Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Tấm hình ám ảnh

(Rút từ facebook của Nguyễn Thị Hậu)

Một người lính Bắc Việt ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh: Herver Gloaguen

Cứ khoảng tháng Tư là tôi lại nhìn thấy tấm hình này xuất hiện đâu đó trên mạng xã hội.
Một người đàn ông trong bộ quân phục bạc màu, đôi chân chai sạn đi dép lê cũ bằng nhựa, quỳ trên bậc thềm Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tấm hình (được cho là) “một người lính Việt Cộng trong những ngày đầu tháng Năm 1975”.

Tạm gác qua một bên chuyện anh là ai, cái dáng người nhìn phía sau cũng thấy sự chân chất và nghèo khó, đơn độc và ngoan đạo, nổi bật trước những người quần áo chỉnh tề sạch sẽ ngồi trong nhà thờ, ánh sáng từ ngoài cho thấy những đốm sáng phía xa của bàn thờ nơi Chúa hiện diện.

Không biết vì sao anh không ở phía trong nhà thờ, nơi mà mọi người đều bình đẳng dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, mà lại quỳ ở ngưỡng cửa ngôi nhà của Chúa? Điều gì ngăn cản anh bước vào đó?
Vì anh tình cờ nhìn thấy ngôi giáo đường trong giờ lễ sáng? Vì anh chỉ ghé qua được giây lát? Vì đã lâu anh không đến nhà thờ nên ngại ngần? Vì trang phục của anh không được chỉnh tề? Vì sao...?
Anh nghĩ gì giây phút đó? Anh gửi đến Chúa lời gì, ước mong gì? Anh nhớ gì, miền quê xa gác chuông nhà thờ vươn lên giữa những mái rơm rạ bình yên, tiếng chuông chiều lan xa giục ai đó trở về, ký ức quê nhà cùng gia đình đi lễ ngày chủ nhật, đêm giáng sinh đến nhà thờ với người bạn gái...?

Dẫu đây chỉ là một khoảnh khắc không thể nói được tất cả, nhưng mỗi khi nhìn tấm hình ấy tôi lại nghẹn ngào...
Khi người lính trẻ quỳ trước cửa nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ở nơi nào đó chắc mẹ anh mừng lắm vì chiến tranh đã chấm dứt, bà đang trông ngóng ngày con trai trở về, bà sẽ được ôm mái đầu xanh kia như lúc còn thơ bé. Và người con trai trong chiếc áo lính bạc màu sẽ ôm bà trong vòng tay lành lặn. Ơn Chúa, con đã về với mẹ!

Tôi nhớ đến một tấm hình khác: những anh bộ đội trẻ ngồi nghỉ ngơi quanh đài phun nước trong Dinh Độc Lập, hồn nhiên thò tay chân xuống nước rửa ráy sau một chặng đường dài của ngày chiến tranh cuối cùng. Tấm hình cũng được nhiều người chia sẻ kèm những lời bình phẩm vẻ quê mùa không biết thế nào là văn minh thành phố.
Những anh bộ đội trẻ này có lỗi gì, khi lần đầu được nhìn thấy một đô thị lớn nhất ĐNA lúc đó? Họ, từ nhỏ chỉ ở nhà quê, bước chân đầu tiên ra khỏi lũy tre làng là đi bộ đội, vào rừng núi, chưa từng biết thế nào là cảnh quan, tiện nghi thành phố, ngay cả nhiều vị chỉ huy của họ cũng vậy...

Những tấm hình như vậy càng làm tôi thương họ hơn, những “người nhà quê” chất phác luôn bị cuốn nhanh vào vòng xoáy của các cuộc chiến tranh, những người chiếm số đông trong xã hội nhưng thời nào cũng phải chịu thiệt thòi về tất cả so với “người thành phố”. Mà có người thành phố nào không có một “nhà quê” thật sự hay trong tâm tưởng dù nhiều đời xa quê. “Quê hương nếu ai không nhớ...”

Tấm hình anh bộ đội từ một làng quê xứ đạo miền Bắc quỳ trong nhà thờ hay bức hình những anh lính trẻ hồn nhiên quê mùa giữa Dinh Độc Lập... đều làm tôi chạnh lòng... Từ những ngày bình yên đầu tiên sau mấy chục năm chiến tranh đến nay đã hơn bốn thập kỷ hòa bình rồi... vẫn còn đó sự ngăn cách giữa những người Việt Nam mà có khi chỉ qua một vài tấm hình như thế cũng bộc lộ ra, đau như một vết cứa sâu, sắc ngọt...

Nguyễn Thị Hậu. Sài Gòn 5.2018