Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Đẻ sách (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Chương 5

Độc giả ăn tác giả

(Thư của độc giả Do Ngoc gửi tác giả Đẻ Sách)

Thân chào Đỗ Quyên - tác giả Đẻ Sách,

Tôi, độc giả Do Ngoc. Danh xưng cũng làm bút danh luôn. Liệu nên xem đó là một trong các chỉ dấu nhỏ phân biệt độc giả và tác giả? Nếu Đỗ Quyên chịu thế, chúng ta sẽ nói kỹ về chỉ dấu nhỏ này, rồi chuyển ngay sang các chỉ dấu lớn, bỏ qua các chỉ dấu nhỏ khác. Những cái nhỏ thường an trú trong phận của nó hay phận các cái nhỏ khác. Những cái lớn, không thế. Cái lớn luôn không yên ổn. Vấn đề đâu phải do kích thước, mà quan niệm tồn tại.

Người Việt mình ra các nước Âu-Mỹ, thú vị nhất phải nói là tên họ đệm cứ cởi tung ra. Không biết với Đỗ Quyên thế nào, chứ tôi phải mất nhiều năm mới thấy được ấy lại là cái thú, cái vị cho người Việt xa xứ. Cả mấy ngàn năm đóng đai trong trật tự họ đệm tên, bố bảo cũng không dám suy suyển. Thế mà ụych một cái, thằng Tây con Đầm cứ vô tư xáo trộn lộn tùng phèo danh giá chúng ta. Đến mức ngay như tôi - danh không có đệm, họ thì giản đơn hai mẫu tự tròn tròn - mà cũng không nhận ra. Ngoc Do? Tên của thằng bỏ làng nào đấy, đâu phải mình? Đâu còn các con tự ông bà thầy cha bác mẹ mình nâng niu chọn đặt với bao ý nghĩa cao vời trong những mộng ước thượng đỉnh cho cuộc đời mình, dòng tộc mình? Lần đầu tiên nhận về cái mớ tên họ bị bọn mũi lõ mắt xanh đảo lộn tùng phèo, tôi sốc. Song, thú thật chỉ giây lát thôi, và bỗng thấy lo thay cho người tôi vừa mới được một lần chạm mắt liếc trộm tên - Tôn Nữ Hải Phụng Kim Hương - rồi xa cách ngàn khơi. Ngoài tội trộm, cái liếc còn can tội trượt. Liếc là liếc cặp mắt của nàng. Cố tình. Nàng chịu hay không chịu, tôi cũng không hiểu. Chỉ biết nàng đong đưa hai con mắt, khiến cái liếc lúng túng của tôi trượt xuống quyển passport và ôm ghì lấy dòng chữ mang đầy đủ mớ ba mớ bảy họ tên nàng. Hương ơi bấy nay Hương nơi nao? Hương đã thấy thú thấy vị chửa với sự nhung nhăng của danh phận khi thân thể Hương xa rời quê nhà? Hay ngần ấy năm trời Hương vẫn ngậm ngùi bên đống gia tài của mẹ của cha bị đảo tung lên trên đất người xứ khách? Đỗ Quyên, là nhà văn, may còn danh tiếng, tiền bạc một ngày nào đó kéo về với tên tuổi, chắc vậy phải giữ gìn vết tích dân tộc qua vài ba cái dấu thanh điệu ôm ấp danh tiếng, tiền bạc. Do Ngoc, tôi trần trùng trục vậy thôi. Đã cởi mở tên tuổi, đã tung phá danh phận trên khắp bốn phương trời mười hai phương đất thì cho nó đi luôn! Hết cả huyền sắc ngã nặng! Đỡ rối mắt dân bản xứ! Khỏi vướng lòng kẻ tha hương! Làm độc giả vô danh, chúng tôi hết phải gìn giữ nhiều như các tác giả dù vô dẫu hữu danh. Các vị đã chịu vác cây thánh giá “tác” của Thượng đế ngôn từ trên bàn tay mình. Cơ khổ đấy! Công nghiệp đấy! Ráng mà tác thành tác tạo cái gì cho xứng danh tác. Bằng không, nói thiệt lòng, vứt xừ nó đi cho khỏe! Văn chương, cái có lẽ duy nhất không ai cưỡng bức ai phải đeo đuổi. Và ai cũng có thể rũ bỏ văn nghiệp bất kỳ lúc nào. Mà hẳn có lẽ chính bậc tự do kỳ lạ đó đã ràng buộc các tác giả ở lại?

- Một vị tướng miền Nam, thiếu tướng Nguyễn Văn Chức, khi sang Mỹ, tức là Chuc Nguyen, Chuc V. Nguyen hay là Chuc Van Nguyen, đã khẳng khái cải danh thành Chuck Van Nugent. Rất tiếc, đại tướng Lê Văn Tỵ không còn sống, chứ ra ngoài nước ông đã có thể cải danh (Ty Le-Van) oai hùng thành... Dan Le-vy chẳng hạn, để ví von tài cầm quân của ông với lại Moshe Dayan? [1]

- Bùi Vũ Kim Ngọc Mai Vương, 23 tuổi, từ quận Tân Bình - TP. HCM sang Boston và đang làm tại Ngân hàng Admirals trên tòa tháp ngay tại quảng trường Copley, nơi vụ đánh bom xảy ra. “Tui đang ở chỗ làm thì đột nhiên nghe thấy tiếng nổ”- Vương nói qua điện thoại với phóng viên... [2]

- Khi bắt tay vào nghề viết, tôi đã chọn cho mình một bút danh ngắn nhất có thể, với hy vọng sau này, nó sẽ được kéo dài bởi nhiều nhan đề tiểu thuyết - nữ văn sĩ Thuận chia sẻ. [3]

Người sống chung bao năm nay với tôi đã bỏ dấu cho danh phận tôi: Đồ Ngốc. Tôi vui vẻ chấp nhận như tên-có-dấu của mình ở hải ngoại. Ai mà không khờ ngốc trước người sống chung? Kẻ khờ thật, người ngốc giả. Chỉ có điều không ai đã ngốc hóa mình đến cùng, như tôi. Đỗ Quyên có người-sống-chung không nhỉ? Hỏi về người-sống-chung không phạm luật lịch sự Tây phương như hỏi về vợ chồng, okay? Giả đò chuyện nhà chuyện cửa cùng người đối thoại trong lần đầu tiên là tôi cũng cho Việt tính của mình leo quá ngọn cau, như nhân vật Đồ Râu ở Chương 2. Thề, từ sau câu hỏi trên, cứ cho Đỗ Quyên tam phu ngũ phụ, có người-sống-chung hay có người-chết-chung hay không, tôi mặc lòng, trên phương tiện cá nhân. Tôi chỉ buộc lòng tôi - thông qua các điều trình bày và cậy đăng dưới đây - với tiểu thuyết Đẻ Sách và với tác giả Đẻ Sách. Nói cho hết; nếu một mai đấy đi đẻ các thứ khác đây cũng mặc lòng. Tất nhiên, đẻ ngon lành như Đẻ Sách lại là chuyện khác. (Tiện hỏi, độc giả chúng tôi thấy cánh tác giả hay thậm thụt dền dứ về dự kiến in sách hoặc nói trước sự viết. Như một mê tín trong nghề viết. Sao vậy?). Nếu một mai còn dở dang Đẻ Sách Đỗ Quyên bị đổi thành, xin lỗi ví dụ, Đỗ Quéo, lòng tôi cũng mặc; miễn Đỗ Quéo là tác giả Đẻ Sách dù của các phần sau còn Đỗ Quyên tác giả các phần trước.

Khác với một bài thơ, tên tuổi tác giả một truyện ngắn, một tiểu thuyết không can dự mạnh mẽ vào ấn tượng người đọc nhiều lắm. Ta vẫn có thể cầm đọc cho tới hết một pho tiểu thuyết bị rách mất trang bìa mang vác tên tác giả, miễn các trang văn sau thu vén lòng ta. Sẽ thấy bất an làm sao trước một bài thơ, dù chỉ năm, bảy hàng, bị chặt cụt tên tác giả khiến ta không buồn dành dù chỉ một góc lòng thưởng thức.

Tôi đã đọc các trích đoạn Đẻ Sách ở những tạp chí, báo mạng Truyền Thông, Chủ Đề, Tạp Chí Thơ, damau.org, hoinhavanvietnam.vn, vanviet.info, vanchuongviet.org, trangchunhat.freevnn.com, maivanphan.com, giaiphamchude.net, truyen-thong.org… từ hồi 2006 đến nay 2018. Các trang văn ấy như không hề mách chỉ giới tính của tác giả. (Có khi cũng có ảnh tác giả đấy, nhưng ở thời số hóa ngu gì tin vào hình ảnh! Chữ nghĩa còn bị bất tín nữa là.) Nên tôi đã không để các chữ vô lối vô tình Ông/ Bà/ Anh/ Chị/ Cô/ Cậu ở trước tên Đỗ Quyên. Vậy là họ - các tạp chí, trang mạng - chơi đẹp với Quyên đấy! Tại sao việc tác giả không rõ ràng tuổi tác lại dễ được mọi người chấp thuận hơn vụ tác giả không minh bạch giới tính? Tôi không đồng ý sự bất công này! Tôi bảo vệ quyền tác giả phi giới tính, như một trong số các tác giả quyền vậy.

Bật mí để Đỗ Quyên hiểu Đồ Ngốc có được một đồ không hề ngốc chút nào. Cuối năm 2007, ăn theo hai mạng damau.org và tienve.org ở danh xưng Nhóm Văn nghệ sĩ mời ký tên Tuyên cáo của Người Việt Nam Yêu nước (chính xác phải gọi là yêu Quần đảo) phản đối và lên án chính quyền Trung Quốc xâm lược lãnh thổ Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa, Ngốc tôi đã thu thập được mớ danh sách các vị yêu quần đảo của Tổ quốc nhưng cũng rất yêu lãnh thổ của giới tính để gởi Văn bút Quốc tế đòi bảo vệ quyền phi giới tính cho tác giả. Ai cũng rõ, nói chung xưa nay kết quả thỉnh nguyện thư - lại là thứ thỉnh nguyện thư gởi chánh quyền, ở vụ này còn là chánh quyền Trung Quốc mới ngán hơn con gián chứ! - giống như ném đá xem tăm. Nhưng hòn đá yêu Nước yêu (Quần) Đảo của dân Việt ở trong cũng như ngoài lãnh thổ Việt Nam dịp này được liệng ra rất ngoạn mục. Từ đệ nhất biểu tình sáng ngày 9 tháng 12 năm 2007 với gần hai trăm sanh viên, văn nghệ sĩ, ký giả trước Tổng lãnh sự quán Tàu tại Sài Thành; và cũng tương tự tại Đại sứ quán Tàu tại Hà Thành. Thành ra bảo là tăm cũng đúng, kêu là sóng cũng trúng. Tăm lăn tăn trong chuyện quần chuyện đảo; sóng cả trong việc tổ việc quốc. Quả nhiên, vừa lăn tăn vừa sóng cả. Lăn tăn: Trường Sa và Hoàng Sa vẫn trơ gan trong Tam Sa của Tàu. Sóng cả: Đúng một tuần sau, sáng 16 tháng 12 diễn ra đệ nhị biểu tình với ngót ngàn người ở Hà Thành và gần trăm sanh viên ở Sài Gòn. Rồi đệ tam biểu tình ngày 9 tháng Giêng 2008 nữa, không hoành tráng (vì bị tan ngay) mà vẫn ấn tượng (quá tam ba bận)…

- Talawas: Ông có lời khuyên gì cho những người Việt Nam quan tâm đến vấn đề này; đặc biệt trong những ngày khi mà lần đầu tiên có những cuộc biểu tình tự phát chống bá quyền Trung Quốc diễn ra tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn?

- Vũ Tường: Tôi nghĩ người Việt Nam nên bình tĩnh thảo luận vấn đề để tìm ra một giải pháp lâu dài. Đây không phải là một vấn đề mới, cũng không phải là vấn đề gấp gáp. Dù chúng ta không nên phóng đại vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chính phủ Việt Nam không nên và không có quyền cấm đoán dân chúng biểu tình hay giấu giếm thông tin về quan hệ Việt-Trung. Sau suốt một thập kỷ chiến tranh dai dẳng với Trung Quốc, chính sách hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc rất khó hiểu. Cũng có thể đây là chính sách khôn ngoan, nhưng nhân dân Việt Nam cần được giải thích rõ ràng tại sao vậy, vì họ đã và sẽ phải trả giá cho những quyết định thiếu khôn ngoan bằng chính xương máu của họ”. [4]

Chuyện Tàu, chuyện Trường-Hoàng Sa cứ để đó… Về thỉnh nguyện thư giới tính của riêng tôi, Hội Văn bút hồi đáp ngay. Rằng quá bận vụ văn sĩ bị đàn áp ở các quốc gia độc tài nên chưa thể quan tâm chuyện giới tính văn sĩ. Rõ ràng, đó không chỉ sỉ nhục Thượng đế mà còn chà đạp con của Người: Con người. Một khi con người không định vị xong xuôi chuyện giống tính đực cái hay không đực không cái thì sống cũng như chết. Chỉ tới cái chết mới gặp nơi các giống loài được bình đẳng giới tính ư? Hỡi các lãnh tụ giới tính nhóm yếu thế và dễ tổn thương, nghe rõ lời Ngốc nói không?

Kiến nghị của người đồng tính, song tính và chuyển giới góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi, Trung tâm ICS, đại diện tổ chức xã hội bảo vệ quyền của nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (viết tắt là “LGBT”) tại Việt Nam, đưa ra các một số kiến nghị để góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (…) cũng như bảo đảm tính bao quát của Hiến pháp để đảm bảo quyền của người LGBT với tư cách là những con người và công dân của Việt Nam. [5]

Nếu như nền độc tài nào đó siết chặt tự do ngôn luận, tự do sáng tác mà lại mở rộng tự do giới tính, tôi sẽ hô nền độc tài đó muôn năm hai lần rưỡi. Song le, bao năm qua tôi vẫn chưa hô lên được nửa lần, vì không nền độc tài nào chịu thế. Họ khăng khăng ứ chịu nới rộng dây thun quần, mặc dù lúc này lúc nọ cho mở miệng hoặc cởi trói tứ chi. Khôn lắm cơ, họ biết chính cái tự do giới tính sẽ làm tiêu chuẩn tiên khởi cho các dòng tự do khác tuôn trào theo. Thật ra, Liên hợp quốc đã có điều khoản này trong Công ước Quốc tế 1948 về các quyền tự do rồi, thế mà phía độc giả chúng tôi vẫn không hiểu sao khi thấy bên tác giả Đỗ Quyên còn xì xụp với món ăn giới tính tác giả như chó quê mê cứt trẻ?

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình [tại Việt Nam] năm 2000 cấm Hôn nhân đồng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014, bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" từ ngày 1 tháng 1 năm 2015. Tuy nhiên, Luật 2014 vẫn quy định "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Theo báo Tuổi Trẻ, những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. [6]

“Vì sao Đài Loan là nước châu Á đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới

Phán quyết công nhận hôn nhân đồng tính vừa qua là bằng chứng cho một nền dân chủ và pháp quyền vững mạnh của Đài Loan, khác hẳn với phần còn lại của châu Á. Ngày 24/5/2017, cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Đài Loan đã giành được một thắng lợi lớn, khi phán quyết của Tòa án Tối cao khẳng định tính hợp hiến của hôn nhân đồng tính. Đây có thể coi là quân cờ domino mới nhất trong lĩnh vực quyền LGBT, tiếp nối những phán quyết tương tự trong hàng chục năm qua tại Tây Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Chỉ một số ít quốc gia Đông Á cởi mở cho phép những người thuộc cộng đồng LGBT thực hiện nghĩa vụ quân sự, và không một quốc gia nào thừa nhận các cặp đôi đồng giới. Những mối quan hệ này vẫn bị coi là bất hợp pháp tại Singapore, Malaysia, Brunei, và ở nhiều vùng thuộc Indonesia. Việc Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á công nhận hôn nhân đồng giới, ở chừng mực nào đó, không phải là điều bất ngờ. Đài Loan từ lâu là quê hương của một trong những cộng đồng LGBT lớn mạnh nhất châu Á, góp phần cấu thành nên tính năng động của một xã hội ủng hộ sự đa dạng và khuyến khích các nhóm thiểu số thể hiện quan điểm về những vấn đề văn hoá và chính trị.”[7]

Hỡi các tác giả, chúng tôi - độc giả - rất ghét việc phân loại dòng văn học gái trinh, nền văn xuôi nam trung niên, phong trào thơ gay, phương pháp truyện ngắn lesbian… Ối mẹ ối chị em gái ối bạn gái ối sếp gái ối hàng xóm gái của tôi ơi, tới giờ này mà giữa nước Mỹ văn minh (vụ này khỏi phải chứng minh!) và kỳ cục (tháng tháng lại có dăm vụ bắn súng chơi người chết thiệt!) vẫn có các ấn bản như

“Tuyển tập thơ song ngữ Nàng Thơ Ngạo Mạn: Thơ Phụ Nữ Từ Thượng Cổ Đến Hiện Đại (The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poetry from Antiquity to the Present), vừa được xuất bản trong trung tuần tháng 8 năm 2007, với sự cộng tác của NXB Feminist Press của viện đại học thành phố Nữu Ước (The City College of New York) và NXB Phụ Nữ, Hà Nội, Việt Nam.” [8]

Tôi dị ứng nhứt cái chữ Feminist ở tên sách. Một khi đã phải réo gọi đến Feminist tức là xã hội đẻ ra cuốn sách đó đết có cái-tính rồi, rặt đực-tính mà thui. Đinh Từ Bích Thúy, cho phép Ngốc tôi nhái Nữ Quyền Dép Râu thành Nữ Quyền Tháp Đôi nha? Vâng! Ba bảy cái sự phân loại chỉ mang ý nghĩ thống kê, trong các hồ sơ đóng hòm của giới văn học sử. OMG! Văn học sử, Chúa ạ, đích thị một bộ môn lại giống. Văn chửa thành văn, sử chưa nên sử; nó mặc sức áp dụng các thuật ngữ trong đời sống như condo trai, xu chiêng nữ, laptop đàn ông, ly con gái… vào các phương pháp luận của mình. Thế nhưng, thi pháp văn học mà vậy là tịt giống. Mỹ học của nghệ thuật mà vậy là hết đường sinh nở. Khi muốn giới tính hóa thi pháp, người nghiên cứu có hậu ý thắt tinh tác phẩm. Để ví dụ một lần cho mãi mãi, buộc lòng tôi phải đàn bà con gái ngồi lê kể chuyện kiếp trước - cái kiếp văn học nô lệ giới tính, từ nửa mình trên của thế kỷ 20 kéo dài đến hậu môn của thế kỷ đó:

Ẩn dụ tương đồng cây viết và dương vật là quan trọng

Gilbert khẳng định vậy, vì ẩn dụ ấy khiến ta có thể nghĩ đến quá trình viết lách, và khả năng sáng tạo nói chung. Bằng cách nối liền khả năng viết với chuyện có dương vật, những tác giả này khẳng định viết, và sáng tạo, là một hành động sinh học, một hành động bắt nguồn từ cơ thể - đặc biệt là cơ thể đàn ông. Bài viết của ông có ảnh hưởng lớn về sáng tạo trong văn hóa phương Tây, cho người viết nam lẫn nữ. Trong suốt lịch sử văn hóa phương Tây, phụ nữ bị giới hạn trong vai trò sinh nở, là mẹ của con người; trong khi đàn ông đã quan trọng hóa sự sáng tạo của mình như người “sinh ra”, như cha/người truyền giống của những điều bất tử như sách. Gilbert kết luận, loại bỏ phụ nữ ra khỏi công cụ của nghề viết có nghĩa các tác giả nữ đã tìm ra những phương thức khác để viết - nếu họ không viết bằng cây viết/dương vật thì họ viết bằng cái gì đây? Không lẽ bằng sữa, bằng máu, trên lá và vỏ cây! Khái niệm cấu trúc của ngôn ngữ xoay quanh dương vật, tạo ra từ “dương vật tâm điểm”.

Derrida cho rằng trong ngôn ngữ lời nói có được trọng hơn chữ viết, tạo ra chữ “lời nói tâm điểm” để chỉ văn hóa Tây phương nói chung.

Cixous và Irigaray kết hợp hai tư tưởng này để diễn tả những hệ thống và cấu trúc văn hóa Tây phương là “dương-vật-lời-nói-tâm-điểm,” dựa trên nguyên thủy của những chữ nhất định trong một dãy đối lập nhị phân. Cixous cũng bàn về chuyện viết lách ở mức độ nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Bà xếp viết lách vào chung hàng với thủ dâm, một điều đối với phái nữ lẽ ra là bí mật, đáng hổ thẹn, hay ngớ ngẩn; cũng như sự kích thích âm vật sẽ phải bị từ bỏ, thay vào là dục tính trưởng thành của âm đạo/sinh sản thụ động.

Cixous tạo ra thành ngữ "l'ecriture feminine"/“văn chương nữ” để thảo luận khái niệm viết lách nữ tính (và viết lách nam tính, phần tương ứng của viết lách nữ tính trong thế giới dương-vật-lời-nói-tâm-điểm). Bà thấy "l'ecriture feminine" trước hết chỉ có thể xảy ra trong thơ và không có trong văn hiện thực. Còn tiểu thuyết thì là những đồng minh của chủ nghĩa biểu hiện. Cixous nói, trong thơ ngôn ngữ được thả lỏng; thơ gần hơn với vô thức và gần những điều bị dồn nén và như thế gần với thân thể nữ/dục tính nữ hơn.

Cixous nêu lên câu hỏi về lưỡng tính dục, từ ý kiến của Freud rằng, trên căn bản tất cả mọi người đều là lưỡng tính dục. Rồi bà đã hình dung sự thai nghén như những chức năng khác của phụ nữ, nên thai nghén cần được viết bằng “l’ecriture feminine”. Khi thai nghén được viết ra thì cơ thể phụ nữ, chứ không phải dương vật, là hình tượng của nguồn gốc sự sống và sự sinh nở có hình tượng khác hơn là sự chia cách.” [9]

Sao nào Đỗ Quyên, theo phe Helene Cixous hay phe Ngoc Do? Phe nào thì phe, khi một tay Này còn lần mò điểm G hay sửa son trên lúm đồng điếu, còn cà lật cà lật bao quy đầu hoặc vuốt râu hùm mà mặc mẹ cái tay Kia gò gõ trang văn, thì nhà văn đã dung túng hai tội lỗi. Một, hạ văn chương mình thấp hơn sự phân giới loài người của Thượng đế. Hai, tăng tốc cuộc chiến tương tàn bàn tay Này-bàn tay Kia như hồi 8 Chương 2 từng tường thuật.

Đồ Ngốc tự triệt thoái giới tính linh quý mà bác mẹ đã sinh thành đến mức quay mông - Á, không được, tư thế quay mông thế nào cũng có cơ sinh chuyện; nói lại - quay gáy vào các phong trào, các đợt vận động viết về tình dục tính dục, về nữ quyền nam lực, về giới tính thứ ba hay giới tính chậm hoặc đang phát triển trên các văn đàn tiền phong nhong nhong như tienve.org, damau.org, talawas.org, Tạp Chí Thơ ở hải ngoại với các tác giả đã được Hải Dớ kể hết cho Minh Rô-lăng, hay các nhóm trong nước như (bốn chàng) Mở Miệng, Năm Con Ngựa Trời, hay các tác giả Thế Uyên, Nguyễn Văn Lục ăn theo. Đơn hành từ kiếp trước những là Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thị Hoài và tam tứ hành kiếp này như Đặng Thân, Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ, Đỗ Hoàng Diệu, Y Ban… Ngốc tôi chỉ phản cảm về sự thổi kèn từ vựng, cưỡi ngựa bút pháp của một số in ít tác giả, lơ thơ vài văn đàn nào đó thôi. Tục ngữ cư dân mạng chẳng có câu “Một con tinh trùng sâu làm rầu cả buồng trứng” đó sao! Với các đồng chí tinh trùng này, độc giả chúng tôi cảm thấy họ còn bị đề tài hóa tệ hại hơn đồng chí tinh trùng Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngốc vừa đọc lại khá nhiều sáng tác phục vụ phong trào Sinh đẻ có kế hoạch, cổ động chiến dịch Hố xí hai ngăn thời đó mà cũng không thấy dơ thúi bằng. Các bạn tác giả ơi! Đề tài trong văn chương là quần vải áo sợi mà thôi, tụt ra choàng vào mấy hồi, như mưa nắng ngoài trời rơi rồi lại rụng trước mái hiên thời gian. Giá trị văn chương, đó mới là cơ thể của bạn bằng xương bằng thịt khỏa thân rực sáng ngôi nhà chữ nghĩa, như mặt trời mặt trăng trong vũ trụ kia. Bạn có mấy mặt trời trong tiểu thuyết? Có mấy mặt trăng thi ca? Cho độc giả Do Ngoc tôi xem nào! [Mở ngoặc lớn: Tôi gọi tác giả cho gọn, trong đó tính cả người sáng tác và người phê bình. So lòng lại, thật tâm không muốn nói thêm nữa, vì lâu nay chúng ta, người đọc cùng người viết, hễ cứ mó đến giới phê bình y như mở hũ tương ế. Nhưng phải nói thôi. Trót mở ngoặc lớn rồi. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy... Khi người viết đã phải mở ra dấu ngoặc lớn chở một ý tưởng của mình, khác gì tráng sĩ rút gươm khỏi bao, gái chơi buông lơi xiêm váy? Nói này: Càng phản cảm về sự “thổi kèn” từ vựng, “cưỡi ngựa” bút pháp ở một số in ít các văn-thi sĩ bao nhiêu, đông đảo quần chúng độc giả nhân dân lao động chân tay và lao động trí óc chúng tôi càng khó ngửi bấy nhiêu về lơ thơ mấy cộng (chớ hổng phải “cọng”, còn ở “cộng sản” lại là “cọng” như học giả Nguyễn Khắc Kham từng sửa chính tả mà Đồ Ngốc tôi cứ lộn hoài!) phê bình gia ở các diễn đàn sếch xì nói trên. Thi pháp nghiên cứu, phê bình của họ rất cơ thể học: Con mắt phê bình (Thưa, cái gọi là con mắt xanh ý mà) ở họ như máy dò chim bướm nơi văn thơ của các tác giả tinh trùng (sâu cũng như không sâu). Họ sẽ có những lời tụng ca, nâng bi tác giả tỷ lệ thuận, thậm chí cấp số nhân, với số lượng câu chữ tục tằn và số lượng bộ phận sinh dục dò được. Thoạt tiên, độc giả chúng tôi đúng là đồ ngốc khi thầm phục các nhà phê bình đó. Nhoằng một cái, bài thơ văn sếch xì vừa đi trên mạng đã có bài phê bình trích dẫn chỉn chu đầy đặn chạy kèm. Phê bình gia thì phê bình gia chứ, bộ là quỷ râu xanh hay sao mà đôi mắt và hai bàn tay của họ nhanh lẹ bắt sống được cả tiểu đoàn các câu chữ thô lậu vô lối, các đồ nghề nhân tạo và thiên tạo tận tụy trong những trận mần tình vô đạo từ thứ thơ văn vô lối đó? Còn ai trồng khoai đất này nữa! Chính anh giai Bill Gates đã tiếp tay cho họ: Chỉ cần copy & paste các chữ “l`’, “c.”, dâm thủy, “đ. nhau”, v.v… vào ô Find what của Microsoft Word là các em “l`’, “c.”, dâm thủy, “đ. nhau”… trần truồng chạy vô tái phơi mình trong bài của các anh phê bình gia! Đóng ngoặc lớn]. Tác giả Đỗ Quyên nghĩ sao? Theo phe quần chúng đồ ngốc hay phe các tinh trùng sâu? Im lặng.

Tác giả ơi? À nhân chữ “ơi”, lại nhớ một người bạn Liên Xô có lần thắc mắc với Đồ Ngốc: “Dạo mới nghe chúng mày gọi nhau ‘Hạnh Nga ơi?’, “Hùng ơi?”, tao cứ tưởng người Việt chúng mày có họ chung là Ơi? Khác gì chúng tao nói “Ivan Ivannovich?”, “Irina?”. Nhiều chuyện! Thì không ơi nữa... Tác giả này, nói chung khi thưởng thức tác phẩm văn học, độc giả chúng tôi không thể chỉ ra nhà văn nọ đang một mình một làn trên xa lộ Tân hình thức hay còn lẽo đẽo đuổi bắt đom đóm Hiện thực thần kỳ, cũng như không thể đong đếm kịch tác gia kia ấp úng trong dòng Beckett đã bao lâu. Bạn đọc thực ra rất đàn bà, Quyên Đỗ ạ. A, cười rồi! Tưởng còn im lặng… À mà không. Cười vẫn thuộc về im lặng. Một tân hình thức của im lặng. Đỗ Quyên, cười, im lặng, và hãy nghe tiếp! Độc giả đàn bà ở chỗ ham để ý các động thái, chi tiết hình thành thuộc về giới tính văn học. Chúng tôi ưa quan sát tác giả làm việc với cái gì bằng bàn tay Kia trong lúc bàn tay Này đơn phương đả tự. Người chấp bút của bài tựa Dăm Lời cho tờ báo ấy viết đến câu “Tháng Tư là tháng ác nghiệt thứ tư” thì cong cong ngón nhẫn hay vo bàn tay hình viên đạn? Chúng tôi biết lắm chứ! Tại câu thơ thứ năm mươi lăm trong bản trường ca Trăm Thi Điệu nam tác giả đó vê tóc sâu hay rờ râu dê? Chúng tôi biết lắm chứ! Khi ngập ngừng tới một nửa trước ở dấu chấm hết thiên truyện ngắn Lời Nguyện Nửa Khuya, người viết gái cắn móng tay hồng hay nâng ly rượu đỏ trong đêm tuyết phủ dày mặt đất 30 phân? Chúng tôi biết lắm chứ! Trong suốt thời gian chuyển ngữ tiểu thuyết mini Lai Lịch Của Những Cái Chết dịch giả chuyển giới chống cằm hay tựa não trái? Chúng tôi biết lắm chứ! Phút ký tên dưới tranh XXX minh họa bìa sau kỳ báo đó, họa sĩ hai phai đang vọc cu hay lần bướm? Chúng tôi biết lắm chứ!

Thật ra, nếu Cixous cứ cố chấp theo kiểu đờn bà rằng, người nữ phải viết “văn chương nữ”, nếu Gilbert cứ bảo thủ theo cách nữ giới rằng, sự viết văn - thông qua biểu tượng cây bút - có nguồn gốc từ việc có dương vật, thì Ngốc tôi không cách gì cãi lại. Dù ở tôi nguồn gốc đó đang nằm (cong thẳng tùy người đối diện) trong trang phục và văn phục của tôi lúc này. Có lẽ Do Ngoc phải mượn đỡ Thuyết bàn tay Này-bàn tay Kia của Đỗ Quyên tại cuộc chiến với Cixous và Gilbert? Hai quý mợ nữ quyền đã nhầm lẫn khi quy đổi phương tiện và hình thức - thể hiện ở các đối lập nhị phân, như nam tính-nữ tính, trái-phải, ngôn ngữ-im lặng, hiện diện-vắng mặt, lời nói-chữ viết - sang mục đích và nội dung của con người, xã hội và văn chương. Nhị quý mợ hoặc chưa học tới chân tường nguyên lý Pauli về sự đối xứng gương trong lý thuyết lượng tử, hoặc là học dở chừng xuân thuyết Âm Dương của Kinh dịch Đông phương. Việc gì phải nhặng củ kiệu lên mà giương cao mãi mãi ngọn cờ của thuyết nam nữ bình quyền, khi mà bản thân nam nữ đã là bình quyền về nội dung và mục đích tối hậu: Con người! Không thể đẻ ra quái thai là văn học Nam hay văn học Nữ. Chỉ có một văn học Con người ở cuối mỗi dấu chấm của một bài thơ, áng văn. Tác giả đẻ ra bài thơ, áng văn đã không còn ý nghĩa sau khi chúng ra đời, thì thằng này con kia ông nọ bà ấy là tác giả lại càng khỏi cần tính đến. Viết bằng con chim hay bằng cộng tóc lông - tóc lất lơ trên đầu hay lông e ấp cửa mình - đâu có chi là trọng? Như bàn tay Trái bàn tay Phải. Đó là trái là phải của nhân loại đi bằng chân. Trong thế giới quan, nhân sinh quan đi bằng đầu, phải hóa thành trái. Chưa thủng vấn đề? Mời vác mắt vác tai tới tư gia danh tài Nguyễn Đại Giang - dễ ợt tìm phòng thứ 8 tầng ba Khu Nghệ sĩ giữa phố thị Seattle được nhà nước Huê Kỳ bảo trợ trọn đời, nói nôm ở nhà free - cha đẻ họa phái Đảo ngược/Upsidedownism luôn sẵn sàng minh họa. Tin Ngốc này đi, bạn vong niên với nhau cả...

Ngôn ngữ hay Im lặng, Hiện diện hay Vắng mặt - đều phụ thuộc vào hệ quy chiếu nào đó mà thôi. Ai dám bảo các nhà sư ngồi là im là lặng? Người Việt hải ngoại có vắng mặt trên quê hương không? Câu trả lời đã có. Chính thế, nhị mợ Đầm ơi, trong Kinh dịch chúng tui, tính Âm chất Dương luôn chứa trong nhau, chan vào nhau, đứa nổi lên kẻ chìm xuống nhưng không khi nào hiển hiện một cái Âm thằng Dương đơn lẻ. Túm (lai quần chị Út Tịch) lại, tôi thấy phí cho cái lý thuyết văn học hậu cấu trúc trong tay người đẹp Helene! Các sáng tác lạm dụng giới tính tôi vừa nêu của các con tinh trùng sâu chột trong văn đàn tiền phong Việt Nam, cũng như trên thế giới, không hề - vì không thể - sinh sản ra thứ văn học nào như một số ông bà chủ báo thường nống lên là văn chương tình dục, văn học kích dâm… Giản đơn, chúng chỉ làm các bãi đáp đơn lẻ, những câu thơ những đoạn văn như nơi tạm cư cho các tên gọi thông tục hay chính thống của các chi tiết, sự việc, bộ phận phục vụ cho sự làm tình giữa những con người. Đó chỉ là Giả văn học. McAmmond Nguyen Thi Tu trong Lông Ngỗng Trắng [10] và Lê Minh Hà trong Không Nhìn Một Hướng [11] ắt không là các chiến binh của Lệ Xuân Cixous: hai truyện ngắn đó đã là Văn học!

Đỗ Quyên đâu rồi? Đẻ Sách chứ có đẻ Giời cũng để đó, xếp gập bàn văn lại để nghe ý quan trọng nữa của Thượng đế-Độc giả. Và khi tiện, nói giùm giới tác giả rằng, tương quan tính dục nam-nữ thật ra không phải là Quan hệ nhân quả theo suy nghĩ của người phương Tây; mà đó là Nguyên lý đồng thời tương ưng luận như lối suy tư phương Đông. Vấn đề của nam nữ là xuất phát từ “không quan hệ nhân quả” và “ý nghĩa giống nhau hay tương tựmà ra. Muốn đi tìm tính bình đẳng nam nữ (trong văn chương) á? Hãy chịu khó mất công săm soi vào hai quan niệm đỉnh đầu ấy; không nên đánh mắt vào chỗ giao nhau của hai cái chân dẫn tới kiểu suy luận chim bướm rằng, hễ viết văn bằng dương vật thì là văn đờn ông, và ngược lại! Jung to bự lắm, đừng đùa khi ổng đã hạ bút (nhấn mạnh: cây bút chớ không phải dương vật!) để định nghĩa:

“Tương phù có ý nghĩa”/Meaningful coinci-dence, đó là trường hợp hai biến cố xảy ra đồng thời, nhưng biến cố này không sinh ra từ biến cố kia và chúng không cùng chung một nguyên nhân. Không có quan hệ nhân quả nào giữa hai biến cố đồng thời tương phùng tuy chúng nối kết nhau, một nối kết vô nhân (acausal connection). Hơn nữa, sự tương phù ở đây không phải là ngẫu nhiên. Đó là trường hợp tương phù có ý nghĩa giữa một trạng thái tâm thức (psychic event) và một biến cố ngoại giới (external event). [12]

Ví dụ dễ nhất ở chuỗi ba truyện ngắn của Đặng Thơ Thơ, trên damau.org và tạp chí Văn, Người Vợ Khổng Tử Và Cô Giáo Nữ Quyền, Mở Tương Lai, và Em Sẽ Yêu Anh Mãi Mãi, bạn đọc chúng tôi ứ thấy tác giả xưng xưng chưng diện nữ tính của mình. Chỉ như thể hiện sự trăn trở quyền lựa chọn giới tính trong các sự kiện cụ thể; nói cho bảnh là hoàn cảnh lịch sử. Riêng ở Mở Tương Lai cái bà già lịch sử 30 Tháng Tư khốc liệt quá trời quá đất, khiến sự lựa chọn giới tính phải nhường chỗ cho nỗi mơ làm người. Làm người nói chung, trong thời khắc nào đó, cần hơn làm đàn ông hay đàn bà chứ nhỉ? Thưởng lãm những đoạn nhân vật tôi/Thơ Thơ và nhân vật Nguyễn Hương “iêu nhau”, độc giả chả biết họ ở giống nào. Chúng tôi, thú thiệt, không còn tò mò - như văn hào Gorky giơ các trang văn kỳ diệu lên ánh mặt trời - hòng đi vòng ra sau trang văn tầm tra xem họ “lét” hay không. Với vô khối truyện khác, ở cả đống tác giả khác thì phải thú thật là độc giả chúng tôi thích có cái thói “Gorky đọc sách thời còn bé” lắm. Thì cũng tò mò thôi, giới tác giả thể tất cho. (Không tò mò không thành độc giả!). Người Vợ Khổng Tử Và Cô Giáo Nữ Quyền là truyện về giới tính ở gam triết lý; giản dị mà thâm sâu. Không triết lý sao được, không giản dị mà thâm sâu sao đành! Cụ Khổng đọc không vô là đêm đêm cụ… kéo cẳng. Ai mà biết nữ sĩ có bị Khổng tiên sanh kéo co gì chăng? Ở chương trước, chúng ta nhìn nhận truyện này khi nói đến vai trò ngôn ngữ trong giới tính.

Đoạn trên viết từ mươi năm trước lận, bữa nay độc giả Do Ngoc hên sao đó tác giả Đỗ Quyên ạ; mình vừa được chính nữ tác giả gửi cho cái truyện còn nóng và mềm, rất dễ dùng để cãi lại thuyết của nhị ông bà đồng cô thầy cốt Cixous và Gilbert. Thú vị, nữ sĩ ấy chỉ quen xài bút pháp hiện thực, điển hình với Lông Ngỗng Trắng, từng được túi bụi độc giả (họ đủ khôn chớ hổng ngốc như Ngốc) đánh giá là “một truyện hay, trình bày rất mạch lạc, bố cục chặt chẽ, mạch văn trôi chảy. Hiếm thấy!”, là “ít có bài viết hay truyện ngắn nào về Việt Nam đương đại lại súc tích thế khi mô tả một thực thể nhân cách, sản phẩm của sự tha hoá”. Thoắt cái chuyển qua bút pháp cổ trang nhuần nhụy. Còn về giới vẫn trung tính ở văn cách. Rất người, không bám vào quyền được-là-gái khi tác nghiệp. Với lối viết phúng dụ khá dữ dằn mà không sến, nữ tác giả dấn thân hết mình vô câu chuyện. A, thủ lãnh Cixous sẽ tưởng bở là thân thể (dấu hỏi). Sai! Người sành nhân văn đâu phí da thịt bác mẹ sinh thành. Thân đây là thân thế (dấu sắc) của một nàng thê (không dấu; xin lỗi, Ngốc cứ phải chỉ rành rẽ vậy cho thuận tiện với mấy đồng chí Tây ba lô dạy tiếng Anh dịch sách Mỹ kiếm đồng độ nhật ở Việt Nam.) Bạn đọc mà ứ rành nhân thân tác giả sẽ ứ xuyên thấu vấn đề đâu, nếu như không đọc bằng con mắt thứ tư. Ngốc biết sơ sơ, chỉ tới con mắt thứ ba là đủ. Với dung lượng tối ưu - truyện trong lòng bàn tay kiểu Chekhov - các nan đề gia đình, giải phóng phụ nữ, tình ái, người nữ di dân đã quyện chặt vào vấn nạn chung của loài người hiện đại. Bắt chước ông thầy thi pháp học Việt Trần Đình Sử, hai chúng ta - tác giả Đỗ Quyên và độc giả Do Ngoc - có thể đồng thanh nói: Không gian nghệ thuật truyện là một cường quốc thật là Canada, ảo là “vương quốc cho giải pháp đến tất cả vấn đề thế giới, vì là nơi duy nhất trên địa cầu xử lý mọi vấn nạn thể xác và tâm linh”. Trong khi đó, hình tượng nghệ thuật ở đây là sự tổ chức nhà nước qua các trường tập luyện Hatha yoga mà nhân vật nam (“Ngài”) chính là Quốc vương - người trị vì bằng các phái Hatha yoga. Ánh sáng xanh khiến nhân vật nữ (“Em”) thất vọng là ẩn dụ luyến ái hay là ẩn dụ nhân sinh? Có lẽ vì rất riêng tư đến như Ngốc cũng cóc hiểu, nên hẳn đấy mới là lối-viết-nữ theo Cixous và Gilbert chăng? Xét về toàn thể, quả là một truyện-ngắn-khó. Tính Âm chất Dương biến hóa khôn lường trong mỗi lời kể, chẳng phải cậy nhờ vào việc tác giả là nữ. May, Do Ngoc tôi có biết chút chút rằng Hatha nghĩa là mặt trời (hat) và mặt trăng (ha), nghĩa là yoga sẽ cân bằng vận động và nghỉ ngơi, căng và giãn, phải không ạ?

Lời Nguyện Nửa Khuya

Em mỏi mắt đợi. Mỗi đêm. Như những trinh nữ trong Kinh thánh thức thâu khuya giữ cho đèn không tắt để chờ chàng rể đến. Em đứng trên đầu. Em đứng trên vai. Em gập người về trước. Em cong người ra sau. Em ngồi, vặn mình sang phải, sang trái. Em đếm nhịp thở. Em nằm xuống, trở thành một thây ma. Vẫn không thấy ánh sáng xanh.

Đơn điền rồi, trong tay em. Không cần đưa Ngài ký, vì tòa không làm khó ly dị đơn phương. Nhưng em lần chần. Lại giống mấy lần trước. Âm thầm điền đơn, rồi âm thầm xé.  Đi đâu, làm gì, khi ra khỏi vương quốc của Ngài? Em vẫn chưa tìm được chốn dung thân. Ngày xưa bỏ gia đình xứ sở của mình đi theo Ngài em đã bị tiếng đời dị nghị. Em đã ký giao ước hiến tế linh hồn cho Ngài, không do dự. Vẫn không thấy ánh sáng xanh. Mà em giờ đã kiệt sức.

Ngài lên cơn đột quỵ. Tường thành vương quốc bất ngờ rỉ máu. Mọi người khóc ròng. Em ngã gục trong vòng tay các tì nữ. Mầu nhiệm thay. Các tổ phụ vương quốc đã phù hộ. Tiếng lành của vương quốc vẫn cứ lan xa. Người ta cứ nườm nượp khăn gói đến. Ai cũng tung hô vương quốc của Ngài là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của thế giới. Kẻ phản bội Ngài chẳng thể làm gì. Hàng trăm triệu trang web nhắc đến quyền năng của Ngài. Ngày nay gia nhập vương quốc Ngài mới là cấp tiến, là hướng tới lãnh vực tâm linh cao cả. Trở thành công dân của vương quốc mới được coi là có cuộc sống cao sang ý nghĩa vì thoát ra khỏi giai cấp tầm thường quẩn quanh vật chất. Thiếu người dạy, vô số chương trình huấn luyện đại sư cấp tốc mở ra. Được danh, được mở lớp, có quyền chỉ dạy sửa sang người khác, có tiền, có sự nể trọng, ai không muốn trở thành người thầy tâm linh. Một cái nghề sang trọng bắt đầu nở rộ trên vương quốc Ngài.

Ngày ngày công dân Ngài kiêu kỳ rảo bước, vai đeo tấm thảm cuốn tròn và lỉnh kỉnh những đạo cụ cho tu tập, bao gồm cả iPhone, cả điện thoại thông minh... Ai cũng đưa lên facebook hình ảnh mình chinh phục được những tư thế người ngoài vương quốc phải choáng váng; mà không nói về những đêm khuya âm thầm đối phó với các âu lo, toan tính, và trầm cảm kinh niên của mình.

Em cũng lại đang vác trên vai tấm thảm đi tìm sự thật cổ xưa năm ngàn năm trước. Cũng như bao tín đồ khác em vâng giữ các điều răn và luật lệ như một tôi tớ trung thành của Ngài. Ngài đã chúc lành, ban phước, xức dầu thơm cho em. Em không muốn thành kẻ phản bội. Ánh nến yên tĩnh. Âm thanh kinh tụng. Giọt nhạc giá buốt rắc lên linh hồn đã tận hiến của em. Em cùng bao người chân trần bước đi chung quanh căn phòng la liệt những tấm thảm trải đều tăm tắp, đi tìm sự khai sáng… Em vẫn trên hành trình theo Ngài, tìm ánh sáng xanh ẩn núp đâu đó. Bao giờ em mới thấy ánh sáng xanh? Hãy bảo em. Em van Ngài. Em sẽ không kể với ai điều Ngài sẽ tiết lộ với em: Có ánh sáng đó không? Hay nó cũng chỉ là một thứ lưu truyền mãi với thời gian? [13]

Thiệt tình, độc giả chúng tôi không ham vụ nữ quyền lắm đâu, các tác giả à. Bảo chúng tôi buông sách cấm “dành cho tuổi trên 21” xuống đường biểu tình cho nữ quyền; xong ngay, lao xuống hè phố với cả bàn chân trần! Nhưng khi chúng tôi đã thành con mèo trong tấm chăn chữ nghĩa mà cứ bắt tim, mắt chúng tôi hô khẩu hiệu; coi chừng đó! Sách sếc văng đi đằng sách sếc, nữ quyền tung về đường nữ quyền.

Lan man quá không? (Phi lan man bất thành tiểu thuyết!). Từ chuyện xưng danh, tên tác giả, qua giới tính, tới văn học giới tính rồi văn chương giới tính. Đến nước này nữa: Phê bình, nhận định về văn học và tình hình văn học. Đố Đỗ Quyên thấy trong pho tiểu thuyết nào đó có bình bàn văn chương tới nơi tới chốn? Gái góa lo việc triều đình hay là xỏ nhầm giầy? Kệ! Cứ theo lời này mà làm: “Văn học là để biểu hiện nhân sanh và phê bình nhân sanh. Tội vạ Phan Khôi, ông vua lý sự nước Nam chịu. Biểu hiện thì cũng kha khá rồi. Từ Chương Mở tới giờ. Nay phê bình, điều cần phải đến.

Âu cũng ghé chút mông chữ nghĩa tài tử của Do Ngoc vào xa lông văn học rộng thênh của Đỗ Quyên. Nếu được phép, nhiều thư sau Ngốc sẽ đồng tác giả với những độc giả khác góp vào Đẻ Sách các bàn loạn về một số cây viết (non nửa ở trong nước) trang lứa X60-X70 đang góp bút cho các báo mạng văn học tienve.org và damau.org dăm năm quanh 2006-2009, làm thay lông đổi lá văn học hải ngoại. Tiểu thuyết là Thuận, Đặng Thân… Phê bình là Đoàn Cầm Thi. Biên khảo Đinh Từ Bích Thúy, Nhã Thuyên. Dịch thơ Lê Đình Nhất Lang. Thơ Lê Vĩnh Tài và Lưu Mêlan, Đỗ Lê Anh Đào và Trần Khiêm... Truyện ngắn Lynh Bacardi, Nguyễn Vĩnh Nguyên...

Nếu biết nâng niu quá khứ gần, đề nghị ngó tới các vị sắp già đời văn vẫn là các cô, chú lính chân chì văn học hải ngoại, chí ít trên hai báo mạng vừa kể. Ký là Đỗ Kh. (chàng vừa xì ra tiểu thuyết đầu tay Khmer Boléro, dưng mà ăng-phờ-răng-xe. Ứ chịu, đây chỉ chơi mí các loại hình văn bản bằng chữ quốc ngữ). Tiểu thuyết là Nguyễn Viện, Nguyễn Thanh Hiện (và hôm nay Đồ Ngốc liều bút xướng danh Đỗ Quyên dù mới chỉ một cú Đẻ Sách). Phê bình Inrasara. Khảo luận Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Hưng Quốc. Tùy luận Ngu Yên. Dịch thuật Hoàng Ngọc Biên, Chân Phương, Nguyễn Thị Hải Hà, Nguyễn Hồng Nhung, và nhứt là Hoàng Ngọc-Tuấn ở mảng dịch thơ tiếng Tây Ban Nha; Thơ là Lê Thế An, là Trần Mộng Tú, là Nguyễn Đức Tùng: Người thơ đầu tiên cải bút danh đổi thi pháp tạo nghiệp mới; Người thơ thứ hai thủy chung với danh với pháp cơi nghiệp cũ; Người thơ thứ ba danh tiếng mới (dù tên tuổi cũ) nghiệp mới. Còn hai người thơ sồn sồn khác danh cũ mèm (một người phải cải danh) và nghiệp nổi lên dữ dội với thi pháp mới: Vương Ngọc Minh và Trần Thiên Thị. Chú ý: Dù mới hay cũ, nghiệp là nghiệp, nó vô danh vô pháp.

“Dăm năm qua, tôi thử dấn vào ‘lập biên bản’ sáng tạo của nhà văn hậu đổi mới: Nguyễn Hoàng Tranh, nhóm Mở Miệng, Mai Văn Phấn, Phan Nhiên Hạo, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Anh Hoài, Như Huy, Trần Nhã Thụy, Nhật Chiêu, Lê Vĩnh Tài, Vũ Thành Sơn… Đây là các tác giả viết trong cảm thức mới, sử dụng thủ pháp nghệ thuật mới. Nhiều khuôn mặt độc đáo khác: Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Đinh Linh, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Tôn Hiệt, Phan Bá Thọ, Đặng Thân, Lê Thị Thấm Vân, Miên Đáng, Lưu Hy Lạc, Khánh Phương, Lưu Diệu Vân (…) Tôi viết về họ, với hy vọng rằng sau cao trào này, sẽ làm một tổng luận về thơ tiếng Việt hậu đổi mới.” [14]

Với cách nói của Đẻ Sách, hãy gọi tôi – hay các độc giả khác – là những người-ăn-theo. Tác giả ăn cơ thể đồng loại, độc giả chúng tôi ăn theo tác giả để thành đồng sáng tác. Ngốc nói thế ý Quyên sao? Câu này hỏi, khỏi đáp. Đừng quên, cứ trong một tá câu hỏi người ta đối miệng đối tai hàng ngày, chỉ hai, cùng lắm ba, câu cần đáp. Trong chín, mười câu còn lại, chỉ một, cùng lắm hai, câu có lời đáp. Vùng trắng bao la kia của sự Hỏi sự Đáp là đất sống cho triết gia đi tìm các câu hỏi không có lời đáp, cho các khoa học gia trả lời các câu hỏi có thể có lời đáp, và cho các đạo đức gia về các câu hỏi cần và không cần đáp dù chúng có lời đáp hay không. Trước Đẻ Sách, tiểu thuyết nói riêng và văn học nói chung thường chỉ là nơi nêu câu hỏi. Thơ khác văn xuôi ở chỗ cái Hỏi trong thơ không tạo gợi sự Đáp.

Ăn theo. Vâng, nhưng không có nghĩa độc giả chúng tôi được hay bị đứng tên chung với nhiều chương đoạn khác trong Đẻ Sách. Lúc này chúng tôi nghĩ là hãy ứng xử kiểu Á Đông: đến ăn cỗ nhà người, chớ góp ý cách sắp đặt bàn thờ nơi gia đường. Mỗi bàn thờ có cái chỗ của riêng nó mà phi gia chủ không ai thấy nổi. Có nhẽ giữa Ngốc và Quyên sẽ chẳng thể nào sinh sự sự sinh như thể Đạt với Phong:

Tôi biết sớm muộn gì, tôi cũng nhận lãnh tội “đạo văn” của nhà văn Thu Phong, sau khi tôi gửi đăng trên Tiền Vệ truyện ngắn này. Nguyên do vụ việc: Thu Phong và tôi là bạn thân; mỗi lần anh viết xong truyện nào, tôi cũng được đọc trước tiên. Không phải một mà nhiều lần, đọc xong truyện của Thu Phong, tôi đã nói: “Tôi thích cốt truyện, ý tưởng trong truyện của bạn; nhưng tôi không thích cách viết, lối hành văn của bạn”, và cũng nhiều lần tôi tỏ ý viết lại truyện Thu Phong. Tất nhiên Thu Phong không lần nào đồng ý để tôi viết lại. Tới cái truyện mà tôi biến thành của tôi, “Tới nơi viết văn”, sự điên rồ ngu ngốc đã đánh bại tôi. Sự điên rồ ngu ngốc đã kéo tôi tới chỗ bị kết án tội “đạo văn”, cái giá tôi phải trả để lấy lại sự công bằng cho bạn tôi, nhà văn Thu Phong. Tôi nhận lỗi trước bạn, nhà văn Thu Phong; nhận lỗi trước những độc giả đã đọc “Tới nơi viết văn” và nhận lỗi trước báo mạng Tiền Vệ. [15]

[1] Đỗ Kh.; “Ba mươi năm rồi còn mãi ra đi”, talawas.org 4/8/2007

[2] “Người Việt sợ hãi sau vụ đánh bom Boston”, tuoitre.vn 17/4/2013

[3] Thuận; “Những cái chưa viết đều là thử thách”, nld.com.vn 29/9/2008

[4] Theo Vũ Tường; “Chính phủ Việt Nam không nên giấu giếm thông tin về quan hệ Việt-Trung”, Phạm Thị Hoài thực hiện, talawas.org 13/12/2007

[5] Trang mạng Cùng Viết Hiến Pháp hienphap.net 30/3/2013

[6] Wikipedia 30/1/2017

[7] Trevor Sutton & Brian Harding; Hoài Thu dịch, “Why Taiwan’s Gay Marriage Ruling Matters”, The Diplomat 1/6/2017, luatkhoa.org 17/6/2017

[8] Đinh Từ Bích Thúy; “Nữ quyền dép râu”, damau.org 18/8/2007

[9] Rút gọn từ Mary Klages; Hồ Như chuyển ngữ, “Helene Cixous: Tiếng cười nàng Medusa”, damau.org số 22

[10] Xem damau.org 3/7/2009

[11] X. diendan.org 26/8/2007

[12] Theo Hồng Dương; “Carl Jung và Wolfgang Pauli”, thuvienhoasen.org 14/4/2007

[13] Cực tiểu hóa từ McAmmond Nguyen Thi Tu; trangchunhat.freevnn.com 11/2/2018

[14] Inrasara; “Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao chưa?”, vietnamnet.vn 10/10/2008

[15] Nguyễn Đạt; “Minh định đôi điều”, tienve.org 17/4/2013