Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Dặm trường (kỳ 15)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 41

Dặn dò  đôi ba điều với phạm nhân như thường lệ, tay cán bộ dẫn giải vác súng lửng thửng đi về phía nhà dân ven bờ suối. Toán đi mây bắt đầu tản mác mỗi người một ngả vào khu núi đồi phía trước. Lục theo Song, người bạn tù mới quen vài tuần nay. Song rất rành chuyện đi rừng. Anh giúp Lục rất nhiều trong công việc làm được gọi là tự giác này: tìm ra nguồn mây, hoàn thành nhanh chóng chỉ tiêu số lượng được giao. Nhờ thế, họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi để cải thiện linh tinh như bắt cá, bắt cua, nấu nướng.

       Rẽ qua lối mòn dẫn vào khu rừng già, Lục thấy lòng phơi phới bất chợt. Khung cảnh hoang dã, cây cỏ rậm rì, triền núi cao, rừng nối rừng bất tận khiến anh có cái cảm giác hứng thú như ngày nào đọc chuyện đường rừng. Anh hát nhỏ. Song nhìn anh, cười:

-     Có gì vui mà hôm này hát hò thế, bạn?

Lục xoay cái đòn xóc ngang trước mặt:

-     Tôi khoái cái hoang dã của núi rừng. Nơi ít dấu chân người vẫn tạo cho mình cái cảm giác hư hư thật thật khó tả hết.

-     Mới đầu thế đấy. Ði hoài phát ngán. Ði đâu thì cũng là thằng tù thôi.

-     Thì tù. Ấy thế mà không hiểu sao mấy tuần nay, tôi lại có cái cảm giác được tháo củi sổ lồng.

Song cười lớn:

-     Ông khéo tưởng tượng. Tù lớn tù nhỏ đều là tù cả.

Lục im lặng. Song không ở trong hoàn cảnh của anh, nên không có những cảm giác như anh. Từ ngày bị đưa đi cải tạo với tội danh “nghe đài địch và nhen nhóm tổ chức chống cách mạng”, anh đã trải qua cảm giác được tháo củi sổ lồng nhiều lần.

Lần đầu tiên là khi anh được chuyển từ nhà lao lên trại lao động. Ở nhà lao, khỏi lao động, nhưng vừa buồn vừa đói. Tại trại lao động, được làm việc ngoài trời, tuy nhọc nhằn vất vả, nhưng đỡ nhàm chán, lại được ăn khá hơn và được cải thiện linh tinh. Đó là lúc đầu. Chỉ một tuần sau, anh bắt đầu thấy ớn. Số là anh bị nhốt chung với những người có án trong nhà kiên giam. Ở đó, anh chung đụng với đủ hạng người: tù hình sự, tù kinh tế, tù vượt biên, tù phản động mới. Thì cũng là tù, nhưng thành phần hỗn tạp. Lý lịch mù mờ. Một chủ tiệm bún bò được phong làm thiếu tướng. Một anh cựu trung sĩ  trở thành chủ tịch mặt trận giải phóng quốc gia. Một tay bụi đời được cất nhắc làm bộ trưởng. Anh vừa ngột ngạt với thứ kỷ luật khắc khe của chế độ kiên giam, lại vừa ngột ngạt với không khí luôn luôn bất thường ở đây. Một tù nhân chung thân nhiều lần tự tử hụt. Một âm mưu đào thoát bị bại lộ. Một vài cuộc nổi loạn của những tù nhân trẻ. Nhất là chứng kiến thái độ bất khuất của một sinh viên, không có ngày nào là không hâm nóng nhà kiên giam bằng những hành động quyết liệt như hô khẩu hiệu, tự soạn và đọc những bài diễn văn tố cáo chế độ nhà tù, vân vân và vân vân.

Bởi thế, khi được ra khỏi nhà kiên giam, nhập vào khu láng trại của “ngụy quân ngụy quyền”, cảm giác đầu tiên của anh là được phóng thích. Dù vẫn là tù nhưng anh cảm thấy “tự do” hơn. Ðiều làm anh phấn chấn nhất là được gặp lại vô số bạn bè cũ: bạn học, bạn lính, bạn đồng nghiệp. Ở đây, anh được sống cái không khí tù cải tạo chính cống sau ngày miền Nam thất thủ. Nói không quá, anh cảm thấy bớt đi cái mặc cảm của một kẻ ngoài cuộc, nếu không muốn nói là có đôi chút “hạnh phúc” vì được chia sẻ số phận của anh em bầu bạn.

Song hỏi:

-     Ông cũng là trung úy, sao không bị đi cải tạo như tụi này nhỉ? Ở đây thiếu gì trung úy biệt phái như ông. Cũng bị quy tội nặng lắm vì họ cho là thuộc thành phần tâm lý chiến, đặc trách kềm kẹp học sinh..

-     Hên xui thôi ông. Cả hàng ngàn sĩ  quan biệt phái, nếu đi cải tạo hết thì ai dạy học. Họ chẳng thương gì đâu, nhưng dùng tạm để rồi loại bỏ, như trường hợp tôi chẳng hạn. Ông xem, cho ở ngoài một thời gian rồi tìm cách bắt vào đây à.  Nói tội, tôi thực sự chẳng biết mình tội gì.

Hai người đi lọt hẳn vào trong rừng. Cây cối đan thành vòm trên cao. Cành lá chằng chịt khiến ánh nắng không lọt xuống được. Hai người để đòn xóc xuống đất. Song soạn một số vật dụng mang theo để “cải thiện linh tinh” như lon gô, lưỡi câu, mồi trùn, bật lửa, nói:

-     Ông giữ lưỡi câu, chỉ rồi kiếm một cành cây nào đó làm cần. Chặt mây đủ chỉ tiêu xong, ông cứ xuống con suối dưới đó câu, đợi tôi. Tôi còn phải đi kiếm một ít măng lồ ô về dầm chua, chuẩn bị cho đợt thăm nuôi lần sau. Lần này hy vọng bà xã sẽ lên.  Còn ông thế nào? Bà ấy vẫn lên thăm thường chứ?

Lục cất lưỡi câu, chỉ, mồi vào bịch ni lông, ậm ừ:

-     Ờ...thì ...cũng có.

Song chỉ về phía con suối gần đó, dặn thêm:

-     Anh theo dọc con suối này, leo lên hai bên triền núi để tìm mây. Nhớ đừng đi quá xa suối. Tìm được bụi nào, chặt cho đủ hai gánh.  Nếu tôi tìm ra nhiều, tôi sẽ hú gọi ông.  Nhớ để ý lấy măng. Thăm nuôi, sẵn mỡ, ruốt, vị tinh mà hầm măng thì đã lắm.

      Nghe hai chữ “thăm nuôi”, Lục chợt nghe ngực mình đau nhói lên như bị kim châm. Thăm nuôi! Dù đã chai lì với cảm giác không ai thăm nuôi, dù cố làm lơ, nhưng cứ đến ngày gần thăm nuôi, anh cũng không thể xóa bỏ được cảm giác cay đắng của một kẻ bị ruồng bỏ, hoàn toàn bị ruồng bỏ. Từ ngày bị đi tù, mẹ anh có thăm hai lần. Lần cuối cùng ở lao xá, mẹ anh  dẫn hai đứa con theo. Từ đó đến nay, đã hơn một năm rưởi qua, anh hoàn toàn bặt tin tức gia đình. Nghe nói mẹ anh đau yếu, túng thiếu, không cách gì đi được. Con anh thế nào, anh không rõ. Hạnh bây giờ ở đâu, thế nào, có về thăm con không hay vẫn biền biệt trên các chuyến tàu như ngày nào?

      Anh bần thần vác đòn xóc bước đi. Song đã biến mất sau lùm cây bên kia suối. Anh tiếp tục leo lên con dốc. Ðủ loại cây mọc ngang dọc. Chim rừng ríu rít. Tiếng nước đổ dốc nghe vang động ở phía trên. Rừng hoang vắng lạ lùng. Anh chợt thấy lòng dịu lại. Anh đi ngược con suối. Trời ở đây tối hẳn.  Họa hoằn lắm, anh mới thấy một  khoảng trời lấp ló sau các chòm lá rậm. Càng đi sâu, không khí càng vắng lặng, tịch mịch, thâm u. Mải thưởng thức khung cảnh hoang dã của thiên nhiên, anh quên khuấy mất nhiệm vụ của mình. Sực tĩnh, anh bươn người trèo lên sườn núi, lục lọi tìm mây. Mây thì nhiều, nhưng bụi nào cũng còn non. Anh sợ lạc, nên cố đi men theo bờ suối. Chẳng có. Anh lấn sâu vào trong rừng. Mất khá lâu, anh mới tìm ra được một cụm mây rục. Mừng quá, anh bất kể gai góc, phang ngang bửa dọc, tìm cho ra gốc. Gai mây đâm tùm lum vào người. Mồ hôi đổ dầm dề. Chất muối mặn thấm vào những vết xước, rát buốt. Trưa, mặt trời lên khỏi đỉnh cây, chiếu xuống nóng bỏng. 

      Chỉ trong một thời gian ngắn, anh thu hoạch được một đống mây, hy vọng đủ cho hai gánh chỉ tiêu trong ngày. Anh sắp mây, bó lại. Chợt nghe đâu đây tiếng cười nói văng vẳng. Anh dừng tay, nhìn quanh. Chỉ toàn cây và cây. Hay là tiếng suối?  Ở đây, ngoài toán anh ra, đâu còn ai. Anh cúi xuống tiếp tục bó. Chỉ tiêu một ngày tạm đủ. Chỉ còn thiếu một ít cho buổi chiều. Mệt quá, nghỉ ngơi cái đã. Anh vươn vai nhìn nắng lấp lóa dưới con suối vắng. Bỗng tiếng nói cười lại vang lên, lần này nghe rất rõ. Tiếng người. Giọng đàn bà. Anh bất giác rùng mình, nghĩ đến những động yêu trong Tây Du Ký. Anh đưa mắt nhìn về hướng phát ra tiếng nói. Hóa ra là có người thật. Không phải là yêu quái. Từ khúc rẽ của đoạn suối trên cao, những bóng người xuất hiện. Anh ngạc nhiên khi thấy toàn là đàn bà. Họ đang giúp nhau chuyền những thanh gỗ qua các tảng đá nhọn. Qua kẽ lá, anh bồi hồi nhìn nhân dáng những người đàn bà. Họ cười, nói, uốn éo thân hình, xắn quần lội qua suối. Những bắp chân trắng nõn, những khuôn ngực nhô cao, phập phồng. Ðàn bà, ôi đàn bà! Thứ sinh vật kỳ diệu! Mấy năm rồi, thế giới anh vắng bóng đàn bà. Anh chỉ gặp họ trong những giấc mơ với những cơn ác mộng và đôi khi kèm theo những hoan lạc dầm dề.

Khoảng bảy, tám người đang di chuyển gần về phía anh. Hóa ra đó cũng là những tù nhân như anh. Trong những bộ đồ tù bạc màu, thân hình mảnh mai của họ như bị cong hẳn xuống dưới những thanh gỗ nặng. Thế mà sao họ vẫn cười nói trong veo như thế nhi, anh tự hỏi. Cả toán đã ở bên kia suối. Một ai đó nhìn thấy anh, reo lên:

-     Một phạm đàn ông các bà ơi! Này anh kia, ngụy quân phải không?

Anh sợ hãi, cúi xuống, vờ làm ra vẻ đang chăm chú bó mây. Một giọng khác vang lên dòn tan:

-     Một mình đấy hay còn ai nữa không, anh yêu dấu?

Im lặng.

-     Nếu như một mình thì em qua nhé. Em qua nhé, đợi em.

Anh không nhìn, nhưng đoán là người đàn bà đang bước xuống suối. Có ai đó lên tiếng cản:

-     Coi chừng! Ðừng có làm người ta sợ hãi. Ngụy quân ngụy quyền họ sợ cán bộ lắm, không phải như bọn mình đâu.  Lỡ có chuyện gì, bị cán bộ kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, tội người ta.

-     Kiểm điểm thì kiểm điểm. Ðã tù rồi còn sợ cái con mẹ gì nữa.

-     Mình khác, họ khác.

Giọng một cô khác, nghe trẻ hơn:

-     Thế này mà không xáp tới cũng uổng, phải không anh chiến sĩ  của lòng em?

Một giọng khác khúc khích:

-     Ðúng. Kẻ thì lâu năm, người thì lạ miệng. Anh cũng thèm mà em thì cũng rứa...

-     Người ta bảo, thứ nhất rượu đã ngà ngà, thứ hai đi ở đường xa mới về. Lâu ngày mà xấn lại, thì phải biết, hết ý!

Nhiều người cùng reo lên tán thưởng. Im lặng một lát. Một người tiếp:

-     Anh có nhớ chị nhà không anh? Chị có bới xách cho anh thường không? Anh có nhớ cái...

Giọng nói tắt đột ngột vì có ai đó bịt miệng lại. Rồi lại vang lên:

-     Gì vậy con quỷ cái. Ðể tau nói cho đã, giữa rừng núi này mà sợ ai.

-     Dù sao anh ta cũng là đàn ông. Về trại tha hồ nói gì thì nói.

-     Có đàn ông nói nghe mới vui. Ðàn bà không nói làm gì, này anh ơi, anh có nhớ...

Giọng nói bị tắt.

-     Thôi bà ơi, để cho người ta yên tâm học tập cải tạo, người ta về. Nhắc chi cho người ta nhớ, người ta thèm, phải không anh...

-     Bà thèm chứ ai thèm! Ðừng có mà làm bộ.

Cứ thế, đám nữ tù nhân đua nhau nói qua nói về, chọc ghẹo anh.  Hơi hám họ lan tỏa ra qua đây hòa cùng mùi cây lá, mùi núi rừng hoang dã làm dịu lại cái nóng rát người. Thỉnh thoảng, anh liếc nhìn qua bên kia suối, thưởng thức dáng nét đàn bà. Họ vẫy tay, vuốt tóc, nghiêng vai, xắn quần, vuốt ngực…Anh bừng bừng khao khát. Rồi dịu xuống. Như lửa rơm. Những ngày thiếu thốn vắt kiệt sức người. Lắm khi, sự thèm khát chỉ còn là ý niệm, không hơn không kém. Anh thú vị với những lời trêu chọc. Chúng tinh nghịch, hồn nhiên. Chính bọn anh, trên nương rẫy, cũng tìm quên nhọc nhằn và bao nhiêu bức bách khác bằng cách nói chuyện tiếu lâm. Nó giải tỏa phần nào những bức xúc bản năng. Chỉ có chuyện tục là được nói thả giàn, không sợ đám “ăn ten” báo cáo. Ðó là thứ ngôn ngữ phi chính trị, phi giai cấp.

Ðám đàn bà vẫn tiếp tục trêu chọc. Một chị giả giọng nhỏng nhẻo:

-     Anh ơi, em qua nhé. Ở đây vắng lắm, không có ai đâu mà sợ.

-     Này, bà trông được đấy. Tạng bà hợp với ông ấy.  Mà có qua thì coi chừng, anh ta ngã lăn ra chết bất tử thì mày ở tù đến mãn đời luôn đó. Khoan, để ta xem chàng ra sao đã, thiếu úy , đại úy hay đại tá. Cỡ bà, đại uý dầy dầy là vừa. Thiếu úy thì quá trẻ, còn để người ta về lấy vợ. Tá thì để dành cho bà phạm mới này này. Sao, chị có bằng lòng không chị, chị gì nhỉ?  Mẫn hay Mạnh?

Một giọng rất trẻ phụ họa:

-     Ðúng rồi, chị Mẫn. Chị lội qua ngay đi. Chàng đợi bên kia kìa. Nói với chàng là đi vào sâu một chút, đừng có ở gần đây, tuị em, tụi em...thèm. Ông đại úy ơi, đừng bỏ lỡ cơ hội.

Mọi người cười phá lên. Tiếng cười nghe dòn tan, dội vào vách đá, thành cây, khua động khu rừng vắng.

-     Ồ, giả sử như đại uý đi. Cỡ dầy dầy như thế này thì tệ nhất cũng là đại úy rồi. Chị cũng dầy dầy, trông xứng ác.  Nào, đại diện chị em, lội qua đi.

Có tiếng xô đẩy, cười cợt rồi bỗng nghe ùm một tiếng. Cả nhóm reo hò. Lục giật mình, bỏ sợi mây xuống, ngẩng đầu nhìn sang. Một người đàn bà đang lóp ngóp vùng vẫy trong vũng nước suối, la oai oái. Mấy người khác nắm tay chị ta kéo lên. Bộ đồ tù tả tơi dính sát vào người. Anh liếc nhìn, tóc tai dựng ngược. Ngực này, mông này, bờ vai này, tóc xỏa, chân trần.  Ðàn bà, ôi đàn bà yêu dấu! Một chị nói:

-     Coi kìa, sao không mặc gì bên trong cả vậy? Này, ông đại úy ơi, đừng ngắm trộm nhé. Chúng em cấm đấy. Ờ, cũng được thôi. Mất mát gì đâu, phải không bà chị? Cứ ngắm đi, ngắm cho thỏa thích, kẻo nhớ.  

Anh thẹn. Làm bộ quay lưng. Nhưng len lén nhìn qua kẽ lá, run rẩy, bần thần. Bên kia, đám đàn bà ngừng đùa cợt, bắt đầu vác gỗ đi. Một chị nói vói theo:

-     Tụi em về nhé. Trưa rồi. Chiều tụi em đi ngang đây.  Có thích thì đợi, ông đại úy.

Anh mỉm cười. Bỗng không, anh được mấy bà thăng lên đại uý.

      Buổi chiều, ra khỏi trại, Song hỏi Lục:

-     Tiêu chuẩn buổi chiều ông đủ rồi chứ gì? Mới tập tễnh, thế mà khá đấy. Bó lại xong xuôi, nhớ tranh thủ kiếm măng nhé. Rồi về chỗ tôi  câu cá.

      Lục hỏi Song về đám đàn bà anh gặp hồi sáng. Song cho hay:

-     Có cái trại nữ mới lập ở mé đường lộ, chỗ rẽ về bến đò ấy. Ôi thôi đủ hạng, đủ loại. Ðiếm có, tú bà có, ăn xin có, vượt biên có. Có cả một tội phạm giết người. Thật là hỗ lốn. Gặp giữa đường, trong bộ đồ tù, mình chẳng phân biệt nổi ai là ra ai. Cá mè một lứa. Nhưng họ tự do hơn tụi mình, vì họ chẳng chính trị chính em gì. Họ bạo mồm bạo miệng. Thích gì là nói đó. Tôi kể ông nghe một chuyện, ông để bụng. Hôm đó, tôi đi bứt tranh. Lủi sâu vô trong rừng, tôi gặp được một vạt tranh, phải nói là hết ý, đủ cho tôi dùng cả một tuần lễ. Bứt xong, đang lúi húi cột, thì một cô xuất hiện. Cô ta cũng đi bứt tranh như tôi, tôi đoán thế.  Cô ta không nói gì, đứng nhìn tôi chằm chằm rồi vẫy tôi đi. Chưa hiểu gì rõ ràng, nhưng nhìn nét mặt, tôi đoán có một điều thú vị chi đây, nên tôi đi ngay, dù nói thật, là vừa đi vừa run. Ðến một khoảng rừng vắng thật vắng, cô ta và tôi đồng dừng lại. Ông cứ tưởng tượng, giữa rừng sâu, hai người, một nam một nữ, nam thì xa vợ bảy tám năm, nữ thì cũng ở tù lâu, thế mà, ông có tin không, không có gì xảy ra cả.

      Lục cười:

-     Không thể tin được. Gặp tôi thì phải biết.

-     Ðúng. Tôi cũng không tin ở tôi nữa. Ông biết không, chẳng nói chẳng rằng, hai đứa tôi ôm nhau như thể đã quen nhau tự thuở nào. Từ đầu chí cuối, ông biết không, chẳng ai nói với ai một lời. Kỳ thật. Hình như  không nói mà còn hơn nói nữa. Nói bằng gì ông biết không? Hít! Ừ, bọn tôi chỉ biết hít nhau. Biết gì mà nói bây giờ. Ðúng là hít, chứ không phải hôn đâu. Ðứa này hít đứa kia một cách phải nói là tận cùng chi mạng. Mùi mồ hôi, mùi khét nắng, mùi người, mùi gì đủ thứ.  Thơm ơi là thơm. Lạ lắm ông ạ, lâu ngày, không nghe mùi đàn bà, giờ được nghe, được ngửi, chao ôi là kỳ diệu. Sướng chi lạ là sướng. Thế mà lạ chưa, tôi bỗng đẩy cô ta ra và bỏ chạy...

-     Ông sợ?

-     Không biết vì sao. Tôi chạy một mạch, đứng lại, nhìn lui, thấy cô ta vẫn còn đó, bất động.

      Song ngừng lại, thở dài:

-     Sau này, nhiều lần mong có dịp như thế, nhưng đâu có.  Trời chỉ cho mình một lần, không hưởng được thì thôi...Thôi nhé, về nhà kể tiếp, đi lo tiêu chuẩn chiều cho xong đã. Nhớ nhé, gặp tôi ở bờ suối.

      Chia tay Song, Lục đi về hướng của anh, lòng nôn nao vô cớ. 

      Bó xong  bó mây dành cho buổi chiều, anh hoàn toàn thoải mái. Phần thời gian còn lại là của anh. Không phải để nghỉ ngơi mà là để cải thiện. Ðây là giờ phút tự do. Trong một khoảng thời gian và không gian tuy hạn hẹp, nhưng anh có thể bay, nhảy, làm một số việc mình thích. Anh lủi tiếp vô rừng trước mặt để kiếm măng. Vác theo chiếc rựa, anh xoay lui nhắm hướng về, rồi chui bờ đục bụi tiến tới. Ðây là một khu rừng khá già. Càng đi sâu, càng dễ bước vì nhiều cây cao, tàn lá rậm rạp khiến đám cây lặt vặt không thể sống vì thiếu ánh nắng mặt trời. Không khí mát lạnh. Anh đi mãi, không tìm thấy một mụt măng nào, bèn đổi hướng, tìm đường men theo bờ suối, đi ngược lên ngả khác. Suối chảy rỉ rả qua những chòm đá, cái thì phẳng phiu, cái thì lởm chởm với nhiều đường cạnh sắt như lưỡi dao. Bắt gặp một ít mụt măng trong các khóm lồ ô, giang, anh sung sướng bẻ lấy, bỏ vào bịch với cảm giác êm ấm của một ngày no đủ. Trong khi bươn bả tiến tới một lùm lồ ô khác, thì anh thấy một người. Một đàn bà. Tim đập mạnh. Người đàn bà để cả áo quần ngâm mình dưới nước. Ðây là một cách tắm phổ biến của các tù nhân, vừa để tiết kiệm thời giờ, vừa để giặt áo quần luôn thể. Có thể chị ta là một trong những nữ phạm nhân đi gỗ hồi sáng, anh tự nhủ. Nhưng sao chị ta lại ở đây một mình? Anh nhìn quanh, quan sát. Chỉ toàn cây với lá. Rừng yên tĩnh. Tiếng suối chảy nghe mơ hồ, chợt có chợt không. Anh phân vân vịn cành cây nhìn xuống. Một sinh vật giống đực đang nhìn ngắm một sinh vật giống cái giữa núi rừng hoang dã. Anh say đắm, ngột thở, khao khát. Sinh vật giống cái hồn nhiên kỳ cọ, vẫy vùng. Bộ đồ tù mỏng manh chỉ khiến nàng càng thêm trần trụi. Và hấp dẫn. Nàng hụp, lặn. Nàng cởi áo ra vò. Trời, đàn bà! Anh thảng thốt kêu lên:

      -     Này!

      Anh hụt hơi, lảo đảo muốn ngã. Chừng như người đàn bà giật mình. Nàng khoát vội chiếc áo vào người, lấy hai tay túm lại trước ngực, nhìn lên. Nàng đã thấy anh, một đàn ông. Anh run rẩy gọi tiếp:

-     Này!

      Anh lao xuống. Nàng lưỡng lự. Nhưng kìa, nàng bước lên bờ. Tóc ướt nước phủ trùm khuôn mặt. Bộ đồ tù sũng nước dán chặt vào thân thể. Một pho tượng biết đi. Anh xuống dốc.  Nàng leo dốc. Anh đưa tay làm dấu, chỉ vào một lối mòn bằng phẳng dẫn vào trong khóm rừng xa, nhanh nhẹn tiến về phía trước. Rừng chợt vắng. Mọi âm thanh đều ngừng. Anh không nghe gì hết ngoài tiếng bước chân lao xao sau anh. Hai sinh vật đi trong hỗn mang tiền sử. Không có ai. Không còn ai. Họ đi như thể là những kẻ tái tạo thế giới sau cơn hồng thủy. Không vướng bận. Không suy nghĩ. Không cá thể. Và họ dừng lại.  Không cần nhìn nhau và tuyệt đối không nói một lời nào, họ quấn vào nhau. Chân thành. Cuồng bạo. Rừng xoáy đổ. Suối xiêu dòng.

      ra khỏi cơn mơ, đúng lúc hai người rời nhau như hai kẻ xa lạ, thì lục bỗng cảm nhận một cái gì rất đỗi thân thuộc từ người đàn bà. từ hơi thở, cái bíu tay, nụ hôn cho đến tiếng nấc hoan lạc. ai? anh ôm người đàn bà xoay lại, đưa cả mười ngón tay vuốt tóc nàng lên. anh há hốc, mắt trợn tròn. người đàn bà bước lùi lại, lắp bắp:

-     trời... anh lục... phải anh ... là lục... không...k hông...

      giọng anh run bần bật:

-     hạnh!

      thế giới bỗng mở ra toang hoác, tan nát. cả hai người bay từ cõi tiền sử về trần gian khốn khổ. người này là một phần của người kia. người này là nỗi đau đớn của người kia. hai người nhìn sững nhau chốc lát rồi  lao vào nhau, gục vào nhau, khóc. khóc hội ngộ. khóc tan vỡ. khóc cay đắng. lục đẩy nhẹ hạnh ra, hỏi:

-     vào tù khi nào?

-     à... mấy năm rồi nhỉ... em không nhớ...

-    sao lại ở tù?

-     chắc... là tại vì... vượt biên...

-     ở đâu?

-     không nhớ... in thử như là... quảng ninh.

-     sao lại về đây?

-     họ... họ... chuyển về... ai mà biết...

-     có án không? mấy năm?

-     có... à mà... mấy năm... quên mất rồi...

-     vì sao?

-     buôn bán tem phiếu... bị truy nã... cướp tàu vượt biên... rồi...

-     con  đâu?

-     không biết... à phải rồi, con ngân và thằng phụng... đi với em, bị bắt... nhưng thả về rồi thì phải...hay ở đâu...

-     còn thằng đồng?

-     không rõ... anh... anh... mấy năm?

-     sáu.

-     tội... tội... gì?

-     phản động.

      một tiếng động bỗng vang lên lảnh lót, vang động cả rừng cây. chim bay xao xác. bóng nắng run rẩy. tiếng suối chảy chùng lại. hơi thở hụt. ời nghẹn tắt. chút thanh bình hiếm hoi tan tác. họ bàng hoàng nhìn nhau. sâu thẳm và lạc loài. mỗi người tìm thấy trong người kia những giọt nước mắt tròn, lăn, lăn mãi xuống. trong một thoáng, toàn thế giới chỉ là những giọt nước tròn lăn hoài. bất tận. 

      hạnh cầm tay anh run run, bóp nhẹ rồi chạy xuống triền núi. lục ẩn mình sau thân cây, nhìn theo. thoáng chốc, hạnh biến mất sau rừng cây. như một ảo ảnh. lục gào lên hạnh hạnh hạnh hạnh đợi anh. anh chạy, băng rừng chạy. tiếng gào thoảng trong rừng xào xạc.

Tỉnh dậy, Lục nhìn quanh, chỉ thấy mênh mông tối. Trong tiếng xào xạc cây lá và tiếng côn trùng vang vang trong đêm rừng hoang vắng, hình như có tiếng ai gọi tên anh từ đâu rất xa, vẳng lại.

10/1993-1/2001 tại Hoa Kỳ

nhuận sắc 5/2018

Trần Doãn Nho

____________________________________________________________________

lời kết

Viết xong, đọc lại, muốn viết lại từ đầu. Nhưng quá muộn. Nó đã ra đời mất rồi!