Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 27)

NGÀY 9-11-2013

“Cảm ơn em!”: Một nhà nước u minh đẻ ra nhiều ma quái

(Gửi thư cho gió và anh Dương Chí Dũng)

Hạ Đình Nguyên


Dù không quen biết, tôi lại có ý định viết thư cho anh đây, song không biết anh ở đâu, đành gởi cho gió mang đi, có khi lại đến được tay anh không chừng!

Thú thật, sau những ngày đầu xôn xao do câu chuyện của anh gây nên, tôi cũng như nhiều người đã trở lại trạng thái bình yên như thường lệ, trong tôi chẳng có một ấn tượng xấu nào về anh cả, ngược lại thấy vui vui, cay cay thế nào!

Vả lại, sau anh là những hình ảnh khác lại ùa đến dồn dập, cũng rất thu hút dư luận, nhưng anh vẫn là hình ảnh điển hình nhất, vì theo tôi, nó hấp dẫn nhất.

Cũng như sau cơn bão đi qua, người ta nhìn thấy cảnh đổ nát hoang tàn, đau thương rồi sực nghĩ về thân phận mỏng manh của con người, trên cái hành tinh bí hiểm lắm chuyện nầy. Những thân thể người chết, già và trẻ, những bức tường đổ vụn, những ngôi nhà thành đống gạch, những chiếc xe hơi bẹp dúm nằm phất phơ đâu đó, và bao nhiêu công trình khác thành đống xà bần vô dụng…, chẳng còn ra hình thù của một thứ sản phẩm nào liên quan đến “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cả.

Anh cũng thế, anh Dũng à!

Sau cái tan tành đổ nát của Vinashin, thật không liên quan gì đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa! Nhưng tôi muốn nói về tính cách của con người, mà anh là biểu tượng. Cái đó thật là ám ảnh tôi.

Vì đâu chỉ có mình anh?

Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã dạy rồi:

“Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác…”

Cuộc chia chác tôi tưởng tượng là hoành tráng, linh đình, vui vầy, phải đạo, và ai cũng có phần.

Người lương thiện kinh hoàng về sự tham nhũng vượt tưởng tượng, lại hồn nhiên, ngang nhiên, thong thả như hành vi ăn cướp, mà cách ăn cướp thể hiện chính xác câu phương ngữ của Việt Nam:

Cướp đêm là trộm, Cướp ngày là Quan!

Nó đã vượt khái niệm tham nhũng, chuyển sang hình tướng cướp ngày, mà là cái “cướp ngày” của Quan.

Tôi nghĩ về anh như là nét điển hình để minh họa.

Câu chuyện dài của anh, cũng mang nét hiện đại và hoành tráng lắm, nhất là cái cốt cách đó cũng khá thời thượng, thu hút tôi lắm. Nhưng điều làm cho tôi chú ý nhất, thấy vui vui là do câu nói thật thà phơ phất của tay đàn em anh đấy.

“Cảm ơn em!” là lời của anh thốt ra chân tình, khi nhận va-li tiền từ tay đàn em trao theo kế hoạch đã phân công, để sau đó trao cho vợ bé mua hai căn hộ cao cấp, anh vẫn là người chu đáo.

Tôi nghĩ nó thế nầy, khi các công an điều tra hỏi:

- Khi mang bao tiền đến cho Dũng, Dũng nói sao? Trả lời: Nói “Cảm ơn em!”

Tôi cảm động nhất là câu nầy.

Cái phong thái đàng hoàng lịch sự ấy, e dân Nam bộ không bì nổi. Tôi tưởng tượng khác xa:

- Ê mầy, để đó! Đi kiếm cái gì thật “độc” nhậu chơi!

- Có ngay, anh Hai!

Cuộc nhậu có thể kéo dài nhiều hồi…, đó chỉ là một trong nhiều kiểu nhậu phong phú của cư dân vùng đất có truyền thống khẩn hoang. Họ nói, phải ăn nói như thế mới là thật, như thế kia họ cho là không thật, màu mè. Nhưng với Dũng, tôi nghĩ là thật. Nhưng cái giống nhau của hai đầu Nam Bắc của thời đại, là cái đạo lý Việt Nam rất đàng hoàng, được tóm gọn bằng câu thơ rất dễ nhớ đã nhắc ở trên đã được ứng dụng sáng tạo:

“Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác…”. Vâng, anh Dũng à, đâu chỉ mình anh!

Chuyện của anh có nhiều kịch tính lắm, với các cao trào diễn ra liên tục. Nầy nhé, cái Vinashin do nhóm anh làm chủ xị, sau giai đoạn huy hoàng, nó như miệng núi lửa lúc chưa phun, nó sình lên xọp xuống bao phen, như có bàn tay của Đại Thánh - Tôn Ngộ Không bụm lại, rồi cho nó bùng lên, mọi người hồi họp, rồi nó lại xẹp xuống, chuyển sang lai rai êm nhẹ. Rồi nó lại bùng lên. Người ta thấy anh nhún mình bay vút lên không, nhẹ nhàng như chiếc lá, đậu trên cái Cục hàng hải/hải đăng gì đó (xin lỗi tôi không rành lắm từ ngữ chính trị/chuyên môn). Người bình dân thấy cái “ụ nổi” đang “chìm”, mà anh được thoát lên an toàn, lại uy nghi đĩnh đạc, ai cũng ngạc nhiên, cực kỳ phân vân!

Mà đúng vậy. Anh có giấy bổ nhiệm “đúng quy định” của người đứng đầu địa phận Hoa Quả Sơn, chắc như bắp! Lại có Bình Hộ pháp (1) bảo vệ “đúng quy trình”, cũng đã thông qua đề huề nhiều loại thủ tục: thanh tra, kiểm tra, và ý kiến “không có vấn đề gì” của cấp ủy các thứ nữa…

Lại bất ngờ như cơn bão Hayan xoay hướng, người bình dân được tin anh trốn thoát, trước khi biết tin anh có vợ nhỏ, cả cái mật lệnh khám xét nhà, khi mà hàng xóm vừa mới thấy loáng thoáng anh xì xúp cúng vái tổ tiên.

Anh biến mất hút.

Và cả nước lại bắt đầu nghe ra rả “lệnh truy nã” anh, qua hệ thống loa phường.

Cơn bão đi qua, rồi gió lặng. Một buổi đẹp trời, người ta bốc anh ra, từ đâu đó, như từ trong túi áo vậy!

Chuyện của anh hay ở chỗ, anh luôn bất ngờ, mà dồn dập. Nhưng ở đoạn đầu đời của anh thì chưa ai rõ, có lẽ cũng hay.

Từ trẻ con, rồi sang tuổi thiếu niên, thanh niên, rồi trở thành ông quan to đùng đùng, vui vẻ trên đống tàu Vinashin đồ sộ, hẳn là có phép màu của Đảng! Đoạn đầu ấy thật là đẹp. Bằng loại thang máy đặc biệt nào, trong khoảnh khắc, anh đã leo lên từ điểm cao nầy đến điểm cao khác.

Nhưng điều tôi thích nhất, vẫn là câu: “Cảm ơn em!”.

Tiếng “cảm ơn em!” đã truyền tải từ trên xuống dưới. Và tất nhiên có đường truyền theo chiều ngược “cảm ơn anh” từ dưới lên trên, một hệ thống mạng “hoàn thiện” đã phủ đầy cơ thể đất nước, không đợi đến “hết thế kỷ” như lời tiên tri nửa mùa của ông Tổng. “Cảm ơn em!”, “Cảm ơn anh!” vẫn tiếp tục vận hành, trên nền một tổng thể vững vàng, nếu có cái bù lon đinh ốc nào lỡ văng ra thì cũng là tự nhiên, phải có thôi!

Bây giờ là không phải, nhưng trước đây, anh đã là một quan lớn của bước đầu tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trước khi hy sinh, anh đã để lại những gì anh đã để lại, cho đất nước nầy! Tôi vẫn nghĩ rằng anh là một gương điển hình. Điển hình nhất không phải là sự kiện, bởi sự kiện như anh thì rõ là không ít, mà cái độ to thì to hơn chứ không thua, như cái Agribank, Vinalines, các loại nợ khó đòi khó hiểu nữa…

Điều tôi quan tâm nhất vẫn là cái tính cách, cái phong thái hồn nhiên thật hiếm có, khi anh nâng giá, khi anh chia tiền.

Cái tính cách ấy rất khó diễn tả. Mà làm sao anh có nó được?

Làm sao mà nhiều người có nó được?

Anh lớn lên như thế nào nhỉ? Rồi sau đó, làm thế nào mà anh làm quan chứ ? Anh lên chức cũng giỏi, mà thấy cũng dễ! Xin lỗi, tôi không rành chuyện nầy lắm, cũng chưa nghe ai nói tới. Chỉ riêng cái đoạn anh bay vọt lên cái chức cục trưởng gì gì đó, vào cái lần cuối cùng ấy, nó ngoạn mục làm sao! Nhưng cái độc đáo nhất mà người bình dân thấy được, là anh thổi cái cục “ụ nổi” to lên gấp bốn lần, khiếp thật! Thản nhiên, khỏe re, vô tư lự! Người thường không thể làm được, nghĩ tới còn chưa dám.

Nầy nhé, 10.000 đô là lớn rồi. 100.000 đô là lớn nữa. Chính phủ ta vừa mới cứu trợ khẩn cấp cho đất nước Philippin sau cái đại họa khủng khiếp với số tiền là chừng ấy đấy. Riêng một tay anh thì chơi đơn vị triệu, vèo một cái, cái “ụ nổi” từ 5 triệu đô lên 19,5 triệu đô, gấp 4 lần! Còn bao nhiêu cái “ụ chìm” khác chưa nói ra. Tôi nhớ ngày xưa cả cái VNCH bị đổ vì Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ 300 triệu, thế đấy!

Thế mà anh làm được một cách tự nhiên, dễ ợt!

Nhưng làm sao anh có được cái tính tự nhiên đó? Do trời sinh ra thế hay ai hướng dẫn đào tạo?

Tôi ngắm cái ảnh anh hoài trên mạng, theo cái cách trầm ngâm thưởng thức, ngưỡng mộ, không chán. Xem tướng mạo anh thì rất là bình thường, không có chi đặc sắc, tôi cố tìm cái ẩn tướng nó nằm đâu, nhưng vẫn không nhìn ra…

Trước đây, tôi ngồi hàng giờ để ngắm Tủ lạnh Kim Jung Un, nó vừa hấp dẫn, vừa khó chịu. Nó nửa nọ nửa kia, nửa già, nửa trẻ, nửa khôn nửa ngu, nửa người nửa ngợm, khó hiểu lắm.

Tôi cũng không thể hiểu được anh!

Anh lấy tiền làm gì mà nhiều thế?, mà hồn nhiên như thế? Anh nghĩ gì lúc ấy, hay không nghĩ gì cả?

Anh không biết rằng đất nước nầy đang được ĐCSVN lãnh đạo toàn diện sao? Đảng rất ngoan cường, rất chặt chẽ, rất sáng suốt, lại có được một ông Tổng cũng “cực kỳ”, ngời ngời lý tưởng đó sao? Chắc chắn anh được dìu dắt rất kỹ, mà cũng rất được tin cậy trong cái giai đoạn rất “tiến lên” nầy.

Thế mà anh… hay thật!

Cái ăn cướp của bọn “cướp tiệm vàng” ở Quận Tân Phú, TP HCM thì không thể so sánh, vì cái phong cách nó vội vội vàng vàng, không hợp pháp, thiếu trí tuệ, lại thiếu lịch sự của chúng, nên vẫn gọi chúng là bọn “xã hội đen” dù diễn ra giữa ban ngày. Nhưng đường đường một tư cách quan như anh thì chẳng thể gọi là đen, mà có thể gọi là đỏ được chăng? Vâng, bọn “xã hội đỏ”. Đơn thuần là quán tính về màu sắc thì có thể nói vậy.

“Cảm ơn em!”

Nguồn tiền tươi đó chỉ là “5 tỉ đồng”, cái rất lẻ của khối tiền chẵn. Vì anh là một ông quan, một ma quái.

Đất nước đã phủ đầy các loại ma quái. Lấy cái chuyện nho nhỏ ra làm chứng:

15 tỉ đồng biến hóa thành 14 cái toilette (người bình dân gọi là hố xí) ở Thủ đô ngàn năm văn vật…

Chắc chắn có những tiếng “Cảm ơn em!” đâu đó. Bỗng dưng tôi muốn đi thăm Hà Nội.

Cảm ơn anh Dương Chí Dũng cho tôi một đêm cảm xúc – không vô cảm.

Thân chào anh. Người không quen.

(1) Tức ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (còn được dân nhậu gọi là “Bình ruồi”).