Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 1)

Trần Vũ thực hiện

clip_image002Xưa nay nhân loại vẫn xem đọc sách là thú tiêu khiển tao nhã, còn là thước đo văn hóa và đặc biệt là phương cách giúp con người thăng hoa, tách rời thực tế để vươn lên một tầng cao hơn, tầng của trừu tượng. Không ngẫu nhiên trong ký sự Những Kẻ Di Truyền Sách (Les Passeurs de livres, Nxb Seuil, 2017) ở trang 12, Delphine Minoui, phóng viên của nhật trình Le Figaro chuyên về Trung-Đông, giải thưởng Albert Londres 2006 cho các phóng sự về Ba Tư, ghi: “Dưới các trận bom, thư viện hóa thành pháo đài ẩn của tuổi trẻ, sách trở thành vũ khí vô biên.” Minoui kể một câu chuyện lạ lẫm: Hằng đêm rồi hằng đêm 40 thanh niên mang trong mình nhiệt huyết của cách mạng Syria chống lại chế độ độc tài Bachar al-Assad, trốn vào trong thư viện ẩn trú cơn thịnh nộ của bạo lực, rồi đến khi các bức tường sụp đổ gồng gánh khuân vác kho sách đến một thư viện giấu kín khác của bóng đêm. Sách, là tương lai của chính họ.

Cũng không ngẫu nhiên, Nietzsche viết: “Điều tôi tìm và khám phá, luôn trong sách.” Trong Thế Giới Hôm Qua, Stefan Zweig quả quyết: “Với cá nhân tôi, tiên đề của Emerson cho rằng những quyển sách hay thay thế trường đại học tốt nhất, vẫn bất biến. Tôi tin con người có thể thành triết gia, sử gia, luật gia, nhà ngữ văn hay bất cứ gì mà không cần bước chân vào đại học.” Nhưng chính Albert Einstein, qua Cách Tôi Nhìn Thế Giới, mới thực sự gay gắt: “Một kẻ chỉ đọc báo hoặc nhiều nhất, sách của những tác giả đương thời, kẻ ấy cận thị và quên đeo kính.” Với Einstein, sách báo đại chúng đồng nghĩa mù lòa. Vì chìm đắm trong bóng tối, thiếu thứ Victor Hugo ca ngợi: “Ánh sáng giấu trong sách. Hãy mở toang chúng để chúng rạng ngời và tự thao tác.”

Các danh nhân đã tin kho tàng trong sách. Trái ngược đến kinh ngạc là dân Việt thoát ra khỏi niềm tin ấy. Bước chân vào một gia đình Việt, ở đầu thế kỷ 21, hiếm thấy một tủ sách. Một tủ sách đúng nghĩa khác với một tủ gỗ chứa DVD, các tạp chí sức khỏe, thời trang, thể thao, gia chánh… Trong tạp bút Chúng Ta Đọc Có Ít Chăng? Võ Phiến từng nhận xét: “Đồng bào ta đọc chưa lấy gì làm nhiều. Nếu lại đem ra so sánh với số lượng ở lắm nước ngoài, vẫn thấy có sự thua sút đáng buồn. […] Ở ta một tờ nhật báo có uy tín như tờ Chính Luận phát hành mỗi ngày không quá 20 nghìn số, trong khi Đại Hàn (dân số chừng 30 triệu trước 75), các tờ Chosun Ilbo và Dong-A Ilbo mỗi ngày in ngót một triệu số. Tạp chí và sách ở Đại Hàn, Đài Loan đều được ấn hành nhiều hơn ở ta, vượt ta rất xa. […] Dĩ nhiên Việt Nam là nước văn hiến, nhưng cái văn hiến ấy nó phát huy có phần éo le: kẻ viết càng ngày càng đông mà người đọc cứ thưa thớt mãi…” (Võ Phiến, Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, số 6 tháng 10-1985)

Đời sống của dân Việt nghèo túng tinh thần? Nói như Richard Millet: “Không có một trào lưu văn học nào trách nhiệm sự nghèo nàn văn chương của một quốc gia, chỉ có nhà văn gánh trách nhiệm.” Tuy nhiên, trong thực tế di dân Việt đang chấm dứt đọc sách để lên facebook nhưng internet chỉ là những mảnh vụn của những hột soàn tấm nhiều cợn than của một nghệ thuật chữ viết đang biến mất.

Biến mất đã lâu thông lệ đúc kết những hiện tượng trong năm của Văn học Hải ngoại. Ngay cả Tết Nguyên đán cũng không còn là dịp tổng kết, vì không có gì đế nhắc. Thập niên sau cùng vắng lặng nhà quàn.

Trong bối cảnh hiu hắt ấy, đột nhiên xuất hiện một loạt ấn phẩm trên Amazon mà tác phẩm nào cũng công phu. Giở từng trang sách, thấy tức khắc là công trình tâm huyết, dầy công sức. Qua các trang chữ người đọc hình dung người viết đã thao thức rất lâu, đã suy nghĩ rất nhiều và tìm kiếm trong vô vàn những quyển sách điều mình băn khoăn. Các tựa sách nói lên ước muốn của tác giả: di truyền những gì thâu thập. Chúng không dễ đọc, vì không gây kích động, chúng không cám dỗ vì ít mê hoặc, nhưng chúng hữu ích. Chúng, hấp dẫn theo cách Robidoux định giá: “Những gì viết không khó khăn, sẽ nhàm chán khi đọc.” Năm 2017 đánh dấu bằng sự kiện này: Một bộ sách nhiều tập, Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn, Ý Thức Về Dịch Thuật, Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại, Học Thuyết Truyện Hậu Hiện Đại, Văn Học Truyện Đương Đại, Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại, Tôi Không Biết: Wislawa Szymborska Nobel Price 1996 (Tập 1 & 2), Tôi Học Được Bí Mật Của U Sầu, Federico Garcia Lorca (Tập 1 & 2)Thơ Độc Quạnh của cùng một tác giả, Ngu Yên.

Tra vấn một thi sĩ vừa xuất bản ngần ấy tiêu đề, là một quyến rũ.

oOo

clip_image004Trần Vũ: Lễ Ma quỷ Halloween năm nay với tôi là khám phá Những Kẻ Di Truyền Sách của Delphine Minoui vừa xuất bản. Câu chuyện thật của những thanh niên lục lọi nhặt nhạnh dưới gạch đá hoàng tàn của thị trấn Daraya từng quyển sách với hiểm nguy có thể bị phiến quân Hồi giáo xử bắn. Làm sao tuổi trẻ Syria có thể an tâm đọc sách dưới mặt đất, trong hầm thư viện giấu kín, trong lúc Bachar al-Assad ném bom hóa chất? Vì sách là di sản quý giá nhất còn sót và cho những con đường khác? Vì chữ viết chứng thực tự do tinh thần tuyệt đối? Và đọc sách là cách phản kháng thầm lặng những cực đoan? Tuổi trẻ Syria hiểu sách là tương lai của họ.

Sau lễ Các Thánh Toussaint, nhận qua bưu điện bộ sách Ý Thức của anh, tôi liên tưởng đến Những Kẻ Di Truyền Sách mà Ngu Yên là một. Tuy khác biệt trong hoàn cảnh nhưng rõ ràng là Ngu Yên đang làm công việc thâu thập tri thức từ sách của nhân loại để diễn giảng lại trong tiếng Việt. Một cố gắng « truyền năng » cho các đồng môn. Các tựa sách của anh: Ý Thức Về Truyện Ngắn, Ý Thức Về Dịch Thuật, Tôi Không Biết, Tôi Học Được Bí Mật vô cùng biểu trưng. Gần như một ta thán là các văn gia Việt thiếu ý thức sáng tác, vì hãy còn rất mù mờ trước những khuynh hướng, trào lưu, học thuyết… Có phải vì anh nhận ra sự trì trệ ít thành tựu của văn chương Việt nằm trong khoảng trống kiến thức?

Tôi muốn hiểu vì sao anh cho xuất bản nhiều ngàn trang sách lúc này, về cùng một thể tài là khai phóng kiến văn, càng đặc biệt khi sách đã thành xa xỉ phẩm không cần thiết đối với di dân Việt.


clip_image006

Ngu Yên: Xin chào anh Trần Vũ và các bạn đọc.

Trong lời mở đầu, sự nhận định của anh về chức năng và hiệu quả việc đọc sách của đa số người Việt hải ngoại như một cây đinh đóng lên tri thức. Dẫn đến việc tôi treo lên tấm bảng với dòng kết luận: Văn học hải ngoại bế tắc vì độc giả vắng mặt và vì phẩm chất lỗi thời của tác phẩm không cập nhật với văn chương thế giới.

"Tôi chỉ nhìn lên trời, mỗi khi muốn nhảy mũi."

(Ivan Turgenev, Fathers and Sons.)

Sự vắng mặt của độc giả, đi sâu vào nguyên nhân, là hệ lụy của chủ nghĩa Hư Vô Đương Đại (New Nihilism). Không phải là hư vô của nhà Phật. Không phải là hư không của Dịch. Không phải là 'không có gì' của triết học chủ nghĩa Hiện Đại, ngược lại, người sở hữu quá nhiều những thứ trống rỗng. Và con người đang say mê, thèm khát, ước mơ những trống rỗng này. Nietzsche đã tiên đoán, một trăm năm sau khi ông chết, nhân loại sẽ cưu mang căn bệnh Hư Vô trường kỳ. Sống trong trạng thái trống rỗng. Sinh ra nhàm chán, trầm cảm. Sinh ra tính tình kỳ hoặc. Hậu quả của giá trị hủy diệt giá trị, ông nói, hư vô là giá trị cao nhất tự phá hủy chính nó. Như con diều chở một bên vật chất, bên kia tinh thần, không có thăng bằng, không thể bay cao, không thể bình an. Thường khi chao đảo, dễ dàng rơi xuống trong cơn gió lớn. Tình trạng người Việt di dân có thêm đặc điểm: Nôn nóng, si mê, chồng chất sản phẩm vật chất và mang theo giá trị tinh thần hợp lý nhưng không hợp thời. Đưa đến thực tế: Không đủ thời giờ đuổi theo vật chất. Không có nhu cầu tìm hiểu những gì cao hơn kiến thức chuyên môn, hiểu biết thông dụng, và nhân sinh quan phổ quát. Do đó, sách có trình độ văn chương cao, hoặc triết lý sâu sắc, bị bỏ quên. Đây không phải là tình trạng mù chữ mà là mù nghĩa, nói theo ý của Martin Heidegger.

Sự vắng mặt của độc giả văn chương là tình trạng chung của thế giới, người Việt hải ngoại chỉ tham gia tích cực hơn. Theo dòng thời gian, người Việt hải ngoại đọc sách báo văn chương giảm dần từ cao độ trong thập niên 1980-1990. Càng về sau, giới người đọc càng già đi, hoặc không còn đọc, hoặc đọc chậm rãi với tinh thần thủ cựu và giá trị lỗi thời. Giới trẻ ít đọc tiếng Việt. Đọc nhiều trên mạng lưới qua các phương tiện điện tử thời trang. Không đủ người đọc, sinh ra thiếu tác giả dù có nhiều người viết, sinh ra thiếu tác phẩm giá trị dù bài vở vẫn đăng ồn ào trên mạng và ấn phẩm tự in vẫn tiếp tục xuất hiện. Bước vào thế kỷ 21, ngoại trừ một số trường hợp đặc thù, đa số tác giả và tác phẩm không đuổi kịp văn chương thế giới, khoảng cách trung bình là 50 năm tụt hậu. Mặc dù, sinh hoạt văn chương hải ngoại đương thời èo uột, nhưng vẫn hiện diện. Câu hỏi được thao thức: 1- Với tình trạng này kéo dài, văn chương hải ngoại đi về đâu? Từ từ tự nhiên chấm dứt? Hoặc có mà như không, vì không thực sự có giá trị? 2- Dòng văn chương hải ngoại sáng tác bằng ngoại ngữ tuy có nhiều cơ hội, nhưng có thể công nhận là một hình thể nằm trong bản sắc văn chương Việt hải ngoại? Hoặc chính những tác giả đó cũng không tự nhận mình thuộc về dòng văn chương này? Sự bế tắc tuy phức tạp, rối rắm nhưng đơn giản: Đọc là hành vi chọn lựa. Đọc sách gì là quyết định thách đố bản thân làm quen với thú vị từ ánh sáng hiểu biết. Không thể trông cậy bất kỳ ai, kể cả siêu nhiên. "Tôi chỉ nhìn lên trời, mỗi khi muốn nhảy mũi."

"Nếu không có giờ đọc, làm sao có giờ để viết. Đơn giản là như vậy."

(Stephen King.)

Sự vắng mặt phẩm chất trong tác phẩm nói lên: 1- Giá trị kinh nghiệm sống cùng với thời đại. 2- Mức độ kinh nghiệm sáng tác. 3- Trình độ hiểu biết về văn chương. 4- Khả năng cập nhật văn học thế giới. Bốn yếu tố trên thuộc về ý thức sáng tác. Sáng tác trước tiên phải có ý thức về sáng tác, trước khi thỏa thuận với vô thức về sáng tạo. "Mọi sự mở mang kiến thức phát sinh từ việc làm cho ý thức trở thành vô thức." (Nietzsche.) Khái niệm này cho thấy, sáng tác văn chương hầu hết đến từ vô thức. Nhưng, một vô thức chứa đựng những kiến thức do ý thức kết nạp, đã được thuần nhuyễn, hòa tan với nhau, không thuộc về ai khác, trở thành sở hữu của tác giả. Chỉ có những dữ liệu thuần chất này mới tạo ra sự độc đáo và thú vị cho tác phẩm, mang căn cước tác giả.

Nhưng ý thức về sáng tác là việc thường xuyên mà người viết hải ngoại không quan tâm. Sự hiểu biết từ học đường về viết luận văn và kiến thức thâu thập mơ hồ từ những nguồn gốc không đáng tin cậy, trở thành học thuật sáng tác. Đa số không cảm thấy cần thiết tìm hiểu các tư tưởng lớn ảnh hưởng đến đời sống, những khám phá sâu sắc về "sự thật trong và ngoài thực tế", những học thuật mới phù hợp với nhịp sống đương thời, để truyền đạt những điều muốn nói một cách hữu hiệu. Không biết thêm, không hiểu rõ, tiếp tục sáng tác chẳng qua là lập lại những gì đã biết qua những hình ảnh ý tứ khác nhau. Sử dụng những phương thức diễn đạt kém hiệu năng. Quan trọng nhất là không sống cùng nhịp sống thời đại, tự dưng, suy nghĩ, cảm tưởng, tưởng tượng, hư cấu, sẽ lỗi thời.

Nếu ngẫm nghĩ thêm, vì sao Cấu Trúc Luận đặt nặng tinh hoa về cấu trúc văn bản? Sẽ nhận ra tầm quan trọng của học thuật khi tiếp xúc để mô tả và giải thích một đối tượng. Nếu Hiện Tượng Luận cho rằng đối tượng phải được mô tả như một bản sao khi đã hiện ra trong nhận thức, thì Cấu Trúc Luận phản đối bằng cách chứng minh, một đối tượng trong nhận thức không thể hiện đầy đủ ý nghĩa và giá trị vì nó còn có nhiều ý nghĩa và giá trị bên trong và đàng sau của điều mà đối tượng đại diện. Rồi Giải cấu Trúc đánh đổ lập luận này, thay vào ý nghĩa và giá trị của một đối tượng chẳng những đa dạng mà liên tục phát sinh trong mỗi tình huống, mỗi xã hội, mỗi thời đại. Dẫn đến sự nghi vấn về giá trị toàn thể của Hậu Hiện Đại. Triết gia Jean Baudrillard tuyên bố, sự thật của thực tế đã mất bản gốc, không thể truy cứu, chỉ có thể tin vào thực tế giả mạo. Đưa đến một học thuyết sáng tác quá độ của Raymond Federman, truyện Siêu Hư Cấu (Surfiction.) Đặt niềm tin trọn vẹn vào trí tưởng tượng hơn là sự biến dạng của thực tế. Tại sao người viết cần phải biết những thứ này làm gì? Vì khi sáng tác, tác giả cần phân tích câu truyện, nhân vật qua nhiều góc nhìn khác nhau, cần trăn trở ý tưởng và cách diễn tả bài thơ qua nhiều học thuật có khả năng truyền đạt, để khi sáng tác đến từ vô thức, đã được chuẩn bị bởi ý thức. Như vậy, sáng tác có thể cập nhật, phù hợp với nhịp sống, tiếp cận giá trị văn chương hiện tại và tương lai. Chưa kể, học thuật sáng tác của chủ nghĩa Hiện Đại theo những nguyên tắc siêu bản và học thuật sáng tác vi mô bản của Hậu Hiện Đại sẽ tạo cơ hội cho người viết chọn lựa phong cách truyền đạt câu truyện, bài thơ một cách rõ ràng và hữu hiệu.

Lấy một ví dụ, diễn tả một nhân vật thời đại: "Tôi là gián điệp, kẻ nằm vùng, con ma, một người lưỡng diện. Có lẽ không quá ngạc nhiên, tôi cũng là người lưỡng trí. Tôi không phải là kẻ bị hiểu lầm đột biến từ sách hoạt họa hoặc từ cuốn phim kinh dị, mặc dù một số người đã đối xử tôi như vậy. Chỉ đơn giản tôi có thể nhìn thấy bất kỳ vấn đề gì từ cả hai mặt của nó. Đôi khi, tôi tự hãnh diện về tài năng này, mặc dù phải công nhận là khả năng không đáng kể, cũng có thể là một tài năng duy nhất mà tôi có. Lúc khác, khi nghĩ về việc tôi không thể làm gì khác hơn là quan sát thế giới bằng cách như vậy, tôi tự hỏi có nên gọi khả năng này là tài năng. Rốt cuộc, tài năng là thứ để sử dụng, không phải là thứ sử dụng mình. Tài năng nào không thể sử dụng, tài năng đó sẽ chiếm hữu chúng ta. ...[...] " Tác giả giải Pulitzer, Nguyễn Thanh Việt, đã giới thiệu nhân vật "tôi" ngắn gọn mà tạo ra cả một dàn tưởng tượng. Nhân vật hiện đại là nhân vật không minh bạch vì có nhiều cái tôi trong một bản ngã, (lập luận của thuyết Hướng Nội 'Introverted Narrative'.) Tính mơ hồ, nghi hoặc, bí ẩn thể hiện trong đoạn văn mở đầu cuốn tiểu thuyết The Sympathizer, khiến cho người đọc tò mò muốn đọc cho mau hết câu truyện, để tự mình kết luận nên gọi tiểu thuyết này là "Cảm Tình Viên" hay "Kẻ Đồng Tình."

Nếu áp dụng ý tưởng Hiện Sinh của Sartre: "Đời sống không có ý nghĩa tiên nghiệm ... tùy thuộc vào mỗi người cho nó ý nghĩa, và giá trị sẽ không có gì ngoại trừ ý nghĩa mà người đó chọn." thì Nguyễn Du không cho Thúy Kiều vào tài mệnh tương đố. Nhân vật trong truyện Việt không nhắm mắt đi theo định mệnh và oán trách trời cao. Ý thức và trách nhiệm về sự chọn lựa cho bản thân sinh tồn của Sartre sẽ khiến cho một số truyện Việt thay đổi cốt truyện và quan điểm giải quyết vấn đề. Rồi học thuyết Historiographic Metafiction, Truyện Lịch Sử Tái lập, sẽ đưa Hồ Chí Minh đi bán kẹo bạch nha như trong truyện Muối của Monique Trương. Tổng thống Obama ngoại tình sinh con rơi lai máu Việt như trong truyện Lịch Sử Hoang Tưởng Của Tôi, của Đặng Thơ Thơ ... "Thuần nhuyễn [học thuật] không phải là điều gì xảy ra ngay lập tức, như tia sấm sét, nhưng là tập hợp sức mạnh để di chuyển đều đặn qua thời gian như khí hậu." (Johm Gardner, The Art of Fiction, trong Notes on Craft for Young Writers.)

Cho dù một nhà văn bẩm sinh có tài năng viết và cảm nhận nhạy bén, vẫn không thể đạt được tiêu chuẩn cao trong văn chương đương thời nếu học thuật kém. Học thuật có được nhờ học hỏi từ những kinh nghiệm sáng tác của những người đi trước và những tài năng cùng thời. Học thuật đến từ đọc. William Faulkner nói: "Đọc, đọc, đọc. Đọc đủ các thể loại: Rác, kinh điển, cả tốt lẫn xấu, rồi xem xét như thế nào. Như một thợ mộc đang theo thầy học nghề. Đọc! Bạn sẽ hấp thụ được. Rồi viết. Nếu hay, bạn sẽ khám phá ra. Nếu không, ném ra cửa sổ." Hầu hết người viết hải ngoại lười đọc, hoặc đọc cho biết, không phải đọc để học hỏi. Mức độ ý thức về sáng tác không cập nhật và lỗi thời khiến cho phẩm chất văn chương vắng mặt trong tác phẩm. Thi sĩ Joseph Brodsky tuyên bố: "Có nhiều tội nặng hơn là đốt sách. Một trong những tội đó là không đọc."

Trong tình hình hỗn loạn của học thuyết văn chương đầu thế kỷ 21, tựu trung vẫn xoay quanh ba hạnh phúc cơ bản: 1- hạnh phúc thân xác, 2- hạnh phúc tâm tình, 3- hạnh phúc trí tuệ. Khó vượt thoát phạm vi này vì văn chương trước sau vẫn là của con người viết về con người và đời sống của con người. Khi đối diện với hạnh phúc thân xác, thơ văn hải ngoại hoặc tránh né hoặc chỉ có khả năng mô tả cảnh tượng và hoạt động, không chạm được thẩm mỹ sinh dục và ý nghĩa của dâm dục. Đối với hạnh phúc tâm tình, người viết hải ngoại gần như tâm đắc nhất. Lãng mạn, cảm động, đau khổ, thất vọng, thất tình, sướt mướt, năn nỉ, ...lập đi lập lại, nhất là trong thơ. Ít tìm đến nhất, lơ là nhất là hạnh phúc trí tuệ. Đa số người Việt xem trọng trí thức khoa bảng, kiến thức chuyên môn nhưng xem thường ánh sáng trí tuệ. Không phải hiểu biết mà chính ánh sáng mới đẩy lui bóng tối.

"Khi đến cuối đoạn dây thừng nên cột một cái gút rồi níu chặt."

(Franklin D. Roosevelt.)

Có thể nói, sự bế tắc của văn chương hải ngoại đã có mầm móng từ lúc khởi đầu. Vì tình trạng đặc biệt của di tản và lưu vong bất đắc dĩ, tạo ra một phong trào văn chương đầy cảm tính về quê hương, đất nước, thân phận, tù đày, oán hận, ước mơ. Qua thời điểm đó, sáng tác hội nhập xã hội mới, đời sống mới, gần như thất bại. Không có mấy tác phẩm giá trị. Không có mấy tác giả chuyên chú về chủ đề cũng như phạm vi này. Không có tác phẩm lớn. Tại sao? Phần lớn vì sự đánh giá thế nào là thơ, truyện hay? Thế nào là tác phẩm giá trị? đã không được khai phá đúng mức và cập nhật. Giá trị thơ truyện hay là giá trị của thời trước tháng 4 năm 1975, văn học hải ngoại mang theo và tin dùng. Ngay cả các đại thụ chủ bút văn chương như Võ Phiến, Mai Thảo, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, v.v. cũng chỉ sử dụng bậc thang đánh giá từ thời Chekhov, kéo dài qua Ấn Tượng, Siêu Thực, Tiểu thuyết Mới và tư tưởng dừng lại với Sartre và Heidegger. Vì vậy, những văn bản tuyển chọn chỉ nằm trong khuynh hướng đó. Trong khi thập niên 1970-1985, văn chương Hậu Hiện Đại lên đến đỉnh cao với những học thuyết và học thuật sáng tác vượt ra truyền thống, chiếm một vị trí văn chương quan trọng trong văn học toàn cầu và kéo dài sang thế kỷ 21. Văn chương người Việt hải ngoại lầm lũi đi một con đường riêng. Rồi con đường hẹp dần, xa xa là bế tắc.

Sự có mặt của các mạng lưới văn chương không thay thế được sự vắng mặt của các tạp chí văn chương đã đóng cửa. Một phần vì các chủ bút mạng làm việc tự nguyện, ít thời giờ, không chuyên như các chủ bút tạp chí trước đây. Phần khác, bài vở viết để lên mạng ít được viết thận trọng. Đối với một số người viết, văn bản sách và văn bản mạng có nhiều điểm khác nhau. Dẫn đến sự đánh giá khác nhau và phương cách sáng tác khác nhau. Dĩ nhiên, đọc sách và đọc mạng cũng có thái độ khác nhau. Nếu phân tích sâu xa hơn về những thành phần cấu tạo văn chương mạng, như chủ bút, tác giả, độc giả, kỹ thuật viên, sẽ là những đề tài tốn nhiều trang viết. Có thể lược qua, văn chương mạng hải ngoại có những giới hạn: 1- Khả năng người sáng tác, 2- Số lượng người đọc, 3- Trình độ văn học và tính khí của chủ bút, 4- Chủ trương và lề lối sinh hoạt của mạng, 5- Khả năng kỹ thuật. Sự thành đạt của mạng lưới văn chương hải ngoại mang tính "sân chơi" hơn là nơi thẩm định văn chương. Về mặt văn học cũng thiếu cập nhật, đa phần là văn học tự phát từ từng cá nhân, có một số nhà văn đơn độc đưa ra những tác phẩm mang tính văn học đương thời, nhưng số lượng quá ít, người đọc lại không hiểu biết đủ, không tạo được phong trào. Chúng ta không học hỏi được gì từ phong trào cách mạng văn chương của Châu Mỹ Latin và phong trào văn chương dấn thân ở Nam Phi, trong cùng một thời điểm. Một trong vài tệ đoan của mạng lưới văn chương là ít quan tâm đến mục đích của văn học và phẩm chất văn chương. Bước xa ra trở thành những sứ quân với quyền lực tuyển chọn văn tài, hoặc hội ái hữu văn chương tương tế. Dĩ nhiên, đây là những sân chơi tư nhân, mỗi chủ mạng có toàn quyền chơi theo tính khí riêng. Người viết phe phái, người viết độc lập, đều thở dài thắt gút đoạn cuối sợi dây thừng. Níu thật chặt.

Có thể nào như Richard Bach nhận xét, "Điều mà sâu nhộng gọi là tận thế, bậc tôn sư gọi là hóa bướm bay."? Tôi nghĩ là không. Thực tế cho thấy, người đọc tiếng Việt ở hải ngoại mỗi ngày mỗi ít dần. Người trẻ không đọc được tiếng Việt hoặc tiếng Việt của họ không có khả năng thẩm thấu sâu rộng. Khoảng 50 năm nữa con nhộng chết khô trong kén, chưa kịp hóa bướm. Đành thôi giấc mộng bay cao.

Tôi xin kết luận phần sự bế tắc của văn chương hải ngoại và sự vắng mặt của độc giả, của ý thức sáng tác bằng một câu tóm gọn: Hải ngoại có văn chương nhưng không có văn học đúng nghĩa.

(Còn tiếp)

(*) Tranh minh họa theo thứ tự của các họa sĩ René Magritte và Michel Berberian.

(**) Trang "tái dụng" theo kiểu Hậu Hiện Đại do Ngu Yên tái lập.

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. "Ý Thức về Dịch Thuật". Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. "Độc Quạnh" Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. "Tôi Không Biết". Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. "Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại". Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. "Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại". Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. "Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại". Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. "Văn Học Truyện Đương Đại". Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện  (chưa phát hành)

8. "Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại". Bộ 1.

"Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại." Bộ 2. ( Chưa phát hành.)

9.  "Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1.  Thơ Federico Garcia Lorca." Tái tác và tái bản.

"Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2.  Thơ Federico Garcia Lorca." Tái tác và tái bản.