Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (468): Ngô Thế Vinh (12)

VÒNG ĐAI XANH (KỲ 6)

CHƯƠNG MƯỜI LĂM

Đó là một ngày tang tóc và đầy thảm họa cho những người lính Mũ Xanh ở Á châu. Cùng một ngày hai chuyến Air America bị rơi, một trên Cánh Đồng Chum với toán mười bốn người lính Mũ Xanh được coi như mất tích, còn chiếc hai máy kia bị hạ ở Bắc Miến có lẽ bởi súng phòng không từ dưới đất. Lại một xì-căng-đan mới bùng nổ giữa Rangoon và tòa Bạch ốc. Chánh phủ Miến cực lực lên án và tố cáo những phi vụ lén lút của Mỹ nhằm yểm trợ tiếp tế cho các dân tộc thiểu số ly khai ẩn náu ở trong những khu rừng rậm ở Bắc Miến. Một lần nữa Mỹ bối rối không biết phải xử trí ra sao. Thỏa mãn yêu sách công khai xin lỗi, bộ Ngoại giao Mỹ có thể làm dễ dàng nhưng nếu vậy là chánh thức xác nhận âm mưu khuynh đảo chánh phủ hợp pháp Miến và hậu quả ngoại giao sẽ không biết là thế nào. Mẩu tin rất nhỏ chìm đắm giữa bao nhiêu biến cố quốc nội khác nhưng với nhà báo như tôi lại có một giá trị khám phá đầy ý nghĩa về câu chuyện một Vòng Đai Xanh bao vây Hoa Lục. Tôi dần dà đi tới một cái nhìn khá chuẩn xác về tầm quan trọng của những biến chuyển tại cao nguyên trong một tương quan quốc tế rộng lớn. Hiểu như vậy tôi sẽ tránh được những phản ứng sôi nổi và đầy cảm tính khi phiêu lưu vào cuộc tìm kiếm ý nghĩa của những biến động mới.

Chiến tranh đổ máu trên cao nguyên, thiêu rụi đồng quê, biểu tình xáo trộn khắp thành phố nhưng nếu người ta thuộc vào thành phần la Haute Société, của một xã hội trên cao thì vẫn dễ dàng tìm ra một khoảng không gian yên tĩnh. Dưới hồ bơi nước lúc nào cũng trong xanh, các tàn cây cao vẫn rủ những bóng mát. Dù chẳng thuộc thành phần trưởng giả này, tôi vẫn lui tới đây vì những cần thiết giao tế của nghề báo. Sau cả một buổi sáng ngủ vùi, Davis hẹn tôi dùng cơm trưa tại CSS. Ở giờ này thường rất vắng bóng những người Việt. Trời nắng gắt và im gió, những lá cây mất nước đổ rũ xuống, vậy mà vẫn có những thiếu nữ nằm hở hang phơi nắng với nước da thuộc đến độ nâu bóng. Tôi và Davis chọn một bàn ăn trên bờ hồ tắm, đôi khi chúng tôi phải nheo mắt lại vì những tảng nắng phản chiếu lao xao trên một mặt nước có nhiều sóng. Một thiếu nữ khác thật khêu gợi bước lên từ hồ tắm, theo sau là một người Mỹ ngực đầy lông lá. Davis nhận ra Tacelosky trước nhưng vẫn giữ thái độ thản nhiên như không biết, anh quay lại bảo tôi:

- Tacelosky, tên đó thật kỳ lạ. Không phải chỉ mỗi lần gặp hắn khoác tay với một cô gái mới ở bất cứ đâu nhưng chính là huyền sử con người hắn ta: ba lần được thả dù ra Bắc cả ba lần hắn trốn thoát, không có ai mạng sống lớn hơn hắn. Hiểu rõ rừng núi Á châu và các sắc dân ở đây không ai bằng, hắn quả là một địch thủ đáng sợ, nếu phải đương đầu thật là nguy hiểm và đã từng gây khốn đốn cho ông tướng Thuyết.

Tôi chợt nhớ ra và hỏi Davis:

- Có phải hắn là một trong hai người bị chánh phủ Việt Nam tống xuất hồi đó, còn tên kia là ký giả Martin?

- Chính hắn, sau khi rời Việt Nam hắn lại sang Vientiane đặc trách tổ chức ở Thượng Lào và miền Bắc Thái Lan các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ người Mèo, ngăn chặn hữu hiệu những cuộc xâm nhập của lính cộng sản Bắc Việt theo lối đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là khúc của Vòng Đai Xanh được coi là kiên cố nhất. Đáng tiếc cho hắn là khi trở lại cao nguyên, Tacelosky không được toàn quyền làm mưa làm gió nên cho đến bây giờ hắn vẫn ghét cay ghét đắng ông tướng Thuyết.

Davis cũng cho tôi biết qua về tông tích của hắn. Tacelosky xuất thân ở Fort Bragg, nguyên trung tá LLĐB Mỹ giải ngũ, đại diện cho USOM đặc trách cao nguyên. Fort Bragg là một trung tâm đào tạo các toán lính Mũ Xanh để tung vào khắp các ngõ ngách hoang vu của thế giới, từ rừng rậm Phi châu đến các vùng hẻo lánh của Nam Mỹ nhưng thí điểm chính của họ vẫn là lục địa Á châu với đủ mọi sắc dân thiểu số sống rải rác trên các núi cao và rừng xanh chạy suốt từ bờ biển phía đông tới giáp chân Hy Mã Lạp Sơn. Tại mỗi quốc gia họ đều tung vào những toán xung kích hoặc công khai hoặc bí mật, thông thạo phong tục và thổ ngữ, thích ứng nhanh chóng với các dân địa phương, giúp đỡ khai hóa họ để chinh phục cảm tình và sau đó nhiệm vụ chính là tổ chức cho bằng được những toán quân chiến đấu tinh nhuệ và dễ bảo dưới quyền điều khiển của các sĩ quan Mỹ. Tham vọng lớn lao của họ là làm sao thiết lập được một vòng đai an ninh kiên cố bao vây Hoa lục. Đó là một Vòng Đai Xanh mà họ tin rằng đủ sức đương đầu với mọi hình thức chiến tranh du kích và rừng rậm của cộng sản. Đó là một công trình thử thách bán công khai của cả CIA lẫn LLĐB Mỹ mà Hoa Thịnh Đốn và Ngũ Giác Đài vẫn chưa dám nhìn nhận. Họ là đám con cưng của tổng thống Mỹ với những ưu đãi và đặc quyền vô hạn nhưng cũng là một lũ con hoang khi bị đổ bể. Những dính dấp đổ bể trong các cuộc nổi dậy mới đây là một bằng chứng. Và thỉnh thoảng không lâu trên báo chí lại có đăng tải những tố giác về các hành động khuynh đảo của bọn này nhằm chống lại chánh phủ hợp hiến của các quốc gia bạn. Trở lại con người Tacelosky, Davis nói:

- Hắn gốc người Đông Âu mới vào dân Mỹ từ sau đệ nhị Thế chiến, sống ở Á châu và nhất là Việt Nam nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm với du kích quân cộng sản. Sau nhiều nhiệm kỳ trở về Mỹ, hắn lại tình nguyện sang Việt Nam. Ít có mặt ở Sài Gòn nhưng hắn vẫn thuê phòng riêng ở Continental và buổi trưa nào hắn cũng thường ra đây. Ngoài khả năng ưu tú giết người bằng dao và súng như một tay thiện sạ, hắn còn là một tay chơi tennis và thục bi-da có hạng, lại thêm cái đức tính rất tàn nhẫn với đàn bà con gái.

Từ phòng thay áo, Tacelosky bước trở ra, đối diện với chỗ ngồi của Davis. Hắn to lớn, gọn gàng trong bộ quần áo trắng ngắn, da mặt đỏ gay vì rượu và nắng. Hắn chạy lại, tống mạnh vào vai Davis, giọng ồn ào và thân ái:

- Tưởng đi Djakarta từ hồi nào, sao Martin ở Hồng Kông lại nói với tôi như thế.

Davis đứng cạnh Tacelosky thật tương phản. Anh cho biết cũng sẽ đi Djakarta vào đầu tuần tới. Vừa lúc đó người đàn bà cũng trở ra, chân thẳng dài và những bước đi nhẹ. Thay cho những lời chào nàng chỉ mỉm cười, mắt nồng nàn đáp lại những cái nhìn nóng bỏng thèm khát. Đi với một đàn ông Tây phương, người đàn bà phải tự kéo ghế ngồi là điều trông rất chướng. Tacelosky như không mấy quan tâm tới điều đó, và sự hiện diện của người đàn bà hắn coi như không có. Hắn vẫn thản nhiên nói chuyện với Davis bằng tiếng Pháp, âm thanh rất nặng và có vẻ lai Đức. Tacelosky có bề ngoài thật chải chuốt, da mặt thì dầy cộm lún lỗ và không gợi một cảm giác, bù lại hắn có một cặp môi dầy chứa đầy vẻ tham lam nhục cảm, điểm thêm chút râu mép trông thật xỗ xược. Không cần được mời hắn tự động ngồi chung bàn, gọi thêm rượu và những món ăn. Như thường lệ, tôi chỉ uống một cognac soda loãng. Davis uống rượu chát, còn Tacelosky thì uống whisky như nước lã.

- Ông bà Mục sư có hỏi thăm anh, ông có nhận được cuốn sách anh gửi cho nhưng xem ra có nhiều điều ông ta có vẻ không đồng ý nhất là quan điểm anh đưa ra về vấn đề cao nguyên. Với một tên salaut như tướng Thuyết, không thể đặt ra vấn đề giao ước và luân lý. Chắc anh cũng biết hắn lại vừa giải giới mấy đại đội CIDG - Dân sự Chiến đấu Thượng tại một trại LLĐB gần Đà Nẵng, sát nhập vào Địa phương quân nhưng tụi Thượng không chịu bỏ trốn gần hết. Nếu chúng ta không tìm cách ngấm ngầm giúp thì tụi nó biến thành Thượng cộng hết rồi còn gì. Tại sao Sài Gòn còn chần chờ gì mà không chịu tống thải hắn, một tên tướng bất tài ngu dốt lại kiêu căng kiểu quan lại của nhà vua. Mồm mép chống cộng nhưng thối nát thì không ai bằng, bao nhiêu đồ viện trợ giao xuống cũng mất hết không sao tới tay được bọn Mọi. Còn những tiểu đoàn lính và thiết giáp chẳng bao giờ thấy hành quân lần nào, tất cả ở lại thị xã để canh giữ bảo vệ cho cái tổng hành dinh vững như một pháo đài của hắn. Đã thế hắn còn tìm mọi cách gây khó dễ cho binh lính Mỹ, kể cả ông Mục sư Denman. Cũng may là hắn bị tống cổ ra vùng hỏa tuyến, nếu không là Phật giáo thì cộng sản cũng sẽ tiêu diệt hắn.

Tôi không ngờ khi nhắc tới tướng Thuyết, Tacelosky đã nguyền rủa ông một cách thậm tệ. Davis có vẻ ngượng với tôi về ngôn ngữ của một người bạn như vậy. Vẫn bằng sự bình thản và dí dỏm rất Đông phương, Davis bảo đùa:

- Tướng Thuyết sẽ không bị tiêu diệt vì thanh thế của ông đang lên và có hy vọng trở thành tổng thống.

Câu nói đùa của Davis gây nơi viên Trung tá nhiều giận dữ:

- Nếu vậy, người Mỹ chúng ta nên ký nhượng miền Nam này cho bọn cộng sản trước khỏi cần phải đổ máu các thanh niên và mất công chiến đấu.

Như một tình cờ, Davis nói ra một nhận xét với tên Trung tá:

- Có một điều kể cũng lạ, tôi chưa từng nghe một viên chức Mỹ nào, kể cả ông mục sư Denman mà lại nói tốt cho đồng minh Việt Nam của họ ở cao nguyên. Mục tiêu chỉ trích gay gắt nhất vẫn là tướng Thuyết với đám sĩ quan tùy viên của ông. Với tướng Trị sau đó, hình như tình thế có đổi khác?

- Anh có biết sao không, chỉ những bọn bất lực thối nát trên toàn quốc mới được gửi lên cao nguyên, đó là một biện pháp hành chánh đầy ải để thay thế cho những hình phạt của tòa án. Và lúc này tôi mới hiểu tại sao chương trình thất bại sau nhiều tháng giao vào tay bọn nó. Đúng là một lũ lười biếng, chỉ biết ăn cắp và phản trắc, khác hẳn với bọn Thượng tuy ngu dốt nhưng lại rất dễ bảo và chất phác. Theo tôi, thối nát với Á châu đã trở thành một truyền thống vô phương cứu chữa, nếu người Mỹ không tự giành lấy quyền trách nhiệm và lãnh đạo thì không mấy chốc xứ sở này rơi vào tay cộng sản. Đến bao giờ tòa Đại sứ và bọn tướng lãnh Mỹ của chúng ta ở đây mới bắt đầu hiểu lần hồi cái vô ích của những cam kết ràng buộc với Sài Gòn trong khi phải đương đầu với những khó khăn của một trận chiến tranh du kích vô quy ước như hiện tại. Với tầm quan trọng chiến lược của một xứ như cao nguyên, một ngã ba của biên giới, một bàn đạp xuống miền Cửu Long châu thổ và khắp vùng duyên hải; an ninh và quyền điều khiển trên đó phải được giao trọn vẹn vào tay chúng ta. Tôi có thể quả quyết rằng một xứ cao nguyên không có bọn người Việt, chỉ với những lính Thượng và các toán lính Mũ Xanh, sẽ không còn bóng dáng một tên cộng sản.

Ở ngôn ngữ và con người hắn, người ta dễ dàng nhận thấy hiện nguyên hình bản chất của một tên da trắng phiêu lưu của thế kỷ 19. Hắn có thủ đoạn thật đáng sợ và không mấy quan tâm dấu diếm. Davis nhận thấy Tacelosky như một chất xúc tác để tình thế có những chuyển động và sự có mặt của hắn trên cao nguyên gần đây chắc chắn sẽ đưa tới những sắp đặt và các biến cố mới.

- Chỉ được quyền cố vấn và tự do nhận lãnh những hậu quả của thất bại, chúng ta không thể nào chấp nhận được những điều kiện làm việc như thế. Hơn nữa danh dự quân đội và cả nước Mỹ đã gắn liền vào các biến chuyển tại đây, chúng ta không thể sa lầy và thất bại, vả lại hai chữ đó không có trong bọn lính Mũ Xanh chúng tôi.

Talelosky vẫn đổ rượu vào đầy ly và nốc cạn liên tiếp. Người đàn bà can gián, nũng nịu gỡ chiếc ly còn đầy ắp rượu kẹp cứng trong tay hắn. Hắn ôm nàng vào lòng và cúi xuống hôn sâu trên môi. Người đàn bà khứng chịu, với đôi chút chiếu lệ phản kháng. Lần đầu tiên hắn quan tâm tới sự có mặt của tôi khi hắn xoay chiều câu chuyện qua hội họa:

- Nếu bạn của anh muốn vẽ tranh khỏa thân thì tôi bảo đảm là nàng có một thân hình tuyệt mĩ.

Mặt người đàn bà ngượng đỏ lên vì lối nói sống sượng của hắn. Như một tay chơi lão luyện, hắn giải thích cái triết lý thích gái Á châu của mình:

- Em không kiêu hãnh về nhan sắc của mình sao? Cái quyến rũ của gái Á châu có lẽ ở ngay nơi tính cả thẹn đó. Không phải là không tìm được cái đẹp trong số đàn bà Mỹ nhưng gái ở đây tôi thấy có một cái gì quyến rũ lạ lắm.

Davis bảo đùa cái lạ đó là nơi khẩu vị thích đổi thay, cái goût exotique của hắn. Đột ngột Tacelosky quay sang hỏi vặn Davis:

- Nhà báo Mỹ các ông sẽ viết sao về bọn vô ơn cái gì cũng ngửa tay xin ăn mà vẫn biểu tình đốt xe đòi hòa bình và đuổi chúng ta về Mỹ. War Fuck Peace, chưa khi nào mà giới lãnh đạo Mỹ lại yếu đuối đến như vậy. Đường lối mệnh danh là dân chủ hiện giờ chứng tỏ họ chẳng hiểu một chút gì truyền thống cai trị của các dân tộc Á châu. Chỉ có sức mạnh và trừng phạt khiếp sợ mới thống trị được họ. Các giòng vua chúa tồn tại lâu đời trong lịch sử Trung Hoa đều thấu rõ điều đó. Chính sách hiện tại của Mao Trạch Đông cũng chỉ là một biến thái nhưng không ra ngoài cái triết lý sức mạnh này.

Với những người như Tacelosky, bây giờ tôi mới hiểu phần nào lý do khiến tướng Thuyết phải nổi giận và có những phản ứng đến mức được coi là mù quáng và quá khích. Bản tính ông Tướng vốn không quen chịu được những yêu sách quá đà, ngay với đám sinh viên tranh đấu ngoài Huế.

Buổi tối, nhà văn tự lái xe tới đón tôi ở tòa soạn. Ông cho biết tướng Thuyết muốn gặp tôi vì mối cảm tình sẵn có từ những bài báo tôi viết về cao nguyên. Gặp nhà văn, tôi nhắc tới bài diễn văn tuyệt hảo của ông Tướng đọc trên đài phát thanh hôm qua và tỏ ý ca ngợi ông đó là một kỳ công của ngôn ngữ. Lần đầu tiên nhà văn từ chối cái vinh hạnh đó. Ông bảo tiểu xảo chữ nghĩa chẳng thể tạo được những áng văn hay, điều quan trọng là ngòi bút phải có lửa mà cái đó chỉ có trong lớp người trẻ đang đi tới. Thực sự chính cái brain trust đã thảo bài diễn văn vừa qua cho ông Tướng, phần của tôi không quá giới hạn là sự góp ý. Nhà văn kiêu hãnh nói với tôi:

- Để rồi anh coi bọn trẻ đó khá lắm, phải cái chịu ảnh hưởng nặng của thứ dân chủ Mỹ.

Tôi nhớ lại những số báo đen vẫn nhận được đều đặn ở tòa soạn qua đường bưu điện mà không rõ xuất xứ. Tôi đồng ý với nhà văn về một ảnh hưởng nặng nề của Mỹ trên lớp người trẻ này. Đài VOA chấm dứt bản tin buổi tối, tiếp theo phần nhạc chuyển mục là cuộc phỏng vấn các lãnh tụ sinh viên Việt Nam đang có mặt ở Hoa Thịnh Đốn. Bốn sinh viên của bác sĩ Ross đã tới Mỹ, khởi đầu một cuộc hành trình dài băng qua khắp các tiểu bang và những campuses đại học. Lại vẫn mấy giọng hùng hồn và quen thuộc bênh vực sự can thiệp của quân đội Mỹ vào chiến trường miền Nam và sự gia tang oanh kích miền Bắc. Tôi nhấn nút đổi sang chương trình nhạc của băng FM buổi tối. Nhà văn thắc mắc quay sang hỏi tôi:

- Họ sang Mỹ hồi nào mà tôi không nghe nói?

- Tôi có gặp họ cách đây ít hôm ở Thông tin với bác sĩ Ross. Không chuyện gì mà thiếu bàn tay ông ta.

- Giáo sư Ross cũng là bạn rất thân của tướng Thuyết nhưng xem chừng có rạn nứt khi hai ông đụng nhau về vấn đề cao nguyên. À, tôi nghe nói sắp có ba sinh viện Thượng được bác sĩ Ross cho du học năm năm ở Mỹ mà không cần qua Hội đồng Du học Việt Nam.

Tôi đưa ra một nhận định với nhà văn:

- Không có chức vụ gì chính thức nhưng xem ra không có chuyện gì mà lại không qua tay ổng.

Nhà văn trầm ngâm nói trước tay lái:

- Theo tôi ông Diệm đã can đảm và có lý khi có một chánh sách cứng rắn đối với ông ta, nhất là sau vụ dính dấp tới các biến động trên cao nguyên.

Đoạn đường tới tư dinh ông Tướng bị những người lính và hàng rào dây kẽm gai phong tỏa. Nhà văn cho xe chạy chậm lại. Người lính Dù khom lưng nhìn vào xe nhận ra nhà văn, hắn lễ độ chào tay và mời xe đi qua. Tôi lại nghĩ tới những chỉ trích của báo chí Mỹ với tướng Thuyết khi ông còn tại vị trên cao nguyên: tổng hành dinh của ông lúc nào cũng như một pháo đài kiên cố được yểm trợ bởi những phương tiện quân sự ưu tú nhất. Ở một giới hạn nào đó điều này có lẽ đúng ngay với tư dinh của ông ở thủ đô. Khu biệt thự thật sang trọng, ngăn cách với bên ngoài bởi những tấm cót và hàng rào cây xanh. Hôm nay ông Tướng ăn mặc thường phục, ông không còn cái vẻ hùng dũng của một võ tướng mà trái lại hiền lành như một con hổ bị lột da. Gặp lại nhà văn, tướng Thuyết có vẻ mừng rỡ, ông cũng vui vẻ bắt tay tôi và ngợi khen những ý kiến xây dựng trong các bài báo. Ông bảo:

- Tình hình trên toàn quốc dần dần trở lại khả quan, tôi đã ra lệnh nới tay với các phong trào tranh đấu nhất là ở Huế. Bắt đầu từ sáng nay, lực lượng Cảnh sát Dã chiến rút vô Đà Nẵng, tôi cũng đang can thiệp với chánh phủ chấm dứt biện pháp bảo vệ với thầy Pháp Viên, miễn sao thầy không trở lại ngoài đó.

Rồi ông Tướng tỏ vẻ thanh minh cho việc làm đã qua của mình. Ông bảo, ở địa vị chánh quyền, bổn phận của ông phải đem lại an ninh và trật tự công cộng nhưng ước vọng của ông vẫn là mong tiến tới một thể chế thật sự dân chủ. Riêng với nhà sư Pháp Viên, ông Tướng vẫn mang lòng cảm phục và ở thế kẹt với trung ương, ông không thể làm khác hơn. Tôi cũng gặp lại viên Trung tá trưởng phòng Năm và thiếu tá Y Ksor vừa ở cao nguyên xuống. Xem ra tướng Thuyết vẫn còn nhiều ảnh hưởng với cấp thuộc hạ của mình. Hướng về Y Ksor, ông Tướng bảo:

- Tôi đang làm áp lực đề nghị với trung ương nâng Nha Thượng vụ lên ngang hàng một Bộ trong chánh phủ, có thể ông Y Ksor sẽ trách nhiệm giữ Bộ đó.

Y Ksor chỉ biết tỏ vẻ thần phục. Hướng về viên Trung tá phòng Năm, tướng Thuyết hỏi giọng nóng nảy:

- Sao ông Trung tá, trên đó làm ăn sao mà để tụi nó chặn cướp xe đò và giết chết hành khách luôn như vậy? Còn sự thật về vụ Địa phương quân Thượng mới đây giết hai người lính Việt Nam và kéo cả đại đội với khí giới trốn sang Cao Miên là sao? Ông tướng Trị làm ăn gì mà kỳ vậy?

Viên Trung tá xác nhận tin trên và giải thích nguồn gốc là từ những toán Dân sự Chiến đấu Thượng nuôi dưỡng bởi các lính Mũ Xanh Mỹ. Ông Tướng không tránh được vẻ giận dữ nói:

- Cách đây hai năm tôi đã nói điều đó với chánh phủ Sài Gòn là phải giải giới hết bọn nó để tiến tới một quân lực với bộ Tư lệnh Việt Nam duy nhất.

Mắt ông Tướng giận long lên, ông hẹn sẽ gặp lại họ ngày mai trước khi những người này trở lại cao nguyên. Khi Y Ksor và viên Trung tá đi khỏi, nét mặt ông Tướng dịu hẳn xuống. Nhà văn đã làm vui tướng Thuyết đúng lúc khi nhắc tới dư luận tốt về bài diễn văn truyền thanh hôm qua. Ông Tướng cười và quên đi những khó khăn khi nãy. Bàn ăn xếp cho mười hai người, bên phải ông Tướng là nhà văn, tôi ngồi tiếp sau đó. Những người còn lại đều rất trẻ, được coi là thành phần cốt cán trong bộ tham mưu ông Tướng. Lại vẫn ông Giáo sư luật khoa, một sĩ quan Hải quân cấp tá, hai đại úy thuộc bộ Tổng tham mưu, một Ph.D. về khoa xã hội, một nhà báo, hai chuyên viên và đặc biệt có thêm một lãnh tụ sinh viên. Tướng Thuyết có thái độ hòa mình dễ dãi. Lớp người trẻ thì không mặc cảm nên lối nói chuyện khá tự do. Nhà xã hội học nói về sự thiết yếu phải có một Social Justice trong cuộc cách mạng. Nhà báo nhận định rất xác đáng về nỗi hoang mang của người dân khi cảm thấy mất cái Identity, căn cước để hiện diện và sống với người khác. Viên sĩ quan trẻ đề cập tới triết lý của cuộc cách mạng quân đội qua kinh nghiệm bên Trung Đông của Nasser mà mỗi người lính trong tương lai phải là một cán bộ chánh trị, một nhà giáo dục và sản xuất canh tác. Gã sinh viên thì tích cực tấn công chỉ trích nền móng giáo dục hiện tại, đòi có cải tổ đại học để đi tới xây dựng những nấc thang giá trị mới. Mọi tranh luận đều hướng về ông Tướng để khiến ông hiểu rằng đã đến lúc phải trao quyền lãnh đạo vào tay lớp người trẻ nếu muốn có một xã hội canh tân trong tương lai.

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Một ngày như những ngày khác, buổi sáng thường lệ tôi tới tòa soạn cắt xén làm tin cho trang nhất lên khuôn buổi chiều. Nhưng sáng nay dậy muộn, có lẽ vì lượng rượu uống ở nhà tướng Thuyết đêm qua. Tôi không lên ngay tòa soạn mà lại rẽ vào một quán nước đầu ngõ. Vẫn những khuôn mặt lem luốc của đám thợ in thợ máy. Cả gã thương binh cụt hai chân cũng có mặt ở đó. Họ đang bàn tán về những cuộc biểu tình cùng mưu toan sắp tới của những lãnh tụ Phật giáo. Tên tuổi nhà sư Pháp Viên luôn luôn được nhắc tới, cùng những nhận định về ông hết sức là mâu thuẫn. Câu chuyện còn xoay quanh một vụ nổ của một khách sạn Mỹ trong Chợ Lớn. Tiếng nổ dữ dội lúc về sáng làm rung chuyển nhiều khu phố. Một gã thợ máy đưa tầm mắt qua đường nhìn tầng lầu bin-đinh lên tiếng:

- Tụi Mỹ còn ở đó có ngày bọn mình lãnh đủ.

Cô chủ quán coi bộ dị đoan sợ hãi về mấy cái miệng đàn ông nói gở, cô Tám ngúng nguẩy bỏ vào, chiếc áo ni lông bó chẽn từng mảng hồng hào da thịt khêu gợi đến nỗi anh nhà văn phải kêu lên đó là những kiến nghị sống. Cơn dục vọng thường chỉ tới với tôi trong những phút mệt nhọc của thân thể. Tôi đã ngủ muộn đêm qua, rượu vẫn còn lưu lại những cảm giác váng vất. Tôi uể oải trở lên tòa soạn, mới gặp ngay tôi, ông chủ nhiệm đã lên tiếng ngầy ngà:

- Suốt buổi tối hôm qua anh ở đâu?

Ông chủ nhiệm cho rằng tôi đã không về nhà đêm qua, nhưng đó không phải là một câu hỏi thuận lý. Tôi thấy mình xẵng giọng nhưng vẫn trả lời bình tĩnh:

- Tôi thì vẫn ngủ nhà, buổi sáng họp báo trong Tổng tham mưu, tối đi dự ăn ở nhà tướng Thuyết. Mà sao, có chuyện gì không ông chủ nhiệm?

Trong cách nhìn của người thư ký và ánh mắt lo âu của ông, tôi linh cảm thấy một sự gì bất thường sẽ xảy tới. Hay là chuyện đóng cửa báo, chỉ có đó là vấn đề trọng đại và có ý nghĩa sinh tử của nhiều người. Đó là thứ lưỡi gươm Damoclès treo trên sợi chỉ mành mà bất cứ lúc nào cũng có thể chém phập xuống cổ người làm báo.

- Lại có cảnh cáo đóng báo nữa sao ông chủ nhiệm?

- Không phải vậy. Đe dọa đó coi như tạm qua luôn. Mà tôi hỏi thật anh ngoài chuyện làm báo anh còn hoạt động gì khác?

- Có, trước kia và ngay cả hiện giờ thỉnh thoảng tôi vẫn vẽ. Biết rồi mà sao ông chủ nhiệm còn hỏi tôi như vậy?

Không nói gì thêm ngoài cái vẻ mặt ái ngại, ông chủ nhiệm lẳng lặng trao cho tôi một trát gọi có đóng triện son đỏ chót. Một phút bàng hoàng cả người nhưng tôi trấn tĩnh được ngay sau đó. Giấy của Cục An ninh Quân đội gọi đích danh tôi phải trình diện khẩn cấp mà lý do sẽ cho biết sau. Trong một chốc lát tôi hồi tưởng lại biết bao nhiêu mối liên hệ và những công việc đã làm nhưng không gợi nên được một nghi vấn. Cô thư ký còn cho biết từ sáng sớm có hai xe Jeep trắng mang số ẩn tế và những người lính an ninh mặc thường phục ập vào tòa soạn lùng kiếm tôi. Không tìm ra tôi, họ lấy lời khai của các nhân viên và nhiều địa chỉ và yêu cầu ông chủ nhiệm bằng mọi cách phải liên lạc với tôi. Ở tình cảnh này ông tỏ ra rất lo ngại và quan tâm tới những khó khăn mới của tôi. Bằng tất cả sự trầm tĩnh và kinh nghiệm, ông xuống giọng ân cần hỏi tôi:

- Anh thử nhớ kỹ lại coi, trong các liên lạc giao tiếp, anh có dính dấp chánh trị với ai không, chứ theo tôi đây là một vụ nghiêm trọng trên cả báo chí. Tôi chắc họ cũng đã thả người phong tỏa chỗ anh ở. Bây giờ anh chưa lọt vào tay họ phải kể là còn may mắn. Tôi khuyên anh hãy tạm lánh đi để tôi có đủ thời giờ dò cho ra nguyên nhân đã, vì khi đã kẹt vào đó mọi chuyện xoay gỡ ra sẽ trở nên rất khó.

Đến lúc này tôi có thể phỏng chừng là những giòng chữ về cao nguyên đã gây rắc rối cho tôi. Chính vì sự giao động thái quá của ông chủ nhiệm khiến tôi lại phải trấn an ông. Tôi quả quyết rằng không có một hành động nào của tôi lại có thể đưa tới vòng lao lý bất hợp pháp. Còn những dính líu tiếp xúc thì với tính cách một nhà báo tôi có quyền gặp gỡ bất cứ ai, từ ông linh mục tới nhà sư, từ hàng ngũ tướng lãnh tới các thành phần chống đối chánh phủ. Điều đó không thể nào tạo nên một tội trạng. Tôi cũng giảm đi e ngại khi cho rằng cuộc gặp gỡ công khai với một ông Tướng Cục trưởng như vậy là điều đáng mong ước hơn những vụ bắt bớ tối tăm bởi các bàn tay hung bạo vô trách nhiệm từ cấp dưới. Và tôi bình thản tự quyết định sẽ ra trình diện sớm sau khi giao ước với tòa báo khoảng thời gian sau sáu tiếng kể như tôi đã bị bắt giữ. Tôi cũng giao số điện thoại của Nguyện cho cô thư ký nhờ báo tin tôi đi Trung vào ngày mai, trong thâm tâm tôi không muốn Nguyện phải lo âu vì những khó khăn không đâu như vậy. Tôi cũng ngạc nhiên là ở giây phút mong manh này chỉ có một điều tôi nghĩ tới là Nguyện.

Và buổi chiều cùng ngày, tôi đã có mặt trở lại tòa soạn với rất nhiều nỗi vui mừng của ông chủ nhiệm và các bạn đồng sự. Và không đúng như tôi dự đoán là nguyên nhân từ vụ cao nguyên, nhưng đó là hậu quả dắt dây của bài báo năm ngàn chữ về nhà sư Pháp Viên mà tôi đã dành cho Davis. Những giòng chữ chỉ trích quân đội của nhà sư đã gây nhiều phản ứng tức giận nơi một vài tướng lãnh. Đó là lý lẽ của cuộc gặp gỡ dằn mặt sau đó với khung cảnh có nhiều vẻ bất thường và hăm dọa. Sau vụ đàn áp Phật giáo thành công, ông An ninh được vinh thăng lên tướng. Ông ném bản photocopy của tập télétype từ tòa báo Davis đánh đi lên giữa mặt kính. Sẵn trên mặt phẳng đó là một khẩu Smith Wesson và một khẩu 6.35 dằn trên một chồng những đồng bạc Mỹ kim mới. Khi cương khi nhu, nhưng lời buộc tội của ông thì hàm hồ, lên án báo chí đâm lưng quân đội và cá nhân tôi bị coi như một phát ngôn đắc lực của nhà sư Pháp Viên. Đó chính là điều mà tôi bị ông cay ghét. Tôi hiểu rằng sau chuyến bị dẫn độ vào Sài Gòn, nhà sư bị hoàn toàn cô lập và chánh quyền muốn tên tuổi ông phải bị quên lãng trong trí nhớ quần chúng. Phải nhận rằng nhà cầm quyền còn rất e ngại uy thế tinh thần của ông. Hành động của tôi như một đòn nặng trên chánh sách của nhà nước và có thể làm rung chuyển dư luận bên châu Mỹ. Một lần nữa tôi lại phải nghe ông Tướng Cục trưởng không ở trong nghề chỉ dẫn đường hướng và cách thức làm báo. Điều đó cũng trớ trêu như tôi làm cố vấn an ninh cho ông. Nhưng có điều sau chuyến gặp gỡ chín mươi sáu phút với ông Tướng ở Cục An ninh, tôi bớt thành kiến và có cảm tình với ông ta hơn. Đó là một mẫu người xô bồ và rất liều lĩnh nhưng thẳng thắn và bộc trực ngay cả với đối thủ của mình. Ở tôi sự cứng rắn đương đầu coi bộ kích thích sự kiêu căng sẵn có nơi ông và ông Tướng có vẻ khoái chí. Ông thiếu cái lì lợm nham hiểm của nghề như tôi tưởng. Cũng vì vậy tôi tự cho là may mắn được bước vào bằng cửa chính gặp đích danh ông.

Họa vô đơn chí, sáng hôm sau tôi cũng lại may mắn thoát chết bằng một đường tơ kẽ tóc. Cộng sản bảo tấn công người Mỹ nhưng không một người Mỹ nào bị thương tích và tòa cao ốc phía trước tòa báo vẫn ngạo nghễ đứng đó, hoàn toàn vô sự. Ở những ngày khác, giờ đó tôi đang ngồi khề khà để uống ly cà phê dưới quán cô Tám. Vận mệnh nhiều khi chỉ phụ thuộc vào biến đổi của một chút thói quen, một ly cà phê sữa buổi sáng. Được tin Nguyện hốt hoảng lái xe tới tòa soạn tìm tôi trong khi mọi ngả đường còn bị phong tỏa. Đám phóng viên nhiếp ảnh như đám kên kên xúm vào đống xác chết. Nguyện mừng tủi khi gặp lại tôi và ôm hôn say đắm. Vừa qua cơn kích động, tôi bị mất phản ứng, ngực còn bị dồn tức vì sức ép. Đầy vẻ lo âu, Nguyện hỏi tôi:

- Anh có sao không, để Nguyện đưa anh về nhà. Anh cần nghỉ ngơi ít hôm còn đi Huế với em chứ.

Tôi cảm động bảo Nguyện:

- Không sao đâu, anh có thể đi với em cho tới suốt buổi tối.

Nguyện thắc mắc hỏi tôi:

- Làm gì mà anh bị gọi lên Tổng Cục An ninh?

Tôi ngạc nhiên tại sao Nguyện lại có thể biết, Nguyện cười:

- Anh làm gì mà Nguyện không biết, sao anh nói dối với Nguyện là anh đi Trung, anh không muốn được em lo cho anh sao?

Câu trách âu yếm của Nguyện khiến tôi quên đi những tình cảm bận rộn về đời sống riêng tư của nàng. Nguyện được nhắc tới với nhiều ghen tức và thèm muốn. Nàng là một cần thiết cho nhiều người và thảm hại là người đàn ông nào cũng cảm thấy một đặc ân mà người đàn bà dành riêng cho mình. Trước mắt tôi bây giờ là một người đàn bà hiền thục với giọng nói còn nguyên trong sáng. Không một điều gì có thể làm vẩn đục những ý nghĩ của tôi về Nguyện. Nàng bảo tôi:

- Anh Triết ạ, em có ý nghĩ sẽ ra thăm Huế. Tết này anh và Nguyện ra đó trước. Nguyện muốn đưa anh về Vĩ Dạ sống những ngày con gái ở đó.

Giọng Nguyện trở nên xa vắng:

- Ở một tuổi nào đó mình bắt đầu thấy có những gì để mất đi như một giấc mơ.

Tôi bảo Nguyện ở tình trạng này tôi muốn thôi làm báo và có thể sẽ ra Huế nhận dạy trường Mỹ Thuật ngoài đó. Tôi cũng đang cần sự yên tĩnh và hy vọng vẽ trở lại:

- Anh khỏi lo, nhà Nguyện ở Vĩ Dạ có vườn cây rộng bên bờ sông, buổi chiều chỉ còn nghe tiếng gió lướt trên những ngọn sóng.

Người đàn bà mang rất nhiều kỷ niệm về quá khứ tuổi thơ và quê hương mình. Tôi tưởng tượng tới những cơn gió làm nhăn mặt sóng và lùa qua những mái tóc. Nghĩ tới những biến động ngoài đó tôi hoài nghi bảo nàng:

- Lâu em không về, Huế đã có rất nhiều biến đổi. Huế của tranh đấu cách mạng chứ không còn thầm lặng như xưa nữa.

- Theo em đó chỉ là những sôi nổi nhất thời mà nhà báo thì bị lôi cuốn vào những ồn ào biến cố. Còn bộ mặt thật Huế là ở những nơi khác, sau những hàng dậu xanh: yên ngủ trầm tĩnh như tâm hồn một người đàn ông rất Huế.

Tôi mỉm cười với ý nghĩ về người đàn ông rất Huế của Nguyện. Nguyện cho biết nàng đã về bộ Ngoại giao và có thể làm phụ tá đặc biệt cho ông Ủy viên một thời gian. Nguyện sống hồn nhiên và quen thuộc với những đổi dời. Con chim sơn ca phải được bay cao và cất tiếng ca hót. Nguyện nhất định lái xe đưa tôi về nhà, không phản đối nhưng tôi đề nghị ghé qua tòa soạn của Davis trước. Davis không có đó, viên thư ký cho biết anh đang có mặt trên hãng thông tấn AP và sẽ trở lại ngay sau đó. Phút hội ngộ thật hồn nhiên, chính Davis hoàn toàn chưa biết những gì xảy ra, riêng tôi cũng không muốn nhắc lại một chuyện cũ. Không cần phải giới thiệu Nguyện với Davis, hai người đã nhiều lâàn gặp nhau ở bộ Ngoại giao và có những liên hệ quen biết. Nguyện không uống rượu, quen ý Davis vẫn pha cho tôi một cognac soda còn riêng anh thì whisky sec. Căn phòng nhỏ ấm cúng, một nửa tấm bản đồ yên vị trên nền tường trắng muốt. Davis vừa đi Tokyo hai hôm. Sự di chuyển đối với nhà báo được coi như một lối sống. Hướng về phía Nguyện, Davis nói:

- Ở Tokyo tôi có ăn cơm với ông Đại sứ và hỏi thăm cô thì được biết cô đã trở lại Sài Gòn và làm phụ tá văn hóa ở Bộ.

- Cũng chưa có gì rõ rệt, vả lại làm ngoại giao tôi không muốn phải sống mãi một nơi, nhất đó lại là Việt Nam.

Câu nói của Nguyện khiến cả tôi và Davis cùng cười. Nếp sống của nàng như không ăn nhập gì tới vẻ đẹp thuần hậu Á Đông trên khuôn mặt ấy nữa. Như xực nhớ ra điều gì, Davis bảo tôi:

- À tôi có gặp cả Kux nữa. Kux bảo có lần nói chuyện nghe anh thích Malraux nên hắn gửi tặng cuốn Anti-memoirs bản tiếng Anh vừa xuất bản.

Tôi cầm cuốn sách từ tay Davis và giở tới giòng chữ của một trang cuối. Tôi có thói quen khởi đầu cuốn sách bằng một trang cuối như vậy. Vừa lúc đó thì bác sĩ Ross tới, to lớn vui vẻ và ồn ào như một cơn gió ùa tới. Mới về Mỹ ông đã lại trở qua Việt Nam, không hiểu vì lý do nào sáu tháng nghỉ hè của ông bị hủy bỏ. Hiện giờ thì ông vô cùng bận rộn để giúp ông Giáo dục mở rộng phong trào Thanh niên Sinh viên hướng về Nông thôn. Ross tự mở tủ lạnh lấy bia uống. Ross nói đột ngột như một khám phá:

- Phải công nhận rằng hệ thống phòng thủ các chung cư Mỹ chu đáo hết chỗ nói. Có chứng kiến hậu quả vụ nổ sáng nay mới thấy.

Davis vội vã hỏi:

- Lại nổ ở đâu? Ở trong phòng lạnh chỉ thấy rung cửa kính.

- Chỗ chung cư lớn nhất mới xây ở đường Phạm Ngũ Lão, cái hay là không một người Mỹ nào bị thương dù bọn khủng bố tấn công bằng lối cảm tử với hàng mấy chục kí lô plastic.

Nguyện ngạc nhiên nhìn tôi vẫn ngồi yên lặng, nhưng Davis khi nghe tên khu phố vội quay ra hỏi tôi:

- Hình như tòa báo anh ở đường đó. Triết, anh không biết tin gì hết sao?

- Thì ngay trước tòa soạn, giữa lúc nổ tôi đang điện thoại bị xô văng ra khỏi ghế, tôi chỉ bị sức ép và xây xước vì gai nhọn của những mảnh kính vỡ.

Câu chuyện xoay quanh vào những chi tiết tổn thất, những lý luận và giả thiết sau đó. Ross nhìn qua những ô cửa kính trong suốt, giọng trách móc Davis:

- Tôi đã nhiều lần bảo anh cho người dán băng keo lên những tấm gương, các vụ nổ thường trở thành nguy hiểm vì thế.

Davis cười, cái cười nửa miệng của một người bình tĩnh có kinh nghiệm với những phút nguy biến, Davis nói:

- Ở một tầng lầu năm thế này, nguy hiểm là khi nào tụi nó dùng tới hỏa tiễn.

Tất cả đều cười, vô tâm và bình thản. Tai nạn chiến tranh đã trở thành một cái gì thường nhật trong lối sống. Không còn ai để nhiều quan tâm vô đó nữa. Davis hỏi Ross về tin tức phái đoàn sinh viên giải độc ở Mỹ, bác sĩ Ross giọng phấn khởi nói:

- Thành công rực rỡ, không ngờ tụi nó khá như vậy. Chỉ gặp đôi chút khó khăn khi bị nghi kỵ là người của chánh phủ nhưng sau đó mọi sự trôi chảy như trên một bánh xe, vả lại anh cũng biết, các giáo sư sinh viên và cả dân chúng Mỹ đều không biết tí gì về bên này, bởi vậy mọi dư luận phải được điều kiện hóa. Tôi cũng đang định thu xếp cho tụi nó làm một tour Âu châu sau khi rời Mỹ, đó cũng là một cách thưởng công cho tụi nó.

Tôi hỏi Ross về chuyện học hành của hai sinh viên Thượng vừa được ông đỡ đầu cho du học tại Mỹ. Có điều lạ là đa số học sinh Thượng đều muốn bỏ học đi Biệt kích cho Mỹ hoặc qua Cam Bốt theo phe khởi nghĩa.

Ngẫm nghĩ một lát, Ross giọng trầm ngâm nhắc lại một quan điểm của ông Mục sư:

- Hãy trả cho César cái gì của César, tôi sợ rằng việc giao trả quyền tự trị cho các sắc dân thiểu số là điều không thể tránh được. Điều quan trọng là không để phí phạm thêm nhiều xương máu.

Bác sĩ Ross đã nhắc lại nhiều lần cái ngày không thể tránh được ấy, The Inevitable Day. Ông bảo người Việt thường tỏ ra rất nhậy cảm về vấn đề chủng tộc nhưng tại sao họ chưa ý thức được cái sẽ đến và phải đến đó. Sau một chuyến đi dài, Davis hỏi lại chỗ ở của bác sĩ Ross:

- Sao anh còn ở ngôi biệt thự Duy Tân chứ? Có lần tôi tới chỉ gặp toàn các lãnh tụ sinh viên.

Ross hóm hỉnh nhe răng cười, giơ tay làm một cử chỉ nói với Davis:

- Tôi mới mượn thêm một villa tuyệt đẹp ở Hiền Vương, hôm nào mấy anh lại chơi: có sân quần vợt và cả piscine tắm nắng nữa. Tôi để cái ở Duy Tân cho những người trẻ làm nơi gặp gỡ. Các Thanh niên Chí nguyện về Sài Gòn công tác tôi cũng cho ở đấy nữa. À chiều nay tôi có một cocktail mời một số nhà văn Việt Nam để giới thiệu họ với nữ sĩ Beko, tân tùy viên văn hóa tòa Đại sứ. Cô Nguyện chắc là tháp tùng ông Ngoại giao còn ông họa sĩ và anh Davis thì riêng tôi mời tới đó.

Không cần đợi một xác nhận, bác sĩ Ross xoay qua hỏi tôi về nhà văn Đào Khiêm và Hồ Lãm. Tôi liên tưởng tới Hiệp hội Nhà văn Tự do thành hình nay mai với bàn tay sắp đặt của Ross.

- Hãy hỏi tôi cái gì thuộc về hội họa, còn hai nhà văn kia tôi có nghe tiếng nhưng chưa đọc hết một cuốn sách nào do họ viết.

Ross tỏ ra am hiểu tường tận nhiều vấn đề trong nhiều lãnh vực, ông biết khá chính xác về hai nhà văn kia:

- Hình như cả hai đều khá nổi tiếng. Hồ Lãm là nhà văn của thế hệ bốn mươi chống cộng mạnh mẽ và đề cao vai trò lãnh đạo của giai cấp tiểu tư sản; còn Đào Khiêm là một kiện tướng lãnh đạo nhóm nhà văn trẻ với nhiều khám phá văn chương lộng lẫy. Tôi rất tiếc là vốn liếng tiếng Việt của tôi không đủ để đọc văn họ, nhưng xem ra cả hai đều chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Pháp, có phải vậy không anh?

Từ khi bước chân vào nghề báo, tôi học thêm được đức tính là chịu đựng dễ dàng trong mọi trường hợp dông dài của cuộc đối thoại, nhất đó lại là với bác sĩ Ross. Tôi không thể trả lời khẳng định với ông ta một điều gì bởi những cái ông biết và điều nói ra luôn luôn có luận cứ. Bác sĩ Ross tiếp:

- Tôi đang nghĩ tới sự thiếu vắng của một tờ báo nghiên cứu như tờ Học Tập ở ngoài Bắc, tư tưởng phát biểu là những người có thực tế hành động. Còn ở trong Nam này, bộ óc ở một nơi, cánh tay lại ở một chỗ khác: cái nguy cho chính chúng ta là ở chỗ đó.

Tôi đang nghĩ tới phong trào lập thuyết ở miền Nam, tới cuốn Triết lý Hai cuộc Cách mạng của tướng Thuyết và một lần nữa Ross đã suy luận không phải là sai. Khi nhận định về những người Mỹ sang đây, Davis đã có một cái nhìn thật sâu sắc: đa số không thể thích ứng, nghênh ngang vì ngu xuẩn, thiếu trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Nhưng Ross là một thiểu số ngoại lệ vượt xa lên trên những nhận định đó.

Thuốc tê tan đi, những mũi khâu gây đau nhức, ống huyết thanh vừa chích bắt đầu có phản ứng như muốn lên cơn sốt. Trán dấp dính mồ hôi. Nguyện nhìn tôi bằng ánh mắt âu yếm lẫn lo âu. Ross uống tới chai bia thứ ba, tôi đi lại quầy rượu tự tay rót nửa ly Scotch nốc cạn hết. Tôi cảm thấy rõ giòng rượu chảy suốt một lồng ngực nóng. Ross từ giã mọi người để tới dạy một giờ ở ban Cử nhân Công pháp. Davis khép cửa, vui trở lại nói với tôi:

- Sao mà ông ấy ôm đồm đến như vậy, cả đến những khó khăn ở quốc hội tôi cũng thấy các nghị sĩ tới nhờ ông giàn xếp.

- Đó là một bộ óc siêu việt, nhúng tay một lúc vào nhiều việc mà không điều gì chứng tỏ bác sĩ thiếu chu đáo.

Davis mua từ Tokyo cho tôi một bộ sưu tập hội họa thế giới của tổng thống Sokarno, ngoài cô vợ bé thật xinh đẹp, ông này còn là một tay chơi rất nghệ sĩ. Tranh và điêu khắc đủ loại, từ cổ điển tới hội họa mới trên khắp thế giới: từ nét lập thể của Picasso tới nét mơ màng của bức tranh lụa đặc biệt Việt Nam. Davis nói:

- Tại chưa được coi tranh anh chứ không ít nhất ông ta cũng giữ cho được một bức.

Khuôn mặt Nguyện mơ màng khi cười, hình ảnh nàng như xa ra sáng rỡ trên một nền tăm tối. Tôi mệt, thật sự thấm mệt và muốn được thả mình xuống nghỉ ngơi nếu không có người đàn bà ở đó. Ra tới thang máy, trong lồng tối, Nguyện níu cổ tôi xuống hôn nói:

- Anh phải nghỉ, cả hôm nay Nguyện không cho anh đi đâu, muốn ăn gì sẽ tự tay em nấu.

Tôi mệt nhưng vẫn muốn làm một cử chỉ biết ơn Nguyện. Tôi cúi hôn nhẹ trên mái tóc thơm của nàng, cử chỉ đó thay cho một câu nói như trong một giấc mơ. Tôi có ý định sẽ vẽ chân dung Nguyện, hình ảnh thoáng bắt được là một khuôn mặt sáng rỡ mơ mộng trên một nền thật tăm tối. Nguyện ở lại với tôi suốt một ngày, bàn tay thu vén của người đàn bà đem tới cho căn phòng một không khí biến đổi đầm ấm. Những nốt nhạc dịu làm nền cho tiếng cười và giọng nói trong như thủy tinh của Nguyện. Nàng không tới dự cuộc tiếp tân các nhà văn tại tư thất của bác sĩ Ross, bỏ cả bữa ăn tối đã hẹn với Davis. Chúng tôi chỉ ăn xúp và nước trái cây. Nguyện cố dỗ cho tôi ngủ, còn nàng nằm bên tôi đọc sách đến thật khuya. Tôi chống cự cho khỏi phải thiếp đi nhưng giấc ngủ vẫn tới như một cơn mê êm ái: của một tiếng gà gáy sáng, vài tiếng chim run trong lá, của ánh sáng nên thơ qua khung cửa như rắc đầy bụi phấn, của nước mắt và giọng nói hân hoan cùng những hy vọng dừng ở đó. Hạnh phúc chỉ là nỗi mỏi mệt thức giấc khi người đàn bà đang hôn ngay trong giấc mơ của mình.