Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Sách “Phê bình văn học thê kỷ XX” của nhà nghiên cứu Thụy Khuê ra mắt bạn đọc Việt Nam


Ngày 2/1/2018, tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Thụy Khuê (từ Paris) đã có buổi gặp gỡ bạn đọc nhân dịp phát hành cuốn sách Phê bình văn học TK XX(NXB Hội Nhà Văn – Công ty Nhã Nam), một công trình công phu do bà biên soạn trong nhiều năm và đã đăng tải nhiều kỳ trên Văn Việt trong 2 năm 2015, 2016. Văn Việt xin chúc mừng nhà nghiên cứu Thụy Khuê và xin giới thiệu bài viết sau của Nguyễn Hoàng Diệu Thúy, người trực tiếp làm công việc chuẩn bị cho việc ra đời cuốn sách.

NHÀ PHÊ BÌNH THỤY KHUÊ VÀ CUỐN SÁCH QUAN TRỌNG NHẤT TRONG ĐỜI

FB Nguyễn Hoàng Diệu Thủy



1. Khi tôi là sinh viên đại học thì internet ở Việt Nam bắt đầu phát triển, nhờ đó tôi mới biết tới nhà phê bình Thụy Khuê. Những bài đầu tiên tôi đọc của bà là Hồ sơ Nhân văn Giai phẩm - giúp tôi có một cái nhìn toàn diện hơn về phong trào này, khi mà những giờ học với thời lượng ngắn ngủi và những giới hạn nhất định của giảng đường không cho phép chúng tôi tìm hiểu rõ hơn. Tôi đọc nhiều bài viết khác. Tôi luôn hình dung bà sắc sảo, nghiêm cẩn, lạnh lùng và xa cách.

Các đây vài năm, tôi tiến lại bà gần hơn, khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhờ tôi, giống như một thư ký, trao đổi các việc liên quan đến xuất bản sách của ông ở Pháp với bà. Những trao đổi xã giao này không khiến tôi biết bà nhiều hơn. Nhưng có lẽ nó khởi sự một cái duyên cho sau này hay chăng, khi mà tháng 11 năm nay, tôi được cầm trên tay tập bản thảo của bà - PHÊ BÌNH VĂN HỌC THẾ KỶ XX. Khỏi phải nói tôi mừng như thế nào.

Tháng 12 thì tôi lần đầu tiên tôi được gặp bà. Ở tuổi gần 73, bà trẻ hơn tôi hình dung, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và vẫn duyên dáng. Bà kẻ lông mày, và tô son khi tôi đề nghị chụp ảnh. Giọng nói tình cảm, cung cách khiêm nhã thân thiện khiến tôi mới gặp đã cảm thấy yêu mến bà ngay.

Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ, bút danh Thụy Khuê chỉ là do bà thấy hay, chứ không liên quan gì đến con phố cùng tên của Hà Nội cả. Bà sinh năm 1944 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954 gia đình bà di cư vào Nam. Thụy Khuê học trung học tại trường nữ sinh Gia Long, đến năm 1962 bà sang Pháp du học và định cư ở đó. Bà bắt đầu viết phê bình từ năm 1985, phụ trách chương trình Văn học nghệ thuật của đài RFI và ra một loạt các đầu sách lý luận phê bình. Đầu năm 2017, cuốn sách 670 trang khổ lớn - “Vua Gia Long và người Pháp” của bà xuất bản. Và trong những ngày cuối cùng của năm 2017 này, cuốn sách Phê bình văn học thế kỷ XX chào đời, cũng vô cùng đồ sộ - gần 600 trang. Sức lao động của Thụy Khuê, tính nghiêm cẩn khoa học của bà là điều không ai có thể nghi ngờ.

2. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu phê bình văn học, tôi mù mờ về các thứ lý thuyết. Nhưng tôi biết ở đây có một khoảng trống mênh mông trong việc tiếp cận các trào lưu phê bình trên thế giới: những kiến thức ít ỏi được dạy trong trường đại học, những đầu sách hiếm hoi in trong nước, dịch thuật có vấn đề, trong khi đó việc tiếp cận các văn bản gốc lại là quá sức với nhiều người. Chính vì thế, theo tôi, cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX là một cuốn sách nhập môn quan trọng, có tính chất dẫn đường chỉ lối cho những ai hoặc bắt đầu bước chân vào phê bình văn học, hoặc bắt đầu sáng tác, hoặc bất cứ ai băn khoăn việc “có thể hiểu/thưởng thức văn chương theo những cách như thế nào”.

Thụy Khuê có một lợi thế rõ rệt khi sống và làm việc ngay tại Paris, cái nôi của phê bình văn chương thế giới, theo dõi được từng nhịp thở của các trào lưu phê bình, đồng thời bám sát đời sống văn học trong nước, nên bà có được cái nhìn toàn cảnh. Nhưng lợi thế ấy sẽ chẳng là gì nếu không có một sự lao động cật lực. Thụy Khuê đã không chọn dịch một cuốn sách có tựa đề tương tự được viết cho giới đại học Pháp của Jean-Yves Tadié, bởi bà thấy nó bỏ qua nhiều vấn đề cần thiết cho người đọc Việt Nam trong khi lại triển khai nhiều khía cạnh xa lạ. Quyết định viết một cuốn sách như thế cho người đọc trong nước, Thụy Khuê bắt đầu bằng một thao tác cơ bản: đọc thẳng tác phẩm của các tác giả - những người khai sinh và phát triển các trào lưu quan trọng, thay vì trích dẫn, lấy lại ý của học giả này học giả kia. Tôi khó mà hình dung nổi số lượng sách mà bà đã đọc để từ đó có thể tóm lược, so sánh, nhận xét, trích dẫn theo nhãn quan riêng.

Điểm nổi bật của cuốn sách này, so với một vài cuốn trong nước tôi đã từng biết, là tính hệ thống và toàn diện của nó. Thụy Khuê đã cho thấy được con đường phát triển sống động của các trào lưu phê bình văn học trong thế kỷ XX. Xuất phát từ nguồn gốc với người thầy cổ đại Aristote, tác giả đi qua phê bình lịch sử và thực chứng, qua phê bình phân tâm học của Freud, tới cha đẻ của nền phê bình hiện đại - de Saussure, trường phái Hình thức và Cấu trúc của Nga với Bakhtin, xã hội học văn chương với Leo Spitzer, phương pháp so sánh của Auerbach, phê bình Ý thức với Raymond và Poulet, phê bình phân tâm hiện sinh của Sartre, phân tâm vật chất của Bachelard, trường phái bác ngữ học Đức, lý thuyết Ký hiệu học của Eco và Barthes, và dừng lại ở câu chuyện Hậu hiện đại thực chất là gì.Tôi nói “sống động” bởi vì bà đã chỉ ở từng trào lưu cái gì là phát hiện mới, cái gì chỉ là bình mới rượu cũ, cái gì hạn chế, cái gì kế thừa được từ các trào lưu trước, cái gì là dự báo, khiến tôi cảm nhận được một dòng chảy phê bình văn học luôn luôn vận động, nó hòa nhập, phân tách, khai mở, đôi khi lạc lối, nhưng không ngừng tiến về phía trước.

Thụy Khuê đã trình bày những so sánh đắt giá đối với văn học trong nước. Ví như bà nhận xét Vũ Ngọc Phan - ngự sử văn đàn một thời - là làm theo lối phê bình tiểu sử và thực chứng của Pháp, coi con người ngoài đời của tác giả cũng chính là con người trong văn chương, và tác phẩm chính là bằng chứng minh họa cho con người đời thực đó. Còn Hoài Thanh lại thi triển lối phê bình Ấn tượng, tức là ghi lại những ấn tượng tác phẩm gây ra cho nhà phê bình, bằng một giọng du dương lãng mạn. Nhưng cả hai lối này đều có nhiều hạn chế, ví như Vũ Ngọc Phan đồng nhất Vũ Trọng Phụng với nhân vật và kết luận ông dâm dục (!), còn Hoài Thanh đối với những tác phẩm ông có rung động thực sự thì có những lời bình hay, ngược lại hay bị sa vào tán nhảm. Cả hai lối phê bình này đều không căn cứ vào yếu tố cơ bản nhất: con chữ.

Thụy Khuê chỉ ra hai ngộ nhận lớn nhất của phê bình văn học chính là về Phân tâm học và Hậu hiện đại. Những gì tôi đọc được trong nước đều cho tôi biết rằng đây là hai lý thuyết có sức ảnh hưởng sâu rộng, bao trùm, lan tỏa, có tính nền tảng. Nhưng thực chất sự liên quan của Freud đến văn chương rất ít, và phê bình phân tâm của ông hoàn toàn không phải là phương pháp chủ yếu của phê bình văn học thế kỷ XX. Trong khi đó hậu hiện đại lại là minh chứng sinh động cho câu chuyện một lý thuyết có thể bị tam sao thất bản như thế nào. Lý thuyết hậu hiện đại do Jean-François Lyotard khởi xướng ở Pháp, được các học giả Mỹ mang về bên kia đại dương và diễn dịch một cách hoàn toàn sai khác, các học giả Nga lại lấy của Mỹ về và Việt Nam thì lấy cả của Mỹ và Nga, kết quả cho ra một hình ảnh theo Thụy Khuê là “sai lầm trầm trọng”. Bản thân lý thuyết của Lyotard cũng đã được Thụy Khuê chỉ ra có tới 9 điểm là cũ kỹ, lạc hậu và đầy ngộ nhận – thật khó bắt bẻ được bà. Trong khi ở trong nước có thể vẫn coi hậu hiện đại là một cái gì tân kỳ, tiến bộ nhất thì Thụy Khuê đã thẳng thắn cho là nó đã lỗi thời, đã bị vượt qua, hoàn toàn không phải là một chủ thuyết phê bình quan trọng của thế kỷ XX và xếp chương Hậu hiện đại sang phần phụ lục trong cuốn sách.

Hai chương sách này mang lại cho tôi cảm giác vừa tức cười vừa buồn rầu. Nhưng điều an ủi là hóa ra học giả Âu Mỹ Nga cũng chẳng kém phần lơ tơ mơ!

3. Một điểm nữa khiến tôi tâm đắc với cuốn sách này, ấy là Thụy Khuê có một lối viết hấp dẫn. Thay vì cố làm cho mọi thứ trở nên bí hiểm, thậm chí bí hiểm hơn cả nguyên gốc, dùng những thuật ngữ cao siêu, những từ tân tạo, Thụy Khuê chọn lối diễn đạt trong sáng, giản dị. Tôi không ngờ những lý thuyết khó nhằn lại có thể trở nên sáng tỏ, mạch lạc như thế dưới ngòi bút của bà, và vì thế đọc cuốn sách không hề là một gánh nặng.

Chưa kể đây đó giữa những chương đoạn, tôi bắt gặp vẻ duyên dáng, cái cười ý nhị của bà sau câu chữ. Bà cứ viết nhẩn nha thế này:

(Sainte-Beuve) "Xuất thân trong một gia đình trưởng giả, 15 tuổi lên Paris học. Khoảng 1823, theo học y khoa, đồng thời bắt đầu viết các bài phê bình trên báo Globe, cơ quan tranh đấu cho trường phái Cổ điển. Nhờ bài phê bình tập thơ Odes et Ballades của Victor Hugo mà Sainte-Beuve quen với nhà thơ nổi tiếng này; kết thân với gia đình Hugo và khoảng 1831, ông trở thành người tình của bà Hugo."

Hoặc: "Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi cho rằng cách đơn giản nhất là trình bày một chân dung hậu hiện đại từ nguồn xuất phát, tức là từ chính thuyết hậu hiện đại của Jean-François Lyotard và so sánh thuyết này với "chủ nghĩa hậu hiện đại" được loan truyền trên khắp thế giới; ta sẽ thấy rằng: "chủ nghĩa" này đã hoàn toàn thoát khỏi lý thuyết của Lyotard trong cuốn Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne). Đây là một nghiệm chứng xác thực về hiện tượng "tác giả đã chết" sau khi tác phẩm ra đời, mà chúng ta đã biết qua lý thuyết văn chương của Maurice Blanchot, trong chương 15."

Tôi đã phì cười khi đọc đến “một chứng nghiệm xác thực về hiện tượng ‘tác giả đã chết’…” Nhiều khi tôi có cảm giác mình đang thưởng thức cuốn sách như một tác phẩm văn chương. Không ngờ một công trình lý luận phê bình văn học lại mang đến cho tôi nhiều cảm hứng đến thế.

Khi tôi băn khoăn, liệu những lý thuyết được giới thiệu trong cuốn sách có còn đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ XXI, bà Thụy Khuê khẳng định đó vẫn sẽ là những lý thuyết nền tảng lâu cho nền phê bình thế kỷ mới. Cuốn sách dừng ở Ký hiệu học, và cho đến nay như bà theo dõi vẫn chưa có lý thuyết nào thay thế được. Có những lý thuyết xuất hiện là sự nói thêm ra, phát triển thêm những thứ đã có, chứ chưa tạo dựng được cái gì hoàn toàn mới mẻ.

Đọc cuốn sách, tôi hình dung thấy con đường khổ nhọc của chân lý, của tri thức nhân loại: người ta đãi bao nhiêu đất cát để tìm ra một vảy vàng để lại cho đời sau, và có những người hăm hở sàng đãi cả đời mà hóa hư không cả. Nhưng ở những vảy vàng và ở cả những gì đã thành tro bụi, tôi đều nhìn thấy vẻ đẹp của con người, đấy là niềm đam mê, sự kiếm tìm không mệt mỏi, lòng khao khát tiến về phía trước.

Chúc mừng bà Thụy Khuê đã xuất bản được cuốn sách mà bà cho là quan trọng nhất trong cuộc đời của bà. Chúc mừng chính tôi vì đã được làm việc với bản thảo này và được gặp bà. Chúc mừng những người làm văn chương và đọc văn chương trong nước có một công trình có giá trị để tham khảo, để hiểu và yêu văn chương hơn nữa.


https://www.facebook.com/nguyen.h.thuy.77/posts/10155349682712903