Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Đẻ sách (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Tặng mẹ và sách

Cám ơn những tác giả của các trích dẫn

và những bạn văn đã đọc bản thảo

Tri ân bạn văn M.N.T.T. và các vị mạnh thường quân Calgary

đã đồng cảm và tài trợ in ấn

Lời vào

Dường như người cầm bút nào cũng được một thói quen văn chương nuôi nấng - Làm một vài bài thơ cho mình và viết một cuốn truyện để đời. Tôi trong vế sau của thói quen đó bao năm rồi, nay tới lúc. Khi chắp được ý tưởng, xây mạch truyện, tôi mới nhận ra rằng cuốn truyện để đời có thể là cuốn này; mà cũng có thể là cuốn sau, sau nữa, rồi sau nữa…

Trong nhà, tôi không phải là con đầu lòng; khi mẹ mất tôi làm các việc như một người con đầu lòng. Sách này không phải tác phẩm đầu lòng của tôi mà là cuốn truyện đầu lòng; dẫu vậy, việc viết nó rất ngẫu nhiên, ngay sau một cơn mơ pha tạp, tôi lọc ra các điều có thể làm nên tiểu thuyết.

Tôi có lý do để hiểu vì sao cuốn sách mang tên “Đẻ sách”. Tôi biết, bạn đọc rồi cũng sẽ có vài ba lý do để hiểu. Ví dụ, nội dung của nó, ngắn gọn, là về những - người - ăn - thịt - người - để - đẻ - ra - sách.

Melbourne, 10/2006

Tác giả

Chương mở

Thai phu

(Hay là Giấc mơ của đêm đầu xa vợ)

Có ở Lời vào cuốn sách rồi, đúng ra không cần bảo đây là một chuyện gần như thật, được viết từ những giấc tôi vừa mơ. Nhưng tôi rất ghét các loại chuyện mơ được kể theo kiểu giấu đầu hở đuôi. Tôi là tôi cho hở ngay từ đầu. Từ đầu cả cuốn tiểu thuyết. Từ đầu từng chương hồi.

*

… Tôi đến Khoa Phá Thai của bệnh viện đó. Xếp hàng dài. Tôi biết. Nhưng không muốn đi sớm trước giờ mở cửa. Mua hay nhận cái gì thì còn đáng. Đấy là mình được lấy vào. Đây, bị lấy ra. Lấy ra phần máu thịt có hồn.

Đi phá thai, người ta có thể có đôi có lứa, và có thể một mình. Không cái có thể nào có lý có tình hơn cái có thể nào.

Có người đến nơi này giống như một ốc đảo. Thiếu phụ kia, mình vận đồ đen tuyền, đầu vấn khăn nhung đen. Nếu là tang phục, không rõ thiếu phụ chở tang ai: song thân, chồng, con? Hay cho chính khoảng máu thịt sắp hết được định hình? Người lặng lẽ lách đám đông, đi vào Phòng Chờ. Vào phòng chờ để chờ! Chắc trong thiếu phụ dòng máu Tây trộn lẫn? Tôi tự hỏi và thấy xấu hổ chưa được Tây như người đẹp. Vẻ như thai muốn vồng lên, thiếu phụ vẫn có dáng ngồi của tranh Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ. Đẹp hút mắt: một ốc đảo.

Hoặc có người đến nơi đây làm mặt trời. Mặt trời thì việc gì phải đi đôi! Tôi đi một mình. Tôi nghĩ mình là mặt trời. Thật không may mặt trời tôi hôm nay sa chốn nhá nhem. Ai vào cũng lái cái bản mặt là là mặt đất nhục tủi. Nhưng tôi còn trẻ. Mặt trời tôi cũng có lúc lóa, lầm đường chứ! Thế là mặt trời đi nạo thai.

Có tiếng la của người đúng là già:

- Đéo mẹ chân tay vai bụng đứa nào đây! Đè thế nát cái thân còm này a?

- Xin lỗi bác. Đằng sau họ cứ đẩy đấy chứ! Em đau muốn tóe con nó ra đây mà có kêu gì đâu. - Giọng không còn trẻ nhỏ nhẹ thưa…

Sự giễu cợt từ thế thấp, theo lệ thường, giành ngay phần thắng. Quay ra phía đó, tôi thấy nhà phê bình mỹ học Lê Lư! Người là bạn vong niên của anh trai trưởng, tôi không có phận được thân. Chỉ hay chạm mặt nhau ở các hiệu sách, nhà xuất bản... Vờ nghiêng cúi phủi bụi quần, lánh mặt, tôi giữ thể diện cho bạn lớn của ông anh. Phê bình gia Lê Lư cũng làm mặt trời ở đây. Lời tiếng cao to như thế, không mặt trời thì là gì! Nhưng kìa, mặt trời đang đỏ mặt. Mặt trời ngượng.

Chốn này nhiều mặt trăng. Các gương mặt lấp ló sau các gương mặt. Các ánh mắt phát đi không tìm nơi đến. Các đối thoại như với cả thiên hạ mang thai chứ không chỉ với thai nhân đối diện. Mặt trăng là vậy. Tranh tối tranh sáng đúng là chỗ của nó. Phòng phá thai.

Người đàn bà Ấn Độ kềnh càng nhô hẳn lên đám đông. Bụng và ngực phong phú, khó biết bụng mang dạ chửa ra sao. Lạ là dắt theo ba đứa con giai, tuổi độ từ bốn đến mười hai. Mang nhiều con đến thế tới một nơi không muốn đẻ con để làm gì? Tôi chịu. Không xếp nhân vật này vào danh sách ốc đảo, mặt trời, mặt trăng, đi có đôi… Trong khi tôi toan tính, bầu ngực của nhân vật như chà chà lên đầu tôi. Hay vì cái đầu tôi luôn ngọ nguậy thể hiện tính quan sát và khám phá mà có sự vậy. Ngược lại, giữ chặt tờ giấy hẹn, tay tôi không chuyển động nhưng bờ hông từ thân hình sung mãn lại lần lần đến nó. Tôi chỉ còn biết cười cười: “Ba đứa này mà nghỉ học thì trường của chúng nó thích lắm…”. Đứa giữa nói leo “Cháu cũng thích!”, rồi nghịch tiếp với hai người anh em.

Liếc thấy tờ bạc gập ngay trong giấy hẹn của một nhân vật. Từ đó, tôi không để ý mặt và bụng người ta nữa. Mà nhìn theo khe hở giữa các tờ giấy hay giữa các ngón tay người. Hai vụ này không nhìn cũng thấy.

Chị rầu rĩ rút mười đô khỏi hầu bao, từ cái bụng vượt ngực. Dúi vào túi áo đại cán của bảo vệ viên – một người Tàu - không nói không rằng. Phải là khách hàng thân mới làm vậy với chủ quán. Đoạn, chị đảo mắt sang Phòng Chờ. Tôi nhìn theo và đoán, ánh mắt kẻ chỉ đó sẽ dẫn đến nơi có máu và nước mắt. Ánh mắt tới được bức tường. Tôi, còn trẻ, không biết sợ là gì, bước lại sau bức tường. Một thân hình thô cục, nam tính, cổ và tai đỏ gay. Cái đỏ đang được rượu và nỗi tức tối nung lên.

Cô mới mười sáu mười bảy. Không xinh lắm, thau tháu. Bán chè đỗ đen hay gì gì đó ở hồ Thiền Quang. Học ngoại ngữ ban đêm về, tôi uống chè chỗ cô có một lần. Thế mà tới đây vừa thấy nhận ra liền thau tháu. Kiến thức thai nghén của tôi bết lắm; thoạt tiên tôi lại tưởng cô đang bán gì đó trong bệnh viện, chứ bụng dạ lòng chảo thế kia vào đây chắc để múa! Cô moi moi xấp tiền nhầu (“Chút quà mọn của cháu...” - nói với người y tá trực ban) từ áo ngực. Thú thật, sau này, nếu lớn lên thành người thực sự, gặp dịp mục kích lấy tiền hay cất tiền nơi áo vú, trong sách báo, trên phim ảnh hay ngoài đời, tôi sẽ nhớ đến chút quà mọn của thau tháu.

Chỉ có hai người biếu tiền công khai và thân tình. Những người khác, họ làm kín thế nào, không thể biết. Theo độ phồng ở các túi áo của bảo vệ viên Trung Hoa và của y tá trực ban, không tới một phần mười số nạo thai nhân đã hối lộ. Phần kia không dự vào độ phồng đó. Vì họ đưa hiện vật? Không có cơ hội? Họ trung thực, trong sáng? Nghèo? Người nhà nhân viên bệnh viện? Có quen biết riêng? Và tôi không tin hôm nay xảy ra biếu xén hối lộ gì trong phòng bác sĩ, vì trưởng ca là một vị giáo sư tiến sĩ người Đức.

Qua Phòng Chờ vào khu phẫu thuật. Phá thai tại đây. Yên tĩnh hơn. Ít bệnh nhân hơn. Toàn là áo trắng đi qua áo xanh đi lại.

Tôi vẫn lập cập, mỗi bước mỗi cái nhìn chừng. Nền đá hoa tường kính made in Japan phản chiếu thế nào mà tôi cứ tưởng nhau rồi bào thai chạy đuổi theo dưới chân; như thể chúng đòi quyền tiếp tục hình thành nhân mạng. Chả là khi nãy xếp hàng, giẫm lên mấy trái chuối, gói xôi đậu đen ăn dở trong đám nước con nít tè, tôi đã nghiến răng rúm người mấy lần! Thực ra, từ nhỏ tôi vốn không sợ nhau bà đẻ. Những khi mẹ mang từ bệnh viện về, đứa ưa món đó nhất nhà là tôi. Chắc bởi miệng hợp vị thôi chứ không hẳn vì nghe người lớn xui dụ ăn nhau bổ máu. Tin tôi đi, nhờ chịu được chất bổ kỳ dị đó tôi sớm hiểu biết và từng trải nhất nhà, tới nay đã thành nhà văn.

Gặp người thanh niên tại cửa cuối cùng. Không biết gọi anh bằng gì. Phụ tá? Chỉ biết qua anh này thì vào hẳn chỗ phá thai. Thả vào tay anh mẩu giấy, tôi tươi tỉnh:

- Em chào anh!

- Vội gì mà vội thế!

- Dạ? - Ngăn ngay ý nghĩ bị gây khó, tôi tin anh này tốt với tôi.

- Khổ! Tích kê xe máy! Tìm lại đi... Đưa anh tích kê số hẹn và cả giấy hẹn đã được phòng trực đóng dấu xác nhận!

Tôi định nói gì đó tỏ mừng vui. Chiếc xe máy rõ ràng là cần hơn cái thai sắp hủy. Nên tất nhiên, so với chiếc xe gửi ngoài kia, giấy hẹn đang bị lạc đâu đó chỉ là mảnh giấy thất đức. Mảnh giấy cấp phép cho một linh hồn. Có ai thiếu hồn vía tới mức vơ lấy phần linh hồn bé bỏng và dư bỏ của tôi? Chứ rơi mất tấm vé gửi xe chưa biết điều gì sẽ tới; tôi có nhiều bài học xương máu rồi. Nhưng tôi chẳng nói được. Cái sợ đau bắt đầu đến. Bụng lạnh toát, rồi bỗng nóng hôi hổi.

- Hiền thế kia mà… dính sớm thế? – Phụ tá ngắm kỹ tôi, trong lúc tôi lục tìm…

- Có hiền mới dính! – Tôi nghĩ. Nghĩ thôi, đời con nếu tôi có đẻ nó ra cũng không dám nói nữa là đời tôi.

“Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau. Một số người nói rằng, nạo hút thai chỉ đau như kiến cắn thôi. Thực tế, nạo hút thai có đau và nạo đau hơn hút. Tuy nhiên, đau nhiều hay ít tùy thuộc một phần vào trạng thái tinh thần của bạn. Nghiên cứu cho thấy, ai hay lo lắng hoặc rất sợ đau thì hay thấy đau hơn người khác. Vì vậy, điều quan trọng bạn hãy cố gắng thoải mái và vượt qua nỗi sợ đó. Nó sẽ qua nhanh thôi!” [1]

Bài nằm lòng tôi tụng nhiều ngày qua, từ cuốn vở học đã ngả màu của mẹ. Tôi còn có thuốc quên đau của riêng mình: mặc áo phông trắng có hình Chùa Một Cột xanh. Người yêu tặng nhưng tôi ghét, chưa mặc lần nào. Ấn tượng là ở Chùa Một Cột. Lát nữa, bác sĩ sẽ mục kích danh lam thắng tích, hỏi tôi những câu vô nghĩa lý trong lúc chia lìa hình hài chúng tôi - tôi và con. Ấy là suy từ chị cả tôi kể, rằng trong một lần chị đi thực tập, người thầy già giả đò chỉ vào con Chuột Túi thêu trên áo của nạo thai nhân mà chuyện phiếm trong khi khám.

Gần đến cửa buồng phẫu thuật, tôi cảm thấy buốt đâu đó nơi hạ thể. Chắc sẽ phải dùng đến xi lanh có hai van để hút?

Đúng tới cửa buồng, tôi dừng lại ngay. Nhường lối cho bên trong ra. Một người Đức của nhân loại. Hàng chữ “Dr. Erlangen” trắng rõ trên ngực áo xanh cổ vuông tay ngắn. Người bước nhẹ nhanh. Vóc dáng của giáo sư đầu ngành. Dọc hành lang người qua, áo trắng áo xanh nào cũng nghiêng hay cúi chào. Những động tác của các cái đuôi.

Rồi một người trẻ đi ra, đầu cúi là là nền đá hoa. Tay hồng che bụng mỏng. “Đau không con?”. Tiếng hỏi làm người Nga trẻ òa lên, nức nở. Dứt khoát là suốt gần hai tháng qua không khóc được một lần, nay người mới khóc đến vậy.

Hai chân tôi không còn vướng bất cứ ai và điều gì. Tôi phải làm thật nhanh một việc nào dành cho chính mình trước khi vào tay giáo sư tiến sĩ Erlangen? Cúi xuống nhìn phần dưới thân thể. “Trời đất cha mẹ ơi? Archimedes ơi? Eureka! Tôi đây là một đàn ông! Nam giới của giống người. Thì làm sao có tội nợ gì trong bụng để nạo phá đi!”.

*

… Hốt hoảng, nhìn bằng mắt, rồi bằng tay – tôi sờ vuốt xuống. Chạm ngay nó! Của tôi. Nó đang đứng. Khỏe, mạnh. Ráo hoảnh. Chắc chắn của tôi. Không của ai khác. Chắc chắn, vì tôi đã tỉnh giấc. Đang ngồi dậy. Đầu lắc lắc xung quanh theo thói quen. Các tình tiết, hình ảnh, lời thoại trào ra lênh láng.

Tôi nhìn chăm chú chút núi non da thịt gọn ghẽ của mình. Đáp lại, nó ngước lên tôi một hồi, rồi ngó nghiêng về phía cửa sổ căn phòng nơi ban mai đang tới. Hình như cái dương vật không muốn đưa ra ánh sáng những giấc mơ thai phu?

Chương 1

Tim của ai cũng được

Những trái tim đó của ai cũng được.

*

Từ lâu, Chun Hey Gyo đã là một cô gái không xấu, dáng mỏng như lá bài, kiểu đi chao chao dẫu đôi chân rất thẳng. Rõ ràng mặt đất dưới chân Hey Gyo phải bị nghiêng như thế nào đó mỗi lúc cô rảo bước. Khi trái tim của Hey Gyo được ăn, cô hai mươi nhăm tuổi. Yêu không nhiều. Tình yêu nào cũng rành mạch, không chen lấn nhau. Đó là cái khó bậc nhất của việc yêu. (Mặc dù yêu không phải là một việc.) Trên con tim cô, các xa lộ theo đó mỗi chàng trai tìm đến song song nhau. Người yêu đầu là một bác sĩ tâm lý. Mỗi khi hôn lên ngực Hey Gyo, anh thường dụi cằm vào bầu vú phải, như lấy đà, rồi quay liền sang bầu trái mà đậu môi. Răng, từng chiếc từng chiếc, rà rà lên núm. Khiến trái tim cô gái đập nhanh, gấp, nhưng bình tĩnh. Giống chiếc xe hơi bị cảnh sát rượt đuổi nhầm. Biết bị nhầm, xe vẫn cứ chạy như chọc chơi vậy. Thế là mạo hiểm. Chun Hey Gyo thích mạo hiểm trong đường tình hay không, chắc chỉ cô biết, vì vị bác sĩ tâm lý không coi người tình là người bệnh. Anh không còn dư tâm lý để hành nghề khi yêu. Kẻ nào nghĩ trong ngành y, bác sĩ tâm lý là người bị bệnh nghề nghiệp nặng nhất thì là vấn đề của kẻ ấy. Không có anh trong đó! Nhờ khai phá của người bác sĩ trẻ, trái tim hiểu vì sao cô chủ của nó thích được răng đàn ông cà cà nơi núm vú trái. Vẫn chuyện “vú đàn bà quà đàn ông” thôi. Sau khi tim Chun được ăn, người bác sĩ chuyển nghề. Thấy bảo anh có nghề khác kiếm tiền hơn; lúc đó anh vẫn độc thân (giờ cũng vậy). Nghề bác sĩ lúc nào cũng là nghề tốt miếng tốt tiếng.

Yêu thật sự tới người thứ ba thì Hey Gyo lấy anh ta làm chồng. Trái tim người phụ nữ này không bị cuộc sống hôn nhân làm thay hình đổi dạng. Cô sống cho chồng và cậu con trai bằng trí óc và chân tay của mình. Đến cả nước mắt cô cũng không phải tiêu tốn cho họ nữa là. Thật ra, chính những cú tình lẻ mới làm tim cô co thắt tới phát mệt. Lại là vận động suông. Nó méo mó đi, chẳng đưa đến dòng máu ấm nào nuôi cuộc tình. Phải rồi. Không máu dồn đến, sao gọi là tình? Như bờ sông không phù sa thì gọi là bờ gì, sông gì? Đó là về con tim. Còn núm vú có cái lý của nó mà lý của con tim không thể nào thấu nổi. Ngay cả chuyện “Vú là gì?” tới nay trí óc vẫn chưa biết thấu đáo giới tính của nó; nói gì đến núm vú.

… Nhiều tháng chia tay với người bác sĩ tâm lý… Tối thứ bảy nọ, Chun Hey Gyo một mình đến đám cưới của chị bạn quen sơ. Thế cũng mạo hiểm. Trong bộ áo váy, hai núm vú của cô ngọ nguậy nhìn sang nhau. Hey Gyo biết chứ. Vào phòng cưới mà hai bầu vú những muốn tự khẳng định như thể chúng đang trong phòng tắm hay ngoài bãi biển! Chúng muốn có cánh ngay lúc đó. Nếu như không có bầu ngực trái che chắn, chắc con tim xấu hổ lắm.

- Xin lỗi… Hey Gyo, nhớ tôi không?

Một tiếng Hàn giọng Nhật của người Canada trắng thuần chủng. Không quay sang nhận thứ tiếng Hàn đó. Chun Hey Gyo biết trước sẽ có nó tại tiệc cưới, ngay khi đang trang điểm ở nhà. Hai núm vú hướng về phía người đàn ông, nhìn đáp lễ. Cái bên trái nhấp nháy, như con mắt hiếng.

*

Nhà văn ăn tim cho biết những trái tim của ai cũng được. Ông không câu nệ giới tính, nghề nghiệp, sắc tộc, tuổi tác… Mà chọn theo gu của ông.

“Cần nhất nó phải tươi, còn thoi thóp co bóp thì tuyệt. Thế thôi. Đương nhiên phải là tim của chính những người tôi muốn. Còn muốn kiểu loại gì thì tùy. Khó nói trước. Lắm khi sách nó chọn tim. Nhưng thường tim mình ăn vào thế nào thì đẻ ra sách nấy. Vâng, đó là hai điều kiện vàng. Các hai núi vàng, tôi cũng không đổi. Tôi kinh tởm các con tim khô lạnh. Kể cả từ thời chưa phát hiện mình có khả năng ăn tim viết sách. Hồi nhỏ, mỗi lần thăm bảo tàng động vật hay vào phòng thí nghiệm nhà trường, tôi đều nôn ói cho đến tận mật xanh hoặc bất tỉnh khi nhìn các lọ ướp những quả tim, bất luận của người hay không phải của người. Cha mẹ đưa tôi sang cả Anh, đến các bác sĩ hàng đầu, cũng không chữa trị nổi. Một nông trại nho rộng lớn phải đi đời. Rồi hai cụ cũng qua đời theo. Tôi còn lại, lớn lên, lớn lên với chứng bệnh, thành nhà báo. Là chuyên gia phỏng vấn, giao thiệp bạn viết đó đây đã khiến tôi biết mình có cái tài “ăn” thật oái oăm. Vâng, chuyện phỏng vấn phỏng véo kiếm ăn đưa tới chuyện viết văn rong chơi. Đang còn là chơi thôi. Đến nay được ba, bốn cuốn sách tim, “tiền nhuận bút chả bõ dính nhà băng”. Bà vợ cũ của tôi hay nói, rồi phảy ngón út trái lên. Tôi lại nghĩ, ăn những thứ khác thì không sao; ăn trái tim người ta mà kiếm bộn bạc về tay mình, tệ quá! Phải không? Tất nhiên, tôi đang cần tiền. Sống vất vưởng thế này…

Phải minh định ở đây một điều. Với các nhà-văn-tim khác không biết sao, nhưng với tôi không nên suy diễn theo kiểu truyện cổ anh em nhà Grimm rằng, hoàng hậu đinh ninh ăn tim gan Bạch Tuyết rồi mụ chắc từ nay mình đẹp nhất đời; hay theo lối các võ sĩ thời xưa phải ăn tim đối phương quả cảm giúp thêm khí phách và chiến thắng thì mới vinh quang. Vì tôi quan niệm trong nghiệp văn không có kẻ thù. A, nghề báo thì có đấy, kẻ kình địch luôn ở mọi nơi với thứ nghề kinh doanh chữ.

Vẫn đang nói về các quả tim, bạn ạ. Ngay khi nó bị bệnh, hay là tim người bị bệnh gì đó, tôi đâu ngại. Những trái tim kém may mắn cũng sẽ cho tôi dinh dưỡng thông tin về chủ nhân. Có thể lại nhiều và quý là đằng khác. À thoạt đầu tôi cứ nghĩ, dùng cách chữa chứng mồ hôi quá nhiều do cơ thể suy nhược - là ăn tim heo và uống nước canh thì có thể tạo hiệu ứng nào đó - trong những kỳ tôi ăn tim người. Song, dường như tôi chẳng thấy gì đặc biệt khi quan sát kỹ vận hành ở các giọt mồ hôi của mình. Tôi vốn bị táo bón từ nhỏ. Ngay khi chưa viết-văn-tim, hàng ngày đều phải ăn trái cây. Nho. Nhất đấy! Trước kia, ở tòa soạn tờ The Kangaroo, khi các đồng nghiệp đi hút thuốc tôi bắt đầu rút trái cây từ ngăn tủ ra. Họ xuống đến hàng hiên tòa nhà, rút thuốc, châm lửa... Tôi ra tới hành lang, nhìn xuống, nhai trái cây… Họ nói về bài vở dở dang và thường chuyển nhanh qua thời tiết. Cuối cùng vẫn chuyện gia đình rồi mốt, nếu có phụ nữ trong đám; nếu toàn đàn ông, đoạn kết rất linh tinh lộn xộn, thường chuyện hên xui của một văn nghệ sĩ đực nào đó trong một vụ không ra đực cũng chẳng thành cái. Tôi trên này, một mình. Nhâm nhi trái cây và đau đáu về cuốn sách ruột đang viết. Tất nhiên. Một mình.

Quên chưa kể, tôi có thói mút tay từ nhỏ. Và thường được các cô cậu bồi bàn nhớ dai vì cách liếm các ngón tay rất ngon lành. Thói tật gì cũng phải có cớ thể hiện. Tôi để ý rất nhiều người Việt coi việc xỉa răng bằng tăm như thói quen sau bữa ăn. Tất nhiên trong đó lý do vệ sinh là chính, riết thành thói tâm lý. Khi đó tâm can họ mãn nguyện lắm thì phải. Ra khỏi nhà hàng, lên xe hơi ngồi sau tay lái mà cái tăm còn nhong nhong trên miệng. Xỉa răng gì họ, có mà mút tăm thì có! À nghe nói có nhiều người già ở Việt Nam xỉa răng xong ưa đưa lên mũi để ngửi. Tại Úc đây, tôi thì hay chứng kiến vụ “hửi tăm” ở một bà già, má của chủ tiệm Ba Mùa. Thì vẫn biết đó là chuyện cá nhân, như thú nhâm nhi thói tật. Luận điểm nọ cho rằng, mút ngón tay là thói quen ở vài dân tộc, di căn từ bẩm sinh bú tí mẹ. Lại có trường phái khẳng định mút tay liên quan tới phương tiện ăn. Mà phương tiện ẩm thực của con người, cũng như phương tiện giao thông và nhiều chuyện khác, đều học lỏm từ loài vật. Ngu gì không học lóm! Chỉ loài vật ngu mới không chịu học từ con người. Môn Phỏng sinh vật ra đời vì thế. Dân Âu châu ăn bằng nĩa vì bắt chước gấu dùng các móng tay vọc đồ ăn; một số nước Á châu thì dùng đũa là cọp pi mỏ chim; các xứ theo đạo Hồi (Ấn Độ, Mã Lai, Phi châu) là khôn nhất vì ăn bốc, nhái theo khỉ. Nhiều người tưởng chúa tể lãnh vực mút hẳn là dân ăn bốc? Không đúng, theo tôi. Suốt các bữa ăn, tức là suốt phần không nhỏ cuộc đời, các ngón tay đã mút họ. Vậy không còn khái niệm họ mút ngón tay nữa. Người Âu, Úc rất hay mút ngón tay khi ăn. Ha ha… Trong đó có tôi. Trời, có lần thăm Thổ Nhĩ Kỳ, tôi ngồi đối diện một cô gái, chắc người Ý, dân sang trọng ra trò mà kết thúc đĩa spaghetti bằng ngón tay trỏ thanh tú. Hai ngón tay trỏ của tôi khi đó dựng cả dậy. Chúng tìm thấy bạn gái. Như muốn động đực.

Vâng thì vẫn chuyện ăn trái cây đấy chứ... Khi mút các ngón tay dính nước trái cây, dường như tôi tiêu hóa đến hết những con tim. Chắc chắn trong Tòa soạn, thậm chí cả cái thị trấn Sunshine, chẳng có tay văn sĩ nào mang chứng ăn thịt người để rồi đẻ sách, ngoài tôi. Cả Melbourne không nói làm gì. Trời, lên trung tâm Melbourne City những ngày gió lớn trong nắng chiều thì biết tay nhau. Không, đúng ra là biết tim nhau. Bạn hỏi gì cơ? Thì mã tầm mã mà. (Tôi không thú vị khi ví mình là ngưu đâu! Đàn ông, tôi muốn được làm ngựa!). Vâng. Tim sẽ tìm thấy tim. Máu thịt đòi gặp máu thịt. Qua cung cách, cái nhìn của kẻ ăn thịt đồng loại là biết nhau ngay. Một bậc thầy của tôi ở Nam Phi cũng có khiếu ăn tim, nhờ vậy ổng viết được tự điển bốn thứ tiếng. Khi qua Úc thăm tôi, ngài đã chỉ mánh tìm nhìn đồng nghiệp đồng sàng qua ánh mắt trong nắng xiên xiên. Tinh sắc của con người đổ lên cái nhìn. Chúng tôi ăn thịt người nên mang cái nhìn của quạ, của cọp. (Bà bạn gái của tôi thì ăn chân, thế mà cũng có ánh mắt vậy. Lạ!). Thứ nữa, loại như tụi tôi tất nhiên thường phả ra hơi thở rất khó chịu. Tôi có hoa quả bù lại nhân tính cho hơi thở. Không hiểu ở các vị khác, lại ăn các thứ khác tim, thì sao. Tôi và người bạn gái không yêu nhau qua hơi thở, nên cũng chẳng biết! Với ông thầy Nam Phi, đó là xì gà Havana. Ổng giàu, có tiếng tăm, đặt được xưởng sản xuất xì-gà riêng cho mình. Một quan chức khá nổi danh trong chính trường Mexico, cũng xơi tim sinh sách – sách của ông này vớ vẩn thôi, toàn về di dân bất hợp pháp, chứ văn vẻ gì – thì lại khử hôi mồm khi đi hôn các cô buôn phấn bán hương. Bạn cười? Nghe cái cười, tôi biết bạn hiểu. Gã quan chức ấy đến với các ả chỉ để hôn, chẳng ham gì khác. Bạn bảo sao? À ừ. May mà các hoa không biết mục đích tìm hoa của lão già nửa dê nửa chuột. Nào có đâm hoa chọc hoét gì cho cam. Hít hít mút mút thôi mà! Chán hơn cả bà má hửi tăm! Ha ha ha... Không hiểu sao tôi tởm dân chính khách viết văn. Xin lỗi, có lẽ tôi bất công. Trong làng văn ăn tim, nghe nói có nhiều cách khử hôi miệng. Già Tolstoy nói đúng đấy, “Có bao nhiêu trái tim có bấy nhiêu cách yêu”, ở nguồn tim của chúng tôi. Nên có bấy nhiêu mùi hôi ở miệng chúng tôi. Nhờ vậy, sách do chúng tôi sinh sản sẽ mang khẩu vị riêng. Giới phê bình và một số độc giả phải ngửi thấy chứ? Cái hơi bộc phát của những chữ nghĩa bật ra từ máu thịt tươi sống.”

*

Gary Stewart là người làm chứng hôn nhân, nghề thuộc hàng chuyên nghiệp trong vùng. Tiền kiếm được không cao lắm. Nhưng đều. Xứ sở của quốc sách bảo lãnh vị hôn thê mà lị.

Gary Stewart độc thân. Người ngoại đạo thì lạ. Ốc không mang nổi mình ốc lại còn đòi... Nhưng với nhà văn ăn tim của chúng ta, chuyện sáng tỏ như tất cả những gì hiện ra dưới ánh sáng mặt trời và mặt trăng. Nhà văn mất bốn năm lùng tìm tim của Gary Stewart. Sau một lần leo núi, bị trượt và lăn như tảng đá biết kêu, chàng trai khỏe đẹp đầy nam khí đã thành pho tượng. Vô sinh. Rồi trở thành người khai sáng thủ tục cho các đôi uyên ương.

“Tâm sự của một Người Chủ Hôn Lễ

Gary Stewart là một người chủ lễ cưới. Đây là tâm sự ông muốn gởi đến độc giả báo The VIP - các cô dâu chú rể trong vùng Nam Fornia - nhân mùa cưới:

Ngày 17/4/1988

‘Em sẽ đồng ý lấy anh chứ?’- ‘Em đồng ý!’ – Đó là câu hỏi và câu trả lời rất phổ biến. Đó còn là lời thổ lộ, cam kết không một ai coi nhẹ. Hơn 14 năm nay, tôi hướng dẫn các buổi lễ thành hôn. Tôi thích được là một phần của Ngày quan trọng nhất trong đời sống các lứa đôi; dù biết đó là ngày của-họ - và là hôn-lễ-của-họ. Có một, hai điều kiện pháp lý cần thiết. Bất kỳ tiền thù lao nào cũng được định giá ứng với: hai cuộc viếng thăm, một buổi diễn tập và buổi lễ chính thức. Một khi tiền thù lao đã được chúng ta đồng ý, sẽ không hề có bất kỳ ‘chi phí ẩn’ nào khác! Tất nhiên, điều quan trọng là bạn cần cân nhắc và biết kết hợp hài hòa các yêu cầu văn hóa vào buổi hôn lễ của mình. Tôi thực sự thích thú và sẵn sàng tham gia sắp xếp kế hoạch cho Ngày Của Bạn. Có những lễ cưới được làm tại công viên đầy ong bướm trong địa phương. Những cặp uyên ương khác lại dùng Ngày Của Họ trong khu vực trang nghiêm và gọn đẹp quanh nhà thờ. Nhiều đôi lứa chọn lựa phòng cưới cao rộng trong lâu đài tiếp tân lộng lẫy. Lại có không ít hôn lễ được thực hiện trang trọng nơi bờ suối sau khi khách cưới vui chung ở phòng cưới cao sang cạnh đó. Cũng có đôi ba cặp làm Ngày Của Mình ấm cúng và khoáng đạt trên con tàu nơi sông biển. Các khả năng thì vô hạn và không có quy định nào! Đó là Lễ Cưới của-bạn và tôi, một trong các Người Chủ Hôn Lễ chuyên nghiệp, mong muốn được làm Người Chủ Hôn Lễ của-bạn, để giúp bạn có một ngày yêu dấu và không thể quên.

Gary Stewart

Người Chủ Hôn Lễ” [2]

Chàng Gary yêu hết họ, những cô dâu mà chàng làm chứng. Ông Stewart cũng vậy. Ông còn yêu thuần thục hơn chàng. Gary Stewart đan lồng hài hòa và kín đáo tư tình vào công vụ. Nào lỗi gì, khi trong vai một ông vua tự phong, một vị tộc trưởng tự ban sắc. Gary Stewart chỉ yêu bằng con tim. Không hề bằng chân, tay, ngực, bụng, cơ quan sinh sản, hậu môn, mông, môi miệng, ánh mắt, nụ cười, hơi thở, tai, mũi, khuôn mặt, đầu, râu tóc và làn da. Không kể chỗ kín, các chỗ hở của Gary Stewart cũng chẳng phát tia sáng nam nhi. Chưa thấy cô dâu nào vấp ngã trong nhà thờ hay trên bãi cỏ dưới ánh mắt dẫn đường của người làm chứng hôn nhân này. Bàn tay Gary Stewart mới nhạt làm sao! Sau loại ánh mắt với ánh mắt, nếu loại giao hợp thứ hai của nam nữ là tay với tay (và cuối cùng – theo quan niệm truyền thống - loại thứ ba, bằng bộ phận sinh nở) thì ở những cái tay với tay của Gary Stewart phải tốn thêm một kí lô muối dội thẳng vào tay Gary Stewart để đệ nhị giao hợp nhân được mặn mà. Trong trắng. Cao thượng. Xa cách. Dị nhân. Các ảnh cưới mà Gary Stewart sắm vai nhân chứng đều được nằm âu yếm, cẩn trọng trong các album. Ông vua không ngai không mỹ nữ trên long sàng, chỉ trên giấy chứng hôn thú, đã sắp xếp hình ảnh theo ngày tháng cưới. Thế là công bằng. Không kỳ thị.

Gần 300 phụ nữ đã sống trong tim Gary Stewart. Các chú rể, họ là thân chủ - người chi tiền - của Gary Stewart và là người đàn ông trên đời, là chồng của những người vợ trên giấy của Gary Stewart. Nếu như phải ra tòa, ông sẽ cãi: gần 600 người đó là bạn, đúng tinh thần tâm sự của bài quảng cáo. Bác sĩ pháp y cứ việc mổ xẻ tim Gary Stewart. Gần 300 phụ nữ hòa thuận trong trái tim ấy. Rõ ràng họ chỉ có thể là bạn của ông. Ông không phải là vua, và cũng chỉ là đàn ông tựa như chuyển hệ. Còn họ, những đàn bà.

*

Thế rồi một nhà thơ cũng đã chết. Lưu Trầm Tư. Đó không là tên thật của anh, mà tên vợ anh. Anh yêu vợ lắm. Yêu đến mức ôm vợ trong thơ suốt đời. Ôm luôn tên của vợ làm bút danh. Thế là yêu hạng thi nhân. (Cũng không quá hiếm trong ngạch văn chương. Hà Thành có nhà tùy bút Tuyến Na là một, sang đến tít xứ Na Uy có thi sĩ Nguyễn My Hường Diêu là hai). Nhưng yêu tới cỡ thế này thì chỉ ở thi bá: Khi cầu hôn, thề “Anh chỉ có thể chết được khi các trang bản thảo thơ xếp chồng lên cao bằng em!”. Thơ thương Lưu Trầm Tư, nhưng than ôi, trời hại anh.

Tư vợ không là người thấp. Nhìn dáng đi là biết, không tung tẩy vẻ tất bật những chuyện không đâu như những người lùn. Đây là một người bé nhỏ, thật là bé nhỏ. Cơ bắp, xương thịt tỷ lệ thân thể như của một người bình thường ở tầm một mét hai. Thế thôi. Như trên màn hình trang đời, Ông Tạo thu cô lại bảy lăm phần trăm vậy. Ở những người đàn bà lùn, nữ tính an phận tỏa trong cộng đồng lùn. Tư vợ từng có những giấc mơ hội nhập vào họ. Trong hai, ba lần mơ cô yêu một chàng lùn đẹp trai thổi sáo tuyệt chiêu. Ở tuổi dậy thì, khi chiều cao của các cô gái con nhà lam lũ thường tới chậm, Tư vợ còn được gọi là “Hoa khôi tí tị tì ti”. Khuôn mặt chị trong những ngày vấn vành tang đùng đục vẫn ánh lên nét hoa.

- Con giời đè! - Bà ngoại rủa mỗi khi cô bé làm trái ý.

- Bà cứ nói vậy cháu nó ế mất. Hăm hai hăm ba rồi còn gì… - Người mẹ tiếp lời.

- Sao mẹ mày không bắt nó chịu ông Đôn đi? - Bà già vẫn một giọng.

- Bác ấy già yếu quá. Về đấy bằng như làm lẽ…

Cô bé từ trong bếp vụt chạy ra sau vườn.

Năm năm nữa…

- Cứ nói cho nó nghe thấy nhục mà bỏ đi.

- Cho khuất mắt.

- Thằng bố nó nghe còn tức hơn.

- Cho càng tức; đi cho nhẹ thân. Rõ ghét từ cha chí con.

- Của tội của nợ.

Cô gái từ vườn rảo bước đến bờ sông. Bước thấp bước cao giữa trời mù sương. Một dấu phẩy bơi trên trang giấy trắng đục. Thấp lùn cũng là một cái tội cái nợ? Tội: nhúng nước rửa cho hết. Nợ: trôi theo dòng, tan đi. Dấu phẩy nhấp nhô và dòng sông Hồng cuộn chảy. Dấu phẩy chìm dần trong dòng máu lớn.

Những người đàn ông lấy làm lạ. Người trí thức cân nhắc, “Nhìn con bé từ đầu đến chân chẳng sợ mất nhiều thời gian.” Dân lãng mạn tiếc, “Giá mà em cao thêm 40 phân nữa…” Kẻ thô tục nuốt nước bọt, “L. em be bé lá tre non…”

- Anh cứu em làm gì? Em hận!

- Em biết không, những khi nghe người ta lăng mạ em, anh bèn về nhà và nằm mơ. Mơ rằng khi nào anh xin cưới em làm vợ, sẽ hứa trước em là anh chỉ có thể chết được khi các trang bản thảo thơ xếp chồng lên phải cao bằng em!

Cô gái cả cười. Lần đầu tiên chiều cao của cô có giá.

Cô hỏi người con trai to và mạnh hơn dòng nước đỏ ngầu từng ôm níu lấy cô:

- Thơ cao lắm hay sao mà em được đo với nó hở anh?

- Em là tầm thơ của anh.

Họ thành Tư vợ Tư chồng. Họ hạnh phúc. Hạnh phúc quá sẽ như giấc ngủ say, thế nào cũng tự đánh thức bằng những cơn sảng.

- Em người ngợm bằng cái thước kẻ thế này mà anh còn cho cưới xin về làm vợ đàng hoàng. Đời em mong gì hơn. Nói dại miệng trời vả nhé, thà anh sứt tai gãy gọng gì đi, anh ngu si gì đi, em yên lòng! Đàng này…

-…..

- Em giữ trinh tiết cho anh là một lẽ. Mà anh còn tân cho em, càng làm em khổ. Sao anh không yêu dăm ba người đi, vợ nọ con kia rồi cuối cùng hẵng đến với em! Tới một ngày kia, anh biết các cô khác, chân dài mặt đẹp, thế nào cũng bỏ em thôi! Mà đàn bà con gái ngoài đường chân có dài thì dài, “múi mít” cũng chỉ có một, chả đẹp chả thơm bằng của nhà đâu!

-…

- Anh bảo thơ nó sẽ giữ anh cho em. Em ứ tin. Thế ra thơ không mê gái lạ à? Nhưng em có cách của em. Anh muốn biết không? Ông Trời ông Phật không cho em thân hình bằng chị bằng em thì tấm lòng em phải to khỏe này, phải cao đẹp này. Gấp đôi họ. Thế có đủ chưa? Thì em sẽ cho nó gấp ba. Lòng em lúc nào cũng bao phủ, chăm sóc anh, làm tình với anh.

Vợ bé chồng to dẫn nhau đến chùa Trong động Hương Tích, thề: “Có trời xanh Phật cao đây, con thề bên nhà con là con sẽ không ăn nằm với ai ngoài nhà con!”

Lưu Trầm Tư thường sang phố, bên kia sông. Nơi có bạn có hội. Mỗi khi viết xong một tập thơ, anh chở thơ qua đó đọc, ngâm, vịnh cả tháng. Rồi lại vất vưởng chở thơ về cho vợ. Lần ấy, chắc giời đi đâu vắng, để mưa bão lớn thế không biết. Tư chồng từ bên phố về đến đúng xế ngang chùa làng bên thì đành chôn chân dưới cây đa giữa đồng. Sấm to. Sét lớn. Nhà thơ không thể nương cửa Phật lánh nạn. Đời cũng là đạo ở anh, Lưu Trầm Tư phải giữ mình với vợ đang ngồi bậu cửa chờ, và phải giúp ni cô đang hành đạo sau cổng chùa. Người nữ này si mê anh từ ngày còn là học trò.

Chắc rồi Tư vợ sẽ chẳng lấy ai làm chồng? Kiếm đâu ra ở đời người đàn ông nữa thông minh và to khỏe, từ sống đến chết thủy chung với vợ. Lại là vợ tí hon. Kiếm đâu ra người chồng nữa biết làm thơ để có thể xếp các trang bản thảo của mình lên tiếp với người quá cố?

Sau khi nhà thơ ra đi, nước sông Hồng vẫn ngầu đục bời bời, mà ven sông Hồng thì tệ lắm. Người trí thức chẳng có thời gian để nhìn đi đâu, dù là cái nhìn dấu phẩy; dân lãng mạn thả đời theo các em chân dài; kẻ thô tục đã hết cả nước bọt. Vậy, Tư vợ sẽ yên thân với cánh đàn ông. Còn đám phụ nữ? Người mẹ và người bà vẫn còn sống chống mắt coi hạnh phúc của con và của cháu trong hồi sau. Ni cô không còn ở ngôi chùa làng bên nữa; sư ông trụ trì cũng không biết gì hơn. Người đàn bà trong Tư vợ liệu có thức giấc vì lời thề chùa Hương? Mà thôi, Trầm Tư, hãy yên nghỉ. Chỉ nội cái việc văn chương dò hỏi như thế trong khi gái góa chở tang cũng đã là một thứ văn chương vô ý.

*

Người bác sĩ tâm lý đã vô tình làm máu thịt Chun Hey Gyo trở thành thực phẩm thứ nhất cho văn chương. Đầu tiên, nhà-văn-tim nếm Hey Gyo để tạo ý đồ, dựng dàn bài và, khó nhất, lấy giọng điệu. Theo ông, đây là thủ tục, nhưng vẫn cần ngẫu hứng. Không có ba đỉnh vậy, không làm nên tam giác tiểu thuyết. Cũng hồi hộp chẳng khác khi làm thơ là bao. Giọng điệu diễn tả từ cao xanh dội xuống; ngay cả với các tiểu thuyết trần thuật, tả chân theo đường thẳng. Ý đồ một cuốn sách là nền tảng có ngay dưới lòng đất nhà tiểu thuyết sinh sống. Dàn bài? Nó dàn trải trên khắp mặt tường, nền nhà ăn nằm hàng ngày với người viết. Ba thứ lần này có mã số ẩn náu trong con tim Hey Gyo. Nếu biết thế, chắc gì chàng bác sĩ đã yêu cô hào hứng. Chúng ta có thể than rủa thay cho chàng:

“Sách truyện là thế ư? Tại sao lão ấy phải để ngòi bút leo lên đầu ti của nàng, theo các mạch máu hành hạ con tim tội nghiệp của nàng, chỉ vì giọng điệu văn vẻ chết tiệt? Ta ị vào cái thứ chữ nghĩa nô lệ thể chất con người! Văn học là nhân học, đâu phải theo trò gán ghép. Gì nữa đây? Dáng đi lềnh lệch của nàng đã làm xiêu đổ lòng ta. Không cô người mẫu nào được trời tặng món quà đó. Ngay nghề y khoa hiện đại của ta cũng chưa nghĩ tới mối liên hệ giữa trái tim và dáng đi ở một con người, thế mà thằng cha mọt sách mượn vía chữ đã khai thác. Mị dân! Phù thủy! Vô nhân bản!”

Không nói cũng biết, tim của ngài Stewart thì làm nhiệm vụ thợ cày cho một tiểu thuyết gia: tìm chi tiết, kiếm nhân vật, rồi theo thế mà viết. Sòn sòn là đô sòn! Mỗi ngày cứ việc đẻ ra năm, bảy trang, ví dụ vậy. Ừ, mỗi cô dâu - nhất là các cô dâu da màu và lai - tận tụy hóa thân trong cơ thể nhà văn của chúng ta để tái sinh nơi trang sách. Họ làm vậy đâu chiều lòng nhà văn, hay muốn dự phần vào kho tàng nhân vật tiểu thuyết của nhân loại. Lý do chỉ là họ đòi đền bù sự lạm dụng của người chủ hôn lễ Gary Stewart. Nhưng họ đã nhầm, không sự liên hệ nào giữa cá nhân họ, từ tên tuổi, hoàn cảnh sống tới cá tính của họ hay của vị hôn phu được lên các trang văn. Nếu thắc mắc với các chuyên gia phê bình về mối quan hệ hiện thực và tưởng tượng, chắc chắn sẽ được giải thích qua loa: “Hừm, có phải đời thế nào vào văn thế nấy đâu, mấy bà?”

Tiêu hóa hai con tim trôi chảy. Cái thứ ba thì khác. Trong cơ thể cũng như trên bản thảo, nhà văn của chúng ta thấy sinh sự mỗi khi ăn nhà thơ Lưu Trầm Tư. Có thể bởi vì đồng nghiệp ăn nhau? Khó mà biết. Trước, trong hai cuốn sách, nhà văn cũng may mắn xơi tái cả một cây đại thụ văn học Pháp; có sao đâu! Hay do thời gian này, ông ăn uống thất thường? Cơm đường cháo chợ, như bà má người Việt hay chê bai. Thoạt đầu nhà-văn-tim mất cảm giác ngon miệng trong ba bữa thường nhật. Khi ông bước vào quán ăn Tàu ưa thích nhất Sunshine, nước bọt không còn tiết ra nữa. Trước, bắt chước người Trung Hoa, thường là ông phải chạy đi nhổ đại một, hai bãi nước bọt ở góc khuất nào đó. Ông cho là do mệt mỏi; chưa để tâm. Tới khi có các biểu hiện một-một giữa việc ăn tim nhà thơ họ Lưu với sức khỏe của ông và tình trạng của bản thảo, nhà văn chần chừ mãi mới đi khám bệnh. Trong thời gian viết hai cuốn sách kia, cơ thể ông thay đổi gần giống khi ông ăn Chun Hey Gyo và Gary Stewart. Văn hứng cũng từa tựa. Sau Lưu Trầm Tư thì khác hẳn. Cứ nhâm nhi một tí họ Lưu là như ngậm sâm trong miệng; ông viết quên bà chủ bút, sếp của ông, ngồi sau lưng. Quên cả bà chủ nhà, vợ ông, đứng sau lưng. Thậm chí bà bạn tình viễn liên – nằm trước mặt, trên màn hình - ông cũng quên luôn. Cho nên, ông coi việc khám phá và kiếm được trái tim Tư chồng như vận may to nhất trong đời viết văn ăn thịt đồng loại của mình.

Nhà-văn-tim tìm đến một nữ bác sĩ tim mạch ít nổi tiếng. Ông tránh người bác sĩ quen thuộc, vị giáo sư tim mạch đầu đàn của Đại học Monash. Phần vì đâu còn đủ tiền trả, phần vì linh cảm sự lạ ở Trầm Tư. Ông ngộ rằng nghề viết có những chốn linh thiêng mà khoa học chớ nên can thiệp. Ông bắt đầu hối hận vì cái tật chết nhát: ngay khi gia nhập làng văn lạ lùng này ông đã mua bảo hiểm nhân thọ với giá cao và neo trang văn vào bệnh án của bác sĩ tim mạch. Ông bắt đầu ngừng mỉa mai các cây bút Đông phương khi họ không tách bạch việc ăn thịt đồng loại với các thực phẩm khác. Và phục họ, bằng bản năng kín đáo truyền thống, đã không san sẻ với người ngoại đạo - kể cả vợ chồng hay bạn chăn gối - mọi ẩn khúc xung quanh hành vi ăn người sinh sách.

- Vì lý do nghề nghiệp, tôi khó có thể kể về một số điều kiện sinh hoạt đặc biệt của mình, thưa bác sĩ. Mong cảm thông. - Nhà văn thấp giọng, năn nỉ…

- Ông yên tâm. Ở đây, chúng tôi bảo đảm quyền thông tin cá nhân cho đến nhịp đập cuối cùng nơi con tim bệnh nhân cuối cùng của mình.

Nhà văn ăn tim cười, một điệu cười không có biểu hiện gây hại. Bình thường ông sẽ cười ruồi. Cái cười ruồi bay thẳng vào mặt đối phương và vo ve trong đầu họ suốt ngày. Trừ bà chủ bút, các đồng nghiệp đều ngán ông tới cổ là vậy.

- Ông dư biết, trái tim là bộ phận quan trọng bậc nhất của thân thể. Nó được ví như cơ xưởng làm việc ngày đêm không nghỉ, bơm máu đi khắp cơ thể, mang theo ôxy và chất dinh dưỡng tới mọi nơi. Khi quá trình này bị gián đoạn hoặc hoạt động bất thường, toàn cơ thể sẽ rệu rã, thậm chí tử vong. Đấy là lúc bệnh tim xuất hiện...

Chỉ nghe đến đó, tất nhiên, ông nhà văn đã ói. (Không phải vì nhìn thấy một con tim khô lạnh.) Lần đầu tiên ông hiểu vì sao có những kẻ nhảy chồm lên bóp cổ người đối diện. Ói là một biện pháp ngăn chặn án mạng. Thân thể con người thật nhân đạo!

- Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị bệnh tim, nhưng nạn nhân chính của căn bệnh hiểm nghèo này là cao niên và nam giới.

Sau nửa tiếng chịu cực hình, nhà văn ra về. Bình an vô sự, cho cả hai bên. “Thế mới biết dân Đông phương tài chịu đựng.” Chỉ còn hai mươi đô la cuối cùng của tuần, ông thưởng cho mạng sống của mình một chầu quán Tàu Sunshine, dù chẳng tiết được tí nước miếng nào. Tháng sau, qua xét nghiệm và khám lần hai, nhà văn được biết nơi trái tim ông động mạch vành tạm thời bị thắt lại. Biến thành người thí nghiệm bất đắc dĩ và chơi ú tim với bà bác sĩ, ông vui mừng xiết bao khi khẳng định được Trầm Tư là sự kiện trong thế giới chữ nghĩa của mình; và bụng bảo dạ, mà cũng là sự kiện của văn học nói chung.

Cuối cùng, vấn đề đó nó là thế này này... Tất cả đời thực Lưu Trầm Tư trở thành cuộc đời nhân vật Sam Bithoor trong truyện. Một minh họa cho phép ánh xạ một-một. Các khác biệt chỉ là chi tiết vặt mà chính nhà văn cũng không can thiệp. Hoặc đó là biến dạng sau khi địa phương hóa từ Việt Nam qua Ấn Độ. Tư chồng là Sam chồng, Tư vợ là Sam vợ (mập hơn Tư vợ dăm bảy kí lô và nhỉnh hơn dăm ba phân); sông Hồng thì thành sông Hằng, chùa Hương thành Mandhar Devi, v.v… thành v.v…

Viết ngày viết đêm, tới khi xong câu cuối cùng nhà-văn-tim của chúng ta thấy cái gờn gợn bám vào tay suốt một năm rưỡi bỗng biến mất. Như đứa trẻ lấm lem vừa xây xong lâu đài cát, ông xòe hai bàn tay ra nhìn. Không còn gì trong đó.

Bạn sẽ quan tâm việc ông nhà văn có ngạc nhiên về sự trùng hợp của nhà thơ họ Lưu ngoài đời và nhân vật Sam Bithoor trong sách? Nếu ở hai cuốn sách trước hay ở cuốn sách nào đó của tác giả khác, ông cũng ngạc nhiên. Nhiều khả năng ông sẽ tu chỉnh cuốn của mình, hoặc la lối cuốn của tác giả kia. Bây giờ thì không. Ông hóm hỉnh, nháy cái mắt xanh lơ, trả lời trong buổi ra mắt sách mà ông tưởng tượng. “Lưu Trầm Tư đã thành Sam Bithoor qua hai bàn tay của tôi. Vâng, qua trái tim của tôi. Điều đó mới đáng để tâm. Sau, họ giống hay khác nhau là theo ý Phật!”

Sam Bithoor giống Lưu Trầm Tư thì không lạ cho lắm. Thi nhân, xứ sở nào cũng có. Và cuồng si giống nhau. Tư chất, điệu bộ khác là mấy. Dưới ánh mặt trời chung. Ừ thì những ánh trăng có thể khác nhau ở mỗi vùng trời đất. (Tại sao có sự phân biệt mặt trời và mặt trăng ở đây, bạn đọc sẽ dần dà sáng tỏ.) Sự sống và cái chết của các nhà thơ chỉ là những bản sao lục nhau. Lạ, là ở Tư vợ và Sam vợ. Những người thiếu thước tấc khó kiếm hơn các thi sĩ. Họ ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng. Lại là những người đàn bà. Bị giời hành hạ, đè nén. Ác và hèn, ở chỗ trời hành hạ, đè nén họ trước, rồi theo đà bọn đàn ông hành hạ, đè nén tiếp. Trên cái thể xác (và tinh thần, sau đó) thiếu hụt. Những người đàn bà tí hon có gương mặt, tính nết như nhau, số phận như nhau càng hiếm. Tư vợ và Sam vợ chính là hai chị em song sinh từ hai cặp song thân!

Những người viết ăn tim người đẻ ra sách văn học không nhiều bằng các loại người viết tương tự khác. Thoạt tiên, cứ tưởng có thể suy luận giản đơn rằng công việc văn chương chủ yếu xuất phát từ con tim, nên cần tim hơn; số lượng nhà văn ăn tim sẽ nhiều hơn. Nếu thế hai với hai đã thành năm từ thời Pythagoras! Thực tế ngược lại. Trong cái làng văn ăn thịt người đẻ sách, có phải cứ muốn ăn tim là ăn được, muốn không ăn tóc thì không ăn đâu! Hoặc đó là cái nghiệp mạng; hoặc đó là sự khó hiểu đáng nể của giới cầm bút.

Cuốn tiểu thuyết ăn Chun Hey Gyo, Gary Stewart và Lưu Trầm Tư được chào đời với bìa sách có ba trái tim xếp thành một hòn núi. Núi tim. Một họa sĩ ở Nam Dương vẽ. Chắc vì lý do kiện tụng bản quyền nên sách phải in ở New Zealand chứ không ở Úc. Thuộc loại bán chạy trong năm ở Nam bán cầu nhờ tiếp thị của nhà xuất bản biết ăn theo cái thân xác của tác giả đột tử như một xì căng đan. Nghệ thuật của cuốn sách có hay không? Đâu là nơi trả lời; chẳng lẽ chờ Hollywood ghé mắt sang? Ừ, biết đâu họ sẽ lấy được vô khối nước mắt khi cười và đô la của khán giả từ đấy.

“Cấu trúc tiểu thuyết

Đi Tìm Thời Gian Đã Mất là cuốn tiểu thuyết hoàn thành viết về cuốn tiểu thuyết đang trở thành. Và Proust đã kịp đặt chữ Hết cho kiệt tác của mình. Tuy nhiên có nhà phê bình hâm mộ Proust (và cả một chút đùa bỡn) đã coi bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất chỉ là lời nói đầu cho cuốn tiểu thuyết tương lai.

Tadié, nhà phê bình, chuyên gia về Proust hiện nay của Pháp, cho rằng: ‘Nói về một văn bản (nghệ thuật), chính là đã đang chỉ ra cấu trúc’. Tiểu thuyết phương Tây đã tiến rất xa trên hành trình của mình qua những biến đổi về kỹ thuật tự sự của nó, trong đó có vấn đề cấu trúc. Sartre nói: ‘Chúng ta đang sống trong thời đại suy tư và tiểu thuyết bắt đầu suy ngẫm về bản thân nó’.

Từ đó nội dung cuộc sống cũng được kể theo một kiểu khác: ‘Một cuốn tiểu thuyết trình bày một cốt truyện có đầu có cuối không phải thuộc về sáng tạo thể loại. Một số tiểu thuyết đương đại chẳng hề kể gì cả. Tuy nhiên, tiểu thuyết thường xuyên phải mang lại - nếu không đã không phải là tiểu thuyết - một ý thức về thời lượng mà ở bên trong nó có vô vàn những biến cố để chiếm chỗ’ (Pierre Louis Rey). Cái vô vàn những biến cố đó là nội dung xã hội, lịch sử, hòa bình, chiến tranh, yêu ghét, cưới xin, tang ma... Cả những suy tư về chính tiểu thuyết đã đến chiếm chỗ trong những thời lượng của Đi Tìm Thời Gian Đã Mất, trong bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào đó được gọi là đích thực." [3]


[1] Phỏng theo trang mạng của ADRA

[2] Theo Ken Harris; Nguyệt san Gia Đình 4/2006

[3] Lược theo Đào Duy Hiệp; Tuần báo Văn Nghệ, evan.vnexpress.net 19/8/2005