Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Vòng tròn ma thuật (kỳ 2)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

5.

Hành lang của cái nhà tù mới xây này có những chiếc đèn rất sáng. Một luồng ánh sáng thiếu sinh khí, sáng đến loá mắt rọi lên những bức tường màu trắng, những cửa sổ phòng giam với những tấm bìa các tông ghi tên tù nhân, những lỗ nhòm màu đen và khung sắt của tầng hai. Cái ánh sáng chói chang, nhạt nhẽo và tiếng bước chân trên nền đá lát không có tiếng vọng này có vẻ quen thuộc với Rubashov đến nỗi ảo giác của cơn ác mộng kéo dài hồi đêm như chợt hiện về trong tâm trí. Anh tìm mọi cách thuyết phục mình rằng tất cả những chuyện đang diễn ra đều không thực. “Nếu ta tin rằng mình đang ngủ”, anh nghĩ, “thì tất cả những cái này sẽ như một giấc mơ”. Anh đã tự thuyết phục mình một cách ráo riết đến nỗi đầu tự nhiên choáng váng và anh cảm thấy xấu hổ vô cùng. “Đã tự nhận là cứu tinh thì hãy mang lấy cây thập giá”, anh nghĩ. “Đến phút chót”. Chẳng bao lâu sau viên giám thị đã dừng bước, cửa phòng 404. Bên trên lỗ nhòm có treo một cái biển màu trắng với hàng chữ: Nikolai Zalmanovitch Rubashov. “Bài bản đấy”, anh tự nhủ; phòng giam có sẵn tên tuổi treo ngoài cửa làm anh choáng váng. Anh định bảo viên giám thị mang cho thêm một cái chăn, nhưng cửa đã rít lên ken két và đóng sập lại.

6.

Viên giám thị thỉnh thoảng lại nhìn qua lỗ nhòm. Rubashov vẫn nằm im trên giường, chỉ có lòng bàn tay buông xuống sát nền nhà là khẽ động đậy; ở dưới chân giường có những mẩu tàn thuốc lá và cái kính không gọng.

Bảy giờ, tức là hai tiếng đồng hồ sau khi Rubashov được đưa vào phòng giam, anh bỗng giật mình thức giấc bởi một hồi còi kéo dài. Không bị những giấc mơ thường nhật hành hạ, anh cảm thấy phấn chấn hơn. Tiếng còi báo thức rúc lên ba lần. Sau hồi còi thứ ba, buồng giam lại chìm vào im lặng nặng nề. Một ngày mùa đông vừa mới bắt đầu, ánh bình minh nhợt nhạt làm nhoà đi hình thù của cái thùng gỗ, cái chậu rửa cùng cái vòi nước. Tấm lưới thép màu đen như được in vào khung cửa sổ hình vuông mờ ảo; phía trên, về bên trái có một tấm kính vỡ nhưng đã được ai đó cuộn tờ báo nhét vào. Rubashov nhặt cái kính và đầu mẩu thuốc lá lên nhưng sau đó lại nằm dài ra giường. Anh đeo kính và bật diêm. Căn phòng vẫn yên ắng như cũ. Trong tất cả các tầng quét vôi của cái tổ ong to lớn xây bằng đá này mọi người đã được đánh thức, cùng vùng dậy và bước vào ngày mới với những lời rủa xả. Nhưng những người trong phòng biệt giam thì không nghe thấy gì hết, ngoại trừ tiếng bước chân của cai ngục bên ngoài hành lang. Rubashov biết rằng anh sẽ phải ở trong những phòng biệt giam như thế này cho đến ngày ra pháp trường. Rubashov nằm ngửa, vừa chậm rãi nhả khói vừa lấy tay mân mê chòm râu ngắn.

“Nghĩa là đòm”, Rubashov tự nhủ. Mắt lúc lúc lại chớp chớp, nhưng anh vẫn nằm yên nhìn mấy ngón chân trên cái bàn chân dựng đứng trước mặt. Anh cảm thấy bình thản; lúc ấy anh đã mệt lắm và chỉ muốn ngủ để trượt dần vào cái chết, như trượt vào giấc mơ mà không phải chui ra khỏi cái chăn tù này. “Nghĩa là người ta sắp bắn nhà ngươi.” Rubashov nhủ thầm với mình như thế. Anh khẽ cử động mấy ngón chân bên trong tất và chợt nhớ đến bài thơ ví những ngón chân của Chúa như những con hoẵng trắng trong một khu rừng nhỏ. Anh tháo kính và lau vào ống tay áo với một động tác mà tất cả đàn em đều biết rõ. Anh cảm thấy ấm cúng và có thể nói là hạnh phúc, anh sợ mỗi một việc, đấy là phải dậy và đi. “Nghĩa là người ta sắp tiêu diệt nhà ngươi”, anh lẩm bẩm và lại lấy một điếu thuốc nữa ra hút mặc dù anh biết rằng chỉ còn tất cả ba điếu nữa thôi. Điếu thuốc đầu, khi dạ dày còn rỗng bao giờ cũng làm anh ngây ngất; còn lúc này, chính anh cũng đang thấy phấn chấn, một trạng thái tình cảm luôn dâng trào trong anh mỗi khi đối diện với cái chết. Đã có thời anh cho thế là không tốt, thậm chí hoàn toàn không chấp nhận được, nhưng lúc này anh không nghĩ như thế. Anh lại nhìn mấy ngón chân đang động đậy trong tất. Và mỉm cười. Tình thương đối với chính cơ thể của mình, cái cơ thể mà lâu nay anh vẫn tỏ ra bàng quan, bỗng trào dâng trong lòng; nhưng khi nghĩ đến cái chết không thể tránh khỏi thì anh lại thấy cay đắng. “Đội vệ binh già sẽ chết”, anh thì thầm. “Chúng ta là cuối cùng”. “Chúng ta rồi sẽ chết”. “Sẽ thành tro bụi... tương lai”. Anh cố gắng ôn lại nhạc điệu câu “Sẽ thành tro bụi...”, nhưng chỉ nhớ được lời thôi. “Đội vệ binh già sẽ chết”, anh nhắc lại và cố gắng tưởng tượng hình ảnh của những vệ binh già đó. Nhưng chỉ nhớ được vài người. Ông chủ tịch đầu tiên của Quốc tế, người bị tử hình vì tội phản bội, chỉ còn để lại trong tâm trí anh hình ảnh cái bụng bự sau tấm áo gilê kẻ ô. Ông luôn mang thắt lưng da chứ không bao giờ đeo dây. Ông Thủ tướng thứ hai của Nhà nước Cách mạng, cũng đã bị hành quyết, thì luôn cắn móng tay mỗi khi gặp nguy hiểm... Lịch sử sẽ biện hộ cho các vị, Rubashov nghĩ, nhưng anh cũng chẳng tin chuyện này lắm. Lịch sử thì có liên quan gì với những kẻ cắn móng tay? Anh vừa rít thuốc vừa nghĩ đến những người đã chết và cảnh đoạ đầy mà họ phải chịu trước khi chết. Anh không căm thù Anh Cả mặc dù ông ta đáng bị như thế. Anh vẫn thường nhìn lên bức chân dung ông ta treo ngay trên đầu giường và cố gắng tạo trong lòng tình cảm thù địch với ông ta. Họ đã gọi ông ta bằng nhiều tên khác nhau nhưng cuối cùng thì cái tên Anh Cả đã được giữ lại. Nỗi kinh hoàng mà ông ta gây ra cho họ trước hết là vì ông ta có thể đúng, tất cả những người ông ta giết, ngay cả khi viên đạn đã nằm trong gáy, cũng phải công nhận rằng ông ta có thể đúng. Không ai dám chắc như thế; chỉ có cái mà họ gọi là Lịch sử, nhưng Lịch sử lại chỉ đưa ra lời phán quyết sau khi tất cả những người bị kết án đã thành tro bụi từ lâu.

Rubashov bỗng cảm thấy có người đang quan sát mình qua lỗ nhòm. Không cần nhìn anh cũng biết rằng có một con mắt đang áp sát vào lỗ nhòm để theo dõi buồng giam; rồi có tiếng tra chìa khoá vào ổ. Phải một lúc sau cánh cửa mới mở. Giám thị, một lão già thấp bé, chân đi săng–đan, đứng ngay cạnh cửa, hỏi:

“Tại sao anh không dậy?”

“Tôi bị ốm”, Rubashov đáp.

“Mai anh mới được gặp bác sĩ. Mà bệnh gì thế?” “Đau răng”, Rubashov nói.

“Răng à?”, viên giám thị hỏi rồi đóng sập cửa lại.

Bây giờ thì mình có thể ngủ được, Rubashov tự nhủ, nhưng tâm trí đã không còn được bình tĩnh như trước nữa. Hơi ấm mốc meo của cái chăn tù làm anh khó chịu. Anh tung chăn ra và lại tiếp tục quan sát cử động của mấy ngón chân, nhưng cảm giác bực bội lại càng tăng thêm. Cả hai cái tất đều có lỗ thủng ở gót. Anh muốn vá tất, nhưng nghĩ rằng phải gõ cửa và phải xin viên giám thị kim chỉ thì anh thối chí; chắc chắn là họ không cho kim đâu. Giá có một tờ báo lúc này thì tuyệt biết mấy. Anh rất muốn được ngửi mùi mực in, rất muốn được nghe tiếng sột soạt của trang giấy. Có thể một cuộc cách mạng đã nổ ra đêm qua, có thể người đứng đầu một nhà nước nào đó đã bị giết hay người Mỹ đã tìm được cách vượt qua được lực trọng trường. Vụ bắt giữ anh có thể chưa được đăng; nó có thể được giữ kín trong nước một thời gian, nhưng tin tức sẽ lọt ra nước ngoài ngay lập tức, người ta sẽ cho đăng những bức ảnh lấy từ những tờ báo ra cách đây mười năm và họ sẽ viết đủ thứ nhảm nhí về quan hệ giữa anh và Anh Cả. Lúc này thì anh không còn muốn đọc báo nữa, nhưng anh lại rất muốn biết trong đầu Anh Cả đang nghĩ gì. Anh như trông thấy ông ta ngồi cạnh một cái bàn dài, nặng nề và nhăn nhó, khuỷu tay chống lên mặt bàn và đang chậm rãi đọc cho một người thư ký chép. Khi đọc như thế những người khác thường đi đi lại lại, thả những vòng khói tròn hoặc mân mê một cái thước. Nhưng Anh Cả không đi lại, không mân mê thước, không nhả khói... Thế rồi bỗng nhiên Rubashov thấy mình cũng đang đi đi lại lại, hoá ra anh đã đứng lên khoảng năm phút rồi mà không biết. Anh nhận ra thói quen cũ của mình là không bao giờ bước lên cạnh của những viên gạch lát nền, anh đã nhớ nằm lòng cách lát nền từ lâu. Nhưng ý nghĩ về Anh Cả vẫn lởn vởn trong đầu, và dần dần cái người ngồi bên chiếc bàn dài và đang đọc một cách bất động đó đã biến thành bức chân dung của chính ông ta, một bức chân dung với đôi mắt lạnh lùng mà ai cũng biết và được treo ngay trên đầu giường trong tất cả mọi gia đình.

Rubashov tiếp tục đi đi lại lại trên con đường nằm giữa chiếc thùng gỗ bên cạnh chậu rửa mặt và giường ngủ, từ cửa sổ đến cửa đi, vào rồi lại ra, bao giờ cũng đúng sáu bước rưỡi. Theo thói quen từ khi ở tù những lần trước, khi bước đến gần cửa anh quay phải, còn khi đến gần cửa sổ thì anh quay trái; nếu anh không đổi hướng thì thế nào cũng bị chóng mặt. Anh Cả đang nghĩ gì trong óc nhỉ? Trong tâm trí anh bỗng hiện ra bức tranh về một lát cắt xuyên qua bộ não đó, đấy là bức tranh màu xám trên một tờ giấy trải căng ra và được ghim trên giá vẽ. Những đường cong màu xám phồng lên như những khúc ruột và quấn vào nhau như những con rắn, sau đó chúng trở nên nhạt nhòa giống như như những tinh vân trên các bản đồ thiên văn... Điều gì đang diễn ra trong những đường cong màu xám đang trương phồng lên thế kia? Con người đã biết rõ những tinh vân xa xôi kia nhưng chẳng biết gì về những đường cong nọ. Có lẽ chính vì thế mà lịch sử vẫn có nhiều bí ẩn hơn khoa học. Có thể sau đây, rất lâu sau đây, lịch sử sẽ được dạy bằng các con số thống kê cùng với những mặt cắt giải phẫu học như thế này cũng nên. Lúc đó thầy giáo sẽ vừa viết lên bảng công thức toán học biểu hiện điều kiện sống của dân chúng tại một nước cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể, vừa nói: “Công thức này cho chúng ta thấy các yếu tố khách quan quyết định tiến trình lịch sử này”. Sau đó ông ta sẽ lấy thước chỉ vào khoảng xám mờ ảo giữa thùy hai và thùy ba của óc Anh Cả và nói thêm: “Còn đây là biểu hiện chủ quan của các yếu tố đó. Chính điều này đã dẫn đến việc thiết lập chế độ toàn trị tại Đông Âu trong nửa đầu thế kỷ XX”. Khi lịch sử chưa trở thành khoa học thì chính trị vẫn sẽ chỉ là loại hoạt động nghiệp dư đẫm máu, chỉ là trò mê tín dị đoan và bịp bợm...

Rubashov nghe thấy tiếng chân đều bước ngoài hành lang. Ý nghĩ đầu tiên vụt hiện trong óc: bắt đầu tra tấn đây. Anh đứng lại giữa phòng giam, tai căng lên nghe ngóng. Tiếng chân bỗng ngừng lại trước cửa phòng bên cạnh, mệnh lệnh được ban ra, rồi có tiếng chìa khóa xoay trong ổ. Sau đó tất cả trở lại im lặng như cũ.

Rubashov đứng như trời trồng, nín thở và chờ đợi tiếng hét đầu tiên. Anh nhớ rằng chính tiếng hét đầu tiên, đấy là lúc người ta hét lên vì sợ là chính chứ không phải vì đau, là khủng khiếp nhất. Sau đó thì nhẹ nhàng hơn, người nghe sẽ quen ngay, thậm chí còn có thể đoán được cách thức tra tấn qua tiếng rên la. Trước khi kết thúc, đa số người, dù tính cách và giọng nói có khác nhau đến đâu, cũng đều hành xử giống nhau: tiếng la hét nhỏ dần và biến thành tiếng rên tắc nghẹn trong cổ họng. Thường thì ngay sau đó sẽ có tiếng đóng cửa. Rồi lại có tiếng vặn chìa khoá và tiếng la hét của nạn nhân tiếp theo thường vang lên trước cả khi bị tra tấn, vừa thấy bóng dáng bọn đao phủ là họ đã hét lên rồi.

Rubashov đứng giữa phòng và căng thẳng chờ đợi tiếng thét đầu tiên. Anh chậm rãi lau kính vào ống tay áo và tự nhủ rằng lần này, dù bị tra tấn thế nào anh cũng không la. Anh nhắc đi nhắc lại câu đó như đang vừa lần tràng vừa cầu kinh vậy. Anh đứng đợi như thế một lúc nhưng vẫn không nghe tiếng kêu. Chỉ nghe tiếng tra chìa khoá, tiếng người thầm thì và tiếng đóng cửa. Tiếng chân bước lại vang lên, họ đi sang phòng kế tiếp.

Rubashov bước lại phía cửa sổ và ghé mắt nhìn. Có mấy người đàn ông đang đứng cạnh cửa phòng 407, đối diện với phòng anh. Đấy là người giám thị già và ba tạp vụ, hai người xách bình trà, người thứ ba thì xách một cái giỏ bánh mì đen, bên cạnh còn có hai người lính súng lục lăm lăm trong tay. Hóa ra không phải tra tấn mà là họ đang phát bữa ăn sáng...

Người ta đưa bánh mì cho 407. Nhưng Rubashov không nhìn thấy anh ta. Chắc là theo qui định, anh ta phải đứng cách cửa ra vào một bước chân; Rubashov chỉ nhìn thấy hai bàn tay và hai cánh tay của anh ta mà thôi. Hai cánh tay để trần và rất gầy, y như hai cái que thò ra bên ngoài hành lang. Hai bàn tay thì khum lại vì đang giữ cái bát. Anh ta nắm chặt lấy phần ăn và rút tay vào ngay lập tức. Cửa buồng giam đóng sập lại.

Rubashov không nhìn nữa. Anh đeo kính lên rồi hít một hơi thật dài, thâm tâm cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Rồi, trong khi chờ bữa ăn sáng đầu tiên, anh tiếp tục vừa đi vừa huýt sáo. Nhưng anh lại cảm thấy hơi lo, dù không biết tại sao, khi nhớ lại đôi cánh tay gầy và bàn tay khum khum của người tù trong buồng giam 407. Cảnh tượng hai bàn tay giơ ra và ngay cả những cái bóng mờ trên đó cũng có vẻ như rất thân thuộc với anh, rất thân thuộc nhưng đã tuột khỏi trí nhớ của anh, giống như một đoạn nhạc xưa cũ hay mùi của một đoạn phố hẹp gần hải cảng vậy.

7.

Cánh cửa các phòng giam bên cạnh cứ lần lượt mở rồi đóng, nhưng phòng anh thì không. Rubashov bước lại gần cửa để nhìn xem họ đã đến chưa; không hiểu sao anh lại thèm một ly trà nóng đến thế. Lúc nãy anh đã nhìn thấy bình trà đang bốc khói và mấy lát chanh nổi lều bều trên mặt nước. Anh tháo kính và ghé sát mắt vào lỗ nhòm. Anh có thể nhìn thấy bốn buồng giam đối diện, từ số 401 đến số 407. Phía trên có một hàng lan can thép, đằng sau nó là các phòng giam tầng hai. Đoàn người đang quay trở lại, lần này theo phía bên phải; thì ra họ phát bữa sáng cho dãy bên trái trước, bây giờ đến lượt dãy phải. Lúc này họ đã đứng ngay trước buồng 408; Rubashov chỉ nhìn thấy lưng của hai người mặc sắc phục có đeo súng lục bên hông, những người khác đứng xa hơn, anh không nhìn thấy họ. Cánh cửa đã đóng lại; lúc này họ đi sang phòng 406. Rubashov lại trông thấy bình trà và người tạp vụ với cái giỏ chỉ còn vài lát bánh mì. Họ không dừng lại trước buồng 406, phòng này còn trống. Đoàn người đến gần rồi đi ngang qua cửa phòng anh rồi dừng lại trước buồng 402.

Rubashov lấy tay đập ầm ầm vào cánh cửa. Hai người tạp vụ cầm bình trà nhìn nhau rồi nhìn về phía cửa buồng anh. Còn người giám thị thì đang mở khoá buồng 402 và làm ra vẻ như không nghe thấy gì. Hai người mặc đồng phục đứng quay lưng lại cửa sổ buồng Rubashov. Bánh mì đã được đưa qua cửa buồng 402; đoàn người chuẩn bị đi tiếp. Rubashov đập càng dữ dội hơn. Anh tháo giày và rồi cứ đế giày mà nện liên hồi vào cánh cửa.

Anh chàng mặc đồng phục cao lớn hơn ngoái đầu lơ đãng nhìn cửa buồng Rubashov. Người giám thị đóng cửa buồng 402. Hai người tạp vụ xách bình trà lưỡng lự trong giây lát. Không biết anh chàng mặc đồng phục vừa ngoái lại nói gì đó với người giám thị già, chỉ thấy người này nhún vai rồi chậm chạp đi về phía buồng Rubashov. Hai người tạp vụ mang trà đi theo ông ta, còn người xách bánh mì thì đứng lại nói gì đó với người tù buồng 402.

Rubashov lùi lại, anh bỗng không còn thấy thèm ăn, cũng không có nhu cầu uống trà nữa. Bình nước đã không còn bốc khói, mấy lát chanh nổi lều bều trên mặt nước màu vàng nhạt trông như đã rũ ra và dúm dó đến thảm hại.

Có tiếng chìa khoá quay trong ổ, một con mắt ghé sát lỗ nhòm trong vài giây rồi lập tức biến mất. Cánh cửa bật mở. Rubashov ngồi trên giường và đang đi giày. Người giám thị giữ cửa để cho anh chàng mặc đồng phục cao lớn bước vào buồng giam. Anh ta có một cái đầu tròn, cạo trọc và đôi mắt trống rỗng, vô hồn. Bộ đồng phục còn cứng kêu sột soạt, khi anh ta bước đôi giày đinh cũng kêu cót két; Rubashov có cảm giác như ngửi thấy mùi da thuộc còn mới. Anh ta dừng lại trước cái thùng gỗ rồi đưa mắt nhìn khắp lượt buồng giam, cái buồng giam có vẻ như nhỏ lại sau khi anh ta bước vào.

“Anh chưa dọn phòng”, anh ta nói. “Chắc anh biết nội qui buồng giam chứ?”

“Tại sao tôi lại không được ăn sáng?”, Rubashov vừa nói vừa nhìn viên sĩ quan qua chiếc kính không gọng.

“Nếu anh muốn đề đạt gì thì phải đứng dậy”, viên sĩ quan bảo.

“Tôi chẳng có gì để nói hay đề đạt với anh”, Rubashov vừa đáp vừa buộc dây giày.

“Thế thì đừng đập cửa nữa, nếu không những biện pháp kỷ luật trại giam sẽ được áp dụng đấy”, viên sĩ quan đáp. Anh ta lại nhìn buồng giam một lần nữa. “Tù nhân không có giẻ lau buồng”, viên sĩ quan vừa nói vừa quay lại phía người giám thị.

Không biết người giám thị nói gì đó với anh chàng tạp vụ chuyên xách bánh mì, chỉ thấy người này lập tức chạy dọc hành lang. Hai người tạp vụ còn lại đứng trước cửa tò mò nhìn căn phòng. Người sĩ quan thứ hai đứng chống nạnh, lưng quay về phía phòng Rubashov.

“Tù nhân còn không có cả bữa sáng nữa”, Rubashov vừa thắt giây giày vừa nói. “Các anh định bắt tôi nhịn đói chứ gì? Biện pháp của các anh tuyệt vời đấy nhỉ.”

“Anh lầm rồi”, viên sĩ quan vẫn nói một cách đều đều như cũ. Rubashov nhìn thấy một vết sẹo rộng trên cái đầu trọc và cuống chiếc Huân chương Cách mạng trên ngực. “Hoá ra mày cũng từng tham gia nội chiến đấy”, Rubashov tự nhủ. Nhưng chuyện đó đã qua lâu rồi, bây giờ thì có ý nghĩa gì...

“Anh lầm rồi. Anh không được ăn sáng vì chính anh nói là bị ốm.”

“Anh ta bị đau răng”, người giám thị, lúc đó đang đứng tựa

lưng vào cánh cửa, nói. Anh ta vẫn đi đôi dép và mặc bộ đồng phục nhàu nát, đầy vết dầu mỡ như cũ.

“Thôi được”, Rubashov nói. Anh rất muốn hỏi liệu việc buộc bệnh nhân nhịn đói có phải là biện pháp chữa bệnh mới nhất của chế độ hay không, nhưng đã kìm lại được. Câu chuyện đã làm anh chán ngấy rồi.

Người tạp vụ chuyên giữ bánh mì chạy vào và đưa cho người giám thị một chiếc giẻ lau bẩn. Viên giám ngục vứt chiếc giẻ lau vào góc buồng, ngay cạnh cái thùng gỗ.

“Anh còn có đề nghị gì nữa không?”, viên sĩ quan hỏi, giọng nói tỏ ra cực kì nghiêm túc.

“Hãy để cho tôi yên và thôi trò đóng kịch này đi”, Rubashov đáp. Viên sĩ quan quay ra, còn người giám thị thì giơ chùm chìa khoá lên. Rubashov quay vào và đi đến bên cửa sổ. Khi cánh cửa vừa đóng sập lại thì cũng là lúc Rubashov hiểu rằng mình vừa quên một việc quan trọng nhất, anh lao về phía cánh cửa và lấy tay đấm thật mạnh.

“Cho xin mấy tờ giấy và một cái bút chì”, Rubashov gào lên. Rồi anh gỡ kính và dán mắt vào lỗ nhòm để nhìn xem họ có dừng lại hay không. Mặc dù anh đã gào đến vỡ họng nhưng đám người vẫn tiếp tục đi như không có gì xảy ra. Đoàn người đi xa dần, cuối cùng anh chỉ còn nhìn thấy lưng của viên sĩ quan có cái đầu trọc và chiếc thắt lưng da rộng bản với khẩu súng lục lủng lẳng ngang hông.

8.

Rubashov tiếp tục đi bách bộ; sáu bước rưỡi đi ra, rồi sáu bước rưỡi đi vào. Sự kiện vừa rồi đã làm anh lo lắng; vừa lau kính vào ống tay áo anh vừa hồi tưởng lại toàn bộ câu chuyện. Anh căm thù cái tay sĩ quan có vết sẹo ở trên đầu, nếu có thể giữ mãi trong lòng mối thù này thì tốt biết mấy, nó sẽ làm cho anh cứng rắn hơn trong cuộc đấu tranh sẽ diễn ra nay mai. Nhưng anh lại có một thói quen tai hại là luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện và xem xét mọi vật theo quan điểm của họ. Hãy tưởng tượng một tay Rubashov nào đó, dáng người nhỏ thó, râu ria sồm soàm, vẻ mặt bất cần đời, vẫn ngồi trên giường khi người lạ bước vào, rồi lại còn cố tình trưng ra đôi giày với mấy cái tất ướt nữa! Dĩ nhiên tay Rubashov này đã có nhiều cống hiến và một quá khứ oai hùng; nhưng đứng trên diễn đàn đại hội là một việc, còn ngồi trong buồng giam thì lại là việc hoàn toàn khác rồi. “Lão Rubashov huyền thoại đấy”, chắc tay sĩ quan với đôi mắt đờ đẫn, vô hồn đã nghĩ như thế. “Kêu khóc đòi ăn chẳng khác gì một thằng học trò, thật không biết xấu hổ là gì. Phòng thì bẩn. Tất thì rách. Đúng là loại dài lưng tốn vải. Lại còn định làm loạn: vì lý tưởng hay vì tiền thì cũng thế cả thôi. Chúng ta không làm cách mạng vì những loại người như thế. Đúng là hắn đã từng giúp đỡ cách mạng; nhưng đấy là ngày xưa, khi hắn còn ra hồn người cơ; còn bây giờ hắn đã trở thành một lão già tự mãn vô tích sự, chết là đáng rồi. Mà có thể ngay lúc đó hắn đã như thế rồi; thời cách mạng thiếu gì bọn hăng tiết vịt, rã đám ngay ấy mà. Nếu có lòng tự trọng thì hắn đã dọn buồng giam.”

Rubashov lưỡng lự không biết có cần lau sàn nhà không. Anh đứng giữa phòng giam như thế một lúc, sau đó anh đeo kính lên rồi đi lại gần cửa sổ.

Trời đã sáng rõ, ánh ngày màu xám nhạt làm dịu đi phần nào cái màu vàng gay gắt của đèn pha trong sân trại; hôm nay chắc là sẽ có tuyết. Bây giờ là gần tám giờ, nghĩa là anh

vào đây mới có ba tiếng đồng hồ. Mấy bức tường xung quanh sân trông như những bức tường doanh trại quân đội; các cửa sổ được chắn lưới thép tối om om, không thể nào nhìn vào trong được. Có thể sau mỗi cái cửa sổ đó đều có một người đang đứng và nhìn ra sân, như anh, nhưng anh không thể nào nhận ra được. Tuyết trên sân trắng và đẹp quá, bề mặt có một lớp băng mỏng, nếu ta bước lên đó thì sẽ có tiếng lạo xạo dưới chân. Dọc con đường cách tường chừng mươi bước chân xung quanh sân thỉnh thoảng lại có những chỗ tuyết được vun thành đống. Người lính gác vẫn đi đi lại lại như cũ. Một lần, khi quay lại anh hơi ngửa mặt và nhổ nước bọt, làm thành một hình vòng cung rộng trước khi rơi xuống sân tuyết trắng, người lính tò mò cúi xuống, nhìn theo.

“Một chứng bệnh cũ”, Rubashov chợt nghĩ. “Người cách mạng không thể đặt mình vào vị trí của người khác.”

“Hay có thể? Thậm chí họ còn cần phải làm như thế?

Cải tạo làm sao được thế giới nếu suốt ngày đặt mình vào vị trí của kẻ khác?

Người ta còn có thể cải tạo thế giới bằng cách nào?

Một người hiểu biết và sẵn sàng tha thứ – liệu có dám kiên quyết hành động hay không?”

“Họ sẽ bắn mình thôi”, Rubashov tự nhủ. “Chẳng ai thèm quan tâm đến động cơ của mình.” Anh gục đầu vào thành cửa sổ. Mảnh sân vẫn ánh lên một màu trắng lấp lánh và yên tĩnh như cũ.

Anh đứng như thế một lúc, để mặc cho cái lạnh của tấm kính xâm nhập vào trán, lòng tịnh không nghĩ đến một điều gì khác. Dường như có tiếng động, đúng là có tiếng gõ nhẹ nhưng gấp gáp đang vang lên đâu đây, ngay trong buồng giam này.

Anh quay lại và chăm chú lắng nghe. Tiếng gõ nhẹ đến nỗi ban đầu anh không biết nó xuất phát từ mé tường bên trái hay mé tường bên phải. Anh vừa chú tâm lắng nghe thì tiếng gõ chợt ngừng. Thế là anh bắt đầu tự gõ, ban đầu anh gõ vào bức tường ngay cạnh cái thùng gỗ, bên kia là buồng 406, nhưng không thấy trả lời. Anh quay sang bức tường đối diện, cạnh cái giường ngủ, bên kia là buồng 402. Có tiếng đáp. Rubashov ngồi xuống chiếc giường sắt, mắt nhìn chằm chằm vào lỗ nhòm, tim đập thình thịch. Tiếp xúc đầu tiên bao giờ cũng hồi hộp như thế cả.

402 bắt đầu gõ một cách đều đặn, ba tiếng cách nhau một quãng ngắn, ngưng, rồi lại ba tiếng nữa, ngưng và ba tiếng nữa. Rubashov trả lời bằng cách nhắc lại đúng ba nhịp như thế để tỏ ra rằng anh đã nghe thấy. Anh sốt ruột chờ đợi, liệu người kia có biết cách truyền tín hiệu kiểu này hay không, nếu anh ta không biết thì mất công lắm. Bức tường dày và cách âm khá tốt thành ra để nghe rõ anh phải ghé sát tai vào tường đồng thời không được rời mắt khỏi lỗ nhòm. Nhưng hoá ra 402 là người có nhiều kinh nghiệm; anh ta gõ bằng một cái gì đó khá cứng, có thể là một cái bút chì, tiếng gõ dứt khoát, chậm rãi. Đã lâu Rubashov không phải làm như thế này, anh phải vừa nghe vừa cố nhớ lại cái bảng hình vuông có năm ô nằm ngang, mỗi ô là một chữ cái. 402 gõ năm tiếng, nghĩa là hàng thứ năm: từ V đến Z; sau đó lại gõ hai tiếng, nghĩa là chữ cái thứ hai trong hàng này: W. Ngừng một lúc lại gõ hai tiếng, hàng thứ hai đây, từ F đến J, rồi lại ba tiếng gõ nữa, nghĩa là chữ thứ ba trong hàng này: H. Sau đó lại gõ ba tiếng và năm tiếng; chữ thứ năm trong hàng thứ ba: O. Tiếng gõ ngừng hẳn.

WHO ?

“Một người thực tế”, Rubashov tự nhủ. “Anh ta muốn biết ngay là mình đang nói chuyện với ai”. Đúng ra, theo qui ước thì phải hỏi xem người đối thoại thuộc đảng phái nào, sau đó thì đến tin tức, rồi tới thuốc lá, thức ăn; mãi sau này, nhiều ngày sau, nếu chuyện đó có thể tiếp tục, thì người ta mới xưng tên tuổi với nhau. Nhưng Rubashov cũng biết rằng tại những quốc gia khi mà Đảng còn bị săn đuổi chứ chưa nắm quyền thì các đảng viên chỉ được biết bí danh của nhau, mà bí danh lại thay đổi thường xuyên đến nỗi chẳng còn ý nghĩa gì. Nhưng đây là trường hợp khác hẳn. Rubashov lưỡng lự, không biết nên làm thế nào. 402 có vẻ sốt ruột; anh ta nhắc lại: WHO?

Tại sao phải giấu? Rubashov tự nhủ. Anh gõ đầy đủ tên mình: NICOLAS SALMANOVITCH RUBASHOV và ngồi đợi.

Mãi vẫn không thấy trả lời. Rubachov khẽ mỉm cười, anh mường tượng được sự lúng túng của người bạn tù. Một phút, rồi hai phút, vẫn không thấy trả lời; Rubashov nhún vai và đứng dậy. Anh tiếp tục đi bách bộ trong phòng, nhưng mỗi lần đổi hướng anh đều dừng lại một chút và chú ý lắng nghe. Không thấy gì hết. Anh lấy kính lau vào ống tay áo rồi từ từ đi về lỗ nhòm để nhìn ra hành lang.

Hành lang vắng ngắt. Chỉ có ánh đèn vàng vọt, nhạt dần, xung quanh không một tiếng động nhỏ. Tại sao 402 không trả lời?

Có thể anh ta sợ; anh ta sợ Rubashov tố cáo. Có thể anh ta chỉ là một giáo sư hay kỹ sư chưa tham gia hoạt động chính trị bao giờ nên sợ đủ thứ. Chắc chắn là không có kinh nghiệm hoạt động chính trị, nếu có anh ta đã không hỏi tên ngay từ đầu. Bị bắt vì một vụ phá hoại nào đó. Chắc chắn là anh ta bị bắt lâu rồi nên mới gõ thạo như thế, nhưng anh ta vẫn tin là có thể chứng minh rằng mình vô tội. Và vẫn ngây thơ tin rằng với số phận một con người, việc anh ta có tội hay không là quan trọng mà không biết rằng trong một cuộc chơi thì có những thứ còn quan trọng hơn rất nhiều. Có thể là lúc này anh ta đang ngồi trên giường và đang viết bản tường trình thứ một trăm, một bản tường trình chẳng ai thèm đọc hoặc đang viết cho vợ bức thư thứ một trăm mà vợ anh ta cũng chẳng được nhận; rồi vì tuyệt vọng mà anh ta đã để râu, chòm râu đen giống hệt như Pushkin, cũng chẳng thèm rửa mặt và còn thêm thói quen cắn móng tay cũng như bị những giấc mơ tình dục hành hạ nữa. Trong tù sự dằn vặt dữ dội nhất chính là nhận thức rằng mình là một người vô tội, nó làm người ta không thể quen được với hoàn cảnh, nó làm cho người ta nghi ngờ chính đức hạnh của mình... Tiếng gõ vừa đột ngột vang lên đâu đây.

Rubashov ngồi xuống giường và chú ý lắng nghe, nhưng anh đã bỏ mất hai chữ cái đầu tiên. Lần này 402 gõ nhanh hơn và kém dứt khoát hơn lần trước, chắc là anh ta quá hồi hộp:

...NG ĐỜI

“ĐÁNG ĐỜI”

Thật không ngờ. Hoá ra 402 là một người theo quan điểm chính thống. Anh ta căm thù phe đối lập và tin rằng lịch sử đang chạy trên con đường do Anh Cả sáng suốt lựa chọn. Anh ta tin rằng vụ bắt giữ mình chỉ là một sự hiểu lầm, anh ta tin rằng tất cả những tai họa trong mấy năm vừa qua, từ Tây Ban Nha cho đến Trung Quốc, từ những vụ chết đói cho đến việc giết hại đội cận vệ già của cách mạng cũng chỉ là những sai lầm đáng tiếc hoặc là do những kẻ như Rubashov và những tên đối lập quỉ quyệt gây ra mà thôi. Hình ảnh chòm râu đen biến mất, thay vào đó là một người hoàn toàn khác: râu ria nhẵn nhụi, mặt mũi nghiêm trang, buồng giam sạch bóng, theo đúng nội qui trại. Đấy là loại người “bất tri lý”, tranh luận làm gì cho tốn công. Nhưng cắt đứt mối liên hệ duy nhất, mà cũng có thể là cuối cùng, với thế giới cũng không nên.

AI? Rubashov gõ một cách chậm rãi và dứt khoát. Tiếng gõ đáp lại nghe vội vã như díu lại với nhau: KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA ANH

TUỲ ANH, Rubashov trả lời và đứng lên tiếp tục đi bách bộ vì cho rằng cuộc nói chuyện đã chấm dứt. Nhưng tiếng gõ lại vang lên, lần này to hơn và rõ hơn nhiều, chắc là anh chàng 402 đã dùng đế giày đập vào tường cho chắc ăn:

HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!

Hoá ra là như thế, Rubashov tự nhủ. Hoá ra vẫn còn những tên phản cách mạng thật sự chứ không phải như chúng ta nghĩ, không phải là Anh Cả bịa ra để biện hộ cho những thất bại của ông ta. Bên kia bức tường có một tên phản cách mạng thật sự, một nhân chứng sống của Anh Cả, một kẻ đang gào như đáng lẽ hắn phải gào: Hoàng đế vạn tuế...

AMEN, Rubashov vừa gõ vừa khẽ mỉm cười. Lời đáp vang lên ngay lập tức, lần này còn to hơn nữa.

THẰNG KHỐN! Rubashov cảm thấy vui vui. Để thay đổi âm vực, anh tháo kính và lấy rìa kim loại gõ vào tường, tiếng gõ còn chậm rãi hơn và rõ ràng hơn mấy lần trước:

KHÔNG HIỂU RÕ LẮM

402 đã hoá điên. Anh ta liền gõ “ĐỒ CHÓ”, nhưng bỏ quên chữ H. Cơn tức giận bùng phát, anh ta gõ tiếp:

VÌ SAO BỊ BẮT?

Thật là thơ ngây, Rubashov tự nhủ. 402 lại đã có một khuôn mặt khác. Bây giờ trông anh ta giống một sĩ quan cận vệ trẻ, đẹp trai nhưng hơi đần. Có thể anh ta còn đeo cả kính một tròng nữa. Rubashov lại lấy kính gõ vào tường:

LỆCH LẠC VỀ CHÍNH TRỊ

Ngừng một lúc. Chắc là tay sĩ quan đang tìm một câu trả lời thật cay độc. Rồi anh ta gõ:

TUYỆT! BỌN CHÓ BẮT ĐẦU LÀM THỊT NHAU

Rubashov không trả lời. Thôi, đủ rồi; anh đứng lên và tiếp tục đi. Nhưng 402 lại thích tâm sự. Anh ta gõ tiếp:

RUBASHOV...

Anh chàng đã tỏ ra suồng sã rồi đây.

CÓ, Rubashov đáp.

Có vẻ như 402 lưỡng lự một chút, sau đó anh ta gõ một câu dài:

ANH NGỦ VỚI ĐÀN BÀ LẦN CUỐI CÙNG KHI NÀO?

Chắc là anh ta đeo kính; có thể là anh ta dùng kính để gõ và đôi mắt trần đang chớp lia lịa. Nhưng Rubashov không cảm thấy khó chịu. Ít nhất anh ta cũng thể hiện rõ con người thật của mình, điều đó còn thú vị hơn việc anh ta hô khẩu hiệu tôn vinh hoàng đế. Rubashov lưỡng lự vài giây rồi gõ tiếp:

BA TUẦN TRƯỚC

Câu trả lời tiếp liền lập tức:

KỂ ĐI

Quá quắt hết chỗ nói. Rubashov đã định chấm dứt câu chuyện, nhưng sau đó anh nghĩ lại và cho rằng người này có thể hữu ích khi cần liên hệ với người tù ở buồng 400 và những tù nhân khác. Buồng bên trái không có người ở; cắt đứt với anh này thì sẽ mất liên lạc luôn. Rubashov không biết trả lời như thế nào. Sau đó anh chợt nhớ một bài hát tiền chiến, được nghe từ thời sinh viên trong một quán ăn có cả vũ nữ đi tất đen nhảy múa minh họa. Anh khẽ thở dài và lấy kính gõ:

NGỰC TRẮNG NHƯ BỌT LI SÂM BANH ĐẦY...

Anh hi vọng rằng 402 thích. Quả đúng như thế, anh ta giục: TIẾP TỤC. CỤ THỂ VÀO.

Không nghi ngờ gì rằng lúc này anh ta đang hồi hộp vặt râu cằm của mình. Râu anh ta rõ ràng là thưa, phần cuối hơi vểnh lên. Quỉ tha ma bắt hắn đi, hắn là mắt xích duy nhất, cần phải chiều hắn vậy. Bọn sĩ quan thường bàn chuyện gì khi ăn? Gái và ngựa chứ còn gì nữa. Rubashov lau kính vào ống tay áo rồi gõ một cách đầy ý thức:

ĐÙI TO NHƯ ĐÙI NGỰA HOANG.

Hết. Chịu, không thể nào bịa thêm được nữa. Nhưng 402 có vẻ khoái.

TUYỆT!, hắn vui vẻ đáp. Chắc chắn là hắn đã phá lên cười, nhưng Rubashov không thể nào nghe được; chắc chắn là hắn đã vỗ đùi và vui vẻ xoắn chòm râu thưa và vểnh lên của mình, nhưng Rubashov không trông thấy gì. Trước mặt anh chỉ là một bức tường câm lặng.

TIẾP TỤC, 402 lại giục.

Nhưng anh không thể bịa thêm được nữa. HẾT, Rubashov lạnh lùng gõ, nhưng rồi anh hối hận ngay lập tức. Không được làm hắn giận. May là 402 không giận. Hắn tiếp tục gõ:

TIẾP TỤC ĐI...

Rubashov đã thành thạo đến nỗi không cần đếm các tiếng gõ, chúng tự động chuyển hóa thành lời. Anh có cảm giác như nghe rõ lời cầu khẩn của 402. Hắn lại đòi:

TIẾP ĐI – TIẾP ĐI

Rõ ràng là 402 còn khá trẻ, có thể hắn được sinh ra trong một gia đình sĩ quan lâu đời, đã lưu vong và được gửi về nước với một hộ chiếu giả và đang khổ sở lắm. Có lẽ hắn đã đeo kính lên, tay liên tục xoắn râu cằm và nhìn chằm chằm một cách tuyệt vọng vào bức tường trắng trước mặt.

KỂ NỮA ĐI.

Nhìn chằm chằm một cách tuyệt vọng vào bức tường trắng, câm lặng trước mặt; nhìn chằm chằm vào những vết loang lổ trên tường, rồi dần dần từ những vết loang lổ đó bỗng hiện lên hình ảnh người đàn bà ngực như li sâm banh đầy, còn đùi thì không khác gì đùi ngựa cái.

KỂ NỮA ĐI. XIN ÔNG KỂ NỮA ĐI.

Có thể lúc này hắn đang quì trên giường, tay khum lại như hai bàn tay người tù buồng 407 lúc nhận bánh mì cũng nên.

Và Rubashov sực nhớ lại hình ảnh tương tự như thế, đấy là đôi cánh tay cầu khẩn gầy gò đang giơ ra. Pietà ...