứng rùa. Duy ráng chờ Elusu nói cho xong câu. Sợ Kaya biến mất hắn hỏi vội:

– Thiên hạ ăn trứng rùa?

– Ồ! Không đâu. Kaya lắc đầu chỉ tay vào rổ. Trứng này dùng để ấp. Để tôi dẫn anh đi một vòng xem cho biết.

Rồi nàng nắm tay, kéo Duy đi chẳng cần để ý đến sự có mặt của Elusu. Duy quay qua hỏi Elusu như một cách chia tay khéo:

– Tối nay gặp nhau ở chỗ cũ chứ?

– Ừ! Thôi tao đi. Elusu cũng từ biệt.

Những bồn nước to cỡ chậu plastic thay thế hồ bơi mà những gia đình bình dân hay mua cho con cái tắm vào mùa nóng nực, chứa nước biển sủi bọt được bơm từ ngoài khơi vào. Kaya chỉ cho hắn xem một bồn có cả hơn trăm con rùa đang tranh nhau bơi. Những con rùa chỉ bé bằng hai ngón tay chụm lại. Nàng giải thích:

– Bồn này chứa rùa xếp theo mẫu tự. Đây là bồn A. Khi mấy con này lớn hơn một chút, tính ra độ khoảng hai tháng, sẽ chuyển sang bồn B.

Kaya dẫn Duy đến trước một cái hồ xây theo khuôn khổ thế vận hội có rào làm bằng kẽm chia từng khu vực, mỗi khu vực có 3 hoặc 4 con rùa to cả hai người ôm, lưng nặng nề di động. Duy đoán đây là những con rùa lớn nhất. Ngồi sát thành lâu lâu một con bơi sát qua, người ta có thể thò tay xuống sờ vào mai nó. Dưới hồ có xây những khối kính thật to cao quá mặt nước để du khách có thể đứng nhìn rùa bơi qua lại như trong Sea World ở Orlando, Florida.

– Cỡ này là làm thịt được rồi. Phải lôi nó lên mang vô xưởng...

Duy cắt ngang câu nói của Kaya:

– Thịt rùa không biết giống thịt gì nhỉ?

Hồi nhỏ ở Việt Nam hắn có nghe đến thịt rùa biển. Dân nhậu khen ngon nhưng có người lại nói ăn thịt rùa không khéo dễ trúng phong. Hắn chẳng ham thử cho biết ra sao, mà nhớ lại cặp rùa treo trên tường nhà ông bà ngoại hắn, đầu cổ sần sùi như da rắn, không thấy gì là thẩm mỹ.

– Thịt rùa ăn giống thịt heo và thịt gà. Kaya trả lời. Anh muốn đến xem người ta làm thịt rùa không?

Hắn sợ nhìn thấy cảnh máu me chết chóc, không có gì là hấp dẫn, vội xua tay:

– Khỏi cần vào xưởng làm gì. Cô mặc đẹp như vậy vào đó bị bẩn mất công.

– Anh phải thử cho được món turtle steak ở đảo này. Ai từ xa đến cũng đều khen ngon. Không những thế còn bổ nữa. Dân thuỷ thủ Tây Ban Nha kéo dài được hành trình ngoài khơi không biết đến bao nhiêu tháng trời là cũng nhờ ở thịt rùa.

Thấy sự thân thiện, vui vẻ của Kaya, Duy không bỏ lỡ cơ hội:

– Vậy chiều nay tôi mời cô đi ăn turtle steak được không?

Là con gái đảo lâu lâu mới có người mời, Kaya thích thú gật đầu chấp thuận:

– Chiều nay vào khoảng bảy giờ được chứ? Nàng loáy hoáy vẽ bản đồ cho hắn.

– Đúng bảy giờ! Hắn cười.

Thịt rùa hắn hơi ớn, nhưng được dẫn Kaya đi thì dĩ nhiên hắn thích.

Kaya có phần diện hơn lúc hắn gặp nàng buổi sáng – Duy nhận xét hơi thừa thãi. Hắn ngắm Kaya, áo đầm tím nhạt của màu hoa Africa đủ để ánh nắng hoàng hôn chiếu xuyên qua, đủ cho hắn thấy những đường cong trên người nàng. Vẫn loại 100% cotton thoáng mát, không phải lo bôi deodorant vào nách ngăn mồ hôi. Kaya không đeo nịt vú, hai đốm đậm lờ mờ trên khung áo như gọi mời cái liếc nhìn thoáng qua của hắn. Nách nàng lớt phớt mấy sợi lông quăn dài không nhổ, chân không cạo để trần thoải mái. Nàng mang dép cao su, loại ở Việt Nam người ta thường bày bán trên các vỉa hè. Chỉ cần xối nước, đạp đạp vài cái là bùn đất hay cát đều rớt ra khỏi phải lôi thôi cởi tháo mỗi khi cần rửa chân. Không panty hose, không garter belt như hắn hay nghe Elusu kể về những cô gái từ xa đến.

Duy lịch sự hôn phớt lên hai má nàng. Kaya e thẹn nhưng thích thú với hành động hào hoa, tân thời này của hắn. Ở đây là đảo, một chấm nhỏ trên bản đồ, chẳng phải Paris, được một người đàn ông đối xử galant làm sao không thích được.

Con đường trải nhựa từ chỗ Kaya ở lồi lõm sau cơn bão Hugo vẫn còn in dấu tích. Những căn nhà xiêu vẹo thuộc giới lao động, hình như bị muối biển tàn phá thiếu phương tiện sửa sang, nằm dọc một dãy, vài con chó thả lỏng chạy sủa long bong.

Tiếng thắng gấp của bánh xe ôm nhựa đường làm Duy giật mình kéo vội Kaya về phía mình. Nàng cười, chẳng phải cái cười chế diễu, để lộ hai hàm răng trắng đều:

– Có vậy mà anh cũng giật mình. Tụi sinh viên không biết từ đâu bày ra trò này để hù thiên hạ, nghĩ cũng vui.

Tiếng cười của lũ người lố nhố trên xe và tiếng thắng gấp vẫn từ xa vọng lại. Duy hơi ngượng về cái tật giật mình xưa nay vẫn có. Kaya giải thích thêm:

– Tụi nó thích lựa những cặp đi đường rồi giả bộ thắng gấp để chọc đó mà! Anh chờ xem, tí nữa tụi nó sẽ trở lại.

– Ừ, thì tôi cũng biết. Chỉ lo sợ cô có bị gì thì phiền.

Hắn bào chữa cho có lệ.

“Conch Star”, cái bảng nhỏ có vẽ hình con ốc biển nổi lờ mờ bởi ánh đèn néon 100 watts và lũ thiêu thân lượn vòng, không đủ ánh sáng. Một quán bình dân trang hoàng vài ba lưới cá giăng trên tường và mấy vỏ sò gắn chung quanh. Tiếng nhạc vang lên hỗn độn. Mỗi quán một ban nhạc, không cửa che. Nghệ sĩ local và vài ba anh Jamaican gân cổ lên thổi saxophone. Blue Jazz không thịnh hành. Raggae từ Phi Châu mang qua, mệt mỏi điệu nhạc của bao nhiêu năm đòi quyền tự do, bình đẳng. Ubao, Ziggy Marley, Black Uhuru “Free South Africa” nhịp nhàng, chậm chạp kéo lê như đời sống dân địa phương. Thiên hạ như cố níu kéo lại thuở xa xưa. Không ai muốn đổi mới dù dân du khách mỗi năm mỗi ồ ạt kéo về. Không có nhóm biểu tình đứng đường hô hào bảo vệ không khí bị ô nhiễm, tầng ozone trong thời kỳ nguy kịch, hơi độc nhà máy, mưa acid, bảo vệ súc vật, cấm mang sản vật vào đất liền. Thỉnh thoảng mới có những chiếc xe như lúc nãy chạy ngang qua; những chiếc xe mui trần mở ầm ĩ những bản nhạc mới nhất của đám sinh viên trong kỳ “Spring Break”2

Tiệm ăn mù mịt khói thuốc. “Bàn cho hai người, chỗ không hút thuốc”. Duy đòi hỏi hơi thừa. Quán này không chia ranh giới no smoking, muốn có bàn cũng tự tìm lấy. Gã bồi bàn hình như đã quen với dân du khách nên không mấy để ý đến đòi hỏi của Duy. Duy sực nhớ đây chẳng phải Miami, chỉ là một hòn đảo nhỏ thuộc về Anh quốc mà thôi.

Họ tìm được bàn gần lối ra vào ngõ bếp. Bàn nhỏ bằng cái mâm, vừa đủ chỗ cho hai đĩa ăn cỡ trung bình và hai cái ly uống nước. Đây là quán chuyên bán thịt rùa, không phải cao lâu, ăn uống không chia ra làm ba, bốn phần salad, soup, món chính rồi đến tráng miệng, cũng không có đến một cái thực đơn để khách lựa chọn. Kaya vẫy tay làm dấu mà không hỏi ý kiến Duy:

– Cho hai dĩa turtle steak.

Món thịt rùa nướng có tẩm bột sốt hành, cà chua với ớt tây, Duy ăn thấy lạ miệng, cũng ráng nuốt, mang máng nhớ lại Kaya nói thịt rùa có chất bổ đặc biệt, hắn cười. Kaya cũng cười tươi nhìn hắn ăn, như người vợ hiền lần đầu tiên săn sóc bữa tối cho chồng. Cứ vài phút nàng lại hỏi hắn ăn thấy ngon không.

Khi xưa thần Kim Quy cho kiếm rồi đòi kiếm vua Lê. Thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, cho móng làm nỏ thần gây ra mối oan tình Trọng Thuỷ Mỵ Châu. Bây giờ Kaya chẳng phải Mỵ Châu, Duy cũng không muốn làm Trọng Thuỷ, đang ngồi trong quán thưởng thức món thịt rùa, khoái chí. Nhìn thiên hạ qua lại; náo nhiệt, ồn ào tiếng trống tiếng kèn, Duy cảm thấy thời giờ ở Đảo Rùa như ngừng lại ở một vùng không nhất định. Mà thế thật, từ khi bước chân lên đảo chưa bao giờ hắn xem giờ, ngay cả trước buổi hẹn với Kaya. Họa chăng chỉ nhìn đồng hồ đeo tay chỉ bình dưỡng khí còn bao lâu lúc hắn lặn sâu dưới đáy biển.

Sự thích thú của Duy khi nghĩ lại buổi đi chơi với Kaya hôm qua chả kéo dài được lâu. Elusu đang chửi ông trời không ra gì tự nhiên lại mưa. Ngày thường, ngửng đầu le lưỡi chẳng thấy giọt nào, hôm nay ngày quan trọng lại mưa day diết từ tối đến giờ vẫn chưa thấy tạnh. Elusu ngồi bó gối, ôm cái radio nhỏ bằng cuốn travel guide hắn hay dùng, nghe ngóng thời tiết. Tiếng vang vọng của mấy anh xướng ngôn viên phỏng đoán thế nào chiều nay cũng tạnh, hình như vẫn không dằn được cơn bực dọc của Elusu.

Kể ra Duy thích mưa, nhưng mưa một ngày, mưa nhiều chán đời là lẽ thường. Cái buồn tự đâu kéo đến, không phải vì mưa, cái buồn của ngày cuối tại đây, sáng sớm mai hắn ra đi. Elusu hình như không để ý đến sự thay đổi trên khuôn mặt của hắn. Elusu đang lo âu, sợ chiều nay còn mưa hoài như thế sẽ ế khách, mất cả cái vui. Bộ quần áo hải tặc gã tốn công tìm cho Duy không phải là rẻ gì.

– Mày mặc thử tao coi có vừa không. Elusu quàng bộ đồ lên người hắn.

– Làm ơn cho tao miễn. Mặc mấy thứ này khó chịu lắm. Duy xua tay từ chối.

– Đâu có được. Mày phải mặc. Elusu giải thích. Ở đây một năm chỉ có một lần. Mày đến vừa đúng dịp, ngày mai lại bỏ đi. Bao giờ mày mới có cơ hội trở lại.

Ừ, bao giờ mới có dịp về lại dây. Duy nhủ thầm, chợt nghĩ đến Kaya, chắc rồi Kaya cũng sẽ buồn.

Bộ quần áo satin bó sát người làm Duy thấy khó chịu. Thiếu thoải mái trong cái khăn quấn đầu, vướng víu kiếm đeo ngang hông. Thật rắc rối. Hắn tưởng tượng hình ảnh Kaya trong bộ quần áo hải tặc bó sát có phần thích hợp hơn. Mang máng nhớ hình như không có đàn bà làm hải tặc, mà nếu có hắn cũng chưa nghe đến bao giờ. Làm dân Viking có vẻ hay hơn. Ít ra cũng cao lớn, không phải ăn mặc luộm thuộm hay khoác áo choàng, chỉ cần áo tơi che nửa người, để một tay tự do cầm kiếm. Hải tặc chết đi không ai thương tiếc. Đàn ông Viking chết ít ra cũng có nàng hầu cùng chết theo. Duy sợ sự cô đơn, nếu hắn chết, tàu sẽ được kéo vào bờ, củi chất chồng chôn dưới hầm, một căn lều sẽ được dựng lên và người hắn nằm êm ái trên nệm chung quanh có bày thức ăn và những vũ khí của biết bao nhiêu người đã bại trận dưới tay hắn. Một trong những nàng hầu của hắn sẽ được chọn để cùng chết chung với chủ. Nàng sẽ sợ hãi, khóc lóc tỉ tê, rồi người đàn bà mang tên “thần chết” sẽ lôi nàng vào trong căn lều, ở đó nàng sẽ bị đâm bởi dao hay bị thắt cổ bởi giây thừng. Xác nàng xếp nằm chung bên chủ, tàu được hoả thiêu, căn lều thành tro bụi, và hai người sẽ mãi mãi gần nhau.

Hắn mơ màng như vai chính trong chuyện cổ tích vừa được quay thành phim chiếu trên màn ảnh đại vĩ tuyến 70mm, âm thanh nổi có dolby.

– Trông mày cũng oai gớm! Elusu mở miệng cắt ngang giấc mơ làm Viking của hắn.

Duy quay qua nhìn vào góc. Cái gương kê lệch phủ đầy màng nhện, phải nhíu mắt lại lắm mới trông rõ được.

– Tao thấy giống hải tặc Thái Lan, có gì mà oai.

– Hải tặc Thái Lan? Elusu ngạc nhiên không hiểu câu nói của hắn.

Duy lắc đầu cười trừ, không muốn mất công giải thích. Có nói chưa chắc Elusu đã hiểu. Đối với Elusu hải tặc là hải tặc, và hôm nay, ngày “Hải Tặc” ở Đảo Rùa, hải tặc trở thành một biểu tượng quan trọng và đẹp đẽ.

– Ừ thì muốn giống ai cứ việc. Elusu gật gù ngắm hắn. Trông mày vẫn giống hải tặc Cayman. Nếu có bộ râu giả vào thì mày trở thành Blackbeard, cũng oai.

Hải tặc của đời xưa đến đời nay vẫn còn nhiều người nhắc đến, trở thành một huyền thoại bỏ quên đi sự tàn bạo của con người. Thời tiền nhân cướp của giết người, giờ đây con cháu lợi dụng để làm tiền du khách.

Những lá cờ đen với sọ người trắng hếu, hai xương bắt chéo vào nhau phất phới bay đầy con hẻm. Cửa tiệm cho mướn đồ hoá trang đã được du khách chiếu cố từ mấy hôm trước. Những cô du khách đứng õng ẹo trước gương ướm thử quần áo vào người, khúc khích. Đàm trẻ nít cỡ năm, sáu tuổi đua nhau múa gươm bất chấp lời la hét, cấm đoán của cha mẹ. Tiếng ồn ào náo nhiệt vọng ra từ tất cả mọi căn nhà, đầu ngõ đến cuối ngõ, như cả một lịch sử vừa sống dậy.

Elusu mỗi tay choàng một cô du khách. Hai người con gái tóc vàng óng ánh, chụm đầu vào nhau cười nắc nẻ. Mưa đã tạnh từ chiều. Elusu thú vị ngồi rung đùi hớp rượu. Cảnh này không còn lạ đối với Duy và những giai thoại hải tặc của Elusu hắn cũng đã thuộc lòng. Elusu được gái mua rượu cho uống, huyên thuyên kể, nước bọt bắn tung toé, quên cái cảnh khó chịu khi mới vào bắt gặt Kaya ngồi bên cạnh Duy.

Kaya hình như cũng không ưa thích gì lúc thấy Elusu khoác tay hai cô gái tóc vàng. Sự thân thiện của người dân trên đảo đối với khách du lịch là một chuyện, thân mật lại là một chuyện khác. Câu ca dao tục ngữ “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” đã xưa, nhưng vẫn áp dụng (bất cứ nơi nào mà không gian và thời gian còn được xoay chuyển bởi con người; và con người sẽ mãi mãi gay gắt với kẻ khác trong khi dễ dãi với chính mình). Hai bàn chân Kaya đong đưa lên xuống đun đẩy như cái ngáp dài mỗi khi nàng quay đi giấu giếm. Những cặp tình nhân ngồi núp trong góc cũng ngà ngà dựa vào nhau, đu đưa theo điệu nhạc Raggae nhịp nhàng như sóng biển đang dồn dập phủ vào bãi cát bảy dặm trải ngang quán ăn, nhịp nhàng như cơn gió đong đưa giàn đèn giấy kết hoa treo chung quanh cửa.

Duy đưa mắt làm dấu cho Kaya. Cách rút lui lịch sự của hai người Elusu hình như không để ý. Khi gặp lại nhau, và ba câu hỏi han cũng đủ.

Gió biển thổi. Duy thấy thoải mái. Hắn nắm tay Kaya, đạp chân lên bãi cát mịn, chạy dài theo ven biển. Sóng nước tạt vào tà áo Kaya, thấm ướt gần nửa thân hình. Kaya giọng buồn hỏi:

– Ngày mai anh đi rồi à?

– Sáng sớm. Hắn trả lời cho qua chuyện. Cảnh bịn rịn chia tay hắn không thích.

– Ai đưa anh ra phi trường?

– Chắc Elusu.

Thật sự Duy không chắc. Hắn chỉ biết hắn không muốn nhìn Kaya có mặt tại phi trường, buồn bã tiễn hắn đi. Tối nay, chưa chắc Elusu đã về nhà ngủ. Tối nay hắn cũng không muốn về. Kaya lặng yên không hỏi thêm nữa, vài giọt nước mưa bắt đầu rơi trên khuôn mặt không son phấn của nàng. Nước mưa mát, nước biển quanh năm suốt tháng ấm. Hắn cúi xuống hôn Kaya, lưỡi hắn liếm nhẹ những giọt nước đọng trên mặt nàng. Ở đây không có “acid rain”, không lo bị ung thư, mặt Kaya về đêm đẹp không thành thị. Ở đây biển không bị ô nhiễm dầu Exxon. Hắn đưa tay tháo những cái nút áo, ngực Kaya rắn chắc, bụng nàng thon, da nàng mát nhờ những lúc chổng mông đứng lên cúi xuống lượm trứng rùa, không phải tốn 50 dollars mỗi tháng cho U.S. Fitness. Hắn ôm choàng Kaya, nhoài người vào trong sóng biển. Đảo Rùa, cảnh sát tuần đêm hình như không có.

Tiếng cô chiêu đãi hàng không léo nhéo trong loa làm Duy giật mình tỉnh giấc. “Xin quý hành khách miễn chụp hình hay quay phim khi bay ngang qua hải phận Cuba, cám ơn”. Phía dưới là đại dương một màu xanh thẳm. Hình như đã xa đảo Rùa. Xa từ cái ngoảnh mặt không nhìn, xa một khoảng cách không gian, thời gian và cả một lịch sử văn hoá. Hắn nhoài người ép mặt vào cửa sổ máy bay, cố gắng tìm cho được cái chấm nhỏ nằm dưới Cuba. Không thấy! Hình như đảo Rùa đã lặn sâu vào lòng biển cả.

Miami và thủ tục quan thuế. Duy uể oải xếp hàng nối đuôi theo đoàn người đang đứng thứ tự dưới gạch vàng được tô đậm dòng chữ “dành cho công dân Mỹ”. Gã quan thuế hỏi:

– Ông có mang sản phẩm súc vật nào vào nước không?

– Không. Hắn đáp. Chiếc bảng bảo vệ súc vật chình ình trên tường đập vào mắt hắn.

– Ông có mang trái cây hay thịt thà gì không?

– Không!

Hắn lại đáp, như đứa học trò đang bị thầy cô gặn hỏi, rồi cũng cám ơn khi gã quan thuế đóng dấu vào cái thẻ nhập cảnh.

Xách giỏ quần áo lên tay, lững thững đi được vài bước, nghĩ sao Duy quay lại. Hắn tháo chiếc nhẫn làm bằng mai rùa Kaya vừa tặng đêm qua, đưa cho gã quan thuế đang bận rộn lục xét gói hành lý trước mặt:

– Xin lỗi, có cái này suýt nữa tôi quên!

Chắc sẽ chẳng ai hiểu hành động của hắn. Cũng không sao. Những gì của đảo Rùa hãy trả lại về đảo. Kể cả những nụ hôn nồng cháy cũng chỉ là cơn gió mát đầu mùa.

(1)    6 ounces

(2)    Kỳ nghỉ mùa xuân, giữa hai khoá học

Các thao tác trên Tài liệu

Nguồn: https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-020/dao-rua