Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 7): Một cái gì rất Nguyễn Xuân Hoàng: Sổ tay

Trần Doãn Nho

NGUYEN XUAN HOANG 1“Đừng để tờ Văn chết!” Mai Thảo nói với Nguyễn Xuân Hoàng như thế.

Văn sống lại. Một đời sống khác.

Nguyễn Xuân Hoàng (NXH) nhận Văn từ Mai Thảo vào giữa năm 1996. Một trong những yêu cầu của Mai Thảo là giữ nguyên mục Sổ Tay vốn do Mai Thảo viết từ ngày ông tái bản Văn ở hải ngoại. Lúc đầu, NXH không đồng ý, muốn đổi thành Ghi Chép, nhưng chiều ý của Mai Thảo, bốn số tiếp theo 160, 161, 162 và 163 cho các tháng Chín, Mười, Mười Một và Mười Hai, 1996 do NXH làm chủ biên vẫn có mục Sổ Tay. Nhưng rồi với sự giúp sức và đóng góp nhiệt tình từ bạn bè và văn hữu, đầu năm Đinh Sửu (1997), Văn đổi sang bộ mới, được đánh từ số 1, số Xuân Đinh Sửu: Văn của Mai Thảo trở thành Văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Và khác với ý định ban đầu, NXH vẫn duy trì “Sổ Tay”. “Đó là lúc tôi đã tìm một cách viết sổ tay của tôi”, anh cho biết. (Văn tháng 8/2004). Và Sổ Tay NXH đã đi song hành với Văn từ lúc đó cho đến ngày tự ý đình bản.

Lúc này đây, trong khi nghĩ đến NXH, đang ở cách tôi những ba múi giờ, không thể trực tiếp đến thăm anh được, tôi tìm gặp anh qua Văn. Những Văn, cuốn dày cuốn mỏng, có cuốn một tháng có cuốn ghép đôi hai tháng, đẹp nhất là hình bìa. Mỗi bìa là một tấm tranh, toàn là tranh có hạng. Cầm những Văn trên tay, tôi nhìn thấy công lao của một NXH đối với văn học. Tất cả, từ bìa đến “ruột”, tạo thành một thứ “chỉnh thể thẩm mỹ”, một chỉnh thể mà thấp thoáng đàng sau là cá tính của người chủ biên, theo cách nói của Nguyễn Hưng Quốc [1]. Và với Sổ Tay, cá tính người chủ biên càng hiện rõ nét hơn, đầy đặn hơn. Qua Sổ Tay, NXH xuất hiện như một chân dung tươi, sống, đa dạng. Sổ Tay viết về người, về vật, về sự, về những chuyện linh tinh, lỉnh kỉnh. Viết ngay. Viết liền. Viết y như thể chúng như thế, ở đây, lúc này. Không thể khác. Đọc Sổ Tay như đọc lại cả một quảng đường, thậm chí cả một giai đoạn văn học, tìm lại được những khuôn mặt tưởng chừng như không còn hiện hữu, tìm lại những cảm giác tưởng chừng đã biến mất, tìm lại những ý nghĩ tưởng chừng như tan loãng trong thời gian.

Sổ Tay tràn đầy thao thức. Thao thức người. Thao thức chữ.

Sổ Tay trước hết là sự kiện: xã hội, văn học, chính trị, bóng đá, thời tiết, ra mắt sách, tác phẩm mới, tác giả mới, phim mới… Lan man. Tản mác. Rời rạc. Nhưng đầy hơi thở, đầy hiện thực: gặp bạn bè ở Paris, ở Houston, ở Sài Gòn, lụt ở miền Trung năm 1999, ra mắt sách người này ngưòi nọ, những người bạn đến thăm, nhũng người bạn đau, những người bạn qua đời, những chuyến đi, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở quận Cam, những tác phẩm vừa xuất bản, cảm giác về những ngày mưa, ngày nắng, ngày tuyết, về giải bóng đá thế giới, về chuyến đi của Clinton sang Tàu, vân vân…

Sổ Tay là những hồi ức sống động.

“Một buổi tối, trong căn phòng hẹp nằm sau “ngõ hẻm” Song Long, chủ nhà Mai Thảo tiếp Thụy Khuê, Bùi Bảo Trúc, vợ chồng nhà báo Đỗ Ngọc Yến vợ chồng luật sư Đỗ Xuân Hòa, Khánh Trường …Nhà có ba chiếc ghế. Khách ngồi bệt xuống sàn, xung quanh là những cuốn sách, những chai rượu. Mọi người nói đủ thứ chuyện: cuộc sống, văn chương, thời sự, …nhưng tuyệt nhiên không ai nói về sức khỏe của Mai Thảo và Khánh Trường. Từ gần một năm nay, cả hai nhà văn này không khỏe. Khánh Trường luôn cười nói, lạc quan hơn một người có sức khỏe bình thường. Thế nhưng, người ta biết ông đang bị sa sút về thể lý. Trong một tháng, hơn ba lần Khánh Trường vào bệnh viện. Có đôi lúc, tiếng nói ông thấp xuống, không còn cái “ồn ào sang sảng” mỗi khi trêu ghẹo bạn bè. Rõ ràng là Khánh Trường không muốn nói và cũng không muốn nghe ai nói về tình trạng sức khỏe của mình. Còn Mai Thảo, chuyện di chuyển của ông đã bắt đầu khó khăn. Ăn rất ít. Chỉ những giọt rượu là những thang thuốc bổ còn giữ được ông ở lại với chúng ta.” (Văn tháng 7/1997)

Sổ Tay là chuyện đời sống nhưng là một thứ đời sống đẫm mùi văn chương. Bên dưới những mảnh vụn, những chi tiết bề bộn đan xen nhau đâu đó luôn ẩn dấu những kẽ nước ngầm, âm thầm chảy len lỏi qua những con chữ, những con chữ thản nhiên, đôi khi vô cùng thản nhiên.

“Có tiếng gõ cửa. Cái nút chuông có trên vách sao họ không bấm mà lại gõ? Tôi bước ra. Một người đàn ông da đen cao lớn, mặc bộ suit màu đen, đeo kính trắng, mũ đen rộng vành, cầm trên tay một xấp giấy, đứng trước mặt tôi. Ông tự giới thiệu là Thomas Donahey, người của Thượng Đế. Ông nói thế giới đầy tội lỗi, đã đến lúc mọi người trên trái đất này phải sám hối. Tội ác như một nồi nước đang sôi sùng sục, và cầu nguyện là rút những thanh củi đang cháy ra khỏi bếp. Tôi nói với ông là tôi chưa bao giờ phạm tội, tại sao tôi phải cầu nguyện? Ông lấy một tờ giấy màu xanh trong xấp giấy đưa cho tôi. “Đây là những lời kinh sám hối. Ông đọc sẽ rõ. Ông nói ông chưa bao giờ phạm tội à? Thật sao? Trong suốt đời ông, ông chưa bao giờ phạm tội thật à?” “Thật chứ!” tôi nói. Ông Thomas nhìn tôi, tay ông vẫn chìa tờ giấy màu xanh về phía tôi. Đầu ông hơi nghiêng, gọng kính trụt thấp dưới sóng mũi, mắt ông to, nhưng tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Tôi không muốn cầm tờ giấy nhưng thật là bất lịch sự nếu cứ để ông giữ nguyên tư thế đó. Tôi đành đưa tay ra. Ông Thomas tiếp, trên thế gian này không một ai, không trừ một ai – ông nhấn mạnh – mà không phạm tội. Sinh ra đời đã là phạm tội. Làm người đã là phạm tội.

Lúc đó hình như gió thổi mạnh hơn và bầu trời xuống thấp mịt mù mây đen cùng với những giọt mưa lạnh buốt tạt vào mặt chúng tôi. Tôi đẩy rộng cửa, mời ông vào nhà. Ông khoát tay, kẹp xấp giấy vào nách, bật chiếc dù đeo ở cánh tay lên. “Cám ơn. Tôi còn nhiều nhà phải đi. Tôi sẽ trở lại với ông một vài ngày sau, nếu ông còn muốn nói chuyện với tôi.” Ông kẹp gọng dù vào cổ, chìa tay cho tôi bắt. Tôi nắm bàn tay to bè của ông, những ngón tay dài mập màu nâu nhưng lòng bàn tay nhạt màu cà phê sữa. Ông bước đi, lưng thẳng, giương chiếc dù lên cao, nhìn về đằng trước. Bỗng nhiên tôi thấy ông giật mình đứng sững lại. Vô tình, ông đã giẫm lên cây ớt trước nhà vừa bị trận gió thổi ngã xuống. Cả một cành ớt chín đỏ nát dưới chân ông.

“Xin lỗi! Xin lỗi!” Ông quay lại nhìn tôi trước khi tiếp tục rảo bước. (Văn tháng 1 &2/2006)

Sổ Tay là những nhận xét cô đọng về người, về văn.

Cái chết của một người bạn: “Tối thứ hai 24 tháng Năm, Phạm Phú Minh từ quận Cam gọi lên San Jose cho biết Lê Đình Điểu đã từ giã bạn bè ra đi. Giờ đó tôi vẫn còn ngồi trong tòa soạn. Đồng hồ chỉ 10 giờ hơn. [...] Điểu là người không hút xách, không rượu chè, không bài bạc, anh sống ngăn nắp và đàng hoàng. Sống ngăn nắp và đàng hoàng là một điều rất khó trong đời sống của chúng ta.” (Văn tháng 6/1999)

Chuyến đi của đức Đạt Lai Lạt Ma ở quận Cam: “Sự đơn giản chinh phục người ta dễ hơn là sự bác học. Và bất cứ ngôn ngữ nào bắt được hơi thở của đời sống đều dễ mở cánh cửa của trái tim ta hơn. Tuy nhiên, đừng hiểu sự đơn giản với điều thông tục.” (Văn tháng 7/1997)

Chữ nghĩa Nguyễn Văn Sâm: “Nguyễn Văn Sâm đã nhìn Sài Gòn từ cái phía trái của nó. Bóng tối và sự khốn khó. Sài Gòn của mồ hôi và nước mắt. [...] Nguyễn Văn Sâm là người kể chuyện hơi rề rà nhưng có duyên.” (Văn tháng 4/2000)

Một nhà thơ đã mất: “Cao Đông Khánh là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam. Chữ nghĩa trong tác phẩm ông cũ một cách rất mới, nồng nàn và sôi nổi, say sưa và mê sảng. Ông có đôi mắt của một vị thần lưu linh, và có lối đọc thơ của một người đồng thiếp.” (Văn tháng 7/1997)

Một cây bút nữ, Dương Như Nguyện: “Một lối đi gai góc mà kiêu hãnh. Cô viết như người đi trong rừng với chiếc dù dự dạ hội, cô Tây phương hóa trong một thân xác rặt Á châu.” (Văn, tháng 1/2001)

Một nhà văn tên Nguyễn Xuân Hoàng trong những ngày tuyệt vọng: “Tôi là một thứ người vô gia cư trong chữ nghĩa – khác nào một homeless trong một thành phố của một nước Mỹ giàu có [...] Đầu óc tôi trống rỗng. Trái tim tôi nguội lạnh. Tôi đi tìm hoài tìm mãi, tìm khắp nơi mà chẳng thấy hơi ấm ở đâu. Sao tôi chỉ thấy lòng tôi đầy tro than! Tôi cần một ngọn lửa.” (Văn tháng 8/2004)

Tôi cần một ngọn lửa! Câu nói đơn giản này trong Sổ Tay được Huỳnh Hữu Ủy đưa vào trang đầu của một cuốn sách vừa xuất bản của anh (trước một câu khác của Honoré de Balzac).[2]

Sổ Tay là những dòng bút ký cô đọng.

Về thăm lại quê sau hàng chục năm xa vắng, anh nhìn thấy Nha Trang là “Một thành phố gập ghềnh. [...] Thành phố có bộ mặt cau có.” (Văn tháng 11/2001). Còn Sài Gòn thì “Sài Gòn ngày xưa đã bị xóa hết. Xóa hết những con đường, hàng cây. Xóa hết hơi thở của những trận mưa đầu mùa. Xóa màu nắng. Xóa bóng mây. Xóa trí nhớ của ai.” (Văn tháng 12/2001)

Viết về Giáng Sinh và Tết là những dòng tùy bút mặn mà, đầy cảm xúc và loáng thoáng mùi vị … La Nausée:

“Sáng hôm nay, trời xanh, nắng vàng, nhưng sao mà lạnh buốt. Thành phố tôi đang sống bắt đầu vào đông. Thang lũng đầy sương mù và buốt giá, đầu tôi như đóng băng. Trí nhớ tôi lẫn lộn giữa quê nhà và xứ người, giữa một hiện tại lạnh lẽo và một quá khứ buồn bã. [...] tôi đáng chán đời, tôi thấy cuộc sống này không có gì đáng sống nữa, tôi chỉ muốn chết nhưng tôi là một tên hèn nhát, nên mỗi buổi sáng thức dậy, tôi vẫn nhìn thấy tôi trong gương, một khuôn mặt xa lạ đang nhìn ngó chính mình. Tôi đó sao? Tôi sẽ phải làm gì sáng nay? Tôi sẽ nói câu gì với người đồng nghiệp? Tôi sẽ uống ly cà phê ở quán quen, nhưng tôi sẽ ăn cái gì? Sẽ làm gì khi trở về vào mỗi buổi tối?” (Văn Xuân Giáp Thân/2004)

Trong khi đưa tin một giọng ca nổi tiếng người Pháp, Juliette Gréco, trở lại sân khấu sau một thời gian dài vắng bóng, anh nhớ về một bài hát và một giọng ca trong một thời nào đã xa, rất xa: “Tôi nhớ khoảng thời gian đó, Nửa Đêm Ngoài Phố có vẻ như là ca khúc được viết riêng cho một tiếng hát: Thanh Thúy. Đó là một tiếng hát ẻo lả, mềm nhão, ray rứt, nức nở, rụng rời. Tiếng hát như tiếng nấc nghẹn ngào mà chán chường, tuyệt vọng và đầu hàng số mệnh. Đó là một tiếng hát có thể gắn vào những tĩnh từ tiêu cực và chúng tôi đã rống lên để nửa đêm ngoài phố trở thành những lời ca ngợi cuộc sống, là những tiếng cười của tuổi trẻ.” (Văn tháng 9/1999)

Cũng thật bất ngờ, qua Sổ Tay, tôi giật mình khi đọc lại (đúng ra là đọc lần đầu, vì trước đây quên … đọc) một nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc khi trò chuyện với NXH về nguyên nhân tại sao nền văn học Việt Nam (trong nước) vẫn chậm, còn chậm và cứ chậm:

“Vì mình có một nhược điểm rất lớn, đó là lớp người cầm bút trẻ hiện nay trong nước không được chuẩn bị một nền văn hóa cơ bản. Họ thiếu một cái base, nên họ không thể có những bước đột phá, không thể đi xa được.” Ông nhắc đến trường hợp của nhà thơ Bùi Giáng, và ông cho rằng tài năng của Bùi Giáng rất khác với các tài năng phía Bắc, bởi vì ngoài tài năng trời cho ra Bùi Giáng còn có một nền tảng triết học căn bản. Ông cũng nhắc đến trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà theo ông, “mặc dù tài năng không có gì ghê gớm lắm đâu” [chữ của Nguyên Ngọc], nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn hơn một số anh em được đào tạo phía Bắc vì anh Tường có một nền tảng triết học.” Có lẽ ông muốn nói đến kiến thức cơ bản triết học của người cầm bút.

“Nền giáo dục Việt Nam phía Bắc suốt mấy mươi năm nay hoàn toàn không dạy triết học. Ngay cả môn chủ nghĩa Mác-Lê Nin, cũng không được dạy như một hệ thống triết học. Người ta chỉ dạy chính trị thôi.” Và ông tiếp, như thế thì văn học khó mà có được những đột phá mới, mặc dù cũng không thể đoán trước được những trường hợp bất ngờ. Như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và sau đó là Bảo Ninh. Tuy nhiên, vẫn theo ông, cho dù có những bất ngờ như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh đi nữa thì vẫn có một quy luật, nếu thiếu cái căn bản văn hóa làm nền tảng ấy, thiếu cái kiến thức (triết học) của một người cầm bút, tài năng chưa đủ để đưa ngòi bút kia đi xa hơn.” (Văn tháng 6&7/2003)

Nhận định của Nguyên Ngọc cực kỳ hữu lý!

Sổ Tay cũng là nơi của bạn bè văn nghệ, bạn cũ bạn mới bạn trong nước bạn ngoài nước bạn quen lâu bạn mới quen. Bạn, chao ôi là bạn. Ở đâu cũng có bạn, đi tới đâu cũng bạn. Đầy ắp bạn. Bạn, tự nó cũng là một thứ văn chương. Cái thế giới bạn bè của NXH cũng là thế giới của văn chương. Anh gặp bạn anh sống bạn anh uống bạn anh viết bạn…

Nếu tôi đoán không lầm thì hầu hết những khuôn mặt viết lách mới cũ gần xa đều được Sổ Tay nhắc đến, cách này hay cách khác. Những câu chuyện xoay quanh bạn bè đôi khi không là văn chương, chưa là văn chương. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu không có bạn bè, thì văn chương (tôi tự hỏi) sẽ nằm … ở đâu!?

*

image

Xin dẫn lại một vài trích đoạn trong Sổ Tay (Văn tháng 1/2002) có tựa đề Mưa ở Berkeley:

[...]

“Cider nóng của em đây!” Huy đặt hai ly nước xuống mặt bàn.

“Cám ơn anh.” Mía kéo người đàn ông về phía mình, hôn lên những ngón tay anh, sau đó chị ấp hai bàn tay vào ly nước như muốn lấy hơi ấm. Chị uống từng ngụm nhỏ. Mắt chị không rời Huy. Và chị nói chậm rãi: “Huy là một điều hay của tôi.” Chị lại nắm bàn tay người đàn ông, tiếp: “Và cũng là điều suy nghĩ của tôi. Nếu không gặp Huy có lẽ tôi đã bỏ xứ này để về lại dưới kia từ lâu rồi.”

“Vậy sao?” Tôi nhìn người phụ nữ, rồi nhìn người đàn ông. Tôi muốn biết cái gì đã gắn họ lại với nhau. Cả hai đều không còn trẻ. Mặc dù, rõ ràng là chị trẻ hơn anh rất nhiều. Trên khuôn mặt mỗi người tôi đọc thấy một nỗi khắc khoải. Những nếp nhăn ở đuôi mắt của chị, những vết hằn trên trán của anh. Dù vậy tôi thấy trong sự chăm sóc của cả hai toát ra một đam mê, một thứ tình yêu cuồng tín.

“Xin lỗi ông, thế ông làm gì ở đây?”

“Tôi hả? Tôi không phải dân ở đây.” Tôi không muốn nói việc làm của tôi. “Tôi ở San Jose. Tôi lên đây có chút việc.”

“Anh Huy?” Chị quay sang người đàn ông. “Chân em lạnh quá!” Chị đặt cả hai chân lên đùi anh.

Người đàn ông cúi xuống. Anh bóp chân chị, vụng về kéo từng ngón, khôn mặt ánh lên một vẻ say mê kỳ lạ. Đột nhiên tôi nhìn thấy chiếc vớ màu xanh sẫm của chị tuột ra rơi xuống, và Huy nâng bàn chân trần của chị lên, hà hơn giữa những kẻ chân, và tôi có cảm tưởng như anh cắn ngón chân út và hôn cổ chân chị.

“Huy! Trời ơi!” Chị kêu lên giọng thảng thốt.

Có gì đâu!” Tôi nói. “Cô đã thấy đỡ lạnh chưa?”

“Đỡ lắm rồi. cám ơn ông.” Và chị nói với người đàn ông. “Anh bóp mạnh chân em, mạnh nữa đi!” Chị chồm người qua mặt bàn hôn người đàn ông. Họ hôn nhau say đắm tưởng như trái đất này chỉ có hai người. Tôi nghĩ tình yêu của họ chắc phải là mãnh liệt lắm mới khiến cho họ không nhìn thấy trời đất gì chung quanh. Những người khách trong quán vẫn đọc sách, báo, vẫn viết, vẫn cười nói, chuyện trò quanh ly cà phê. Người chủ quán đang nghe điện thoại, đứng bên cạnh anh ta, sau quầy là một thanh niên chải tóc ngược kiểu mồng gà, hai cánh tay xâm hình chằng chịt, cạnh bàn chúng tôi là hai cô gái tóc vàng châu đầu vào một trang sách cười khúc khích.”

Một người khách vừa bước vào, đứng giữa cửa, đang xếp dù rủ nước bám trên vải…Ông ta lớ ngớ nhìn quanh phòng. Mưa đã giữ khách lại. Vẫn không còn một bàn nào trống.

Tôi thấy mình thừa thãi.

Bên ngoài, chiều đã xuống. Mùa này ngày ngắn đêm dài. Và trời đang mưa…

Tôi hớp thêm một ngụm cà phê, đứng dậy.

“Chào cô Mía, chào ông. Có lẽ tôi phải về.”

“Về? Ông về đâu?” Người đàn ông hỏi.

“Về Milpitas.”

“Mưa lớn lắm. Sao ông không ngồi thêm một chút. Trời này lái xe nguy hiểm!” Cô Mía nói. “Chúng tôi cũng sắp chia tay rồi.”

“Chia tay? Thế hai người không cùng về chung à?” Tôi ngạc nhiên.

“Không, tôi phải trở lại San Fran. Huy thì về Palo Alto. Tại sao ông nghĩ là chúng tôi phải về chung?” Cô Mía nói.

“Tôi tưởng vậy thôi.”

“Chắc là ông nghĩ rằng khi người ta yêu nhau là phải ở chung dưới một mái nhà? Chúng tôi mỗi người đều có một nơi để trở về.” Chị nói với một giọng đều đều và buồn. Có vẻ như chị cũng không muốn tin vào điều mình nói nữa. Tôi không nghĩ là chị đang nói với tôi.

[...]

Tôi mặc áo khoác, cầm tờ báo, quyết định.

“Xin chào!” Tôi đưa tay về phía người đàn bà. Cô Mía bắt tay tôi và nói: “So long my friend, don’t say goodbye…”

Tôi nghe tiếng chị nói như hát. “So long my friend, don’t say goodbye…” Đúng là câu tôi vừa đọc thấy lúc nãy. Tôi lớ ngớ nhìn chị, và tôi bắt gặp nụ cười của người đàn ông:

“Tôi biết tại sao ông lúng túng! Ông đọc được câu đó trong phòng vệ sinh phải không?”

“Phải. tại sao ông biết?”

“Tại vì tôi cũng đã đọc được câu đó.”

“Bộ ông và cô đây quen thuộc cái quán này lắm sao?”

“Chúng tôi vẫn thường hẹn nhau ở đây. Cái bàn này gần như dành cho chúng tôi. Nói đùa đấy, tôi làm sao đủ tiền mua cái bàn này.”

“Nhưng tôi nhớ không lầm, sau cái câu cô Mía vừa đọc còn mấy câu nữa mà. Chẳng lẽ ông cũng thuộc?”

“Không, tôi thì không. Nhưng cô Mía thuộc đấy. Mía, em đọc cho ông bạn chúng ta nghe bài này đi. Bài gì mà em bảo là của ban Ataris đó!”

“Đó là một ca khúc của bọn trẻ ở đây có tên là Hello & Goodbye. Ông có muốn nghe tôi đọc không?”

“…”

“So long my friend, don’t say goodbye.
Just give me one last kiss beneath this glowing sky
We’ll go walking through the park
And hang out in the rain…”

Người đàn ông ôm hôn cô, vội vã như sợ cô biến mất:

“Đùng anh!” Mía nói. “Đã đến giờ rồi, em phải về thôi.” Chị đứng dậy, choàng qua vai anh, kéo đầu anh xuống, hôn anh và thì thầm trong tai anh, rồi chị cầm tay người đàn ông lên hôn và ngậm trong miệng rất lâu một ngón tay của anh. Người đàn ông nói:

“Còn sớm mà! Mía có biết là anh cần em đến chừng nào không?”

Anh rút bàn tay ra, ôm siết người đàn bà.

“Còn mấy hôm nữa là tết rồi. Từ giờ tới đó, em sẽ không gặp anh được đâu!” Chị lấy hai tay đập đập lên ngực anh. Tôi thấy mắt chị có ngấn nước. Và chị quày quả bước ra cửa. Không nhìn anh. Không nhìn bất cứ ai.

NXH kể chuyện điềm nhiên, dửng dưng. Như chính bản thân cuộc sống. Chẳng có gì to tát. Chẳng có gì ghê gớm. Cứ thế, cứ thế… Nhưng không chỉ như thế. NXH viết tiếp:

“Những dòng chữ trên thật ra chỉ là cái cách kể lại một câu chuyện trong một chiều mưa ở thành phố Berkeley. Và hình ảnh buồn rầu của khuôn mặt người đàn ông khi anh ôm người phụ nửa trong tay, khi bóp bóp bàn chân cô, khi cúi hôn những ngón chân khẳng khiu xanh xao của cô giữa một quán cà phê đông người, và cảnh chia tay kỳ lạ của họ cứ bám theo tôi mãi về tận nhà.[…] Tôi vẫn nghĩ đôi khi hư cấu không bắt kịp hiện thực. Hiện thực có lúc còn vượt quá cả sức tưởng tượng của con người nữa là đàng khác …”

Với tôi, Mưa ở Berkeley không chỉ là một ghi chép mà là một truyện (thật) ngắn. Một truyện (thật) ngắn hay.

*

Các bạn ạ, nhớ Nguyễn Xuân Hoàng, cách hay nhất là tìm đọc lại Sổ Tay. Ở đó, ta luôn bắt gặp một NXH rất người, rất thân, rất bạn bè, rất văn chương. Một nhân vật luôn luôn có mặt ở đâu đó, thân tình và ấm áp, một kẻ rất như mọi người nhưng lại rất không giống bất cứ ai.

Đó là một thế giới riêng riêng chung chung lạ lạ quen quen …. Vào đó, nhấp một cốc rượu đỏ, đọc lại và biết đâu, bạn có thể tìm thấy lại chính bạn trên những dòng chữ mà NXH viết ra ở một lúc nào đó (không chừng, bạn đã quên bẵng mất rồi). Và cảm thấy cái quỹ thời gian (mà NXH đã đề cập đến đâu đó, đôi lần, trong Sổ Tay) chưa cạn, không cạn.

Vẫn còn đầy!

Trần Doãn Nho
(8/2013)


[1] Nguyễn Hưng Quốc, Vài ý nghĩ thoáng về báo văn học, trong tập “Sống với chữ”, nxb Văn Mới, California, 2004, tr. 131-141.

[2] Huỳnh Hữu Ủy, Mấy chân dung văn nghệ hiện đại, nxb Văn Mới, California, 2013.