Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Tình quê hương, tổ quốc qua hai bài thơ

Lê Học Lãnh Vân

clip_image001

Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, thơ Cao Tần ra đời gây tiếng vang hải ngoại lẫn quốc nội. Nhiều bài viết về thơ ông tạo nên một làn sóng hiện tượng trong văn chương hải ngoại, một số bài thơ được bình luận trên các trang báo chính thống trong nước thời đó, như các bài của bác sĩ Ngô Văn Quỹ chẳng hạn.

Cao Tần, xuất thân “Bắc kỳ di cư năm 1954”, viết văn khá sớm ký tên thật là Lê Tất Điều, nổi tiếng từ năm ông 24 tuổi (1966) với tác phẩm “Đêm Dài Một Đời”. Ông cũng là quân nhân trong chế độ VNCH. Năm 1975, khi Miền Nam thua trận, ông qua Mỹ sống. Bút danh Cao Tần chỉ xuất hiện ở Hoa Kỳ năm 1977 cùng với tập thơ mỏng: Thơ Cao Tần. Thông thường những người ra đi lúc đó cùng lúc mang hai nỗi buồn ám ảnh sâu đậm: thua cuộc và mất quê hương. Và với hoàn cảnh chính trị thời đó, người ra đi như thế không thể nghĩ tới một chuyến quay về!

Vậy mà tôi không thấy lòng hận thù trong những dòng thơ Cao Tần.

Trong bài MAI MỐT ANH VỀ:


Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nhớ nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Bài này viết năm 1977. Hai năm sau khi thống nhất, dự trữ của Miền Nam bắt đầu cạn và dân chúng bắt đầu đói kém. Cao Tần đứng từ xa, theo dõi quê nhà với lòng mong muốn tổ quốc sau chiến tranh sẽ giàu mạnh. Các chính sách ngược chiều phát triển như cải tạo công thương nghiệp, ngăn sông cấm chợ… khiến đất nước nghèo xuống rất nhanh. Nhiều người đau xót và tức giận. Cho mãi tới năm 1986 khi chính sách đổi mới được chập nhận, nền kinh tế Việt Nam mới chính thức phát triển.

Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Những người đã sống qua thời cuộc đó đọc câu thơ Cao Tần còn nghe rung niềm cảm xúc và thấu hiểu. Cho dù Cao Tần có hạ câu “Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng” thì câu này không mang ý hận thù mà chỉ là câu nói đuôi làm đậm ý câu trước. Với ông, chấp nhận buông súng thua trận nghĩa là cuộc chiến đã vĩnh viễn khép lại, không hận thù. Sống kiếp ly hương, ông chỉ mơ quê hương giàu mạnh, đồng bào no ấm.

Nếu sau khi thống nhất mà nước Việt Nam được như vậy, có thể Cao Tần đã là một trong những người nồng nhiệt hoan hô chính thể mới.

clip_image003

Nhà thơ Cao Tần

Và Cao Tần mơ nếu phe ông thắng, nếu phe ông cầm quyền thì:

Ông anh hùng ông cứu được quê hương

Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương

Xin đừng kết tội Cao Tần kêu gào đem vũ khí về phục hận. Không, ông không muốn và cũng biết sẽ không có cuộc chiến nào nữa tiếp theo cuộc chiến dài 20 năm trước đó. “Cứu được quê hương” chỉ là cách nói để diễn tả ý muốn “cả nước yêu thương”. Ý muốn chân thành này hẳn đã bắt nguồn từ kinh nghiệm quá đủ của đất nước để hiểu rằng Yêu Thương, Đoàn Kết là căn bản của sự phát triển một quốc gia, và Thù Hận, Chia Rẽ là căn bản nhất cho sự tàn phá nó.

Bản thân và gia đình, bạn bè bị xem là “ngụy”, bị đối xử nặng nề và khinh miệt, vậy mà tấm lòng Cao Tần nhẹ tênh:

Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Tôi cảm nhận ý ông muốn nói là anh hùng và vinh quang đó thuộc về tất cả mọi người Việt Nam khi kết thúc cuộc chiến hai mươi năm mà đất nước gần như còn nguyên vẹn. Dù có vẻ ngoài gân guốc, hầm hố, hai câu thơ trên thấm đẫm tình Đồng Bào. Vì quá khứ riêng không thể ở lại, nhưng Cao Tần chấp nhận kết cuộc đó. Chấp nhận một cách nhẹ tênh!

Lòng nhẹ tênh vậy ông mới có thể nhớ thương đất nước và anh em chòm xóm thiết tha. Bài KHO TÀNG kể một người bạn suốt ngày mang kè kè cái túi nhỏ, trong đó có một lượng vàng mà “tàn đời ông cóc bán” vì đó là “lúc lên đường bà cụ dúi tay cho”; có “một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt” chính là “khăn vợ trao ngày khoác áo nhà binh"; và,

đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
những tên người tên tỉnh đã xa xưa
những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
những đường quen không trở lại bao giờ
”…

Những dòng trích trên thật là trĩu nặng tâm tình thương nhớ quê hương. Tôi có dịp gặp nhiều “thuyền nhân” thời đó, và nhận thấy Cao Tần đã nói lên tấm lòng của một số không ít trong họ: đau đáu thương bà con quê nhà sống thiếu thốn. Họ không diễn tả được bằng thơ như Cao Tần, mà bằng cách còng lưng ngồi may suốt ngày gởi tiền về giúp đỡ bà con, bạn bè…

Những người ra đi đợt đó có hoàn cảnh cay đắng. Xã hội họ đang sống bị thay đổi qua một cách sống rất khác lạ so với xã hội cũ. Xã hội đó bắt họ đi “học tập cải tạo”, gia đình họ ly tán, xiêu dạt về vùng “kinh tế mới”, con cái họ phải đứng ngoài cửa giảng đường đại học vì chính sách ưu tiên điểm nghiệt ngã, đường làm ăn của họ bị triệt tiêu bởi chính sách cải tạo công thương nghiệp cùng với các qui định, thể chế mới…

Hoàn cảnh đó buộc họ phải ra đi. Bỏ cả tài sản làm ăn nửa đời người, bỏ những vốn liếng quan hệ và tri thức về xã hội mình đang sống ổn định, những thuyền nhân ra đi về tương lai vô định bằng cách rất nguy hiểm: nguy hiểm khi mua bãi, khi ra bãi, nguy hiểm trên những chiếc thuyền rất nhỏ bé so với biển gào thét mênh mông, nguy hiểm khi gặp hải tặc…

Vậy mà khi tới nơi, trong họ lòng nỗi thương nhớ quê hương rất dạt dào, không tính toán. Thế hệ đó đã sản sinh những quân nhân cao cấp, những nhà khoa học, những con người bình dị sống lương thiện và đóng góp chân chính cho nơi họ đang sống… Thế hệ đó mỗi năm góp về cho tổ quốc trên dưới hai chục tỉ đô-la Mỹ…

Thế hệ đó có thể không đạt được những thành quả đó, không có tấm lòng đó nếu không được đào tạo trong một nền giáo dục và môi trường sống bình đẳng, trung hậu, nhân ái, không hận thù, tôn quí tình làng xóm, tín ngưỡng, gia đình, tổ quốc … Tôi nghĩ, các giá trị ấy nên được khôi phục, xiển dương mạnh mẽ trong lòng Việt Nam hòa bình và mong muốn phát triển hiện nay. Để tình đồng bào lại là sợi dây thiêng liêng hơn hết kết nối người Việt với nhau, làm nền cho hòa giải hòa hợp, xây lại tình đoàn kêt dân tộc, thúc đẩy sự phát triển tổ quốc ấm no vững bền…

Lê Học Lãnh Vân (ngày 12 tháng 1 năm 2019)