Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Núi Thái bạc lòng

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Trong khoảnh đất nhỏ ở cuối trại gia binh, “sân chơi” độc quyền của tôi và anh Quang, cây bàng đứng sừng sững với tàng cây thẳng và cân đối như cái bát trải rộng. Trời cuối thu, những chiếc lá bàng to chuyển sang màu nâu vàng, và những trái bàng hình bầu dục chín màu vàng rụng xuống rải rác trên mặt đất. Dưới bóng cây bàng, tôi nghiền ngẫm bộ Tây Du Ký mượn của mẹ và lén đọc cuốn Bên Dòng Sông Trẹm của o Nậm; cuốn sau là tiểu thuyẽt tâm lý xã hội của Dương Hà với những tình tiết “éo le lâm ly bi đát”, mẹ cấm xem vì “con nít không được tọc mạch chuyện người lớn”.

Chiều hôm ấy, khi anh Quang rảnh rỗi đi loanh quanh kiếm chuyện làm, chị em con Bê mang bị vải trên vai đi tới.Con Bê trạc tuổi anh tôi, và con em tên Ba có lẽ nhỏ tuổi hơn tôi. Hai đứa là con ông thượng sĩ Đối, người có cấp bậc cao nhất trong trại gia binh hạ sĩ quan và thường được kính cẩn gọi là ông Quản. Anh tôi mở lời gây sự,

“Con cá đối nằm trên cối đá!”.

Như chờ đợi sự chọc ghẹo của anh, con Bê từ tốn đặt chiếc bị vải tựa vào gốc bàng, lấy ra một tờ giấy soạn sẵn, rồi phản pháo bằng cái giọng Bắc trong trẻo quyện vào nhau nghe ríu rít như chim hót,

“Thầy Thông thiên tư thông thái, tính tình tiện tặn. Thầy thường thao thức than thở thế thái: thi trượt tú tài, thiếu tiền trọ, thiếu thuế thân, thiếu tiền tiêu tết. Tiết Trung Thu tháng Tám, thầy Thông ta toan tự tử trước tòa thị trưởng...”.

Tôi tự hỏi làm sao con Bê biết tên cha thì anh Quang lên tiếng ngắt ngang bài văn chữ “t”,

“Bà Bê bán bún bò bị bò bạng bể bụng!”.

“Quang qua quýt, quanh quẩn, quay quắt, quăn quéo, quằn quại, quềnh quàng, quýnh quáng, quờ quạng, quơ quét”, con Bê nhìn trong giấy đọc liền một dây.

Anh tôi cứng họng; tôi chờ câu văng tục “con c... tau” mọi khi, nhưng không thấy. Anh tiu nghỉu kéo tay tôi,

“Thôi mình về”.

Đi đâu mà vội mà vàng; mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”, con Bê dịu giọng năn nỉ; vừa nói vừa diễn tả – co chân phải và nối hai tay ôm quanh đầu gối.

Tôi đây không vội không vàng; không vấp phải đá, không quàng phải dây”, anh tôi trổ tài văn chương và diễn tả đối đáp – chân phải bước tới và hai tay mở rộng ra; tôi nhìn anh mà không tin đôi mắt mình.

Lại thêm một điều khó tin khác: anh Quang thằng Gái, răm rắp nghe lời sai khiến của một đứa con gái! Anh giúp con Bê lấy trong bị ra một cái lò nhỏ bằng đất sét nung và các nồi niêu xoong chảo bé tí bằng nhôm. Chiếc bị con Ba đựng bộ bát đĩa tí hon cùng các thứ gạo, rau… để chơi nấu ăn. Anh tôi lại chịu chơi “vợ chồng” với con Bê!

Đóng vai bà nội trợ, nó phân công,

Đằng ấy là chồng, phải đi làm việc”, nghĩa là kiếm cành cây và lá khô để đốt lò.

“Còn thằng Bé và con Ba làm chi (gì)?”, anh hỏi.

Ba con gái phụ mẹ quét nhà và nấu ăn; còn cậu Bé con giai thì đi học”, con Bê trịnh trọng trả lời.

Trong lúc con Ba “quét nhà” – lượm rác và trái bàng rụng, tôi “đi học” – ngồi đọc truyện như trước. Cơm nấu xong, anh Quang gọi đến ăn bằng câu hát trêu,

Học trò đi học đã về; cơm canh chưa chín đã trề mui (môi) ra”.

Mâm cơm “gia đình” chỉ có cơm và canh rau ngốn hai miếng là hết sạch nhưng thơm ngon lạ lùng. Từ lúc xa quê nhà, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh tôi vui.

***

Cả tuần nay, chị em con Bê bỗng dưng biến mất. Hàng ngày anh Quang ra cây bàng chờ đợi rồi trở về với vẻ mặt buồn thiu. O Nậm thì thào với chị Tôn hàng xóm sát vách là sau trận cãi nhau kịch liệt với chồng, bà Quản Đối đem con về nhà cha mẹ ngoài Huế.

Sau bữa cơm tối, mẹ và o Nậm lúi húi dọn dẹp chén dĩa trên giường (vừa là chỗ cả nhà ăn cơm vừa là chỗ ngủ của mẹ và ba anh em tôi), ông Quản Đối mặt đỏ gay, chân nam đá chân chiêu, ôm nậm rượu đứng trước cửa. Dượng Tụng chưa kịp mặc áo đón khách thì ông bước vào, lè nhè,

Me-xừ Tụng, toa có biết bây chừ moa khổ tâm lắm không?”.

(Me-xừ (tiếng Pháp là Monsieur = Mister), toa (tiếng Pháp là toi = you), và moa (tiếng Pháp là moi = me) là các tiếng xưng hô thông dụng của người lớn thời đó).

Nể ông Quản là cấp chỉ huy của dượng, o Nậm ra hiệu cho đám trẻ con đi ra sau bếp, nhưng anh Quang mím môi ngồi yên và tôi thừa dịp nán lại theo. Lời kể lể trong lúc say sưa không đầu không đuôi nhưng ông lặp đi lặp lại nhiều lần nên chúng tôi hiểu ra nỗi “khổ tâm” của ông.

Ông Quản sinh trưởng ở Ninh Bình, vào Nam lập nghiệp năm mười sáu tuổi, và gia nhập quân đội năm mười tám tuổi. Mười mấy năm trước, khi đơn vị đóng đồn gần Huế, ông cưới cô Vân Lan nổi tiếng đẹp nhất vùng và sinh ra hai cô con gái xinh đẹp là Xuân Lan (con Bê) và Thu Lan (con Ba). Khi nói chuyện, ông hãnh diện chêm vào một hai tiếng Huế để mọi người biết ông lấy vợ Huế chính cống.

Tuy nhiên, trong hồ sơ quân bạ bà Vân Lan chỉ là “vợ thứ”. Bà “vợ chính”, người được cha mẹ ông đứng ra cưới hỏi, lam lũ làm ăn và quán xuyến giang sơn nhà chồng ngoài Bắc. Nhờ những chuyến nghỉ phép hàng năm về thăm quê mà ông nói dối là đi công tác, bà sinh ra ba người con trai. Hàng tháng ông vẫn lãnh phần lương trợ cấp của mẹ con bà.

Sau khi Hiệp định Giơ Neo (Genève) ký kết, bà vợ chính không ở lại chăm sóc cha mẹ cùng nhà cửa ruộng vườn mồ mả tổ tiên nhà chồng mà lại dắt ba đứa con lên tàu há mồm theo làn sóng người di cư vào Nam. Đến Sài Gòn, bà nhờ người nhắn tin tìm ông từ mấy tháng nay nhưng ông lờ đi không trả lời. Tuần trước, một người làng tìm ông để đưa tin, tình cờ gặp bà Vân Lan và cho bà hay tự sự.

Bà khóc ròng oán trách lấy nhau đã có hai mặt con mà ông nỡ nào gạt gẫm bà. Bà khuyên ông đón mẹ con bà vợ cả về để gia đình đoàn tụ, vẹn toàn cả dòng chính lẫn dòng thứ. Khi ông không bằng lòng rước “con mụ nhà quê” và “ba thằng giặc con” ấy về “phá hại hạnh phúc” của ông, bà lẳng lặng cuốn gói dẫn con về nhà cha mẹ vì không thể sống chung với người chồng, người cha vô hậu bạc tình bạc nghĩa như vôi.

Ông Quản tiếp tục than thở với dượng Tụng,

Bây chừ đầu óc moa rối beng, toa nghĩ moa phải làm sao?”.

Tôi nghe chuyện mà nước mắt chảy dài và nghĩ tới cha, chắc ông cũng tìm cách bỏ rơi chúng tôi như ông Quản Đối.

Chợt nghe anh Quang lên tiếng,

Răng (sao) ông Quản người lớn mà nói tiếng Huế cà lăm?”.

Ông Quản cười khà khà mỉa mai,

“Đi từ Bắc chí Nam, tao chỉ huy một đại đội lính mà bây chừ bị một thằng bé hỉ mũi chưa sạch chê không biết cách ăn nói”.

“Có răng con nói rứa (vậy), có sai (đâu)”, anh tôi không chịu thua.

Dượng Tụng thương cháu nhưng không dám làm mất lòng thượng cấp,

“Cháu nó trẻ người non dạ, thượng sĩ bỏ qua cho”.

“Nếu con giảng rõ ông nói cà lăm thì tính răng?”, anh tôi không lùi bước.

“Cậu nói đúng thì muốn gì tao cũng chịu; nhưng giảng không thông thì phải khoanh tay xin lỗi, hoặc là bị đòn”, ông Quản ra điều kiện.

Được y ước, anh tôi hăng hái,

“Từ tối đến giờ ông dùng hoài tiếng “bây chừ”. Hỏi dượng con có phải “chừ một chắc (một mình) có nghĩa là “bây giờ” không?”

Dượng gật gù tán thành, anh tiếp,

”Do đó “bây chừ là “bây bây giờ;ông nói lắp hai tiếng “bây”, không phải cà lăm hay răng?”.

“Ờ, tạm cho là có lý đi”, ông Quản ngượng nghịu, “mà cậu muốn điều gì?”.

“Ông đón bà về và theo ý nguyện của bà”.

Đêm đó tôi nằm mơ bị hai con yêu tinh hung ác phép thuật cao cường rượt bắt ăn thịt; một con trông tựa như ông Quản Đối, còn con kia không rõ mặt. Giật mình tỉnh dậy, tôi lén nhìn thấy mẹ khóc nước mắt ướt gối.  Tôi cố hình dung diện mạo của cha nhưng không tưởng tượng ra.

Ngày 8 Tháng Tám, 2013