Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Như Quỳnh de Prelle – Người mang nước

Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle vừa cho ra mắt tập thơ thứ hai của mình: Người mang nước (Nhà xuất bản Sống, Hoa Kỳ).

Người mang nước được coi như một Tuyển thơ, từ những bài thơ đầu tiên của tuổi đôi mươi đến những bài thơ của hôm nay, từ cái tôi riêng tư đến những suy cảm về các sự kiện của xã hội đương đại.

Theo tác giả, “đây không phải là câu chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của một thế hệ. Thế hệ sinh ra từ những năm 80 của thế kỷ trước – Thế hệ của sự dịch chuyển”.

Tiếp theo bài viết của nhà thơ Du Tử Lê Tính chấp chới giữa Thiên đường/ Địa ngục trong thơ Như Quỳnh de Prelle, Văn Việt xin gửi tiếp đến bạn đọc những lời phi lộ của chính nhà thơ về tác phẩm mới của mình và một chùm thơ được trích từ Người mang nước.

Xin chúc mừng nhà thơ Như Quỳnh de Prelle.

Văn Việt


Lời tác giả

Đây là tập thơ thứ hai của Như Quỳnh de Prelle sau Song tử.

Người mang nước gồm ba phần Nỗi buồn trên cây, Nhiệt đới buồnBabel như một tuyển tập thơ của Như Quỳnh de Prelle suốt từ thời thanh xuân 20 cho đến thời điểm hiện tại. Từ cái tôi và sự riêng tư cho đến những cảm thức vượt ra khỏi bản thân mình để dấn thân vào các sự kiện xã hội, các câu chuyện thế sự bằng cảm quan, sự xung động có lúc mạnh mẽ, có lúc thờ ơ, hoang mang, sợ hãi. Tiếp tục những câu chuyện khác ở thời gian khác, không gian khác về những trải nghiệm và sự khám phá từ chính bản thân với công việc sáng tác như một nghệ thuật của đời thường hiện sinh. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Quỳnh mà là câu chuyện của thế hệ. Thế hệ sinh ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ của sự dịch chuyển. Dịch chuyển từ bên trong cá nhân đến những không gian bên ngoài, bên ngoài cả đất Mẹ, trưởng thành và luôn dõi theo những sự kiện cũng như những đổi thay trong đời sống xã hội để khát vọng, mong ước dành cho những giá trị phố quát và ý nghĩa hơn không chỉ quê hương mình mà hơn cả là không gian toàn cầu trên khắp các lục địa của trái đất và sự đa dạng văn hoá. Babel không chỉ còn là biểu tượng trong kinh thánh, sự đổ vỡ mà còn chính là sự đang dạng toàn cầu giữa những ngôn ngữ khác nhau, sự đan xen nhiều giá trị để hướng tới tính nhân bản và thống nhất.

Và chỉ cách đây hơn ba năm trước, khi lần đầu tiên tôi xuất hiện trên Hợp Lưu, Da màu, sau đó là Văn Việt hay Gió O… những không gian tôi gửi gắm các tác phẩm của mình, đã từ lâu trong ngăn kéo hay vừa mới đây thôi trên những con đường tôi đến, tôi đi qua, tôi dừng lại, rồi dịch chuyển tiếp… Đến giờ, tôi vẫn hồi hộp như thế, với tình yêu suốt bao nhiêu năm bên tôi lặng lẽ, nhiều dâng hiến, cô độc và thiền, đó là Thi ca. Tôi biết ơn, các chủ bút, các chị, các anh trong các toà soạn, ban biên tập đã đón nhận sự xuất hiện của tôi, tác phẩm của tôi và những chia sẻ văn chương, sự động viên vào những lúc cần thiết… Sự khởi đầu từ đây đã cho tôi những quyết định quan trọng cho sự nghiệp viết và sáng tác của tôi sau này, một con đường tôi chưa biết nó sẽ dài lâu hay dừng lại ở đâu đó giữa chừng. Nhưng tôi luôn bắt đầu từ mỗi ngày khi tôi thức dậy và ngồi bên bàn viết giữa các mùa không như nhau trong sự thay đổi của thời gian, không gian, giữa các chuyến đi, giữa các nỗi buồn hay niềm vui bất chợt đến.

Thi ca với Như Quỳnh là Tình yêu của nghĩa rộng. Là con người không xa lạ, không thị phi, không định kiến và không phán xét. Viết và viết và viết. Chữ cứ hiện ra như thế trên các bản thảo trong các file của máy tính xách tay, trên những trang giấy viết vội ở đâu đó. Mọi lúc, mọi nơi, ý tưởng đến và ở lại trong một cái đầu chưa bao giờ ngừng nghỉ nghĩ suy, ngay cả lúc thư thái nhất, trầm nhất, chữ đã dịu dàng, mang lại cho tôi sự sống tiếp theo, và ở lại đây, để chia sẻ và kết nối với bạn đọc, với những tình yêu văn chương vô điều kiện, không biên giới, không đòi hỏi sự ích kỷ thưởng lãm độc tôn nào. Thi ca đã trở thành sự hiểu biết và nhận thức trong các sáng tác cũng như hành trình sáng tạo của Như Quỳnh.

Người mang nước được xuất hiện sau những trao đổi với những cộng sự về những bài thơ thế sự, những con người cụ thể, họ là những người dũng cảm, chiến đấu mạnh mẽ vì những giá trị cơ bản cho đồng bào mình. Chúng ta biết ơn họ. Trân trọng những con người đời thường ấy khi họ cất lên tiếng nói như những vì sao, như những khát vọng về Tự do, về quyền Sống và Làm người.

Trân trọng cảm ơn nhà thơ Du Tử Lê đã dành thời gian quý giá của ông để đọc và viết cho Người mang nước với nhiều góc độ khác nhau theo từng phần trong tập. Cách nhau nhiều thế hệ nhưng ông đã lắng nghe những thở than từ thế hệ chúng tôi, từ những người trẻ viết như tôi để cùng thấu hiểu trên những con chữ và nghĩa của chữ. Trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Sống tại Hoa Kỳ đã cùng hợp tác xuất bản ấn phẩm này.

Mong rằng, bạn đọc của Người mang nước trên những nhịp điệu của chữ và tình yêu của thi ca, của quê hương, tiếng Việt, chúng ta hoà điệu hay lạc lối thì vẫn luôn tri ân tri tình với thơ và hiểu thêm thế hệ chúng tôi, lớn lên ở quê hương xa xôi, trưởng thành ở một quê hương khác. Chúng tôi hướng đến hay nhớ về với những trạng thái khác nhau của tình yêu, thương nhớ, xót xa hay đau đớn, buồn bã, thì đó cũng là bản chất của sự tồn tại trong thế giới loài người dù ở bất cứ nơi nào, dân tộc nào. Thi ca mang đến cho tôi nhiều tình cảm hơn với đồng bào của mình, nhân dân của mình trong những khốn khổ trùng trùng như một lịch sử dài dằng dẵng của những cuộc chiến… chưa bao chấm dứt.

Siết chặt tay,


Như Quỳnh de Prelle
Hà Nội - Sài Gòn - Brusels
Mùa Bảo Bình 2007-2018


Người mang nước

Một thế hệ khác

Nỗi buồn trên cây
Tôi đã tưởng rằng, thời 20 tôi cô độc nhất, nhiều buồn bã nhất. Thì ra, thời thanh xuân rực rỡ ấy, tôi buồn vì tự do của tôi, của cái riêng tư. Lúc này đây, có đầy đủ hạnh phúc riêng tư, tôi trưởng thành, và có một lịch sử về chính mình và tình yêu quê hương xứ sở, với con người trên mặt đất này, tôi cô độc ở những hoang mang về sự rạn nứt, sự khó khăn trong những hàn gắn, sự chênh vênh của kết nối. Nỗi buồn trên cây như một định mệnh từ thời thanh xuân, nó sẽ hết khi tôi nằm xuống hay đến chết có hết buồn không, tôi không hề biết, chưa được biết.                                                  

Nỗi buồn trên cây 15

Buổi sáng thức dậy
người đàn bà nhớ một người đàn ông chưa gặp
đôi mắt ấy
lời tường thuật tự sự ấy
nếu được chọn lý tưởng trong cuộc đời
nàng chọn anh
một người tù

trí nhớ như một trò chơi
được vận động bởi những bán cầu não
trái và phải
phải và trái
và trung tâm là đường chia đôi
cho ta thấy cuộc đời màu sắc
trong tưởng tượng
kiếm tìm
không hoàn hảo
mà là sự thật
của thời gian
hy vọng

người đàn ông ấy
nằm kẹp giữa những giấc mơ
để chạm vào
nàng sẽ mất hết
vì thế nàng tiếp tục
đi hết cuộc đời trần thế
để một ngày
nói với người đàn ông chưa gặp
anh ở trong nàng một phần trí nhớ hiện sinh
trong cuộc đời
giữa tiếng cười hạnh phúc
cả sự mong manh của thơ ca
của ngôn ngữ lạ kỳ

người đàn ông ấy
lý tưởng là một người tù
cô đơn
trên hành trình sống
hành trình khát vọng ngoài cái tôi
vì những tiến bộ
mang danh con người


Róc dần những lớp da

nhìn con chim bị quay trong chảo dầu sôi
tôi thấy lớp da đang vàng ruộm
thịt đang chín dần
như chúng tôi
những kẻ luôn bị đốt cháy
với những vạc dầu sôi
tổn thương
đau đớn
từ những bàn tay vô hình

tôi nhìn thấy con chim như số phận của loài người
vô hình
vô thức
trong ý thức hữu hạn
trong những lỗ đen
không có sóng âm thanh
để nghe
và thấu hiểu

con chim trong chảo dầu sôi
như chúng tôi
đang bị róc dần những lớp da
những màng não
trắng hay không màu
xám hay đen
đều tăm tối như nhau
trong những bộ xương gầy


Nàng thơ ốm

tóc của nàng tách ra
da của nàng khô bóc ra từng hạt ly ti như cát
nước mắt của nàng vỡ như mắt cá ở biển Đông
tâm hồn nàng trở thành nhân tạo
những bài thơ nhân tạo ra đời

đôi bàn tay khẳng khiu như cành cây khô rụng rời từng đốt
giọng nàng khàn đặc giữa những tiếng kêu vô vọng
không ai nghe
không ai biết
trong im vắng

và một ngày cơn đau đầu trở lại
như một chiếc máy xúc
nhấc lên hạ xuống khùng khục

nàng muốn đập bể ngay cái đầu trên cổ
nó dội về thanh âm
của những con dòi trong não
nàng chìm trong miên man
nhìn thấy treo mình trên mặt trăng tròn tháng 8
sắp hết mùa hè

rồi một ngày nàng sẽ chết cùng với thi ca của nàng
trái tim nàng bị bóp nghẹt từng mạch máu, từng tĩnh mạch
nàng tự tiễn đưa mình trong muà hè xanh như ngọc
giữa rừng cây
trước nhà


Xác chết loài người

Những cái xác chết trong hầm mộ ở lâu đài
khô cong
nằm cong queo
chạm vào như những cọng rơm khô
không mùi
thời gian hoá thạch
tinh khôi

Những cái xác chết nằm trong quan tài gỗ
dưới đất sâu
thối mùi
nước ngập
xương trắng tinh
nằm gọn trong chum gốm
lạnh teo

Những cái xác chết trong tâm trí
không hình hài
không thân phận
vô danh

Những cái xác chết trong lò thiêu
tan thành tro bụi
trong bình gốm
trang nghiêm
chạm vào tro mịn như bột mỳ

Thời gian đi qua
bao đổi thay
những cái xác nhiều hơn trong hầm mộ
dài theo năm tháng

Tôi chạm vào những cái xác chết
như chạm vào những cuộc đời đã hết
an yên
im lặng
tự do
trong thời gian mãi mãi

Những cái xác chết
an yên nhất trên cõi đời
trong những tồn tại

và tôi sẽ trở thành một cái xác chết khi tôi nằm xuống
bên cạnh người đàn ông vĩnh hằng của tôi
tình yêu tồn tại
tưởng như đã hết khi chết
tôi tin
chúng tôi có thêm một cuộc đời khác
lặng im
cùng trái đất nghiêng
ở đâu đó

xác chết là tôi
trong tương lai
gần xa
tôi nhìn thấy
tro tàn
trong bình gốm
tôi mìm cười
xin chào tạm biệt thế giới sống của loài người
tôi đi về cõi khác


Thơ gửi người đàn bà không quen trộm chữ trộm thơ

Trộm chữ vì nghèo
vì giàu cũng có
giàu sĩ diện và hư danh
Ăn cắp vì nghèo tự trọng
thói háo danh

Những người đàn bà có học
thông minh
mà thiếu từ tâm
quen sống trong giả dối
mơ hồ

ôi những kẻ hư hỏng
trộm chữ trộm thơ bớ nhà ai
những bài thơ được sinh ra từ những c uộc phẫu thuật thẫm mỹ của ngôn từ
độn chữ
edit mông,
sửa vú
kéo dài chân ra
để dự thi trình diễn
giả dối
sinh ra trong cơ hội rủi may
trong những giọt nước mắt dối lừa
sự hư danh
tủm mủn và tắt mắt
cửa quyền
quyền của tài năng
quyền của danh tiếng
quyền coi thường người khác
sống dựa vào hơi danh quá khứ lối mòn

ôi những kẻ tâm thần đạo đức
đừng lấy chữ nghĩa mà phản bội tinh thần và bản thân
đừng vin danh giá mà chà đạp người khác
vì có chết ở dưới biển cá mập cũng rỉa trắng xương
chết ở đâu cũng thành tro tàn cát bụi
ôi những kẻ hư hỏng của thời đại chúng tôi
tâm thần đạo đức

Nỗi buồn trên cây
của những người đàn bà viết
giữa luật của rừng chữ
luật của người đời
luật của thiên lương
của cái Tôi làm người
không cần sâu sấc như cái cơi
chỉ cần từ tâm khoan nhượng
không cần phẫu thuật thẩm mỹ
chỉ cần thành thật dù vụng về

Nỗi buồn bay đi đâu
của những người đàn bà viết
một mình giữa sóng đời
sóng người cuồn cuộn
chả có sóng nào hơn sóng lương tâm của tình mẫu tử
những đứa con thơ đang ngắm nhìn
xung quanh
trong trẻo
đừng bao giờ làm tổn thương thêm
thế hệ tiếp theo
bằng sự cố chấp hẹp hòi của cái Tôi
đừng để những đứa trẻ lớn lên
bằng sự bủa vây
của người lớn
Nỗi buồn trên cây
của những người đàn bà viết

Nỗi buồn trên cây
đến chết có hết buồn không
đến chết có hết buồn không


Nhiệt đới buồn

Tôi sinh ra, lớn lên ở Đất Mẹ, 30 năm. Những ký ức về tuổi thơ, về quê ngoại, về những trang sách. Sự hiện diện của gia đình. Sự cập nhật của các sự kiện bằng tin tức, mạng xã hội. Khi tôi đã ý thức trở thành một công dân, một con người xã hội, một con người khác ngoài cái tôi và riêng tư, tôi mạnh mẽ và tự tin, tôi độc lập và lặng lẽ. Suốt 30 năm ấy và sau đó, khi tôi đi học, khi tôi làm việc, khi tôi dịch chuyển từ nơi này nơi kia, vượt qua đại dương, trên những chuyến bay, chuyến tàu xa lạ, đến những vùng đất mới, tôi choàng tỉnh đón nhận một buổi sáng đầy hương hoa giữa rừng, tôi nhận ra, tôi còn thiếu bao điều mới lạ khác mà gần gũi hơn với chính tôi, với ký ức của tôi. Và tôi tiếp tục viết. Nhiệt đới buồn. Để tìm tiếng nói tự do, tình yêu trắc ẩn, để tìm quyền sống trong những rung cảm ly ti của những xung động, cảm xúc, để tìm tiếng nói, sự thấu hiểu trong sự khác biệt của nhiều ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Dòng chảy đó liên tiếp liên tiếp, và sẽ không ngưng lại, dù tôi ở đâu, trở thành ai khác. Thi ca đã trở thành sự hiểu biết và nhận thức trong các sáng tác và con đường sáng tạo của Như Quỳnh de Prelle.

Đám cháy tinh thần của tôi

tôi nói với bạn về đám cháy của tinh thần
của thế hệ tôi
những lý tưởng mù loà sáng chói
đam mê chạy theo
mải miết cả tuổi thơ mình
cho đén lúc trưởng thành
ra ngoài thế giới
nhận ra
đám cháy trong mình lạnh ngắt
có khi lụi tàn
thành tro bụi

bạn nói với tôi về lòng dũng cảm
nếu không dũng cảm tôi đã chết trong những cái chết tinh thần của tôi từ lâu lắm
chính tôi kéo ra vũng lầy đó
để sống khỏi những mơ hồ hoang mang
dũng cảm hay yếu hèn
thì chúng ta đều đối diện là một con ngừoi nhân loại
đều là những trái tim yếu mềm
và lý trí mạnh mẽ
chúng ta đã vượt qua những chiếc cầu
giữa dòng nước
như suối nguồn
như sông chảy xiết
như biển khơi

chúng ta còn lại trên mặt đất này
như mầm xanh thăm thẳm
trong những giọt nước mắt
như những cơn sổ mũi của mùa lạnh giá
mà con người bước xuyên qua những bức tường
tiếp tục
tiếp tục
chúng ta có quyền sống
và quyền chết
được chết theo cách mình muốn
như sự tồn tại
chúng ta có

đám cháy của tôi
của một thời
như những ký ức không phai
đám cháy của tinh thần chúng tôi
còn lại
đến ngày chết nằm xuống
có tên hay không tên đều như nhau
trong những nầm mồ hay trong bình gốm tro tàn

tôi biết ơn lòng dũng cảm của bạn
cho tôi rộng lòng
cho tôi hàn gắn
khỏi những rạn nứt mơ hồ
trong những mong manh
của trái tim
người đàn bà không còn trẻ con
mà ngây thơ như gió
như một bông hoa trong sương mai

tôi biết ơn loài người
nhân loại
biết ơn đám cháy tinh thần
thế hệ tôi
tuổi thơ tôi


Những bông hoa màu nước mắt

Trong suốt
không màu
vị cay cay chua chua
cuả những người đàn bà
sinh con
không biết mặt cha

Những bông hoa màu nước mắt
kéo dài bao thế kỷ qua
từ chiến tranh loạn lạc
đến thời bình
của những người đàn bà
sinh con luôn thiếu mặt cha

Người đàn ông ở đâu sao mà trống vắng
người đàn ông ra mặt trận
trên những ngọn đồi cao nằm gác súng
trên những cung đường máu lửa
nước mắt của những bông hoa
cạn dần

Những bông hoa màu nước mắt
của thế giới đổi thay
lên ngôi bình đẳng
đàn ông vẫn thiếu vắng
bên cạnh những người đàn bà cô độc
những đứa con không bao giờ biết mặt cha
dù nhìn thấy nhưng không ai thừa nhận

Những bông hoa màu nước mắt
trong đêm
những cay đắng tuôn dài
trên hình hài đứa trẻ
tình yêu không vẹn nguyên
dù người đàn bà đóng vai trò người đàn ông như một

Một thế hệ lớn lên
từ những bông hoa không màu ấy
đăng đắng cay cay
đôi lúc ngọt mềm
như môi
lúc thì không mùi không vị

Nước mắt của nhân gian
vẫn là tình yêu và thân phận
khát vọng không thành
cứ độc đơn
thiếu trống
một nửa thế gian
những đứa trẻ lớn lên


Cơn lũ và tượng đài

cơn lũ cuốn trôi mái trường em
lớp học em
mùa khai giảng thật buồn
em sẽ ngồi ở đâu trong lớp học
em sẽ ăn ở đâu trong nhà của em

tượng đài ơi
bằng sắt bằng đồng
vô tri vô giác
không cho em lớp học
không cho em tình thương
em muốn bình an giữa giấc mơ đêm
ở mái trường thân yêu

những anh hùng nông dân gậy guộc
không bao giờ hoá thành tượng
mà hoá thành sức mạnh nhân dân
trên những cánh đồng máu
mồ hôi
những mảnh đất buồn

lũ cuốn trôi đất
cuốn trôi người
cuốn trôi những cuộc chiến tranh
còn lại sẹo bao vết thương
không bao giờ kín lại
không bao giờ


Quỳnh và mùa thu

Tôi chưa bao giờ gặp nàng
chưa bao giờ biết nàng
như chính tên của tôi
Như Quỳnh

Nàng có 2 con nhỏ
đấu tranh cho sự thật
cho quyền con người
giải phóng tự do của đồng bào mình

Nàng vào tù
như những người đàn ông làm cách mạng
cứu rỗi bao người khác
nói thay bao người khác
sống thay cho bao người khác
và chết thay cho nhiều người khác

Nhà tù và song sắt
đầy mùi hương của Quỳnh
lấp lánh như Ngọc là Quỳnh
màu đỏ của những vết son khô là máu
và nước mắt
không bao giờ cạn khô

Quyền được sống như Quyền được chết
nhà tù và song sắt cũng chỉ như một bông hoa và viên ngọc là nàng
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Mùa thu sẽ cầu nguyện cho nàng
Mùa lá chết sẽ phục sinh nàng
Mùa tạ ơn tôn vinh nàng

Cứ thơm như mùa Quỳnh và sáng như Ngọc là Quỳnh

Nhà hát

image

Babel

Tiếng Việt là ngôn ngữ tôi viết và sáng tác khi tôi không còn thường xuyên ở quê hương Đất Mẹ. Ngôn ngữ ấy cho tôi khám phá và hiểu biết hơn về những địa lý khác nhau trên trái đất này giữa những giọng nói khác nhau, giữa những ngôn ngữ khác…. Ngôn ngữ ấy cho tôi kiệt cùng của chữ, của tình, của những tan biến, mất mát, trong sự vô vọng có khi hy vọng chỉ như một tia nắng, hay một mầm non. Tôi đã hiểu hơn đời sống thường ngày, hiểu hơn con người không xa lạ, dù bất kể nơi nào, ở đâu, những nơi tôi dừng lại, tôi đi qua. Nghệ thuật thường ngày trở thành luồng dẫn điện truyền cảm hứng cho những nhận thức, cảm quan cuả qua những sự sống đơn giản, bình thường mà thành thi ca.

Người mang nước


Triển lãm

Trong bảo tàng hoàng gia
Những bức tranh cổ điển Nhật bản
khắc trên gỗ
trên giấy
những cặp đôi yêu nhao
là người đàn ông và người đàn bà
là 2 người đàn bà xinh đẹp
là những tình yêu tay ba
là người đàn bà cô độc làm tình với chiếc gậy sắt

tình yêu là hàn gắn
là những vết thương
tình yêu là tội lỗi
là những cung bậc vô thường
tình yêu là hận thù
là những đen bạc canh thâu

tình yêu là tình yêu
là hạnh phúc
đớn đau
tột cùng vỡ vụn

còn lại gì của tình yêu
chiếc dương vật trong âm đạo
hay những cụm lông rậm rì
của 2 thân thể
của những đôi bàn tay níu lấy nhao
chạm vào xương cốt thịt da
chạm vào những trái tim
đầy tổn thương và yếu đuối
hay sự mạnh mẽ đầy tự tin
của những yếu hàn tan vỡ
của những mất mát

còn lại gì tình yêu
của những con người như nhao mà khác nhao
của những con người khác nhao mà không giống nhao

trên những bức tranh
trong bảo tàng
nhắc cho nàng
về tình yêu hàng ngày
về những cái ôm
nụ hôn trong đêm ngút ngàn thương nhớ
của đôi bàn tay gầy xương
của 2 cơ thể nâng đỡ nhao
chết cùng nhao
và tình yêu của người thứ 3
tồn tại song song của 3 trái tim còn sống sót trong tình yêu


Thư gửi Jesu

Cơ thể của chàng treo trên cây thập giá
rồi tháo xuống
nước mắt và máu tràn ngập cùng mồ hôi
người và người cùng khóc
Jesu chàng đã không chết và không bao giờ chết

Một ngày, tôi chạm vào Jesu trong một cơn mơ
trong bức tranh của Rubens
hoạ sỹ tái tạo ra một Jesu có thật bằng hình ảnh và hình hoạ
được cất giữ trong nhà thờ Notre Dame tại Anvers

Jesu của tôi hay của loài người đau khổ
nước mắt rơi như mùa thu rơi lá rụng
như những cơn mưa tháng 11 không ngưng không ngừng lại
Jesu làm cho tôi trở lại thế kỷ cũ
của những nỗi đau bằng máu thịt xương mòn

Thế kỷ này, Jesu không được nhìn thấy những bất hạnh khác
nhưng chàng đã nhìn ra những đắng cay ấy, những tội đồ ấy
và những kẻ trao cho chàng cái chết
chúng vẫn muốn đóng đinh loài người vào những bức tường trên những định kiến mù loà và những dùi cui song sắt

Jesu ơi, Jesu, chàng có nghe thấu chăng,


Những cuộc gặp trần thế

Người đàn ông Liberia nói với nàng về một cuộc sống hoang dại của những người dân Châu Phi

Người đàn bà Maroc nói với  nàng về một đời sống mà tôn giáo chỉ định mọi ý nghĩ, thực hành trong cuộc đời

Người đàn bà khác quấn khăn trên đầu choàng rộng qua vai kể cho nàng về sự đơn giản không truyền thống và những hà khắc trong những thói quen

Nàng không có tôn giáo, nàng chưa đến Châu Phi, nàng chưa đến Trung Đông… nàng đến từ một dân tộc quá nhiều nỗi đau trong lịch sử, nào chiến tranh, nào nỗi sợ hãi trong hoà bình, nào nỗi sợ hãi xâm lăng, chiếm đoạt lãnh thổ… Nàng chỉ có tình yêu tình yêu dành cho loài người, cộng đồng, những người nàng biết, nàng gặp và cả những người nàng không hề biết. Nàng chia sẻ với họ bằng hiểu biết, tri thức. Nàng yêu thương và hồn nhiên.

Nàng nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối của chữ nghĩa. Nàng chịu đựng những đắng cay vô hình mà có thật để nàng sống mạnh mẽ, yêu sự sống còn trong những khoảnh khắc. Nàng tàn phai. Biến mất.


Bài ca vượt biển 2

tôi nhìn thấy một bầu trời mầu đỏ
trên biển xanh
giữa một con thuyền lớn
hàng trăm người đang lênh đênh
vượt biển
vượt đại dương
sóng vỗ
tìm chốn bình yên
như một giấc mơ

bầu trời màu đỏ rực
trên biển xanh
như màu hy vọng khát khao bỏng cháy
như niềm tin
không lụi tàn
vào mạn thuyền kia

nhưng bão đã đến
che lấp bầu trời
những con người lênh đênh như sóng
bám vào nhau
gào khóc
biển màu xanh nhuộm máu hồng
những linh hồn bay như cánh chim xa
lạc loài
dạt vào bờ cát trắng
giấc ngủ trẻ thơ chìm trong nước mắt
mặn như biển khơi

bầu trời và biển xanh
có còn bao la rộng lớn
có còn đủ chứa khát khao
của loài người
về những chuyến di cư
về sự bình an nương náu

bầu trời và biển xanh
vô định
như ngày mai không biết trước
tương lai mịt mù
nhưng tiếp tục đi
tiếp tục cuộc sống mới
như buổi sáng bình minh của con trẻ
như ngày mai đến trường
như chiếc bánh mỳ trên tay nóng hổi
không còn nghe súng đạn
không phải ngủ trong lều

bầu trời và biển xanh
bình yên như một giấc mơ
không bị nát đôi ra
không bị chia cắt

và tôi học cùng với những người bạn
vượt từ những con sóng xa xôi
đến nơi này
họ hồn nhiên
mạnh mẽ
họ cẩn trọng và cách xa
họ được dạy ngôn ngữ
được dạy làm việc
họ có cơ hội thoát những cuộc chinh chiến đầy xác chết
và họ phải sống để thích nghi
tạo lập từ đây


Giò lụa và thi ca

Tôi không hiểu tại sao tôi luôn nhớ
làm giò lụa là không nấu không hấp
cứ quấn thật chặt rồi ăn dần
thì ra đó là làm  nem sống
tôi nhầm như thế

Tôi thích món giò lụa
ăn ngập răng
trong mùi thơm của thịt
và nước mắm
được quyện vào nhau
bền chặt
với bột năng và banking thần thánh của tôi

Một buổi chiều cuối đông
nhân có thịt tươi
và cơn ngẫu hứng
tôi làm giò
món ăn yêu thích của cả nhà
với bánh mỳ
thay cho thịt jambong

Thịt xay nhỏ
ướp mắm và tiêu
cho vào tủ lạnh 3h
đem ra xay tiếp
rồi cho vào tủ lạnh lần nữa 2h
cuối cùng hấp trong 1h

Món giò của tôi kết thúc lúc 9h tối
tôi để nguội
sáng hôm sau cho vào tủ lạnh
đó là món ăn tối của cả nhà
với bánh mỳ
và phomai
cùng với olive và salad

Tôi khỏi phải nhớ giò lụa từ quê hương
khỏi phải cất công người vận chuyển
giò lụa trở thành món ăn hàng ngày
như phở, búng thang và xôi

Lúc gói giò
bọn trẻ giúp tôi giữ giấy nilong trên mặt thớt gỗ
tôi hình dung một bài thơ giò lụa
cùng tiếng cười con trẻ
líu lo gọi tên món ăn của người An Nam
bọn trẻ không ăn món này
vì giò lụa chưa trở thành phổ biến
trong thực đơn

từ hôm nay
mới bắt đầu
đi vào thực đơn hàng ngày của gia đình tôi
món giò lụa quê hương
từ thịt gà, thịt lợn hoặc thịt bò
xay nhỏ
mịn như kem
và lỗ rỗ vài lỗ nhỏ
phưng phức mùi thơm của nước mắm


Nàng trong một bức tranh

nàng buồn như một tấm chăn đen
không có mùa xuân nào đang đến gần
môi son như cánh đào phai
chết dần trong úa tàn

có những lúc như thế giữa những rộn ràng
tấm chăn đen phủ kín
nỗi buồn âm u
vừa thầm kín vừa nhẹ nhàng

nàng nhìn thấy nỗi buồn ấy
qua môi son biếng cười
qua đôi mắt mệt nhoài
đôi bàn tay đơn côi

nàng nhìn thấy nỗi buồn ấy
ở loài người quạnh hiu
giữa mùa đông đang nhiều hy vọng
cho mùa xuân mau về

nỗi buồn như một tấm chăn đen
nàng biếng cười
môi son khô
cánh đào rơi
thời gian
vơi cạn
rồi đầy
theo ý niệm

nỗi buồn như một tấm chăn đen


Người mang nước
Nhà xuất bản Sống và Amazon tại Hoa Kỳ, tháng 4, năm 2018
https://www.amazon.com/Nguoi-Mang-Nuoc-tho-Vietnamese/dp/171716742X/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1524499538&sr=8-1&keywords=nguoi+mang+nuoc+nhu+quynh