Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Thơ Nguyễn Thanh Sơn

Lý lịch cái ghế
 
Mầm cây ngoi lên từ đất
dung dưỡng
Bởi mật ngọt của mẹ thiên nhiên

Còn biết bao nhiêu bàn tay khéo léo cần cù mới hình
thành nên cái ghế.
 


Cái ghế man khai lý lịch
Chễm chệ vênh váo dài lâu
Nơi tiền sảnh hãnh tiến trong lớp bọc
nhung trung tâm cái rốn mọi ngợi ca.
 
Rượu bên trái gái bên phải dung dăng
Dung dẻ rong chơi
 
Cái ghế chìm dần
trong mọi cái ghế
bị xô lệch dời chỗ
về cuối phòng
 
Cái ghế rên rỉ
nỉ non dưới nền gạch bóng
ở nhà kho
Con nhện rú lên cười khanh khách
Con chuột lém lỉnh bò nghênh ngang
ỉa lên đó.
 
Cái ghế làm mồi dần cho giun
ăn dưới cỏ.
 
 
 

Tết ở đâu không thấy ở quê mình
 
Tết đến xuân về
Xuân về tết đến
Từng bừng khí thế loa trên trụ điện
Lại có kẻ muốn tết qua nhanh
Chạy ăn từng bữa mệt phờ râu.
 
Cụ già lụ khụ
Ngõ trước vườn sau
Nhà trống huơ trống hoác
Ngong ngóng đứa con làm ăn xa
Đêm 30 chẳng thấy bóng con về.
 
Tết ở đâu không thấy ở quê mình
Cha làm quần quật ngòai khơi từ tháng chạp đến ra giêng
Mẹ xoắn quần bó háng, ống thấp ống cao
Ngày tháng chạp vật giá leo thang
Mẹ ăn theo lên giá
Bó rau mớ cá làm vui
 
Đêm 30
Lau vội bàn thờ
Chưng bình hoa ế
Thắp nén hương
Cũng gọi là nhớ tết.
Sáng mùng một
Thổi bong bóng ở ngã tư đường
Thả nó bay bay
Bán cho thiên hạ vui xuân chúc tết.
 
Tết đến xông đất nhà người ta được mời dăm ba ly rượu
Lạng xạng, láng quáng dắt chiếc xe đạp nện vô hàng rào xẹp lốp xe
Rách ống quần bà ba nhàu nát
Lểnh khểnh cười mà như mếu
 
Tết đến xuân về
Trời đất sụt sùi hiếm nắng xuân
Ngày ngắn lại đêm dài ra
Niềm vui vì thế mà qua nhanh
Tết ở đâu không thấy ở quê mình.

(Những ngày giáp tết 2011)
 
 
 

Đất nước mình!
 
Cái đau khổ nhất của con người là sự so sánh.
Singapore, Malaysia. Úi trời ơi! Mươi năm sau họ mới theo kịp mình bằng cái xấu xí! “Chàng U70” bỗng hốt nhiên ngộ ra sự so sánh.
Mỗi buổi sáng, mỗi ngày, mỗi tối ta không cần vợ đánh thức, không cần gọi ăn, không cần xem đồng hồ, không cần đi biểu tình gì gì vì có cái loa lắp trên trụ điện nhắc nhở giùm. Năm mươi năm nữa thế giới mới bắt kịp dịch vụ truyền thông rất đắc dụng này.
Đất nước mình!
Nhà dột từ trên nóc. Nếu không có gã hàng xóm mắt liếc chòng chành thì đâu biết vợ mình có nhan sắc. Nỗi sợ hãi luôn ở bên ta, như áng mây đen bao phủ khắp bầu trời, như thiên la địa võng bủa vây. Thôi bỏ đi Tám, đừng xía vô chuyện không không.
Đất nước mình!
Xấu từ mùa hạ sang thu, từ mùa nắng sang mùa mưa. Nắng nóng như cấu véo vào da thịt. Ngày mưa tháng nắng sụt sùi.
Nghèo sinh ra hèn đất nước mình!
 
 


Đó chẳng qua chỉ là điều nghe nói!

Gaddafi kẻ độc tài nhũng
nhiễu đất Châu Phi đã chết hôm
qua như con chuột – ngày hôm kia
hắn còn vênh vang đạo đức mà
có kẻ nói hắn là một lãnh
tụ một điểm sáng cho cộng đồng
 
Với lũ chúng tôi các tướng lĩnh
các chính khách các thế lực thù
địch chẳng qua chỉ là điều nghe
nói – lũ chúng tôi người nông dân
chân đất suốt ngày bên mảnh ruộng
ao vườn tai quen nghe lời nói
thật nôm na không sáo rỗng ba
hoa mắt không ưa nhìn cảnh khúm
núm dạ thưa lũ chúng tôi ngày
lo ăn ba bữa có khi quên
tắm rửa gửi buồn vui vào ly
rượu nhạt cho xong đời một kẻ
phàm phu thì lấy tư cách gì
mà bình phẩm nọ kia! Cái sân
 
golf nó to thế nào nó đẹp
làm sao mảnh ruộng đồng cỏ ngày
xưa ta ngồi lưng trâu hát nghêu
ngao ai bảo chăn trâu là khổ
chăn trâu sướng lắm chứ bây giờ
ta bỏ đi làm cái sân golf
một bữa chơi bằng năm công lương
của người lao động. Với lũ chúng
 
tôi chẳng qua chỉ là điều nghe
nói. Lũ chúng tôi những con người
thật thà chân chất sống đầu sóng
ngọn gió lấy thuyền là nhà biển
cả làm quê hương – quê hương biển
không còn rộng nữa mỗi lần gióng
dây neo là nỗi sợ âm thầm
sợ chén cơm trách mắm lưng nồi
sợ có khi nào không về nữa –
các con tôi. Đó là điều mà
 
chúng tôi muốn nói.

(2011)
 
 
 
Tuyệt diệu ca

Tôi ca ngợi mọi điều ở quanh tôi
Mặc dù ở quanh tôi còn nhiều điều
Đáng căm giận ví dụ như thế này
Ví dụ như thế khác một gã đòi
Hai chữ tự do giá bằng mười hai
Năm trong song sắt nỗi ấm ức vì thế
Cứ len lỏi tận ngóc ngách tâm hồn
Tôi nhưng tôi vẫn nín lặng tĩnh lặng
Để ca ngợi mọi điều ở quanh đây
Đánh cược với trái tim mình bằng sự
Lừa dối bằng chiếc mặt nạ quên đi nỗi
Buồn sự thống khổ của cuộc sống tính
Cam chịu và cái nghèo cam phận trở
Thành bản chất một túm gạo gói mì
Ăn liền thì rưng rưng nước mắt kêu
Trời phản đối trong im lặng để ca
Ngợi cuộc đời này cuộc đời này là
Rất đẹp life is beautiful. Tâm hồn tôi
Chừ chai lạnh trước cái giàu nghèo trước
Nỗi bất công ừ cứ để nó trôi
Qua trôi qua như “sự đời qua trước
Mắt đêm qua sân trước một nhành mai”

(2012)