Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Hợp lưu

Truyện Đào Như


Truyện ngắn này, tác giả Đào Chương viết vào năm 1997, cách đây đã hai mươi năm, mà đọc lên vẫn thấy nước mắt rơi vì biết bao đau đớn…

Từ bấy đến nay, đã có hay không những thay đổi, đủ để khiến những hồi ức, những ám ảnh tối tăm, những vết thương ứa máu thôi chiếm cứ trái tim và trí óc những người Việt từng đối xử với nhau như kẻ thù không đội trời chung, cho dù cùng tổ quốc, cùng một mẹ, cùng màu da tiếng nói…

Văn Việt

Thân gửi Nguyễn Mộng Giác

Bác sĩ Văn Kỳ Chương

Trời Chicago cuối tháng tư vẫn còn lạnh. Tuy thế anh em đi dự buổi họp điều-trị-tập-thể đông hơn thường lệ. Nhiều anh em sĩ quan ở các nhóm khác, không phải họp hôm nay cũng đến.

Phòng họp dành cho buổi điều-trị-tập-thể của các anh em sĩ quan H.O. tại Asian Human Services Chicago rộng rãi và tươm tất, được trang hoàng trang nhã với những bức tranh ấn tượng của Monet, màu sắc hàì hoà gợi nhớ về một thuở thanh bình. Các anh em chia từng nhóm nhỏ chuyện vãn với nhau.

Hôm nay có hai hội viên mới. Hai anh em chủ động tự giới thiệu. Các anh em cũ và mới nhận ra nhau. Họ kể cho nhau nghe những ai mất, ai còn, những đắng cay lao khổ tủi nhục trong lao tù cải tạo cũng như những buồn tủi cho thân phận đến Mỹ thuộc diện từ thiện H.O (Humanitarian Operation).

Họ cùng nhau ôn lại, chắt chiu từng lời những kỷ niệm chiến đấu bên nhau, nhắc lại những con đường, những xóm làng trong chiến tranh mà họ đã cùng nhau đi qua.

Anh hội viên mới, vừa nhìn thấy trung tá Đồng, liền chạy đến, nói lớn:

-Đại Bàng cũng có mặt ở đây nữa sao?

Trung tá Đồng liền giới thiệu với các sĩ quan trong nhóm:

-Các anh em, đây là đại úy Phúc, trưởng toán viễn thám của trung đoàn 2, sư đoàn 1. Hành quân Lam Sơn 719, đại úy Phúc là người vào Tchépone sớm nhất và đã dẫn bốn toán viễn thám ra khỏi Tchépone an toàn.

-Thưa anh em, vâng, chúng tôi vào Tchépone rất sớm, vì chúng tôi là viễn thám mà! Chúng tôi vào Tchépone trước ngày sáu tháng ba năm bảy mốt rồi sau đó thì đại bộ phận của ta mới vào. Khi tôi vào Tchépone, thì thị trấn Tchépone hoàn toàn bỏ ngõ, quân đội cộng sản rút ra khỏi Tchépone lâu rồi. Tôi linh cảm, mình bị trúng kế. Vô sớm và vào Tchépone sâu hơn ai hết, nhưng rất may được lịnh rút ra khỏi Tchépone sớm nhất. Chậm chân một tí là lãnh đủ. Chúng tôi rút ra khỏi Tchépone về hướng Bắc sau khi ở lại Tchépone hơn hai ngày. Vừa ra khỏi Tchépone vài ba cây số, cả rừng núi dưới chân chúng tôi rung chuyển. Pháo đài B52 đang trút cả căm hờn xuống đầu thù, diệt sạch Tchépone.

Nghe đến đây, nhiều anh em thật sự xúc động vì hành quân Lam Sơn gây tai hại cho anh em cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà nhiều quá. Đất nước ta mất mát nhiều quá. Hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam cả hai chiến tuyến đã bị pháo đài B52 cày nát trong lúc giao tranh.

Bất thần, trong đám anh em, có người vừa la lớn:

-Thôi dẹp cái chuyện Lam Sơn 719 đi, quí vị ơi, nhức đầu quá rồi!

Đại úy Phúc xoe tròn đôi mắt nhìn người vừa la lớn.

Trung tá Đống nhắc anh Phúc:

-Nhớ, anh đang tham gia buổi điều trị tâm thần tập thể, có tên là “Câu Lạc Bộ 309.81”. Đây là buổi điều trị do bác sĩ Đào Trọng Thể xây dựng để giúp anh em đến Mỹ theo diện H.O. Nhóm 309.81 là ước số quốc tế, để chỉ bịnh tâm thần Hội chứng Hậu chiến, nói theo tiếng Mỹ là “Hội chứng Tâm thần Sau Chấn thương và Stress” (Post Traumatic Stress Disorder Syndromes). Trong nhóm điều trị tập thể này có nhiều anh em mất phần nào khả năng tri thức, họ bị triệu chứng mê sảng và ác mộng.

-Vâng, anh Phúc trả lời, chính tôi cũng bị triệu chứng mê sảng trong lúc ngủ. Vừa chợp mắt là thấy ác mộng. Thức dậy, nhức đầu không làm sao ngủ lại được, thao thức mệt mỏi, chán chường. Vợ tôi bảo có đêm tôi thức dậy ngồi một mình, mở mắt thao láo nhìn vào bóng đêm. Có lúc tôi mê sảng, giãy dụa, đạp nhầm phải vợ. Nhiều lúc nhớ lại anh em nằm xuống cho tự do, dân chủ, độc lâp, mình cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi trong sự sống còn nhục nhã của mình. Nhiều lúc lên cơn giận dữ vô cớ, tánh tình nóng nảy bất thường, không sao kiềm chế được.

Hướng về các anh em, anh Phúc nói:

-Nhiều lúc tôi mất cả lòng tin ở tôi, mất cả lòng tin vào nền tảng đạo đức xã hội hiện tại. Trời, Phật, Thương Đế có thật không? Hay chỉ có con người gian ác? Người giết người. Người hành hạ đày ải người. Tại sao dân tộc ta triền miên đau khổ vì chiến tranh chống áp bức, chống xâm lăng. Tại sao cộng sản Việt Nam lại tù đày lao cải hàng triệu công dân Việt Nam yêu nước? Tại sao dân tộc ta chấp nhận nhiều thử thách đớn đau đến như vậy…?

-À… đó cũng là tâm thức chung của các anh em đây, Trung tá Đồng đỡ lời anh Phúc, vì chúng ta cùng có chung một quá khứ, ai cũng là nạn nhân của chiến tranh cả. Anh Phúc, tôi nói cho anh biết người vừa la lớn là sĩ quan trẻ nhất trong câu lạc bộ. Năm bảy lăm, anh ta là trung úy dù, anh ấy chuyển sang dù từ không quân…

Ngừng một chặp, Trung tá Đồng gọi người sĩ quan trẻ đó:

-Anh Cảnh, sao anh lại đau đầu lúc này? Anh có thể cho anh em biết anh gia nhập câu lạc bộ trong trường hợp nào?

-Tôi được giới thiệu gia nhập câu lạc bộ từ bịnh viện tâm thần Chicago Read.

-Nhưng làm sao người ta đưa anh vào Chicago Read?

-Tôi đã nói với các anh em, là đêm hôm đó tôi ngủ không được, đến hai giờ sáng mà vẫn còn nhức đầu ray rứt, nằm đứng không yên, đi lại trong phòng. Tết nhất đến nơi. Đất khách quê người, một thân một mình. Buồn! Buồn lắm! Nhớ lại hồi sáng hôm đó, đến văn phòng xã hội xin được tiếp tục trợ cấp xã hội, nghe nữ cán bộ xã hội người Mỹ phỏng vấn một phụ nữ Việt Nam. Bà ấy đang có thai nhưng không có chồng, không có job. Cũng như mình, bà ta đăng ký xin trợ cấp xã hội. Nghe nó hỏi bà ta những câu thật là mất dạy: “Mày nói thật cho tao nghe, mày ngủ với bao nhiêu thằng đàn ông rồi mày mới được cái thai đó?”.

Vừa nói dứt câu, anh Cảnh bất thần đứng dậy chỉ vào mặt thiếu tá Trường đang ngồi trước mặt, quát lớn bằng giọng Phú Cam - Huế:

-Mi là con đĩ… Mi khinh khi bạo ngược cư xử với người khác như là con đĩ, chính mi trước hết phải là con đĩ. Phải không các anh hỉ?

Người bạn ngồi bên cạnh anh Cảnh kéo anh ngồi xuống, hỏi nhỏ anh:

-Cô ấy nói tiếng Mỹ mà anh nghe cũng được sao?

-Ở đời nhiều cái bất công lắm, khốn nạn lắm, anh Cảnh nói. Năm bảy mươi tôi là sinh viên sĩ quan không quân, phi công. Thầy dạy tôi là các sĩ quan không quân Mỹ. Tôi bay với họ, học lái với họ, dĩ nhiên chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Mỹ, không một vấp váp. Năm bảy mốt, tôi được đi học khoá bổ túc lái trực thăng tại Clark Field - Phi Luật Tân. Trước bảy lăm, với các sĩ quan Mỹ, tôi nói tiếng Mỹ thế nào họ cũng nghe, cũng hiểu, đối đáp tường tận. Nhưng khi đến Mỹ với thân phận tỵ nạn, mình nói tiếng Mỹ chỉnh đốn cách mấy đi nữa cũng bị họ “quát”: What you say?! Đến Mỹ tôi biết trước, sau sáu tháng họ sẽ cắt trợ cấp xã hội, mình phải tự sanh nhai. Điều đó cũng đúng thôi, không ai có thể cõng mình mãi trên lưng, mình cũng không muốn ngồi mãi trên lưng ai hay sống bám vào ai. Đến Mỹ việc đầu tiên là tôi lo đi tìm job. Có công ăn việc làm mới hy vọng còn có ngày đứng lên chớ. Nhưng oái oăm thay, không ai chịu nhận tôi. Họ bảo tôi không biết tiếng Mỹ hay nói tiếng Mỹ ngọng. Có ông chủ nhà hàng ăn uống lên mặt thầy đời bảo tôi: “Mày về học tiếng Mỹ thêm vài ba năm nữa, rồi trở lại đây tao sát hạch, nếu được thì tao cố gắng vì nhân đạo cho một chân rửa chén để mà sống”.

Nghe nó nói thế tôi phát điên lên, quát thẳng vào mặt nó: “Ngày xưa trước bảy lăm tại Việt Nam, tao nói tiếng Mỹ thế nào đi nữa, những thằng sĩ quan Mỹ ngay cả cấp tá ngon lành hơn mày nhiều, đều biết và hiểu tao nói những gì, đều “Yes, Sir”. Bây giờ tao đến Mỹ, tao nói tiếng Mỹ đứa nào cũng vặn vẹo, cũng quát what you say, ngay cả những thằng cà bơ như mày…

Nó cũng không vừa gì, cũng điên tiết quát thẳng vào mặt tôi: “Ngày xưa tại Việt Nam tao cần mày. Bây giờ tao mướn mày có lợi gì cho tao? Tất cả chỉ vì lợi nhuận. Tại Việt Nam tao cần mày cũng vì lợi nhuận cho tao”. Thế là mộng rửa chén của tôi không thành.

Nói đến đây anh Cảnh dừng lại để thở… Rồi anh nói tiếp:

-Không phải chỉ vì sự việc đáng buồn sáng hôm đó đâu. Đêm hôm đó, lúc nào tôi cũng nghe tiếng gào thét của bọn Việt Cộng vây quanh nhà tôi lúc nửa đêm, hồi năm bảy sáu, sau khi tôi vượt khỏi nhà tù cải tạo ở Trảng Lớn: “Thằng giặc lái trốn về đây mau ra đầu hàng, nếu không thì đền tội. Đền tội bằng cái chết của mày chưa đủ đâu, nếu mày đầu hàng trễ”. Tôi nghe tiếng thét, tiếng gào như vậy suốt hơn ba tháng rồi, nhất là lúc chiều tối.

Tối hôm ấy, vì nhiều vấn đề dồn dập đến như vậy cho nên đến ba giờ sáng tôi vẫn không ngủ đựơc. Lúc đó tôi mắc tiểu, nên tự động mở cửa nhà ra đứng giữa đường xõng cu mà đái. Bỗng, đèn vàng chiếu thẳng vào mặt tôi, rồi đèn đỏ đèn xanh chớp nhoáng lia lịa, xe cứu thương hụ còi… Hình như một cánh tay nào đó trùm lên người tôi một cái mền ấm. Lúc đó thì tôi hết biết gì nữa… Khi tôi tỉnh dậy mở mắt ra, đã chín giờ sáng, tôi thấy bác sĩ Thể đứng bên cạnh giường tôi. Bác sĩ Trọng chào tôi và cho tôi hay là trong đêm qua tôi mê sảng chạy ra ngoài đường lúc nửa khuya, trần truồng dưới trời lạnh không độ F. Tôi được cảnh sát cấp cứu và tôi đang nằm tại bịnh viện tâm thần Chicago Read. Vài hôm sau bác sĩ Thể nhận tôi về đây. Ngày tôi trình diện bác sĩ Trọng tại đây đúng vào ngày mùng một Tết ta…

Có tiếng ai đó nói ở đầu bàn:

-Nghe sao giống anh Bằng vậy? Hình như anh Bằng cũng bị cảnh sát lượm lúc nửa đêm, chở anh vào nhà thương điên và cũng bác sĩ Trọng lãnh anh về đây phải không?

Bị hỏi bất ngờ trung úy Bằng có vẻ giận. Anh trả lời bằng giọng nói trầm trầm của người già miền biển. Anh sanh tại Hải Phòng:

-Thằng Vận, thằng bá vơ. Có ai đánh mày đâu mà mày đi nói chuyện riêng tư của người khác. Mày phải nhớ không ai có quyền tìm hiểu về tình trạng tâm thần của người khác, ngay cả quan toà cũng vậy, nếu không có giấy cho phép của chúng ta.

Đại úy Vận xin lỗi anh Bằng. Anh Bằng xem chừng nguôi ngoai và có vẻ cảm động:

-Trường hợp của tôi khác với anh Cảnh. Mỗi người một phần số riêng, không ai giống ai cả! Anh Cảnh là không quân và dù. Tôi thì ngược lại. Tôi là hải quân. Tôi là hạ sĩ quan, chuyên về cơ khí. Tôi là lính của công xưởng hải quân Việt Nam Cộng hoà tại Cầu Đá - Nha Trang. Năm sáu mốt, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm tôi được gửi đi tu nghiệp một năm tại công xưởng hải quân Mỹ, ở Philadelphia. Năm bảy lăm, tôi là trung úy. Cộng sản vì biết tôi có tu nghiệp tại Mỹ mà lại từ hạ sĩ quan ngoi lên trung úy, họ nghi tôi làm tình báo cho Mỹ. Cộng sản bắt tôi đi tù cải tạo tận ngoài Bắc - Quảng Ninh.

Tàu đổ chúng tôi xuống cảng Hải Phòng. Trong lúc chở đợi xe lửa bốc đi Quảng Ninh, tôi nhìn lại Hải Phòng, nơi chôn nhau cắt rốn, thiên đường của tuổi thơ, đã từng bị Mỹ dội bom và bắn phá, bây giờ đổ nát, cũ kỹ trông như một thành phố hoang phế. Nói thật với anh em, tôi khóc.

Sau tám năm đi tù cải tạo tận ngoài bắc, Quảng Ninh rồi Nghệ Tĩnh, Lý Bá Sơ, tôi về lại nhà tại Phước Hải - Nha Trang. Bấy giờ nhìn sự đổ nát của gia đình mình: vợ già hẳn đi, còm cõi, ngồi bán thuốc lá ở đầu hẻm. Còn con, đứa lớn đạp xích lô, đứa nhỏ chạy rong chôm chĩa, hay còng lưng trên chiếc bơm xe đạp mà kiếm cơm độ nhật. Người người ăn độn. Nhà nhà ăn độn. Đi ỉa đồng thấy toàn vỏ khoai tím đỏ. Đến năm chín hai, tôi biết mình được đi Mỹ theo diện H.O. như các anh. Lúc đó tôi vừa ngoài sáu mươi. Các con tôi đã có gia đình. Vợ chồng tôi đã có cháu nội, cháu ngoại. Vợ tôi thương con thuơng cháu, nhất định không chịu đi. Thằng Cả nhà tôi nó cũng khuyên tôi không nên đi. Nó tố giác cái tâm địa hắc ám của cộng sản: “Lại một lần nữa họ lợi dụng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà như một mặt hàng để trả giá với nhau! Tất cả chỉ vì lợi nhuận!”.

Trên hàng ghế phía sau, chợt có người giơ cao nắm đấm:

-Nói thật, lúc đó chúng ta ai cũng biết sự thật bỉ ổi là vậy. Nhưng ai cũng quyết bất cứ giá nào cũng phải thoát khỏi kềm kẹp của chuyên chính vô sản. Lúc ấy chúng ta đang sống thiếu dưỡng khí và người Mỹ mang bình dưỡng khí cấp cứu lại cho chúng ta đúng lúc. Chúng ta vô cùng nhớ ơn người Mỹ. Còn vấn đề chính phủ Mỹ và cộng sản làm ăn với nhau như thế nào trên số phận chúng ta, chúng ta không cần biết. Không có vấn đề luân lý hay đạo đức trong các hành vi chính trị. Lợi nhuận của họ là trên hết. Nghĩ cho cùng, sở dĩ chúng ta bỏ nước ra đi cũng chỉ vì chuyên chính vô sản. Chỉ vì tự do và dân chủ. Chúng ta cần một thể chế đa nguyên. Nếu người cộng sản Việt Nam biết giác ngộ, từ bỏ chuyên chính vô sản, chấp nhận một thể chế đa nguyên thì hay biết chừng nào, không phải riêng cho dân tộc mà cho cả bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam.

-Vâng, anh Bằng nói tiếp, lúc ấy thật sự tôi cũng lấn cấn chưa biết tính sao nhưng điều chắc chắn là phải ra đi. Cộng sản vùi dập tôi dữ dội quá, mỏi mòn quá rồi. Không chịu nổi nữa. Tôi thuộc diện đặc biệt: không những là ngụy quân mà còn là Bắc kỳ Công giáo di cư của Diệm. Tôi phải giãi bày cho cả gia đình tôi nghe, nhất là bà nhà tôi. Tôi qua Mỹ sau vài ba năm tôi sẽ về thăm nhà, thăm bà, thăm con cháu. Như ai cũng thấy, biết bao người vượt biên đã về thăm quê hương. Tôi cũng giữ lời hứa với vợ tôi, tôi cũng vừa về thăm bà hồi năm ngoái. .

Có điều khi đến Mỹ, cũng như anh Cảnh, sau sáu tháng nó cắt hết tiền trợ cấp xã hội và phiếu thực phẩm. Ban đầu, tôi cứ tưởng mình già, nó chỉ hăm he vậy thôi, đâu ngờ nó làm thiệt. Lúc đó tôi phải quơ quào kiếm ăn vì tôi chưa đầy sáu lăm tuổi. Tôi cực lực đi tìm việc làm nhưng không có người nào chịu mướn tôi, ngay cả công việc chùi nhà, rửa chén. Họ chê tôi già, không biết nói tiếng Mỹ.

Đến đây, thiếu tá Trần Sáu lên tiếng:

-Già như anh như tôi, dù cho mình có nói tiếng Mỹ hay đi nữa nó cũng không mướn. Nó hỏi những câu quái dị, những đòi hỏi phi lý, thái quá của kẻ thắng thế, của kẻ mạnh hơn, y như bọn cộng sản. Tôi xin việc chùi nhà, làm vệ sinh, nghĩa là lao công chùi cầu tiêu. Thằng Mỹ phỏng vấn nhìn tôi từ đầu đến chân, thiếu điều nó bảo mình nhe răng cho nó xem, như người ta xem răng bò răng ngựa vậy. Nó hỏi: “Mày sáu mươi rồi hả? Mày có bằng hành nghề lao công chùi nhà không?”. Các anh xem, câu hỏi vô lý chưa? Mình mới tới Mỹ chưa đầy sáu tháng, làm sao có bằng cấp hành nghề đươc. Y như thằng cộng sản, quản giáo của tôi hồi bảy chín, hỏi tôi: “Sao ông không chạy theo đế quốc Mỹ?”. Nó hỏi vô lý chưa. Bọn nó nhào vô nhanh quá, làm sao hạng mình chạy cho kịp. Mà Mỹ có bốc mình đâu mà chạy… Thằng Mỹ sau đó nói với tôi: “Mày không có bằng hành nghề, làm sao tao dám mướn mày”. Rồi nó ca tụng tôi nào là tao biết mày là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà, nào là mày đánh giặc hay, mày xứng đáng cái job tốt hơn. Nó cảm ơn tôi. Tôi ghê tởm cái lịch sự giả dối bề ngoài của tụi nó. Cái job chùi nhà, chùi cầu tiêu, rửa hố xí đâu có liên quan gì đến việc đánh giặc hay, đánh giặc dở. Đúng là thằng xỏ lá...

Và anh Trần Sáu đi đến kết luận:

-Mong các anh em thông cảm cảnh ngộ những người đến Mỹ tuổi trên sáu mươi như anh Bằng và tôi…

Anh Bằng nói tiếp:

-Vì thế tôi mới làm nghề tự do, đi lượm lon nhôm về bán lại, là bạn thân với những đống rác, cống rãnh. Thùng rác nào tôi cũng dí mũi vào. Cũng nhiều khó khăn lắm. Trên nước Mỹ này, cái lũ yêu nghề tự do như tôi không phải là ít. Nước Mỹ, nghề nào cũng có cạnh tranh cả. Có thế nước Mỹ mới tiến bộ. Cho nên nhiều hôm chỉ “đổi” được năm, bảy đồng, tháng nào cũng ăn đói, hụt tiền nhà làm phiền toái mấy người ở chung. Mùa Đông! Lại mùa Đông! Tôi đi lượm lon nhôm mù cả mắt mà chẳng được mấy cái. Trời lạnh căm căm đói lả người. Tôi không biết gì nữa, cứ đi như một phản xạ. Đến khi hoàn hồn thì thấy đã hai giờ sáng mà cũng không biết mình đang ở nơi đâu, đâm ra hoảng hốt, ngồi xuống vệ đường giữa trời khuya lạnh. Cảnh sát tưởng tôi là tên vô gia cư - homeless, nó nhào đến hỏi. Thấy tôi ú a ú ớ, nó tưởng tôi bịnh tâm thần và vô gia cư, cho nên đưa tôi vào nhà thương điên. Mấy hôm sau, bác sĩ Thể đến nhận tôi và đưa về đây. Vì thế mới gặp và biết các anh em hôm nay. Chuyện đó đã mấy năm rồi!

Nói đến đây anh Bằng mặt cúi xuống. Không ai dám hỏi anh ấy câu nào nữa…

Lúc này vừa có một nhóm anh em đến trễ. Trong nhóm này có anh Hậu. Anh Hậu nhìn ra anh hội viên mới là anh Quân. Anh Hậu hỏi:

-Sao qua trễ vậy?

Anh Hậu hỏi anh Quân bằng một giọng thân mật như người anh cả hỏi thằng em út. Rồi anh Hậu quay lại nói với anh em:

-Anh Quân đi học tập chung với tôi, ở cùng chung một trại với tôi từ Tân Hiệp ra Phú Quốc về Giao Long, chuyển sang Long Khánh, tất cả tám năm ba tháng chẳng rời nhau, đã từng ăn cháo cứt với nhau tại Phú Quốc!

Nói đến đây anh Hậu cười ngất:

-Đó là sự thật chứ không phải là chuyện thần tiên. Trung úy Quân là lính kiểng, truyền tin, bộ binh. Thật sự anh là một nghệ sĩ. Anh là nhà nặn tượng.

Có người hỏi anh Hậu và anh Quân:

-Các anh học tập cải tạo tại Phú Quốc, rồi các anh lại ăn cháo cứt, nghĩa là sao?

Tiếp sau đó, trung tá Đồng yêu cầu anh Hậu và anh Quân nói rõ thêm về việc các anh “ăn cháo cứt tại Phú Quốc”.

Anh Hậu nguyên là đại úy cảnh sát Sài Gòn, trưởng phòng Nghiên Cứu Tội Ác Cộng Sản. Anh sinh tại Sài Gòn. Anh học chưa xong cấp hai. Trước bảy lăm anh có tánh uống rượu. Anh uống rất đúng cữ. Mỗi ngày ba cữ. Mỗi cữ một xị. Anh được cái tánh xuề xoà, dễ dãi, cái gì cũng xa-va. Các thuộc cấp rất thích anh và họ gọi anh là anh Ba Xị. Mặc dầu là người lớn tuổi trong nhóm, nhưng tánh tình anh vui vẻ. Anh em trong nhóm có gì cũng thích bàn bạc với anh vì anh thẳng thắn không câu nệ, trừ phi khi anh lên cơn nhức đầu.

Anh Hậu nhắc lại chuyện cũ:

-Tôi gặp anh Quân tại Trung Tâm 3 Nhập Ngũ, vào ngày trình diện hai sáu tháng sáu bảy lăm, với khoảng ba ngàn anh em khác. Ở đó bốn ngày, sau khi thanh lọc, họ đưa khoảng hai ngàn người trong đó có chúng tôi lên Tân Hiệp - Biên Hoà. Ở Tân Hiệp được sáu tháng thì họ chuyển chúng tôi xuống bến Tân Cảng - Sài Gòn. Khi họ lùa cả ngàn người nhốt dưới hầm tàu, có thể nói anh em chúng tôi đã biết được “cay đắng mùi đời” từ lúc đó. Các anh có thể tưởng tượng mọi chuyện kỳ lạ, quái dị rùng rợn ở trên đời, các anh có giàu tưởng tượng như Sherlock Holmes đi nữa, cũng không thể tưởng tượng nổi cộng sản có thể nhồi bẹp cả mấy trăm người trong cái hầm tàu nhỏ như bàn tay của con tàu cũ kỹ, han rỉ mà hải quân ta chê, bỏ lại. Lúc đầu chúng tôi nghĩ, đây là vụ thủ tiêu tập thể, khỏi cần dùng đến hơi ngạt. Các anh có thể tưởng tượng mỗi người được bốn tấc vuông, ngước cổ lên là đụng phải nóc hầm tàu. Ăn cũng ở đó, ỉa đái cũng ở đó. Lon đựng nước đái cũng là lon đựng nước uống. Nói thật họ cũng để một dãy thùng phuy cho anh em đi ỉa. Ban đầu còn có người đi, nhưng sau không còn ai đi nữa, vì ai cũng đuối sức, lả người. Cộng sản bỏ mặc các thùng phuy ở đó. Có cái cứt đái tràn ngập, không ai đem đi đổ hay điều động người đi đổ. Chỉ có tám tiếng đồng hồ sau khi rời bến, hơi người ở dưới hầm tàu bay ra ngoài hiên, gặp gió mát biển biến thành hơi nước, nhỏ giọt ngay trên hiên cửa sổ của hầm tàu. Như vậy đủ biết trong hầm tàu oi bức đến chừng nào.

Ngày thứ hai, mình mẩy ai cũng dính cứt, cũng thối cứt, ai ai cũng cứt, đâu đâu cũng cứt. Ngay cả khẩu phần lương khô của Trung Quốc khi đến tay mình cũng bay mùi cứt. Dòi bò trên khắp người, trong tóc, sợ nhất nó chui vào lỗ tai. Khó thở, ngột ngạt, ngất xỉu...

Không ai cứu ai được. Cộng sản dĩ nhiên lờ đi. Nhưng có một điều cộng sản không ngờ được, là sức chịu đựng của anh em ta rất phi thường. Sau ba ngày hai đêm chúng tôi vẫn sống nhăn. Người cộng sản Việt Nam cư xử với anh em tệ quá, dã man quá, không chút tình người. Đúng năm giờ chiều thứ ba thì tàu cập bến. Anh em hải quân trong đám, nhận ra ngay đó là đảo Phú Quốc. Chúng tôi được lệnh tẩy uế. Tàu vừa há mồm là chúng tôi nhào đại xuống biển chẳng kể cạn sâu. Sau đó họ đem các thùng phuy đựng cứt và nước đái trong các ngày qua xuống biển rửa qua loa. Ngay chiều tối hôm đó họ nấu cháo. Họ mang cháo nóng đổ vào thùng phuy đó, có thùng còn dính cứt, cho chúng tôi ăn. Lúc đầu tôi với Quân hai thằng không thấy đói, không ăn. Nhưng sau rồi cũng phải ăn. Bát cháo chúng tôi là cháo đáy thùng, cháo đứa nào cũng lợn cợn cứt.

Đại để “ăn cháo cứt tại Phú Quốc” là vậy.

Có người hỏi:

-Các anh ở Phú Quốc bao lâu? Công an hay bộ đội quản giáo các anh?

Anh Quân nói:

-Cái may mắn của chúng tôi ở Phú Quốc là do bộ đội quản giáo. Dù sao cũng là lính với nhau, họ không hắc ám như công an. Như các anh biết, đảo Phú Quốc là một đảo lớn trong nhiều đảo của tỉnh Kiên Giang. Đảo này có nguồn lợi về hải sản, cá cơm, cá mòi. Nước mắm Phú Quốc rất nổi tiếng. Trong lòng đất của đảo Phú Quốc có mỏ đá đen huyền làm đồ trang sức rất đẹp. Rừng Phú Quốc còn có gỗ dênh, chịu được nước mặn và hà, thích hợp cho việc đóng tàu bè đi biển. Vì loại gỗ này mà trong lúc chúng tôi đi tù cải tạo tại Phú Quốc xảy ra một chuyện buồn cười ra nước mắt như sau…

Ngừng một chặp, như để mọi lại trong trí nhớ của mình, anh Quân tiếp tục:

-Chúng tôi ở Phú Quốc bảy tháng, lao động chiếu lệ… Đất hẹp, người đông, vì ngoài chúng tôi còn có một sư đoàn quản giáo. Đến tháng thứ năm thì có một tai biến xảy ra. Vào khoảng xế chiều, chúng tôi đang ngồi trong lều học tập chính trị, thì nghe tiếng chửi thề oang oang. Nhìn ra thấy hai anh bộ đội cộng sản đang khiêng một ông bạn ngụy của ta trên cáng cứu thương. Hai anh bộ đội vừa khiêng vừa chạy cho nhanh, không muốn cho ai nghe ông sĩ quan ngụy chửi, vì anh ấy chửi độc địa lắm. Anh gọi Hồ Chí Minh là thằng cộng sản ác ôn, sát hại đồng bào; Ngô Đình Diệm là thằng độc tài, anh ta còn chua thêm tiếng Tây là dépotiste absurd. Anh gọi Nixon - Kissinger là tội phạm chiến tranh ác ôn nhất của loài người. Một anh sĩ quan cộng sản đi bên cạnh chiếc cáng cốt giữ anh sĩ quan ngụy nằm im, đừng nhảy ra khỏi cáng. Anh sĩ quan cộng sản giận dữ hỏi:

-Anh chửi lắm thế? Ai anh cũng chửi! Anh chửi Bác, chửi Ngô Đình Diệm, chửi Nixon, chửi Kissinger, tại sao anh không chửi bọn Thiệu Kỳ Khiêm?

-Bọn Thiệu Kỳ Khiêm, hả? Ông sĩ quan ngụy vặn lại. Bọn đó là bọn Việt gian, tay sai hạng bét của Nixon, không xứng đáng được chửi.

Việc đó xảy ra chớp nhoáng không đầy mười phút mà sau đó thành đề tài cho chúng tôi âm thầm lo lắng cả tháng. Anh ấy chửi Hồ Chí Minh độc địa quá, sợ tánh mạng anh ấy không an toàn. Ngay chiều tối hôm ấy, cán bộ quản giáo tập hợp anh em chúng tôi và cho hay là anh ấy cùng năm anh em khác đi lao động đốn gỗ dênh theo yêu cầu của lãnh đạo. Trong lúc hạ cây dênh, các anh sơ ý, bị cây dênh ngã đè, khiến một anh gẫy kín xương đùi. Mặc dầu được bất động ngay khi cấp cứu để cho nạn nhân bớt đau, nhưng khi di chuyển thì nạn nhân đau ghê lắm, có người ngất xỉu, hoặc la hoảng, chửi rủa.

Anh Hậu giải thích:

-Khi chuyện đó xảy ra tôi không hay biết gì hết vì lúc đó chúng tôi đi kiếm củi cùng các anh em khác. Chiều tối về, tôi nghe cán bộ quản giáo nói mới hay. Mãi về sau này tôi mới biết người bị gãy kín xương đùi là thằng Chiến, trung úy cảnh sát đặc biệt Sài Gòn - Chợ Lớn. Có thời nó về làm việc với tôi trước bảy lăm. Nó là thuộc cấp cũ của tôi. Hồi ấy tôi cũng lo tánh mạng của nó thật. Thằng đó chửi ẩu.

Không muốn dài dòng thêm nói về chuyện trên, anh Hậu kể tiếp:

-Ở Phú Quốc bảy tháng, rồi họ chuyển chúng tôi về Long Giao (Đắc Lộ). Chúng tôi ở Long Giao mười tám tháng. Ở Long Giao chúng tôi làm ruộng, phá rừng làm rẫy. Sau cùng, họ chuyển chúng tôi về Giá Rây - Long Khánh. Đến năm tám ba, hai thằng chúng tôi được lệnh tha. Tại Giá Rây, công an quản giáo hắc ám hết chịu nổi.

Năm tám hai, vào khoảng tháng năm, trời nóng, lúc xế chiều, sau giờ lao động, anh em xuống lạch nước sông tắm rửa. Tôi mò bắt được một ít vọp (sò) khá lớn. Tôi mải mê bắt vọp, công an gọi tập hợp tôi đến trễ. Thằng công an tay cầm đòn gánh, nó bảo tôi có ý trốn trại, dùng đòn gánh đánh tôi. Tôi tức quá, đánh lại nó. Thằng công an kinh hãi, ngạc nhiên vì tôi dám đánh lại. Hơn nữa tôi có võ, trên cơ nó, tôi tước cây đòn gánh của nó vụt thật xa, rồi đánh nó bằng tay. Tôi đánh nó sưng mặt, bầm tím con mắt trái. Bọn công an nhào vô bốn, năm thằng, đè tôi xuống, lột hết quần áo, buộc tay buộc chân khiêng tôi nhét vào connex. Tôi phản kháng, tôi chửi bọn nó là quân thô bạo, thú vật, vô luân, và bảo tụi nó: “Bắn tao chết đi. Tao không muốn sống dưới sự áp bức của tụi mày nữa”. Bọn công an không nói gì hết, tiếp tục nhét tôi vào connex. Tụi nó bảo “nhốt truồng” cho đáng tội.

Tôi bị nhốt truồng hai mươi tám ngày trong connex. Không tắm rửa, ăn uống, đái, ỉa gì cũng trong connex. Connex làm bằng kim loại, dùng để tải tiếp liệu vũ khí của Mỹ. Mỹ bỏ lại, được Việt Cộng tận dụng trong nhiều việc khác nhau. Cộng sản thích nhất là dùng nó như là xà lim nhốt tù cải tạo trong trường hợp như tôi. Connex có nhiều cỡ khác nhau. Cái connex nhốt tôi thuộc loại trung bình: bề cao khoảng một mét rưỡi, chiều ngang khoảng hai mét và dài khoảng hai mét rưỡi. Phía dưới cách mặt đất khoảng ba tấc, họ đục hai lỗ lớn bằng bàn tay để đưa cơm nước vào và cũng để đổ phân và nước tiểu ra ngoài. Phía trên họ đục một hàng lỗ nhỏ có đường kính bằng một, hai phân cho thoáng, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi lầm. Chính từ hàng lỗ ấy mà ban đêm muỗi đánh hơi người nhào vô, đốt tôi nát người, thành sẹo chai tím đen, dày như bịnh sởi. Khi ngồi trong connex tôi tự an ủi mình, so với những ngày sống dưới hầm tàu trên đường ra Phú Quốc hồi bảy lăm, connex vẫn là thiên đường. Sống trong connex, ngày thì nóng hơn hoả lò, đêm thì lạnh. Mình mẩy bị muỗi cắn sần sùi đen đúa trông không giống ai. Đói khát, nhớp nhúa, sức khỏe hao gầy, nghĩ tới hai mươi tám ngày và đêm dài hơn thề kỷ. Nhiều lúc xuống tinh thần, muốn đập đầu vào connex mà tự vận. Nhưng nghĩ lại, mình chết ai nuôi vợ con mình. Với lại nếu mình đập đầu vào connex mà chết tức là mình làm theo ý họ muốn, theo quỉ kế của họ. Nên lại thôi.

Tôi có chuyện này muốn nói cho anh em nghe. Có buổi xế chiều, trong connex, trời nóng thật nóng, mệt lả người, cứ tưởng mình hết nhuệ khí, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tự nhiên tôi thấy trong cơn mơ sảng khoái lạ thường. Có cái gì châm chích ở đầu dương vật. Tôi tỉnh dậy, thấy dương vật mình cương cứng lên và đang bắn tinh một cách sảng khoái cao tận nóc connex. Nhìn kỹ, lúc đó trên đầu dương vật có một chú muỗi đỏ tươi đang say mê hút máu. Tôi nhớ lại câu chuyện của ông giáo Trần Văn Hương. Nghĩ mà thương ông cụ. Cũng giống mình, ông đứng đầu danh sách nhóm Caravelle phản đối cụ Ngô độc tài gia đình trị, nên bị cụ Ngô bỏ tù. Ở trong tù, uất hận, cụ giáo Hương có viết câu thơ tự thán lưu lại cho hậu thế: “Ngồi tù gãi háng dái lăn tăn”… Không ngờ trong hoàn cảnh bi thương cùng cực dưới sự áp bức của chuyên chính vô sản và bị một con muỗi hút máu như vậy, lại có thể làm cho tôi cao hứng đến thế…

Nghe tới đây các anh em đều cười rộ lên.

Có người hỏi:

-Sau đó đúng hai tám ngày, bọn nó có thả anh ra không?

-Đúng hai tám ngày sau, họ thả tôi ra khỏi connex. Các anh em mình, có cả anh Quân đến dìu tôi đi. Sau hai tám ngày ngồi bó gối, đói khát, tôi đi không vững, lạng quạng. Nhiều anh em không nhìn ra tôi vì tôi ốm teo, da như da cóc, muỗi đốt sần sùi. Chính anh Quân và một vài anh em khác tắm rửa, kì cọ và mặc lại quần áo cho tôi. Sau khi về trại bồi dưỡng được một ngày, tôi phải ra hầu toà xét xử vì tôi dám đánh cán bộ quản giáo. Chủ toạ phiên toà là ông phó trưởng trại. Dĩ nhiên là tôi có lỗi và phải biết ăn năn, hối cải và tự nguyện không bao giờ dám tái phạm. Tội phạt nhốt trong xà lim connex hai tám ngày, và do tôi đã thi hành bản án, nên cho về trại!

Chủ toạ phiên toà cũng không quên nhắc tôi: “Hãy tập trung lao động tốt thì cũng có ngày được lệnh tha”.

Đúng vậy, sau đó, giáp đúng một năm tôi được lệnh tha.

Cũng như ai, giấy lệnh tha ghi rõ: “Học tập cải tạo tốt”. Họ quên tội trạng “đánh cán bộ quản giáo” của tôi.

Về nhà, tôi bị bọn công an địa phương, phường khóm quản chế cay nghiệt. Nhìn vợ con đói quá, nhưng không biết làm sao được. Hai năm sau, vừa được xả chế, tôi liều, nhảy ra bán chợ trời kiếm chác để nuôi vợ con.

Tôi gặp mấy thằng đệ tử cũ không phải đi tù cải tạo, ở nhà mánh mung làm ăn, tụi nó chỉ đường-đi-nước-bước cho tôi sống.

Trong việc bán chợ trời, tôi mới tiếp xúc với họ với đồng bào, với con buôn, tôi mới biết được bộ mặt thật sự của mấy ông cách mạng.

Họ cũng vật chất, cũng ăn cắp đồ trong cửa hàng quốc doanh, hợp tác xã ra đưa cho chúng tôi bán chia lời.

Những tên này rất thực tế, không hề phân biệt cách mạng và ngụy, tiền đô thơm hơn tiền Bác Hồ! Nhiều lúc thấy mấy ông cách mạng Bắc Kỳ đứng trả giá một cô gái điếm Sài Gòn giữa chợ trời mà tôi tởm! Chẳng khác gì những thằng lính Tây của thuở xa xưa…

Một hôm, vào khoảng sau mười hai giờ trưa, tôi tìm đến quán cóc, sau Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn cũ, kiếm tí gì lót lòng. Tôi kêu một tô bún ốc ngồi nhâm nhi với đế, hút một điếu thuốc lá thơm Sài Gòn, và tự cảm thấy mình còn một tí phong lưu. Chợt, một tên chân đi khập khiễng đến kéo ghế ngồi chung bàn, đối diện với tôi, đầu đội mũ casquette, kéo sụp xuống theo kiểu Anh Ba Hà Nội. Nó cũng ăn bún ốc. Nghe nó húp xì xà xì xụp theo kiểu nông dân mà phát giận. Tôi nép đầu sát mặt bàn, cố nhìn cho ra mặt nó, vì tôi nghĩ nó là thằng cớm nào đó đang theo dõi tôi.

Đột nhiên, tôi nghe nó hỏi tôi:

-Anh Ba! Anh quên thằng em này rồi hả?

Tôi giật mình nhìn kỹ, vụt la lớn:

-Mày! Thằng Chiến? Mày còn mạnh giỏi sao? Tụi nó thả mày sao? Mày về hồi nào?

Nó rất thản nhiên trả lời:

-Không ai thả ai hết. Tại hồi hôm anh xỉn sớm quá, mới một xị mà anh quệnh quạng, cho nên anh em bảo thằng Út chở anh về.

-Ừ, dạo này tao cũng già rồi. Yếu quá rồi…

-Tụi này ngồi lại tiếp tục, đến khuya mới tan hàng…

Lúc đó tôi mới nhìn chung quanh, và giật mình: chung quanh chúng tôi có rất nhiều công an chìm. Sau đó, nó cho tôi hay là nó được lệnh tha vì thuộc diện sức khỏe, từ năm tám mươi!

Và anh Hầu kết luận:

-Cũng lạ, phải không các anh?

Anh Đạt chăm chú nghe anh Hầu kể chuyện. Có lúc anh cười thích thú. Có lúc anh nhăn mặt bất mãn. Anh Hầu vừa dứt câu chuyện, anh Đạt đặt ngay vấn đề:

-Các anh có biết đi học tập cải tạo như các anh theo diện ngụy quân ngụy quyền, có qui chế hẳn hoi, sướng hơn anh em chúng tôi nhiều. Đánh cán bộ quản giáo mà vẫn được lệnh tha! Chửi Hồ Chí Minh mà vẫn sống nhăn răng! Các anh chưa qua các cửa ngục: Sở Công An đô thành, đề lao Gia Định, Khám Lớn Chí Hoà… Các anh chưa thấm nhuần đạo lý cộng sản…

Hướng về các anh em, anh Đạt tiếp tục:

-Nếu các anh em đã một lần kinh qua khám lớn Chí Hoà thì không bao giờ các anh có thể kể chuyện tội ác của thằng cộng sản với giọng khôi hài lãng mạn được. Ở khám lớn Chí Hoà có một lằn mức rõ ràng: thằng tù và cai ngục.

Thằng tù ở đây đủ loại. Nói theo giáo sư Vương Hổng Sển, nó là “Sài Gòn-Tạp-pí-lù”: Đạo tặc, sát nhân, thường phạm, hình sự, chính trị phạm, cũ có, mới có… Hình như “Nội các của ông Cẩn” mới toanh cũng được bợ vào đây hết, trừ những tên co giò chạy thoát vào giờ thứ hai lăm, với điều kiện được Chú Sam bốc. Thiên chúa cũng như Phật giáo đều có đại diện ở đây. Sau biến cố ngày một tháng tư năm bảy sáu, vụ nổ tại công trường Duy Tân trước Viện Đại Học Sài Gòn, các ông văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ…, hàng hàng lớp lớp đi vào khám lớn Chí Hoà. Văn nghệ miền Nam có lắm thứ: văn nghệ biệt kích, văn nghê đặc công, văn nghệ quốc gia… Các nhà xuất bản, các nhà báo, các trí thức Phật giáo, Thiên chúa giáo, cũng tuần tự đi vào... Oái oăm thay, mấy đời giám đốc Khám Lớn Chí Hoà đều có mặt. Nghiệp báo vay trả, trả vay...

Vào một buổi sáng, đúng mười một giờ trưa, chúng tôi được điều động ra cái sân rộng của khám Chí Hoà với sân khấu được trang trí cẩn thận và uy nghiêm. Cán bộ chấp pháp, trưởng trại của chúng tôi xuất hiện, đứng trên bục, nói lớn:

-Trong chốc lát, các anh sẽ nghe đồng chí chính ủy nói về đường lối và chính sách của Đảng, của Chính phủ cách mạng đối với các anh.

Một lát sau, tên chính ủy đến cùng một đoàn tùy tùng: cần vụ, trợ lý, bảo vệ… Hắn mặc đồ dạ, áo đại cán bốn túi. Trên ngực đầy những huy chương. Hắn xuất hiện, đứng trên bục cao, mặt đanh lại, lạnh như máu cá. Cái cằm của hắn kéo ngược lên, cái vành nón cối của hắn phía trước kéo chúi xuống tận chân mày. Hắn nhìn chúng tôi với đôi mắt nheo lại, chẳng khác nào một tên phát-xít Đức nhìn lũ Do Thái trong các trại tập trung.

Nó hất hàm, lớn giọng:

-Các anh là những binh lính ngụy, những viên chức ngụy, nghĩa là ngụy quân và ngụy quyền!

Lặp lại hai chữ ngụy quân và ngụy quyền, mặt anh Đạt tái lại. Anh quát lớn:

-Ông là Ngụy… Ông là Ngụy… Biết rồi! Khổ lắm!

Đoạn anh cười chua chát, tiếp tục:

-Rồi nó bảo: Nào các anh đưa tay phải lên! Đưa cao lên! Cao lên nữa... Các anh tự xoa tóc mình bằng tay phải... Các anh có thấy gì không?.. Nhất định là có... Phải không?.. Cái đầu của các anh. Sở dĩ cái đầu của các anh còn đó là nhờ sự khoan hồng của đảng và của nhà nước cách mạng… Tội của các anh đúng ra phải chém đầu…

Trong phòng họp vang lên tiếng “Ồ”. Có người nói lớn:

-Nó chơi cha thiệt.

Anh Đạt mặt căng ra, chăm bẳm nhìn vào mặt mọi người đối diện, quát lớn:

-Tao mà biết trước đến nước này thi tao đã không tha tụi mày đâu. Nếu toàn thể quân đội Việt Nam Cộng Hoà quyết tâm mỗi viên đạn là một thằng Việt Cộng, đụng trận là cứ nhắm thẳng vào đầu tụi mày mà bắn, thì chính mày cũng đi đứt từ lâu rồi. Bọn mày một lũ ăn cháo đái bát. Biết bao nhiêu bà mẹ miền Nam trải thân ôm bọn mày vào lòng, nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở… Bọn mày lợi dụng lòng yêu nước của họ mà hưởng thụ, sanh con, đẻ cái… Bây giờ bọn mày gọi họ là ngụy: Mẹ ngụy! Vợ ngụy!

Anh vụt đứng dậy, thộp cổ thiếu tá Dũng:

-Tao không khoan nhượng nữa đâu… Quân lạc hậu của loài người, giờ mà còn cai trị đất nước bằng chuyên chính vô sản.

Hai anh ngồi bên cạnh liền kéo anh Đạt ngồi xuống. Anh Đạt giơ tay bưng mặt khóc. Thiếu tá Dũng cũng trào nước mắt, đưa hai bàn tay nắm chặt bàn tay anh Đạt...

Ngoài trời, Chicago vắng lặng. Một vài mảng tuyết còn đọng lại trên nóc phố, như dấu hiệu của mùa đông sắp tàn.

Có ai ở cuối nhóm nói lớn:

-Đâu có phải đến đó là hết. Tên chính ủy còn bảo: Khi các anh làm tờ tự thú, các anh phải nhớ kê khai kỹ lý lịch, đừng khai man. Các anh phải thật thà, thành khẩn. Tôi cho các anh biết, cách mạng và Đảng có cái nhìn thấu suốt cả tam đại, tứ đại của các anh. Các anh có biết những chỉ thị cơ mật của Thiệu đều lọt vào tay của Nguyễn Văn Ngạn? Sau đó nó lại hỏi: Các anh có biết Nguyễn Văn Ngạn là ai không?... Rồi nó tự trả lời: Nguyễn Văn Ngạn là cố vấn thân cận của Nguyễn Văn Thiệu…

Nghe anh Đạt kể, trung tá Đồng không nén được bực tức, anh nói giọng giận dữ:

-Thằng chính ủy nói dóc, nói dối, nói lấy được! Lúc đó tôi cũng tin nó thật. Vì có một thời Nguyễn Văn Ngạn làm cố vấn cho xừ Thiệu. Nhưng sau đó chính Mỹ tố cáo Ngạn là cộng sản nằm vùng. Mẹ, ai mà hiểu nổi mấy thằng Mỹ. Thiệu phải sa thải Ngạn, cho nó đi tù ở Chí Hoà. Tháng chạp năm ngoái, sau khi qua Mỹ được mười một tháng, tôi và Đạt gặp Dục, em thúc bá của Nguyễn Văn Ngạn ở khu chợ Argyle - Chicago. Chúng tôi cứ tưởng Ngạn đang béo bở tại Việt Nam cùng bọn cộng sản. Nhưng tên Dục cho biết là Ngạn sổng chuồng khám lớn Chí Hoà vào ngày hai tám tháng tư bảy lăm, sau đó được Mỹ bốc đi.

Có lẽ vào thời điểm mà tên chính ủy nói về Nguyễn Văn Ngạn với chúng ta trong khám lớn Chí Hoà, lúc đó có thể Nguyễn Văn Ngạn đang rảo bước trên đường phố thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hay cũng như chúng ta, hắn cũng đang sống chui nhủi một góc nào đó trên nước Mỹ này. Ai mà biết được. Chính trị, chiến tranh, khốn nạn… Chúng ta là một lũ nạn nhân bi thảm. Chúng ta đã oán trách cha anh của chúng ta để lại cho chúng ta một quê hương nô lệ, nghèo đói, rách nát… Bây giờ, đến chúng ta, chúng ta không để lại được gì cho con em chúng ta, ngay cả một quê hương rách nát. Chúng ta đã đánh mất cả tổ quốc quê hương! Con em của chúng ta, theo cha mẹ lưu vong tại hải ngoại là những đứa trẻ mất nước, mất niềm tin với tổ quốc, mất niềm kiêu hãnh là dân tộc Việt Nam. Chúng ta chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự mất mát to lớn đó. Làm sao chúng ta có thể cứu chữa tội lỗi ấy trước cộng đồng Việt Nam, trước lịch sử dân tộc?

Trung tá Đồng chán nản, đứng dậy sửa soạn ra về. Vừa đẩy ghế vào, anh vừa nói:

-Khi chúng ta ở trong trại tù đày lao cải của cộng sản hay chúng ta đang lầm lũi sống ở đất nước người, ít ra cũng có một lần chúng ta tự hỏi: Chúng ta là ai? Chúng ta là những người chân chính yêu nước? Chúng ta bị phản bội? Chúng ta bị lừa gạt? Hay thực sự chúng ta chỉ là những tên nô lệ? Chúng ta chỉ là những tên lính đánh thuê phi dân tộc? Hiện tại chúng ta sống ở đất nước người với những ràng buộc nào? Với những lý do gì? Hỡi những người cộng sản Việt Nam, các anh nhân danh ai? Các anh nhân danh những gì? Các anh tù đày lao cải hàng triệu người yêu nước. Các anh vùi dập biết bao sanh linh. Sau hơn hai mươi năm các anh vẫn chưa giác ngộ... Cả thế giới, cả đất nước, và cả chúng tôi đang chờ đợi, còn các anh vẫn chưa có lời tự thú...

Trung tá Đồng ngừng lại một chặp, nhìn các anh em và nói:

-Hiện tại chúng ta sống trên nước Mỹ như là những người tỵ nạn chính trị. Người Mỹ có nhìn chúng ta như vậy không? Hay chúng ta chỉ là những con số, những con số nghèo đói như những con số nghèo đói khác ở các quốc gia châu Phi, châu Mỹ La tinh? Hay chúng ta chỉ là những công cụ, những công cụ quá date, ở vào thời kỳ phế thải, đáng được thương hại, cần được cứu tế vì nhân đạo? Ngay cả tên chính ủy, nó có bao giờ đặt những câu hỏi như vậy cho bản thân không? Nó chỉ nói như con vẹt. Nó chỉ nói những gì Đảng Cộng sản cho phép và dạy cho nó nói. Cũng như chúng ta, nó bị gọt dũa và bức bách không biết bao nhiêu lần ở những khoá chỉnh huấn. Những huy chương hào nhoáng mang trên ngực tên chính ủy không có huy chương nào mà không xây trên điếm nhục…

Buổi họp kết thúc, anh em ra về.

Trọng ngồi lại trễ.

Ngoài trời lạnh, đêm xuống thấp dần.

Nhìn lên tường, anh thấy tờ lịch hôm nay đúng ngày ba mươi tháng Tư.

Anh đến cửa sổ nhìn xuống đường, thấy em bé da đen bị lạnh, chạy đến ôm chân mẹ. Người mẹ da đen nghèo khó vén vội vạt áo choàng lên, để em bé chui vào. Bà mẹ cố tìm cách phủ con cho ấm.

Anh nhớ đến mẹ anh. Năm nay Bà chín mươi hai tuổi. Bà đang sống những ngày khốn khó tại quê nhà, Phan Rang…

Anh yêu Bà vô hạn. Anh yêu quê hương tổ quốc. Anh yêu thôn Hà Thanh, xóm Động nhỏ bé khô cằn nằm bên đê sông Dinh - Phan Rang, nơi chôn nhau cắt rún… Có những đêm chiến tranh, những ngày hoà bình, những buổi sáng đầu thôn buổi chiều cuối bãi…

Giờ này mẹ anh đang thức giấc. Ngày vừa lên bên ấy, đêm đang xuống bên này…

Bà lại bắt đầu một ngày hiu quạnh, mong ngóng con về...

Chicago.May.1997