Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (465): Phan Nhật Nam (5)

Mùa hè đỏ lửa

6. Trường Sơn ác độc nhận thêm một hình hài: ĐỐT CHARLIE

Bây giờ là buổi chiều. Buổi chiều với nắng vàng và gió lộng. Không còn tiếng nổ trong không gian, ba mỏm núi bốc những sợi khói nhỏ, mờ mờ hơi nóng. Nóng không phải hơi nắng mặt trời nhưng do âm ỉ của thuốc súng chưa kịp tan, còn lẫn khuất nơi cây cỏ, đất cát.

-Thiếu tá… Hải gọi nhỏ Mễ. Lúc riêng rẽ, ít khi hai người gọi nhau bằng cấp bậc, nhưng bây giờ, tình hình đã khác, trách nhiệm và bổn phận quá đổi nặng nề, thêm xúc động trong lòng qua cái chết của người chỉ huy.

Hải nhắc nhở Mễ, Thiếu tá, tổng kết là mình chết 20, 40 bị thương cần di tản,

Mễ gật đầu, đưa mắt nhìn hỏi Liệu…

– Đúng vậy! Liệu đáp nhỏ. Anh toubib hết đồ nghề, nhìn xuống xác anh Năm, như một cách lẩn tránh.

-Dạ, có ông Hùng muốn nói chuyện với thiếu tá, người lính truyền tin đưa ống liên hợp cho Mễ.

Tiếng Hùng ở C1, vọng trong máy: Trình Mê Linh (danh hiệu truyền tin của Mễ), ở tôi thì không có gì, nhưng từ sáng tới giờ sao chẳng nghe 008 (Tiểu đoàn trưởng) nói gì với tôi hết… Giọng Hùng mang vẻ trách móc xa vắng, ắt hẳn hắn đã linh cảm được tai nạn xảy ra. Mễ nhìn xuống xác anh Năm, đôi mắt đỏ mệt mỏi chớp chớp, hình như có giọt nước mắt lưng tròng.

-008 đã bắt tay với ông Phan (Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Dù, đã tử trận Hạ Lào, 1971), biết thế thôi, đừng nói cho ai hay…

– Dạ, tôi nghe rõ Mê Linh. Hùng không còn hơi sức để hỏi gì thêm.

Súng lại nổ dưới Charlie. “Cất” anh Năm lại, đừng cho lính biết. Tất cả ra giao thông hào. Mễ ra lệnh ngắn. Lời nói đanh cứng, dứt khoát. Trong ráng chiều, những người lính ở C1 và C 2 chăm chú theo dõi trận đánh nơi cao độ C.

Bắt đầu, cối và sơn pháo từ những cao độ phía Tây bắn từng nhịp bốn trái một vào căn cứ, xong bộ binh sư đoàn Điện Biên từ hai hướng Tây, Tây-Nam xếp hàng như đi điễn hành tiến vào…

– Đúng là tụi nó điên rồi, không điều động, ẩn núp gì cả… Điện Biên cái con c…!! Lính ở C1 và C2 đồng đứng dậy khỏi giao thông hào chơi trò chơi mới,

– Mầy bắn vào cái hố có bốn thằng núp dưới kia, nếu trật thì để tao. Hai người lính đại đội 112 thách nhau dùng súng phóng lựu M 79 và hoả tiễn cầm tay M72 từ đồi cao bắn xuống. Trái đạn bay đi khoảng ngắn, đất bụi bay lên… Bốn thân xác phơi trần trụi, vật vã, lăn lóc. Người lính nhỏ Miền Bắc đi giải phóng ai đây; trong phút chốc họ đã trở nên thành những bia thịt sống thậm vô ích và chết với gía quá rẻ.

Cuộc tấn công vào cứ điểm C kéo dài năm đợt. Lính Thinh đánh tỉnh táo, chắc chắn. Nhưng bỗng nhiên, Mễ có quyết định: Rút nó về, nhỡ tối nay, nó hết đạn thì sao…

Hải gọi liền máy, bảo Thinh:

– 401 (Thinh) đây 06 (Hải), anh xếp va-ly lại, nhớ mang theo mấy thằng rách áo, về ở với bố mẹ…

– Vâng, vâng, tôi nghe rõ, tôi cũng có ý định đó vì kẹo gần hết, nhưng sợ 008 và 007 (Tiểu đoàn trưởng và phó) hiểu lầm. Tội nghiệp chưa, đến giờ nầy, Thinh vẫn không biết người anh cả của tiểu đoàn đã đi khuất. Trong âm nói của Thinh vang động mối hân hoan vui sướng “về với bố mẹ”. Thinh đâu tiên đoán được đến lượt mình ở ngày mai?!

Đại đội 111 rút được về C2, năm giờ chiều, trời chỉ còn chút ráng đỏ, gió lạnh… Đỉnh Charlie trống trải cháy ngọn lửa điêu tàn. Và trong hoang vu hấp hối của cỏ cây, hằng trăm người lính Bắc Việt, “những chiến sĩ Điện Biên của sư đoàn Thép, đơn vị vang danh bốn chiều lục địa, những người lính Quân đội Nhân Dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà”, tất cả đồng nhào lên Charlie một lượt… Những bàn chân gang thép mang linh hồn vũ bão vào Nam giải phóng, đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược” đồng chạy mau hơn, nhanh hơn… Để cùng lăn lộn, giành giựt trên vùng đất vỡ nát, lầy lụa xác người và hơi thuốc đạn. Như một cơn đồng nhập quẩn trí, tất cả đồng vất bỏ vũ khi, dùng tay trần cào, xới, bới, móc… Đám lính đói sư đoàn Thép kiếm thức ăn. Họ tìm gạo sấy, thịt hộp và C Ration. Cuối đường giải phóng, những “chiến sĩ Điện Biên anh hùng” tìm ra “vinh quang đích thực” nơi những hộp thức ăn chế tạo tại Mỹ, giữa đám xác người Miền Nam họ vừa tàn sát.

… Bom!! Bom!! Đốt cháy tụi nó hết!! Mễ nói như thét,

– Có ngay! Hải “khều” ngay ba phi tuần Napalm; toán lính Bắc định tháo chạy, nhưng không kịp nữa. Theo một hướng Tây - Đông chính xác, ba chiếc Skyraider cùng chúi xuống một lúc… Lửa lồng lộng, lửa vàng đỏ trộn khói đen cuộn lên lớp lớp… Trong cỏ cây cháy khét có mùi thịt. Thịt của người và thịt của thức ăn. Lính cộng sản sư đoàn Điện Biên Phủ vinh quang chết trên mục tiêu vừa chiếm lĩnh. Những hộp thịt thức ăn chế tạo tại Mỹ.

Ngày 13 tháng Tư, Mễ cho đại đội 112 xuống chiếm lại C. Lính của Hùng “móm” vừa từ trên“hột lạc” đổ xuống bị bật lại ngay bởi một hàng rào của cối 60, 82 và sơn pháo 75 ly bắn thẳng từ ngọn đồi phía Tây. Bộ chỉ huy tiểu đoàn không một chút do dự: Cho thằng 2 về, tụi nó hận mình về vụ hôm qua. Lên phía Bắc không được, Mễ thử bung quân ra hướng Đông để tìm bãi đáp. Phải có một bãi đáp bất cứ giá nào, thương binh, người chết, xác anh Năm… Tất cả cần phải di tản. Sự hiện diện của những đau đớn nầy làm lòng nặng xuống, cũng có thể gây nên tâm lý phục hận phẫn nộ, nhưng cũng là lần suy sụp lo sợ. Phải di tản gấp số thương binh. Mễ nói với Thinh:

– Ông gắng ra chỗ nầy, (một trảng trống cách C2 khoảng ba trăm thước về hướng Đông), kiếm được LZ (bãi đáp trực thăng), di tản hết thương binh và người chết, tụi còn lại mới yên lòng được. Đừng để cho lính có cảm giác bị bỏ rơi, tinh thần họ giản dị, dễ xúc động. Hơn nữa, mình hết đạn và nước uống. Nhé, ông gắng ra cho được.

– Dạ, thiếu tá để tôi.

Thinh can trường như Triệu Tử Long, dẫn đại đội chỉ trên khoảng bốn mươi người rời căn cứ. Cái trảng trống kia rồi, 50, 40, 30… Gắng chút nữa, mình có nước uống!! Thinh thúc giục người lính. Nhưng không thể được. Bắc quân bắt đầu khai hoả, bốn phía cùng nổ từ các cao điểm chung quanh. Nguy hiểm hơn, địch cắt đứt đường về, quân ở C2 cố ra đón bị chận lại, không thể dùng một thứ vũ khí nào khác ngoài lựu đạn. Tiến không được, thối lui không xong, trên đầu bị vây chụp bởi đạn sơn pháo từ dãy cao điểm phiá Nam dội xuống. Thinh ngã chết. Chỉ còn con đường nầy cho người lính trẻ. Thinh chết giữa trời, trên đồi cháy. Viên đạn cuối cùng vừa bắn ra. Bóng Bắc quân vây kín. Trái lựu đạn còn lại cũng vừa ném… Người sĩ quan tuổi quá hai mươi ngã xuống bởi chục nòng súng xả đạn vào. Chuẩn uý Ba nhào đến ôm xác Thinh, hứng nốt những viên đạn còn lại.

Mễ nổi điên trong giao thông hào, gọi máy liên lạc với đại đội 111:

– Ở đấy còn có ai?

– Có tôi. Khánh, sĩ quan liên lạc tiền sát pháo binh đáp mau.

– Anh coi đại đội, cố dẫn về lại tôi, có thằng 4 ra đón.

– Tôi nghe đích thân rõ. Người sĩ quan pháo binh gom quân làm một mũi dài… Đánh!! Để tao đi đầu, lựu đạn mở hết kíp ra. Trung sĩ Lung, người hạ sĩ quan thâm niên nhất dẫn đầu toán quân, xung trận như mũi tên lửa. Đường về có được rồi, bắn bắn che nhau, Lung về chót… Nhưng còn hai ông thầy!! Lung cố chạy ngược trở lại nơi xác của Thinh và Ba. Một loạt đạn vô tình nào đó… Chầm chậm Lung ngã xuống. Ba xác chết chồng lên nhau bất động.

Hai giờ chiều, Bắc quân mở cuộc tấn công mới, cuộc tấn công công khai, nhắm thẳng vào C2, căn cứ chính.

-Tụi nó dứt mình. Được, mầy “điện biên” tao “nhảy dù”, xem ai hơn ai… Tất cả ai ngồi được, kể cả bị thương, ra hết giao thông hào, thằng nào kêu la khóc lóc, tao bắn chết. Chính tao bắn… tụi mầy để thua, tao bombing vào đây. Chết, chết tất cả!! Mễ gào lên, xong ngất xỉu.

Liệu nói nhỏ, thì thầm sát tai Mễ: Tim ông nó mệt rồi, đừng “gonfler” quá, ông chết luôn, hết người chỉ huy.

Lính sư đoàn Điện Biên thổi kèn xung phong dưới yểm trợ của cối và sơn pháo. Quân ta sau mỗi đợt pháo, đứng khỏi giao thông hào… Vào nữa… vào nữa đi con… Có đứa nào già không mầy? Tao chỉ thấy toàn con nít, đánh tay không tao cũng có thể bóp cổ tụi nó được!! Trước mắt lính nhảy dù, một lớp, hai lớp, những “đứa trẻ” cứ tuần tự đi tới… Những lớp trẻ con chơi trò đánh nhau. Chơi trò chơi ác độc do ép buộc, tuyệt vọng và vô nghĩa lý.

… Không nương tay với nó… Napalm Hải!!

– Có ngay!!

Hai chiếc skyraider xuống thấp như chưa bao giờ thấp hơn, dưới đất thấy được chiếc mũ trắng của anh pilot; hình như anh muốn nhìn quân bạn, anh muốn chào thăm hỏi như sau mỗi lần thả “líp” dù chót, phi cơ thường hạ thấp cách mặt đất khoảng vài mươi thước để “chào bãi”. Ở đây cũng thế, hai chiếc máy bay rà sát xuống coi như gần đụng ngọn cây. Thả bom với cao độ như thế nầy chắc chắn không chệch một thước, bom nổ cháy xém đến tuyến phòng thủ của quân bạn, đám lính Bắc lăn lộn trong bãi lửa, chạy dạt ra xa… Nhưng ô kìa, hai chiếc skyraider không lên được nữa… Lòng can đảm và tình đồng đội đã giết các anh. Các anh đã xuống quá thấp để ném bom thật chính xác, để bung địch ra cho bạn. Các anh đã quên thân mình… Hai cánh đại bàng chúi xuống. Chúi xuống nữa và bốc cháy… Vĩnh biệt các anh! Đám cháy kết thúc trận đánh. Thây người cháy đen nằm chật sườn đồi.

… chúng nó đánh, chết như thế để làm gì nhỉ!? Một ngày của hai mươi bốn giờ trên thép đỏ và máu nóng đi qua. Trời tối dần. Đêm xuống… Người lính dựa lưng vào giao thông hào liếm môi. Môi anh nóng như miếng vỏ cây bị nung khô… từ sáng đến giờ chưa được uống nước. Anh không còn sức để nghĩ thêm sau chữ “nước”.

Ngày 14 tháng Tư tiếp theo. Tính đến hai giờ chiều, C2 nhận hơn 2000 đạn “delay” và nổ chụp. toàn bộ tiểu đoàn 11 co mình trong giao thông hào dưới cơn mưa pháo không dứt đoạn.

… Nó nổ xa mình. Hải thều thào.

– Ừ phía Tây, ngoài tuyến mình. Liệu tiếp lời, gật đầu đồng ý với Hải. Nhưng thật ra cả hai đều tự dối, pháo không rơi một điểm, một tuyến, pháo chụp toàn thể C2. Pháo tan nát. Pháo mênh mông. Tất cả những lời nói chỉ là cách tự đánh lừa, trấn tỉnh đồng đội và cũng chính mình.

– Hôm nay 14? Liệu hỏi bâng quơ, gợi chuyện trong tiếng nổ ầm ĩ sắc buốt. Mễ, Hải không trả lời, đưa mắt dò hỏi. Còn lời nào trong cơn mưa lũ của sắt thép vang động nầy?!

– Hôm nay mười bốn, mai mười lăm, ngày đầy tháng con tôi…

Bốn con mắt lại mở ra. Mễ và Hải không hiểu ý Liệu. Không hể hiểu nổi… Vì Liệu đang nghĩ: Không lẽ ngày đầy tháng con bố lại chết?! “Chết”, chữ nhỏ ngắn nầy làm tê liệt hết phản ứng. Chết đến từ tiếng “bục” âm âm nơi xa, sâu trong rặng Big Mama… xong nổ “oành” đâu đây… Hình như ngay trên đỉnh đầu, trong lòng nón sắc đang vang động u u. Giữa khoảng cách kinh khiếp nầy chữ “chết” hiện ra sáng rực như một giải quang báo, tiếp nổ bùng với toàn hể sức công phá. Tiếp tục… tiếp tục… Bốn cây 130 ly nơi xa nã đạn xuống Charlie nhịp nhàng từng ngắt khoảng ngắn.

Năm giờ chiều, trận mưa đại pháo chấm dứt để cối và sơn pháo 75 ly điểm giọt, bắn thẳng vào căn cứ.

– Xong rồi, tụi nó “chơi’ mình lại. Mễ đứng khỏi giao thông hào. Đêm nay là quyết định, mình và nó last fighting… Mễ báo cáo với bộ chỉ huy lữ đoàn.

– Bây giờ tụi nó hết “in coming (pháo kích)”, và bắt đầu “ground attack”. Không phải Mễ sính dùng tiếng Mỹ, bởi thông thường, những danh từ kia phải được nguỵ hoá, nhưng bây giờ tìm đâu ra thì giờ để dò tìm từng từ trong bảng“Ám danh đàm thoại”.

– Nó đánh anh chưa? Viên lữ đoàn trưởng ở căn cứ Võ Định vào máy liên lạc trực tiếp với Mễ.

– Bắc đầu ở hướng cũ, Tây và Tây-Nam, heavy attack.

Tất cả đứng khỏi hầm, đạn súng colt lên nòng, bác sĩ Liệu lúi húi tìm mấy trái lựu đạn… Tôi hết đồ nghề bác sĩ rồi, chơi “đồ chơi” mới vậy, lần sau đi hành quân, tôi mang một khẩu đại liên 60!! Không ai còn sức hưởng ứng câu đùa của Liệu. Mễ nhăn mặt đau đớn, ngày hôm qua bị một quả pétard (thủ pháo, một loại lựu đạn biến chế) nổ quá gần, sức nổ ép cứng xương sườn vào vách hầm, để lại những vết máu bầm lấm chấm…

Trời tối dần, hơi núi đùn lên cao, đậm đặc thêm vì khói súng. Bắc quân đã chiếm được một phần giao thông hào, tuyến phòng thủ của đại đội 114… Trình Mê Linh, nó lấy của của tôi một “khúc ruột”. Cho, đại đội trưởng 114 báo cáo với Mễ.

– Hải, nói với lữ đoàn nó vào tuyến mình rồi.

– Tao… tao mệt… nói không nổi, Liệu giúp hộ…

Bác sĩ Liệu, to người, béo mập, đang khom lưng lẫy súng colt lạch cạch như trong phim cao-bồi, chớp ống liên hợp máy truyền tin.

… Dễ thôi, để tôi… Tụi nó cắm được một phần vỏ lạc của tôi… Liệu ề à với giọng tỉnh táo đùa cợt.

– Ông phải la lên mới được, đùa thế, ngoài ấy tưởng mình giỡn.

– Giỡn làm sao, không đùa như thế, chẳng nhẻ lại khóc lóc mếu máo sao… Ê… chạy đi đâu!! Liệu quay nòng súng colt về phía một anh lính đang nháo nhát chạy vào khu giao thông hào trung tâm.

– Đi ra, ông bác sĩ không bắn mầy thì tao bắn cho mầy biết chết như thế nào? Mễ hét lớn với người lính… “biết chết như thế nào?!”. Mễ cũng buồn cười vì lời nói của mình… Chết rồi, thì biết chó thế nào nữa?! Ầm! Một trái bộc-phá nổ thật gần, bắn Mễ ngã ngữa người xuống. Mễ lồm cồm bò dậy, sờ lưng.

– Bác sĩ, chắc tao bị thương nặng!! Mễ thều thào.

Liệu xoa tay lên lưng Mễ, thân áo rách lỗ chỗ… Đếch có gì cả, mảnh nhỏ như bụi, vì ông yếu sức nên ngất thế thôi, đây là hậu quả những cú đấm của thằng Hennessy, Couvoisier trước kia!!

… C… giờ nầy mà mầy còn trêu được!

– Stupid! Why you fire forty-five? Anh cố vấn trưởng, thiếu tá Duffy hét vào tai Liệu.

– I have only this… Mẹ mày, giờ nầy còn why với what… What cái cần câu ông ấy.

Một đợt, hai đợt… năm đợt, Bắc quân tràn vào, bị đẩy ra, lại tiếp tục tràn vào, chiếm được một đoạn giao thông hào, xong lấn dần từng đoạn.

– Không xong rồi, nó nhiều“tiền” quá! Hải lẩm bẩm.

Mễ nhìn Liệu, Hải, cố vấn trưởng Duffy. Tôi muốn ở lại! Mễ chắc giọng.

-Nó vào chỗ thằng 4 (đại đội 4), đang qua chỗ thằng 2, mình hết đạn… Dọt, tôi đề nghị. Hải khôn ngoan, dứt khoát.

– Phải, mình “ra” đi, ở đây chịu không nổi, tụi nó đông gấp mấy mình. Liệu tiếp theo. Chữ “ra” ráo hoảnh trống không.

Mễ im lặng, gỡ nón sắt ra khỏi đầu.

… No hesitation, the best way… Sir? Duffy, Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, người quấn băng loang lổ máu khô, anh đã bị thương ba nơi trên thân, nhưng quyết ở lại với tiểu đoàn. Viên cố vấn, hiểu được phút giây nghiêm trọng đối với Mễ; lần đầu tiên anh gọi người cùng cấp bậc, một thiếu tá người Việt với danh xưng kính trọng, “sir”.

– Đồng ý, cho thằng 2 dẫn đầu, xong đến đại đội chỉ huy và thằng 4 bao chót. Hải, gọi máy qua thằng 3, bảo nó “nhổ neo” ra điểm hẹn nầy. Mễ chỉ một vùng tập trung ở hướng Đông-Bắc trên bản đồ. Bảo nó đi ngay, mang theo thương binh.

Lần đầu tiên trong đời tác chiến Mễ phải “chạy”, Mậu Thân, 1968, ở Huế, với đại đội chỉ còn ba mươi người, dẫu trùng trùng nguy khốn, Mễ vẫn điều quân phản công chiếm lại cổng thành Thượng Tứ. Nhưng, lần nầy, viễn ảnh toàn bộ tiểu đoàn bị tràn ngập, Mễ không còn cách nào khác hơn.

– Hướng Đông-Bắc, 800 ly giác, thằng 3 sẽ ra đó với mình. Hải chuyển lệnh cho Hùng “móm”, thành phần xung kích còn lại cuối cùng của đơn vị.

… OK, em nghe, em làm được cái một. Hùng “móm” vẫn ranh mảnh như không có chuyện quan trọng đang xẩy ra.

Đi xuống hoài, vực sâu hun hút, trời tối thẫm và cây rừng đan lưới. Chỉ tiếng lá khẽ động dưới bước chân cùng những thanh âm rên rỉ gầm ghìm trong cổ họng. Đoàn quân lẫn vào bóng đêm như muốn tan thành vật vô hình. Sau lưng họ trên đồi cao, C2 bốc lửa ngọn. Bom đã thả xuống khi người lính cuối cùng đại đội 1 ra khỏi vòng vây. Thương binh nặng và xác “anh Năm”, chuỗi cảnh tượng chập chờn chồng lên trí óc Mễ. Mệt, cảm giác rõ rệt nhất, ba ngày và đêm không ăn, ngủ, chỉ nhấp chút nước lã cầm hơi và cuối cùng, cuộc rút quân trong đêm… Đi nữa đi Hùng, đúng hướng rồi, cứ tiếp tục, phía mặt trời đó, bao giờ đến chỗ trống thì báo tôi. Nhớ liên lạc với thằng 3 ở phía trái, thấy mặt trời thì bảo. Mễ thì thào chuyển lệnh cho Hùng, đại đội trưởng đại đội 1.

Mặt trời chưa thấy, đêm còn dầy. Dầy từng khối lớn mông mênh và đặc cứng. Hình như đã đến đáy một “tan-véc” (khe nhỏ chạy giữa hai chân núi), chân bước lên lớp đất ẩm. Nước! Người lính đặt tay xuống “mặt nước”. Không có, chỉ một lớp lá ẩm mục và đất bùn, khe suối mùa, chưa có nước. Nhưng bàn tay có chút ẩm, người lính lè lưỡi liếm miếng nước vô hình đó.

Qua khỏi “tan-véc”, lên đỉnh đồi, thấy lại sau lưng ngọn lửa ở C2 bập bùng. Bạn bè ta còn đó, sống làm sao được hở trời? Mễ kiệt lực hỏi:

– Hải, khi chót mình để “anh Năm” ở đâu?

– Ở giao thông hào, nơi hầm đại liên. Mễ và Hải chỉ nói với nhau được câu ngắn trong đêm. Nguy biến và rình rập vẫn còn rất nhiều. Sao trời chưa sáng nhỉ? Hùng, gắng đi mau hơn nữa, càng xa tụi nó càng tốt, giữ được súng và thương binh nhẹ như thế này cũng tạm coi như là “đẹp”. Đẹp, hình như Mễ cười chế riễu mình trong bóng tối. Thôi, đừng nghĩ gì nữa, cởi nón sắt cầm tay, bốn ngày đội hoài khối sắt trên đầu, khi cởi ra còn nguyên ảo giác của âm vang tiếng nổ lộng trong lòng chiếc nón kim khí. Mệt quá! Sống rồi! Hùng “móm” kêu một tiếng sảng khoái, bốc máy báo cáo cho Mễ, nhanh như chớp:

– Tôi thấy“nó” rồi phía tay trái tôi.

Mễ nhìn lên tàng cây, trời tím nhạt chưa có ráng nắng, nhưng ngày đã bắt đầu, trảng trống vùng tập trung đã gần đến. Thoát rồi chăng? Mễ tự tin nhưng cũng rất đầy kinh nghiệm: Nó phục mình ở đây nữa thì tan hàng!! Ý nghĩ kinh khiếp như một mũi dao cực bén cắm ngay đỉnh đầu. Mễ không dám nghĩ tiếp…

– Kêu thằng “Đỗ Phủ” đến tao Hải.

– Duffy come here… Viên thiếu tá cố vấn đang đi sau Hải và Liệu nghe kêu, mỉm cười bước lại. Ba lần bị thương, bốn ngày chiến đấu không ăn, ngủ, Duffy vẫn “cứng” như một khối thép, đầu đội mũ đi rừng, khẩu M18 đặt ngang hông, tự tin và bình thản như một ý chí không lay chuyển. Tiên sư thằng cha này “dur” cả hồn lẫn xác, number one! Liệu nói với Hải khi Duffy qua mặt để lên gặp Mễ. Anh chàng hiểu ý, mỉm cười: Hello Doc!! Trong phút chốc sự việc khủng khiếp của bốn ngày căng cứng như vụt tan đi. Nắng cũng vừa đến, nắng đầu tiên của ngày, lòng người lính duỗi ra theo độ ấm của vệt ánh sáng. Sống được rồi mừng biết bao nhiêu!

– Đây nhé Duffy, vùng tập trung của mình, 113 bên trái, phe ta bên phải cùng “move” lên. Mình làm một cái LZ (bãi đáp), xong “mày” gọi “Tây” đem máy bay tới móc mình ra, OK?

– OK Do!!“Đỗ Phủ” gật đầu lia lịa… Good… very good, you’re the best commander! “Đỗ Phủ” đưa ngón cái lên ca tụng Mễ.

– Tao hay hơn nhiều, cú này bị “kẹt”, mày khen làm tao ngượng. Duffy không biết Mễ nói gì, cười rộng mồm, Mễ cười theo.

Rất cẩn thận, Mễ cho Hùng “móm” và Hùng “mập” cùng lên trãng trước. Hai cậu Hùng “bắt tay” nhau, làm thành vòng phòng thủ, phần còn lại của tiểu đoàn với đám thương binh “bò” lên tiếp… Xong rồi, khá an toàn, giữ được cái trãng là tốt, có đường thoát rồi. Duffy, có tàu bay chưa?

– OK! Ten minutes, sir!

Nhưng không còn “ten minutes” nào cho Tiểu Đoàn 11 nữa! Một trận mưa rào, mưa đầu mùa… Mưa bởi một rừng cối và sơn pháo từ những cao độ phía đông “tưới” xuống. Bắc quân tấn công bộ từ Đông-Nam lên. Không hầm hố, không đạn, mệt mỏi, đói khát của bốn ngày đã đến đỉnh cao nhất chịu đựng. Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù lăn lộn, cựa quậy hấp hối trên trảng cỏ tranh trơ trụi dưới lưới chụp đan dầy bởi lửa, khói và mảnh đạn thép… Hàng sống, chống chết! Hàng sống, chống chết! Bắc quân ào ào như nước lũ tràn đi qua con đê bị vỡ. Tiểu đoàn 11 tựa tình cảnh con báo kiệt lực bị vây khốn bởi một rừng ong cực độc! Bây giờ là 8 giờ sáng của ngày 15-4-1972, Tiểu Đoàn Nhảy Dù mới tinh của Anh Năm, tiểu đoàn đã khoan thủng bức tường thép của cộng quân ở Damber; tiểu đoàn“nướng sống” hai tiểu đoàn của sư đoàn Điện Biên trên cứ điểm C – Thua. Thua đau đớn và thua vô lý!! Đâu còn có thế để dựa vào. Đâu còn lực để đương cự?!

Muốn đánh nhau phải có “thế” và “lực”. Thế đã mất ngay từ ngày đầu tiên khi bước xuống cao điểm với một nhiệm vụ “phòng thủ” quá mỏng manh thụ động, và lực nào còn nổi sau bốn ngày hay 156 giờ tác chiến căng thẳng trên các cao điểm nguy biến và thiếu thốn toàn diện. Hình như mọi người đều không ăn, uống kể từ ngày 12.

Uống, nếu có chỉ là chữ gọi động tác “nhúng” chiếc lưỡi vào nắp bi đông ẩm ướt. Tan hàng!! Những người sống sót còn lại tan biến vào rừng cỏ tranh.

7. Người ở lại với CHARLIE

Charlie tan, trên đất đá điêu tàn chỉ còn vươn vãi khói xám và thây người. Trong đó có Anh – Người đàn anh kính mến đã cùng tôi chia xẻ quãng đời dài. Những dòng chữ viết để nhớ Anh – Nguyễn Đình Bảo.

Ngày 22 tháng 5, ông Nixon đi Nga, không ít thì nhiều chuyến đi ấy đã có tác dụng với cuộc đại tấn công của Bắc quân vào ba quân khu. Rất nhiều giả thuyết về cuộc kịch chiến này được đem bàn tán, nhưng tất cả đều đồng ý: Chuyến đi có ảnh hưởng đến trận đánh và đây cũng là trận cuối mùa, một mùa đại loạn đẫm ướt máu đỏ chảy trên những thân thể gọi là “người Việt Nam”. Ngày 22 tháng 5 ông Nixon khởi đầu chuyến đi, ngày 12 tháng 4 anh chết. Sao anh không gắng sống? Anh chỉ cần gắng thêm một tháng rưởi nữa, nếu chưa chấm dứt, chiến tranh có thể mang những hình thức khác, cuộc đại tấn công này sẽ được đình chỉ lại, hoặc chuyển qua vùng khác… Những vùng dễ đánh để anh có thể tung hoành như anh đã làm nhiều lần trong tháng năm chinh chiến dằng dặt. Và biết đâu chiến tranh sẽ biến thái lại nên thành chiến tranh du kích, anh là tiểu đoàn trưởng đơn vị Nhảy Dù, làm sao có thể chết được trong những “chiến tranh an toàn” như thế! Tại sao anh không gắng sống? Tại sao thế hở trời?

Vẫn biết rằng đi chiến trận là mất mát. Không chết trước thì chết sau… Trước anh cả trăm ngàn người đã nằm xuống. Anh đã cùng tôi chứng kiến bao nhiêu lần “nghỉ phép” của ông Huệ, Thừa, Hổ… Anh gật gù, “Thôi tại số, mình gắng chịu vậy…”. Anh gắng chịu đã quen. Anh đã thoát nhiều lần. Từ trung đội trưởng tiểu đoàn 8, anh qua tiểu đoàn 3; làm đại đội trưởng tiểu đoàn 1 và tiếp theo tiểu đoàn 9. Anh đã dự bao nhiêu trận từ thuở ông Đống mới làm tiểu đoàn trưởng giờ này là Trung tướng Tư Lệnh; anh đánh trận từ lúc chiến tranh còn như là trò chơi, ông Tư “Hòa Hảo” đi thuyền vào họp với Việt Cộng, đám giặc cỏ chỉ vài cây súng ngựa trời hay 2 khẩu Mat 36 để thay đại liên. Từ những trận đánh nhỏ đó, anh được “trưởng thành trong khói lửa”, thành ngữ nói ra nghe có vẻ “cải lương” nhưng quả thật không còn chữ nghĩa nào để dùng chính xác hơn. Anh đánh trận Ấp Bắc, giải vây đồn Bổ Túc vào những năm 60, với những trận đánh mở đầu “chiến tranh giải phóng”. Chiến tranh lớn dần như một thứ quái thai được mùa, như tế bào ung thư ngon trớn, chiến tranh lớn như sinh vật quái dị ở hành tinh khác đến đây nẩy nở theo cùng chiều rộng của không gian. Khói lửa từ đấy dậy lên như giông bão. Trong “môi trường” hào hùng độc địa nầy – Anh trưởng thành.

Anh già hơn không phải do số tuổi, nhưng chiến trận, hành quân như nối mối thời gian để nhắc nhở mỗi ngày, mỗi tháng, năm anh qua… Năm 1965 giải vây Đức Cơ, Pleiku; năm 1966 bị phục kích ở Cheo Reo, cũng năm này “giải phóng” Bồng Sơn, Tam Quan. 67 “lội” nát người suốt vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, từ cái làng nhỏ ở bên kia sông Hương nhìn ra phá Tam Giang, đến cuộc tấn công vào khu phi quân sự đổ từ đèo Ba Giốc xuống. Hết 67 đến 68 anh đem quân về vùng đồng Ông Cộ, Hốc Môn, Bà Điểm; Việt cộng tấn công đợt Hai, tiểu đoàn 9 do anh làm “ông Phó” có cơ hội “rửa mặt” nhân vụ tịch thu cả hầm vũ khí chở đầy một chiếc F.O.M. Chiến thuật thay đổi, từ ven đô anh di chuyển về Tây Ninh để“cày” từ Tống Lệ Chân qua Katum, Trại Bí… Suốt một vùng biên giới dài theo con sông Vàm Cỏ anh đi như không mệt… Anh đi như định mệnh đốn mạt bắt anh dính liền vào mỗi thước đất phải bước qua.

Nhưng chưa bao giờ nghe anh than tiếng nhỏ. Sự chịu đựng và vẻ bình thản là tính chất căn bản của anh.

– Mầy biết nhá, tao di cư vào, mỗi ngày phải đạp xe mờ người chạy từ trại định cư đến Phú Thọ để lấy khẩu phần bánh mì và năm đồng bạc. Mầy biết, tao tập thể thao to chừng này, thằng Tây bán thịt gần trăm ký bị tao ném một cú đòn vai, nằm luôn.

Anh là con nhà võ, thắt đai đen nhu đạo thời kỳ 56, 57, tính chất võ chân truyền này là nền tảng tinh thần của anh. Đó là một tinh thần rất thường ở bề mặt nhưng phần trong rất “sáng”; một thứ “sáng” mã thượng, độ lượng và chân thật – Chân thật và thẳng thắn tuyệt đối. Anh sống ở đời giản dị và thẳng thắn như kẻ có võ công thượng thừa lại thêm tâm tư nhân ái. Anh không một lần than thở dù lúc làm “ông Phó” ở tiểu đoàn 9 anh bị “kẹt”. Anh bị nạn. Anh bị “ép”. Bị “nát như cái mền”. Nhưng tất cả đã không là đáng kể… Hãy nghe anh nói:

– Mày thấy, tao là lính tác chiến, rồi cũng có ngày tao phải chỉ huy, nhỡ bị kẹt là cái hạn của mình, sau đó mình “bốc”. Anh cong một bàn tay lên làm cú “bốc” kèm theo tiếng chửi thề “mẹ”. Sự bực dọc của anh chỉ được diễn tả chừng ấy. Không hận đời và tin ở mình. Trong đời sống bình thường, anh sống với thái độ khắc kỷ thật cao thượng.

Anh Năm kính yêu.

Anh chết ngày 12 tháng Tư, đến giờ này, sau ba ngày xác anh vẫn chưa móc ra được. Ngày 14 ông Bạch Long cho hai trực thăng và một Skyraider vào, cố làm một bãi đáp để đưa anh ra, cả ba chiếc đều bị “shotdown”. Người lính về nói với gia đình như thế, cháu Tường bẩy tuổi đã lớn, nhưng cũng chưa hiểu nổi phận bi thảm của lần mất bố, kể lại câu chuyện… Kể lại phút anh nằm xuống với lồng ngực bị vỡ. Không biết chi tiết đó có đúng thế không, nhưng cháu cứ lặp lại với mọi người xem như như một nét “xuất sắc” của anh. Tội nghiệp cháu quá anh ơi, nó đang lún xuống trong một bất hạnh với quả tim hồng và nụ cười sáng, nó nắm tấm ảnh lúc anh còn ở trường, thắt đai đen bên cạnh ông Hiếu… “Bố cháu là những người ”xuất sắc”! Ôi anh đã sống, chết bởi những hoàn cảnh cực độ. Những phiền não cùng cực và vinh quang bốc lửa. Anh di chuyển giữa những cực điểm với tâm tư bình yên, lặng lẽ, chiếc lưng gù xuống chịu đựng. Giờ này anh mới “thật sự nghỉ ngơi”, một cách nghỉ ngơi cay đắng và khắc nghiệt. Cuộc đời đã “ta-pi” anh trước khi anh kịp đứng lên rũ áo, thối tiền. Anh thua trong sáng suốt và nín lặng cũng như ván bài ở lăng ông Cẩn ngoài Huế trong tối mùa đông năm xưa… “Tao biết mày tháu, nhưng cũng cho mày ăn.” Anh úp bài cho tôi vồ tiền. Anh Năm ơi, anh bị cuộc đời “tháu” cú này nữa. Cú tháu độc địa và hết thuốc chữa.

Anh chết thật rồi!! Tin cuối cùng rõ ràng về anh do Hải “khều” nói lại không thể sai vào đâu nữa. Hầm anh hứng đúng ba trái hỏa tiễn, mảnh ghim vào tim và anh chết ngay phút đầu tiên, khi “tụi nó” bắt đầu đánh biển người vào Charlie.

Hải “gói” anh vào ba lớp poncho, nhưng máy bay không xuống được, Mê Linh lại bị thương. Chúng nó phải “rút lui chiến thuật” vì pháo và hỏa tiễn rơi đến cả ngàn trái vào căn cứ, đặc công cảm tử lại phá được hàng rào ngoài. Giữ thế nào được nữa, Mễ lẫn Hải đều bị thương, chúng cố điều động phần sống sót còn lại để mở đường máu, bảo toàn đơn vị. Phải bỏ anh lại, chắc chắn Mễ đau đớn lắm, vì hắn và tôi đều nặng ân tình với anh biết mấy; từ thuở ở tiểu đoàn 9, anh “che” cho hắn bao nhiêu đòn; Mễ là đứa rất có tình, bỏ anh lại nơi chốn núi rừng, vùi dưới đống đất cát và lửa đỏ chắc là vết thương dài đời không hết, tâm hồn khó được phần quên lãng nguôi ngoai.

Mấy hôm nay tôi ngủ không được, mắt nhắm lại thấy cảnh anh đang chết, những giờ khắc cuối cùng, anh chống ngược mắt xuôi tay và đi khuất… Tưởng đến tiếng nói, nụ cười và toàn thể không khí của bữa cơm chót trong vườn Tao Đàn, đâu có ngờ đây là bữa cơm vĩnh biệt?! Chưa bao giờ anh vui vẻ và tự tin cho bằng thời gian đó:

“Số tao hết cực rồi, hạn 33 tuổi đi qua… Tao làm lớn cho mày nhờ.” Tôi cũng nghĩ như thế, vì cái “võ nghiệp” cứ phú quý thụt lùi, thôi thì chỉ mong ngày anh “làm ông tướng!!” Ngày đó sẽ không bao giờ có nữa, cũng không còn những ngày vui như buổi chiều cuối năm mờ hơi sương, anh và tôi đứng ở sườn đồi nhìn xuống sông Hương bốc khói lam, nồng hớp rượu “số Bảy” không đá, nghe từng âm ba rộn rã của men rượu tan trong máu và cất tiếng cười bất chợt… Tiếng cười hào sảng thống khoái vang động không khí u trầm bí ẩn chiều cuối năm dầy sương lạnh.

Tôi cũng tin vào số mạng, biết rằng anh có tướng lộ xỉ không được tốt, nhưng bù lại tai anh dày, có thùy châu, bước đi vững chãi… Nên nghĩ rằng anh sẽ đi qua, anh sẽ vượt qua tất cả hoạn nạn, vì anh đã hoạn nạn dư thừa, hoạn nạn ngập mặt. Từ tuổi thiếu niên anh đã gian nan phấn đấu, phấn đấu để thành người và dựng đời, anh đối chọi với khó khăn như con trâu miệt mài trên đồng ruộng. Năm nay anh 35 hay 36 tuổi, tôi không được rõ, nhưng hình như anh chưa có ngày nghỉ ngơi toàn nghĩa. Cuối đời, vừa le lói chút ánh sáng bình yên và hạnh phúc, anh hân hoan sửa soạn tương lại, rộn rã như cô dâu tốt số. Đời đã quật anh cú chót và anh đành thua. Bao nhiêu năm tranh sống để lúc chết quả tim đang hả miệng cười.

Tiểu đoàn rút khỏi Charlie và phi cơ oanh kích căn cứ. Ôi sao tàn khốc thế hở trời?! Anh đã sống cay nghiệt sao cái chết lại quá bi thương. Ba lớp poncho gói thân anh làm sao che chở nổi hình hài vô tri dưới cơn mưa bom, bão thép. Phép màu nào giữ nổi xác thân anh? Vĩnh biệt, Anh Năm kính yêu… Nơi chốn hư không nào… Mong linh hồn anh được lần yên nghỉ.