Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Viết lịch sử văn học như thế nào?

M.L. Gasparov[1], “Новое литературное обозрение”. № 59. – М., 2003

Lã Nguyên dịch

Với câu hỏi “phải viết lịch sử văn học như thế nào?”, tôi muốn trả lời ngay: hoàn toàn không nên viết, vì giờ đây chúng ta chưa thể viết tốt do không có tư liệu. Giữ quan điểm của một kẻ hư vô chủ nghĩa như thế có lẽ không phù hợp với việc thảo luận nghiêm túc, cho nên tôi đành giữ thái độ im lặng.

Sau đó tôi sực nhớ ra rằng bản thân đã từng viết một phần lịch sử văn học Nga, ấy là cuốn sách mỏng Lược khảo lịch sử câu thơ Nga. Tức là tôi có nghĩa vụ chia sẻ kinh nghiệm. Chẳng hiểu cuốn sách thành công hay thất bại, nhưng tôi nghĩ, chắc không ai nghi ngờ rằng đó là lịch sử mạch lạc về một đối tượng tồn tại suốt 300 năm. Vậy nó đã được viết ra như thế nào? Có 4 cấp độ riêng biệt được mô tả – âm vận, nhịp điệu, vần điệu, phân khổ; sau đó cùng đối sánh với nhau, thấy chúng lập tức được chia thành 6 giai đoạn lớn và 18 giai đoạn nhỏ. Trong từng giai đoạn, ở mỗi cấp độ, nổi lên một xu hướng khi thì đơn giản hóa, khi thì phức tạp hóa, mỗi xu hướng được hiện thực hóa theo cách riêng, khi thì chúng bổ sung cho nhau, khi thì ngược lại, loại trừ nhau. Bao giờ cũng thấy hiện lên lờ mờ sự gần gũi của toàn bộ thi pháp câu thơ như thế với thi pháp của các thể loại và thi pháp các khuynh hướng.

Tôi hoàn toàn không có chút hoài nghi nào, rằng nếu mở rộng nghiên cứu cả những cấp độ không phải ở câu thơ: ngôn ngữ và phong cách; hình tượng, motif, truyện kể; cảm xúc và tư tưởng lẫn những hình thức mà tất cả những bình diện trên cùng tồn tại trong đó, tức là thể loại, thì hoàn toàn có thể làm sáng tỏ chỗ lờ mờ nói trên. Mở rộng nghiên cứu – tức là tiến hành làm công việc mà tôi và các vị tiền bối của tôi từng làm cật lực với câu thơ: xác định các hiện tượng quan trọng, tính toán, hệ thống hóa và khái quát. Làm như thế để chúng ta có thể nói: sự kết hợp của các hình thức câu thơ là như thế; tỉ lệ phần trăm được vay mượn từ gốc Slavơ, hay ngược lại, tỉ lệ phần trăm dung tục và thiếu chuẩn mực là như thế; sự bão hòa các ẩn dụ và hóan dụ trong một cấu trúc nào đó là như thế; các nhân vật thuộc loại hình tâm lí và xã hội nào đó được ưa chuộng tới mức ấy; các biến thể truyện kể là như vậy, tỉ lệ mô tả, trần thuật, đối thoại, trữ tình ngoại đề của tác giả là như thế kia; các dấu hiệu của thái độ trang trọng, nghiêm nghị, dịu dàng hay cợt nhả với đối tượng theo một tỉ lệ nào đó là như thế kia; quan điểm của tác giả được bộc lộ trực tiếp hoặc che dấu ở mức độ thế kia – đó chính là các dấu hiệu của một thể loại nào đó ở một giai đoạn nào đó; giữa chúng có những dấu hỉệu nào đó được mạnh lên, những dấu hiệu khác nào đó bị yếu đi theo sự vận đông từ đầu đến cuối của một giai đoạn, ở các nhà văn của những thế hệ và khuynh hướng như thế, dưới ảnh hưởng rõ rệt của các thể loại, những thể loại hỗn hợp như thế, nhờ uy tín của những tác giả như thế, như thế… Và tất cả những điều đó cần được xác định đối với tất cả các thể loại và tất cả các thời đại.

Rất dễ nói về một chương trình làm việc như thế: nó bất khả thi, không thể thực hiện được. Và tôi đảm bảo với quý vị, nếu chúng ta liệt kê tất cả những gì phải tính toán để viết một công trình lịch sử xác đáng về câu thơ Nga, ai cũng sẽ nói đó là công việc bất khả thi. Nhưng các nhà nghiên cứu thơ, họ không nhiều lắm đâu, đã làm điều đó. Giờ đây, nhờ vào máy tính, những công việc như thế được thực hiện nhanh hơn nhiều: chỉ cần hỏi các nhà ngôn ngữ học là biết ngay. Quý vị chỉ cần một điều: hãy tin rằng đó là việc làm cần thiết.

Dĩ nhiên những điều đề xuất ở trên chưa phải là lịch sử văn học. Nhưng nếu thiếu bản thóng kê cực nhọc như công việc khổ sai nói trên sẽ không có bất kì thứ lịch sử văn học nào cả, vì rằng trong cái bảng kê cực nhọc giống như công việc khổ sai ấy có toàn bộ đặc tính của tư liệu văn học. Thiếu nó, lịch sử văn học – như đến nay nó vẫn vậy, vẫn chỉ tạm thời gánh vác trách nhiệm của lịch sử văn học – là một nhánh của lịch sử tư tưởng, tâm trạng, thị hiếu và rất nhiều thứ khác mà liệt kê sẽ rất nhàm chán. Chúng ta đã trải qua chủ nghĩa cấu trúc và chúng ta biết rằng điều cơ bản không phải là các yếu tố mà là quan hệ, rằng tiểu thuyết Turgenev không tồn tại tự nó mà chỉ tồn tại trên cái nền của tiểu thuyết phi-Turgenev. Nhưng một khi chúng ta chưa thể xác định tiểu thuyết Turgenev bao gồm những gì, chúng ta chưa thể đặt nó vào mối tương quan với bất kì cái gì.

Hình như có một cách phân loại mà theo đó học giả được chia thành hạng “uyên bác” và hạng “rắc rối”[2]. Tất nhiên, lịch sử văn học là do những người “rắc rối” viết ra. Nhưng những công trình lịch sử văn học do họ viết ra càng tồn tại lâu dài thì bề dày nền móng do những người “thông thái” tạo ra càng lớn. Quả lịch sử văn học là một trong những hình thức tư duy rất riêng của chúng ta trong khuôn khổ của hệ hình khoa học hiện nay. Nhưng dẫu sao trước hết nó vẫn là phương tiện để hệ thống hóa những tri thức rời rạc của chúng ta về văn học. Mà những tri thức như thế chúng ta có rất ít, không nhiều hơn so với thời Ovsyaniko-Kulikovsky[3].

Tất nhiên, tôi có phóng đại lên một chút. Chúng ta đã bắt đầu hiểu biết nhiều hơn về các thể loại riêng lẻ. Cả về bi ca, về thơ điền viên, và có lẽ, cả về tiểu thuyết. Nhưng hãy nhớ lại tất cả những gì chúng ta đã được đọc: các thể loại ấy mới được mô tả ở các đỉnh cao. Bi ca là Zhukovsky, Batyushkov, Pushkin, Baratynsky, trường hợp ngoại lệ – Teplyakov. Có thể có một chuyên luận về Marlinsky, nhưng trong chuyên luận này ông ấy lại cũng sẽ thành một tượng đài đứng riêng rẽ hệt như Pushkin. Đó không phải là lịch sử văn học, mà lịch sử các nhà văn. Khi cần xác định đặc tính cá nhân của câu thơ, ví như câu thơ của Ogarev, nhà lí luận thơ liền viết: “so với chỉ số trung bình của giai đoạn”, và thế là đã nói xong về đặc tính cá nhân. Với phong cách và tổ chức hình tượng, chúng ta không có chỉ số trung bình nào cả, chẳng có gì để so sánh. Ngoại lệ thấy rõ duy nhất là thể trường ca của Byron. Nhờ cuốn sách Byron và Pushkin của Zirmunsky, trường ca Nga theo kiểu Byron đã và sẽ là thể loại duy nhất được mô tả chi tiết đủ để viết lịch sử văn học. Bây giờ tôi sẵn lòng làm lễ kỉ niệm 80 năm ra đời cuốn sách của Zirmunsky hơn là bàn luận về tính tổng thể của lịch sử văn học.

Lomonosov và Sumarokov là những nhân vật hàng đầu của lịch sử văn học, nhưng khi cần viết về thể đoản ca (ode) của họ, tôi buộc phải trở thành người đầu tiên tự làm lấy mọi thống kê về chủ đề, motif và tổ chức kết cấu. Ở ta, nói về thái độ kính trọng dữ liệu và kĩ năng thu thập dữ liệu, cần nghiêng mình kính cẩn trước các nhà lưu trữ và các nhà ghi chép tiểu sử. Nhưng ẩn dụ và motif thì vì lí do nào đó ở nước Nga vẫn không được xem là dữ liệu, còn khoa thi pháp học thì giữ thái độ coi thường rất đáng giận. Suốt hai mươi năm, V.S. Bayevsky ở Smolensk tập trung sáng tạo ra kỹ thuật mô tả toàn diện các bài thơ theo những dấu hiệu có thể định lượng, nhưng không ai nghĩ xem làm thế nào để hoản thiện phương pháp ấy. (Tuy nhiên, bản thân sự kính trọng dữ liệu vẫn thường xuyên bị đe dọa. Một bộ phận các nhà ngữ văn học thường bị cuốn vào triết học, nhưng để làm tê liệt bất kì bộ môn khoa học nào, chỉ cần hỏi nhà triết học: “vì sao ông xem cái này hay cái kia là dữ liệu?”. Đúng là khoa cần biết rõ nó đang xem cái gì là tiên đề của mình, nhưng vì sao nó lại xem như thế, cứ hãy để cho các nhà triết học giải thích).

Dĩ nhiên trong các sách lịch sử văn học, những thống kê vô tận như thế sẽ không được phô ra trước mắt ta, chúng ẩn vào các ghi chú, các phụ lục và các trích dẫn tài liệu tham khảo. Các kết luận và khái quát sẽ nhập vào văn bản. Nhưng xung quanh các kết luận và khái quát về phần cơ bản của văn học, về thi pháp, sẽ là tất cả những gì có quan hệ tới sự tồn tại và môi trường xung quanh của văn học và những gì không mấy khi được nhập vào lịch sử truyền thống của văn học:

Thứ nhất, đó là hoạt động sản xuất văn học: vị thế xã hội của nhà văn, phương tiện tồn tại của họ, giới văn chương với các salon và việc san định ấn phẩm, hoạt động sáng tác và hình thức biểu hiện của danh tiếng văn học. Các nhà lịch sử văn học đã quan tâm tới điều đó từ lâu, chỉ không hiểu vì sao người ta lại tránh đưa nó vào các công trình lịch sử chung của văn học.

Thứ hai, đó là hoạt động tiêu thụ văn học: các loại ấn phẩm, số lượng bản in, hoạt động kinh doanh sách, thư viện, phân hóa độc giả (văn học nông dân, trẻ em, phụ nữ) – phải nghiên cứu để nhớ Trận chiến của người Nga chống lại người Kabardians[4] từng được đọc nhiều hơn sách của Tolstoi, và nói chung, đa số độc giả chưa từng nghe gì về Blok. Cả chuyện lịch sử văn học không chỉ là lịch thử nghiệm trong phòng thí nghiệm các tư tưởng và hình thức văn học mà còn là lịch sử sản xuất và tiêu thụ hàng loạt các hình thức và tư tưởng ấy, không chỉ là lịch sử của cách tân, mà còn là lịch sử của truyền thống. Rất may bây giờ chúng ta biết về những chủ đề này nhiều hơn so với 50 năm về trước.

Thứ ba, đã từ lâu việc mở rộng trường nhìn lịch sử văn học thông thường đã trở thành bức thiết, chí ít là theo hai hướng: địa lí và lịch sử. Hướng thứ nhất là sự ghi nhận đối với văn học dịch. Khi cần người ta thường nhắc tới nó, nhưng sau đó lại bỏ quên. Nhưng nó từng nuôi dưỡng độc giả ở mọi thời đại, tô đậm theo hướng có lợi hoặc không có lợi từng bước đi tới của văn học gốc, làm thành bộ lọc nối kết văn học Nga và văn học thế giới. Trong đó cũng có vỉa hẹp của văn học tinh hoa và vỉa rộng của văn học đại chúng, các vỉa ấy từng tác động qua lại với nhau như thế nào ngay trong kí ức còn tươi rói ở thời kì của cơn lũ dịch thuật giai đoạn 1920 – 1990, giờ chẳng ai còn nghiên cứu nữa. Hướng thứ hai và cũng là hướng quan trọng nhất, ấy là ghi nhận văn học của các thời đại trước. Các mục về Nachleben[5] của các nhà văn, “Pushkin qua các thời đại”, theo truyền thống vẫn hiện diện trong lịch sử văn học, thường như phần phụ của các chương về Puskin, nhưng chúng cần được chuyển thành thành các phần phục của các chương về các thời đại. Những gì người ta nghĩ về Pushkin ở thời Pisharev, thời Gersenzon, thời Stalin và thời của tôi với các bạn sẽ nói rất ít về Pushkin, nhưng lại nói rất nhiều về các thời đại đó của chúng ta, và đây là chỗ để ta bàn luận. Theo đó, những gì chúng ta nghĩ về Pushkin sẽ đứng ngang hàng với Pishrev, chứ không phải cùng hàng với Pushkin, và điều đó và sẽ không khép lại bằng một chân lí tuyệt đối. Cái ông Pushkin sẽ được mô tả trong mục về giai đoạn 1799 – 1837 và cũng là ông Pushkin rất xa chúng ta tựa như Eschyle sẽ ít bị vấy bẩn bởi những cuộc đối thoại theo kiểu vị kỉ trung tâm của chúng ta với ông. Tôi hiểu rằng không một học giả nào có thể hoàn toàn tránh xa đối tượng nghiên cứu của mình, nhưng nếu là một học giả, ông ta buộc phải nhắm tới điều đó. Và tất nhiên, ở đây không chỉ nói về các nhân vật riêng lẻ, những nhân vật như Pushkin: toàn bộ văn học Nga thế kỉ XIX với các năm 1910, 1930, 1950 và 2000 được tạo thành bởi rất nhiều tên tuổi và giá trị khác nhau và với hình dạng như thế nó là một bộ phận của thế giới văn học của những năm ấy.

Đó cũng là những nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng thiết nghĩ, dẫu sao chúng ta đã sẵn sàng giải quyết các nhiệm vụ ấy nhiều hơn là việc mô tả lịch sử thi pháp. Dĩ nhiên cũng có sự ràng buộc theo chiều ngược lại. Công trình lịch sử văn học mà chúng ta hay một ai đó sẽ viết theo những tư tưởng đã được phát biểu trong cuộc thảo luận này sẽ lập tức làm lộ ra nhiều khoảng trống mới trong sự hiểu biết của chúng ta và sẽ tạo ra đòn bẩy để lấp đầy những chỗ trống ấy. Nhưng có nhiều chỗ trống cũ, chúng ta đã biết rất rõ, thế thì hà cớ gì chúng ta không nhanh chóng lấp đầy chúng nó đi.

Dịch xong ngày 19/9/2018

[1] Gasparov, Mikhail Leonovich (1935 – 2005) – Nhà nghiên cứu văn học, nhà ngữ văn cổ điển, nhà nghiên cứu lịch sử văn học cổ đại và thơ ca Nga, dịch giả (từ các ngôn ngữ cổ đại và ngôn ngữ hiện đại), nhà lí luận về thơ và lí thuyết văn học, Tiến sĩ Ngữ văn học (1979), Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (từ 1990), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga (từ 1992) – ND.

[2] Tiếng Nga: “проблемщик” (gốc từ chữ проблема” là “vấn đề”), nó được sử dụng để chỉ loại người chẳng có gì thấy hài lòng, chuyện gì cũng truy vấn, giỏi tạo vấn đề, chuyện bé xé ra to, không để ai được yên – ND.

[3] Ovsyaniko-Kulikovsky Dmitry Nikolaevich (1823 – 1920) – Nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà lịch sử văn hóa Nga – ND.

[4] Nhan đề đầy đủ: Trận chiến của người Nga chống lại người Kabardians hay là người đàn bà xinh đẹp theo đạo Mogomet đang hấp hối trong cỗ quan tài của chồng (1840), tiểu thuyết được xem là của Nikolay Zryakhov. Đó là một trong những cuốn tiểu thuyết phổ cập rộng rãi nhất ở nước Nga thế kỉ XIX và đã trở thành biểu tượng của văn học đại chúng – ND.

[5] Tiếng Đức trong bản gốc, nghĩa là “kiếp sau” – ND.