Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Thơ Anne Hébert

Chân Phương dịch và giới thiệu

clip_image002

Anne Hébert (1916-2000) là một cây bút hàng đầu không chỉ của văn học hiện đại Canada mà của cả thế giới bao la thuộc khối văn chương Pháp ngữ. Nhờ sự hướng dẫn của cha và người anh họ, thi sĩ tài hoa St- Denys Garneau, độ 20 tuổi bà bắt đầu viết văn làm thơ. Sau thi phẩm đầu tay Les Songes en Equilibre (1942) với thi pháp trữ tình tượng trưng lấy nội tâm làm đối tượng chiêm nghiệm, bà thành công hơn và gây được sự chú ý trong giới phê bình khi trình làng tập thơ kế tiếp Le Tombeau des Rois (1953). Tài năng trẻ ấy đã được Paris công nhận khi nhà thơ Pierre Emmanuel và phê bình gia Albert Béguin trong chuyến viếng Canada năm 1954 được dự một buổi đọc thơ của Anne Hébert.

Sự chuyển hướng kín đáo trong sáng tác thơ của bà nằm trong xu thế đấu tranh chung của dân Québec ( Canada gốc Pháp) lúc ấy đang đòi lại chủ quyền chính trị và văn hóa. Ẩn dụ và ý tượng trong nhiều bài thơ bà viết vào giai đoạn ấy (đọc vài bài thơ được dịch theo đây) hàm chứa khát vọng chính trị của một vùng đất bị tước đoạt lịch sử hơn hai thế kỷ. Cùng với các thi sĩ trong hai nhóm parti pris Hexagone như Grandbois, Hertel, Hénault, Anne Hébert đã góp tiếng vào công cuộc phục hưng văn hóa, giải thoát đồng bào khỏi mặc cảm vong quốc và giải phóng giới văn nghệ Québec khỏi tiểu ngã tù túng và hoài cổ.

Nhiều nhà nghiên cứu phê bình ở Pháp, Canada, Mỹ đã phân tích sâu thế giới thơ Anne Hébert, phát hiện các đặc tính thẩm mỹ chủ đạo như tính trong suốt, nỗi cô đơn, cái nhìn mộng mị, sự phân cực tối đa của tâm hồn sáng tạo… Nhờ một thi pháp siêu thực nhưng không lập dị, đời sống nhìn từ khoảng cách diệu vợi của những giấc mơ đã phần nào xoa dịu các nỗi đau của chủ thể không ngớt bị phân thân vì lý do riêng tư hay vì ngoại cảnh. Giữa im lặng và tiếng nói không hiểu nỗi cô đơn đã trầm tích như cát đá hoặc vụt bay như một cánh chim? Khi đọc đi đọc lại những bài thơ của bà để tuyển dịch, tôi cảm nghiệm được điều khó nói, tương tự như khi đọc thơ Emily Dickinson, Octavio Paz, Yves Bonnefoy… Điều mà chỉ những tình nhân ngoại lệ mới trao tặng được nhau; đó là cái hôn nồng nàn buốt giá của tao ngộ và vĩnh biệt!

clip_image003

CHẮC CHẮN CÓ NGƯỜI

Chắc chắn có ai đó

đã giết tôi

rồi nhón gót bỏ đi

trong vũ điệu toàn hảo

không hề gián đoạn của người
 

đã quên đặt tôi nằm xuống

mà lại trói gô

bỏ đứng trên đường

quả tim vẫn nằm trong hộp gỗ xưa

đôi ngươi tựa hai hạt nước

long lanh trong vắt

đã quên bôi xóa quanh tôi

vẻ đẹp trần gian

đã quên vuốt cặp mắt tôi đầy khao khát

khiến chúng cứ phải mở hoài

đắm đuối

bơ vơ.



GÁI  GẦY

Ta là đứa gái gầy

Ta có xương xẩu đẹp.

Ta tận tình chăm sóc

và thương hại chúng một cách khác thường.

Ta liên tục đánh bóng

như thể chúng là kim loại cổ.

Châu ngọc với bông hoa

giờ đã trái mùa.

Một ngày kia ta sẽ ghì chặt tình nhân

biến chàng thành cái án thờ chói bạc.

Ta sẽ tự treo mình

vào nơi tim chàng vắng mặt.

Hỡi không gian được lấp đầy

Vị khách lạnh giá bất ngờ chiếm ngự mi

là ai vậy?

Mi đi đứng

Mi di động

Từng cử chỉ một của mi

trang hoàng cái chết tù hãm bằng nỗi sợ

Ta đón nhận sự run rẩy của mi

như một món quà

Và đôi lúc bị

khóa nhốt trong lồng ngực mi

ta mở hé

đôi mắt ta ướt lỏng

trong khi các mộng mị lạ lùng như của trẻ con                         

tựa hồ nước biếc xoáy tròn.



HAI  BÀN  TAY

Hai bàn tay này

bên phải nắm

hoặc mở ra;

Bên trái mở

hay nắm lại.

Và tay này

không mong ngóng

tay kia.

Hai bàn tay không gắn liền,

Hai bàn tay không thể gắn liền.

Một cho đi

Một giữ lại;

Một ta biết rõ

và cái kia không biết.

Này bàn tay đứa bé,

Này bàn tay phụ nữ.

Và đôi khi bàn tay lao động này

đơn sơ như một bàn tay đàn ông.

Thế là thành ba!

Và tôi khám phá trong tôi

vô số bàn tay

vươn ra tìm tôi

như bọn lạ mặt

người ta ghê sợ

Kìa ai là người sẽ trả lại tôi

hai bàn tay như là một?

cùng bến bờ

chúng ta chạm được

với đôi tay,

lúc chuẩn bị cho  chuyến lữ hành chung

khi đã gạt bỏ dọc theo đường

tất cả các bàn tay vô tích sự...



CÁC  ĐÔ  THỊ  NHỎ

Tôi sẽ trao người các đô thị nhỏ

Chúng nhỏ nhoi buồn tẻ đáng thương,

Các đô thị nhỏ nằm gọn lòng tay chúng ta

khó tính hơn mớ đồ chơi

nhưng bàn tay vẫn cầm nắm dễ dàng.

Tôi chơi với các đô thị nhỏ,

Tôi lật ngược chúng

Chẳng bao giờ có người trốn thoát khỏi chúng

Không đóa hoa, không đứa trẻ nào.

Nằm phó mặc trong những bàn tay

là các đô thị nhỏ trống không

Tôi lắng nghe,

tai áp sát

vào từng cánh cửa…

Ôi các ngôi nhà là những vỏ hến câm --

trong vòng xoáy ốc

không còn nghe bất cứ

âm thanh nào của gió

âm thanh nào của nước.

Chết hết, công viên và vườn tược

Trong viện bảo tàng chết

Yên giấc những trò chơi.

Tôi không biết người ta cất đi đâu

mớ xác chim chết cứng.

Đường xá âm vang nỗi lặng câm

tiếng vọng của chúng là một trọng khối bằng chì

hơn bất cứ một lời đe dọa hoặc thân ái nào

trơ lì trì độn

Và tôi đây

đến lượt tôi chối bỏ

các đô thị nhỏ của mình thời thơ ấu

xin tặng lại cho người

trong nỗi hiu quạnh của chúng

sâu thẳm không cùng

Người nắm chụp được chưa món quà nguy hiểm đó?

Tôi xin trao các đô thị nhỏ buồn đến lạ thường

mặc tình cho trí tưởng tượng của người.



MỘT  THOÁNG  TUYỆT  VỌNG

Con sông đã lấy lại

những hòn đảo tôi yêu thích

và tôi đã đánh mất

các chìa khoá mở toang im lặng

ký ức thơm ngát mãn đình hồng

đã đánh lừa tôi

điệu hát của sóng nước

chỉ là lời hứa hảo

trái tim tôi mòn mỏi

không còn xê dịch với dòng đời

CHÚ THÍCH

Anne Hébert là tác giả năm tập thơ: Les Songes en Équilibre (1942), Le Tombeau des rois

(1953), Poèmes (1960), Le jour n’a d’égal que la nuit (1992), Poèmes pour la main gauche (1997). Bà còn sáng tác truyện, tiểu thuyết, làm phim. Có thể tìm hiểu về sự nghiệp phong phú của bà qua internet, www.anne-hebert.com.