Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Những khoảng tối có ma (kỳ 6)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Tôi cảm thấy ngột ngạt. Như những con chó trong cũi, tiếng sủa của nó không có tác dụng gì, ngoài việc khẳng định sự tồn tại của kiếp chó. Tôi nói với cô, “Có lẽ chỉ có tình yêu mới cứu vớt được con người”.

Cô cười, “Vì điều đó mà anh yêu em chăng?”

Tôi cũng cười, “Khi yêu em, anh không tìm kiếm lý do”.

Với cô, quả thật, thay vì một cảm giác bị ràng buộc, tôi thấy mình được giải phóng. Thanh thản. Khi yêu cô, tôi không e ngại điều gì. Tôi làm tất cả mọi điều tôi thích. Và cô cũng thích như thế.

Do bị đàn áp, phong trào xã hội dân sự không phát triển được, nhưng cũng không bị xóa sổ. Tuy nhiên, giới trí thức vẫn kiên trì với giải pháp khai dân trí, vừa an toàn vừa có khả năng mở rộng thông tin. Họ liên tiếp đưa ra các kiến nghị, tuyên cáo về tình hình đất nước, thực thi công lý, hay nguyện vọng chung của nhân dân. Và kêu gọi dân chúng tham gia. Mặc dù đã trở thành một tên tuổi trong phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng Mr. Thời Vụ không bao giờ ký tên vào bất cứ kiến nghị, tuyên cáo nào với tư cách cá nhân. Lý giải với mọi người, hắn cho rằng tổ chức của hắn đứng ký tên là đủ.

Mr. Thời Vụ không muốn trở thành người đối đầu trực tiếp với chính quyền trên danh nghĩa. Hắn cần cân bằng quyền lợi của mình trong hệ thống cai trị với sự danh giá đứng bên lề trái của những người đấu tranh. Tôi cũng nghĩ, ở thế hàng hai đó, hắn nói được nhiều hơn, nhất là với những người còn chưa “tự diễn biến”, bởi cơ hội xuất hiện trước công chúng của hắn còn được chế độ cho phép.

Thời Vụ nói với tôi, “Có một điều chắc chắn, ông chỉ biết về tôi trên bề mặt. Nhưng ông có tin rằng, tôi biết về ông tất cả, từ hành động đến tâm tư?”

Điều này không có gì để bàn cãi. Vì tôi là một hồ sơ. Hắn nói tiếp, “Tôi quý ông, vì ông chân thành. Những người như ông đang tuyệt chủng. Đấy là chuyện riêng, còn chuyện chung thì… thôi”.

Tôi hiểu chuyện chung, tôi là một con bài có cũng được, không có cũng không sao. Tôi cười, “Đôi khi con tốt cũng giá trị, phải không?”

Hắn nói, “Tôi coi ông là bạn”. Ngữ điệu có chút cảm động.

Có lẽ, đó cũng là lý do tôi vẫn giữ mối quan hệ với Thời Vụ.

Một dòng nước ngọt tứa ra từ triền cát, tạo thành con suối nhỏ, uốn lượn quanh khoảng đất rộng. Vườn rau xum xuê và những trảng hoa tươi mát, nhiệm màu phủ tràn tới mép đìa. Trong đìa, sen xanh cũng khoe sức sống bằng những búp hồng đang nhú. Đấy là trang trại của Lý Hoàng Hoa ở Phan Thiết do Thời Vụ mua cho cô, khi nó còn là một đồi hoang.

Tôi hỏi Lý Hoàng Hoa, “Làm sao em có thể trồng cây tươi tốt được trên cát?”

Thời Vụ xen ngang, “Tôi cũng không tưởng tượng được”.

Lý Hoàng Hoa tươi cười, “Khi đại nhân này (chỉ Thời Vụ) dẫn em lên đây xem đất, mặc dù nó chỉ là một đồi cát khô cằn, nhưng em thích ngay. Em có cảm giác, đây sẽ là chỗ của em. Một cách nào đó, không phải chỉ là chỗ dừng chân, mà là chỗ quay về, như thể đây là quê hương em”.

Khu vực trang trại cách Mũi Né không xa và dự kiến sẽ có một con đường đi ngang dẫn từ Mũi Né tới sân bay. Tất nhiên bí mật này chỉ có thể là Thời Vụ mới biết. Hắn mua cho Lý Hoàng Hoa 20 mẫu với giá đất hoang. Rẻ mạt. Lý Hoàng Hoa cho cải tạo trước hai mẫu để làm khu du lịch dã ngoại, khi cô phát hiện ra có nước rỉ ra từ triền cát.

Cô cho đào một con suối. Nguồn nước từ triền cát đủ để con suối nhỏ có nước chảy. Ngọt mát. Cô dự kiến đây sẽ là khu cho bọn con nít bơi, tắm.

Trong khu đất cũng có vài cái ao lớn, sen mọc rải rác. Cô biết dưới ao có bùn. Dưới con mắt thẩm mỹ và một ít kiến thức nông nghiệp, cô biết sẽ phải làm gì. Cô cho đào các hố để lấy đất san đường. Rồi vét bùn dưới ao đổ vào các hố đó, cô trồng hoa, rau trái. Dưới ao, cô thả cá và trồng sen. Cô cũng khoanh một vài khu đất nuôi heo mọi, gà vịt. Chỉ trong vòng nửa năm, cô đã làm cho mọi người kinh ngạc.

Thực phẩm sạch, thiên nhiên thơ mộng. Cô đặt tên cho trang trại của mình là Khu Du lịch dịch vụ dã ngoại Ngàn Hoa. Tôi và Thời Vụ đến để chuẩn bị cho ngày khai trương.

Giờ đây, cô có thể đãi chúng tôi với đặc sản nhà nuôi trồng.

Lý Hoàng Hoa nói, “Em sẽ làm cho anh một cái cốc bằng gỗ, toàn phần, kể cả mái. Chờ đón anh lên tu cho… thành người”.

Tôi cười, “Anh không tu, mà anh muốn hú thì sao?”

Lý Hoàng Hoa bảo, “Anh muốn hú thì cứ tự nhiên, chim trời có sẵn, em mua thêm cho anh mấy con đười ươi, khỉ đột. Tha hồ hú hí”.

Tôi hoang dã và tầm phào. “Anh thích mấy con giống đười ươi, khỉ đột thôi. Chứ bọn khỉ đột, đười ươi thật hôi lắm”.

Lý Hoàng Hoa nói, “Anh muốn gì em chiều hết, miễn là anh lên đây sống”.

Tôi bảo “Okie, anh sẽ lên đây để tu, khi cần”.

Lý Hoàng Hoa ra vẻ giận dỗi, “Khi nào anh mới cần? Làm sao anh bỏ được Sài Gòn Chợ Lớn”.

Tôi ậm ừ…

Lý Hoàng Hoa nói, “Anh không xa cô ấy được, phải không?”

“Đó cũng là một phần. Chỉ ở Sài Gòn Chợ Lớn, anh mới cảm thấy quê nhà. Ngoài ra, ở đâu cũng là lưu đày”.

Tôi không muốn phải yêu xa.

Ở Phan Thiết, tôi nhớ cô da diết. Theo chương trình, tôi và Thời Vụ sẽ ở ít nhất một tuần để tắm biển cho đã và hỗ trợ khí thế cho Lý Hoàng Hoa dịp khai trương, nhưng mới ba ngày, tôi đòi về. Thời Vụ cho tài xế đưa tôi trở lại Sài Gòn.

Gặp cô, tôi nằm sấp xuống hôn hai bàn chân cô. Tôi nói, “Em đừng bỏ anh”.

Cô khóc.

Thời gian không là vĩnh cửu. Thời gian hay thời tính của nó là điều gì đó hết sức mong manh. Và cũng có điều gì đó tôi không vượt qua được trên cái ngưỡng của không và có. Mọi chuyện với tôi trở thành mù mịt.

Một trong số những người bạn vẫn uống cà phê với tôi phải nhập viện. Anh bị ung thư tụy. Có nghĩa là chờ chết giữa những cơn đau. Chết chùm với vô số người đang chết vì ung thư. Gặp anh trong bệnh viện, thấy anh bình thản đón nhận cái kết thúc của mình, tôi cũng bớt ái ngại. Anh không hỏi, chúng ta “phải làm gì bây giờ?” nữa. Mà anh nói, “Điều gì có thể làm, tôi cũng đã làm. Cho dù có những sai lầm và không thay đổi được, nhưng dẫu sao, tôi không phải hối tiếc”.

Tôi cho rằng, khi người ta không cảm thấy phải hối tiếc, nghĩa là vẫn không chấp nhận sai lầm. Nhưng tôi không muốn nói gì thêm với anh, vì cảm thấy thừa thãi. Anh từng là một người nổi tiếng trong phong trào sinh viên tranh đấu thời trước 1975. Anh cũng nổi tiếng trong số những người phản tỉnh. Cuộc sống dù tồi tệ hay tươi sáng, nó vẫn đi về phía trước. Tôi nắm tay anh, chỉ mong anh thanh thản. Rồi cũng đến lúc tới phiên tôi phải từ giã cuộc đời, cách này hay cách khác.

Anh sống thêm được một tháng. Đám tang anh, công an canh chừng dày đặc. Một số vòng hoa phúng điếu bị giật mất tên tổ chức kính viếng, cũng giống như đám tang người bạn đã chết trước. Ở phía bên này, anh là người phản bội. Ở phía bên kia, anh là người thức thời. Nhân dân là một đám đông vô nghĩa.

Tôi về nằm sõng soài. Cô massage bấm huyệt cho tôi. Bàn tay cô dịu dàng. Tuy không chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ để tôi thư giãn. Tôi nói, “Anh cảm thấy nhẹ tênh”.

Cô bảo, “Tốt”.

Tôi hỏi, “Sao em giỏi vậy?”

“Nhờ học võ. Sư phụ dạy”.

“Cũng may, tại hạ chưa làm điều gì thất thố với cô nương”.

Cô cười, “Anh phải đối xử tử tế với em. Không thì coi chừng”.

Tôi cũng cười, “Cùng lắm thì anh nằm xuống cho em… hiếp là xong chứ gì”.

Cô vít đầu tôi vào giữa ngực cô, cú. Như đánh trống.

Tôi cắn vú cô. Thế là, tôi bị hiếp thật. Cả cô và tôi đều thích cảm giác bị hiếp.

Mr. Thời Vụ nói với tôi, “Tình hình hiện nay rất phức tạp. Ông phải cẩn thận. Lỡ có chuyện gì với ông, tôi không cứu được đâu”.

Tôi biết, tất cả những người được gọi là “đồng chí”, họ sợ nhất đụng chạm tới các vấn đề chính trị, hiểu theo một thái độ hay quan điểm độc lập trước những vấn đề của xã hội, đất nước. Khi trở thành “đồng chí” họ cũng trở thành kẻ đồng thuận tuyệt đối với chính quyền, dù muốn hay không. Họ tự phủ nhận cá nhân mình. Hoặc họ là những kẻ hèn hạ chỉ biết bảo vệ quyền lợi của mình, hoặc đánh đĩ với quyền lực để mưu đoạt quyền lợi.

Tôi nói với Thời Vụ, “Ông không phải lo. Tôi biết ông quí tôi, nhưng tôi tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình”.

Hình như Thời Vụ cũng có điều gì lo lắng. Tôi nghĩ, đi đêm có ngày gặp ma. Tôi nói, “Ông nên lo cho ông thì hơn. Tôi có vấn đề đếch gì”.

Mặc dù nói thế, tôi vẫn biết tất cả những ai có chính kiến khác biệt đều có thể chịu rất nhiều rủi ro. Cả trong công việc làm ăn bình thường đến các rắc rối pháp luật.

Thời Vụ bảo, “Tôi chỉ chết khi những kẻ khác chết trước”.

Tôi nói, “Cái này thì ông hơi ngây thơ. Ai cũng có thể là tốt thí, khi cần”.

Một số nhân vật tưởng như bất khả xâm phạm bị bắt. Dư luận cho rằng đó chỉ là cuộc thanh trừng phe phái, không có ý nghĩa gì cho việc chống tham nhũng, hay làm trong sạch bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, Thời Vụ cũng bắt đầu cảnh giác hơn. Hắn nhờ một công ty chuyên làm dịch vụ định cư ở nước ngoài xúc tiến thủ tục, dọn đường cho việc chạy trốn, sau này. Dù thế, Thời Vụ vẫn không ngừng phô trương thanh thế trên mặt trận văn hóa. Tôi không biết đấy là nghi binh hay một âm mưu gì khác.

Cô gọi điện thoại cho tôi, hỏi “Anh biết gì chưa?”

Tôi hỏi lại, “Vụ gì?”

Sáng nay ở Hà Nội, Bộ Văn hóa và Mr. Thời Vụ đã chủ trì cuộc họp báo giới thiệu bộ hài cốt hóa thạch tìm thấy ở Phú Thọ được cho là của Hùng Vương thứ 18, cùng với một vài di vật khác chôn chung trong hang đá vôi, gồm đầu voi chín ngà và chân gà chín cựa, đây là hai trong số những lễ vật xin cưới Mỵ nương Ngọc Hoa của Sơn Tinh.

Việc công bố kết quả khai quật này làm hồi sinh niềm tự hào dân tộc vốn đã tan rữa trong đầm lầy kiệt quệ của nền kinh tế vá víu định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mr. Thời Vụ được vinh danh như một anh hùng dân tộc.

Các nhà ngoại cảm Phan Bích Tiên và Trần Nhân Tiên cũng được tri ân bằng những bằng khen cấp nhà nước. Nhân dân cũng trả ơn họ bằng cách sẵn sàng chờ cả năm để được hướng dẫn tìm kiếm hài cốt thân nhân.

Tuy nhiên, không một ai trừ Thời Vụ biết được hài cốt vua Hùng thứ 18 và đầu voi chín ngà, chân gà chín cựa ấy thực sự được tìm thấy ở đâu và như thế nào. Nhưng tôi có thể đoán được, bởi tôi là người được Thời Vụ rủ đi Trung Quốc chơi và áp tải những thùng hàng bí mật về nước.

Thật ra, tôi cũng chẳng có bằng chứng gì cụ thể về việc các di vật khảo cổ được làm giả tại Trung Quốc. Chỉ một điều duy nhất chắc chắn, Thời Vụ có tiền và hắn có thể làm được tất cả. Chính quyền có thật sự tin công trình của hắn nghiêm túc hay giả vờ tin là một việc khác. Dẫu sao, hắn cũng đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của nhà nước về khả năng cứu vãn sự chính danh của chế độ.

Dự án xây dựng bản sắc Việt của Thời Vụ được rót thêm kinh phí.

Bộ hài cốt hóa thạch Hùng Vương thứ 18 được các nhà khoa học trong nước xác nhận đúng niên đại. Các nhà nhân chủng học tuyên bố, bộ hài cốt tìm thấy có nguồn gốc dân tộc bản địa. Xác quyết này đưa đến kết luận người Việt không đến từ Động Đình Hồ, hay gốc gác Mã Lai, Indonesien. Người Việt là dân tộc tự sinh trên vùng đất của mình.

Lời hịch “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tịệt nhiên định phận tại thiên thư…” của Lý Thường Kiệt trở thành cơ sở lý luận nền tảng cho luận cương “Việt Nam, dân tộc tự sinh và tự cường” do Ban Lý luận Trung ương soạn thảo. Đúng lúc thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc tan rã. Và không còn gì hay hơn, “Việt Nam, dân tộc tự sinh và tự cường” được điền vào khoảng trống lý thuyết trong việc kiến tạo một Việt Nam mới, độc tài phi cộng sản.

Vua Hùng và Hồ Chí Minh được đưa vào thờ kính trong tất cả đình chùa miếu mạo.

Để phi tang cho hành vi gian dối của mình, Mr. Thời Vụ đưa một đề xuất mới, cho tán nhỏ hài cốt hóa thạch của Hùng Vương và các linh vật voi chín ngà, gà chín cựa như một thứ xá lợi và cung thỉnh vào các đình chùa, rải đều anh linh đến mọi miền đất nước, nhằm tạo nên một sinh khí mới cho dân tộc, cụ thể và đặc trưng hơn, gọi là “khí lực Hùng Vương” trong các văn bản chính thức.

Quốc hội thảo luận và tán thành ý kiến kiệt xuất này cùng với việc đưa luận cương “Việt Nam, dân tộc tự sinh và tự cường” vào chương trình giáo khoa cũng như làm chủ thuyết cho đường lối phát triển đất nước.

Cũng trong thời gian đó, Mr. Thời Vụ tung tin tấm bia mộ Hùng Vương đã bị đánh cắp.

Tham vọng của Thời Vụ không dừng lại ở giải thưởng Hồ Chí Minh, cho dù đó là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống các giải thưởng quốc gia. Hắn muốn được lưu truyền sử xanh với một tên đường hoành tráng. Nhưng đấy là chuyện mai hậu. Trước mắt, hắn vẫn phải đáp ứng mọi sở thích của Lý Hoàng Hoa và chia sẻ với tôi những niềm vui. Dẫu sao, đó cũng là những điều cốt yếu của cuộc sống. Tình yêu và tình bạn. Người ta không thể sung sướng hạnh phúc khi chỉ có một mình. Trước khi được người khác biết tới hay lịch sử ghi công, con người vẫn cần chia ngọt sẻ bùi với những người thân cận. Khoe một điều gì đó hay đãi đằng là một nhu cầu thật sự. Vì thế, bạn đừng hỏi tại sao Thời Vụ lại chiều tôi đến thế. Cái gọi là tự sướng hay thỏa mãn, xét cho cùng, cũng cần ít nhất một ai đó biết đến. Ngay cả nếu bạn giết người, bạn cũng muốn một người nào đó biết thành tích của mình.

Thời Vụ hỏi tôi, “Ông thích gái Mỹ không?”

Tôi nói, “Tôi không muốn trả thù dân tộc cho bằng tận hưởng đặc sản quê hương”.

Thời Vụ cười sảng khoái, “Ông giống tôi”. Rồi tiếp, “Ít bữa nữa, tôi thu xếp được thời gian sẽ đưa ông về đất tổ. Xem ông phán đoán sao về các em gái bản địa, em nào mới đích thật là hậu duệ vua Hùng”.

Tôi bảo, “Tôi không phải là nhà nhân chủng học, nhưng quả thật, tôi thích tất cả những gì gần với bản gốc nhất”.

Chúng tôi đi Phú Thọ.

Thời Vụ nói, “Trong suốt thời gian ở đây, mỗi ngày ông sẽ được hưởng một đặc sản quê hương khác nhau”.

Ngày đầu tiên, chúng tôi vào rừng quốc gia Xuân Sơn. Cùng đi, ngoài người hướng dẫn, còn có mấy cô gái người Mường, người Dao, người Thái, người Cao Lan, người Tày, người Mông. Tất cả đều xinh đẹp.

Trong hang đá vôi mà Thời Vụ bảo đã tìm thấy bia mộ vua Hùng, chúng tôi bày tiệc nhậu với thịt thú rừng mang theo. Người hướng dẫn được yêu cầu ra ngoài canh chừng với chai rượu và ít mồi. Chỉ còn Thời Vụ với tôi và các cô gái, hắn nói “Ông có thể đóng vai vua Hùng hoặc bất cứ một nhân vật nào ông thích”.

Tôi bảo, “Tôi chỉ thích làm một gã tiều phu mơ mộng thôi”.

Thời Vụ nói, “Có sẵn các sơn nữ đây, ông không cần mơ”.

Tôi bảo, “Ừ, hiện thực này còn hơn cả giấc mơ”.

Quả thật, tôi đang sống với cuộc đời này không phải hiện tại, mà của quá khứ hơn bốn ngàn năm trước. Tất cả đều hoang dã. Tôi nghĩ về những điều sơ khai. Từ thần linh đến thú tính. Bất chợt, khái niệm “tự sinh” làm tôi sững sờ. Và tôi cảm thấy mình cũng đang tự sinh trong một hậu hiện sinh thảng thốt.

Trên đường về, Thời Vụ nói “Ông có thể chọn một em hay tất cả về khách sạn. Tùy”.

Tôi bảo, “Hết pin rồi. Dành cho ngày mai”.

Ngày mai và những ngày mai nữa, không thuộc về tôi, như tôi.

Thời Vụ hỏi tôi, “Ông thấy thế nào?”

Tôi hỏi lại, “Vụ hậu duệ vua Hùng, phải không?”

Hắn gật đầu.

Tôi nói, “Ông muốn tôi tham gia cái vụ lừa đảo này à?”

Thời Vụ nói, “Không hẳn. Tôi chỉ muốn biết ông có cảm nhận gì khác thường không thôi, như một thứ linh giác ấy”.

Tôi bảo, “Chả có ông thánh nào biết được điều đó”. Tôi cười nói thêm, “Ngoại trừ, các nhà ngoại cảm của ông”.

Đôi khi tôi vẫn muốn chửi thề, nhét cứt vào mồm bọn quan chức, trong những trường hợp như thế này. Tuy nhiên, tôi chỉ phát biểu “Nói thật, tôi không hiểu được ông và những quan chức như ông trong chế độ này. Mấy ông ngây thơ, hay đểu cáng, hoặc vừa ngây thơ vừa đểu cáng?”

Thời Vụ bình tĩnh hỏi lại, “Ông muốn nói về việc gì?”

Tôi bảo, “Về niềm tin của các ông”.

Thời Vụ nói, “Tất cả đều đúng. Nhưng với riêng tôi, cũng nói thật luôn, tôi biết nó thực sự đểu cáng, nhưng tôi vẫn muốn thuyết phục người khác tin vào sự tử tế của mình. Ông phải thấy điều này, một cơ chế chăn dắt buộc phải có niềm tin, dù đó là ngụy tạo, ngụy tín. Và ông thấy đấy, phương tiện nào cũng tốt, nếu kết quả tốt”.

Tôi không nói gì nữa. Có những giới hạn mà ta không thể vượt qua.

Một cảm giác bế tắc làm tôi nghẹn thở. Đã lâu tôi không hút thuốc, tuy nhiên tôi đã cầm bao thuốc của Thời Vụ lên và nói, “Cho tôi xin một điếu”.

Thời Vụ mồi lửa cho tôi, nhưng tôi chỉ rít được ba hơi rồi quăng. Tôi bị dội ngược bởi mùi ngái thuốc lá.

Cô gọi điện thoại cho tôi nói, “Em chóng mặt quá”.

Tôi đến với cô. Tóc cô mới cắt, nhìn xinh và tinh nghịch hơn.

…..

THẰNG BỜM, CHỊ DẬU, PHÚ ÔNG, THẰNG CUỘI VÀ TÔI ÚM BA LA

Khi ấy, Quan cụ đã ở suối vàng sau một cuộc đấu tố. Cái chết của cụ và sự tanh bành tất cả mọi riềng mối truyền thống dân tộc cũng vô tình làm bục vỡ cái căn tính u mê truyền kiếp và nhờ thế cụ được mở mắt để nhìn thấy thấu suốt trần gian. Cụ không mang theo nỗi oán thù, nhưng thật kỳ lạ, chưa bao giờ cụ lại thấy thèm bú sữa từ vú chị Dậu như khi đã chết đi như thế này. Mùi sữa của trần gian mới ngọt ngào thần thánh làm sao, cụ thủ dâm chị Dậu vĩnh hằng.

Thằng Bờm Đỏ lớn lên trong sự thất tán của ca dao và xáo động của thời cuộc, dường như cũng mất phương hướng ngoài cái định vị khả hữu nhất là mùi chị Dậu. Mùi của lam lũ và mùi của phẩm tính phụ nữ thuần khiết.

Nhưng chị Dậu đột nhiên thành dân oan.

Sau khi tái giá với một anh cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước và theo chồng về quê cày bừa, như giấc mơ “ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy, họ an cư trong đất tổ của nhà chồng. Nhưng cuộc đổi đời mà cách mạng hứa hẹn cho người nghèo đã đổi mục tiêu. Chỉ người giàu mới làm chủ cuộc sống. Đất hương hỏa của nhà chồng chị thành “sở hữu toàn dân”. Căn nhà và mảnh vườn của gia đình chị bị giải tỏa theo một dự án đô thị hóa của các đại gia bất động sản, được chính quyền hỗ trợ.

Chị Dậu, thành phần nòng cốt của cách mạng năm xưa, giờ đây bị vứt ra đường, sau một cuộc cưỡng chế của xe xúc và các lực lượng chức năng gồm công an, dân quân tự vệ và đại diện chính quyền sở tại. Chị Dậu uất ức muốn tẩm xăng tự thiêu, nhưng chồng chị bình tĩnh hơn, cay đắng nói “Chúng ta đã lầm”. Trong ánh mắt căm hờn của ông, ẩn chứa một ý chí phục thù.

Trong số những người tham gia cưỡng chế nhà đất chị Dậu hôm ấy, có mặt Thằng Bờm Đỏ. Nó chính là gã dân quân hung hăng nhất, xông vào nhà chị quăng đồ đạc ra ngoài. Ngày xưa, nó không màng ba bò chín trâu, nhưng hôm nay nó cầm một trăm ngàn gọi là tiền bồi dưỡng, tương đương mấy gói xôi, làm chuyện bất nhân. Có thể, nó nghĩ mình đang phục vụ cách mạng. Cũng có thể, nó quen được sai khiến.

Tôi có còn là Thằng Bờm chất phác không? Các bác đừng nghĩ tôi cao siêu hay đểu cáng. Tôi cũng là nhân dân như chị Dậu, tôi có ba đứa con để nuôi. Tôi cần tiền. Cũng như ngày xưa tôi cần xôi. Tôi không văn minh văn miếc gì cả. Muôn đời tôi vẫn là Thằng Bờm. Cũng như chị Dậu, muôn đời vẫn là chị Dậu. Nhưng tôi không ăn bánh vẽ như chị Dậu. Chị Dậu vẫn ngây thơ vác đơn đi kiện. Nếu là tôi, tôi cho nổ mìn nhà bọn ăn cướp. Đừng hỏi tôi tại sao vào hùa với bọn ăn cướp? Tôi nói rồi, tôi chỉ kiếm cơm. Tôi không thấy có thứ chân lý nào trên đất nước ba phải này. Cũng đừng hỏi tôi có lương tâm không? Nó chỉ là thứ vũ khí tự vệ của kẻ yếu, hoặc phô trương xa xỉ. Người ta mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Tôi thiếu gạo, thiếu tiền… nên tôi hèn yếu. Có thể vì tôi bất tài, nhưng bất tài hay thiểu năng không phải lỗi tại tôi. Tạo hóa sinh ra tôi và xã hội là môi trường để tôi có thể sống như con người hoặc tôi phải khổ cực như con chó. Tôi đã hết sức cố gắng lao động kiếm ăn để không còn bị coi là một thằng Bờm khố rách ôm cái quạt mo, nhưng đến giờ, tôi vẫn là một Thằng Bờm Đỏ vô sản đặc hiệu, điều ấy là lỗi tại tôi hay số phận, hoặc những kẻ chăn dắt tôi vô trách nhiệm, bất lực? Tôi không lên án ai, vì thế, cũng đừng ai lên án tôi.

Trong lúc đi nhậu với chiến hữu, Thằng Bờm Đỏ vẫn nghĩ đến chị Dậu và uống say mèm. Đêm đó, nó về nhà không chửi vợ, mắng con. Ngủ vùi như chết.

N.V.