Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Một vài cảm nghĩ sau khi đọc bài Quê hương ngày trở lại (kỳ 3) của Thụy Khuê

Kính thưa bà Thụy Khuê,

Sau khi đọc bài Quê hương ngày trở lại (kỳ 3), tôi xin mạn phép được trao đổi cùng bà đôi điều.

Trước hết, tôi xin cảm ơn bà về hai bài kỳ 1 và kỳ 2. Nhờ bà mà tôi, một kẻ già yếu chưa hề đặt chân đến miền cực Tây Nam bộ và nhất là Côn Đảo, được biết đến những miền đất xa xôi của tổ quốc xinh đẹp và hào hùng đến như vậy. Những hình ảnh minh họa và nhất là một đôi điều rất lý thú về Nguyễn An Ninh khiến tôi rất xúc động. Nhưng đến bài thứ 3, viết về Nha Trang, thú thật tôi không muốn tin là do bà viết.

Vì sao?

Thứ nhất, bà đem những điều quàng xiên ở trên mạng về người Hoa ăn thịt người, về những thông tin mà bà biết chắc là được thổi phồng một cách vô căn cứ của người bạn hơn 40 năm của bà ở Pháp, để minh chứng là sai, trong khi bà gửi bài cho Văn Việt, tức là muốn nói chuyện với những người trong nước, trong đó có tôi.

Đó là những chuyện tầm phào, người Nha Trang nói riêng và cả nước nói chung, chẳng một ai thèm đọc, thèm nghe.

Thứ hai, bà bảo nhờ có người Tàu sang du lịch mà Nha Trang phát triển với nhiều khách sạn và resort mọc lên như nấm, con gái khỏi phải đi cấy lội xuống bùn đầy đỉa, được làm trong khách sạn có gắn máy lạnh mát mẻ, làm hai job là lương đủ sống, khỏi phải qua Hồng Kông, Ma Cao kiếm chồng.

Nếu phát triển du lịch chỉ để được như thế, thì thưa bà, tôi thà cho gái tôi xuống ruộng, dù cho bị đỉa cắn, còn hơn.

Và bà chụp hình đường Trần Phú để chứng tỏ cho ông bạn của bà biết (mặc dù về Việt Nam đến hơn 20 lần, trong khi bà chỉ có 2 lần) không có cửa hiệu của Tàu. Bà đâu biết, người Tàu họ ẩn danh, cần gì phải chường mặt ra.

Thứ ba, bà bảo Tàu đem đến nhiều lợi ích như thế, sao không đón nhận mà tẩy chay, đập phá.

Tôi không là dân Nha Trang, nhưng ở cách Nha Trang chỉ 30 cây số, xin thưa với bà, chưa hề nghe hay thấy dân Nha Trang đập phá đánh đuổi người Tàu lần nào.

Năm ngoái, sau vụ cả nước biểu tình phản đối khu chế xuất, khách Tàu hoảng quá kéo nhau về nước, đến nỗi phi cảng Cam Ranh phải dừng mọi chuyến bay đi nơi khác để đưa họ về.

Chuyện đó thì có, nhưng không giống như cách người Tàu tẩy chay Nhật trong vụ tranh chấp Điếu Ngư Đài, chắc bà đọc báo, nghe đài cũng đã rõ.

Thứ tư, đây là điều tôi hết sức ngạc nhiên cho những nhận định và phát biểu của bà.

Xin trích: Tôi thật không hiểu từ đâu phát xuất sự căm thù người Tàu hiện nay. Nói rằng từ vụ Hoàng Sa, Trường Sa ư? Chắc không hẳn thế. Tôi có người bạn quen biết đã hơn bốn mươi năm, anh vẫn thường chuyển cho tôi những thông tin giật gân, kiểu miền Nam đã bị Tàu xâm chiếm, trong nước bây giờ họ bán gạo plastique, Tàu đã chiếm xong Nha Trang, về nước ăn xoài thấy ngọt, hoá ra bên trong hột bằng plastique, đừng có dùng nước mắm Phú Quốc, làm toàn cá thối Formosa, phải ăn nước mắm Thái Lan; chớ ăn bún, bánh tráng của Việt Nam bây giờ làm bằng plastique…

Khi cao trào chống Tàu lên đến cực điểm, ở trong nước có người đưa ra ý kiến bất hủ: vì tổ quốc, kêu gọi bỏ học chữ Hán. (hết trích)

Thưa bà, ở đâu mà bà lôi ra hai chữ “căm thù” đáng sợ như thế quàng lên đầu lên cổ dân Nha Trang vậy?

Và thứ năm, bà vừa lý giải vừa khuyên nhủ người dân Việt trong nước như thế này.

Xin trích:

… Dĩ nhiên ta không quên việc người Tàu chiếm Hoàng Sa, nhưng một vùng có dầu hoả thì làm sao cản được lòng tham của con người? Côn Đảo chỉ có vị trí chiến lược và hải sản quý mà còn bị Anh chiếm...

… Hiện nay, ta không có phương tiện làm một cuộc chiến với Tàu, vậy phải tìm cách khác, tức là khai thác khả năng tiêu dùng của những du khách rủng rỉnh đến từ lục điạ Trung Hoa. Người Pháp đã làm và dường như Nha Trang cũng đang nhìn thấy khiá cạnh ấy, ta nên khuyến khích hơn là đạp đổ, tẩy chay. (hết trích)

Nha Trang không đạp đổ, tẩy chay người Tàu, thưa bà. Từ xưa đã có người Minh hương, có trường học Tàu lên đến cả bậc Trung học (tên Khải Minh). Có các hội quán thường gọi là chùa Tàu của người Hải Nam, Triều Châu, Quảng Đông.

Tuy không được tổ chức bài bản nhưng ở Nha Trang vẫn được coi là nơi khách du lịch Tây và ta ưa thích nhất. Vì biển Nha Trang sạch đẹp, vì chợ Đầm nhiều hàng hải sản, vì người Nha Trang hiền hòa, ăn nói dịu dàng, dễ nghe.

Nha Trang đâu có căm thù Tàu mà bà phải bận tâm thắc mắc. Nha Trang chỉ ghét Tàu cộng thôi. Từ khi Tập Cận Bình lên ngôi hoàng đế, đâu chỉ có Nha Trang, mà cả thế giới đều ghét (ngay cả Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan).

Vì sao ư? Vì cái mộng bành trướng, mộng bá chủ thế giới. Mà bước thứ nhất là chiếm hoặc kéo Việt Nam vào vòng đai sắt của Tàu. Cái mộng đó được Tập ngày đêm nhồi nhét vào đầu óc của cả hơn một tỷ dân, khiến cho họ cứ tưởng mình giàu nhất, sang nhất, mạnh nhất thiên hạ, muốn gì được nấy.

Có một hoàng đế Tàu như Tập Cận Bình, thì người Việt Nam dù có yêu Lý Bạch, Đỗ Phủ tới đâu, cũng đành phải biến yêu thành ghét thôi.

Bà đâu biết cái đám du khách rủng rỉnh tiền mà bà bày kế định moi, thực ra họ rất khôn. Họ mua “tua” từ các hãng của Tàu, đi xe Tàu, mọi chi phí trên đường hãng Tàu lo. Đến Việt Nam, hoặc vào khách sạn của các đại gia (tư bản đỏ) hoặc của người Tàu ẩn danh. Chỉ có ăn, tắm, chơi (không nói tới gái), nếu không cà phê, hoặc nhậu thì chẳng tốn thêm đồng nào. Nghĩa là không rơi rớt một đồng chinh nào cả.

Vậy mà, ông nào cũng như thái thú Tô Định hay Tôn Sĩ Nghị, coi dân bản xứ như cỏ rác, mặt lúc nào cũng vênh vênh, chỉ khác thời Mỹ là không ôm eo ếch một em nào không chịu xuống ruộng mà chỉ muốn nằm ké giường nệm có máy lạnh mà thôi.

Thế thì thương sao được, đành phải ghét vậy thôi, thưa bà.

Còn nhiều điều khác nữa muốn trao đổi, chẳng hạn bà cho rằng Tàu chiếm Hoàng Sa, vì lòng tham của con người, nghĩa là chiếm luôn cả nước cũng được sao?!

Phải chi, thay vì chứng minh thành Diên Khánh không phải xây theo kiểu Vauban của Pháp, bà thử tìm hiểu lầu ông Tư (tên dân Nha Trang thương yêu gọi Yersin) có còn không tại xóm Cồn? Và đến mộ Yersin thắp cho nhà bác học nhân ái ấy một nén nhang, trên bàn thờ theo kiểu Việt Nam, thì “quê hương ngày trở lại” của bà có ý nghĩa xiết bao!

Nhưng thôi, thưa bà, tôi chỉ muốn nói rằng, vì những điều trên, tiếc rằng được viết bởi ba nhà, nhà nghiên cứu, nhà phê bình và nhà văn cùng một tên Thụy Khuê, rất dễ khiến cho bạn đọc khắp thế giới, tưởng rằng bà đến Nha Trang chỉ để bênh vực Tàu cộng.

Tôi nghĩ điều đó thật không đáng có cho danh tiếng của bà vậy.

Xin kính chào bà.

20/5/2019

Khuất Đẩu