Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 11) : Võ Đình, thân xác như một chất liệu nghệ thuật

Thụy Khuê

Trải vách quế gió vàng hiu hắt

Võ Đình đi đi, lại lại, bứt rứt, bực bội, tìm cách "vẽ" Ôn Như Hầu, nhưng câu thơ hắc búa của Gia Thiều cứ trơ ra như một "ảo giác" không thể "vẽ" được. Võ xoay ngang, chém dọc, bổ đôi, chẻ ba lời thơ, bước vào trong, chạy ra ngoài, mắt nhìn trời, tay vạch đất... Chịu! Lầu bầu oán trách ông già "ôn dịch" cắc cớ trớ trêu! Ngang tàng kiêu bạc đến như "ta" mà không thể "vẽ" được cái quái thai "trải vách quế gió vàng hiu hắt", bèn khấu đầu bái sư phụ một lạy. Võ chịu.

Chịu không vẽ được thơ Hầu, nhưng Võ ngộ được hai điều: thơ họa.

Khi thơ đã đạt đỉnh thượng thừa thì không vẽ được và khi vẽ đã đạt đến tuyệt nét thì không bút nào tả được. Vậy nên, nếu muốn đi từ thơ sang họa, Võ phải tìm cách khác: giao hoan. Và từ nay, mỗi tác phẩm của Võ, khi đạt, thường là cuộc giao hoan tuyệt vời giữa thơ họa.

Không vẽ được trải vách quế gió vàng hiu hắt, nhưng nhờ sự ngộ này, Võ Đình vẽ được "bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng". Ở "phương diện" ấy, Võ "đi xa" hơn thày một bực: Từ thơ Hầu, Võ khám phá ra những cách giao hoan khác, những vùng dục khác, không chỉ dành riêng người với người, mà còn là giao điểm giữa người với những thực thể ngoài người.

Cuộc giao hoan nào cũng xây dựng trên hai yếu tố âm dương. Âm dương nơi Võ Đình trở thành điều kiện sinh tồn trong vũ trụ và nghệ thuật, vũ trụ ấy gồm ba yếu tố: đất, trời, lửa. Đất là mẹ, là nôi sinh, là nguồn cội của sự sống. Lửa, khởi phát những cuồng nhiệt thể xác, đốt cháy vạn vật, con người. Trời là không gian mộng tưởng: hội họa Võ Đình luôn luôn tung bay một cánh chim bằng, biểu hiện vũ trụ tự do miên viễn. Văn chương ông nhuộm màu sôi bỏng của dục tình, của những cuộc ái ân vạn vẻ, giữa thiên nhiêncon người, trong một không gian hư thực.

Võ Đình là nhà văn của da thịt đầu tiên trong văn chương Việt Nam, xây dựng vũ trụ nghệ thuật bằng ân ái, coi thân xác như phòng thí nghiệm sống. Trong truyện ngắn Chú tiểu Tâm Huệ viết năm 2004, một trong những truyện hay cuối cùng, Võ Đình viết về một thiền sư, sau hơn sáu mươi năm chay tịnh, vẫn "sống" với hình ảnh người con gái đã làm ông "cấn cái" lần đầu tiên trong đời:

"Cô gái mặc áo dài hồng nhạt, và ở eo, nơi hai vạt dài chia đôi, một khoảng nhỏ, hình tam giác, để lộ da thịt ra. Da thịt người con gái đến lạy Bụt, ngày Vu lan trọng đại, đã làm cho chú tiểu Tân Huệ "cấn cái" bất an. Chú chỉ thấy da thịt người con gái trong tích tắc khi chú tiến lên bàn thờ Bụt" (Chú tiểu Tâm Huệ, trong tập Trời đất, trang 64-65). Cái "cấn cái" ấy, lần đầu tiên chú tiểu cảm thấy ở tuổi 14 tuổi, khiến chú không còn "chủ động" được một phần da thịt mình nữa. Kinh nghiệm "đầu đời" về sự khoái lạc, lớn lao và bí mật ấy đã theo đuổi, đã dằn vặt, đã nuôi sống chú trong suốt cuộc đời tu hành. Nhờ mảnh "tam giác da thịt" trong thoáng "tích tắc" người con gái vô tình để lộ ra qua chiếc áo dài hồng nhạt, lai hồng, chú tiểu đã khám phá ra da thịt mình và hiểu sự vận hành của thể xác, hiểu và hưởng nó như một thăng hoa trong cõi sống, một cách đạt niết bàn khác, ngoài tu.

Chú tiểu Tâm Huệ là kết từ của Võ Đình về triết lý da thịt: tình yêu là sự khám phá ra cái khác tôi (người khác) qua ngả da thịt, nhờ người khác mà con người trở lại khám phá ra chính mình. Trong suốt hành trình nghệ sĩ, Võ Đình không làm điều gì khác hơn là viếtvẽ về triết lý da thịt, trường hợp duy nhất trong văn học Việt Nam từ trước đến giờ.

Cấu trúc hoá thân văn họa

Võ Đình là một trong những cây bút viết đều nhất tại hải ngoại.

Từ 1987, khi Văn Nghệ xuất bản tuyển tập đầu tiên Xứ sấm xét, đến 2008, một năm trước khi ông mất, ngoài hội họa, Võ Đình còn có rất nhiều đầu sách dịch thuật và sáng tác. Những tác phẩm chính: Xứ sấm sét (Văn Nghệ, 1987), Sao có tiếng sóng (Văn Nghệ, 1991), Lầu xép (Văn Nghệ, 1997), Rừng mắm (Văn Nghệ, 2000), Huyệt tuyết (Văn Nghệ, 2002), Mây chó (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2004) Trời đất (THXBMĐHK, 2008)...

Xứ sấm sét, phần lớn là truyện ngắn; Sao có tiếng sóng, tạp văn. Từ cuốn thứ ba, Lầu xép trở đi, pha trộn hai thể loại mà ông gọi là truyệnchuyện. Truyện tức là truyện ngắn, còn chuyệntạp văn.

Nhiều bài tạp văn ông viết thật hay, giọng duyên dáng, dí dỏm, với những lời bàn rất sâu về chữ nghiã, hội họa, về mối tương quan giữa hội họa và văn chương. Đáng tiếc, cũng không ít bài bị sa đà vào những mến mộ, tạc thù. Cái hay trong tạp văn của ông, đôi khi vì chuyện thù tạc, mà mất đi tính khách quan và uyên thâm cần thiết cho những nhận định văn học.

Truyện ngắn là phần nổi bật của Võ Đình. Chính truyện ngắn đã xác định ông như một nhà văn tân kỳ, tạo được một cấu trúc hoá thân văn họa và một cõi kinh hoàng nhân bản, nhào nặn từ chiến tranh, di tản và huyền thoại, độc đáo trong văn chương Việt.

Hội họatưởng tượng xây dựng nên bút pháp Võ Đình.

Là hoạ sĩ, Võ Đình không tả mà vẽ, văn ông thường có những điểm ngắm, những màu sắc dị thường: "Một hai tia nắng sống sót rạch trời toé lên từ phiá bên kia đồi như những lưỡi trường kiếm bốc lửa, một màu lửa cam xẫm, bàng hoàng, đột ngột giữa những màu nâu, xám, trắng, đen" (Đất thánh, Xứ sấm sét, trang 52). Đó là một bức tranh "trời" vẽ, nhà văn "chép" lại bằng lời và ghi luôn cả sự giật mình của mình (bàng hoàng, đột ngột) trước màu sắc của tạo hoá. Bức tranh trời qua nét bút Võ Đình đã trở thành bức tranh người ngậm sắc chiến tranh với những lưỡi trường kiếm bốc lửa.

Và đây, lại một bức tranh khác từ "trời":

Trên không, một đám mây lớn, nằm dài. Đám mây có hình dáng một người. Một người đàn bà. Trần truồng.(...) Người đàn bà khổng lồ, đầu ngả về Nam, hướng biển, chân duỗi về Bắc. Mái tóc che lấp cả khuôn mặt. Nhưng thân hình lồ lộ… Đôi vai tròn, bộ ngực đầy, bờ hông cao rồi sóng soải chạy theo vòng đùi mướt và bắp chân dài. Nàng nằm nghiêng một bên, hướng mặt về phía trước, nên thấy rõ đôi vú lớn, chiếc lỗ rốn sâu, và hình tam giác giữa hai đùi. Đám mây lớn nằm bất động. Mặt trời chiều đã khuất, hắt ánh sáng lên chiếu rõ từng đường nét lồi lõm trên thân thể người đàn bà.(...)

Mải mê ngắm -ngắm mà bàng hoàng ngẩn ngơ- thân thể người đàn bà, tôi giật mình thấy đám mây đen là mái tóc xoã đã dạt qua một bên lúc nào không hay, và tôi nhận ra. Trời ơi, Kiều. Kiều loã lồ, nằm duỗi dài. Tim tôi đánh nhanh đến nỗi tôi ngợp cả người. Tôi nuốt nước miếng. Tôi xúc động quá sức. Tôi nhìn quanh. Trên vùng cỏ mênh mông, xa xa có mấy đứa trẻ chơi banh.(...) Tôi khoái cảm cực độ. Tôi rung động từ đầu đến chân. Tôi đã thấy được Kiều. Thấy được Kiều dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên. (Người chạy bộ, trong tập Lầu xép, trang 109-111).

Ngắm bức tranh vân cẩu trên trời[1], Võ Đình tức cảnh sinh tình, nhúng bút vào "vùng dục" để tạo thế hư ảo của một người tìm khoái cảm cùng mây, nhưng mây đây, không còn là mây nữa, mà "nhờ trời" đã biến thành Kiều, đã trở thành văn hóa nguyễn du.

Đó là lối cấu trúc hoá thân văn họa võ đình.

Hai tập Xứ sấm sét Lầu xép tập trung những truyện ngắn hay nhất của Võ Đình. Truyện ngắn của ông có phong cách riêng biệt, không ai bắt chước được: văn phong giản dị nhưng tư tưởng phức tạp, lạ kỳ. Sinh thời, ông rất phục Võ Phiến, coi Võ Phiến là thày, nhưng không khí truyện của Võ Đình khác hẳn không khí truyện Võ Phiến. Thực ra, Võ Đình chẳng cần phải "lép vế" trước Võ Phiến, bởi ông đã xây dựng được một cõi văn chương khác, với ngòi bút "vẽ-tả", với tầm nhìn thơ mộng, lãng mạn, rất Tây, với lối kinh dị ở một số nhà văn Mỹ được gọi là hậu hiện đại, những năm 60-70 thế kỷ trước, với một tình yêu thiên nhiên dị thường và sức tưởng tượng vô cùng sung mãn, ít có trong văn chương Việt. Võ Đình đi từ cuộc sống hàng ngày, từ những cử chỉ bình thường, tầm thường của con người trong cuộc sống, như Võ Phiến, nhưng để đạt đến cái liêu trai, kinh hoàng, ngoài cuộc sống.

Triết lý da thịt

Mọi chuyện dường như bắt đầu sau 1975, thời điểm quyết định cái viết của Võ Đình, trước đó ông chỉ vẽ. Truyện ngắn đầu viết năm 1978, mang tên Da thịt, khai sinh ngòi bút có tầm liên tưởng dị kỳ, rợn người mỗi lần đọc lại, viết về một chiếc máy bay bị nạn, rơi xuống miền băng giá trên rặng núi Andes, Nam Mỹ.

Những người thoát nạn, đã phải ăn thịt người chết để sống còn.

Nhưng nếu chỉ có chuyện "ăn thịt người" không thôi, thì tác phẩm sẽ ngừng ở niềm kinh hoàng thông tục, sẽ chỉ thu hút được những độc giả háo kỳ, ham của lạ, nơi một số tác giả triệt để tìm cái "mới", cái "sốc", bất chấp vô luân, vô nhân. Viết về "thịt người" không dễ, dù để ăn hay để yêu, đều phải có tâm Phật, bởi chỉ cần một giọt tà tâm, là "cái văn" sẽ biến thành dâm ô, tàn bạo.

Võ Đình đạt tới vùng kinh hoàng ngoại lệ: kinh hoàng nhân bản.

Truyện ngắn Da thịt, gắn bó hai sự kiện "da thịt" hoàn toàn khác nhau thành một kết hợp âm dương chưa từng thấy:

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình ba thanh niên thoát nạn, một nhân vật thuật lại: mẹ và em gái chàng đều bị chết khi máy bay rơi. Những người sống sót, sau nhiều ngày thoi thóp trên đỉnh núi tuyết, phải lựa chọn: một là chết đói, hai là ăn xác người. Người con trai trên truyền hình không chịu chết đói, đã lựa chọn giải pháp thứ nhì. Làm xong, chàng năn nỉ người bạn thân cùng đi: "... anh hãy lại, hãy lại xác mẹ tôi và em tôi... Và anh ấy hứa sẽ làm như tôi muốn. Hôm nay, ngay bây giờ, ngồi đây, tôi lấy làm sung sướng cho mẹ tôi, cho em tôi ... Thay vì chôn sâu dưới đất, để côn trùng rỉa rói, cho thời gian làm mục nát, bây giờ mẹ tôi và em tôi ở đây, có mặt ngay bây giờ, qua sự sống còn, qua thân hình của bạn tôi đây..." (Da thịt, trong tập Sứ sấm sét, nxb Văn Nghệ, Cali 1987, trang 24).

Tất cả tinh thần truyện ngắn dồn trong những chữ qua sự sống còn, qua thân hình của bạn tôi đây nghiệt ngã và đầy hy vọng: nhà văn chọn sự sống còn và tin rằng xác cũng là hồn, thân xác là cái gì có thể truyền lại cho nhau, trong một vùng mà chết chóc đã bao trùm lên không gian vạn vật.

Vậy, tinh thần da thịt nơi Võ Đình, thứ nhất, nằm trong sự truyền sống: truyền da thịt người chết sang người sống, như một cuộc giải phẫu thay tim người sắp chết bằng tim người đã chết. Lối truyền sống này thuộc địa hạt phẫu thuật, ngoại khoa.

Nhưng Võ Đình không ngừng ở ngoại khoa, mà còn đi sâu vào nội tạng, khi ông liên kết tai nạn máy bay ở Nam Mỹ, với những dòng của người mẹ ở Huế, trước khi chết, viết cho con lá chúc thư để lại gia tài cho con là bàn tay, mẹ bảo "... tay con nhỏ nhắn thanh tú là tay mạ tay cầm bút con ơi! Sớm hôm rồi mạ cũng về với ôn mệ thì mạ để hai bàn tay mạ lại cho con đó (...) con còn nhớ tới mạ thì con cứ việc ngó hai bàn tay con con sẽ..." (Da thịt, trang 26).

Tinh thần da thịt, thứ nhì, nằm trong chín chữ tay con nhỏ nhắn thanh tú là tay mạ, lại là một sự truyền sống khác, lần này truyền kiếp da thịt từ mẹ sang con. Lối truyền sống này thuộc địa hạt mẫu tử, nội tại.

Khi đã đạt đến nguyên thủy của sống-chết như thế, Võ Đình nhìn vũ trụ khác đi, tác phẩm của ông, dù văn hay vẽ, đều là những cuộc giao hưởng âm dương huyền bí, xuyên thời gian và không gian, xuyên sinh-thực vật: muôn loài đều có thể gặp nhau trong những cuộc giao hoan lạ lùng, những cuộc "làm tình" trong ảo giác.

Quê hương là bến giác

Việc gặp gỡ với G. (Gabrielle), một người-chim, được nhà văn vẽ lại như sau:

"Đường cong vuốt nhẹ từ lưng xuống rồi tuôn ra sau thành chiếc đuôi dài mướt dịu. Nhưng tấm thân con chim kỳ lạ cả đời tôi chưa từng thấy đó tuyệt đẹp ở cái ngực đầy tròn như phần nở của một chiếc độc bình. Bộ ngực càng dâng lên càng căng lên, càng phồng ra, rồi thong dong eo lại, rồi vút trở nên chiếc cổ thanh tú" (G. trong tập Xứ sấm sét, trang 31).

"G. nhìn tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, nhìn với con mắt lành màu vàng cổ, bao quanh với những nét viền màu đồng rỉ như mắt xếch những tài tử hát bội. Tôi không cầm được. Tôi mỉm cười hỏi: "Nàng là ai?" (G. trong tập Xứ sấm sét, trang 36)

G. là nhân điểu của Võ Đình, quyến rũ như nhân ngư với Ulysse trong cổ thi Homère. Và dường như bức tranh nào của Võ Đình cũng có G. ngự trị: một cánh chim bằng.

G. như một thiên thần, một giấc mơ, một định mệnh, một tiền kiếp, G. như tự do, như khí trời, G. như trời, biển, như vũ trụ... G. chính là quê hương, là ảo giác của những con người ra đi không có cơ tìm lại mảnh đất liền bỏ lại: G. là con người và cũng là cái bến sau cùng mà con người tìm kiếm trọn đời, không bao giờ bắt được: "Tôi sẽ bắt giữ G. như bắt chộp lấy được một ảo giác biết thở, biết bay, một giấc mơ mà ta còn có thể nhìn thấy được khi đã tỉnh giấc (...). Chưa gì tôi đã nghĩ đến những chiều tà khi ánh nắng chỉ còn lại vài nét lê thê, tôi sẽ nhón nhén đến núp sau cánh cửa lớn và chờ đợi G. Và nếu may mắn, tôi sẽ thấy lại được, một lần nữa, trận mưa pháo bông bùng cháy tung lên từ con mắt vàng..." (trang 39).

Những kẻ chưa bao giờ bị cưỡng bức lìa bến không ngày trở lại, không thể hiểu được ảo giác này. Chỉ những kẻ bị chung thân kết án lìa tổ quốc, mới hiểu, mới thấu được quê hương chính là cái bến và cũng xác thịt của con người. G. là cái đích sau cùng mà con người ham muốn được gặp, được "làm tình" với quê hương, một ham muốn phi lý, quái đản dị kỳ, nơi những kẻ không rút được thân xác mình ra khỏi lòng đất mẹ.

Cho nên, khi kẻ ấy nhìn G. là thấy những trận mưa pháo bông cháy lên từ con mắt vàng, nhìn G. là thấy hoả hoàng trong mắt, là tinh cầu bùng nổ, là sự thăng hoa tuyệt đối của một cuộc giao hoan tới đích. Cuộc tình với G. là cuộc tình đầu tiên giữa Võ Đình và vạn vật. Sau G., những tác phẩm thành công khác của ông, đều là những cuộc giao hoan giữa người và vật, là sự hoá thân của những cuộc trao tình giữa tác giả và quê hương. Nghệ thuật giao thân kỳ ảo ở Võ Đình dù có họ hàng xa gần với ảo ảnh biến dạng-métamorphose của Kafka, nhưng chỉ là một giọt Kafka trong chén Võ Đình, hợp hương của nhiều vùng văn hoá dân tộc từ Nam ra Bắc.

Chiếc vòng là cuộc ân ái xuyên thời gian của một người Huế lưu vong với một vũng nước đọng ở Huế. Xứ sấm sét là cuộc làm tình của một người đàn bà với cây sồi. Lầu xép là sự hợp cẩn của một con rắn với cái corset xưa. Người chạy bộ là cuộc tình của một người với đám mây. Hoặc là cuộc tình một người với căn phòng trống. Phòng sau là hợp hôn của người đàn bà với con rùa. Xứ mây mù là cuộc giao hoan của người chồng với người vợ đã khuất, bên mộ, qua trí tưởng tượng của một đứa bé ngẩn ngơ. Huyệt tuyết là ảo giác một cuộc tình chưa sống đã chết...

Da thịt như một chất liệu xây dựng nghệ thuật

Như hoạ sĩ pha trộn các chất để vẽ, Võ Đình dùng da thịt để tạo hình, tạo tình, tạo cảnh: tất cả đều đi từ da thịt. Vô cùng sensuel, Võ Đình có thể biến bất cứ một sinh vật hay tĩnh vật gì đó thành da thịt và ngược lại ông tạo ra mọi vật bằng... da thịt:

"Nhà là thân xác, đá là xương, đất cát là da thịt. Ngôi nhà này là một thân xác còn sống, còn thở, còn khô ráo khi quang tạnh, còn lạnh ẩm khi gió mưa, nhưng da thịt đã héo hon lắm rồi. Thân xác trơ mắt ra nhìn da thịt tan rã. Thân xác trên con đường hủy hoại là căn nhà tôi đang ở. Và tôi ngửi thấy hoài cái mùi đó. Gỗ, đá, đất, bụi. Mùi của tan rã, huỷ hoại, nát mục, tàn phai." (Lầu xép, trang 137)

Một khi "cái nhà" đã xây dựng bằng "da thịt" rồi, thì không còn gì cấm cản nhà văn giao hòa giữa nhân và vật, giữa vật và vật nữa, tất cả có thể "chung đụng", tất cả có thể "mưa gió" với nhau, tất cả có thể "hoà đồng" như con rắn và cái corset trong căn lầu xép. Việc "ân ái" bí mật của con rắn và cái corset được "mô tả" bằng những nét tế nhị và mơ hồ như một thoáng chiêm bao:

"Đêm đêm, tôi vẫn nghe tiếng cọ sát nho nhỏ, rời rạc, khô khan như một cơ thể trần truồng trườn mình trên sàn gỗ thô nhám bụi bặm" (Lầu xép, trang 140).

Nói là kinh dị thì cũng kinh dị, nói là huyền ảo, thì cũng huyển ảo. Nhưng bản chất đầu tiên của cả huyền ảo lẫn kinh dị đó, là Võ Đình đã xây dựng nghệ thuật trên da thịt, và khi đã dùng đến thứ "chất liệu" ấy, thì con rắn hay cái corset, đều đã là Người, không có gì huyền ảo nữa.

Nhờ sự tế nhị tuyệt vời và bút pháp hội họa thanh cao, mà Võ Đình có thể "bắt" độc giả uống tất cả các thứ "độc dược", chấp nhận các "tình thế" trớ trêu, "siêu thực" "huyền ảo" do ông tạo ra chung quanh thân xác. "Sự thể", một khi đã vào tay ông, qua cách biến ảo của ông, tất cả đều trở thành "sublime", đều thăng hoa, nhưng nếu rơi vào một ngòi bút phàm tục, tất cả có thể trở thành ô uế.

Lòng đất và lòng mẹ

Người đàn bà di tản, sống hạnh phúc với người chồng Mỹ hiền lành đã 30 năm. Nhưng cái bề ngoài êm đềm ấy không phủ hết lớp bão tố khốc liệt bên trong: bà Lan thường trực hồi khứ với viễn vọng trở về đất mẹ, để chết. Là con thiêu thân, bị lửa rừng thu hút, bà Lan "về" rừng, nơi có cây sồi già, như tấm thân nam tử mà bà khao khát từ thủa ấu thời, qua ngôn ngữ văn hoá mẹ: tuổi càng cao, những ham muốn thời trẻ càng bùng lên: cây sồi già trùng lấp với quê hương, ẩn chứa những nhục tình bí mật, giấu trong tiềm thức, bà Lan leo lên triền núi "hiến thân" cho "thánh thể sồi" như một tín đồ tìm về nước chúa:

"Đường mòn mỗi lúc mỗi gồ ghề cheo leo mà bà Lan không chùng bước.(...) Bà mệt nhưng bà cảm thấy sảng khoái, rạo rực từ kẽ tóc đến móng chân. Vì trước mặt bà đã lộ ra thân hình vĩ đại của cây sồi già. Khi bà Lan bước vội đến, dừng lại, tần ngần, rồi dang tay ôm lấy thân cây, thì trời lại bắt đầu mưa nặng hạt.

Cây sồi hùng cứ một khoảng rộng lớn. Từ đám rễ bự, lổm ngổm chen chúc nhau như lũ giao long mắc cạn, thân cây cuồn cuộn vươn lên tựa như những bắp thịt căng chắc của một lực sĩ khổng lồ, một sơn thần, rồi toả ra, bung ra, thành trăm ngàn cành nhánh, phóng về tứ phía, mất hút trong biển lá tối om". (Xứ sấm sét, trang 119)

Cây sồi già đã thoát khỏi thực thể cây để trở thành một thực thể người cường tráng, với những bắp thịt căng chắc của một lực sĩ khổng lồ. Bà Lan là nàng Kiều phiêu bạt và cây sồi là Từ Hải, râu hùm, hàm én, mày ngài; vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, đang hùng cứ một phương, đang sừng sững chờ bà giữa trời Mỹ. Cái "văn hoá nguyễn du" ấy đã sống trong bà, đã theo bà đi khắp chốn "và cứ thế, đã từ lâu, bà yêu thương cây sồi già ấy như bà yêu thương một miền quê cha đất mẹ, qua thời gian, không gian, đã đâm rễ kết cành ở đây, để ngày nay che chở ôm ấp bà nơi tha phương.

Bà ôm lấy cây đại thụ. Vòng tay bà không choáng hết một phần tư, một phần năm thân cây. Bà gục mặt vào vỏ cây nứt nẻ, và lòng bà nức nở" (Xứ sấm sét, trang 120)

Cuộc tình của bà Lan với cây sồi là hành trình tử vì đạo, là cuộc khổ dâm, là trạng thái bệnh não của con người tìm đến tận cùng niềm đau thể xác để tái tạo văn hoá quê hương, mà chỉ những người đã hiểu thế nào là "cội nguồn miên viễn" mới có thể viết được:

"Bà ấn sát người vào thân cây, hai chân ghì lấy cây. Toàn thân bà run rẩy, rạo rực. Vỏ cây sồi gồ ghề sắc cạnh như vẩy cá sấu lấn sát vào ngực bà, vào bụng, vào đùi bà. Nhưng thay vì đau đớn, bà chỉ có cảm giác rực rỡ của một sự truyền giao ban đầu còn nhẹ nhàng từ tốn nhưng mỗi lúc mỗi ngập lụt. Mưa đã làm cho tóc bà ướt rũ rượi, nước chảy xuống vai, xuống lưng, chảy cùng, chảy ướt đẫm toàn thân.

Bà Lan rùng mình ớn lạnh, nhưng bên trong bà hừng hực bốc cháy. Bà muốn cào cấu, cắn xé cho đến khi thân cây sồi toét ra một lỗ lớn để bà chui vào, nằm gọn trong ấy, co quắp chân tay, để đầu bà gục xuống ngực, để gối bà đè lên vú, để cho lưng, cho hông bà cuộn lại thành một khoanh tròn, cho toàn thân bà trở thành một khối đầy ắp, nằm yên, mê mệt, trong hốc cây đại thụ trăm ngàn tuổi thọ. Rồi trong giấc mê mệt đó, bà sẽ thấy mình lơ lửng không cùng, vượt thoát khỏi những tình cờ của kiếp sống, những sắp đặt của con người, bà sẽ nương theo huyết mạch cây sồi già để bơi về một cội nguồn miên viễn" (Xứ sấm sét, trang 120).

Bà Lan vùng vẫy trong cõi đớn đau thể xác để tìm tới tuyệt đỉnh của hạnh phúc trong lòng cây sồi già. Cảm tưởng được chui vào, được quẫy sống trong lòng đất mẹ, trong văn hóa mẹ, ở bà Lan, chính là cái đau đớn của Võ Đình nghệ sĩ tha hương từ thủa thiếu thời, còn trở lại ở những nhân vật khác, trong những bối cảnh khác, dưới những diện mạo khác hẳn: trong truyện "Giấc mơ", người con trai dậy thì -nhìn trộm chị Đoá rửa ráy trên hiên nhà- có một thèm muốn không cưỡng lại được: "nếu chị Đoá cho hắn vô nằm trong chị".

Bởi con người khi rời lòng mẹ, là đã ra đi không bao giờ trở lại: "Từ lòng mẹ, chui ra với đời. Chui ra, rồi thôi. Chui ra thì có, không bao giờ chui vô. Có đi mà không có về. Vì thế thương nhớ khôn nguôi" (Vợ chồng người đào vàng, trong tập Lầu xép, trang 147).

Người đàn ông Mỹ đào vàng trong truyện, không phải để tìm vàng, mà để tìm một thứ khác, một thứ mà chính ông ta cũng không biết, chỉ cảm thấy "đào sâu vào lòng đất, với búa, với xẻng đó nhưng thật ra là đào với chính hai bàn tay của mình, với thịt xương gân cốt mình, mồ hôi nước mắt mình, là một cách giao cảm với đất trời (...) là một cách nống rộng, moi sâu vào thân thể Mẹ Đất và chui vào". (Vợ chồng người đào vàng, trang 146-147).

Con người, khi được ở trên đất mẹ như người Mỹ đào vàng này, cũng không khác con người tha hương Võ Đình bao nhiêu: cả hai đều coi lòng đấtlòng mẹ. Người đào vàng còn là hiện thân của một Võ Đình nghệ sĩ nữa: con đường tìm tòi nghệ thuật cũng là con đường đào vàng: vô ích và vô định. Cả hai đều đào bằng xương thịt, gân cốt mình, đào để giao cảm với đất trời...

Riêng con người ly hương, tâm sự còn bi đát hơn: dù hắn có về hay không, vần đề cũng không khác, bởi cái quê hương mà hắn đã rời bỏ, không bao giờ hắn còn "gặp" lại. Nếu về, hắn cũng chỉ thấy một miền "khác", người và vật không còn như thế.

Quê hươnglòng mẹ là hai chiếc vòng, là hai chỗ về, nhưng Lưu-Nguyễn, một đi không trở lại, nỗi khát vọng tìm lại quê hương, tìm lại lòng mẹ, chỉ là ảo ảnh, là một dồn nén khôn nguôi, không gì bù đắp được: "Nỗi khát vọng đó chỉ nguôi ngoai khi con người buông thả, tạ từ cuộc đời, nằm yên dưới ba thước đất" (Vợ chồng người đào vàng, trang 147)

Rùa

Án mạng là cuộc "ngoại tình" của một người đàn bàn với con rùa, chồng ghen, chém đôi "người tình" và giết vợ. Bắt gặp vợ nhiều lần thơ thẩn ra hồ "tình tự" với rùa, thấy những cái nhìn "si mê" của rùa với người vợ đẹp, đêm đêm trằn trọc không ngủ, người chồng "mường tưởng" đến cảnh: "Con rùa vươn cao cái cổ dài, ướt mèm, với nhiều đường gân nổi phồng; phần trên cái đầu tròn tròn mà phần dưới lại dèm dẹp làm tăng vẻ cong cớn ngạo mạn của chiếc cổ dài. Đầu và cổ rùa ưỡn lên như với sức căng của một cánh cung, cứng mạnh, gồ ghề, trần trụi: Tôi có cảm tưởng cái đầu nở ra, to ra và cái cổ dài thêm, dài thêm, và cả đầu và cổ trườn lên, trườn lên, toàn thịt và gân, chắc nịch, bóng nhãy, trườn lên, trườn lên, lên đến tận giữa hai đùi Loan. Mõn con rùa hé mở, một cục trăng trắng, đặc quánh, ứa ra, rồi rớt xuống." (Án mạng, trong tập Huyệt tuyết, trang 60). Án mạng là một truyện ngắn rùng rợn của Võ Đình, ông đã phóng lại truyện rùa thần thành Thăng Long dưới bối cảnh hiện đại di tản, cục diện ghen tuông, sex, rất cinéma, vừa Kafka vừa Hitchcock. Tác phẩm cho thấy sức sáng tạo lạ lùng của nhà văn, nhưng đây chỉ là một truyện kinh hoàng, hấp dẫn, rùng rợn, chưa phải là truyện rùa hay nhất của ông.

Phòng sau mới đích thực là một tác phẩm nghệ thuật.

Phòng sau, viết cho TTLH, Võ Đình tạo không khí lạ lùng của cuộc tình liêu trai giữa người và rùa trong căn phòng bài trí cực kỳ đơn giản, do bàn tay hoạ sĩ sắp đặt:

"Căn phòng trống trải. Tấm thảm nhỏ vàng nhạt, màu vỏ tre khô, đặt chính giữa phòng. Trên thảm, hai chiếc gối nhỏ, đen.

Tường trong, đối diện với cửa sổ, treo bức thủy mặc, gốc mai già. Phía dưới bức họa kê cái bàn thấp, hẹp, nâu sẫm. Trên bàn, một đóa mẫu đơn cắm trong cái lọ nhỏ trắng tinh. Bên cạnh là cây bạch lạp gắn trong chiếc đĩa đồng. Những nét bút đen nhánh của bức thủy mặc gân guốc hơn cạnh sắc hồng nhạt lộng lẫy của đoá mẫu đơn mãn khai, đã rụng xuống dăm ba cánh rời." (Phòng sau, trong tập Lầu xép, trang157).

Không khí cổ kính Nhật bản đúng như cách bài trí trong nhà Võ Đình: không gian trống và thấp, thanh và sang, với cây bạch lạp gắn trong điã đồng. Tác giả xuất hiện mờ ảo qua bức thủy mặc, gốc mai già, người vợ ẩn hiện trong "đoá mẫu đơn mãn khai, sắc hồng nhạt", lại một màu lai hồng.

Tới đây bối cảnh quay sang hướng khác: linh hồn Việt hiện dần ra cùng với con rùa thê húc và lịch sử khốc liệt đất nước chia đôi, với trái ớt đỏ ốivết chém trên lưng rùa, vẫn giọng sensuel liêu trai:

"Nàng mặc chiếc áo choàng lụa đen, mỗi bước chân khép mở hé ra da thịt trắng ngần. Giải thắt lưng buộc chặt eo rồi buông lơi trên hông cũng một màu hồng nhạt như cánh mẫu đơn.

Người đàn bà bới lại mái tóc trần, rồi quỳ xuống cạnh cái rọ sắt. Có tiếng động nặng nề bên trong. Hình thù đen ngòm đụng đậy. Thiếu phụ khom người, rút gài sắt, mở lớn cửa rọ.

Con vật lổm ngỏm bò ra. Người đàn bà đặt một tay lên mai con rùa, đùn nó về một chiếc gối. Con rùa lớn kê đầu lên đó, mỏ hướng về đoá mẫu đơn và bức thủy mặc.

Mai rùa đen đúa, một tập hợp hình thù kỷ hà sắc cạnh. Đầu rùa tròn mà ác, đầu chùy, đầu mâu. Hung dữ, gồ ghề. Con rùa lớn nằm im, đầu gác lên chiếc gối nhỏ, mắt lim dim. Mỏ con vật hé mở, chót lưỡi thò ra. Một trái ớt đỏ ối. Vết chém còn ứa máu tươi.

Người đàn bà quì cạnh bên, kê một phần mông lên chiếc gối nhỏ kia. Người và vật im lìm như vậy cho đến khi bóng tối tràn ngập căn phòng. Vẫn quỳ, thiếu phụ lết dần tới cái bàn thấp, quẹt diêm, thắp cây nến nhỏ. Ánh lửa tỏa hồng lên hai đùi trần của người đàn bà; mẫu đơn mịn hồng giữa hai vạt lụa mỏng đen mướt.

Chiếc phi cơ khổng lồ tan tành trong một tiếng sét và ánh chớp rực trời. Thác lửa. Hàng triệu, triệu mảnh vỡ lớn nhỏ phóng xuống mặt biển đen ngòm. Thép nóng chạm nước lạnh làm sủi bọt ngầu. Mấy trăm thân xác con người tung toé, vung vãi.

Tai họa xẩy ra đột ngột quá máu không kịp chẩy.

Người đàn bà ngồi quay lưng lại với của sổ - nàng chỉ thấy ánh chớp kinh hoàng lóe lên trên bức thủy mặc và đóa mẫu đơn. Nàng không biết rằng nỗi tử biệt đã nằm trong tiếng sét ấy. Người đàn bà ngồi im nhưng con rùa, nó rùng một cái thật mạnh, rồi xoay ngược lại, bò ra phiá cửa". (Phòng sau, trong tập Lầu xép, trang 158- 159)

Thần tháp rùa giao thoa với thần thoại La belle et la Bête (Giai nhân và dã thú) chăng? Con rùa có Mai đen đúa, âm thầm gác đầu lên chiếc gối nhỏ, trong lúc giao tình, mỏ hướng về phía đoá mẫu đơnbức thủy mặc như muốn "nói lên" niềm ân ái vợ chồng. Nhưng đột nhiên, chiếc phi cơ xuất hiện cùng với "thác lửa", ánh chớp kinh hoàng lóe lên trên "bức thủy mặc" và "đoá mẫu đơn": chiến tranh đã đến giữa cuộc tình, xé tan thân xác. Con rùa đa mang nhiều bi kịch: đất nước chia đôi, chiến tranh tàn phá, xích hóa nước Việt.

Phòng sau, là một truyện liêu trai kỳ bí, pha trộn hiện tại và quá khứ, pha trộn hạnh phúc và đớn đau, pha trộn chém giết và tình yêu, pha trộn thanh bình và tàn phá... Phòng sau có nhiều tuyến giao nhau, có hai ba mặt bằng trùng lấp: bối cảnh "bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng" của Ôn Như còn đó nhưng đã biến dạng, đã bị métamorphosé thành nhiều hình thái, mang nhiều âm hưởng, đa dạng như hai, ba bức họa, như hai ba nghịch cảnh trùng hợp, như quá khứ và hiện tại giao tình trong một trận tuyến kinh hoàng thần thoại.

Hủy diệt để luân hồi trong nghệ thuật

Vẫn trong vòng ân ái, một bối cảnh khác: cuộc tình giữa đôi vợ chồng trong đêm đông tuyết giá có giá trị huỷ diệt để luân hồi, và quê hương vẫn là cái đích cuối cùng của con người trong tuyệt vọng. Luân hồi trong một đêm tuyết là cuộc giao hoan trày trụa đầy âm khí của đôi vợ chồng mà người vợ tuyệt vọng vừa được tin cha chết, trong đêm Giáng sinh tuyết đổ như thác, cuộc gặp gỡ giữa sống và chết, long trời lở đất, bùng lên thân xác người đàn bà như một chấn động, vỡ ra như một cuộc động đất: "tôi là trời, tôi là đất, tôi là núi đồi sông lạch, tôi là con cá cọng rau". Trong bối cảnh bao la trời đêm đất Mỹ, căn nhà nhỏ của hai vợ chồng hiện ra như một đốm lửa quê hương, lưu lạc, lìa đàn, lang thang, thất tán trong cánh đồng trắng mịt mù của một đại dương tuyết Mỹ:

"Trong căn nhà nhỏ, những nén hương đốt liên tiếp cả tối toả khói mù mù, quyện lấy trần nhà, tường nhà, đồ đạc áo quần, thấm cả vào gối chăn và mái tóc người đàn bà" (Luân hồi trong một đêm tuyết, trong tập Xứ Sấm Sét, trang 156)

Võ Đình thường xây nhà trên hai nền mỹ-việt (trong thực tế: hai căn nhà của ông, ở Maryland và Florida, đều có "nội dung" mỹ-việt) rồi ông lấy một phần tâm hồn mình nhào nặn nên vôi hồ, tường vách, và lấy một phần da thịt mình vun xới cây cỏ trong vườn. Đến nhà Võ Đình là thầy hồn ông trong tường vách, trên ghế bàn, mộc thảo.

Thủ pháp xây nhà của ông cũng là thủ pháp viết văn: chỉ cần một nén nhang là đã có ôn mạ, đã đủ toả hương Việt trên nền bão tuyết Hoa Kỳ. Sự ấm cúng bên trong đối diện với giá lạnh bên ngoài: "Nửa đêm, tuyết rơi mạnh, chắc là đường sá đã ngập lụt cả rồi. Hồi tối khi đi qua nghĩa trang tỉnh lẻ, người đàn ông thấy tuyết đã phủ lấp cả vùng đồi con, chỉ còn trơ lại những chiếc thánh giá, những bia mộ cao cũng màu trắng xoá. Đây đó, thấp thoáng những hình thù xác xơ quái dị của những cây trắc bá lừng lững chịu đựng giá băng." ((Luân hồi trong một đêm tuyết, trong tập Xứ Sấm Sét, trang 156)

Những chiếc thánh giá trong nghiã địa Mỹ báo trước sự chết chóc, những cây trắc bá xác định căn cước: cái chết của người cha Việt. Cây trắc bá là của chung nhân loại, không riêng gì Việt Nam, nhưng chữ trắc bá trong "tâm" đã có hồn Việt, đã gợi lại "một hồn thu thảo". Võ Đình, có bàn tay phù thủy khi dùng chữ, chỉ cần trồng hai chữ trắc bá giữa trời Mỹ, là cái tuyết giá kia đã lai Việt, đã biến thành không gian buốt lạnh, chứa thi hài người cha vừa mất.

"Xe ủi tuyết đã đến ngay trước mặt nhà. Căn phòng bỗng rung chuyển theo nhịp động cơ dữ dội. Người đàn ông và người đàn bà dập dìu quằn quại trong cơn sóng dậy đất bằng, banh da xé thịt nhau trong đêm đông ngập tuyết, và hơi thở dồn dập của họ ào ạt dâng lên, dâng lên, nước thuỷ triều tuôn trào rồi tràn trề tít tắp về chốn vô thỉ vô chung. Rồi người đàn ông trườn tới, trườn lên, như một con rắn lớn, từng khúc xương sống oằn oại chậm rãi, chậm rãi, tiếp nối nhau đưa toàn thân ra khỏi lớp vỏ mỏng. Chàng bò dài trên bờ vực lưng chừng một ngăn cửa đá dựng cheo leo. Người đàn ông lê mình trên cỏ sắc ướt đẫm. Sỏi đá gai góc trầy xướt toàn thân. Đến khi người đàn ông trườn lọt qua cửa đá chật hẹp thì bên kia là một không gian bát ngát vắng lặng, và ở phía dưới, xa tít mù, lấp loáng có mặt nước. Người đàn ông gồng mình, hít một hơi dài, rồi nghiến răng nín thở, rồi tưởng như ngất lịm đi, chàng rùng mình, ngã sấp xuống biển nước." (Luân hồi trong một đêm tuyết, trong tập Xứ Sấm Sét, trang 157).

Thân xác của hai vợ chồng đã tan tác thành nhiều hình ảnh, nhiều trạng thái, nhiều tình huống đến không thể nào "lắp" lại được. Võ Đình không vẽ những bức ấn tượng, biểu tượng, lập thể, trùng lấp lên nhau mà ông đã phá tan hình thái để vẽ những bức trừu tượng, hoàn toàn trừu tượng, khiến người đọc và xem có thể hiểu thế nào cũng được: nền chính vẫn xây trên bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng của Nguyễn gia Thiều, nhưng tất cả đã tan nát thành hằng hà mảnh vụn của chiến tranh, của gai góc, của trày xướt, của xương da, của nước biển, của thuyền nhân, của đáy nước, của sóng trào, để đến cõi vô chung vô thỉ, ... Sự hủy diệt của hội hoạ trừu tượng ở đây rất rõ: hủy diệt hình hài để đi về một sáng tạo mới: cuộc giao tình của đôi vợ chồng trong đêm đông tuyết giá khi người cha vừa chết là một luân hồi trong nghệ thuật.

Cảm giác tan nát, tan tành, "nát thân bồ liễu" trong những bức hoạ trừu tượng của Võ Đình luôn luôn ám ảnh các nhân vật, cả những người "không có vấn đề" như Trương trong Đất thánh:

"Đi chỉ một lúc Trương đã lên đến đỉnh đồi. Anh có cảm giác bớt lạnh. Anh thở dồn dập. Phổi anh như tan ra từng mảnh băng vỡ vụn. Trong cái đau xé đó, trong cái tan nát đó, Trương thấy mình được như trút bỏ thân xác lạnh cóng, và một sức mạnh dị thường tới tấp ngập lụt anh toàn diện. Anh tưởng anh có thể thét lớn một tiếng, và tiếng thét vũ bão của anh sẽ vang động từng không hun hút. Trên nền trời mực xạ pha loãng, Trương thấy có một ngôi sao lớn đột ngột hiện ra." (Đất thánh trong Xứ sấm sét, trang 53)

Những tan nát xác thịt, ở Trương, trong một sát na, chính là tiếng vỡ sáng tạo.

Sự tan tác trong hội họa trừu tượng, ở Võ Đình, chính là sự tan tác hình hài của con người trong chiến tranh, là sự hoá thân của khổ đau để biến thành hạnh phúc, là sự vượt qua cái cũ để hình thành cái mới, cũng là sự huỷ diết thân xác của người nghệ sĩ để được luân hồi trong nghệ thuật của mình.

Thụy Khuê

Yên Cơ, Les Issambres 20/9/2009


[1] Võ Đình dùng chữ rất kỹ, nhưng cũng có lúc "ẩu": ông "dịch" vân cẩu thành mây chó. Vân cẩu, sang trọng, quyền quý, rất Hầu, không thể đứng cùng mây chó, nôm na, phàm tục