Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 36): Vũ Huy Quang – Gang tấc, quan san

Gang tấc, quan san

Penny Prengschat cao cỡ thước bảy là ít. Cô ta gốc Đức. Tôi không biết gì về cô ta cả nhưng mới gặp là tôi cảm tình liền. Gọi là bà mới đúng ngôi thứ tuổi tác, nhưng tôi cứ gọi bằng cô, bởi người đàn bà này với tính tình nói cười, dáng dấp... phải là “cô” trong tiếng Việt. Khi nói là tôi không hiểu gì về cô ta cả, bởi lẽ với người không là gốc Á châu, tôi rất kém nhạy cảm nơi tâm tình họ.

Penny đi giày đế thấp, với tóc vàng chải bồng, tôi đứng cạnh, lấp ló thua cô nửa cái trán. Chỉ trong mươi phút trò chuyện, với tâm tính cởi mở và lối bắt chuyện vui vẻ của cô, tôi mới biết Penny đã từng đi lính, lại là lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ. “Quá trẻ để dự Thế chiến II, quá già để dự trận với Mc Arthur bên Triều Tiên” cô cười giòn giã “Vả lại, tôi chỉ trong ban quân lương ở hậu cứ”. José và tôi cùng cười.

Tôi khoái tỷ vì Penny cởi mở, lịch sự, thẳng thắn. Năm năm qua ở Mỹ, qua ít bạn Mỹ tôi đã chơi, tôi thấy được một điều: Phản ứng của họ không giống người Á châu, càng khác tâm tình người Việt. Điều mà tôi tưởng họ thế này, thì họ thành thế khác. Nhưng mà trên hết, giao tế của họ thẳng thắn.

Một buổi chiều trở lạnh, tôi lái xe đi nhận nhiệm sở. Khi một anh sinh viên quèn, độc thân vui tính như tôi thì điều gì tôi cũng làm được cả. José bảo tôi, tao làm security guard cho cái cơ sở thương mại này, vừa có tiền vừa đỡ vướng cẳng, mấy con mái cứ rủ tao đi chơi, cái kỳ thi vừa qua may tao không rớt. Tôi chộp lấy cơ hội, được rồi, tao cũng có license gác dan như mày, cả năm nay bỏ nghề, tao xin làm cùng chỗ, được không?

Nó dắt tôi đi điền đơn, chỉ tuần lễ sau, sở gọi tôi làm cùng chỗ với nó. Nó bỏ việc, nên tôi thay chỗ nó thì đúng hơn. Penny Prengschat làm ca từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều, tôi thì tiếp theo, tới nửa đêm. Khi hai đứa bàn giao, José cứ ngồi im, mặc tôi nghe Penny giảng giải về công việc.

Cái cao ốc làm cơ sở thương mại này sang trọng, sạch sẽ, từ cách trang trí đến loại thảm đắt tiền lót sàn. Lâu lâu, các nhân viên vào làm giờ phụ trội, đa số phụ nữ, ngồi mãi ở tầng trên. Chắc Calif. sợ động đất, nên cao ốc này, gọi là cao ốc, chỉ có hai tầng. Gác dan ngồi tầng dưới, điện thoại, tủ lạnh (hai cái), bàn ghế, máy nóng, máy lạnh... đủ cả. Máy bán nước ngọt. Máy bán cà phê. Máy bán thức ăn.

Penny hướng dẫn tôi dạo quanh bin đinh và căn nhà lớn gọi là nhà kho. Vừa đi vừa nói chuyện ríu tít. Đối với đàn bà, tôi được cái là hay nghe họ. Thế là vừa hỏi nhát gừng về chìa khoá nào dùng cửa nào, bấm số tắt báo động điện ra làm sao, định nhiệt độ nơi nhiệt kế phòng chứa chips điện tử sao cho phải phép, mở cửa tắt đèn thế nào... tôi biết được luôn là Penny ở không xa đây, “... tám phút lái xe.. .” và “... chưa có con bao giờ... vì chưa lấy chồng...” và “... ở nhà hoài cũng buồn, nên tao mới đi làm, ôi, một tháng hai ba ngày mà thôi...”

Trước khi ra về Penny đưa cho tôi mấy tờ tạp chí Time, Newsweek cũ mèm, đều nói về chủ đề Thiên An Môn, bảo “... để cho mày đọc... tối thứ bảy, tao phải chuẩn bị đi party...”

Tôi cười, nhìn theo cô ta ra xe, xe Nova màu xanh đời 77, 78 gì đó. Penny vẫy vẫy, mạnh khoẻ, tươi tắn, trông như vợ một ông Thượng nghị sĩ, hay một bà hiệu trưởng trường trung học. Bộ đồng phục của công ty vừa khít người, váy xám, veste đỏ, sơmi trắng lại có nơ sợi mảnh thắt ở cổ áo như tôi thấy đàn bà Mỹ ở Texas hay buộc, màu đỏ. Tôi nhìn theo mà cảm tình quá đi mất. “Chỗ này là lý tưởng của bạn đây, đi tuần vài vòng, thỉnh thoảng thôi, rồi tha hồ mà học.” Penny lái xe vòng quanh, thò đầu ra nói, giọng thật là lảnh lót. José cũng lên xe nó, vẫy vẫy tôi một hồi mới về.

Khi còn ở Việt Nam, tôi chả có bạn gái hay bồ bịch gì cả. Các tương quan tình cảm của tôi về tình duyên toàn là thương vay khóc mướn qua tiểu thuyết, những rung động của người khác, còn mình thì chả có gì. Tôi cũng không phiền hà gì Penny khi cô gọi lầm tên tôi. Tôi là Trọng, thì Penny cứ gọi tôi là Trung. Dĩ nhiên họ Nguyễn của tôi bề gì cũng khó phát âm, cô không kêu tôi bằng last name, nhưng tôi đâu có gọi họ của cô ta là Prengschat bao giờ... Ở cái nhà trọ của tôi toàn bọn nhóc con, nhỏ tuổi hơn tôi nữa, ồn ào quá sức, nên chỗ gác dan này làm tôi học bài dễ hơn. Đổi ca với Penny cuối tuần, thay vì đến sở bốn giờ, có khi tôi đến hai giờ sớm hơn, bảo cô cứ về nhà, tôi làm thế cho. Dĩ nhiên bảng chấm công tính tiền vẫn bình thường, Penny khoái lắm. Tụi tôi thường nói chuyện cà kê với nhau nửa giờ, bốn mươi lăm phút... rồi mới chia tay.

Tôi bảo cô ta:

“Tao muốn nói tiếng Anh nhà nghề, mà tao không học ngành văn chương được, cứ phải học nghề, tao buồn.”

“Thế thì mày đợi có việc xong rồi, đi học Anh văn thêm có sao? Đời mày dài mà.”

Tôi nhăn nhó:

“Tao không trẻ nữa, chỗ vắng người Việt thế này, tao phải lấy vợ Mỹ. Nên phải nói hay mới có gia đình được.”

“Tao thấy mày nói được rồi.”

Tụi tôi nói chuyện với nhau cứ lẩm cẩm như thế, thế mà sau lại thành thân, hơn cả thằng bạn học cùng lớp của tôi nữa. Thằng José xong tam cá nguyệt học toán với tôi, nay nó qua lớp khác, cũng xa cách tôi hơn, vì nó lại có việc pha rượu trong một quán nhậu có nhảy đầm “lương khá mà vui”.

Tôi buồn gần chết, vì nó thích tôi lắm, đủ mọi sự, chỉ trừ “không biết uống bia, nên ít nói, nên ít thích con gái”. Tụi tôi bớt thân nhau vì ít gặp nhau như trước.

Nhưng mà khi tôi kể lại với Penny là hồi này tôi ít khi có người nói chuyện, cô ta không nói gì, tỏ vẻ nghĩ ngợi một hồi. Rồi có lần bỗng bảo tôi: “Mày đừng có mang cơm đi ngày mai, tao biết cơm Việt Nam mày thích, nhưng mà tao cho mày ăn thịt thỏ tao nấu kiểu đặc biệt một bữa.” Câu này viết thành tiếng Việt, bạn có hiểu không, nhạt mà còn buồn cười nữa. Nhưng khi Penny nói, cái giọng quyến rũ lắm, sexy, vì cái lối lên bổng xuống trầm trong tiếng Mỹ của cô, lại bảo là nấu thịt thỏ mà đãi khách, bạn nên tin là cô ta tốt bụng thật. Vì theo tôi biết, đàn bà Mỹ không giống đàn bà Việt, nấu đồ ăn đem cho để tỏ tình thân bao giờ. Còn bảo đừng mang cơm theo là thường trong tiếng Việt, nhưng bớt ăn rice với tiếng Anh lại buồn cười như ta bảo cô bạn Mễ đừng ăn Camarons, ăn tortillas vậy.

Khi tôi hỏi: “Mày cho tao ăn đồ left-over à”. Có nghĩa là đồ ăn không hết bữa trước, thì Penny cười vui lắm “Không phải. Đã thế mày cứ ăn rice, nhưng sau khi xuống phiên gác mày lại nhà tao.”

“Chắc chắn có kraut nhé”, Kraut là món cải chua của Đức, Penny gốc Đức mà, còn đọc báo, xem sách tiếng Đức được. Penny nghe vậy, lại cười “Chắc chắn”.

Tôi đổi ca cho Penny hôm ấy gần Giáng sinh, trời lạnh gần chết từ lúc bốn giờ chiều, nghĩ đến nửa đêm lại nhà người khác để ăn bữa cơm, ngại quá. Tôi chưa lại nhà Penny bao giờ. Chưa lại nhà ai trễ thế bao giờ.

“Đây mày đi theo như tao vẽ đường”. Penny viết địa chỉ vẽ đường, cười. Đôi mắt tít lại, nhiều nếp nhăn, cả ở mắt, cả ở cổ. Đàn bà Mỹ da không mịn bằng đàn bà Việt Nam, tôi nghĩ, nhưng mà mình có biết đàn bà ngoại quốc bao giờ đâu? Penny về rồi tôi ngồi ngẩn ra.

Làm một mình được ít bài tập ôn ở lớp, tôi băn khoăn khi nghĩ lúc đến nhà Penny. Thân thì thân vậy, xa cách thì vẫn xa cách. Tôi chả phải con cháu ông Khổng Tử, ông Khổng Tử ở bên Tàu thì phải. Tôi thích dáng khoẻ mạnh của Penny, và đôi mắt xanh. Nhưng mà tôi không thích ở thế yếu.

Thế nào là thế yếu? Tôi không văn hoa được với đàn bà bao giờ. Penny như đã nói ở trên, cao hơn tôi. Chắc cũng nặng hơn tôi. Xương cổ tay, cổ chân to hơn tôi. Nói tiếng Mỹ giỏi hơn tôi là cái chắc. Giống như người ta hạ cố đến mình vậy. Thông minh coi bộ cũng hơn tôi. Có lần tôi đọc cuốn Older Women, nói về các mối tình của thanh niên với phái nữ lớn tuổi hơn họ, Penny biện luận thao thao. Tôi chỉ nghe theo dõi và cãi lý được nửa phần đầu.

Nhưng mà chưa chắc đã có tình gì với tôi đâu. Có hay không? Nếu không, sao mời tôi lại nhà? Hay là thấy tôi hiền lành, tội nghiệp tôi ở một mình, không ai nấu đồ ăn home-made (đồ ăn nấu ở nhà), và thuần vì lòng tốt?

Nửa đêm, thằng José Aquinas lại đổi ca cho tôi. Tôi lên xe tới nhà Penny.

Chết cha, căn nhà khu sang trọng. Căn nhà lịch sự, mà chủ nhân lại là người gác dan! Tôi đậu xe trước nhà, vừa tắt đèn thì đèn hiên nhà cũng bật. Toàn khu phố lúc ấy trùm một vẻ mờ ảo. Sương phủ là đà, thần tiên như trong phim Peter Pan tôi đã xem vậy. Bà chủ nhà tươi rói mở cửa, nhường lối cho tôi. Sau khi nghe tôi thốt hàng tràng “Ô” với “A” để tỏ lòng khen tặng chủ nhà rất đúng phép xã giao về cách trang trí bày biện, Penny trả lời, giọng vui vẻ:

“TRUNG, (lại Trung, tên tôi là Trọng mà) mày thấy không, tao trả nợ cái nhà này xong hết lâu rồi, từ hồi tao ở Thuỷ quân lục chiến lận. Tao đi làm vì tao thích tham dự với sinh hoạt xã hội. Mày là cựu quân nhân mà, tao với mày cứ nói chuyện với nhau như hai cựu quân nhân (tiếng Việt nghe không diễu bằng tiếng Mỹ trong câu nói này). Mày cứ khen nhà tao làm chi.”

Ít khi tôi được tháo khoán từ xã giao sang thân mật trong có một câu nói, từ khi sống ở nơi xa xứ như thế. Penny nhìn mắt tôi chắc cũng cảm thấy có điều thân mật hơn sau câu trách vừa rồi. Tụi tôi cùng cười lớn.

Penny mặc cái robe phủ chấm gót màu trắng, đốm đỏ. Cổ áo khoét đủ sâu để tôi thấy một phần ngực trắng có lốm đốm tàn nhang. “Không có đèn cầy”. Tôi nghĩ thầm. Penny cúi xuống múc thịt thỏ ra đĩa, cổ áo lấp loáng, vừa giảng giải cách nấu, nêm gia vị, ướp (tôi chả hiểu, chả nhớ gì).

“Mày phải uống rượu chát Đức”. Penny nhìn tôi đăm như không muốn nghe tôi từ chối.

“O.K.”

Tôi ngồi ngay như tượng. Mặt đần độn. Không biết quyết định thái độ ra sao.

Tôi có đi nhậu khi ở trong quân ngũ. Tôi có xuống xóm. Nhưng mà tuy hồi ấy còn quá trẻ, tôi biết tôi phải nói gì, làm gì. Theo tụi bạn, tụi nó làm gì, mình làm theo nấy. Nay một mình với Penny ngồi trước mặt, xem ra tôi ở vào tình trạng khác hằn. Sự nhập nhằng, tiến thối lưỡng nan xoay chuyển trong trí làm tôi giống như một tên vừa gian xảo vừa đê tiện. Penny nói về thời 1951, thuở gặp Mc Arthur với bà vợ và đứa con, nói về quỹ pension, về đầu tư, về tiền chiết giảm thuế... tôi nghe gật gật gù gù. Vả lại rượu chát đến mấy ly làm tôi dần dần đặc sệt đầu óc; “Đông Tây khó gặp nhau, có phải không”, tôi hỏi.

Penny bảo “tao cũng không biết”.

Tôi nói “Tao thích mày lắm”.

Tôi nói rồi biết lỡ lời, lấy tay bịt mồm lại.

And now the end is near...
And so I face...
The final curtain...
My friend..
I’ll say it clear...

Tiếng nhạc đệm tí tách run rẩy quyện với giọng Sinatra. Tình tứ bay toả căn phòng.

Penny quài tay, cởi giây nút áo lưng, nói “Đây”. Cả bộ ngực thấp thoáng trước mắt tôi.

Tôi nhìn vào đấy. Tỉnh hẳn ngủ. Rồi nhìn cặp mắt cô ta, cặp mắt biếc như cặp mắt con mèo nhìn con chuột. Tôi nhột nhạt. Penny đến gần. Tôi ngồi yên. Penny ngồi lên đùi tôi. Đặt tay vào háng tôi. Tôi nói khẽ:

“Tao không biết. Sex, với tao là tình yêu. Tao sợ mày chỉ giải trí thôi.”

“TRUNG, tình yêu không cần sex. Và sex không cần có tình yêu.”

“Thế... sao?”

Mông của Penny dầy và tròn đầy. Phần hạ thể trắng và khít. Tôi quen dần với sự chủ động của Penny.

Tôi biết người da trắng cũng chung tình. Cũng tình cảm. Cũng rung động. Tôi vừa trao đổi phần rung động nhất với một người phụ nữ khác chủng loại. Vậy mà tôi không biết tôi nghĩ gì. Chúng tôi vừa cùng mê man với nhau, rồi tôi chỉ còn thấy ngây ngây và thấy có gì trống rỗng buồn buồn.

Tôi đứng dậy, sửa soạn về, Penny kéo mền lên ngang cầm. “Mày có thể ở đây nếu mày muốn.” Tôi muốn dịch chữ you là anh. Có được không? Nếu là anh thì tôi ở lại. Nhưng mà You can stay here if you want, lần này tôi không hiểu. Có vẻ như câu nói của nơi sở làm. Âm thanh Penny thật khêu gợi êm tai. Nhưng mà, you thì hiểu là gì? Biên giới thể xác đã vượt qua rồi, thế đã đủ chưa.

Trước khi khép cửa, bao nhiêu điều tôi muốn nói với Penny, nhưng tôi không nói ra được. Tôi không biết nói. Rung động từ tôi chuyển sang một ngôn ngữ khác với quy ước của nó, không còn là của tôi nữa rồi.

Cuối cùng, tôi nói nhỏ “Thanh you, Penny”. Và tôi ra về.

Đồng hồ trong xe chỉ năm giờ mười lăm sáng.

11-89

(security guard: bảo vệ; license: giấy phép; last name: họ; rice: cơm, gạo – chú thích của DĐ)

Nguồn: https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-017/gang-tac