Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Cơn giận con, nỗi đau mẹ

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa


Mẹ tôi nói cha đi lính đánh giặc xa, ít khi được nghỉ phép về thăm con. Trong ký ức của thằng Bé, cha xuất hiện đầu tiên lúc cậu bé hơn ba tuổi. Tôi ở nhà ngoại đùa giỡn với con gà cưng thì cha lên đón về. Cha mặc bộ quần áo bốn túi trắng tinh, đi xe đạp dura sáng loáng. Ngoại bồng tôi đặt lên giá mang hành lý, bắt dang rộng hai chân, và dặn phảỉ nắm chặt yên xe cho khỏi té.

Gần về tới nhà, đôi chân mỏi nhừ, tôi sơ ý đút bàn chân phải vào tăm (nơi khác gọi là căm) xe trong lúc cha tiếp tục đạp. Đau quá, tôi la lênvà buông tay, ngã đập mặt xuống đường, bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì cha đi rồi, tôi chưa có dịp nhìn rõ mặt cha.

Bưu tá đưa giấy về làng báo tin nội có thư bảo đảm. Khăn đóng áo dài, nội cùng anh Đồng lên tỉnh lãnh gói hàng cha gửi về. Mở thư ra đọc, nội trầm ngâm một mình, đợi tối mẹ Gái (nội gọi mẹ) đi chợ về, kêu mẹ lên nhà trên. Tôi và thằng Gái nhảy ra khỏi giường nấp sau tường nghe lóm.

Xa mẹ, cha lấy một người đàn bà khác; dì có mang hai tháng thì sẩy thai và cha lượm bào thai gửi về. Cha dặn nội đem bào thai ra nhà thờ họ làm lễ phát tang và chôn cất giống như con hữu sinh vô dưỡng (có sinh mà không nuôi được). Nội khó nghĩ vì điều cha Gái (nội gọi cha) mong muốn trái với phong tục; tuy nhiên, cha thừa kế trưởng tộc và có chức phận, bảo gì nội phải nghe. Từ đầu đến cuối mẹ khóc, không nói một lời.

Đợi mẹ và nội ra khỏi phòng, hai đứa lẻn vào ra xem. Chiếc hộp trên bàn màu mun đen tuyền, bên trong lót nhung vàng, đựng ba cái bầu giác, mỗi bầu chứa một lát thịt bầy nhầy đỏ tái, đậy lên trên bằng một cục bông gòn lớn. Bầu giác là cái lọ nhỏ hình quả bầu dùng để “giác” tức là hút máu hay hơi trong thịt để chữa bệnh.

Đêm đó, nội dậy châm điếu bình hút thuốc liên miên, mẹ thút thít trong phòng, và anh tôi nằm mở mẳt nhìn lên nóc mùng.

Sáng sớm thằng Gái rủ tôi đi đồng, tức là làm việc bài tiết ngoài đồng vì nhà quê không có cầu tiêu. Xong việc, anh tôi dùng que gỗ vếch cục phân lớn gói vào trong tấm lá chuối khô. Anh bắt tôi thề không được nói với ai, nếu không nghe, “Tau mặc kệ cho thằng Xê đập mi.”

Thời may, chúng tôi về nhà thì nội có việc ra ngoài. Thằng Gái mở hộp, lật lớp nhung lót lên, và trét hầu hết cục phân vào đáy hộp. Phần còn lại, anh chia ba cho vào bầu giác rồi đậy bông gòn lại như trước. Xong, hai anh em ra giếng rửa tay rồi đi học bài.

Chiều lại tôi nghe nội tằng hắng ở nhà trên và gọi anh Đồng, “Mi đem chôn cái hộp ni ở góc vườn cho tau. Hắn có mùi rồi, để lâu trong nhà không nên”. Tôi thắc mắc trong đầu, tại sao có một bào thai mà cần đến ba cái bầu giác?

***

Chúng tôi đi Huế thăm cha. Đây là lần đầu tiên tôi ra khỏi làng quê và nhất là được đi máy bay ngồi trên cao, thấy người đi và xe chạy dưới đất như kiến bò. Phi cơ đáp xuống sân bay Phú Bài, cha đem xe đốt-cát (Dodge 4x4, đọc theo tiếng Pháp) nhà binh ra đón đưa về Lăng Cô, nơi cha đóng đồn và thuê nhà ở với dì Cúc.

Bà chủ nhà đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Bà trạc tuổi mẹ, góa chồng, và có cô con gái tên Yến trạc tuổi tôi. Dịu dàng trong chiếc áo tay phùng màu hồng, Yến trông khác hẳn mấy đứa con gái làng tôi. Bà chủ nhà nắm tay mẹ, đầy thiện cảm dặn dò, “Chị yên tâm ở đây, không sợ ai ăn hiếp; tui có võ Bình Định không ngán ai hết”.

Dì Cúc trẻ hơn mẹ, cố gắng chiều lòng chúng tôi nhưng từ lúc gặp dì, thằng Gái đã hằn học, mặt hầm hầm, và ăn nói cộc lốc. Ngay đêm đầu, tôi nghe cha chửi mẹ xuất giá tòng phu mà không vâng lời chồng mang đủ tiền cho cha trang trải nợ nần. Mẹ biện bạch thời buổi gạo châu củi quế buôn bán ế ẩm lại phải nuôi ba đứa con dại, mẹ đã hy sinh vơ vét hết mới có được món tiền ấy. Khi mẹ van cầu cha bớt ham mê cờ bạc vứt tiền qua cửa sổ, ông to tiếng và chửi tục.

Bà chủ nhà đãi chúng tôi ăn bún mắm sò, món đặc sản Lăng Cô. Vốn tham ăn và lạ miệng, tôi ngốn một lúc bốn tô. Ăn mắm sò lạ bụng, tôi bị tiêu chảy, mẹ và dì Cúc bắt nằm ngửa lấy dầu tràm thoa lên bụng. Cha chửi mẹ, “Mi đẻ thằng con chó đói thèm ăn khát uống lâu ngày”.

Mẹ và thằng Sáng ngủ trong phòng với cha, tôi và thằng Gái ngủ chung với dì Cúc ở phòng bên, mỗi đứa nằm một bên. Nửa đêm tôi thức giấc vì lưng bàn tay đụng vào một khối thịt tròn mềm mại cựa quậy không ngừng. Mở mắt, tôi thấy cha nằm trên người dì Cúc, thân hình nhấp nhổm liên hồi. Cha nạt đùa,“Ngó chi, ngủ đi!”. Thằng Gái cằn nhằn, “Đ... rầm rầm như chó lẹo, làm răng mà ngủ?”.

Trong bữa cơm tối, cả nhà không ai lên tiếng, ngoại trừ dì Cúc mời mẹ và giục chúng tôi ăn. Tôi lấy muỗng múc canh vào chén thì bất thần lãnh một cái cú đầu đau điếng; cha mắng, “Đồ ngu như heo, đã dặn để đôi đũa xuống rồi mới múc canh, răng mi không nghe?”. Nhìn thẳng vào đôi mắt long lên vì giận dữ của cha, giữ nguyên đôi đũa trên tay, tôi cầm muỗng múc canh một lần nữa và nghiến răng chịu cái cú đầu thứ hai; lần này cha đánh thẳng tay không thương tiếc.

Tôi và thằng Gái lỉnh ra ngoài khi cha lùa cả mâm đồ ăn xuống đất. Sau khi mẹ và dì Cúc dọn lại bàn ăn, dì gọi chúng tôi vào ăn. Thấy cha bắt đầu ăn trở lại, thằng Gái nói lớn,“Không ăn; đồ ăn đổ rồi cho heo ăn đi”.

Đêm cuối cùng, cha mẹ lại cãi nhau. Cha chửi, “Mi là con vô học đẻ ra hai thằng con mất dạy. Liệu hồn, có ngày tau lấy súng bắn chết hết”.

Cha cho lính đưa chúng tôi ra phi trường, không một lời từ giã. Mẹ mừng cha không đánh đập mẹ như mọi lần – có lẽ nhờ bà chủ nhà che chở.

Từ lúc bị cú đầu đến khi về làng, tôi chưa có một hột cơm vào bụng.

25 Tháng Ba, 2013