Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Diêm Liên Khoa – “người đến muộn” tiên phong

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Nhà văn Diêm Liên Khoa được đánh giá là một gương mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc đương đại. Dù thành danh muộn trên văn đàn, nhưng trong việc khai thác các vấn đề nóng bỏng của xã hội, đối diện và dũng cảm phản ánh hiện thực đời sống Trung Quốc hiện nay, Diêm Liên Khoa là một người tiên phong.

Viết trong bóng tối của Trung Quốc

clip_image002

Sinh năm 1958 ở tỉnh Hà Nam, Lạc Dương, Diêm Liên Khoa đã trải qua một tuổi ấu thơ bình dị, trong một gia đình nghèo, như nhiều đứa trẻ thôn quê khác cùng thời. Từ năm 1958-1961, tức là năm ông 3-5 tuổi, xã hội Trung Quốc xảy ra nạn đói lớn (“tam niên đại cơ hoang”) kéo dài 3 năm, dẫn đến ít nhất 30 triệu người chết. “Chính trong một buổi hoàng hôn sau cái “nhân họa” kinh hoàng đó – Diêm Liên Khoa viết – tịnh dương, thu phong và cái thôn trang ở miền Trung của Trung Quốc xa xôi nghèo đói của nhà tôi đó, và còn có cả những bức tường rào vì chiến tranh mà được đầm đắp như bức tường rào bao bọc lấy thôn xóm, lúc đó, tôi chỉ có mấy tuổi, theo mẹ đi nhặt rác ở chân tường”[1]. Người mẹ đã chỉ cho Diêm Liên Khoa biết, loại đất quan âm thổ và vỏ cây nào có thể ăn được khi bị cái đói giày vò sắp chết, và loại hoàng thổ cùng với vỏ cây nào khi ăn sẽ chết nhanh hơn. Ký ức ấy khắc sâu trong tâm thức của Diêm Liên Khoa, trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng về cái chết và nỗi khổ, về kiếp người chỉ “giống như một chiếc lá khô bay theo gió”[2], và sẽ còn trở đi trở lại trong các sáng tác của ông sau này (Nhật quang lưu niên, 1998; Thụ hoạt, 2004; Đinh trang mộng, 2006). Đứa bé 4 tuổi Diêm Liên Khoa “đứng trước miếng đất dẻo có thể ăn được, nhìn mặt trời, nhà gianh, đồng ruộng và hoàng hôn, trước mắt một bức màn đen tối cực lớn như bức màn sân khấu đang dần dần tiến đến”. Và, như một sự thức ngộ “từ đó, tôi – Diêm Liên Khoa viết – trở thành người có khả năng cảm nhận rõ nhất về bóng tối”[3].

Những ký ức về nỗi khổ nạn của cả một dân tộc, của cá nhân đã từng trải qua từ những ngày còn thơ bé, đổ dài trên trang viết của Diêm Liên Khoa như một màn đêm mơ hồ, mà sự sinh tồn, như ông nói “đen tối – không chỉ là màu sắc, mà là chính bản thân cuộc sống, là vận mệnh mà người Trung Quốc không thể thoát bỏ”[4]. Vì thế, trong cái nhìn của Diêm Liên Khoa – người nhạy cảm với những mặt tối và nỗi đau của xã hội – một Trung Quốc hôm nay hiện ra phồn thịnh mà méo mó, giàu có mà quái gở, phát triển mà biến dị, trọng truyền thống mà hủ bại, lý trí mà hỗn loạn, hoang đường…

Diêm Liên Khoa, như ông tự nhận “giống như là người mang số phận phải cảm nhận bóng tối”, đã kiên trì và dũng cảm từ trong bóng tối để viết về bóng tối của xã hội Trung Quốc hiện nay, và cả những thời điểm lịch sử nhạy cảm trước đây.

Tiểu thuyết về người lính hay là sự song hành của diễn ngôn chính trị và diễn ngôn tình dục

Năm 1978, Diêm Liên Khoa gia nhập quân đội, trở thành binh sĩ ở Tề Nam, sau đó, lần lượt làm các nhiệm vụ như trung đội trưởng, sĩ quan, thư ký. Năm 1980, ông bắt đầu xuất bản tác phẩm. Tuy nhiên, những sáng tác của ông ở thời kỳ này không gây được tiếng vang. Một thời gian dài, gần 17 năm sau, khi tiểu thuyết Niên nguyệt nhật (1997) ra mắt, Diêm Liên Khoa mới thực sự thành danh. Những năm tháng sống trong quân đội, cùng với trải nghiệm của tuổi thơ sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo đã khiến ông có những thụ cảm sâu sắc về sự bần cùng của nông thôn và thế giới tinh thần của người quân nhân.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở về sau, Diêm Liên Khoa ra nhập trào lưu tả thực của tiểu thuyết Trung Quốc hiện đại. Biểu tượng xuyên suốt trong các sáng tác của Diêm Liên Khoa thời kỳ này là biểu tượng về người lính thời bình. Trước đó, tiểu thuyết lịch sử cách mạng những năm 50-70 của Trung Quốc nổi lên hai xu hướng. Thứ nhất, xu hướng truyền thống ca ngợi chủ nghĩa lý tưởng cách mạng, chẳng hạn như Từ Hoài Trung với Chuyện ít người biết ở tuyến Tây (1980) và Lý Tồn Bảo với Vòng hoa dưới núi cao (1982). Thứ hai, là xu hướng thế tục hóa đời sống quân nhân thời bình, tiêu biểu cho xu hướng này phải kể đến Xạ thiên lang (1982) của Chu Tô Tiến, tác phẩm ghi dấu ấn trong việc khai thác những ẩn ức bản năng, khát khao tình dục, những ham muốn đời thường của những người lính mang tham vọng kiến công lập nghiệp nhưng bất thành. Tiếp theo Chu Tô Tiến, với xu hướng thế tục hóa tiểu thuyết, Diêm Liên Khoa đã khai thác hình tượng người lính trong cái nhìn đa nguyên về bản chất con người. Những diễn ngôn cách mạng, diễn ngôn dân tộc được tái tạo trong tiểu thuyết bằng thủ pháp “giễu nhại” khi nhà văn để nhân vật phát ngôn ra nó một cách vô thức, hoặc ở thời điểm thực hiện hành vi dục tính (Kiên ngạnh như thủy, 2001; Vì nhân dân phục vụ, 2004; Tứ thư, 2011). Đặc biệt, trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, diễn ngôn về lịch sử - chính trị thường song hành, đối ảnh, đan quyện làm một với những diễn ngôn về tính dục. Ở đây, tư tưởng của Diêm Liên Khoa gần gũi với quan niệm “Lịch sử như là tự sự” của Hayden White và “tính dục là một tạo tác mang tính lịch sử” (historical contruct) của Foucault, khi trong tiểu thuyết của ông, tính dục không phải là cái được phát hiện ra (discovered) mà là cái được tạo ra (produced) bởi những diễn ngôn hợp thức hóa những dự đồ quyền lực.

Với những kinh nghiệm sống trong quân ngũ, Diêm Liên Khoa đã xây dựng một hình tượng người lính – nông dân rất khác so với truyền thống của tiểu thuyết quân đội. Trong trang viết của ông, những quân nhân gốc nông dân nhập ngũ với mục đích khi trở về quê hương sẽ được làm cán bộ, được trưởng thôn cất nhắc, trao cho địa vị, để cưới vợ, được thăng tiến… chứ không có lý tưởng làm một anh hùng, một người chiến đấu vì Tổ quốc. Những thanh niên nghèo ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh thường tranh thủ tham gia quân đội như một cơ hội để thay đổi hoàn cảnh. Khi trở thành binh sĩ, những người này cố gắng tìm cách để tồn tại, thể hiện, lập công. Trong bối cảnh Cách mạng văn hóa, những âm mưu, toan tính, những ham muốn bản năng, sự xung đột của họ tạo nên màn kịch nhân sinh đầy máu và nước mắt của một thời kỳ đen tối trong lịch sử Trung Quốc (Kiên ngạnh như thủy, 2001; Vì nhân dân phục vụ, 2004; Tứ thư, 2011; Tạc liệt chí, 2013)… Hình tượng người lính thời bình trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa là một sự giải cấu, giải thiêng, thậm chí đi ngược lại hình tượng người lính truyền thống. Diêm Liên Khoa đã tước bỏ mọi tính trang nghiêm, cao thượng, thần thánh của văn học quân đội một thời kỳ dài, với quan niệm nhân vật không phải mang bản chất người nói chung, mà là những tạo tác lịch sử ở những thời điểm nhất định. Vì vậy, những tác phẩm của Diêm Liên Khoa có ý nghĩa thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ hình tư duy về lịch sử của văn học Trung Quốc thời đại mới. Đó là xét trên bình diện văn học, còn ở khía cạnh đời tư, chính những tiểu thuyết gây tiếng vang nhất lại là nguyên nhân buộc ông phải rời khỏi quân đội, nhưng như Diêm Liên Khoa chia sẻ, ông không hề hối hận vì điều này.

image

Gia nhập dòng tiểu thuyết nông thôn Trung Quốc

Trong quá trình tìm tòi nghệ thuật, Diêm Liên Khoa nhận thức rằng “quê hương xứ sở là thế giới của nhà văn. Nơi mà nhà văn sinh ra, nơi nhà văn trưởng thành có ảnh hưởng rất lớn đến anh ta”[5]. Dựa vào ngọn núi Bả Lâu quê hương, Diêm Liên Khoa kiến lập nên cơ sở cho những sáng tác của mình. Giống như Giả Bình Ao đối với quê hương Thương Châu, Mạc Ngôn đối với huyện Cao Mật, Diêm Liên Khoa đã thành công khi đem vùng đất của dãy núi Bả Lâu xa xôi đến với thế giới, đó cũng là cống hiến nghệ thuật của ông đối với văn học Trung Quốc đương đại. “Núi Bả Lâu” xuất hiện trong hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu nhất của Diêm Liên Khoa (Niên nguyệt nhật, 1997; Nhật quang lưu niên, 1998; Kiên ngạnh như thủy, 2001; Thụ hoạt, 2004; Đinh trang mộng, 2006; Phong nhã tụng, 2008). Nếu lấy tiểu thuyết Niên nhật nguyệt (1997) làm mốc, thì có thể phân những sáng tác về nông thôn của Diêm Liên Khoa thành hai thời kỳ. Thời kỳ trước Niên nguyệt nhật (1997), tác phẩm tập trung phê phán quyền lực ở địa phương, vì quyền lực mà con người không tiếc thủ đoạn, bất chấp việc huynh đệ tương tàn. Những tác phẩm của Diêm Liên Khoa thời kỳ này, như một số nhà nghiên cứu nhận xét, là sự nối tiếp tinh thần phê phán của văn học nông thôn thời Ngũ Tứ, sử dụng thủ pháp tự sự truyền thống của chủ nghĩa hiện thực, và mang tính chất “phê bình khai sáng”[6]. Sau Niên nguyệt nhật (1997), Diêm Liên Khoa thực sự trở thành cây bút nổi bật trên văn đàn với các tác phẩm viết về đề tài nông thôn. Trong đó, ông miêu tả sự tồn tại đau khổ của người nông dân, sự can đảm và dũng khí của họ khi chiến đấu với hoàn cảnh sống: một người mẹ tìm cách cứu chữa 4 đứa con ngớ ngẩn bị bệnh di truyền (Bả Lâu thiên ca, 2001), các thế hệ ở thôn Tam Tính nỗ lực để thoát khỏi mối đe dọa của căn bệnh họng (Nhật quang lưu niên, 1998), thế giới của những người tàn tật bị lãng quên (Thụ hoạt, 2004), người dân trong thôn bị bệnh AIDS vì bán máu tập thể (Đinh trang mộng, 2006). Cùng với Sống (1993), Hứa Tam Quan bán máu (1995) của Dư Hoa, Ngụ ngôn tháng 9 (1988) của Trương Vĩ, Vụ hư bút ký (1996) của Sử Thiết Sinh, tác phẩm của Diêm Liên Khoa gia nhập “dòng tiểu thuyết tự sự về nỗi khổ” – một chủ đề chính của văn xuôi Trung Quốc những năm 80 – 90 của thế kỷ XX. Xét về mặt phương thức biểu đạt, nếu Dư Hoa miêu tả nỗi khổ như một quá trình trải nghiệm để nhận thức về tình người, Trương Vĩ coi khổ nạn là chặng đường để đi đến cái đích của niềm vui, Sử Thiết Sinh cho nhân vật qua bao đau khổ để được khai sáng trí tuệ, thì Diêm Liên Khoa viết về nỗi khổ như một chặng đường từ cái chết mà hướng đến cõi sống, khắc họa ý chí sinh tồn, sự kiên trì của con người vượt qua cảnh ngộ - như ông nói: “Tôi không cố tình để bày tỏ sự đau khổ, sự tập trung của tôi là miêu tả về tinh thần, về sinh mệnh, hoặc sức mạnh sống trong một trạng thái tồn tại nào đó”[7].

Những thể nghiệm nghệ thuật

Trong một số tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, sự đa dạng hóa của hình thức nghệ thuật được biểu hiện rõ, ví dụ như hình thức ngụ ngôn, chú thích, thủ pháp hiện thực và siêu hiện thực được đồng sử dụng. Những tác phẩm của Diêm Liên Khoa với chủ đề tư tưởng sắc bén, đụng chạm đến những vấn đề lớn của xã hội, tính phê phán cao, nội dung mới mẻ, hình thức biểu hiện đặc biệt, đã trở thành một hiện tượng lạ của văn học Trung Quốc những năm 90 trở lại đây.

Từ đường biên của chủ nghĩa hiện thực sang địa hạt của chủ nghĩa siêu hiện thực, Diêm Liên Khoa đã đặt quá khứ và đương đại song hành, hòa trộn giữa lịch sử và hư cấu, thực và mộng đan xen. Đối với Diêm Liên Khoa, hư vô, hoang đản cũng là một tồn tại của chân thực. Nhận xét về cách viết của Diêm Liên Khoa, giáo sư Vương Đức Uy (Wang Dewei), Đại học Havard, viết: “Phương thức đầu tiên mà Diêm Liên Khoa lựa chọn không phải là rơi nước mắt xót thương như văn học vết thương đã làm, cũng không coi nó là hư vô chủ nghĩa như cách nhìn của văn học tiền phong, ông coi Cách mạng văn hóa là một tấn bi hài kịch đẫm máu và nước mắt, mà bất kì ai trong hoàn cảnh đó cũng phải bộc lộ rõ chân tướng bản chất của mình, kể cả những gì xấu xa nhất”[8].

Viết, như một cách thế sống

Không ai có thể phủ nhận, sức thu hút và nét độc đáo của tiểu thuyết Diêm Liên Khoa đầu tiên là ở nội dung sắc nhọn. Những tiểu thuyết tiêu biểu của ông đều khai thác sâu những vấn đề nhạy cảm của xã hội. Thụ hoạt (2003) miêu tả thế giới của những người tàn tật bị lãng quên, Đinh trang mộng (2006) kể về những người dân trong thôn bị bệnh AIDS, Phong nhã tụng (2008) xoay quanh câu chuyện một giáo sư đại học với căn bệnh trầm kha của người trí thức… tất cả đều từ vốn sống thực tế, sự trải nghiệm tự thân của nhà văn. Có những tiểu thuyết vấp phải sự cấm đoán của chính quyền như Thụ hoạt (2003), Vì nhân dân phục vụ (2004); Đinh trang mộng (2006), hoặc gây ra những tranh luận trái chiều như Phong nhã tụng (2008). Nhưng dù khen hay chê, hầu hết các ý kiến đều đánh giá những tác phẩm trên của Diêm Liên Khoa là kiệt tác. Thiêm Hữu Thuận nhận xét: “Lối viết của Diêm Liên Khoa xứng đáng được xem trọng, ông có đủ sự dũng cảm, và là tác gia đã nêu ra những vấn đề quan trọng trong thời đại của chúng ta”[9]. Hơn ai hết, Diêm Liên Khoa nhận thức rõ sự “thừa thãi của nhà văn” trong “thế giới hỗn loạn này” – như cách nói của ông, nhưng, cũng chính ông là người tin tưởng sâu sắc bản thân và các sáng tác của mình có “ý nghĩa không thể thay thế được”. Sự viết, với Diêm Liên Khoa, là một cách thế sống, bởi “Sống là không thể không viết và tất yếu phải viết”[10]. Diêm Liên Khoa tin tưởng rằng, “chỉ có văn học mới có thể phát hiện ra ánh sáng, vẻ đẹp, sự ấm áp yếu ớt nhất và tình yêu thành thực từ trong bóng tối. Cho nên, mọi cố gắng của tôi, đều là cố gắng từ trong bóng tối cảm nhận sinh mệnh và hơi thở của con người, cảm nhận ánh sáng, vẻ đẹp, sự ấm áp và thương xót vĩ đại ấy”[11]. Có thể nói, dù thành danh muộn trên văn đàn, nhưng trong việc khai thác các vấn đề nóng bỏng của xã hội, đối diện và dũng cảm phản ánh hiện thực đời sống Trung Quốc hiện nay, Diêm Liên Khoa là một người tiên phong.


[1] Diêm Liên Khoa, “Sứ mệnh với bóng tối”, Diễn từ nhận giải thưởng văn học Kafka 2014, Minh Thương dịch, nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/su-menh-voi-bong-toi.

[2] Diêm Liên Khoa, “Sứ mệnh với bóng tối”, Tlđd.

[3] Diêm Liên Khoa, “Sứ mệnh với bóng tối”, Tlđd.

[4] Diêm Liên Khoa, “Sứ mệnh với bóng tối”, Tlđd.

[5] Diêm Liên Khoa, Diêu Hiểu Lôi, “Viết là vì sự chán ghét và sợ hãi đối với đời sống, Tạp chí Bình luận tác gia đương đại, kỳ 2, 2004.

[6] Hùng Tu Vũ, “Diêm Liên Khoa với văn học Trung Quốc đương đại”, Văn học đương đại, Văn nghệ tranh minh, 2010/12.

[7]Diêm Liên Khoa, Thạch Nhất Long, “Tiểu thuyết của tôi là lương tri của cá nhân tôi – Phỏng vấn Diêm Liên Khoa”, Tuần báo Nhân vật, 26/11/2001.

[8] Dẫn theo Nguyễn Thị Minh Thương, “Diêm Liên Khoa, gương mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc đương đại”, nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/Chan-dung/Diem-Lien-Khoa-guong-mat-tieu-bieu-cua-van-hoc-Trung-Quoc-duong-dai-1962.html.

[9] Dẫn theo Nguyễn Thị Minh Thương, “Diêm Liên Khoa, gương mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc đương đại”, Tlđd.

[10] Diêm Liên Khoa, Lời tựa 3 cho tiểu thuyết Kiên ngạnh như thủy, Nguyễn Thị Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà Văn, TT Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây, 2014, tr. 13.

[11] Diêm Liên Khoa, “Sứ mệnh với bóng tối”, Tlđd.