Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (467): Phan Nhật Nam (kỳ 7)

Mùa hè đỏ lửa (15 - 19)

15. THƯ CỦA NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ

Di chuyển trong 6 tháng với cơm khô muối hột, dự trận chiến vô vọng, lại có thêm hoàn cảnh để so sánh. Người dân miền Nam và miền Bắc. Có thư viết về Bắc thú nhận: “Vấn đề bồi dưỡng tại chiến trường lúc này đã tiến bộ, không còn thiếu thốn như ở thời gian di chuyển (từ Bắc vào) nữa. “Được ăn ngon, thấy rõ dân tình, trạnh nhớ đến gia đình nơi xa thiếu thốn, đường về không còn lối, lòng người lính Bắc trẻ tuổi trùng hẳn xuống đến độ thấp nhất, trong cơn ngất ngư lại được”bồi dưỡng” thêm bởi những giòng thư thương nhớ, cái nhớ trùng điệp như Trường Sơn, mịt mù như rừng thẳm, nhớ tha thiết, nhớ giỏ máu, cắt da… Nhớ và cảm thấy được hết nỗi tuyệt vọng của cuộc tình chia cách. Sức mạnh nào để cầm cây súng, trái tim nào còn đập theo nhịp căm hờn. Người lính Bắc hay gã lính xâm lược ngụy danh cay đắng trong chiến trường lộ mặt,“Áp lá thư em vào ngực anh đọc đã mấy chục lần…”. Người tình hư không đã viết vào nhật ký để trả lời cho bức thư tha thiết. Thư của Người – gởi – Người. Người yêu dấu không bao giờ gặp lại. Những bức thư có những nội dung như sau:

Anh Hưu thương:

Thế nào, hai Chủ nhật trôi qua có nhớ lắm không? Có thể nói từ khi anh và em cùng nhau bắt tayxây dựng vợ chồng thì hai Chủ nhật này là hai Chủ nhật khó khăn và nặng nề vượt qua lắm anh hè. Em biết lắm rồi, trong những giờ phút đó anh muốn thét lên thật to để làm sao ôm lại những lời nói của anh, rồi cùng anh nói chuyện, em cũng biết lắm những bước chân đi trong những giờ phút đó nó như một con người không có tri giác mà những bước đi đó không hề biết đến, không hề nhớ đến, đầu óc sẽ triền miên suy nghĩ, những cái gọi là kỷ niệm ở đời sẽ hiện ra và bắt đầu như diễn kịch trước mắt.Thật đúng tâm trạng của anh lúc đó em sẽ đoán được, vì sao em lại biết tài như thế? Vì em đã nằm giữa trái tim anh, dòng máu của anh đã cùng chảy theo nhịp thở của em, cho nên dù sao, dù ở phương trời nào em đều đoán được.

Thế nào rồi đó, chân sưng to không bằng cái cột đình” chưa? Vai đã lột những lớp da bên ngoài gọi là hồng hào” chưa? Có đau lắm không anh? Có hỏi họ để tìm lá dầu ngoại khoa mà bóp chưa, nhức lắm anh hè. Anh Hưu ơi, em biết đi đường vất vả lắm rồi đó, ăn uống khô khan như vậy có mua gì cải thiện đến không? Trên đường đi có xẩy ra đau ốm gì không? Nghĩ đến đó em tê buốt cả người, càng thêm nhớ nhung suy nghĩ, có sinh ra cái mụt nào để làm thêm đau đớn bản thân không? Vì mùa này là mùa mụt của đồng chí” đấy phải không Thủ trưởng. Hai chữ Thủ trưởng nói cho vui vậy thôi, chứ không phải em mơ ước như vậy đâu nhé. Thật ra tâm trạng của em chỉ mơ ước rằng sao cho ba năm nghĩa vụ xong anh được an toàn cùng về với em, em muốn nhắm mắt làm sao thời gian sẽ trôi nhanh đi và nhanh đi nữa để anh và em được về sống trong một ngôi nhà nhỏ hẹp, để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau hưởng những hạnh phúc đẹp đẽ. Những hạnh phúc đẹp đẽ, những cái đó em nuôi một mơ ước, một mộng đẹp, chứa đựng nó trong một khối óc, trái tim đầy tình chung thủy của tình nghĩa vợ chồng đã nhen nhúm từ lúc đầu. Anh ơi, xa anh đi, em nhớ lắm, em thương anh lắm, anh nói, anh cười, anh trìu mến thương, em làm sao quên được. Có ai hiểu thấu tâm trạng của em trong những lúc nhìn vật của anh, từ nét chữ anh viết cho em, rồi đến cái nhìn nữa… Chao ơi em muốn bấu lấy mà nhìn, nhìn mãi, nhìn vui nào cho chán được. Anh Hưu ạ, nói mãi cũng không hết nhớ nhung của em lúc này đối với anh, thôi em nói chuyện khác anh nhé…

Trên đây là hai trang đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hàng, giáo viên ở Nghệ An viết gởi anh Lê Văn Hưu địa chỉ là: 271003 TB 04, thuộc cánh quân của trung Đoàn 124 phối hợp với Đại Đội1/117 Trung Đoàn 203 Thiết Giáp, không biết rõ anh ở đơn vị nào… Thư viết bốn trang, tôi ghi lại hai trang đầu không sửa một nét, không thêm một dấu… Đầu nặng và tay run khi viết lại những hàng chữ trên, người yêu Lê Văn Hưu của Nguyễn Thị Hàng đã chết, chết ngay tại trận đầu tiên sau sáu tháng vượt Trường Sơn vào Nam giải phóng. Người yêu dấu đó đã chết, làm gì còn “ba năm nghĩa vụ quân sự chấm dứt để anh về với em” hở chị Hàng? Tình yêu, nỗi lo lắng của chị chỉ còn vang động trên hư không, người yêu dấu rất thương của chị không phải chỉ bị nổi mụt, sưng chân, trầy vai, cảm sốt. Anh Hưu đã bị chết bởi đạn, bởi bom, chết hai lần, ba lượt, chết cháy, chết tan hoang, tiêu tán và tàn khốc. Không phải lỗi của chúng tôi chị Hàng ạ, chúng tôi phải tự vệ để sống còn, cũng không phải của anh Hưu, anh ấy cũng muốn ở lại bên chị để được “cười rúc rích với nhau dưới lớp tơi lá,” để được ăn ngô vì “vườn ngô trước nhà đã được mùa,” để được ăn cá và bánh do chị và mạ làm… Anh Hưu không muốn qua đèo Mụ Già, không muốn qua Tchepone, Lao Bảo, anh muốn ở cùng chị để tay nắm tay và “máu cùng chảy với nhau..” Tội này là tội của chúng nó – Lũ đồ tể tay không dính máu, hồn cứng ngắt bởi quyền thế và danh vọng. Lũ chúng nó say thứ nặng nhất trong tất cả mọi nỗi đam mê – Chúng nó say danh, say tiếng – Trời hỡi, chút tiếng tăm vang động trên năm châu, trên trăm ngàn tờ báo của mọi nơi đã làm con người biến dạng thành quỷ quá dễ dàng thế sao? Lũ ngạ quỷ trầm luân mang danh người và chiêu bài cách mạng giải phóng. Chính chúng nó, thứ thiên tài chết ngập đầy oan khiên… Chị Hàng thân mến, tôi người miền Nam không biết được chị, nhưng tôi cũng có một người yêu, một người vợ lo lắng đón chờ mỗi lần tôi bước ra đi… Tôi đi ngắn, chỉ qua vài trăm cây số và về lại trong bình yên, anh Hưu đi đường xa vạn dặm, chuyến đi vào mịt mùng, vào tan vỡ… Anh Hưu không thể trở về, không bao giờ trở về được… Gởi lời chào đau đớn đến chị, người đàn bà chờ đợi người chồng bộ đội không hề trở về – chị Nguyễn Thị Hàng, ở ngoài Bắc, một vùng đất khổ quê hương tôi.

16. TRỊ THIÊN, ĐẤT VINH DANH CHO NGƯỜI

Nếu được hành quân tái chiếm Quảng Trị tôi sẽ cúng một con heo. Một người lính Sư Đoàn 1 đã nói như thế. Không phải câu nói chơi, phút bốc đồng nhưng là tình cảm mãnh liệt tha thiết được diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, chơn chất. Giữa đất và người không còn biên giới, người lính không nhìn các địa danh: Cam Lộ, Hương Hóa, Trị Bưu, Phong Điền, An Lỗ như những mục tiêu quân sự, chốn không hồn mà nhiệm vụ bắt buộc phải đi đến trong một thời gian và sau đó đợi chờ từng ngày qua để trút đi dửng dưng lạnh nhạt. Đất và người gắn bó không giải thích được bằng lý luận, chỉ cảm thấy bàng bạc mơ hồ, chứng nghiệm bởi một trực giác ngây ngất… Và không riêng cho người lính sanh trưởng vùng Thừa Thiên, quảng trị. Những người khác, những sĩ quan, trung sĩ, binh nhì sinh trưởng ở Bắc, Nam thuộc các đơn vị tổng trừ bị, hành quân tăng phái đến, bước chân đến vùng địa đầu đất nước lòng bỗng nhiên chùng xuống trong xúc động lạ lùng… Nhiệm vụ hành quân không được nhìn thuần túy như một công tác quân sự có tính cách bắt buộc, hành quân vùng Thừa Thiên, Quảng Trị âm vang mênh mông, tính chất cuộc viễn chinh thánh chiến, đấu tranh giữ đất, giữ nước, đấu tranh cho một lẽ sống còn. Chiến đấu ở miền giới tuyến hào hùng như bước chân qua một bờ lịch sử. Tương lai dân tộc được quyết định qua vùng đất này.

Đây không phải là một cảm xúc quá độ được tăng thêm cường lực để làm dáng trong văn hương nhưng đã đi lính, đội nón sắt, mặc áo giáp, nhảy trực thăng xuống Khe sanh đổ quân trên các mỏm Động Thông, Động Gió, đã di chuyển theo giòng Tam Giang, qua Túy Vân lúc sương còn mờ trên đầm Thủy Tú hay ngược phía Bắc để đi vào vùng Phong Điền, Đại Lộc, Phá giăng giăng mưa bụi, trăng non soi ánh sáng bạc thếch, ánh sáng chết trên mặt nước lăn lăn sóng nhỏ, thôn xóm xa lặng trong bóng tối, nghe trong lòng cơn ào ạt xúc cảm, thấy rộn rã từng ạt rung động trên làn da – Đất linh thiêng, huyền bí bao trùm vây bọc, con người trong đó thấy tan biến, hòa hợp vào cùng từng ngọn cỏ, cơn gió, người thấy đau, đau rõ ràng nhưnhức buốt như vạch xanh của sông Bến Hải vạch đường độc địa trên bờ cát thênh thang – Đất và người cùng đau với vết thương quê hương.

Cảm giác trên đã thành hình, đã gây nên phản ứng sinh lý làm dựng sợi lông tay cảm xúc nhưng có thể không được phân tích, không được rọi nhìn, định lượng, người lính “thấy” ràng buộc, thấy mơ hồ, lãng đãng nhưng chắc chắn, cần thiết như không khí hít vào trong mỗi cử động.

Trị-Thiên, ngoài đất còn có người, người Huế, người Quảng Trị, người ăn cơm ghé sắn, người uống nước “chè” nấu bằng lá ổi, người gọi lính bằng “anh cộng hòa ơi…” Những người đã mừng rỡ đến ngất xỉu sau mười, mười lăm ngày dưới hầm sâu, nhịn đói nhịn khát, đại tiện, tiểu tiện và ngủ trên cùng chiếc chiếu như trong mùa xuân Mậu Thân khi nghe ngoài đường phố tiếng lách cách của báng súng đập vào đùi khi người lính di chuyển. Lính Cộng Hòa tới! Lính Cộng Hòa tới! Người dân hé cửa nhìn: Trên đường phố vắng, hai hàng lính đi song song ở lề đường, đội hình, y phục hoa của Biệt Động Quân hay Thủy Quân Lục Chiến… Lính Cộng Hòa bà con ơi!! Sống rồi bà con ơi!! Ông già, người trẻ, công chức, cảnh sát mở toang cửa ào ra đường… Mừng quá mấy anh ơi, mừng quá!! Mấy anh ở đây luôn hả?? Uống nước không? Những người lính từ miền Nam ra bị vây kín bởi một nồng nhiệt bốc lửa. Họ là điểm sống cho thành phố Huế đã đến đáy hấp hối và tuyệt vọng. Còn vinh quang đẹp đẽ nào cho bằng tiếng kêu mừng rỡ của người dân Huế trong mùa xuân đỏ lửa khi được sống gởi đến những người lính xa lạ phong trần.

Đấy là những sự kiện của mùa xuân năm xưa. Bây giờ, tháng thứ ba của ngày Bắc quân mở cuộc đại tấn công và Miền Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên, hai thành phố đầu tiên hứng chịu tai ương tàn khốc của bom đạn và người dân của hai thành phố này lại thêm một lần tay bế con, lưng cõng cha mẹ già xuôi theo Đường Số I dưới che chở độc nhất hay niềm tin cuối cùng – Người lính- Bộ đội cộng hòa ơi, cứu bà con, bộ đội cộng hòa ơi! Trên đoạn đường máu Quảng Trị, Hải Lăng, Mỹ Chánh không phải một người, nhưng toàn khối dân bi thương nguy biến cùng gọi lên như thế một lần. Gọi bằng hơi thở cuối, mồm há hốc, mắt trợn đứng, gọi khi máu chảy, khi nằm xuống tan vỡ, tay lần trên chuỗi Thánh Giá, mắt nhắm nghiền, trên đầu, chung quanh đại pháo Bắc quân nổ liên hồi, nổ tàn ác… Đạn nổ không bỏ sót một phần đất, không quên một thân người… Bộ đội Cộng Hòa ơi! Người dân lại một lần kêu to lên như thế. Vinh quang biết mấy cho người lính Việt Nam.

Đất không Vinh Quang riêng cho Lính, đất còn là Thánh Địa cho Người. Người tầm thường, người còm cõi, người quắt queo khô héo như nhánh “nè” (1) khô rốc tong teo, lay động dật dờ dưới cơn nắng hạ chí. Nhưng những người tội nghiệp, tàn tệ, răng đen, môi nẻ tóc rối, người mà tai ương đã hiển hiện lên giọng nói, bất hạnh đã đặt mầm ở tiếng “khóc kể” bi ai hờn oán. Bất hạnh cũng đã có “điềm” ở giọng hò thê thiết đến rợn da khi những con thuyền chập chùng trong bóng tối lướt thướt trên sóng qua Bảng Lảng, Ngô Xá, La Vân, La Chữ, Vân Trình.a… ơ… chỉ hai tiếng nhỏ con thuyền đi hết khúc sông mà âm thanh còn lộng trong gió… Đã có “điềm” rồi nên dân Trị Thiên dù không cơm, không gia, không nương, rẫy bái vẫn tồn tại và sống còn. Họ sống bằng gì và như thế nào? Chuyển hết tháng ngày đi qua không cũng đủ là một việc vĩ đại… Rất vĩ đại… Rồi ba tháng máu lửa này, chui dưới hầm, ăn khoai sống, hứng chịu ngàn trái đạn của hai bên… Ngày Hải Lăng vừa được quân ta tái chiếm, đồ đạc cho vào thúng sau, thằng con ngồi thúng trước, người đàn bà nhỏ quắt queo gánh “gánh đời” đi thoăn thoắt trên mặt cát trắng bầy nhầy lớp thịt người… Người trị Thiên có”tài” đi nhanh như thế đã bao năm?? Có anh phóng viên đài truyền hình chận hỏi:

– Chồng và mấy đứa con lớn đâu?

– Chết hết rồi… Họ đem đi băm, vằm, chém nát, chôn sấp dập ngửa mô không biết!!!

– Bây giờ bà đi đâu?

– Hí? Người đàn bà nhà quê không hiểu câu hỏi.

Cho dù hiểu đi nữa thì bà ta cũng không biết đi đâu… Quo vadis? Mày đi đâu? Chúa có hỏi đi chăng nữa người cũng không trả lời được… Đi đâu? Ngày đã hết, đời đã hết, chỉ còn mỗi con người lừng lững cùng nỗi đau đớn mịt mùng hư không.

17. VỀ QUÊ HƯƠNG ĐIÊU TÀN

Phi cơ đến Huế lúc một giờ sáng tắt đèn từ trên cao khi lấy hướng đáp, thấp xuống, thấp xuống chút nữa, trên một độ cao cần thiết, đèn ở cánh được bật cháy, chúi xuống và bánh chạm đất, đèn lại tắt. Không một phi trường nào im lặng và tăm tối bằng. Phòng tối, ngổn ngang lính nằm, những người lính tóc rối và râu rậm, họ ngủ mệt nhọc và trăn trở, giấc ngủ đứt khoảng khi có tiếng động của bước chân đi đến dù tiếng động cực nhỏ, những đôi mắt đỏ hoe mở ra xong khép lại. Gần trăm con người không ngủ, họ chỉ nhắm mắt và nằm… Ngủ, hình như họ đánh mất sự nghỉ ngơi này, mất đã lâu, từ hơn hai tháng trên các căn cứ võ Định, Diên Bình dọc quốc lộ 14. Ngủ chỉ là trạng thái chập chờn của đôi mắt khép lại nhưng tai lắng nghe… Nghe tiếng nổ hoặc tiếng départ của pháo nơi xa…

Chẳng có vẻ gì để gọi là chiến tranh loạn lạc và điêu linh nơi chúng tôi đang đứng trong buổi sáng đầy nắng vàng và gió từ sông mang hơi nước dịu nhạt bay đến. Xóm Mỹ Chánh đổ nát vì vụ dội bom lầm hôm mồng 5 khúat sau rặng tre, chiếc cầu gỗ cháy từ bao ngày trước còn bốc khói, nhịp cầu sắt bị đổ xuống không đủ cường độ để gợi lên không khí bi thảm của trận chiến vừa xẩy ra cách đây mười ngày trên con đường nhựa bên kia sông, nơi bãi cát đìu hiu lặng đứng những khóm tre còm cọi… Những tang thương trầm thống của những ngày qua tan byến trong ánh nắng đẹp đẽ vàng rực của buổi sớm mai này. Có tiếng chim cu gáy ở bên kia sông, tiếng chim mộc mạc ấm áp như giọng cười khúc khích của đứa trẻ.

– Đấy, toa thấy cái lũy tre ở đầu con sông nơi chỗ quanh của con sông không? Liễn chỉ tay về hướng đông, nơi con sông quanh một vòng thật đẹp để đổ vào phá Tam Giang.

– Ờ, tôi thấy rồi, chỗ đó tôi đã đóng quân. Làng nội tôi đấy, làng Vân Trình, tên nghe hay không, mỗi vụ hè tôi về đây chơi, năm mười tuổi đã lội qua sông này được… Hai mươi năm sau cho bạc triệu tôi cũng không qua được bên kia một mình.

– Ừ. Tôi lơ đãng nhìn theo con sông, nơi này mùa đông xưa tôi đứng trên bờ đợi Mễ cởi áo bơi qua sông mua rượu, phía trái nơi xa có bãi đất bồi thửa ruộng, bắp lên những lá xanh ngắt…

– Người miền Trung cực quá, không đủ đất trồng lúa, có chút đất bồi là bám vào ngay. Ba mươi cây số từ núi ra biển không có chút đất màu, toàn cát và cát, cằn cỗi xám xịt không như cát vùng Nha Trang, Cam Ranh.

Súng nổ sát bờ sông, súng nhỏ, Bộ Binh Bắc quân mở đường, đánh thăm dò… Chúng trở về nơi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, Phúa đang báo cáo với Lữ Đoàn.

– Đó là tiền phương bộ binh của tụi nó xuống quan sát mình, chẳng hiểu nó bắn súng cối và 57 như vậy để làm gì? C… Mày gọi pháo binh làm mười tràng vào nơi yếu tố mà toán viễn thám ghi nhận tiếng départ. Phúc nói với Tiền, sĩ quan ban 3.

Pháo từ Phong Điền rơi lên ào ạt. Bắc quân ngưng tác xạ, họ xuống hầm hay đã bị chết, không biết được, những đám bụi do đạn nổ bốc lên tan đi thật nhanh, chỉ còn luồng khói đen cuồng cuộn bốc cao. Một ngôi nhà bị cháy. Có tiếng gắt của anh Phúc: “Tụi nó đặt súng ở đấy thì xin bắn ở đấy, làm sao biết viễn thám đêm vừa rồi có ngửi đúng hay không? Tiên sư có vợ, bị cặm sừng cũng đếch biết nữa là…” Anh ném cái ống liên hợp vào một góc nhà tụt xuống hầm chỉ huy xỏ chân vào đôi dép đi vào nhà thờ…

Đường về, trời nắng gió im buổi trưa mùa hè miền Trung bốc cháy toàn thể cảnh vật, núi im lìm rung rinh sau lớp hơi đá mờ nhạt, người lính bị thương ngồi băng sau gác bàn chân sưng đỏ máu đẫm ướt cuộn băng bày. Qua Phong Điền, xe bị kẹt, ngừng lại dưới tàng cây nhìn Pháo binh TQLC di chuyển cho cuộc hành quân đang khai diễn. Họ nhìn tôi tò mò, áo lính Nhẩy Dù đi xe TQLC, tóc dài và chiếc máy ảnh ở ngực… Tôi trông chẳng giống ai! Tôi cũng biết thế nên lúng túng đưa máy hình lên chụp loạn xạ. Ôi tôi hành nghề báo. Có một điều gì buồn buồn trong thân.

Mỹ Chánh không có gì, quả thật vậy, tôi về Sài Gòn, thay lớp áo quần dơ và ướt, uống ly rượu có đá lạnh, chạnh nhớ những người bạn ở nơi xa đang ao ước một tờ báo, dù tờ báo đã cũ từ ngày 30 tháng Tư… Điều này làm lòng tan vỡ, những người sống trên khổ nhọc miệt mài, trong núi xanh, trên cồn cát, những”sinh vật” lính quen thuộc và thân ái bị quay cuồng níu kéo hoài vào gian nguy triền miên… Không phải chỉ có ở Mỹ Chánh với Trâu Điên, nhưng khắp cùng đất nước, từ núi cao xuống đồng bằng, có đủ trên mỗi phần đất của quê hương. Mỹ Chánh không có gì ngoài hai xác chết bên kia sông cạnh chiếc xe tăng bị cháy, tiếng nổ B52ầm vang đều đặn và núi rung rinh, cây cầu bốc khói xám. Những người và cảnh chết này có nổi yên nghỉ riêng, lòng có xốn xang là hình ảnh người lính mang dép Nhật, chống cây gậy đi trên thôn xóm tan vỡ, người lính không đầy 20 tuổi… Em bị thương! Chỉ còn tiếng nói và hình ảnh đó đè nặng ở đỉnh đầu, tay tôi run và nặng khi viết những dòng chữ vô nghĩa này.

Quả bom chiến lược hay viên đạn súng colt chỉ gây một tiếng nổ, cũng chỉ viết thành “một chữ” trên trang giấy, nhưng trầm thống của con người thì mênh mông. Chữ nghĩa vô tri viết được mấy cho vừa.

18. HUẾ CÒN THỞ

Huế sống, chắc chắn như thế. Sống vì trong lòng Huế có những kháng tố âm thầm lặng lẽ, những phản ứng kín đáo mang sức mạnh sinh tồn của con người khi bị ép đến cuối chân tường, đưa đôi tay tuyệt vọng lên đầu, đánh đòn quyết tử để vượt qua biên giới giữa chết và sống. Huế sống, dù mệt mỏi, tàn tạ đau đớn, tất cả phải được vượt qua, qua hết để gánh chịu nỗi kiêu hãnh ngậm ngùi của một dân tộc tồn tại sau hằng hằng điêu linh. Huế phải sống vì số kiếp bi tráng thê thảm đó. Quê hương tôi không chết được… Huế còn thở.

Quê hương, nghe như lời mai mỉa, như tiếng cười khủng khỉnh lạnh nhạt. Quê hương đó và tôi xa lạ, lạ từ đường tóc giòng máu, lạ ở tiếng nói cách cười, xa lạ hoàn toàn trong lối sống và nhìn đời. Nơi chốn đó với tôi có một cách xa không bù trừ được. Nhưng tôi phải nhớ đến Huế, phải nghĩ đến, phải đau đớn bồi hồi khi đi lại trên những con đường vắng bóng người, không phải sự vắng vẻ yên tĩnh của hàng cây xanh lá vang động tiếng ve. Sự yên tĩnh ỡ đây nín lặng và đau đớn như ngôi nhà đóng cửa với tấm bảng “Nhà đang có chủ ở.” Giòng chữ không làm nóng không gian, chỉ tăng thêm sự run rẩy lo sợ thiếu hơi ấm của người. Tôi đến Huế vào ngày Huế vừa hé cửa như con voi già mở đôi mắt nhỏ từ đồi cao nhìn xuống đám rừng xưa nơi phần mộ của giòng giống nó. Con voi chưa chết được, Huế vẫn thế, Huế chưa đi hết đời của mình, Huế đang sống, còn sống. Tôi đau đớn ngất ngư, thấy nhói ở trong lòng, từng cơn đau có thật khi đi qua cửa Chánh Tây bị đổ nát, qua các khẩu súng đồng mà ngày nào trong thuở nhỏ, hai mươi năm trước, tôi ao ước được bò lên ngồi trên đầu nòng súng rồi nhẩy từ đây xuống.Tôi phải đau với Huế vì thấp thoáng trong không gian mờ nhạt của Huế co ro ướt át, tối mùa đông năm 1949, cầu Gia Hội đang sửa chữa, tôi loay hoay lạc lối trên những con đường Ngự Viên, Trung Bộ, lạc qua cầu Đông Ba về đến cống Phát Lát, thằng bé đội nón cối trắng và đi ba ta quai chéo, quần dài xanh có tấm yếm trước ngực “để che gió máy”. Tôi đấy, tôi của tuổi ấu thơ hỗn độn những rung động chưa đặt tên trong một thành phố âm thầm thê thiết.

Tôi đau với Huế, phải nhức nhối từng hồi, giật giật ở thái dương khi nhìn cảnh người đàn bà tất tả gánh đứa con đi trên đường Hương Thủy, Gia Lê, hai vạt áo dài đen đánh phần phật vào đôi chân luống cuống. Thuở xưa cũng thế, cũng chạy giặc, cũng “vỡ mặt trận,” cũng tan nát lửa đỏ và điêu tàn hừng hực.” Tây từ bên Tòa Khâm đánh qua, mẹ bỏ con trong thúng và gánh đi trong lửa đạn”. Thế nên tôi phải đau cùng Huế, dù quê hương đó bạc đãi, phân lìa…

Huế sống, cũng như sau bao nhiêu đại loạn, Huế chậm rãi chắc chắn chống gậy, lấn từng tấc, từng phân dựng đứng cơ thể tàn tạ và hồi sinh. Lần này cũng vậy, sau khi mất Đông Hà và Quảng Trị bị vây khốn, đồng bào Quảng Trị băng qua vùng Hải Lăng, Lương Điền chạy về Mỹ Chánh, dân Mỹ Chánh nhập vào lui xuống Phong Điền, An Lỗ… Nhưng Phong Điền, An Lỗ đâu phải là phòng tuyến “tử thủ” được; hai con sông cạn đáy phơi lòng cát khô khan dưới mặt trời hạ chí… Những người dân này lui thẳng về Huế… Và Huế bắt đầu thất thần hoảng hốt. Nhưng vẫn rất nhiều người tin tưởng: “Phe mình giữ được Quảng Trị, can chi mô, vài bữa mình lấy lại Đông Hà mấy hồi…” Nhưng niềm tin tin tưởng như quả bóng căng hơi sau khi nhận mũi kim đâm ngập. Quảng trị mất, mất chưng hửng tức tối. Biệt Động Quân nương nhau dọc quốc lộ về Nam, thủy Quân Lục Chiến co lại, tiểu đoàn này đỡ tiểu đoàn kia rút gần xuống Mỹ Chánh và sư Đoàn 3, không phải lỗi ở lính, ở cấp chỉ huy không gian, cũng có thể không ở Tướng Giai (chưa có thể kiểm chứng được) tan vỡ một cách phi lý, ba trung đoàn dù bị thiệt hại từ ngày đầu tháng 4 vẫn còn đủ quân số, vũ khí, phương tiện liên lạc, bổng nhiên như viên đá nhỏ tan trong ly nước bốc khói. Một đại đơn vị vỡ tan trong bất thần kinh ngạc, dân và lính đưa nhau chạy giặc đổ về Huế như cơn nước từ nguồn băng qua bờ đê cát nhỏ. Và Huế dưới cơn ép kinh hoàng của Quảng Trị nổ bùng, vỡ nát như ánh lửa điên loạn bốc cháy chợ Đông Ba chen tiếng đạn của đám quân đói, Huế vỡ tan. Vỡ dưới ảnh hưởng kinh khiếp của Mậu Thân, giặc vào và ta chết, chết từng loạt.

Huế hốt hoảng vì viễn ảnh thấp thoáng toán lính mang ngôi sao vàng sục sạo khắp cùng ngõ ngách, đường hẻm để tìm địch, giết Ngụy. Huế sợ và bốc cháy lo âu… Người xuôi Nam hướng Đà Nẵng, nối nhau chen chúc trên tất cả mọi phương tiện di chuyển. Bỏ quê hương chạy giặc…

Bây giờ là buổi chiều. Huế đang ở mùa hè, phượng đỏ, mặt nước sông Hương loáng ánh nắng. Tôi đi dọc bờ sông, chiếc cầu mới quá tân kỳ, chân cầu vây kín giây kẽm gai đề phòng thủy lôi không hợp với nét cổ kính tàn phai xứ Huế, công trường Phú Văn Lâu tiêu điều, lá xanh không che nổi sức nóng. Nơi này, thuở xưa xa lắm, tôi lang thang nhặt những hạt cườm đỏ có chấm đen từ cây rụng xuống, đứng ở bồn hoa nơi có bốn con rồng luôn phun nước đưa bàn tay nhỏ e dè hứng những hạt nước long lanh bắn tung tóe trên ven bồn đá xám. Bờ sông xưa nay cỏ dại mọc đầy, những viên đá nâu đỏ của lối đi không còn nữa thay vào đấy lớp đất cát tung bụi dưới bước chân.

Cầu trường Tiền không còn vang tiếng guốc và chập chờn những tà áo trắng, nhưng đã có bóng người và màu sắc. Dọc theo đường Trần Hưng Đạo, bến xe, quán ăn, tiệm nước đầy thực khách, người ở Đà Nẵng trở về nhiều hơn người ra đi. Dấu hiệu tốt ở tiếng thở dài nhẹ nhõm của người hành khách khi bước xuống xe – “Rứa mà tui nói không ai tin, Huế có chi mô mà sợ…”

Trời sập tối, tôi leo hàng rào nhẩy vào căn nhà người cậu… A! Cậu đây rồi. Ông cậu quắc thước khỏe mạnh ngày xưa không còn nữa, trước mắt tôi chỉ có một ông già, tóc và râu trắng bạc. Cậu run tay, mắt mở lớnnhìn thằng cháu hoang đàng trở về trong lúc trời hết nắng, ngày tàn… Con đấy hả, u trời ơi… Lâu chẳng biết con ở đâu, con đến lúc cậu đang cúng bà ngoại, cúng bà với bát muối mè và cái bánh chưng!

– Cậu không đi đâu?

– Không, Mậu Thân cũng vậy, cậu ở nhà, hôm nay lại là ngày kỵ bà, cậu không đi đâu hết!!

Chị tôi ở bếp lên, chị Nga đẹp đẽ đài các của ngày xưa cũng đã thay đổi, đấy là một người đàn bà mà chịu đựng đã đầy làm xạm mái tóc xanh…

– Chị ở Đà Nẵng ra với cậu, chị tin sẽ không có một chuyện gì nữa, tất cả mọi chuyện cũng thế thôi. Sống là được, sống là hạnh phúc rồi…

Tôi ăn bữa cơm gia đình sau bao nhiêu năm cách biệt. Đi ra khỏi nhà trong bóng tối dày đặc, đèn đường không có. Lối đi nhỏ lẫn trong đám hàng rào lá chè xanh dầy kín. Dọc trên đường về sân bay Tây Lộc, hào bên phải bay ngát hương sen – Mùa hè rồi, mùa đẹp nhất xứ Huế, mùa của đêm trăng nhỏ giọt qua cành lá, bánh xe đạp rong ruổi trên đường nhựa vắng, lưng người con gái chuyển dịch bí ẩn sau chiếc áo mỏng và một khối tóc đen đong đưa kỳ ảo theo bước chân, ẩn hiện bất chợt qua những hàng dậu lá che dầy đặc. Mùa hè sống động kỳ ảo của Huế đấy, bao giờ có lại những ngày xanh huyền hoặc đó, không còn nữa, tuổi nhỏ đã qua đi rồi… Qua một quán nước, ánh nến vàng mệt, cô gái bán hàng rạng rỡ giữa một đám lính trẻ, Quán Lưu Khách.

Một đời sống khác của Huế bắt đầu, bắt đầu lại trên hoang tàn nhưng còn nguyên cách thế phong lưu của hương sen kỳ vị đậm ngát một vùng trời đất. Trên cực điểm của trầm thống, bên cạnh những hào xưa thành cũ, những người tuổi trẻ ở Huế sẽ lớn lên, gạn lọc, tập trung năng lực để tồn tại và khia phóng… Ước mong quê hương đó lớn đẹp và khỏe mạnh như tiếng cười dòn dã thẳng thắn của cô gái hồng sáng dưới ánh đèn dầu. Ước mong như một tạ lỗi muộn màng.

19. BAY TRONG HOÀNG HÔN

Tàu không bay thẳng ra đèo Hải Vân, nhưng bay dọc theo bờ biển ra Nam Ô. Trời đã chiều, nắng hết chỉ còn “dư âm” của ánh vàng trên cây cỏ. Từ trên cao nhìn xuống, biển Thanh Bình ngày nào không còn nữa, nhà lấn ra sát mặt nước, nước xanh đục lợn cợn rác, bọt vàng của rêu và chất dơ. Hết cả rồi, chốn xưa, ngày mới lớn, đêm hè trong vắt lấp lánh sao, nửa đêm về sáng ngồi dậy đốt vỏ bánh xe nhìn ánh lửa, nhìn đại dương, nhìn Tiên Sa đen thẫm cùng Hải Vân vòng đường kín đặc, vòng núi hở một khoảng ở hải đăng để thấy biển phía xa xanh xao dưới ánh trăng non. Mơ ước gì trong đầu óc tươi trẻ đó? Không biết, chỉ thấy lòng mênh mông thênh thang bay lên tiếng hát âm thầm phơi phới. Hết, chiều nay trên độ cao gió lạnh nhìn xuống biển xưa vấy bẩn và lòng nặng trĩu nặng phiền phiền. Máy bay dọc theo biển để thấy rừng dương ở Nam Ô xơ xác, trơ rụi. Ôi khu rừng thơ mộng của ta mười bốn năm trước thế này sao. Rừng không còn, chỉ còn khu vườn dương liễu cằn cỗi, bờ cát vàng dốc đứng nay cũng thấp xuống tan hoang… Không còn gì nữa, quả thật không còn gì nữa, như tuổi thanh xuân đã mờ khuất đi. Qua núi Nam Ô để thấy lại bóng mẹ xõa tóc ngồi hong nắng. “Mẹ con mình là người đầu tiên ở Đà Nẵng đến tắm ở đây…” Mẹ đã nói thế để khích long “giang hồ vặt” của con trai. Đà Nẵng – Nam Ô 10 cây số đường dài quá xa cho một tuổi mới lớn.

Năm phút máy bay đủ đi hết một quãng đời niên thiếu, mau thật. Tôi tưởng như vừa qua lớp mộng dài.

Gió lạnh, phi cơ đã đâm thẳng ra biển để vượt Hải Vân, đỉnh núi bên trái phủ mây trắng, đường nhựa ở trên, đường xe lửa ở dưới, thấy rõ trước mắt hình ảnh đứa nhỏ tóc bay đưa chiếc đầu ra khỏi cửa sổ thành tàu nhìn xuống đại dương đen ồn tiếng sóng, sóng bạc đầu xô đẩy vào ra. Sâu hun hút, tưởng dưới xa như là chốn nghìn trùng không đến được… Sửa lại thế ngồi đỡ mỏi chân, cong hai đầu gối sát ngực cho bớt lạnh. Lại giống hình ảnh đứa bé đêm trừ tịch năm nào ngồi co ro trong một chiếc xe hàng trên đỉnh đèo sương phủ và gió rét. Tôi sống torng hai thế giới, trong hai chốn thời gian lúc trực thăng đổi cao độ vượt đèo… Mình là ai? Đi đâu? Mong ước gì? Hơn mười năm chưa thấy rõ mình. Đời khó thật.

Trời vẫn còn sáng trên không, thứ ánh sáng mờ mờ của bóng tối sắp đến, xuống ở độ thấp 100 thước để thấy rõ từng nếp nếp nhà, sân đất, giậu tre và những cánh đồng xanh, quê hương bình yên và đẹp vô ngần trong ánh sáng cuối cùng của một ngày. Đầm Thủy Tú lăn tăn sóng nhỏ trải dài như một thỏi kim cương xanh. Đầm mênh mông lặng lẽ dạt những vòng tròn xôn xao khi trực thăng bay qua, núi Túy Vân ấn một nét đen đậm dịu dàng trên không gian và mặt hồ xám bạc. Túy Vân Sơn, tưởng tượng đến hình ảnh ngày xưa đoàn thuyền lộng lẫy của Hoàng Gia trôi theo giòng nước đến nơi này neo bến và tiếng chuông cuối ngày lồng lộng trên sóng nhỏ tan dần vào hư không. Chiến tranh mệt mỏi của ngày dài di chuyển tan nhanh như sương mỏng, tôi mở to hai mắt, dựng đứng hết xúc cảm để nhìn hết, lấy hết toàn khối quê hương đang nằm dài yên lặng dưới xa – Không thể có nơi nào đẹp hơn quê hương ta! Câu nói của cuốn sách thơ ấu được lập lại không định trước. Phải, quê hương ta quá đẹp, vẻ đẹp mộc mạc, bình lặng cao cả, quê hương là thiên nhiên cô đọng, quê hương tan biến hòa hợp vào cùng vũ trụ. Núi không cao, đầm không rộng, nhà mái tranh, con đò nan mảnh mai trôi lững lờ trên sóng nước hiền hòa, khuôn đất nhỏ vàng nhạt, từ trên cao vẫn tưởng được độ cứng và vẻ bóng bẩy phẳng lặng in từng đường chổi mới quét qua… Quê hương thương yêu nồng nàn dưới đó, dưới độ cao 100 thước, trên lưng đàn trâu về chuồng, cong đôi sừng nghếch khuôn mặt chịu đựng, giương đôi mắt võ vàng nhìn tiếng động trên không. Lòng bồi hồi run rẩy như vừa qua khỏi chốn linh thiêng… Bao nhiêu phần đất của quê hương còn đượm vẻ thanh bình này? Chắc còn rất ít, hay chỉ còn lại trên ảnh trên tranh, trong trí tưởng, trong ao ước… Vì khi máy bay vừa đến Huế, nhận được lệnh di tản thương binh, phi hành đoàn chỉ kịp và vội miếng cơm, lấy tọa độ bãi đáp và tầng số làm việc, bay liền hướng Hương Điền dọc Phá Tam Giang. Tiểu đoàn 6 và 8 TQLC vừa đụng trận.

Trời sập tối, cảnh vật xanh xanh xám xám, chút sương mờ đã dâng lên từ mặt nước. Trực thăng qua La Vân, Hương Cổ, Quảng Điền, những nơi chốn quá quen biết bao nhiêu lần xuôi ngược trên bờ lúa dọc con sông xanh thẫm lác đác những lá tre già. Tàu vượt Phá Tam Giang – A! Lại một chốn xưa huyền bí – Phá mông mênh bí mật u trầm, phá xôn xao chuyển dịch những lượn sóng xuôi ngược, phá nồng nàn say sưa như tuổi nhỏ khi đọc đến câu “Yêu em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.” Vật biểu tượng ngăn trở tình yêu là đây, tôi nhớ lại được nỗi rung động náo nức của tuổi mới lớn… Nhưng bỗng nhiên như luồng sét thật mạnh đánh sát mặt, như kẻ bị phụ tình trong giờ khắc say đắm nhất, tàu đã bỏ mặt nước xanh để bay lên vùng cát trắng. Tôi lao đao như từ ánh sáng vào bóng tối, tôi tóe lửa ngộp ngộp hơi thở như gió thổi mạnh đập vào mặt. Nỗi mơ mộng tan vỡ, vỡ bùng không còn chút níu kéo. Tôi đang bay trên một quê hương điêu linh, không thể trốn chạy được… Lũy tre xanh, bọt sóng đầm xô đẩy, núi Túy Vân lặng lẽ, mảnh vườn đất phẳng, nụ cười sáng, bàn tay vẫn trên đồng xanh không có giá trị gì nữa. Quê hương đẹp đó quá ít, quê hương này, quê hương dưới chân, trên cát trắng quê hương trải dài theo biển từ Thế Chí, Đại Lộc qua Mỹ Thủy, Triệu Phong mới thật sự điển hình cho tàn tạ, tàn tạ tuyệt vọng câm nín của những “ổ” nhà nằm rải dài trên 30 cây số ngút ngàn lặng lẽ. Ba mươi cây số không nhà, chỉ độc một chuỗi ổ chuột sùm sụp ép mình trên cát, chơ vơ thụ động dưới mưa bom và đại bác – Tội quá trời ơi, năm xưa 1967, khi qua vùng này đã phải cúi mình xuống làm đôi để nhìn một gia đình một mẹ năm con ngồi ôm lấy nhau dưới mái lá như vượn mẹ bồng con ngồi co mình nhìn lũ người cay độc… Bao ngày qua, đời sống dưới mái lá đó càng thêm độ thê thảm. Không đồng lúa, không nghề chài, họ ăn gì, lấy gì để sống qua hằng hằng tháng ngày tân toan, rồi lại thêm bom rơi đạn rớt, bom đạn không phải chỈ một cơn một lúc nhưng phủ đầu và ngập mặt. Trước 1967 đến bây giờ là bao lâu? Còn con người chăng trên bãi cát trắng dưới những “ổ” lá nằm rải rác trên dải quê hương điêu tàn đó? Có đàn lợn đi lang thang trên bờ biển, loài thú tầm thường bình yên, không thích hợp với hùng vĩ của đại dương chạy tán loạn khi nghe động cơ vang nổ… Chữ Gia của tiếng Hán được biểu tượng bởi một mái nhà dưới có chữ Thỉ – Trên giải đất không nhà này đâu còn nơi nương náu cho loài thú tội nghiệp kia – Người sống làm sao được trong tan nát này hả trời? Câu hỏi buồn cười tội nghiệp vang âm thầm làm nhói cơn đau nhức nhức ở nơi ngực.

Không thể gọi là “dãy phố buồn hiu” nhưng phải gọi “dãy quê hương thê thảm,” cũng chưa đủ cho nơi chốn tàn tạ hấp hối này.