Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (530): Hồ Hữu Tường (kỳ 2)

Trầm tư của một tên tội tử hình

books.html

Tựa

Ngày 29 tháng 8 năm 1957, tôi bị Toà án Quân sự Sài Gòn lên án tử hình. Tôi có ký tên xin phá án, mà lòng không tin sẽ được, lại đã tự hẹn nếu không được phá án, thì âu để bị hành quyết cho rồi một đời, mà tôi muốn chấm dứt một cách khéo hơn là để bị giết mờ ám, nơi một chốn hẻo lánh nào đó, rồi tên tuổi thêm trầm luân trong một cái biển phỉ báng vô biên. Song lẽ, sự tự hẹn ấy được bè bạn ở nước ngoài hay được. Nên chi, sau ngày bác đơn xin phá án, ngày 31 tháng Chạp năm ấy, ông A. Camus, thay mặt cho bè bạn nói tiếng Pháp, bà R. Fischer, thay mặt cho bè bạn nói tiếng Anh, ông Nguyễn Ngọc Bích, thay mặt cho người Việt ở hải ngoại, đánh điện cho tôi, ân cần khuyên tôi nên ký tên xin ân xá để cho họ tiện bề vận động xin phóng thích cho tôi. Nể tình họ, tôi đã ký tên. Gần năm năm đã qua, mặc dầu các bè bạn này không ngớt kêu gào, tôi vẫn đội trên đầu bản án tử hình, và trong mấy năm này, trước khi đi ngủ, đêm nào tôi cũng tự hỏi: “Ngày mai phải chăng là mình phải đứng trước toán lính hành quyết?” Sống trong tâm trạng phập phồng nọ, những trầm tư của một tên tội tử hình, bị tử thần uốn nắn chiều hướng rất nhiều, chẳng khác nào tia sáng bị chạy gần một khối thu hút khổng lồ vậy. Phương chi, tôi còn mắc một cơn bệnh trầm kha, kéo dài từ tháng 4 năm 1959 đến tháng 9 năm 1961, mà đến nay, tháng 6 năm 1962, thời hồi xuân vẫn chưa dứt. Trong điều kiện ấy, những trang sau này phỏng có giá trị nào chăng?


Tuy vậy, tôi không ngại ngùng mà đăng chúng nó ra, trước để làm một bức thơ cảm ơn chung cho những ai, rải rác trong bốn phương trời, hoặc danh tiếng lẫy lừng như A. Camus hay Nehru, hoặc tên tuổi còn trong bóng như sinh viên và học sinh, sau để đặt một vấn đề mà tôi tin rằng là vấn đề trọng đại hơn hết của nửa thế kỷ sau của thế kỷ hai mươi. Tôi muốn nói đến sự đại nhất thống tôn giáo, triết học, khoa học và chánh trị.
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước đây, khi khoa học chưa phát sanh và sự hiểu biết của loài người chỉ còn thô sơ, khi chánh trị còn là cái luân lý của các tiểu quốc vương đối với nhau và đối với thần dân, đã có người, tôi muốn nói đến Thích Ca Mâu Ni, đem tôn giáo và triết học mà thống nhất lại, thành ra Phật pháp còn truyền đến bây giờ. Hơn trăm năm trước đây, Marx đem triết học của nước Đức thời ấy, dung hoà với kinh tế học của Anh và xã hội chủ nghĩa của nước Pháp mà đắp nền cho một cái văn minh mới, văn minh chánh uỷ, hiện nay đang chi phối cả tỉ người. Rồi, do một sự ngẫu ngộ của lịch sử, sáu trăm triệu dân Trung Hoa, đương sùng bái đạo Phật đây, lại phải tôn thờ một lý tưởng mới, mà Thánh nhơn là Marx, Engels, Lénine, Staline và Mao Trạch Đông... Hai nguồn văn minh này, của đạo Phật và của chủ nghĩa cộng sản, cả hai đều có xu hướng xa thơ, sai khi gặp gỡ nhau trên đất Trung Hoa, sẽ ai thắng, ai bại, hay sẽ tổng hợp nhau thành ra một cái gì mới mẻ?
Về một mặt khác, khoa học, phát sanh ở Hy Lạp vài thế kỷ sau Phật pháp, từ đấy vạch một con đường càng lâu càng rộng thênh thang và ngày nay không biết biên giới nào cả. Vào những buổi đầu, nó còn phải tuỳ thuộc vào tôn giáo. Vài thế kỷ này, nó gỡ được cái ách ấy, nhưng lại bị trói vào những tuỳ thuộc mới của chánh trị. Nó sẽ cởi được những tuỳ thuộc mới này chăng, hay sẽ hạ mình làm cái máy cho kẻ mạnh thế vặn theo ý muốn? Vài mươi năm nay, Phật pháp vừa bỏ vòi bò qua các xứ Tây phương, Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Úc... Đụng chạm với khoa học của các xứ này, tôn giáo ấy sẽ ra sao, hay cũng sẽ bị khoa học bài bác, cũng như các giáo điều khác, trước kia?
Nói đến sự đại nhất thống tôn giáo, triết học, khoa học và chánh trị, mà chỉ đề cập đến Phật pháp, ấy không phải là một sự thiên lệch. Các giáo điều khác không nhận chịu một sự sửa lại, vaincre ou périr 1. Hình như là giáo điều căn bản của các giáo điều. Đặt cái pháp của mình dưới sự dắt dẫn của trí tuệ. Phật pháp lấy sự sửa lại làm căn bản, và khi bảo rằng sau này Maitreya giáng thế làm vị Phật tương lai, để chỉnh lại cái pháp cũ, phải chăng là Thích Ca Mâu Ni dặn trước tín đồ mình nên dọn mình đón rước một cuộc sửa lại vĩ đại? Tôi bái phục cái tinh thần cải tiến canh tân ấy cũng như tôi bái phục điều mà trong khoa học, từ Copernic, Galilée, Képler, Newton và nhất là đầu thế kỷ XX, mỗi danh nhân đều đánh dấu cho một cuộc cách mạng trong tư tưởng. Cái tinh thần chung ấy phải chăng là miếng đất dung hoà Phật pháp và khoa học? Tôi tin rằng trong mấy năm gần đây sẽ có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi trên đây.
Một ngàn năm trăm năm trước Thích Ca Mâu Ni, triết học của Ấn Độ đã phồn thịnh lắm rồi và dọn đường cho sự thống nhất cái triết học ấy với sự hiểu biết, dưới dấu hiệu của trí tuệ, để thành Phật pháp. Cái triết học của Tây phương, lập ra từ thời Socrate, và bắt đầu phồn thịnh từ Bacon, sẽ nhờ một Maitreya mà thống nhất với khoa học, cũng dưới dấu hiệu của trí tuệ, ắt một tôn giáo mới ra đời, một tôn giáo không dựa vào tín ngưỡng và cuồng tín mà bắt nguồn nơi từ tâm, do trí tuệ soi sáng. Ba viên đá lớn, là tôn giáo, triết học và khoa học, đã nhờ trí tuệ mà xây liền với nhau được, thì cái mộng lớn kia, cái mộng đại nhất thống, gần thành vậy.
Chỉ còn viên đá chót: chánh trị. Từ muôn thuở, chánh trị thay đổi sát theo người làm và lịch sử đầy dẫy những cái xảy ra bất ngờ, cũng như những cái hiển nhiên tránh không nổi. Đầu thế kỷ này, có mấy ai đoán trước được sự trổi dậy của Á châu và Phi châu, cũng như những cố gắng đâu có thể ngăn nổi chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai nổ bùng ra? Và mặc dầu bắt nguồn nơi chung hệ thống của Marx, chánh trị của Lénine, của Trotsky, của Staline, của Khroutchev, của Mao Trạch Đông đâu có liên tục với nhau! Thuyết tiền định, thịnh hành ở phương Đông, phải chăng căn cứ nơi sự vô định của chánh trị? Và từ khi, trong sách Cộng hoà, Platon ước mong những hiền triết cầm quyền, hơn hai ngàn năm qua, trên khắp địa cầu, đã đếm được bao nhiêu người như thế ấy? Thế mà, lúc này hơn lúc nào cả, thế giới của chúng ta đòi hỏi những nhà cầm quyền hiền triết. Sự phân hoá thế giới thành hai khối tương phản nhau, cả đôi bên đều nắm những khí giới tàn sát rất kinh khủng, đang đe doạ nhân loại bằng sự phá hoại vô chừng, có thể kéo lùi lịch sử năm mươi thế kỷ là ít. Sự khôn ngoan của đôi bên liệu có thể ngăn nổi một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba chăng? Nhìn theo tầm mắt của cái mộng đại nhất thống, liệu chánh trị có chịu đem viên đá của mình mà xây chung, cùng với tôn giáo, triết học và khoa học, cái lầu đài của ngày mai soi sáng bởi trí tuệ chăng? Hay chánh trị vẫn kiêu căng, vẫn bắt tôn giáo, triết học và khoa học làm nô lệ cho mình, và vẫn chỉ nghe tiếng gọi của bản năng và nhiệt tình?
Trong năm năm, lúc bịnh cũng như lúc mạnh, đầu óc tôi bị mấy vấn đề ấy ám ảnh, tôi nghĩ cách viết ra mấy bài trầm tư này. Chính tôi lấy làm lạ hơn ai hết sao một tên tội tử hình, số phận đặt nằm bên cạnh cái chết, lại không nghĩ về cái chết, mà lại lo chuyện của người sống. Mà lo nghĩ về chuyện của người khác, không lúc nào lòng tôi được yên nghỉ, cho đến đỗi lắm khi, tôi tự ví là một damné  2. Đương đợi sự giải thoát của mình. Mà sự giải thoát này, tôi tin rằng khi đăng tập sách này để hỏi những ai suy nghĩ trong bốn phương trời, tôi sẽ đón rước được những lời chỉ giáo.
Côn Sơn, tháng Sáu năm 1962

° ° °

Tái bút đúng ba năm sau
Khởi viết vào đầu tháng Sáu 1962, mỗi tháng được một bài, đến tháng Mười Hai năm ấy, tôi viết đến bài thứ năm. Nhưng tưởng có thể tiếp tục như vậy mãi, không dè cuối năm 1932, chúng tôi bị xét phòng.
Sách, mấy chục số Esprit của ông Domenach gởi cho, mấy chục số Preuves do bộ biên tập này tặng, ba bản thảo của ba bộ trường thiên tiểu thuyết đã viết xong, một quyển tự thuật, hai quyển tiểu luận, bị dồn vào một cần xé cất vào kho... để cúng dường cho bọn mối làm thực phẩm. Còn những cái viết lỡ dở, thì bị gom gởi lên ban quản đốc. Nhờ vậy mà, khi Ngô Đình Diệm bị hạ, mớ tài liệu này được trả lại. Những bài “Trầm tư”, nhờ vậy mà sống sót.
Gởi về nhà trước khi tôi bước chân ra khỏi Chí Hoà, tạp chí Bách Khoa lần lượt cho đăng ra. Tôi không hài lòng lắm. Những bài tôi viết, dựa vào mớ kiến thức tôi đã có năm 1954, vào tù có đọc chi thêm, chi cho khỏi là lỗi thời? Nay ông giám đốc nhà xuất bản Lá Bối ngỏ ý cho in ra thành tập, tôi càng không hài lòng hơn nữa.
Song nghĩ cho kỹ, tại sao có cái tự ái như vậy?
Công chúng muốn hiểu tâm trạng của một người tội tử hình, nằm trong bốn vách, chẳng biết chi xảy ra ngoài đời, bịnh hoạn liên miên, tử thần lảng vảng mãi bên cạnh. Thì thành thật cho công chúng hiểu.
Còn việc nói trúng hay trật, ai nỡ, mình là kẻ có đủ sách vở để học mỗi ngày, ai nỡ tranh hơn thua với một kẻ, chỉ có ký ức leo lét của tên tội tử hình ốm đau nhắc nhở?
Sài Gòn, tháng Sáu 1965

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=tram%20tu%20cua%20mot%20ten%20toi%20tu%20hinh