Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 19)

Inrasara

VŨ THÀNH SƠN

Sinh năm 1955 tại Sàigòn

Hiện sống tại Sàigòn

Thơ đã đăng trên các mạng văn học: tienve, damau, talawas

Tác phẩm đã xuất bản:

- 40km/h, NXB Giấy Vụn, 2007

- Có jì dùng jì có nấy dùng nấy, NXB giấy Vụn, 2007 (in chung)

- Tuyển tập truyện ngắn Sàigòn, NXB Văn Nghệ, 2006 (in chung)

- Tuyển tập truyện ngắn hay báo Thanh Niên năm 2007, NXB Văn Nghệ, 2008 (in chung).

Tuyển thơ

Một ví dụ

Âm bản

Cho tới khi

Bài ca mùa thu

Lý do tôi không uống cà phê sáng nay

Martin Heidegger

Chỉ là vấn đề phương pháp

Thiên đường

40 KM/H VỚI VŨ THÀNH SƠN

Nhận định về tấm ảnh chụp Martin Heidegger năm 1933, Roland Barthes viết: “Dù nó cho thấy bất cứ cái gì và bằng bất cứ cách nào, tấm ảnh luôn luôn vô hình: người ta không nhìn chính tấm ảnh”. Cho dù tấm ảnh được suy diễn về một quý ngài hiệu trưởng Đại học có dính líu đến chế độ phát xít Đức, hay triết gia đang lắng nghe tiếng gọi của Hữu thể, hoặc một nhà tư tưởng nỗ lực thay thế sự ngự trị của suy biện Lí tính bằng ngôn ngữ Thi ca mang tên Martin Heidegger, tấm ảnh luôn mang tính trùng phức.

Martin Heidegger là Martin Heidegger. Là Martin Heidegger, nhưng vẫn không là Martin Heidegger thật, mà là một phiên bản, “phiên bản của cùng một cái nhìn”. Nếu là thật thì đó là thật đã được hư cấu, cách điệu một cách ý thức hay vô thức. Chúng ta nhìn sự vật qua và bằng diễn ngôn. Diễn ngôn sau lăng kính của muôn ngàn cái nhìn trước đó. Và diễn ngôn của chính ta.

Vũ Thành Sơn, kẻ “khoan khoái ngắm nhìn ý nghĩ của mình / đã được tỉa gọn vuông vức” để có thể tự họa chân dung mình:

Tôi biết đi thẳng hàng,

biết làm các trò nhào lộn.

Tôi biết khóc, biết kêu bla, bla, bla, bla.

Tôi là một món đồ chơi.

Bạn chỉ cần lên dây cót

Cho dù ngồi thu lu góc xó trái đất tỉa tót mình thế nào hay lang bạt hoặc chạy trốn, chui nhủi bất kì đâu chăng nữa, Vũ Thành Sơn vẫn cứ là một phiên bản:

Ở trên quảng trường Liberdade

tôi là một phiên bản nhiệt đới của tháng Tư

Cũng như tấm ảnh chụp Martin Heidegger năm 1933 với những sự kiện lịch sử rất thật bao quanh nó, chung quy cũng vẫn là một phiên bản. Nó chỉ là cái cớ, món đồ chơi cho chúng ta diễn ngôn. Tùy nghi lên dây cót. Theo lợi ích thực dụng của ta, văn hóa truyền thống hay định kiến thẩm mĩ, cả sở thích tùy tiện của tâm tính bốc đồng của ta.

Chúng ta thích thú với trò chơi

Lắp ghép ý nghĩ và cảm xúc

Thành những khối màu.

Tôi một màu hay không màu?

Một màu, không màu hay muôn màu không quan trọng. Michel Foucault: không có biên giới minh bạch giữa tự sự và hư cấu. Mọi kể lại luôn bị khúc xạ, chi phối bởi những tùy nghi “lên giấy cót” đầy chủ quan. Của một cá nhân hay một cộng đồng. Quá khứ - hiện tại - tương lai. Xa và gần. Tiểu thuyết chắc chắn là không thật rồi, nhưng công trình sử học từng vỗ ngực ta đây khách quan và chân xác, vẫn là thứ hư cấu trá hình, chỉ hơn thua vài phân tấc. Vẫn là thứ diễn ngôn.

Trải nghiệm thế giới hay trải nghiệm ngôn ngữ là rất riêng tư. Mọi sự vật, sự việc, sự kiện chỉ là cái cớ cho những riêng tư ấy thể hiện mình. Như tấm ảnh vô tình hay cố ý kia là cớ cho mấy thế hệ tưởng tượng, hư cấu và thêu dệt. Từ đó ca tụng hay kết án tùy thế đứng.

Nhỏ lẻ như sự việc ở “Ngã tư” vào ngày 21 tháng 8, nơi “gã hành khất mù vẫn chìa tay ra phía trước xin bố thí”, Vũ Thành Sơn đã không thấy một phép màu nào xảy ra”, nhưng tôi vẫn có thể hư cấu ngay khi nhìn thấy sự việc ở ngã tư ấy hoặc vừa đọc xong bài thơ “Ngã tư” bao nhiêu là phép màu khác lạ.

Hoặc lớn như sự kiện lịch sử “Bush và Laura sẽ ghé qua thành phố vào lúc bảy giờ tối”. Khi mọi người thấy ở đó không sự cố đặc biệt nào, họ tiếc ngẩn ngơ rồi bỏ về nhà và nói ở buổi cơm chiều: thật ra chả có gì cả! Vũ thành Sơn thì liên tưởng đầy “thi tính” rằng nó như “màn trình diễn đã kết thúc nhanh chóng, như một tia chớp màu đen giữa ban ngày”. Mượn cớ sự kiện đó, qua manh mối bài thơ “Giấc mơ giữa ban ngày”, tôi có thể đẩy tưởng tượng dấn tới: Nếu có tên khủng bố ném bom [dù chỉ bom giả] vào đoàn xe hú còi kia, hoặc có kẻ đột ngột cho chiếc xe tải chặn ngang đường ngay thời điểm vị yếu nhân xuất hiện, quan hệ Việt - Mỹ sẽ như thế nào? Nghi ngờ, tức tốc triệu tập họp hội đồng gì đó, khẩn cấp rút nhân viên sứ quán về nước, bao nhiêu là chuyện. Hay bất ngờ xui rủi xảy ra nỗi sập ổ gà (với đường sá Việt Nam thì không ai có thể lường trước được)? Hoảng loạn là cái chắc. “Các viên cảnh sát đeo súng ở bên hông” có khối việc làm, mấy cơ quan mở ra nhóc cuộc họp, kiểm điểm và khiển trách, chuyển công tác với cho thôi việc. Hoặc vô ý có đứa nổi hứng chơi khăm hô hoán lên có gài bom, hay vô tình ông chồng vũ phu đuổi theo bà vợ chạy ra đường toan tự tử ngay thời khắc lịch sử đó,… Hoặc giả sử vào giờ chót, có tin báo Bush và Laura hoãn chuyến thăm. Tất cả đều có thể tạo nên sự cố. Cánh nhà báo [giấy, điện tử, miệng] sẽ có cả đống điều để tán. Lịch sử Việt Nam [và thế giới] có cớ để hư cấu và suy diễn.

Như thể một trò chơi. Và chúng ta thích thú với nó.

Như tôi đã thích thú với diễn ngôn bài thơ “Giấc mơ giữa ban ngày”, rộng hơn – tập thơ 40 km/h.

Tập thơ nhiều hoán dụ (metonymy) gợi tưởng tượng, không phải tưởng tượng đẹp và thơ về một nơi chốn thanh tao, yên ả xa lơ xa lắc của mĩ học nông nghiệp đã lạc thời mà là giữa lòng ngột ngạt đô thị nhem nhép vô số tinh thể lỏng trong một thế giới quá nhiều ruồi, những vỏ chai bia, băng vệ sinh, xác gián, xác chuột chết, rác, phân, mùi hôi thối, bão phun nước bọt, những cô gái mặc váy đỏ bất ngờ trượt ngã, những giấc mơ quái đản, dãi nhớt, máu me, sex… Tập thơ đậm nổi cơ man hình ảnh phi thực và siêu thực:

Cắn vào sự im lặng

vỡ ra những mẩu đối thoại rời rạc

… Tôi uống hết một mùa hè sặc sỡ

“thè lưỡi sưởi nắng”, “cái nhìn đe dọa của con chó bằng đất nung”, “nước đã chảy ngược hết về nguồn”, “linh hồn chúng ta thuộc thể lỏng”,… nhưng nó không chủ ý làm siêu thực, thậm chí không cần đến thủ pháp siêu thực như lối làm dáng của không ít nhà thơ cách tân hôm nay. Bởi cuộc sống 40 km/h này đã quá siêu thực rồi. WTO và hội nhập với thế giới bên cạnh tự do của thơ ca liên tục bị nhắc nhở, các cô hoa hậu hoàn vũ rình rang phanh phơi mông ngực song hành với các bà chị dân tộc Stiêng trơ xương gùi phân trâu băng qua đồi trưa nhiệt đới, loài phê bình chỉ điểm sống chung với dự án phát triển sân golf đại trà, văn chương nuôi sống mình bằng nịnh bợ bắt tay thân mật với sách giáo khoa thường xuyên lên kế hoạch chỉnh lí,…

Vũ Thành Sơn từ chối làm những “bài thơ lớn” nói lên những vấn đề to tát của dân tộc và nhân loại, như âm mưu của các nhà thơ hiện đại; cũng không ý định chế tạo những “bài thơ hoàn toàn tiệt trùng” giống bạt ngàn bài thơ xuất hiện nhan nhản trên khắp mặt báo, 40 km/h đẩy tư duy thơ đi vào những ngóc ngách nhỏ lẻ của cuộc sống thực ngồn ngộn sự việc và sự vật với bao rắc rối, vấn đề tiểu tự sự của nó. Bằng thứ ngôn ngữ thẳng, gần, đậm đặc nghĩa đen của thời đương đại. Nó nhẹ nhàng và khoái hoạt với thao tác xóa nhòa biên giới phân ranh truyện cực ngắn và thơ: “Giấc mơ giữa ban ngày”, “Lí do tôi không uống cà phê buổi sáng nay”, “Chuyện ở một bệnh viện”, “Trò chơi tàng hình”,…

Cuối cùng, đây là tập thơ sống đời sống thực hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ. Sống thực, nên nó chấp nhận ra lò từ Nhà xuất bản Giấy vụn [từng mang tiếng với dư luận là nhếch nhác, nhảm nhí, vân vân]. Là một tinh thần giải trung tâm và hành vi phá chấp trong văn chương, lẫm liệt

Một thái độ thơ, một hành động nghệ thuật thể hiện qua một tập thơ của một tác giả chủ ý sáng tạo lệch pha, đã nhiếp dẫn thơ ca đi chệch khỏi quan niệm sáng tác cũ đang thao túng đời sống văn học hôm nay. Song hành với một số nhà thơ cùng quan điểm sáng tạo, Vũ Thành Sơn đã làm cuộc phá cách táo bạo trong nỗ lực thoát khỏi cuộc thơ đầy những bài thơ tiệt trùng, những tập thơ chay tịnh và sạch sẽ, càng lúc càng sạch sẽ hơn, qua đó anh vượt thoát khỏi một thế giới toan chuẩn bị cho anh chỗ ngồi bảnh chọe tại chốn thiên đường – thứ thiên đường giả tạo.

Tôi cần ngay thẳng,

trong mọi tình huống,

tôi được bảo như thế.

Tôi chải tóc rẽ đường ngôi thẳng,

uống cà phê trong cái tách vuông…

Bằng cách đó, tôi sẽ sớm được lên thiên đường

Còn lên đó để làm gì, chẳng ma nào hiểu hay nói cho biết.

“Sau Paul Klee, người ta không thể vẽ một đường thẳng ra một con đường thẳng”.

Sau nhóm Mở Miệng, Phan Bá Thọ, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Vũ Thành Sơn,… sau trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nữ quyền luận và tân hình thức Việt, những người làm thơ Việt không thể làm bài thơ như đã từng nữa. Thứ thơ duy mĩ ẻo lả hay thơ ẩn dụ siêu thực bí bức kênh kiệu, thơ sướt mượt đèm đẹp nên thơ hay thơ cao cả tót vời trịch thượng, loài thơ rủng roảng cả đống ngôn từ hô to với thơ chuyên kêu ca, thơ chửi đổng hay thơ đay nghiến với tự đay nghiến, và cả thứ thơ dâm ô tục tĩu. Lần nữa, thơ ca dấn mình tái khám phá hiện thực, những hiện thực giả tạo phi căn nguyên (simulation) làm đầy tràn hiện thực thậm phồn (hyper-reality) như nó là thế, qua đó nhập cuộc tham dự vào trò chơi hỗn độn của thế giới.

Chúng ta vẫn thưởng thức Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Chế Lan Viên, Tô Thùy Yên, Whitman, Rimbaud, Rilke, Char, Pound, Eliot, Neruda,… nhưng chúng ta không thể chịu nổi các bài thơ được “sáng tạo” theo dấu vết còn lưa lại của các vị khổng lồ đó nữa.

Sài Gòn, 21-8-2008