Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Khủng hoảng và lật đổ

Orlando Figes

Dũng Vũ dịch

Vị Sa hoàng Nga cuối cùng vẫn ươn ngạnh chối từ mọi cải cách. Khối đông nhà nông đang thèm muốn làm chủ ruộng đất. Ở thị thành, nhóm vận động của phe xã hội đang đuợc chú ý – song chỉ đến khi cuộc tàn sát của thế chiến xảy ra, nước Nga mới đủ chín mùi cho một cuộc nổi dậy của nông dân và Cách mạng Tháng 10.

clip_image002

                                                                       Xe bọc thép quân Bolschewik trước tổng hành dinh Ðảng tại Petrograd (1917). Nguồn: Süddeutscher Verlag

Cuộc cách mạng Nga đã định hình thế giới hôm nay – mà mãi tới giờ này chúng ta mới thoát ra khỏi cái bóng của nó. Hơn cả Thế chiến thứ nhất, cuộc Cách mạng Tháng 10 đã quyết định quá trình thế kỷ 20.

Có thể đồng ý rằng, giả như sau thế chiến không có trận lở đất của cuộc Cách mạng Tháng 10, Âu Châu đã tìm thấy lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng chiến thắng của chủ nghĩa Bolschewik ở Nga và cái hiểm họa nó sẽ tràn lan khắp lục địa trong tình hình bất ổn sau chiến tranh đã khiến giới trung lưu hoảng sợ. Nó đã dọn đường thăng tiến cho chủ nghĩa phát xít và quốc xã với những món nợ khổng lồ từ phương pháp làm cách mạng của người Bolschewik. Và giả như không có chủ nghĩa quốc xã, thì đã không có Thế chiến thứ Hai.

Sau 1945, Xô-viết đã chụp lên đầu Ðông Âu cuộc cách mạng của mình, và gây nên cuộc chiến tranh Lạnh, một di sản trực tiếp của Cách mạng Tháng 10. Nó đã làm các nhà cách mạng Thế giới thứ Ba từ Trung Quốc đến Cuba thích thú cho tới khi giấc mơ Cộng Sản vỡ tan vào những năm 1989-1991.

Sức hấp dẫn của tháng 10 đối với những nhà cách mạng thế giới thứ ba được giải thích chủ yếu từ sự mặc khải của Lenin: một cuộc cách mạng Mác-xít chẳng cần phải chờ đợi giai cấp công nhân cách mạng lớn lên trong lòng xã hội tư bản như phần đông dân Mác-xít đòi hỏi. Bởi cái quá trình dài đăng đẳng ấy có thể trì hoãn chiến thắng của họ đến vô tận hoặc làm hỏng hết chuyện, nếu giai cấp công nhân muốn ban phước lành cho khối tư bản hơn là đạp đổ nó.

Tháng 10 cho thấy, cuộc cách mạng đã thành công nhờ một cuộc đảo chính trực tiếp cộng với điều kiện nông dân được xoa dịu bằng một cuộc cải cách ruộng đất. Kế tiếp là một nền chuyên chế nhà nước có thể bắt tay xây dựng một xã hội "xã hội chủ nghĩa" như kiểu thực hành kỹ thuật.

Muốn hiểu Lenin đã đến với viễn tưởng bất thường này ra sao, chúng ta phải để ý tới hai đặc điểm của lịch sử Nga.

Ðiểm thứ nhất là sức mạnh truyền thống đảo chính của phong trào xã hội Nga – đặc biệt là giới mệnh danh mình là "bạn nhân dân" ("Narodniki") – từ chỗ mà "chủ nghĩa Marx đặc biệt" của Lenin đã nhận được nhiều sức lực cách mạng.

Trước khi tìm ra Marx, Lenin đã trang bị cho mình từ lâu cái ý tưởng "nguyện vọng nhân dân" (Narodnaja wolja) của giới Jakobin (thời cách mạng Pháp 1789). Đó là cách gọi của một mạng lưới ngầm mà anh phiến quân tên là Alexander – tức người anh của Lenin – cũng nằm trong đó cho tới năm 1887 thì bị xử tử vì tội tham gia ám sát … hụt Sa hoàng Alexander III.

clip_image005

Alexander ("Sascha"), anh của Lenin. Năm 1887, chàng thanh niên thiên tài bị xử tử vì tham gia ám sát Sa hoàng Alexander III. Nguồn: Spiegel

Thất vọng về sự bất thành muốn tuyên truyền cho nông dân thích thú, chàng "Narodnaja wolja" đã dốc sức vào một cuộc đảo chính sớm chừng nào hay chừng nấy. Phải thực hiện xong trước khi sự phát triển chủ nghĩa tư bản tìm được nơi nương tựa trong tầng lớp tư sản của nhà nước Sa hoàng. Một khi đã thiết lập xong chế độ độc tài trong bối cảnh ấy, sẽ bắt đầu cuộc cách mạng xã hội.

Thực ra những điểm chính trong luận thuyết Lenin không liên quan nhiều tới Marx mà là truyền thống làm cách mạng kiểu Nga: nhấn mạnh sự cần thiết của một sự dẫn đầu cuộc cách mạng có kỷ cương; niềm tin, cách hành xử chủ quan có thể làm thay đổi bước đi lịch sử; sự tự biện của Lenin về độc tài và khủng bố; sự coi thường của Lenin về tự do dân chủ (và coi thường cả giới xã hội từng hợp tác với mình).

Lenin đã khai thác ý tưởng "nguyện vọng nhân dân" để bơm một liều thuốc "chính trị mánh khóe" kiểu Nga thứ thiệt vào biện chứng Marx, mà lẽ ra nên bình tĩnh đợi cho cuộc cách mạng tự chín mùi từ sự phát triển của yếu tố khách quan thay vì muốn gây tranh cãi về chính trị.

Không phải chủ nghĩa Marx đã biến Lenin thành nhà cách mạng mà Lenin đã biến chủ nghĩa Marx thành cách mạng.

Ðiểm thứ hai đã dẫn đến "viễn tưởng Lenin" là tiềm năng cách mạng của nông dân Nga (khoảng 80% dân số thời Sa hoàng) đã tự chứng minh rõ rệt suốt cuộc cách mạng thứ nhất 1905-1906. Sự nổi dậy của nhà nông trong hai năm đó là cú sốc lớn cho nhà nước Sa hoàng thường dựa vào huyền thoại Nga về một "thánh thể" gồm nông dân và "vị cha Sa hoàng" của nông dân.

Sau khi giải phóng giai cấp nông nô vào năm 1861, chính quyền đã trao quyền cai quản làng xã vào tay hội đồng nông dân, với niềm tin, trật tự cũ thời lãnh chúa sẽ được duy trì ở nông thôn. Vào những năm 1870, khi những người "bạn nhân dân" thử đem cách mạng về làng và thất bại, thì niềm tin ấy vẫn còn đứng vững. Thế nhưng vùng nông thôn đã thay đổi nhanh chóng trong những thập niên của chế độ Sa hoàng khiến sự thích nghi chính trị bị thất bại.

Dân số nhà nông tăng nhanh đáng ngại (từ 50 lên đến 79 triệu trong khoảng thời gian 1861-1897) đã dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng trở nên khan hiếm, nhất là ở vành đai nông nghiệp trung tâm nước Nga, nơi tập trung hầu hết lương sản quý. Vì thế ngày càng có nhiều nông dân được chỉ thị thuê đất của dân quý tộc. Sự kiện này lại khiến họ tin rằng ai đặt đất, người ấy sẽ được làm chủ đất.

Chẳng bao lâu thành phần nông dân trẻ chiếm đa số (năm 1897, 60% dân vùng quê dưới 30 tuổi). Nhờ sự mở rộng hệ thống học đường ở nông thôn, họ ít mù chữ hơn thế hệ cha mẹ họ. Họ cũng dễ đón nhận tư tưởng thị thành hơn, cái mà họ đã tiếp cận được nơi chợ búa, trong quân đội, nhà máy, nơi nhiều người trong số họ kiếm được công ăn việc làm để cải thiện mức thu nhập trong những tháng mùa đông.

Năm 1905, đám "con trai" nhà nông nắm được quyền kiểm soát hội đồng nông dân đã biến nó thành sức mạnh chống lại địa chủ. Hàng ngàn căn nhà địa chủ (tổng cộng 15%) bị tiêu hủy trong thời gian nổi dậy 1905-1906.

Nếu cuộc cách mạng Nga mà dựa vào nông dân, thì căn nguyên của nó đã nằm ở phong trào chính trị nơi thị thành, cái mà đã vạch hướng đi cho nông dân. Ngay khúc quanh thế kỷ 20, nước Nga đã phát triển nhanh chóng thành một xã hội hiện đại và có cơ sở. Sự mong đợi và đòi hỏi chính trị của tầng lớp chuyên gia, thương gia đầy tham vọng đã không thể thống nhất với ý thức hệ của một thể chế độc tài vốn đã tồn tại từ thời Trung cổ cho tới nay, và vẫn giữ nguyên. Âu cũng là vì Sa hoàng đã cai trị nước Nga, như mọi người đã chứng kiến tại buổi lễ tuyên thệ nối ngôi, chỉ với lương tâm của ông trước mặt Chúa, chứ không chịu bất kỳ sự giới hạn nào đến từ quốc hội hay dư luận.

clip_image008

Nông dân (tiều phu) Nga. Bức ảnh màu đầu tiên dùng kỹ thuật Autochrome do Lumière phát minh được nhiếp ảnh gia Sa hoàng chụp vào năm 1910. Nguồn: Sergej Prokudin Gorski

Vào năm 1891, lần đầu tiên một nhà nước chính trị mới đã đụng phải chính phủ Sa hoàng khi nạn đói ập xuống nhiều vùng rộng lớn của đất nước nông nghiệp Nga. Từ lâu, nhiều người thuộc tầng lớp khoa bảng đã cảm thấy mình có lỗi với nông dân vốn là nông nô của cha ông họ xưa kia.

Tư tưởng "bạn nhân dân" trong giới này đã trở thành một phong trào văn hóa phổ biến và một biểu tượng của sự cảm thông dành cho "chuyện của dân", một kiểu tín điều dân tộc. Bất mãn trước sự bất lực của chính phủ đã không xoa dịu được nỗi thống khổ của nông dân, những nhóm Semstwo (nhóm tự trị thành phố, làng xã) đã chủ động tổ chức hàng trăm ủy ban cứu trợ.

Người dân đói đã chính trị hóa xã hội, chủ yếu bằng cách đổ lỗi, chính phủ, thuế suất cao và việc xuất cảng lương thực là nguyên nhân gây ra nạn đói. Ðiều này dẫn đến sự đòi hỏi cho phép các tổ chức lớn được tham gia quản trị nội bộ quốc gia.

Vào năm 1900, khi một liên minh cải cách bắt đầu được thành lập từ giới Semstwo, thì yêu sách ấy đã trở thành một sự đụng chạm lớn hơn nữa giữa triều đình và xã hội bên ngoài. Giả như Sa hoàng Nikolai II có đủ khả năng ngăn chặn để nó đừng biến thành cuộc khủng hoảng cách mạng, thì ông đã sẵn sàng phê chuẩn một hiến pháp. Thế nhưng ông không chịu để "hồng ân Thiên Chúa ban cho ông" phản bội lời tuyên thệ nối ngôi, cho phép một hiến pháp như vậy. Chỉ nhờ sự chống đối và áp lực mạnh mẽ từ các bộ trưởng của mình, ông mới chấp thuận vài cải tổ chính trị có giới hạn, trong đó, vào tháng 10.1905, bao gồm một quốc hội nhà nước: Duma. Rồi ông đã nhượng bộ thêm sau những vụ xuống đường tại thủ đô, vụ nổi loạn của hải quân và bộ binh cũng như các cuộc nổi dậy ở vùng quê nước Nga làm ông suýt mất ngai vàng.

clip_image011

Pjotr Stolypin được thỉnh cầu nhận lãnh chức vụ thủ tướng vào năm 1906 nhằm chống lại cách mạng bằng sự cứng rắn, đồng thời tước quyền làm chủ ruộng đất (của địa chủ) thông qua một cuộc cải cách nông nghiệp. Song ông ta đã thất bại về mặt chính trị khi bị ám sát vào năm 1911. Nguồn: Niklay Titov / Acpix: Musee Albert Kahn.

Lịch sử có thể khác hơn giả như Pjotr Stolypin, người nhậm chức thủ tưởng năm 1906, đừng bị khủng bố cách mạng ám sát vào năm 1911. Stolypin đã cố gắng ổn định tình hình cách mạng bằng cách dung hòa giữa giải pháp đàn áp chính trị và cải cách. Phần chính yếu khi ông giữ nhiệm sở là việc cải cách ruộng đất vẫn chưa ngả ngũ. Ông khích lệ nhà nông có thế mạnh rút lui khỏi hội đồng nông dân (tổ chức cách mạng chính ở nông thôn) để lập nông trại riêng. Ông tin, với chính sách này nhà nông có thế mạnh kinh tế nhờ có tài sản sẽ tự ràng buộc hơn vào việc giữ gìn trật tự, trong khi hàng triệu người khác có lẽ phải bỏ nghề nông, đi lên thành phố.

Giới địa chủ hoan nghênh những cải cách ấy trước hết như một lời giải cho vấn đề ruộng đất. Tuy nhiên họ vẫn sợ nhóm tiểu tư sản nông dân có chân trong Semstwo địa phương, giờ đây đã được quyền bầu cử nhờ thế lực tài sản, sẽ đẩy họ qua một bên, cũng như họ sẽ bị mất hết đặc quyền trước nay. Cho nên họ đã ngăn chặn bản dự luật của Stolypin bằng sự kiểm soát chính trị của họ tại hội đồng quốc gia.

Sa hoàng, người càng lúc càng bác bỏ mọi ý kiến cải cách khi cuộc khủng hoảng 1905 vừa trôi qua, đã bị Stolypin chọc giận bằng một đề nghị cải cách như thế, khiến ông đã chống lại một người đàn ông duy nhất có thể cứu vãn ngai vàng của mình.

Từ lâu, trước khi viên đạn mưu sát Stolypin đã giết ông, Stolypin đã bỏ mình vì chính trị.

Cách mạng Nga đã ra đời từ Thế chiến thứ Nhất. Hàng triệu thanh niên nhà nông trong quân phục đã tiếp cận với kỹ thuật và ý thức hệ mới. Ðược trang bị các thứ ấy, họ đã trở về nhà, làm cách mạng ở thành phố, làng mạc.

Chiến tranh là gánh nặng quá lớn cho nền kinh tế. Thiếu bánh mì ăn, lạm phát là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xuống đường tại Petrograd (St. Peterburg), một biến cố đã góp phần dẫn đến ngày tàn của chế độ vào năm 1917. Binh sĩ trong trại lính Petrograd đã nổi dậy chống sĩ quan và từ chối bắn vào đám đông.

Thực ra cuộc Cách mạng Tháng 2 không đơn thuần là cuộc xuống đường. Ðó là một cuộc cách mạng chính trị, một cuộc nổi loạn của người dân chống lại cái gọi là triều đại "bị Ðức nắm đầu" thường xuyên bị đổ lỗi về những thảm bại nơi tiền tuyến.

Thiếu thông tin đáng tin cậy, tin đồn lan rộng. Vào năm 1917 ai cũng tin: Nữ hoàng Alexandra (dân Nga gọi là "mụ đàn bà Ðức", vợ Sa hoàng Nikolai II) cùng "tình nhân" là Rasputin, ông "thánh", đã tiết lộ bí mật quân sự cho kẻ thù và tìm cách ảnh hưởng quyền chỉ huy quân đội Sa hoàng để cho quân Ðức thắng trận.

Trong bối cảnh này, một không khí yêu nước đã được dựng lên nhằm chống lại nhóm Romannow, và đồng thời làm nóng lại cuộc cổ động cho chiến tranh. Ðó là không khí thực tế sau khi Sa hoàng thoái vị vào ngày 15 tháng 3: "Hiện giờ chúng ta đã đánh bại bọn Ðức ở đây, và rồi cũng sẽ đánh bại chúng nơi sa trường".

Thủa ban đầu, Cách mạng Tháng 2 được coi như một cuộc cách mạng ái quốc. Quan điểm chống Ðức, chống chế độ quân chủ gắn liền với nhau trong ý thức chính trị mà người lãnh đạo Tháng 2 đã lựa chọn như một nền tảng để canh tân nước Nga. Thất bại ngoài mặt trận bị gán chung với thất bại cách mạng và sự tái lập chế độ quân chủ từ tay người Ðức.

Sau khi nắm quyền hồi tháng 2, hầu hết người lãnh đạo chính phủ lâm thời đã bị gạt ra khỏi phe cánh tự do của Duma. Phe xã hội từ chối chính phủ này, mặc dầu cơ sở quyền lực của nó trong các hội đồng, tức Xô-viết, do quân đội, công nhân, nông dân bầu lên đủ mạnh để hoàn toàn im tiếng trước việc thành lập một Ðại hội đồng vào tháng 2 đang được ủng hộ từ mọi phía trên đường phố Petrograd. Tuy vậy giới lãnh đạo hội đồng vẫn tin rằng, theo luận thuyết Marx, trước giai đoạn quá độ sang xã hội "xã hội chủ nghĩa", hẳn phải trải qua một giai đoạn cách mạng "quần chúng".

Là nhà xã hội duy nhất của hội đồng, Alexander Kerenski tham gia chính quyền mới. Trong cương vị bộ trưởng tư pháp, ông đã giám sát một loạt cải tổ chính trị ngoạn mục. Nó quét sạch những hạn chế cũ kỹ của Sa hoàng vốn dựa vào tôn giáo, giai cấp, chủng tộc; nó bảo đảm mọi điều như: tự do hội họp, báo chí, ngôn luận, cảnh sát dân chủ hơn, tòa án và hội đồng quản trị, thực thi quyền bầu cử chung, thả tù chính trị và tạo điều kiện cho những nhà cách mạng lưu vong trở về nước.

Nước Nga qua đêm – như một danh ngôn của Lenin – bỗng trở thành "nước tự do nhất thế giới".

"Ðàn ông tháng 2" phe tự do quả là những con người lạc quan hết thuốc chữa. Bị lôi cuốn bởi sự phấn khởi và sự nhất trí của nhân dân trong những tuần đầu cách mạng, họ đã tin vào "trái tim lớn của dân tộc Nga"; nói theo kiểu Lwow, tân thủ tướng quốc gia. Niềm tin vào "dân tộc" đã bám rễ vào suy nghĩ của tầng lớp "Intelligenzija" (trí thức) thế kỷ 19, tiêu biểu là người suy nghĩ cao nhưng thiếu thực tế mà giới triết học chính trị của chính phủ lâm thời thứ nhất đã gọi họ là vậy.

Với nguyện vọng riêng, người lãnh đạo phe tự do Nga muốn lãnh đạo đất nước "với" nhân dân hơn là "trên" nhân dân. Họ tự cho mình là vô giai cấp, chỉ quan tâm đến "toàn thể dân tộc" chứ không phục vụ riêng bất kỳ một giai cấp nào. Họ tự thể hiện tính "phi đảng phái" và "vượt giai cấp" với tư cách người điều hành chuyển tiếp một "nhà nước trung lập" cho đến ngày bầu ra một chính quyền độc lập mới, một đại hội lập hiến có nhiệm vụ ban hành tính hiệu lực pháp lý cho những cải tổ chính trị, xã hội.

Nhưng việc bầu cử đã kéo lê nhóm cầm đầu phe tự do hàng tháng trời, trong khi các cuộc họp hội đồng khác còn đang bù đầu trong vòng tranh cãi phức tạp về hệ thống bầu cử mà vẫn chưa ngả ngũ.

Thực sự họ cứ tưởng, nhân dân sẽ kiên nhẫn đợi chờ nghị quyết của quốc hội về vấn đề xã hội, chẳng hạn vấn đề đất đai hay kiểm soát xí nghiệp. Trong khi đó, nhóm Bolschewik của Lenin đang thúc giục nông dân, công nhân hãy giải quyết ngay vấn đề bằng cách thông qua các hội đồng và ủy ban cách mạng; đơn giản là tự cướp chính quyền.

Mùa hè 1917, việc sở hữu đất đai ở vòng đai trung tâm nước Nga chủ yếu đã nằm trong tay nông dân và đang được hội đồng, ủy ban làng xã quản lý. Sự kiện này đã phá vỡ chỉ thị của chính phủ lâm thời là không được động đến tài sản của giới quý tộc nông thôn.

Cái quyết định khủng khiếp của chính phủ lâm thời về việc ủng hộ một trận chiến mới cũng thất bại y như việc trì hoãn bầu cử. Hoảng hốt trước sự sụp đổ chính quyền và sự hỗn loạn đang gia tăng trong nước, các đảng phái xã hội lớn trong hội đồng Petrograd gồm nhóm Menschewik và đảng Cách mạng xã hội đã liên kết với chính phủ lâm thời.

Ngày 18 tháng 5, Kerenski lãnh chức vụ bộ trưởng chiến tranh. Cả hai đảng phái đều quyết định tiếp tục ủng hộ chiến tranh, dĩ nhiên chỉ vì mục đích bảo vệ đất nước, trong lúc họ đang cùng giới xã hội Âu châu tiến hành một nghị quyết hòa bình rộng rãi. Thế nhưng sự èo uột của quân đội nước Nga đã làm suy yếu vị thế đàm phán của mình đáng kể. Cuối cùng quân đồng minh đã đi đến quyết định, có hay không có nước Nga, họ cũng chiến thắng, nếu Mỹ cùng tham chiến vào tháng tư. Họ ngăn chặn nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Xô-viết.

Nhóm lãnh đạo hội đồng đã tìm thấy niềm hy vọng đoàn kết dân tộc để bảo vệ một nước Nga dân chủ. Họ coi tình trạng nước Nga giống như tình trạng nước Pháp vào buổi chiều trước ngày cuộc chiến chống Áo bùng nổ vào năm 1792. Họ coi một cuộc chiến cách mạng cũng sẽ khơi dậy một lòng yêu nuớc mới như một thời một khẩu hiệu mới đã thành hình "Aux armes, citoyens !" trong phong trào kháng chiến patrie của Pháp.

Nhằm chấn chỉnh tinh thần chiến đấu của binh sĩ, tháng 5, Kerenski đã đi thăm tiền tuyến và nói chuyện trước cuộc tụ họp binh sĩ, nhiều sĩ quan, giới Intelligenzija mặc đồng phục và thành phần trung tín trong quân ủy. Kerenski cứ tưởng sự ủng hộ có giới hạn là sự tán đồng rộng rãi về việc tấn công (thực ra tinh thần binh sĩ bên ngoài cuộc tụ họp xấu hơn nhiều). Binh lính đã quá chán ngán chiến tranh; họ muốn trở về nhà, muốn làm chủ đất đai và muốn có hòa bình.

Trận chiến mới vào cuối tháng 6 đã chấm dứt bằng sự sụp đổ nơi chiến tuyến và mất nhiều phần lãnh thổ. Nó cũng dẫn tới sự đánh mất hết uy quyền của sĩ quan. Ðặc biệt ở chiến trường phía Bắc gần Petrograd, hàng trăm ngàn binh sĩ đã đào ngũ hoặc ngả về nhóm Bolschewik. Nhóm này tự thể hiện là một đảng phái lớn duy nhất hứa hẹn một nền hòa bình; binh sĩ theo nó giờ đây đã nắm giữ gần hết các ủy ban quân sự và Xô-viết.

Trận chiến đã "đột quỵ" chung với chính quyền. Ngày 16 tháng 6, trung đoàn súng máy đầu tiên (thiện chiến nhất của Bolschewik bao gồm những đơn vị quân đội có tiếng ở Petrograd là chính) đã hợp thành khối liên minh với binh sĩ thuộc căn cứ hải quân Kronstadt và công nhân nhà máy vùng Wyborg.

Trong tư thế dân biểu tình có vũ khí, phe Bolschewik đòi chuyển giao chính quyền cho lãnh đạo hội đồng trước dinh Palais Tauris, trụ sở Hội nghị hội đồng Nga cũ. Người biểu tình sẵn sàng biến cuộc phản đối thành cuộc nổi dậy bằng súng ống nếu được lệnh từ ban lãnh đạo Bolschewik. Nhưng Lenin đã chần chừ và không ra lệnh, làm 50.000 ngàn người được kích động tới trước dinh Palais Tauris chưng hửng, chẳng biết phải làm gì. Cấp lãnh đạo Bolschewik kêu họ ra về, rồi cảnh sát đã giải tán đám đông.

Ðúng là Lenin sợ phe mình sẽ lãnh hậu quả nếu cuộc đảo chính thất bại. Quả thực vậy, kế tiếp trong những ngày tháng 7, chính phủ đã phát động một chiến dịch tuyên truyền chống lại phe Bolschewik. Phe này bây giờ lại bị mọi người đổ tội là "gián điệp Ðức" và phải chịu trách nhiệm về thất bại của quân Nga. Lenin bèn bỏ trốn sang Phần Lan.

Nhưng nỗ lực đàn áp của chính phủ đối với phe cánh tả đã bị phản tác dụng. Vị đại tướng bảo thủ Kornilow đã thử đem đoàn quân Kosak của mình tiến vào Petrograd giúp Kerenski thiết lập chế độ độc tài quân sự, buộc dẹp bỏ chế độ "hội đồng", nhưng đã bị công nhân vũ trang hồng quân đánh bật dễ dàng

Sự kiện "Kornilow" chỉ làm tăng nhanh sự mất quyền lực của chính phủ lâm thời. Nó đặc biệt có tác dụng tới quân đội, vì binh lính lúc này hay nghi ngờ sĩ quan mình là "kẻ phản cách mạng".

Hết thảy những quân bài này, Lenin đã nắm trong tay: Rằng trong tháng 10, sẽ có đủ khả năng huy động công nhân, binh sĩ tiến hành một cuộc nổi dậy có vũ trang chống lại chính phủ lâm thời với lý do: cái ấn tượng về nguy cơ "phản cách mạng" của hội đồng hiện đang lan rộng.

Những báo cáo của hội đồng địa phương, doanh trại và công xưởng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 đã nhấn mạnh triệt để rằng mặc dầu có nhiều người ủng hộ Ðại hội đồng nhưng thiếu sự ủng hộ một lực lượng vũ trang giúp thiết lập chính phủ này – bởi vì những thế lực phản cách mạng có thể tìm cách bãi bỏ chế độ hội đồng.

Chính phủ lâm thời đã nhận thấy không còn bao nhiêu người hậu thuẫn mình. Vấn đề bây giờ là ai đi lấp khoảng chân không chính trị.

Những đảng phái xã hội trong hội đồng, trong đó có Bolschewik, đề nghị Hội nghị hội đồng thứ hai bỏ phiếu đồng ý chuyển giao chính quyền cho hội đồng. Dự trù vào ngày 2 tháng 11 nhưng lại hoãn tới ngày 7 tháng 11. Một Đại hội đồng được thỏa thuận như vậy có lẽ là sự đa nguyên lớn nhất của Xô-viết xưa nay.

Hầu hết lãnh tụ Bolschewik đều sẵn sàng kết thân với nghị quyết về câu hỏi chính quyền này. Một số còn tin tưởng rằng sự thiết lập một chính phủ liên minh sẽ tạo cơ hội cho hội đồng hợp sức chống lại mối nguy cơ phản cách mạng, trong khi cánh Bolschewik đang tận dụng thời cơ tìm chỗ tựa vững chắc nơi sự chuẩn bị bầu cử Ðại hội lập hiến. Họ nghĩ, bắt buộc phải nắm chính quyền bằng thùng phiếu, bởi nắm chính quyền mà không được số đông ủng hộ, người Bolschewik buộc lòng phải cầm quyền bằng khủng bố.

Trong lần bỏ phiếu quyết định tại ủy ban trung ương Bolschewik ngày 23 tháng 10, Kamenew và Sinowjew đã cùng chống nghị quyết của Lenin về sự chuẩn bị cuộc nổi dậy có vũ trang mà Lenin coi như một "chỉ thị hằng ngày". Dù trong nghị quyết có nói, một cuộc nổi dậy có vũ trang là điều "không tránh khỏi", nhưng không định rõ ngày tháng. Sự thật là hầu hết người trong hàng ngũ lãnh đạo Bolschewik vẫn tưởng rằng, trang bị vũ khí cho công nhân chỉ là một giải pháp phòng thủ để bảo vệ Hội nghị hội đồng trước một nguy cơ phản cách mạng.

Cũng vào ngày 6 tháng 11, hôm trước cuộc nổi dậy, đa số người trong ủy ban trung ương và ban chấp hành cách mạng quân sự (đại để là quân đảo chính của Bolschewik) đã không nghĩ tới chuyện lật đổ chính quyền lâm thời trước khi Hội nghị hội đồng sẽ khai mạc vào những ngày sắp tới. Trotzki, người giữ quyền lãnh đạo đảng trong lúc Lenin đang ẩn trốn, đã nhấn mạnh một lần nữa sự cần thiết của kỷ luật và kiên nhẫn, rồi yêu cầu vệ binh đỏ vào chiều tối hôm đó là không tấn công chính phủ lâm thời. "Ðây chỉ là phòng thủ thôi, các đồng chí ạ. Ðây chỉ là phòng thủ thôi", ông nói vậy.

Chỉ có Lenin ủng hộ một cuộc nổi dậy có vũ trang trước khi Hội nghị hội đồng tuyên bố giao chính quyền cho hội đồng. Mấy tuần liền, Lenin và đồng sự đã liên tiếp "dội bom" bằng những đòi hỏi thiếu kiên nhẫn hơn để làm sao cuối cùng phải hất văng được chính phủ lâm thời. Lenin đánh giá chính phủ này là "tội phạm" dám để Hội nghị hội đồng tìm lời giải cho câu hỏi chính quyền, vì làm như thế, một liên minh Menschewik và nhóm xã hội sẽ hình thành. Ðó là đòn phòng ngừa một thể chế độc tài Bolschewik sẽ ra đời nếu việc nắm quyền được các đại biểu hội đồng chấp thuận.

Và sự việc đã xảy ra chính xác như sau. Tối ngày 14 tháng 10, một Lenin giả trang đã bước ra khỏi nơi ẩn náu và lộ diện trong viện Smolny, tổng hành dinh Bolschewik. Cảnh sát chính phủ Kerenski vẫn chưa hay biết gì – vẫn đinh ninh rằng Lenin đang lang thang đâu đó.

Sự kiện Lenin đi đến đã có tác dụng quyết liệt tới nhóm lãnh đạo Bolschewik. Lenin đã đảo không khí số đông từ phòng thủ sang tấn công. Mệnh lệnh được truyền xuống quân dân theo Bolschewik ở thủ đô: bắt đầu khởi nghĩa.

Cuộc Cách mạng Tháng 10 xã hội chủ nghĩa vĩ đại, như đã thành một cái tên trong huyền sử Xô-viết sau này, thực ra chỉ là một vụ đảo chính quân sự mà người dân Petrograd ít ai cảm thấy có gì là lớn lao. Nó chỉ quy tụ khoảng một hai ngàn người nổi dậy (mà cũng chẳng cần nhiều hơn để lật đổ một chính phủ không kháng cự). Kịch trường, tiệm ăn, xe điện vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường trong lúc quân Bolschewik tóm thu quyền lực. Cuộc "tấn công vũ bão" huyền thoại vào cung điện Mùa Đông, nơi hội đồng bộ trưởng của Kerenski họp lần cuối cùng, trông có vẻ như một đợt quản thúc tại gia thường thấy: quân thủ thành đã vật vã, trước ngày tấn công phần lớn đã đói bụng, hay buồn nản bỏ về nhà. (Riêng Kerenski, sáng mùng 7 tháng 11, đã ngồi vào chiếc Renault đậu trước cổng tòa đại sứ Hoa kỳ chạy trốn khỏi thủ đô, để trong trường hợp tuyệt vọng, sẽ triệu quân đội từ mặt trận về).

Khi cuộc tấn công vào cung điện Mùa Đông bắt đầu, đại hội đồng đã nhất trí thông qua nghị quyết do nhóm Menschewik đề nghị nhằm thành lập một chính quyền dân chủ thống nhất tất cả đảng phái có chân trong Xô-viết. Nhưng khi một liên minh xã hội có vẻ sắp hình thành, thì tin tức về vụ dùng bạo lực tấn công chính phủ lâm thời trong cung điện Mùa Đông đã xảy đến.

Quân nổi dậy buộc hầu hết người đảng Menschewik lẫn người đảng Cách mạng xã hội phải rời bỏ hội nghị và phải làm ra vẻ "phản đối hành vi tội phạm" của chính quyền. Cuộc rút lui của họ được hộ tống bằng tiếng giậm chân, huýt sáo, chửi thề của quân Bolschewik.

Sự khiêu khích theo ý đồ của Lenin - chuyển giao quyền lực có đề phòng - đã có kết quả. Khi rút khỏi Hội nghị hội đồng, phe Menschewik và các nhà cách mạng xã hội đã bỏ lỡ cơ hội thành lập khối liên minh xã hội và dọn đường cho thể chế độc tài Bolschewik được Xô-viết ủng hộ. Chuyện này Lenin đã cố ý từ tước tới nay, không có gì phải ngờ vực.

Trotzki được phân công tố giác đối thủ của Bolschewik – có nghĩa là đã thực sự bắt đầu đồng tình với khủng bố và nội chiến. Ông đã làm điều đó bằng một danh ngôn: "Bọn bây là những kẻ khánh kiệt khốn nạn. Bọn bây đã thua cháy túi rồi. Hãy rẽ đường về nơi chốn của mình đi: trên đống rác lịch sử".

Song cũng vì cuộc nổi dậy của Bolchewik vừa tiến hành như một cuộc đảo chính quân sự, mà Trotzki đã tự công nhận, ông đã gục ngã chung với hàng loạt bước ngoặt xã hội. Những bước ngoặt này đã quét sạch những cấu trúc chính trị duy nhất mà lẽ ra chế độ độc tài Bolschewik có thể chấp nhận được.

clip_image014


Một họa sĩ Xô-viết minh họa cảnh Lenin – năm 1917 - đã kêu gọi khởi nghĩa trong trung ương đảng như thế nào - theo phong cách tranh thánh. Nguồn: Gerg Ludwig/Cosmos: Ullstein Bild.

Phấn khởi về sắc lệnh hòa bình mà cánh Bolschewik đã đạt được trong Hội nghị hội đồng ngày 8 tháng 11, hàng triệu binh sĩ tự động giải ngũ, bỏ tiền tuyến trở về nhà trong vài tuần lễ, và coi như đã giải tán quân đội.

Sự trở về đã tác dụng quyết liệt tới không khí chính trị ở địa phương, nơi binh sĩ đang ra sức xây dựng thể chế độc tài hội đồng bằng những sáng kiến lượm lặt.

Mọi công xưởng đều bị quốc hữu hóa và được chuyển giao cho ủy ban công nhân quản lý dưới sự kiểm soát của hội đồng thành phố; mặt khác, hội đồng này đã diệt trừ giới tư sản bằng cách bỏ tù hàng loạt và bắt đóng thuế cực cao.

Vào lúc đó tại thôn quê, nông dân đang tạo cơn bão cách mạng riêng của mình. Họ chia nhau nông sản quý tịch thu được từ tay địa chủ, đúng như sắc lệnh về ruộng đất của Lenin đã hứa hẹn.

Những bước ngoặt xã hội này đã đặt mìn hủy diệt nền tảng quyền lực của kẻ phản cách mạng. Giai cấp tư sản đã bị nổ tung: Phần lớn đã chạy ra nước ngoài hay về phía Nam nơi phần sót lại của binh sĩ Sa hoàng, sĩ quan và quân Kosak đang tụ họp sau ngọn cờ Bạch quân chống lại quân Bolschewik.

Ðảng phái tự do lớn nhất nước, Kadette, bị liệt vào hàng "phản cách mạng" và bị cấm hoạt động. Nhiều người trong hàng ngũ lãnh đạo bị bỏ tù. Chẳng bao lâu vô số người lãnh đạo nhóm cách mạng xã hội và Menschewik cũng chui vào đó. Trong mắt Lenin mỗi kẻ chống nền chuyên chính hội đồng đều là "kẻ phản cách mạng".

Nhưng quân Bolschewik lại quên mất chuyện là đã để cho Ðại hội lập hiến nắm quyền và không lường trước kết quả cuộc bầu cử ngay sau đó sẽ ra sao.

Kết quả là kẻ cũng đòi hỏi được nhân danh nhân dân trị nước đã lãnh một đòn nặng như trời giáng: Phe Bolschewik được 10 triệu phiếu (tổng cộng 24%) so với 16 triệu (tổng cộng 38%) bầu cho phe Cách mạng xã hội, đảng chính của nông dân, và 5 triệu phiếu cho Cách mạng xã hội Ukraine.

Chìu theo ý Lenin, quyền hội đồng – tức quyền thống trị của hội đồng công nhân, quân nhân, nông dân – đã để cho cuộc hội nghị quốc gia "công dân và dân chủ" trở nên thừa thãi. Cuối cùng khi Ðại hội lập hiến – được mong đợi từ lâu – khai mạc vào ngày 18 tháng Giêng 1918, thì bị quân Bolschewik giải tán trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Kinh hoàng trước sự vi phạm dân chủ, các nhà cách mạng xã hội đã trốn chạy về vùng quê. Họ hy vọng "nhân dân" sẽ đứng sau họ để bảo vệ quốc hội. Nhưng sự hưởng ứng quá yếu ớt, không đủ làm quân Bolschewik nao núng.

Ðối với nông dân có học hoặc những ai từ lâu đã bị sự tuyên truyền của phe cách mạng xã hội loại trừ, họ muốn xem Ðại hội lập hiến như một biểu tượng "cách mạng". Nhưng đối với khối đông người mà tầm mắt không vượt khỏi ngôi làng, thì sự khác biệt giữa Ðại hội lập hiến và các tổ chức chính trị chỉ là chuyện bạo động nơi thành phố xa xôi, chuyện của mấy ông "tù trưởng" đảng này phái nọ. Mặc dầu từ lâu giới trí thức đã ủng hộ nguyên tắc một quốc hội quốc gia, nhưng nông dân đã không chia sẻ với họ.

Các khái niệm "nhà nước", "dân chủ", "quyền lợi và nghĩa vụ công dân" đối với nhà nông quá ư là xa lạ. Nếp suy nghĩ của họ về chính trị, xã hội có lẽ gần gũi với hội đồng làng xã hơn – và rốt cuộc vẫn là các thứ chẳng khác gì những buổi họp hành làng xã xưa nay đã được nhồi nhét chung vào kiện hàng cách mạng.

Nhờ hội đồng làng xã nông dân, họ đã thực hiện được những cuộc cách mạng riêng ở nông thôn. Họ không cần sự cứu độ của Ðại hội lập hiến, và cũng chưa bao giờ cần Ðại hội đồng.

Một chính trị viên quân sự đảng Cách mạng xã hội đã kết luận: "Số đông binh sĩ nơi tiền tuyến hoàn toàn không biết Ðại hội lập hiến là gì. Rõ ràng họ chỉ dành cảm tình cho hội đồng … Tôi đã nghe binh lính hỏi nhiều lần: "Chúng ta cần Ðại hội lập hiến để làm gì khi chúng ta đã có hội đồng để đại biểu có thể gặp nhau và quyết định hết mọi chuyện?"".

Khi Lenin cướp chính quyền và khích động cuộc nội chiến, ông thừa hiểu rằng cảm tình nông dân dành cho cuộc cách mạng của họ ở nông thôn bao giờ cũng tìm cách triệt tiêu mọi trào lưu phản cách mạng có ý định phục hồi quyền tư hữu của giới quý tộc hoặc bãi bỏ quyền lực hội đồng làng xã.

Mặc dầu nông dân căm ghét quân Bolschewik vì phong cách ủy viên hách dịch, cưỡng bách nhập ngũ, cưỡng bách nộp lương thực, nhưng một chiến thắng của Bạch quân còn làm họ kinh hãi hơn nhiều.

Ðó là chìa khóa chiến thắng của Hồng quân trong cuộc nội chiến 1918-1920 tiếp theo. Cuộc chiến này đã đẩy quân Bolschewik vào vị thế xúc tiến xây dựng một quân đội to lớn, một nền kinh tế chỉ huy và một nhà nước độc đảng.

Suốt thế kỷ 20, chiến thắng của Bolschewik đã tạo cảm hứng cho người làm cách mạng của các xứ nông nghiệp từng bắt chước nước Nga – và nó vẫn tiếp tục tạo cảm hứng ấy cho đến ngày nay. Ðó là lý do mà Cách mạng Tháng 10 đã trở thành một biến cố đáng nhớ trong lịch sử của chúng ta.

Nguồn: Orlando Figes: Krise und Umsturz, Spiegel Special - Geschichte, Hamburg 2007.

Chú thích:

Orlando Figes, 1959, sử gia người Anh, viết nhiều sách về Cách mạng Tháng 10. Tác phẩm "Bi kịch một dân tộc. Thời kỳ cách mạng Nga từ 1891 đến 1924" của ông đã đoạt nhiều giải thưởng.