Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Vòng tròn ma thuật (kỳ 11)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

4.

Trong đầu Rubashov, những buổi hỏi cung sau đó chỉ còn như một chuỗi các sự kiện rất tù mù. Các cuộc thẩm vấn kéo dài liên tục mấy ngày đêm liền, thỉnh thoảng mới được giải lao chừng một hai tiếng, nhưng anh chỉ nhớ được những đoạn đối thoại rời rạc. Anh cũng không thể nói chính xác chuyện đó diễn ra trong bao nhiêu lâu, có lẽ phải hơn một tuần. Rubashov đã từng nghe nói đến biện pháp gọi là làm suy kiệt hoàn toàn về mặt thể xác, trong đó hai hay ba điều tra viên thay nhau liên tục thẩm vấn kẻ bị tình nghi. Nhưng Gletkin làm khác, hắn không hề nghỉ, vừa hành hạ Rubashov hắn vừa tự ép xác mình. Đấy là cách hắn tước đoạt cái chính nghĩa của kẻ bị đàn áp và sự cao thượng của nạn nhân.

Chỉ sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ là Rubashov đã không còn phân biệt được ngày đêm nữa. Vừa ngủ được một tiếng thì đã bị gã bảo vệ cao to đánh thức, nhưng lúc đó anh không còn biết ánh sáng bên ngoài cửa sổ là ánh bình minh hay hoàng hôn nữa. Hành lang, cửa buồng giam và cầu thang xoắn, lúc nào cũng chỉ có mấy ngọn đèn điện xám ngắt ấy. Nếu trong quá trình thẩm vấn mà thấy ngoài cửa sổ đang sáng dần lên và Gletkin tắt đèn thì có nghĩa là trời đã sáng. Nếu ngoài cửa sổ cứ tối dần đi và Gletkin bật đèn thì có nghĩa là trời đã tối.

Nếu Rubashov kêu đói thì Gletkin bảo mang bánh mì kẹp và trà vào. Nhưng anh thường không nuốt được; nói cho ngay, anh rất đói nhưng cứ nhìn thấy bánh mì là lại buồn nôn. Không thấy Gletkin ăn bao giờ nên Rubashov, không hiểu vì sao, cũng cảm thấy nhục nếu nói mình đói. Nói chung, Rubashov cảm thấy nhục khi để cho Gletkin thấy mình có những biểu hiện sinh lý vì hắn ta không bao giờ tỏ ra mệt mỏi, không bao giờ ngáp, không bao giờ hút, không tỏ vẻ đói khát gì cả, lúc nào hắn cũng ngồi thẳng ngay bên cạnh cái bàn viết, quân phục luôn chỉnh tề, thắt lưng thỉnh thoảng lại kêu lạch cạch. Nhục nhã nhất là phải xin Gletkin cho đi vệ sinh. Gletkin cho gọi bảo vệ, thường là anh chàng cao to, dẫn đi. Một lần Rubashov ngủ gục ngay trong buồng vệ sinh. Từ đó bảo vệ không cho đóng cửa buồng vệ sinh nữa.

Tâm trạng của anh thay đổi luôn luôn, có cả chán nản lẫn phấn khích một cách bất bình thường. Anh chỉ thực sự bị ngất có một lần, mặc dù luôn ở tình trạng sắp sửa lăn quay ra đến nơi, nhưng lòng kiêu hãnh đã giúp anh vượt qua tất cả. Những lúc như thế anh thường hút một điếu thuốc, mắt nhìn vào ngọn đèn pha và buổi thẩm vấn lại có thể tiếp tục.

Đôi khi anh cũng lấy làm ngạc nhiên về khả năng chịu đựng của chính mình. Nhưng anh biết rằng người ta thường không nhận thức được khả năng chịu đựng của con người, những người bình thường không thể ngờ được rằng họ lại có khả năng chịu đựng đến như thế. Anh đã từng nghe nói có tù nhân không được ngủ từ mười lăm đến hai mươi ngày, thế mà có người vượt qua được.

Khi ký biên bản buổi thẩm vấn đầu tiên, anh nghĩ rằng thế là xong. Nhưng đến buổi thứ hai thì anh biết rằng đấy mới chỉ là sự khởi đầu. Bản luận tội có tất cả bảy khoản mà anh mới chỉ thú nhận có một. Anh những tưởng đã nếm hết mùi nhục nhã. Nhưng hoá ra nhục vinh đều có nhiều thang bậc, thắng bại cùng làm người ta choáng váng như nhau, tất cả đều là vô đáy. Gletkin đang buộc anh bước từng bước một xuống mãi cái vực sâu thăm thẳm đó.

Giải thoát không phải là việc khó. Anh chỉ việc ký tất hoặc phủ nhận tất là sẽ được yên. Nhưng cái cảm giác phức tạp, khó hiểu về trách nhiệm không cho phép anh đi vào con đường đầy cám dỗ như thế. Rubashov sống một cuộc đời đầy lý tưởng cho nên đối với anh “cám dỗ” chỉ là một khái niệm mang tính lý thuyết. Còn bây giờ cám dỗ ở cạnh anh suốt ngày và đêm, nó đi cùng anh qua dãy hành lang, nó nằm trong luồng ánh sáng chói chang của Gletkin: sự cám dỗ chính là hàng chữ viết trên cổng nghĩa trang của những kẻ chiến bại: Ngủ.

Thật khó chống cự vì nó là sự cám dỗ nhẹ nhàng và thầm kín, chứ không ồn ào, ầm ỹ và cũng không phải là sự cám dỗ xác thịt. Nó cũng không dùng lý lẽ. Tất cả các lý lẽ đều thuộc về Gletkin, tất cả chỉ để nhắc lại những từ được viết trên mảnh giấy mà người thợ cắt tóc đã đưa cho anh: “Ngậm miệng mà chết đi”.

Đôi khi, vì quá chán nản, Rubashov đã mấp máy môi, nhưng Gletkin không nghe thấy gì. Sau đó Gletkin sẽ hắng giọng và sửa lại áo sơ mi, còn Rubashov thì lấy kính ra lau vào ống tay áo và uể oảI gật đầu vì đã nhận ra kẻ quyến rũ chính là Người Đối Thoại Không Lời mà anh đã quên và mà hắn cũng chẳng có việc gì để làm ở đây...

“Nghĩa là anh phủ nhận việc đã thay mặt phe đối lập đàm phán với đại diện của nước ngoài trong việc trợ giúp lật đổ chế độ hiện hành? Anh không nhận là đã sẵn sàng nhượng bộ về mặt lãnh thổ, tức là cắt một số tỉnh của đất nước để trả giá cho sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp của lực lượng can thiệp?”

Rubashov nhất quyết phủ nhận, nhưng khi Gletkin nhắc lại ngày tháng và hoàn cảnh của buổi gặp gỡ với nhà ngoại giao nước ngoài thì anh bỗng nhớ lại một tình tiết của buổi nói chuyện. Vừa buồn ngủ, vừa bối rối, anh nhìn Gletkin và nhận thấy rằng không thể nào giải thích cho hắn hiểu được. Chuyện đó diễn ra sau buổi chiêu đãi tại Công sứ quán ở B. Rubashov ngồi cạnh nam tước Z. lúc ấy đang là bí thư thứ hai sứ quán của chính cái nước mà cách đây mấy tháng anh đã bị đánh gãy răng, họ nói về một giống chuột lang quí hiếm và phát hiện ra là cả bố nam tước Z. cũng như bố của Rubashov đều có nuôi loại chuột này và hẳn là trước đây họ đã từng trao đổi các con giống với nhau.

“Thế mấy con chuột lang của ông thân sinh ra ngài hiện nay ra sao?”, nam tước Z. hỏi

“Khi Cách mạng nổi lên thì chúng bị làm thịt hết”, Rubashov đáp.

“Còn của chúng tôi thị bị đóng hộp hết”, ông nam tước buồn bã nói. Ông ta không có ý che giấu sự khinh bỉ đối với chế độ mới ở nước mình, có lẽ chỉ vì vô tình mà nó chưa cho ông nghỉ việc mà thôi.

“Ông và tôi đang ở trong cùng một hoàn cảnh”, ông nam tước nói và uống cạn ly rượu.

“Chúng ta là những kẻ sinh bất phùng thời. Chớ có nghĩ đến việc nuôi chuột lang nữa, đây là thời của lũ hạ lưu.”

“Xin ông đừng quên rằng tôi đứng về phía những kẻ hạ lưu”, Rubashov vừa nói vừa mỉm cười.

“Tôi không có ý nói như thế”, ông nam tước đáp. “Nếu nói về quan điểm thì tôi tán thành cương lĩnh của anh lùn có ria mép của chúng tôi, nếu hắn không có thái độ nhắng nhít như thế. Xét cho cùng, người ta chỉ có thể bị đóng đinh câu rút vì niềm tin của chính mình mà thôi.” Họ còn ngồi uống cà phê thêm một lúc nữa và khi đã uống đến cốc thứ hai ông nam tước lại nói: “Nếu các ông còn làm một cuộc cách mạng nữa và lần này là để loại bỏ Anh Cả thì xin ông hãy lưu ý đến những con chuột lang nhé.”

“Chuyện đó khó xảy ra lắm”, Rubashov đáp và sau một hồi suy nghĩ, anh nói thêm, “... nhưng có vẻ như bên các ông nhiều người nghĩ như thế?”

“Đa số tin là như thế”, ông nam tước đáp. “Những vụ án diễn ra trong thời gian vừa qua cho thấy bên nước ông đang có nhiều chuyện rất lạ.”

“Chắc là các ông có thảo luận các biện pháp cần thiết nếu cái sự kiện khó tin đó xảy ra chứ?”, Rubashov hỏi.

Ông nam tước trả lời ngay lập tức và chính xác như thể ông ta đã chờ đợi câu hỏi từ lâu:

“Chúng tôi đang chờ đấy. Dĩ nhiên là phải có giá nhất định.”

Lúc đó họ đang đứng cạnh một cái bàn, tay cầm ly cà phê uống dở.

“Nghĩa là giá cả cũng đã được quyết định rồi?”, Rubashov hỏi, thâm tâm cảm thấy giọng nói của mình như có vẻ đóng kịch.

“Dĩ nhiên rồi”, ông nam tuớc đáp và nói tên một tỉnh có trồng nhiều lúa mì mà dân cư chủ yếu là các sắc dân thiểu số. Rồi họ chia tay nhau...

Rubashov đã quên chuyện này từ lâu, hay ít nhất anh cũng chưa bao giờ nhớ đến nó một cách có ý thức. Đấy chỉ là câu chuyện làm quà lúc trà dư tửu hậu, làm sao giải thích được cho Gletkin rằng đấy chỉ là câu chuyện tầm phào? Rubashov hướng đôi mắt ngái ngủ nhìn Gletkin lúc ấy vẫn ngồi như phỗng trước mặt. Không, không thể nói với hắn về chuột lang được. Hắn chưa bao giờ uống cà phê với các ông nam tước. Đọc hắn còn ngắc ngứ, nói thì ngọng. Hắn xuất thân từ tầng lớp vô sản và chỉ thoát nạn mù chữ khi đã lớn. Hắn không thể nào hiểu được rằng câu chuyện bắt đầu bằng những con chuột lang có thể kết thúc, có trời mới biết, ở đâu.

“Tóm lại, anh công nhận rằng hai người có nói chuyện với nhau?”, Gletkin hỏi “Một câu chuyện hoàn toàn vô hại”, Rubashov mệt mỏi đáp, anh biết rằng Gletkin đang dồn mình vào chân tường.

“Cũng vô hại như những bài giảng hoàn toàn mang tính lý thuyết về việc lật đổ các lãnh tụ Đảng bằng bạo lực cho anh chàng Kieffer chứ gì?”

Rubashov lau kính vào ống tay áo. Câu chuyện này có thật là vô hại như anh vẫn nghĩ hay không? Dĩ nhiên là anh không “đàm phán”, cũng chưa đi đến thoả thuận nào, cũng chẳng có ai giao cho ông nam tước Z. làm chuyện đó. Nhiều lắm thì cũng chỉ có thể gọi, như trong giới ngoại giao thường nói, là “thăm dò” mà thôi. Nhưng sự “thăm dò” như thế cũng là một phần trong cách suy nghĩ của anh thời đó, ngoài ra nó còn phù hợp với truyền thống của Đảng nữa. Chính Ông Cụ, ngay trước cách mạng, đã chả nhờ vào sự giúp đỡ của Bộ tổng tham mưu của nước đó để trở về nước và lãnh đạo Cách mạng thành công là gì? Chính Ông, trong khi ký hiệp ước đình chiến đầu tiên, đã chẳng hi sinh một phần lãnh thổ để đổi lấy hoà bình là gì? “Ông Cụ đã đổi đất lấy thời gian”, một người bạn của Rubashov lúc đó đã nhận xét như thế. Câu chuyện “vô hại” đã quên từ lâu kia hoá ra lại ăn khớp với toàn bộ tiến trình đến nỗi bây giờ chính Rubashov cũng nhìn nó với con mắt của Gletkin. Có thể chính vì không quan tâm đến loài chuột lang mà anh chàng Gletkin đọc chưa thông, viết chưa thạo, suy nghĩ thì chậm chạp lại có thể tìm ra được những kết luận đơn giản và dễ hiểu... Nhưng làm sao hắn biết hai người đã từng nói chuyện với nhau? Hai người đã bị nghe trộm, khả năng này thật khó xảy ra; hoặc ông nam tước xuất thân từ một gia đình quí tộc chính là một kẻ khiêu khích – chỉ có Trời mới biết tại sao ông ta lại làm như thế mà thôi. Trước đây những chuyện như thế cũng đã từng xảy ra. Đấy là một cái bẫy, một cái bẫy đơn giản, phù hợp với trình độ của Anh Cả và Rubashov đã lao vào chẳng khác gì một chú chuột nhắt...

“Anh biết rõ cuộc nói chuyện của tôi với nam tước Z”, Rubashov nói, “cho nên chắc chắn là anh hiểu rằng cuộc nói chuyện đó không tạo ra bất kì hậu quả nào.”

“Dĩ nhiên là không”, Gletkin đáp. “Vì chúng tôi đã bắt giam anh đúng lúc và đã kịp thời đập tan lực lượng đối lập trong toàn quốc. Nếu chúng tôi không ra tay kịp thời thì vụ mưu phản đã gây ra hậu quả rồi.”

Trả lời sao đây? Chả lẽ lại nói rằng dù thế nào thì việc đó cũng không thể gây ra hậu quả được vì anh, Rubashov, đã quá già, quá mệt mỏi rồi, không thể nào hành động một cách nhất quán theo đúng truyền thống của Đảng được, giá Gletkin ở vị trí của anh thì vấn đề có thể sẽ khác? Chả lẽ lại nói rằng toàn bộ hoạt động của cái gọi là lực lượng đối lập thực chất chỉ là những câu chuyện tầm phào vì thế hệ cận vệ già, giống như anh, đã là những người hết hơi từ lâu? Hết hơi vì những năm tháng đấu tranh bất hợp pháp; vì những buồng giam ẩm ướt, những sự căng thẳng trước những nỗi sợ hãi mà không bao giờ họ kể cho người khác nghe, mỗi người phải tự hành động một mình suốt bao nhiêu năm, suốt hàng chục năm trời ư? Hết hơi vì những năm tháng lưu vong, những cuộc đấu tranh không khoan nhượng trong Đảng, vì sự vô nguyên tắc, vì những thất bại thường xuyên và và sự tha hoá sau khi giành được thắng lợi cuối cùng? Có cần nói rằng chưa bao giờ có cái gọi là phe đối lập có tổ chức chống lại Anh Cả; tất cả chỉ là những câu chuyện tầm phào, chỉ là trò đùa với lửa vì thế hệ cận vệ già đã cống hiến hết mình, đã vắt kiệt tất cả tinh thần và sức lực; họ, giống như những người đã chết trong nghĩa trang Errancis, chỉ còn một hi vọng: ngủ yên và chờ đợi sự phán xét công bằng của hậu thế.

Trả lời cái thằng ngốc này thế nào đây? Chả lẽ lại nói rằng hắn nói rất đúng, nhưng hắn đã lầm ở điểm căn bản: trước mặt hắn không phải là Rubashov mà chỉ là cái bóng của anh ta thôi? Chả lẽ lại nói rằng vấn đề ở đây không phải là trừng phạt những việc anh đã làm mà là trừng phạt những việc anh không chịu làm? “Người ta chỉ có thể bị đóng đinh câu rút vì niềm tin của chính mình mà thôi”, ông nam tước Z. đã nói như thế.

Trước khi ký biên bản và được dẫn về buồng giam để ngã lăn ra giường như một kẻ chết rồi – tức là trong lúc chờ lần lấy cung tiếp theo – Rubashov đã hỏi Gletkin một câu. Việc này chẳng liên quan gì đến câu chuyện, nhưng Rubashov biết rằng trước khi ký biên bản mới bao giờ Gletkin cũng tỏ ra thoải mái hơn, đấy là cách hắn ta trả thưởng. Câu hỏi có liên qua đến Ivanov.

“Công dân Ivanov đã bị bắt”, Gletkin nói.

“Có thể cho biết lý do được không?”, Rubashov hỏi tiếp.

“Ivanov đã có tỏ ra vô trách nhiệm trong việc điều tra trường hợp của anh, ngoài ra, trong khi nói chuyện riêng tư anh ta còn cho rằng chưa đủ chứng cứ kết tội.”

“Nhưng nếu anh ta thật sự tin như thế thì sao?”, Rubashov hỏi. “Có thể anh ta tin rằng tôi không có tội thì sao?”

“Trong trường hợp đó”, Gletkin đáp, “anh ta phải tạm ngưng vụ điều tra và báo cáo với cấp trên rằng anh là người vô tội.”

Gletkin có đùa không? Trông hắn vẫn đúng mực và lạnh lùng như cũ.

Lần sau, vừa cầm cái bút vẫn còn hơi ấm của Gletkin, trước

khi ký biên bản, nhân lúc cô thư ký vừa đi ra khỏi phòng, Rubashov liền nói:

“Tôi có thể hỏi anh câu nữa được không?”, vừa nói anh vừa nhìn vào vết sẹo to tướng trên đầu Gletkin.

“Người ta nói rằng anh ủng hộ các biện pháp cứng rắn. Tại sao anh không sử dụng áp lực trực tiếp đối với tôi?”

“Anh định nói là tra tấn?”, Gletkin lạnh lùng đáp. “Chính anh cũng biết là luật hình sự cấm tra tấn cơ mà.”

Hắn dừng lại ở đấy. Rubashov cũng vừa ký xong.

“Ngoài ra”, Gletkin nói tiếp, “có những tên tội phạm thú nhận hết khi bị tra tấn nhưng ra toà thì lại phản cung. Anh thuộc loại gan lì như thế. Lời khai tại toà của anh chỉ có ích trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.”

Đây là lần đầu tiên Gletkin nói đến phiên toà. Nhưng trên đường trở về buồng giam, đi sau người bảo vệ cao to, Rubashov không hề nghĩ đến phiên toà công khai sắp diễn ra mà chỉ thầm nhắc đi nhắc lại câu “Anh thuộc loại gan lì như thế”. Dù không muốn, nhưng câu nói đó cũng làm anh hài lòng.

“Mình thành lẩm cẩm và trẻ con quá”, anh vừa nghĩ như thế vừa ngả mình xuống chiếc giường sắt trong buồng giam. Cảm giác khoan khoái còn đọng lại cho đến khi anh ngủ thiếp đi.

Mỗi lần, sau những cuộc tranh luận căng thẳng, rồi ký biên bản và lăn ra giường, kiệt sức nhưng cũng mừng là sẽ được ngủ một đến hai tiếng, bao giờ Rubashov cũng chỉ mong có một điều là Gletkin sẽ cho ngủ một giấc thật đẫy. Anh biết rằng ước muốn này sẽ chỉ trở thành hiện thực sau khi cuộc chiến kết thúc, sau khi mọi sự đã được giải quyết một cách dứt điểm; anh cũng biết rõ rằng trận nào mình cũng sẽ thua và chẳng có một chút ảo tưởng nào về kết quả chung cuộc. Thế thì tại sao lại tự hành hạ mình và tại sao lại để cho người ta hành hạ, tại sao không đầu hàng ngay vì đằng nào cũng thua và đi ngủ cho rồi? Từ lâu khái niệm chết đã mất hết ý nghĩa siêu hình vốn có của nó, chết chỉ còn có nghĩa là ngủ, một giấc ngủ bình yên, ấm áp. Nhưng cái cảm giác trách nhiệm vừa đặc biệt vừa lạ lùng đã buộc anh phải tỉnh thức và tiếp tục cuộc chiến đấu dù biết rằng sẽ thất bại, dù biết rằng đấy là một cuộc chiến đấu vô nghĩa. Anh sẽ tiếp tục chiến đấu, còn Gletkin sẽ tiếp tục buộc anh lùi dần, lùi dần cho đến khi hắn có thể buộc anh chấp nhận những cáo buộc ngu xuẩn nhất. Anh đã chọn con đường ấy, và anh phải đi đến cùng. Chỉ khi đó anh mới có thể bước vào bóng tối với đôi mắt mở rộng, lúc đó anh sẽ được quyền ngủ và không còn bao giờ bị đánh thức nữa.

Chính Gletkin cũng có thay đổi trong quá trình hỏi cung không ngừng nghỉ như thế. Sự thay đổi dĩ nhiên là không nhiều nhưng đôi mắt ửng đỏ của Rubashov đã không bỏ qua. Gletkin vẫn ngồi nghiêm chỉnh đằng sau cái bàn viết với bộ mặt lạnh như tiền, áo bỏ trong quần, nhưng dần dần giọng nói của hắn đã bớt vẻ hung hăng, đồng thời ngọn đèn pha cũng được hắn vặn nhỏ dần và cuối cùng gần như trở thành ngọn đèn thường. Hắn không bao giờ cười, đôi khi Rubashov tự hỏi không hiểu cái bọn Neanderthal này có biết cười hay không, anh cũng không bao giờ nhận thấy bất kì tình cảm nào trong giọng nói của hắn. Nhưng một hôm, sau nhiều giờ tranh luận, Rubashov không còn thuốc hút thì Gletkin, chính hắn không hút, đã móc túi lấy hộp thuốc ra và đẩy qua mặt bàn cho Rubashov.

Rubashov bác bỏ được một mục, đấy là mục nói về vụ phá hoại ở tổ hợp công nghiệp nhôm. So với những tội đã thú nhận thì tội này không có ý nghĩa gì, nhưng Rubashov đã chiến đấu một cách quyết liệt chẳng khác gì những điểm quyết định. Họ ngồi đối diện với nhau gần như suốt đêm. Rubashov, giọng đã khản đi vì mệt mỏi, lần lượt bác bỏ từng chứng cớ, từng con số bằng cách dẫn ra ngày tháng và số liệu bất ngờ hiện ra trong trí nhớ, còn Gletkin thì không thể tìm được một kẽ hở nào trong lập luận của anh. Vì ngay trong lần hỏi cung thứ hai hay thứ ba họ đã đi đến thoả thuận rằng nếu Gletkin chứng minh được nguồn gốc của một tội nào đó, dù nguồn gốc đó chỉ có tính chất lý thuyết thì hắn có toàn quyền bịa ra các chi tiết hay có quyền “viết thêm dấu chấm lên đầu chữ I”, như Rubashov nói. Thế là vô tình họ đã chấp nhận luật chơi đó và không còn phân biệt được sự khác nhau giữa những việc Rubashov thực sự đã làm với hành động mà anh có thể làm, dần dà họ không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là bịa nữa, không còn phân biệt được đâu là lý luận, đâu là thực tế nữa. Thỉnh thoảng Rubashov, đấy là lúc đầu óc tỉnh táo, có nhận ra cái luật chơi trái khoáy này; những lúc như thế anh biết rằng mình vừa bị bỏ bùa mê, thuốc lú; nhưng Gletkin thì có vẻ như không bao giờ tỉnh cả.

Hôm ấy, gần sáng rồi mà Rubashov vẫn không chịu công nhận đã tiến hành phá hoại tại tổ hợp công nghiệp nhôm, thì giọng Gletkin có vẻ hơi mất bình tĩnh giống hệt như như cái lần anh chàng Môi Thỏ trả lời sai vậy. Hắn đột ngột vặn to ngọn đèn lên, đã mấy hôm nay hắn không làm như thế rồi, nhưng vừa nhìn thấy Rubashov mỉm cười là hắn vội vặn nhỏ lại ngay. Hắn hỏi thêm vài câu nữa và sau khi thấy không có kết quả đã buộc phải kết luận như sau: “Nghĩa là anh kiên quyết phủ nhận đã có hành động phá hoại trong lĩnh vực mà mình phụ trách cũng như phủ nhận một kế hoạch như thế, đúng không?”

Rubashov gật đầu, cố gắng xua đi cơn buồn ngủ để xem Gletkin sẽ làm gì. Hắn quay sang người thư ký và nói:

“Viết đi: điều tra viên đề nghị loại bỏ mục này vì không đủ chứng cứ.”

Rubashov vội vàng lấy thuốc ra hút để che giấu sự vui mừng thái quá và không đúng lúc. Đây là lần đầu tiên anh thắng được Gletkin. Dĩ nhiên đây chỉ là một chiến thắng cục bộ, không đáng kể, trong một trận đánh chắc chắn là thua, nhưng dù sao đấy vẫn là chiến thắng, đã mấy tháng nay, mà cũng có thể đã mấy năm nay anh chưa từng có cảm giác như thế... Gletkin cầm tờ biên bản và như thường lệ, hắn cho cô thư ký đi về.

Khi chỉ còn hai người trong phòng, lúc đó Rubashov đã đứng lên, Gletkin vừa đưa bút máy cho anh ký biên bản vừa nói:

“Theo kinh nghiệm thì phe đối lập thường sử dụng biện pháp phá hoại như là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm gây khó khăn cho chính phủ và tạo ra sự bất bình trong dân chúng. Tại sao anh lại ngoan cố chứng minh rằng không sử dụng hay không có ý định sử dụng biện pháp đó?”

“Vì chỉ có ngu mới đi đổ vấy như thế”, Rubashov đáp. “Tôi không chấp nhận việc suốt ngày lải nhải về chuyện phá hoại, coi bọn phá hoại như là lũ yêu tinh, mọi người chỉ còn chăm chăm vào việc tố cáo lẫn nhau.”

Cảm giác hân hoan, tưởng đã đánh mất từ lâu, làm Rubashov sôi nổi và nói to hẳn lên.

“Nếu anh bảo việc phá hoại chỉ là bịa đặt thì theo anh vì sao nền công nghiệp của chúng ta lại lộn xộn như thế?”

“Định mức quá cao, tiền lương quá thấp, các biện pháp trừng phạt thì dã man”, Rubashov nói. “Tôi biết có những trường hợp công nhân bị vu cho là phá hoại và bị bắn chỉ vì những lỗi lầm không đáng kể mà nguyên nhân chỉ là do mệt và đói. Chỉ cần đi muộn hai phút là bị đuổi việc rồi, sổ lao động với kỷ luật như thế thì tìm làm sao tìm được việc mới.”

Gletkin nhìn Rubashov với ánh mắt lạnh lùng như cũ và hỏi với giọng cũng lạnh lùng không kém:

“Lúc bé anh có đồng hồ không?”

Rubashov trố mắt nhìn. Đặc điểm dễ thấy nhất của lũ Neanderthal thời hiện đại này là chúng không biết đùa, hay nói đúng hơn, lúc nào mặt chúng cũng hầm hầm.

“Anh không muốn trả lời à?”

“Tất nhiên là có”, Rubashov đáp, thâm tâm lấy làm ngạc nhiên hơn.

“Lúc lên mấy?”

“Tôi không nhớ rõ”, Rubashov nói, “khoảng tám chín tuổi gì đó.”

“Còn tôi”, Gletkin nói với giọng lạnh lùng như cũ, “phải đến năm mười sáu tuổi tôi mới biết rằng một giờ có sáu mươi phút. Khi có việc ra thành phố dân làng tôi thường đi khỏi nhà từ sáng sớm rồi nằm đợi tàu trong nhà ga. Tàu thường đến vào lúc giữa trưa, đôi khi phải chiều mới tới, thỉnh thoảng có khi đến sáng hôm sau mới có tàu. Những người nông dân như thế đang làm việc trong các nhà máy của chúng ta. Làng tôi bây giờ có một nhà máy luyện thép lớn nhất thế giới. Thời gian đầu công nhân thường lăn ra ngủ ngay sau khi vừa đổ xong một mẻ gang. Phải bắn vài vụ thì mới tạm gọi là có kỷ luật. Ở các nước khác quá trình công nghiệp hoá thường kéo dài một hai trăm năm, người nông dân có điều kiện làm quen dần với sản xuất công nghiệp. Ở nước ta quá trình này kéo dài có mười năm trời. Nếu chúng ta không tống cổ hay cho những bọn như thế một viên kẹo đồng chỉ vì những lỗi nhỏ thì chúng sẽ nằm ngủ ngay trong sân nhà máy, đất nước sẽ rơi vào tình trạng trì trệ và trở lại tình trạng như thời trước cách mạng. Năm ngoái có một phái đoàn phụ nữ thành phố Manchester nước Anh tới thăm. Họ được dẫn đi thăm quan khắp nơi, khi về nước họ đã viết mấy bài báo có tính chất tố cáo, nói rằng các thợ dệt Manchester không thể nào chịu đựng nổi điều kiện làm việc như ở ta. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng nền công nghiệp dệt ở Manchester đã có hai trăm năm lịch sử. Tôi cũng từng đọc những tài liệu nói về điều kiện làm việc của công nhân cách đây hai trăm năm, nghĩa là khi nền công nghiệp mới hình thành. Đồng chí Rubashov ạ, đồng chí nói hệt như mấy mẹ trong đoàn đại biểu phụ nữ Manchester vậy. Nhưng dĩ nhiên là anh biết nhiều việc mà họ không biết. Cho nên lý lẽ của anh làm tôi ngạc nhiên đấy. Mặt khác, anh với họ cũng có một điểm chung: ngay từ bé anh đã có đồng hồ rồi...”

Rubashov không nói gì, mắt nhìn chằm chằm vào Gletkin. Hắn nói gì thế? Chả lẽ hắn định bộc bạch với mình à? Nhưng Gletkin đã lại ngồi thẳng băng với bộ mặt lạnh như tiền như chưa có chuyện gì xảy ra.

“Về mặt nào đó thì anh nói đúng”, cuối cùng Rubashov lên tiếng. “Nhưng vì anh khơi ra vấn đề này, vậy xin nói cho tôi biết tại sao các anh lại cần những con dê tế thần, nếu các anh biết rằng đấy là những khó khăn khách quan, như anh vừa nói?”

“Kinh nghiệm cho ta biết rằng”, Gletkin đáp, “phải giải thích các khó khăn và những sự kiện phức tạp cho quần chúng

bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu. Theo những gì tôi biết từ lịch sử thì nhân loại luôn luôn cần những con dê tế thần. Tôi tin rằng đấy là một hiện tượng không thể thiếu được; ông bạn Ivanov của anh bảo rằng nó có nguồn gốc từ tôn giáo. Theo tôi nhớ thì ông ta nói rằng từ này xuất phát từ truyền thống của người Do Thái, mỗi năm họ lại giết một con dê, gánh tất cả tội lỗi thay cho họ, để tế Trời.” Gletkin ngừng lời và đưa tay chỉnh lại áo sơ mi. “Ngoài ra, có cả những người tự nguyện làm dê tế thần nữa kia. Ở cái tuổi mà anh đã có đồng hồ đeo tay thì tôi còn được nghe ông cố đạo trong làng giảng rằng Jesus Christ tự gọi mình là con cừu mang trên lưng tất cả tội lỗi của thế gian. Tôi không thể nào hiểu nổi làm sao một người lại có thể cứu được cả thế gian. Thế mà đã hai ngàn năm nay người ta vẫn còn tin đấy.”

Rubashov đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Gletkin. Hắn nói thế là nhằm mục đích gì nhỉ? Câu chuyện này rồi sẽ đưa đến đâu? Thằng người Neanderthal hiện đại này đã đi lạc vào những ngóc ngách nào đây?

“Có thể là như thế”,

Rubashov nói, “nhưng theo lý thuyết của chúng ta thì phải nói cho nhân dân biết sự thật chứ không phải là đổ cho những tên phá hoại và gián điệp như thế.”

“Nếu nói với người dân làng tôi”, Gletkin đáp, “rằng họ vẫn chỉ là những kẻ mù chữ và lạc hậu dù Cách mạng đã xảy ra, dù đã xây dựng được những nhà máy hiện đại thì cũng chẳng ích gì. Còn nếu nói rằng họ là những anh hùng lao động, làm việc hiệu quả hơn cả người Mỹ, sự lộn xộn hiện nay là do lũ phá hoại và gián điệp thì ít nhất cũng động viên được họ. Chân lý là cái có lợi, giải dối là cái có hại. Trong cuốn sách giáo khoa lịch sử giành cho các lớp bổ túc có nhấn mạnh rằng trong những thế kỷ đầu sau Công nguyên, Thiên chúa giáo là một bước tiến khách quan của nhân loại. Jesus Christ khẳng định rằng ông là con của Chúa và một nữ đồng trinh, chuyện đó đúng sai không quan trọng, không phải là vấn đề chúng ta quan tâm. Đấy chỉ là một biểu tượng, nhưng người nông dân của chúng ta thì lại hiểu theo nghĩa đen. Chúng ta cũng có quyền tạo ra những biểu tưởng hữu ích ngay cả khi những người nông dân của chúng ta tiếp tục hiểu theo nghĩa đen.”

“Anh lý sự chẳng khác gì Ivanov”, Rubashov nhận xét.

“Công dân Ivanov”, Gletkin nói, “giống như anh, thuộc giới trí thức cũ. Chuyện trò với anh ta giúp tôi bổ sung kiến thức về lịch sử. Nhưng chúng tôi khác nhau ở chỗ tôi dùng kiến thức để phục vụ Đảng, còn Ivanov là một kẻ giả hình.”

“Sao...?”, Rubashov vừa hỏi vừa tháo kính ra.

“Công dân Ivanov”, Gletkin với bộ mặt lạnh như tiền, “đã bị hành quyết hồi đêm, đấy là quyết định của Toà Hành chính.”

Sau khi nói chuyện, Gletkin cho Rubashov ngủ suốt hai tiếng đồng hồ liền. Trên đường trở về buồng giam Rubashov cứ băn khoăn mãi về chuyện vì sao anh lại tỏ ra vô tình trước tin Ivanov chết như thế. Nó chỉ làm giảm phần nào niềm vui chiến thắng, anh chỉ bỗng cảm thấy mệt và buồn ngủ mà thôi. Thực ra thì đã anh cảm thấy xấu hổ vì chiến thắng vớ vẩn đó ngay trước khi biết tin Ivanov bị giết cơ. Gletkin mạnh đến nỗi cái mà anh tưởng là chiến thắng thì lại hoá ra là thất bại. Hắn ngồi đó, to lớn, bất động, mặt lạnh như tiền, nhưng đấy chính là hiện thân của cái Nhà nước được những người trí thức cũ như Ivanov và Rubashov dựng lên. Đứa con của họ, máu thịt của họ đã biến thành một bộ máy khổng lồ, không còn kiểm soát được nữa rồi. Gletkin chả đã công nhận hắn là hậu duệ tinh thần của Ivanov là gì? Rubashov thầm nhắc đi nhắc lại rằng Gletkin và bọn người Neanderthal thời hiện đại chỉ làm mỗi một việc là hoàn thành công việc của giới trí thức cũ mà thôi. Rằng lý tưởng của họ, dù trong miệng lưỡi của bọn người Neanderthal kia có bất nhân đến thế nào, vẫn không hề thay đổi. Dù Ivanov có dùng cùng một lý lẽ như thế thì trong giọng nói của anh ta vẫn có cái trầm ấm của thời quá khứ, của cái thế giới đã trở thành dĩ vãng. Người ta có thể phủ nhận thời trai trẻ của mình nhưng không thể nào xoá bỏ được nó. Ivanov đã mang trên lưng gánh nặng của quá khứ, vì vậy mà giọng nói của anh ta mới có vẻ buồn buồn như thế và đấy cũng là lý do vì sao Gletkin gọi anh ta là kẻ giả hình. Những người như Gletkin không cần xoá bỏ bất cứ điều gì, chúng không cần phủ nhận vì đơn giản chúng là loại người không có quá khứ. Trên không chằng, dưới không rễ, chúng là những kẻ không biết buồn cũng chẳng biết vui là gì.

5.

Trích nhật ký của N. S. Rubashov:

“...Chúng ta, những người đang rút lui khỏi vũ đài, có quyền gì mà lại dám coi thường những kẻ như Gletkin như thế? Chẳng khác gì tiếng cười của lũ khỉ khi chúng trông thấy người Neanderthal đầu tiên. Những con khỉ đã được giáo hoá chuyền từ cành nọ sang cành kia một cách khéo léo, trong khi người Neanderthal vụng về, không thể rời khỏi mặt đất. Những con khỉ no đủ và thảnh thơi, luôn luôn vui vẻ hay trầm tư mặc tưởng, trong khi người Neanderthal lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó, tay lăm lăm dùi cui, sẵn sàng lao vào đối thủ. Những con khỉ trên cây khoái trá, tha hồ chế giễu và thỉnh thoảng lại ném vào người Neanderthal mấy trái cây ăn thừa. Khỉ đôi khi cũng hoảng loạn, chúng chỉ ăn quả và lá non một cách tao nhã; trong khi người Neanderthal ăn thịt sống, giết các loài vật, thậm chí giết cả đồng loại. Người Neanderthal phá những cánh rừng nguyên sinh, lật cả những tảng đá nặng, chống lại luật lệ và truyền thống của rừng già. Đối với loài khỉ thì đây là một giống vật vụng về, tàn nhẫn và tiểu nhân, một bước thụt lùi của lịch sử. Loài tinh tinh còn sống sót vẫn hếch mũi lên mỗi khi có người xuất hiện...”