Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

Quê hương ngày trở lại (kỳ 3)

Thụy Khuê

Nha Trang

Máy bay từ Sài Gòn ra Nha Trang đỗ tại phi trường Cam Ranh. Đường từ phi trường về Nha Trang là một xa lộ rất đẹp, không kém gì những đại lộ nổi danh trên thế giới mà tôi đã đi qua.

Trước khi về nước, tôi đã được đọc những bài báo mạng vô cùng khẩn cấp báo động việc người Tầu đang chiếm miền Nam, họ đã chiếm hết Nha Trang rồi, có một "phóng viên tại chỗ" chụp hình những cửa hàng trên bờ biển Nha Trang 100% là Tầu, y hệt như ở Hồng Kông hay Thượng Hải, vị "phóng viên" này còn cho biết, Nha Trang hiện đã cho tiêu tiền Trung Cộng. Ngoài những thông tin giật gân này lại còn có bài báo (vẫn trên mạng) mô tả chuyện người Hoa ăn thịt người, với chứng cớ đầy đủ: chụp hình mâm cỗ thịt người có món xào, món rán, món nấu ninh rựa mận, kèm bên cạnh là ảnh cô kiểu mẫu chân dài tóc mượt, mắt bồ câu, trước khi bị chặt làm cơm.

Chúng tôi đến Nha Trang không phải để kiểm tra những "sự kiện" này, vì khi về Sài Gòn và xuống miền Tây đã tìm chả ra mống Tầu nào, muốn ăn cơm Tầu, cũng khó kiếm, còn chuyện cô tốp mô đen mắt bồ câu bị cắt ra xào nấu, thì tôi chắc vị nào có cao kiến đem vụ việc lên Internet phải là người trí thức có đọc Thủy Hử và Lỗ Tấn, mới biết chuyện "người Trung Hoa ăn thịt người" mà minh chứng bằng hình ảnh. Nhưng ông (hay bà) này lại không coi chừng tụi nhà văn, họ nói vậy mà không phải vậy. Cụ Thị Nại Am kể chuyện hồi đó (tức là hồi 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc phất cờ khởi nghiã, nước Trung Hoa loạn lạc, cướp bóc, tham ô, giặc giã nổi lên khắp nơi, đi tới chỗ hẻo lánh nào cũng có quán rượu thịt người. Là cụ ấy cường điệu, muốn nói nước Tầu hồi ấy đầy dẫy trộm cướp giết người. Còn ông Lỗ Tấn nói đồng bào của ông ta ăn thịt người thì được, chứ kẻ nào không phải người Tầu dám nói như thế, vô phúc ông ấy biết được là ông ấy hiện về bóp cổ lè lưỡi ngay. Bởi ông Lỗ Tấn cũng dùng hình ảnh người Tầu ăn thịt người để chỉ một xã hội Trung Hoa hiện đại xuống dốc, người xâu xé người, chỉ muốn "ăn thịt" lẫn nhau; chuyện này áp dụng vào dân tộc Việt Nam hiện nay cũng không sai mấy đâu, tôi sẽ nói thêm ở dưới.

Chúng tôi đến Nha Trang trước hết để thăm thành Diên Khánh và kiểm chứng lại những điều người Pháp thực dân rêu rao khắp nơi và các sử gia của mình cũng y nguyên chép lại: Diên Khánh là thành Vauban do Pháp xây. Để xem tận mắt cái "thành Vauban" đó nó như thế nào.

01-DienKhanhCuaDongWikipedia

H 1. Cửa Đông Diên Khánh, Wikipédia, có bia

02-BiaDienKhanh-2004-Wikipedia

H 2. Bia Diên Khánh, 2004, Wikipédia

Diên Khánh, trước kia chỉ là một đồn nhỏ có tên Hoa Bông, Nguyễn Ánh hành quân qua thấy vị trí tốt, bèn chọn làm cứ điểm địa đầu để chống Tây Sơn: mỗi lần từ Sài Gòn ra đánh Quy Nhơn có chỗ nghỉ chân và cũng là nơi rút về khi thua trận. Tháng 10/1793, Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo được lệnh vua đắp thành. Theo sự mô tả của Lê Quang Định (trong Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí) thì Diên Khánh là thành đất, cao hơn 4 mét, chu vi hơn hai cây số. Thành hình tứ giác, bên trong có núi đất, ngoài thành có hào, có cửa trại, phiá trước có cầu treo bắc ngang trên hào. Thành có sáu cửa: phiá Nam và phía Đông, mỗi phiá một cửa, phiá Tây và phiá Bắc, mỗi phiá 2 cửa.

Thành Diên Khánh cách Nha Trang khoảng 10 cây số, bây giờ còn lại hai cửa Đông và Tây là chính. Trên cửa thành có lầu. Hào đã bị lấp, không còn cầu treo, nhưng thành vẫn sừng sững, trải 224 năm sau khi đắp. Một phần tường thành còn nguyên vẹn.

Tường thành bằng đất, cao khoảng bốn mét đúng như Lê Quang Định mô tả, vững như chân vại, điều này giải thích tại sao quân Nguyễn Ánh chặn đứng được những cuộc tấn công ác liệt của Trần Quang Diệu. Hai cửa thành và phần tường thành còn lại xác định Diên Khánh không phải là thành Vauban, không có một nét gì của Vauban cả (xem hình 3, 4, 6 và 7).

Đứng trên tường thành, ta thấy rõ vị trí chiến lược của Diên Khánh: ngoài hào (đã bị lấp) và tường thành, còn một vòng thành thiên nhiên kiên cố hơn nữa, đó là vòng núi quây tròn khép kín chung quanh, bảo vệ Diên Khánh (hình 6). Sự chọn vị trí, chứng tỏ tài binh lược của Nguyễn Ánh: Tây Sơn muốn tấn công phải vượt qua những rặng núi trước, rồi mới lọt vào được vòng trong, vì thế Diên Khánh chưa bao giờ bị thất thủ như Quy Nhơn (tức Bình Định).

Khi viết cuốn Vua Gia Long và người Pháp, tôi phải đọc tài liệu để chứng minh Diên Khánh là thành đất, do Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo đắp. Nhưng bây giờ đến đây, đứng trên thành đất này, thì không cần tài liệu gì cả: sự thực hiển nhiên thành đất Diên Khánh hiện ra trước mắt đúng theo lời mô tả của Lê Quang Định.

Xin nhắc lại, Lê Quang Định viết rất rõ, từ năm 1802 trong Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, rằng: Diên Khánh là thành đất, cao hơn 4 mét, chu vi hơn hai cây số. Thành hình tứ giác, tức là hình vuông.

Vậy mà, trên Wikipédia tiếng Việt (tôi nói Wikipédia tiếng Việt, ai cũng biết, chứ chỗ khác họ cũng in như thế) in bản đồ thành Diên Khánh hình cá chép, có nhiều góc nhọn nhô ra khỏi tường thành, đặc biệt theo kiểu kiến trúc Vauban (Vauban tạo những chỗ nhô ấy để lính canh có thể nhìn xa hơn, không bị tường thành che lấp) (hình số 5). Từ đâu lọt ra cái thành Vauban hình con cá này? Vì đứng trên tường thành ta thấy rõ: thành hoàn toàn làm bằng đất, không có sự xây cất nào, trừ cửa thành. Tôi chụp thêm tấm ảnh: đứng trên tường thành ta nhìn thấy một góc quẹo, và góc này đúng là góc vuông (hình số 7). Tóm lại, tường thành thẳng tắp không có gì nhô ra như thành Vauban và thành Diên Khánh hình vuông.

Wikipédia còn chụp ảnh cửa Đông có dựng tấm bia (hình số 1), trên bia ghi Diên Khánh là thành Vauban (hình số 2). Khi chúng tôi đến nơi, vào tháng 11/2017, thì thấy ban bảo quản di tích lịch sử thành phố Khánh Hoà đã cho dỡ cái bia ấy đi rồi, không còn dấu vết nó ở cửa Đông hay cửa Tây nữa (hình số 3 và số 4). Một quyết định quan trọng, chứng tỏ nhà chức trách Khánh Hoà rất quan tâm đến sự đúng đắn của lịch sử.

03-CuaTay

H 3. Cửa Tây Diên Khánh, tháng 11/2017, không có bia

04-CuaDongDienKhanhKhong Con Bia

H 4. Cửa Đông Diên Khánh, tháng 11/2017, không có bia

Khi ra Hà Nội và Sơn Tây, chúng tôi thấy ban phụ trách di tích hoàng thành Thăng Long và cổ thành Sơn Tây vẫn còn trưng bày thứ bài bản sai lầm chép lại tài liệu của sử gia thuộc địa: Hà Nội và Sơn Tây là thành Vauban do Pháp xây! Thậm chí ở Hà Nội, tôi còn được nghe một bà guide nói tiếng Pháp rất thạo, thao thao bất tuyệt về công ơn nước Pháp đã xây thành Vauban Hà Nội. Đám du khách Tây nghe gật gù sung sướng, đấy đấy, chúng mày không nhờ chúng tao khai hoá là gì? Tôi định cãi lại: bác ơi, thành Thăng Long ngày trước là do ông Nguyễn Văn Thành lúc đó làm Tổng trấn Bắc Thành đắp khoảng 1804-1805, rồi năm 1835, vua Minh Mạng cho xây lại, theo lối thành trì của nước mình đấy, chứ có Vô băng vô biếc gì đâu. Nhưng cũng chẳng nỡ phá đám bà. Vả lại lỗi là ở ban quản trị công trình Hoàng thành Thăng Long chứ có phải lỗi nhà bác guide đâu. Danh sách các thành trì xây dựng trên nước mình (Sơn Tây do Minh Mạng xây năm 1822, Hà Nội do Minh Mạng xây năm 1835) đều in trong Hội Điển cả, mà ta không chịu đọc, cứ lười biếng chép lại cái sai của Pháp mãi.

Tôi quý nhà chức trách Khánh Hoà, đã bỏ cái biển ghi Diên Khánh là thành Vauban, là vì vậy.

05-DienKhanh-Vauban-Wikipedia

H 5. Bản đồ một kiến trúc Vauban, được gán cho Diên Khánh, Wikipédia

06-ViTriChienLuocDienKhanh

H 6. Vị trí chiến lược của Diên Khánh

07-DuongThanh-GocVuongH 7. Đường thành Diên Khánh, góc vuông

Cách cửa Tây của Diên Khánh vài trăm mét có nhà thờ Hà Dừa rất đẹp, nhưng không mấy ai biết đến. Hà Dừa là một trong những ngôi nhà thờ cổ hiếm hoi còn sót lại, bên trong hoàn toàn kiến trúc theo lối Việt: ghế ngồi của các thầy giảng là ghế bành, chạm khắc lối xưa. Những cột gỗ cao vút của nhà thờ còn nguyên, chắc bằng gỗ lim, đánh bóng mầu huyết dụ, tuyệt đẹp, chứng tích của sự giao lưu văn hoá Pháp-Việt, thể hiện qua kiến trúc nhà thờ tây phương làm theo lối đình chùa của ta, đặc biệt ở Việt Nam. Nhà thờ hơi tối vì cửa đóng kín có lẽ để cản ánh sáng, nhờ vậy mới giữ được đồ gỗ cổ còn tốt nguyên. Vì thiếu ánh sáng nên ảnh chụp không rõ lắm, phải đến đây, nhìn tận mắt mới thấy sự khéo léo và vô cùng tế nhị trong nghệ thuật đồ gỗ của dân mình. Ra Bắc, tôi sẽ còn thấy một kiệt tác nữa, thật hoành tráng là nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình.

08-NhaThoHaDua

H 8. Nhà thờ Hà Dừa

09-DienThoHaDuaH 9. Điện thờ Hà Dừa

10-BenTrongNhathoHaDua

H 10. Bên trong nhà thờ Hà Dừa

Nha Trang hiện nay là một thành phố tân tiến, những dấu vết hoang sơ của một Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya... trong nhạc Phạm Duy, đã xa rồi. Một thế hệ trẻ đang lên, thế hệ của những người xây dựng nên thành phố mới này.

Chúng tôi ở khách sạn sát bờ biển, trên đường Trần Phú, khu đông vui nhất, có thể ví với đại lộ Lối dạo của người Anh (Promenade des Anglais) ở Nice. Nha Trang có nhiều điểm giống Nice: Nước biển cùng mầu ngọc bích trong vắt như pha lê. Vịnh Nha Trang hình bán nguyệt hơi giống Vịnh Thiên Thần (Baie des Anges) ở Nice, nhưng bãi biển Nice toàn sỏi, đi đau chân, Nha Trang cát mịn, vuốt ve chân người. Bãi biển không chỉ ngừng ở Nha Trang mà chạy dài suốt dọc bờ biển Khánh Hoà. Bãi biển Khánh Hoà, không chỉ ngừng ở Khánh Hoà, mà chạy dài suốt cả miền Trung... Hơn hai ngàn cây số bờ biển, chưa kể đảo và quần đảo, đó là lợi thế du lịch có một không hai của đất nước ta.

11-DuongTranPhuKhongCoCuaHieuTau

H 11. Đường Trần Phú, không có hiệu Tầu

12-VinhBanNguyetNhaTrang

H 12. Vịnh bán nguyệt Nha Trang

Ngoài cát trắng, miền Trung còn dẫy Trường Sơn chạy dọc bờ biển, tạo những vũng, những khe, những cồn cát, những mỏm đá... phong cảnh tuyệt vời, trùng trùng điệp điệp, như thể trời đất ban cho vùng quê nghèo đất cầy lên sỏi đá đầy bão táp lụt lội này một nguồn lợi thứ hai để sinh sống. Và dường như người mình hiện nay đã nắm bắt được nguồn lợi thiên nhiên đó: Những khách sạn và những resort mọc lên như nấm. Tất nhiên nhiều người không thích vì cho rằng đã triệt tiêu quang cảnh cũ. Hoặc chê là làm bậy phá hoại môi trường. Tôi không rõ lắm về vấn đề sinh thái nhưng thấy rõ ràng những khách sạn, những resort này cung cấp công ăn việc làm, cho bao nhiêu thiếu nữ, không còn phải nhúng chân xuống ruộng bùn đầy điả cấy lúa dưới nắng mưa, cũng không phải chạy sang Hồng Kông, Ma Cao kiếm chồng. Họ làm việc trong phòng lạnh của các khách sạn đắt tiền, thường thường mỗi em làm hai job, ở hai khách sạn khác nhau, lương đủ sống.

Trong khách sạn, bạn chạm trán với nhiều người da vàng, phần lớn là Tầu, không phải Nhật. Các cô chiêu đãi thấy chúng tôi bèn nói tiếng Anh, tôi bảo phải nói tiếng Việt chứ, em cười: cháu tưởng cô người Tầu, vì ít có khách Việt vào đây. Đến Nha Trang mới thấy sự sang trọng của những khách sạn lớn, loại như thế này, ít thấy ở Pháp, lại với giá rất phải chăng, khoảng độ bốn mươi, năm mươi đô la một phòng, kèm bữa sáng đầy đủ các thức ăn tây ta, tha hồ mà chọn. Ngày trước đến Thái Lan tôi đã khâm phục, bây giờ thấy mình cũng làm được như thế, tôi rất mừng. Nha Trang cũng là nơi tổ chức những hội thảo, cho nên khách sạn có những phòng khánh tiết mênh mông, tôi hỏi em tiếp viên: có dùng đâu đến những phòng này, em bảo có chứ cô, những hãng lớn họ thuê để hội họp, thường xuyên.

Về sau, tôi nhận thấy: Mỗi thành phố có một loại du khách ngoại quốc: Hội An đầy Nhật. Hà Nội đầy Pháp và Nha Trang đầy người Hoa, như thể những người ngoại quốc này đã chọn ưu tiên miền đất du lịch đã gắn bó với họ từ trước. Hội An gắn bó với người Nhật là phải, vì đây là thành phố do người Nhật đến buôn bán dựng nên phố Nhật từ đầu thế kỷ XVII. Còn Hà Nội gắn bó với người Pháp cũng dễ hiểu vì Hà Nội là thủ đô của Đông Dương Pháp.

Riêng người Hoa, theo lịch sử, có thể gắn bó với ba nơi: Chợ Lớn, Biên Hoà và Hà Tiên. Năm 1679, các tướng người Minh gốc Quảng Tây là Long Môn, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm và Trần Bình An, chạy nhà Thanh, đem 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung (tức Tư Hiền) vào Đà Nẵng "xin làm tôi tớ". Chúa Nguyễn Phước Tần không nỡ từ chối, nhưng ông lấy cớ "ngôn ngữ bất đồng" nên cho họ vào đất Đông Phố (tên xưa của Gia Định) lúc đó còn thuộc nước Chân Lạp khai hoang và lập nghiệp và chuá ra lệnh cho vua Chân Lạp phải đón tiếp. Những người Hoa này đóng ở Bàn Lân (thuộc Biên Hoà), họ xây dựng nên vùng Biên Hoà, Chợ Lớn ngày nay. Một đám khác, gốc Quảng Đông, tức là đám Mạc Cửu, thời chúa Nguyễn Phước Chu (1691), chạy xuống phiá nam khai khẩn vùng đất Hà Tiên rồi dâng chuá (1708).

Nhưng có lẽ người Hoa đi du lịch hiện nay không tha thiết lắm với lịch sử hoặc vì họ không biết tổ tiên họ đã đến những vùng này lập nghiệp, nên họ chọn Nha Trang là nơi biển đẹp, nước ấm và gần đất Tầu. Anh guide cho tôi biết: tháng 11-12 là tháng của người Nga và người Tầu "xuống" Nha Trang tắm biển. Còn mùa hè, người Âu mới sang. Vậy du khách ở đây, nếu da trắng là người Nga mà da vàng là người Tầu, mùa đông chạy cái lạnh ở nước họ.

Chúng tôi ngạc nhiên vì không thấy một cửa hàng Tầu nào trên đại lộ Trần Phú, ven biển (hình số 11). Đi vào mấy phố bên trong, lác đác có vài tiệm chen lẫn với những cửa hàng ngoại quốc khác. Buổi tối, chúng tôi xuống đường tìm quán ăn dọc bờ biển, một thanh niên lái xích lô điện dừng lại mời: Cô chú đi ăn phải không? Lên xe con chở sang bên kia, khu người mình, rẻ lắm, chỗ này họ bán cho Nga, Tầu, mắc mà dở. Chỉ mất có 20.000 đồng tiền xe, đi dọc bờ biển chừng hai ba cây số, là tới khu hàng quán người Việt, bình dân, đông đảo, hải sản thật tươi, mừa mứa, ngon và rất rẻ. Ở đây, chỉ có người Việt và một số người Nhật, chứ không có người Tầu. Hoá ra thế giới đã chuyển hướng thật rồi: bây giờ người Nhật không còn đứng đầu nữa, mà là người Tầu. Điều này tôi đã nhận thấy rất rõ ở Pháp, ngày trước các nơi buôn bán, bảo tàng... người ta đều đề thêm tiếng Nhật, bây giờ họ bỏ tiếng Nhật, đề tiếng Tầu, và ở các cửa hàng lớn như Au Printemps, Galeries Lafayette, những mác sang đều có người bán hàng nói tiếng Tầu nữa.

Dường như đây là quy luật chung, đâu cũng thế: dân Paris không lên đại lộ Champs Élysées hay dân Nice không đến Promenade ses Anglais sắm đồ hay ăn hiệu, họ dành những chỗ sang trọng đó cho người ngoại quốc, ưu tiên là khách Ả Rập và Tầu (ngày trước là Nhật). Ả Rập và Tầu mua các dinh thự ở đại lộ đẹp nhất thế giới Champs Élysées, ở công trường Vendôme, quảng trường Concorde. Tầu mua hải cảng Hy Lạp, mua cả những vùng lâu đài và đất sản xuất rượu vang và mua phi trường Toulouse của Pháp... cũng không thấy người Pháp than phiền gì và họ cũng không lo Tầu, Ả Rập chiếm nước Pháp.

Nước ta lại còn có cả kinh nghiệm từ bao đời trước: chúa Nguyễn giang tay đón nhận người hàng ngàn người Minh Hương, cho vào phần đất chưa phải là Việt Nam, và nhờ người Minh Hương khai phá mà ta có những thành phố Biên Hoà, Hà Tiên... Dĩ nhiên ta không quên việc người Tầu chiếm Hoàng Sa, nhưng một vùng có dầu hoả thì làm sao cản được lòng tham của con người? Côn Đảo chỉ có vị trí chiến lược và hải sản quý mà còn bị Anh chiếm. Hiện nay, ta không có phương tiện làm một cuộc chiến với Tầu, vậy phải tìm cách khác, tức là khai thác khả năng tiêu dùng của những du khách rủng rỉnh đến từ lục điạ Trung Hoa. Người Pháp đã làm và dường như Nha Trang cũng đang nhìn thấy khiá cạnh ấy, ta nên khuyến khích hơn là đạp đổ, tẩy chay.

Ngày trước, bên cạnh Sài Gòn là Chợ Lớn, toàn Tầu là Tầu, cần gì ta "dô" Chợ Lớn. Ăn cơm Tầu, dô Chợ Lớn. Cha tôi làm nghề Đông y, phải mua vị thuốc bắc, cũng vô Chợ Lớn. Trước cửa nhà tôi, bên kia đường có chú Tầu, chúng tôi gọi đùa là chú Chệt. Chú Chệt hiền khô, chú bán chạp phô, trong căn nhà trệt rộng chín mét vuông, vừa làm cửa hàng, vừa là chỗ ăn chỗ ngủ. Khi lấy vợ, chú làm thêm cái gác lửng. Chú sống căn cơ, suốt đời chỉ quần đùi, may-ô, hai đứa nhỏ con chú ở trần, quần xà-lỏn, đầu trọc lốc, đầy mụn lở. Chú hà tiện nước, ít tắm, thường ngồi trước cửa tiệm vo ghét khô búng ra đường. Người chú bốc ra sự nghèo khổ, đáng thương vô cùng. Thế mà mẹ tôi kể, khi cách mạng vào, khám nhà chú, lòi ra bao nhiêu ký vàng, chú bị lôi sộc đi, vì tội tư sản mại bản. Uất quá, chú tự tử. Ngoài chú Chệt, trong xóm Bàn Cờ, tôi còn quen mấy chú Tầu khác, bán mì, bò viên, bò khô. Có tiền là tôi phóng ra đánh ngay một chầu. Các chú ấy nay đã phiêu bạt cả, hồn ở đâu bây giờ? Không ai còn cái thú ăn quà vặt rất Tàu ấy nữa. Khi về Sài Gòn, chúng tôi muốn tìm một quán ăn Tầu, cũng không kiếm ra.

Thời Chợ Lớn gần chúng ta, nhưng xa hơn nữa là thời Gia Long, các quan đại thần giúp vua dựng nước như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh... đều là học trò của Võ Trường Toản, đều là người Minh Hương cả: Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định Thành Thông Chí, một thứ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của miền Nam. Lê Quang Định, tác giả Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, cuốn sách địa dư đầu tiên của nước ta, viết từ năm 1802, sau này Hoàng Lê Nhất Thống Chí dựa vào rất nhiều. Nhờ Lê Quang Định mô tả thành Diên Khánh mà ta biết được thành Diên Khánh hình vuông, đắp đất, là sản phẩm hoàn toàn Việt Nam.

Tôi thật không hiểu từ đâu phát xuất sự căm thù người Tầu hiện nay. Nói rằng từ vụ Hoàng Sa, Trường Sa ư? Chắc không hẳn thế. Tôi có người bạn quen biết đã hơn bốn mươi năm, anh vẫn thường chuyển cho tôi những thông tin giật gân, kiểu miền Nam đã bị Tầu xâm chiếm, trong nước bây giờ họ bán gạo plastique, Tầu đã chiếm xong Nha Trang, về nước ăn xoài thấy ngọt, hoá ra bên trong hột bằng plastique, đừng có dùng nước mắm Phú Quốc, làm toàn cá thối Formosa, phải ăn nước mắm Thái Lan; chớ ăn bún, bánh tráng của Việt Nam bây giờ làm bằng plastique...

Cái vụ hột xoài bằng plastique ai nghĩ ra thì xin bái phục là thiên tài. Khi tin về gạo plastique từ bên Mỹ tràn sang Paris, nghe mọi người xì xào; tôi mới hỏi: nước mình một năm hai vụ luá, có nơi tới ba, cần gì phải làm gạo plastique cho tốn kém, họ trả lời ngay: không, có phải mình đâu, Tầu đấy, Tang Frères đang yết bản ai mua phải gạo plastique mang đến đây họ đổi cho cơ mà. Tôi bèn ra Tang Frères hỏi: ông có bán gạo plastique à? Người Tầu trợn mắt nhìn tôi khinh bỉ như Tây thuộc địa nhìn mọi cà răng căng tai, không thèm trả lời, nguýt dài một cái rồi quay đít đi ngay.

Khi cao trào chống Tầu lên đến cực điểm, ở trong nước có người đưa ra ý kiến bất hủ: vì tổ quốc, kêu gọi bỏ học chữ Hán. Tôi thương anh Tạ Trong Hiệp, sinh thời anh đã dành 10 năm (1983-1993) để cộng tác thành lập bộ sách song ngữ đồ sộ Di Sản Hán Nôm Việt Nam Thư Mục Đề Yếu (Catalogue des livres en Hán Nôm), ba tập, 2642 trang, khổ 25x16cm, do nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, in năm 1993. Đây là công trình chung của Viện Hán Nôm và Viện Viễn Đông Bác Cổ ghi lại Thư mục Hán Nôm từ đời Lý Trần đến ngày nay.

Trong bài Dẫn luận giáo sư Trần Nghiã, Viện Trưởng Viện Hán Nôm cho biết: Các kho sách Hán Nôm lần lượt được thành lập, từ khi người Việt dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi chép. Nhưng từ thế kỷ XI trở về sau các kho thư tịch Hán Nôm công cũng như tư xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Những kho sách nổi tiếng đã từng hiện diện tại Việt Nam được liệt kê ở đây gồm 14 kho, bắt đầu là Nhà bát giác chứa kinh, thành lập năm Tân Dậu (1021) dưới triều Lý Thái Tổ và sau cùng là Thư Viện Viện Cổ Học, thành lập năm 1922.

Viện Hán Nôm quản lý 5038 đầu sách và khoảng 30.000 đơn vị tư liệu. Các phông sách Hán Nôm ở nước ngoài gồm có: Nhật, Ý, Anh, Thái Lan, Hoà Lan, và Pháp. Tập sách Thư Mục Đề Yếu này kê khai nội dung tất cả những sách hiện còn giữ ở Viện Hán Nôm Hà Nội và một phần ở Pháp và các nước ngoài. Một di sản văn hoá mênh mông như vậy, ta đã dịch được bao nhiêu cuốn ra quốc ngữ? Anh Tạ Trọng Hiệp mất năm 1996. Anh Ngô Đức Thọ, một trong những người có công đầu về việc dịch sách chữ Hán sang quốc ngữ, mới mất ngày 30/4/2019. Nếu từ nay, sinh viên không ai học chữ Hán nữa, thì làm sao ta có đủ chuyên viên để dịch chín thế kỷ văn học nước ta sang quốc ngữ mà đọc?

Khi tôi đi Việt Nam về đến Paris, anh bạn trí thức lớn mà tôi đã nhắc đến ở trên, vẫn tiếp tục gửi những loại thông tin bài Trung Quốc, bài hàng hoá Việt Nam. Tôi bảo thôi ông ơi, đừng có gửi những tin bậy bạ mãi, ông về nước mà xem tận mắt đi, làm gì có. Thế là anh nổi đoá choảng cho tôi một trận: Này, bà mới về có một lần làm sao mà biết được hết, tôi về gần hai chục lần rồi, tôi làm việc với họ bao nhiêu năm trời, tôi quen toàn những người có điạ vị cả... Thế là tôi tịt luôn, tôi đâu có quen lớn như anh, tôi mới ngộ ra rằng: hoá ra tôi không biết là anh về nước đã gần hai chục lần, anh kín tiếng thật, hoá ra anh âm thầm "làm việc" với "tư bản đỏ"... nào đâu tôi có biết. Anh sang Pháp đã lâu, như tôi, từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, anh không phải đi tù cải tạo, anh không phải vượt biển, vậy mà sự căm thù của anh thật là sâu sắc... phải chăng chỉ để che dấu câu chuyện anh về nước "lậu"?

Anh học trường Tây, anh có coi cái tiếng Việt ra gì, anh không bao giờ đọc Bình Nguyên Lộc, nhà văn sinh ở Tân Uyên, đất của người Minh Hương, đã đứng trên tất cả mọi tranh chấp, dị biệt, suốt đời biện hộ cho tình nhân loại, cho sự yêu thương hòa hợp giữa các dân tộc: Việt, Hoa, Chàm. Bởi vì Bình Nguyên Lộc đã biết trước, nếu chỉ còn hận thù thì sớm muộn, mình cũng sẽ trở thành người Trung Hoa ăn thịt người của Lỗ Tấn của Thị Nại Am.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)