Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (466): Tạ Tỵ (kỳ 5)

Tạ Tỵ

Mười khuôn mặt văn nghệ

“Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Ngươi ơi! Hề! Ngươi ơi
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…”
(Trích “Hành phương Nam”)

Nguyễn Bính: Làm thơ, viết văn. Sinh năm 1919 tại làng Thiên Vinh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Mất ngày: 20.1.1966 tại Hà Nội.
Tác phẩm: Lỡ bước sang ngang, thơ (Lê Cường xuất bản, 1940), Tâm hồn tôi, thơ (Lê Cường xuất bản, 1940), Hương cố nhân (Á Châu xuất bản, 1941),Bóng giai nhân (Kịch thơ), Mây Tần, thơ (Á Châu xuất bản, 1942), Đêm sao sáng, thơ (Văn học Hà Nội, 1963), Một ngàn cửa sổ (thơ), Tập thơ yêu nước, Sóng biển cỏ (thơ).


Nguyễn Bính
Một thiên tài lỡ dở
Thú thật, trong những năm tháng dài của Hà Nội ngày xưa, trong dòng sông hạn hẹp của văn nghệ tiền chiến, anh em dễ quen, dễ gặp vì chẳng có bao người, thế mà riêng tôi, đối với Nguyễn Bính gần như vẫn còn xa lạ.
Tôi chỉ gặp Bính có hai lần. Lần đầu trên chuyến xe điện từ Hà Đông ra Hà Nội. Một người bạn cùng đi đã chỉ cho tôi chàng thanh niên có nước da ngăm ngăm, có mái tóc rậm bù, mặc bộ quần áo dạ cũ màu xanh sẫm, đang ngồi rúm ró ở cuối ghế: Nguyễn Bính đó. Hồi ấy, tôi đã đọc thơ văn của Bính đăng trong Hà Nội báo với thiên hồi ký than khóc tình yêu có 4 câu thơ được coi như lời dẫn trước cho câu chuyện chứa đựng nỗi ai oán và bi thảm đã vò xé nội tâm Bính:

“Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ
Rót lần lần rót mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay, nhưng nàng vẫn vô tình
Hắt ly rượu hồn tôi qua cửa sổ.”

Nàng Oanh, nàng Oanh là một nữ sinh mà Bính say mê đến nỗi đêm đêm dù trời đã trọng đông với mưa phùn gió bấc, với giá lạnh cắt buốt thịt da, Bính vẫn kiên nhẫn đứng bên lề đường, dưới gốc cây hay dưới mái hiên nào đó nhìn lên căn gác đóng kín, chỉ còn những tia đèn mong manh lọt qua khe cửa, để vọng tưởng người yêu. Tôi nhìn Bính như nhìn một tượng hình đau khổ với câu chuyện tình lởn vởn trong trí não. Hồi đó, tôi còn là một thanh niên được gia đình chở che và đùm bọc, tuy làm văn nghệ nhưng có lẽ nhờ cái nghề hội hoạ mà trời thương hay ghét cũng chẳng biết, rất ít người vướng mắc vào hệ luỵ ma tuý, hay bắt gặp những oan trái do tình yêu gửi tặng. Bữa đó, Bính đeo kính đen tuy trời bên ngoài đã cuối thu không có nắng, màu mây quánh đặc sắc bùn. Lần gặp thứ nhất này làm tôi thất vọng, vì lẽ rất dễ hiểu là Bính không giống như người mà tôi đã tưởng tượng: mái tóc bồng bềnh như Xuân Diệu, vóc dáng phong nhã như Hoàng Cầm hay có vẻ đãng tử như Đinh Hùng. Nguyễn Bính đang hiện diện trước mắt tôi kia chỉ là một chàng trai tầm thường, trông lại quê quê không có biểu tượng nào để tôi nhận ra sự phong phú đầy chất lãng mạn trong văn thơ. Rồi hình ảnh đó phai dần. Tôi và Bính vẫn chưa biết nhau tuy bạn của Bính một phần là bạn của tôi.
Cho đến một buổi, tôi nhớ rõ buổi trưa, Quỳnh Dao rủ tôi đi thăm Nguyễn Bính để nói chuyện cho biết. (Quỳnh Dao, thi sĩ miền Trung, có thi phẩm Tơ trăng xuất bản thời tiền chiến, đã bị thủ tiêu vào dịp Cách mạng 45 vì bị nghi là gián điệp cho Nhật. Nhân dịp này với tư cách là người bạn thân của Quỳnh Dao, tôi xác nhận Quỳnh Dao không hề làm chính trị hay có thái độ chính trị, sở sĩ anh phải hợp tác với cơ quan quân sự Nhật là vì miếng cơm manh áo, vì trách nhiệm làm chồng làm cha và để có tiền vui chơi với anh em, thế thôi! Quỳnh Dao biết tiếng Nhật và Anh, đánh máy rất mau, chữ viết rất đẹp.) Chúng tôi từ phố Huế đạp xe điện lên Quan Thánh, rồi đi bộ hết đường Cổ Ngư lên đầu Ô Yên Phụ, trời Hà Nội bữa đó cao và trong. Chúng tôi đi dưới rặng phượng vĩ với tàn lá xanh um trải rộng làm rợp mặt đường. Nước hồ Tây bàng bạc lô xô mấy chiếc thúng câu bập bềnh trong không gian im vắng. Một bên, hồ Trúc Bạch, màu nước ngăn ngắt với lớp váng rêu úa vàng dạt vào thành xi-măng xây quanh mép hồ. Quỳnh Dao bỗng khoát tay chỉ về phía xóm lá, bên kia hồ Trúc Bạch – Bính ở trong xóm ấy, nhưng vào đó không chắc gì gặp, nó thường ở nhà M… trên đê. Nghe Dao nói, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của Bính gửi chị Trúc:

“Nhà em ở cuối kinh thành
Giữa hồ Trúc Bạch nước xanh màu chàm
Dịp nào chị có qua thăm
Cho em lần nữa chiếc khăn lụa hồng
Cầm cho hai tháng là cùng
Khóc như em, mấy khăn hồng chẳng phai!"

Tâm sự của Bính là tâm sự đầy nước mắt, do đó, lời và hơi thơ của Bính làm người đọc dễ cảm, dễ thuộc.
Tôi đã gặp Bính ở nhà M… thật. Đây là lần thứ hai và cũng là lần chót. Tới nay Bính đã đi sâu vào lòng đất, gia tài để lại cho cuộc đời tuy không vĩ đại nhưng cũng đủ chứng minh giá trị của một thi nhân trong lịch sử Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Vì là buổi gặp mặt lần đầu, hơn nữa, trong căn phòng chật chội còn có nhiều người khác nên tôi và Bính chỉ trao đổi vài câu xã giao thông thường. Cuộc “diện kiến” này chẳng mang lại cho tôi một thích thú gì cả.
Với tôi, Bính vẫn chỉ được coi như biết mà chưa quen. Sau đó ít lâu tôi nghe tin Bính đã bỏ quê hương vào Nam tôi mới hối tại sao không cố gặp nhau để trở nên thân như các bạn khác dù cho sự tìm kiếm góp bạn lúc ấy không phải điều khó.
Ngày đó, tôi đương theo học mỹ thuật, chỉ yêu văn học mà chưa làm văn học. Sự giao du của tôi với anh em làm văn học lúc ấy cũng chỉ do chút cảm tình văn nghệ mà thôi. Nhưng chẳng phải vì không thân mà tôi không thích đọc Bính. Tôi vẫn đọc và nghe rất nhiều chuyện về Bính, từ thuốc phiện, rượu, đến nỗi đau tình ái, do anh em nói lại.
Hôm nay viết về Nguyễn Bính, là viết về một nhà thơ đã vĩnh viễn vắng mặt, một nhà thơ (theo ý riêng tôi) đã gặp nhiều hệ luỵ nhất, đã mang tâm sự bị thương đi lang thang suốt một cuộc đời đầy sóng gió do tình ái và tiền tài gieo hoạ.
Bính làm thơ vì Định Mệnh phán quyết. Thơ Bính đẹp như dòng suối và bi thương như bệnh hoạn. Cá tính trong thơ Bính rất tự nhiên, mộc mạc không gò bó, kiểu cách như các thi nhân cùng thời. Thơ Bính đi gần với ca dao, rất gần với đại đa số quần chúng. Các cô gái đọc rất khẽ trong phòng the để tiếc nuối thương vay một thân phận hay giận hờn vì người Bính khóc trong thơ sao lại không phải mình. Các bà mẹ ru con bằng thơ Bính. Thơ của Bính được phổ biến thật sâu rộng, nó gắn liền với cuộc sống nội tâm ở mỗi con người đa đoan tâm sự. Bài “Lỡ bước sang ngang” vào đời đã đưa Bính lên cao giữa vòm trời thi ca đầy tinh tú sáng chói với Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên v.v… Nhưng chính thực, bài thơ này không phải là bài thơ hay của Bính. Nó nổi tiếng chỉ vì nội dung bi đát nói lên thân phận người con gái “lỡ bước” rồi “sang ngang” để rồi lại “lỡ bước”. Cái tâm sự ấy, cái cảnh huống ấy nó giản dị quá, nó đi gần với cuộc đời có mặt trong thời gian ấy:

“Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão giữa tràng giang lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thể chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đón một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu, cái duyên không về!...
...................................
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy trời
Trong hồn chị có một người đi qua…"
("Lỡ bước sang ngang")

Chất thơ của Bính nó hiện diện như thế cách đây 30 năm, khoảng thời gian không xa xôi gì, mà sao nó làm cho người đọc hôm nay cảm thấy đằng đẵng xa vút mù khơi.
Bính là con người làm văn nghệ duy nhất ở thời đó không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương cũng như Đông phương. Bính làm thơ một mình và thừa hưởng cái kho tàng văn hóa Dân tộc qua các vần ca dao, qua nếp sống mộc mạc quê mùa. Do đó, thơ Bính mang tính chất hồn nhiên, với một sắc thái cực kỳ lãng mạn trong lãnh vực tình yêu.
Bính sinh ra trong một hoàn cảnh khốn khó, trong một xã hội phân hóa bởi giai cấp thống trị với những ước lệ quá ư bất công. Từng ấy dữ kiện đã bắt buộc Bính phải tự tìm cho mình lối thoát. Bính đi vào tình yêu với mộng ước đắm đuối vô vàn để được trả bằng thất vọng. Nàng Oanh nhắc đến ở đoạn trên chưa chắc đã phải là mối tình đầu của Bính, nhưng ở đây, nàng biết Bính yêu mình và mình không yêu Bính nhưng nàng cứ lạnh lùng theo ngày tháng, chẳng chấp nhận và ác nhất, chẳng khước từ. Nàng vẫn đúng giờ mở hé cửa, thò một bàn tay nõn nà cho thi nhân nhìn lên với mơ ước bàng hoàng, đắm đuối:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của Trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…
...................................
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai biết, ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”
(“Tương tư”)

Cái vòng tình ái lẩn quẩn mở rồi đóng, đóng rồi mở làm cho Bính bàng hoàng như tỉnh, như mơ. Vốn là nòi tình nên thi nhân đắm mê vào hệ luỵ như con thiêu thân lao mình vào ánh đèn tìm cái chết trong lửa đỏ. Ngọn lửa do tình yêu thắp sáng trên vóc dáng nàng Oanh đã làm cho Bính điên cuồng. Bính rên xiết, ngất ngư đòi được thiêu huỷ đời mình trong đó. Nhưng nàng Oanh không cho Bính đến gần, nàng chỉ cho Bính thấy có ánh sáng mà không mở lối cho Bính tìm về ánh sáng. Có thể nói, nỗi đau tuổi trẻ này Bính mang xuống tuyền đài chưa chắc đã tan. Niềm thương hận đó, Bính đã trải rộng trên những vần thơ và huỷ hoại tuổi trẻ trong các nguồn đam mê hằng ngày, hằng đêm.
Nhưng cứ sau mỗi đam mê, hình ảnh kia vẫn bám riết và đeo đuổi như đeo đuổi một duyên số:

“Nhà ấy hình như có mặt trời
Có rừng, có suối, có hoa tươi
Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm?
- Không có gì đâu! Có một người.
Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng
- Có nên qua đấy nữa hay không?
Không nên qua đấy, nên qua đấy?
Không, nhớ làm sao? Qua, mất công.
Chàng đau đớn lắm, môi cắn môi
Răng cắn vào răng, lời nghẹn lời
- Hờ hững làm sao, mê mẩn quá
Trời ơi! Cứu vớt lấy hồn tôi…”
(“Hà Nội ba mươi sáu phố phường”)

Bính đau quá, giận quá, nhớ thương quá, si mê quá. Tấm lưới tình yêu cứ xiết dần thân phận Bính với nhức mỏi rã rời, Bính kêu la giẫy giụa:

“Đã quyết không… không được một ngày
Rồi yêu, yêu cả buổi chiều nay
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá
Không biết là mưa hay nắng đây
.................................
Oán đã bao la, hận đã nhiều
Cớ sao tôi vẫn chẳng thôi yêu
Tôi đi mãi mãi con đường ấy
Qua lại hôm nay, sáng lại chiều.”
(“Vẩn vơ”)

Cứ như thế, cứ quẩn quanh với thương nhớ, cứ bịn rịn vì mái tóc, làn môi mà Bính buông trôi ngày tháng.
Nhưng thơ Bính không phải chỉ cò nàng Oanh với “Oán đã bao la, hận đã nhiều”, mà nguồn cảm hứng đó còn toả rộng ở các khía cạnh đặc thù của cuộc sống. Thơ Bính buồn, thật buồn. Mỗi lời như một dòng lệ, ngay cả khi Bính không nói về mình:

“Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những lời bèo bọt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày
.............................
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?”
(“Những bóng người trên sân ga”)

Nỗi buồn rất nỗi buồn, chia ly rồi chia ly đều bắt nguồn ở sân ga bé nhỏ. Từ hai cô gái nhỏ áp má vào nhau sùi sụt đến người yêu tiễn người yêu ở một sân ga vắng trong chiều tắt nắng. Có những chàng trai tiễn đưa nhau dùng dằng “ba bốn bận” đến nỗi bóng họ nhòe theo bóng tối. Có người vợ mở khăn trầu tiễn chồng đi biên ải. Có người mẹ già lưng còng đổ bóng tiễn con đi, và có người làm cuộc du hành cô độc để “một mình làm cả cuộc phân ly”. Tất cả những chất liệu đó đã làm Bính rúng động và đâu đây tiếng còi tàu thét vang trong trí não thi nhân để trút xuống mặt giấy từng nỗi nghẹn ngào nhân thế.
Biệt ly, biệt ly nào mà chả làm lòng người se lại. Buổi tiễn đưa giữa hai kẻ sống tuy buồn nhưng còn ít bi đát hơn cảnh người sống tiễn đưa kẻ chết, nhất là kẻ chết lại là người trinh nữ. Cái chết của nàng làm cho Bính tưởng tượng cả “châu thành Hà Nội chít khăn sô” và như có ai mời thi nhân “uống chén biệt ly”:

“Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồi
Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi
Đêm đi một chiếc quan tài trắng
Và những bông hoa trắng lạnh người
Theo bước, những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi…”
(“Lòng người trinh nữ”)

Người trinh nữ ấy bỏ cuộc đời, bỏ cả chiếc áo màu xanh nàng vừa may vào mùa thu, nhưng nàng đi chẳng phải vì có chiếc áo “đi” theo mà còn để lại tiếc thương trong lòng em thơ, mẹ già và mối tình của chàng trai gửi tặng.
Tình cảm của Bính thật chan chứa. Nó khởi hành từ đam mê của mình, thuộc-riêng-mình rồi nó tự vượt thoát để bấu víu vào cả những thứ không-thuộc-về-mình và coi đó như có thực. Huyền thoại T.T.Kh. với 4 bài thơ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam từ lâu, không ai có quyền phá vỡ. Người duy nhất có thể làm được công việc trên là thi sĩ Thâm Tâm, nhưng Thâm Tâm đã đi vào đất lạnh từ lâu. Bởi vậy, bây giờ và mãi mãi nó vẫn là một nghi hoặc, là dấu hỏi, dấu than, nó vẫn còn nguyên là huyền thoại theo đúng nghĩa chữ.
Câu chuyện tình đẹp do Thanh Châu sáng tác với tựa đề “Hoa Ti-gôn” đăng trong báo Tiểu thuyết thứ bảy đã làm xúc động người đọc và sau đó ít lâu T.T.Kh. ra đời. Thâm Tâm có làm 2 bài gửi T.T.Kh. và Nguyễn Bính cũng làm bài “Dòng dư lệ” tặng T.T.Kh. với những vần thơ đắm đuối:

“Dừng chân trước cửa nhà nàng
Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau
Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu
Lá rơi lả tả bên lầu như mưa…”

Tìm nàng để làm gì? Để nghe người lão bộc kể lại một thiên tình hận, để bâng khuâng coi đó như chuyện của mình:

“Bao nhiêu oan khổ vì tình
Cớ sao giống hệt chuyện mình ngày xưa?”

Nguyễn Bính sáng tác rất nhiều, mỗi bài thơ như một khúc bi ca, như nỗi đau đứt ruột vì khung trời tình ái mà Thượng Đế dành riêng cho Nguyễn Bính luôn luôn bị che phủ mây mù:

“Lạ quá làm sao tôi cứ buồn
Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn
Làm sao tôi cứ tương tư mãi
Người đã cùng tôi nhạt ước nguyền…”
(“Vâng”)

Và,

“Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng
Hồn tôi là cả một lời van
Tôi van nàng đấy, van nàng đấy
Ai có yêu đương chả vội vàng”
(“Người con gái ở lầu hoa”)

Có lẽ chịu không nổi hình phạt của cuộc sống ở cả hai phía, tình yêu và hoàn cảnh, nên Bính dứt áo ra đi về phương Nam có nắng vàng chói lói, có cuộc sống cởi mở, để mong tìm cho mình sự giải thoát nào đó bằng cảm xúc mới, bằng tri giác mới. Hà Nội với đắng cay còn đó, Hà Đông với khuôn mặt nàng Oanh kiêu bạc hờ hững, với kỷ niệm tháng năm buồn đứt ruột, với dăm bảy đứa bạn bè ngơ ngác nhìn nhau nhàm chán. Hà Nội đối với Bính như “một nhỡ nhàng” nên biết quyết dứt tình.
Ở trong Nam, Bính cũng trôi nổi bềnh bồng như cánh bèo đưa đẩy. Nay đây mai đó, Bính từ Sài-gòn xuôi Hậu Giang và gót giang hồ đã dừng lại ít lâu tại cuối trời nước Việt, đó là Hà Tiên quê hương của thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Trong thời gian lưu trú tại miền Nam, Bính đã sáng tác nhiều với tứ thơ mới pha thêm nỗi đắng cay, tủi hận do cuộc sống thờ ơ và miếng cơm manh áo, mỗi ngày làm cho thi nhân căm phẫn:

“Trọc phú ti toe bàn thế sự
Đĩ già tấp tểnh nói văn chương
Đã coi đồng bạc to hơn núi
Còn học đòi theo thói Mạnh Thường…”

Bính sống giữa thế kỷ XX, thế kỷ của phát minh cơ khí đang muốn đẩy lui những giá trị tinh thần vào bóng tối dĩ vãng, như Bính đâu cần biết, Bính vẫn muốn dùng cái sĩ khí, tiết tháo của nhân vật Đông Chu làm biểu tượng cho mình:

“Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm một
Giữa chợ ai người khóc nhận thây
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay
Mơ gì Ấp Tiết thiếu văn tự
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây…”

Nhưng ta đi, ta đi đâu? Bính giận dỗi với cuộc đời vì đi khắp thiên hạ mà chưa tìm thấy tri kỷ, có chăng chỉ là mình với bóng.

"Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Ngươi ơi! Hề, ngươi ơi
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…”
(“Hành phương Nam”)

Như thế đó, tiếng thơ Nguyễn Bính dù ở cảnh huống nào vẫn đầy rẫy bi thương, uất nghẹn. Sau từng năm tháng dài ở miền Nam, mỗi độ xuân về, Bính lại tiếc thương mùa Xuân đất Bắc với hoa đào, gió lạnh, với đất trời đượm ngát hương xuân. Sau bao nhiêu lần hẹn mà Bính không về sao về nổi đất cũ, Bính thét lên trong bài thơ gửi chị – “Tết này lại nữa, Tết tha hương” rồi Bính kể cho chị Trúc nghe mùa Xuân miền Nam với:

“Dưa hấu chất cao hơn nóc chợ
Và hoa sen nở đẹp huy hoàng”

Cả hai thứ đó đều có vào mùa Hạ ở ngoài Bắc chứ không ở mùa Xuân…

*

Rồi thời gian qua đi với tuổi đời niên thiếu, tưởng rằng không còn cơ hội nào dành cho Bính một niềm hy vọng.
Đột nhiên cả dân tộc chuyển mình đi vào Cách mạng 1945. Mấy tháng sau, miền Nam anh dũng đã biến thành tiền tuyến trong cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lăng lần thứ hai. Bính có mặt trong tuyến đầu khói lửa. Rồi ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến. Sắt máu đã đẩy lui mọi người ra khỏi từng thành phố. Những năm đầu kháng chiến tôi có nghe tin Bính nhưng chẳng bao giờ có cơ hội vượt Trường Sơn để gặp mặt anh em. Trong thời gian này Bính cũng như mọi người làm văn nghệ khác, đều phục vụ kháng chiến bằng khả năng chuyên biệt. Cuộc sống máu lửa kéo dài cho tới ngày ký Hiệp định Genève chia đôi Nam, Bắc. Bính tập kết ra Hà Nội rồi mất tại đó năm 1966.
Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng kết từ cuộc sống bản thân tới nghệ thuật, ở bên trong mỗi dữ kiện người ta cảm thấy như Định Mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn ân thưởng. Sinh ra trong một hoàn cảnh khốn khó không đủ phương tiện ăn học, lớn lên Tình Yêu làm thui chột ước mơ, ở lãnh vực Thi Ca Bính cũng không làm sao thoát ra khỏi khuôn thước tầm thường của nhân thế. Nhưng đó không phải là cái dở mà chính là sự may mắn cuối cùng mà Thượng Đế dành cho Bính, tuy rằng sự may mắn đó Bính phải trả bằng nước mắt với muôn vạn nhục nhằn. Sự lỡ dở do Tình Yêu, do cuộc đời, do bạn hữu, do bản thân tạo nên, tất cả như a vào nhau để làm cho tiếng thơ buồn của Bính vút lên rồi toả ra những làn ánh sáng kỳ diệu giữa trời thơ nước Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Bính đã đi rồi. Tác phẩm Thi Ca của Bính còn lại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Bính với hình ảnh con chim Đường Nga (Le Pélican) của thi sĩ Alfred de Musset (1810-1857) đã moi ruột gan cho lũ con ăn tiệc, để rồi chết lặng lẽ bên mỏm đá vô tình.
Trích thơ Nguyễn Bính
Hành phương Nam
Đôi ta lưu lạc phương nào
Trải mấy mùa qua én, nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay
Lòng đắng xá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may
Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trói thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây
Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người đi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai xán lạn màu non nước
Cốt nhất làm sao tự buổi nay
Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai mà khóc nhận thây
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay
Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự
Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây
Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên lặng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Ngươi ơi! Hề ngươi ơi
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…
Lỡ bước sang ngang
Em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em hái, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng.
Chuyến này chị bước sang ngang,
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây…
I.
Rượu hồng em uống cho say,
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
Rồi đây sóng gió ngang sông,
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ.
Miếu thiêng vụng kén người thờ,
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em.
Đêm qua là trắng ba đêm,
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn.
Một vai gánh vác giang san,
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.
Mắt quầng, tóc rối tơ vương,
Em còn cho chị lược gương làm gì! …
Một lần sẩy bước ra đi,
Là không hẹn lại ngày về nữa đâu.
Cách mấy mươi con sông sâu,
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh.
Cũng là thôi, cũng là đành!
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm, phai đào,
Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người?
Em đừng khóc nữa, em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm,
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần.
Dẫu em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi.
Chị tôi nước mắt đầm đìa,
Chào hai họ để đi về nhà ai.
Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran,
Tôi ra đứng ở đầu làng,
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa.
II.
Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bảy tuổi, chị đi lấy chồng.
Người ta pháo đỏ rượu hồng,
Mà trong lòng chị một vòng hoa tang.
Lần đầu chị bước sang ngang,
Tuổi son sông nước đò giang chưa từng.
Ở nhà mẹ nhớ em thương,
Ba gian nhà trống mảnh vườn xác xơ.
Mẹ ngồi bên cửa se tơ,
Thời thường nhắc: “Chị mày giờ ra sao?”
Chị bây giờ… nói thế nào…?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
Chị từ lỡ bước sang ngang,
Trời giông bão, giữa tràng giang lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thể chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đón một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiên,
Tim đi hết máu! cái duyên không về!
Nhưng em ơi! một đêm hè,
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân trên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương thân chị lỡ làng,
Đoái thương duyên chị dở dang tháng ngày.
Rồi… rồi… chị nói sao đây?
Em ơi, nói nhỏ câu này với em:
Thế rồi máu chảy về tim,
Duyên làm lành chị, duyên tìm về môi.
Chị nay lòng lại ấm ròi,
Mối tình chết đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.
Tim ai khắc một chữ “nàng”?
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo.
Nhưng yêu chỉ để mà yêu,
Chị còn dám ước một điều gì hơn.
Một lầm hai lỡ keo sơn,
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung.
Rồi đêm kia, lệ ròng ròng,
Tiễn đưa người ấy sang sông chị về.
Tháng ngày qua cửa buồng thế,
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.
III.
Úp mặt vào hai bàn tay,
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm!
Đã đành máu chảy về tim,
Nhưng không ngăn nổi cánh chim giang hồ.
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần,
Chị về đan áo liệm dần nhớ thương.
Hồn trinh ôm chặt chân giường,
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
Năm xưa, đêm ấy, giường này
Nghiến răng… nhắm mắt… cau mày… cực chưa?
Thế là tàn một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng!
Tuổi son má đỏ, môi hồng,
Bước chân về đến nhà chồng là thôi.
Đêm qua mưa gió đầy trời,
Trong hồn chị có một người đi qua.
Em về thương lấy mẹ già,
Đừng trông ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng bằng không,
Coi như chị đã sang sông đắm đò.
Những bóng người trên sân ga
Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
Những lời bèo bọt thân đơn chiếc,
Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày.
Có lần tôi thấy hai cô bé,
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai bóng chung lưng thành một bóng,
Đường về nhà chị chắc xa xôi.
Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm,
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
Hai chàng tôi thấy tiễn đưa nhau,
Kẻ ở sân ga, kẻ cuối tàu.
Họ giục nhau về ba bốn bận,
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa tay bóng chạy dài.
Chị mở khăn trầu, anh thắt lại,
Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi.
Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi tận chốn xa,
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng,
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có lần tôi thấy một người đi,
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì.
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
Một mình làm cả cuộc phân ly,.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay,
Những bàn tay vẫy những bàn tay.
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Tôi đã đứng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về,
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy,
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly.
Lòng người trinh nữ
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ,
Tôi thấy quanh tôi và tất cả,
Châu thành Hà Nội chít khăn sô.
Nước mắt chảy quanh, tình thắt lại,
Giờ đây, tôi khóc một người về.
Giờ đây, tôi thấy lòng cay đắng,
Như có ai mời chén biệt ly.
Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi.
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi.
Đem đi một chiếc quan tài trắng
Và những bông hoa trắng lạnh người.
Theo bước, những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.
Để đưa nàng đến nghĩa trang này,
Nàng đến đây rồi, ở lại đây.
Ờ nhỉ! Hôm nay là mấy nhỉ?
Suốt đời tôi nhớ mãi đêm nay.
Sáng nay sau một cơn mưa lớn,
Hà Nội bừng lên những nắng vàng.
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo vết bánh xe tang.
Từ nay xa cách mãi mà thôi,
Tìm thấy làm sao được bóng người.
Vừa mới hôm nào còn thẹn thẹn,
Tay cầm sáp đỏ bỏ lên môi.
Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may áo với mùa thu.
Gió thu còn lại bao nhiêu gió?
Chiếc áo giờ đây ở dưới mồ.
Chắc hẳn những đêm như đêm qua,
Nàng còn say mộng ở chăn hoa,
Chăn hoa ướp một trời xuân sắc,
Đến tận tàn cạnh rộn tiếng gà.
Chắc hẳn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về,
Nàng còn thao thức ôm cho chặt…
Chiếc gối nhung mềm giữa giấc mê.
Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngưng chảy ở nơi tim.
Mẹ già xé vội khăn tang trắng,
Quấn vội lên đầu mấy đứa em.
Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu.
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều.
Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi,
Mà nay trên những môi son ấy,
Chẳng được bao giờ gọi: chị ơi!
Nàng đã qua đời để tối nay,
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những gót giày.
Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan tính chuyện sanng ngang.
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé,
Đã đắm ngàn thu ở suối vàng.
Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say.
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối,
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.
Chỉ một vài hôm nữa, thế rồi,
(Người ta thương nhớ có ngần thôi!)
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui.
Tôi với nàng tuy không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.
Hôn nhau lần cuối
Cầm tay, anh khẽ nói:
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi.
Rồi một, hai, ba năm,
Danh thành anh trở lại.
Với em, anh chăn tằm,
Với em, anh dệt vải.
Ta sẽ là vợ chồng,
Sẽ yêu nhau mãi mãi.
Sẽ se sợi chỉ hồng,
Sẽ hát ca ân ái.
Anh và em sẽ sống
Trong một mái nhà tranh
Lấy trúc thưa làm cổng
Lấy tơ liễu làm mành.
Nghe lời anh, em hỡi!
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi…
Vâng
Lạ quá! Lao tôi cứ buồn?
Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn?
Làm sao tôi cứ tương tư mãi
Người đã cùng tôi phụ rất tròn?
Thì ra chỉ có thế mà thôi!
Yêu đấy, không yêu đấy, để rồi
Mắc hẳn đường tơ sang cửi khác,
Dệt từng tấm mộng để dâng ai.
Khuyên mãi sơn cho chữ “Ái tình”!
Mộng lòng trang điểm mãi cho xinh.
Có người, đêm ấy, khoe chồng mới:
“Em chửa yêu ai, mới có mình”.
Có người trong gió rét mùa đông,
Chăm chỉ đan cho trọn áo chồng.
Còn bảo: “Đường lên đan vụng quá!
Lần đầu đan áo kiểu đàn ông”.
Vâng, chính là cô chửa yêu ai,
Lần đầu đan áo kiểu con trai.
Tôi về thu cả ba đông lại,
Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời!
Một nghìn cửa sổ
Một nghìn cái cửa sổ
Đều khép vào đêm qua,
Một nghìn bàn tay ngà
Đã thò ra cửa sổ.
Một nghìn cái cửa sổ
Đều khép vào đêm nay.
Lại nghìn cái bàn tay
Ấy thò ra cửa sổ.
Hỡi nghìn cái cửa sổ
Rồi khép vào bên trong
Có thấu tình ta không?
Có thấu tình ta khổ.
Đêm qua và đêm nay,
Và nghìn đêm về trước,
Ta đi trên phố này,
Ta đi trên phố khác.
Để mơ những bàn tay
Của những nàng gái đẹp,
Để muốn rằng đêm nay,
Cửa ai buồn chẳng khép.
Chẳng ai buồn, chẳng khép
Cho lòng ta đêm nay
Để lòng ta đêm nay
Mất một người gái đẹp.
Cửa hàng nghìn khép lại
Tất cả một đêm nay
Có lòng ta rồ dại
Mở ra muôn ngàn ngày.
Tỉnh giấc chiêm bao
Chín năm đốt đuốc soi rừng
Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân
Cửa xưa mành trúc còn ngăn
Góc tường vẫn đọng trăng xuân thuở nào
Làng xa bản nhỏ đèo cao
Gió bay tà áo chiêm bao nửa chừng
Anh về luyến núi, thương rừng
Nhớ em đêm sáng một vùng thủ đô.
Bồi hồi chuyện cũ năm xưa
Gặp nhau lần cuối… trang thư lệ nhoà
Thư rằng: thôi nhé đôi ta
“Tính sao không phụ mà ra phụ tình
Duyên nhau đã dựng Trường đình
Mẹ em đã xé tan tành gối thêu…”
Trăng khuya sáng núi gương đèo
Anh đi, thư vẫn nằm đeo bên mình
Lửa sàn nét chữ chênh chênh
Nếp thư đến rách chưa lành vết thương
Đằm đằm hoa sữa lên hương
Chân anh đương bước giữa đường cái đây
Nẻo hồ, song cửa, lá bay
Sáng trưng bóng dáng bao ngày yêu xưa
Trăm năm đã lỡ hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò còn không?
Tình cờ gặp giữa phố đông
Em đi ríu rít tay chồng tay con
Nét cười âu yếm môi son
Áo bay nhắc buổi trăng tròn sánh vai…
Chín năm bão tối mưa ngày
Nước non để có hôm nay sáng trời
Em đi hạnh phúc hồng tươi
Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp sao?
Sắc hương muôn nẻo tuôn trào
Tiếc mà chi giấc chiêm bao một mình
Anh về viết lại thơ anh
Để cho bến mát cây xanh đôi bờ
Cho sông cho nước tự giờ
Chẳng còn lỡ chuyện con đò sang ngang
Lứa đôi những bức thư vàng
Chẳng còn chữ chữ hàng hàng lệ rơi
Chim hồng chim nhạn, Em ôi
Trên nền gối cưới đời đời yêu nhau.
8-1956

Nguồn: Tạ Tỵ. Mười khuôn mặt văn nghệ. Nam Chi xuất bản lần thứ nhất, tác giả trình bày hoạt hoạ. Ngoài những bản thường có thêm 5 bản đặc biệt trên giấy Ngân Nhũ mang chữ T.T., L.N.. – P.T.Đ., C.T., và V.T.H., 100 bản trên giấy Bạch Ngọc mang số từ T.T. 001 tới T.T. 100, dành cho bạn hữu. In xong tại Kim Lai ấn quán ngày 1 tháng 8 năm 1970. Giấy phép sở P.H.N.T. số 621 BTT/PHNT ngày 19 tháng 2 năm 1970. Tác giả giữ bản quyền, 1970. Cùng một tác giả: Những viên sỏi (Tập truyện), Nam Chi Tùng Thư, 1962; Yêu và thù (Tập truyện), Tủ sách Nam Chi, Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản, 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12438&rb=08